Tưởng Niệm Nhà Chí Sĩ Nguyễn Văn Hoàng (18-10-1947 – 31-5-1983) – Lê Minh Nguyên
Anh Nguyễn Văn Hoàng tự Nguyễn Chính Nghĩa sinh tại Biên Hoà trong một gia đình nghèo có 8 anh em mà anh Hoàng là anh cả. Anh có một vợ ba con và cha mẹ già cần phụng dưỡng.
Khi còn học tiểu học, anh vừa đi học anh vừa đi bán quà vặt để giúp gia đình. Khi học trung học, anh là học sinh xuất sắc của trường Trung Học Ngô Quyền, Biên Hoà và được giải thưởng danh dự của Tổng Thống VNCH trao tặng.
Khi xong tú tài toàn phần, anh học Đại Học Khoa Học Sài Gòn, đến năm thứ ba anh được học bổng chính phủ để đi học ngành hoá học ở Algeria. Nhưng vì có cha mẹ già cần phụng dưỡng, và các con trong gia đình cần cha dạy dỗ, nên anh bỏ dở chương trình du học này để thi vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Ban Tham Sự khoá 4.
Trong khi học QGHC, anh còn học thêm tại Đại Học Luật Khoa Sài Gòn ban Tư Pháp. Anh tốt nghiệp QGHC năm 1969 và được bổ nhiệm làm việc ở Ty Thuế Vụ Quận I thuộc Tổng Nha Thuế Vụ.
Cuối năm 1969, thi hành lệnh động viên, anh nhập ngũ khoá 2/1969 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức và sau đó về làm việc ở Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH. Hai năm sau, anh được biệt phái về Tổng Nha Thuế Vụ và làm Trưởng Phòng Thuế Vụ Quận Gò Vấp – Lê Minh Nguyên biết anh ở đây khi về làm việc dưới quyền anh.
Ban đêm anh đi làm bán thời gian trong vai trò giáo sư phụ khảo cho trường Cao Đẳng Thương Mãi Minh Trí. Chức vụ sau cùng của anh là Trung Uý Quân Lực VNCH được biệt phái về Tổng Nha Thuế Vụ và được bổ nhiệm làm Phó Ty Thuế Vụ Tỉnh Gia Định.
Trong thời gian anh làm Trưởng Phòng Thuế Vụ Quận Gò Vấp, Lê Minh Nguyên có mời anh và hai nhân viên khác tham gia Đảng Tân Đại Việt do GS Nguyễn Ngọc Huy lãnh đạo. Anh trực thuộc Biệt Bộ Lê Trí Vị, một biệt bộ công chức của TĐV.
Anh tốt nghiệp cử nhân ban tư pháp trường Đại Học Luật Khoa SG vào năm mà GS Nguyễn Văn Ngôn làm Chánh Chủ Khảo. GS Ngôn là cố vấn của Tổng Đoàn Sinh Viên Cấp Tiến và là ca sĩ bài Đường Xưa Lối Cũ của Tổng Đoàn khi có sinh hoạt văn nghệ.
Sau ngày 30/4/1975 anh bị đi tù tại trại 15-NV ở Long Thành. Đến tháng 11/1975 vì CSVN bị lúng túng trong vấn đề thiếu chuyên viên thuế vụ phụ trách việc thu thuế ở Miền Nam nên anh được tha nhưng bị quản chế 6 tháng để làm việc cho họ trong lãnh vực chuyên môn này.
Sau 6 tháng anh xin nghỉ việc và đứng ra thành lập Tổ Hợp Nông Sản, nhưng đó chỉ là mặt nổi bên ngoài, bên trong là tổ chức chính trị có tên là Binh Đoàn Lê Văn Duyệt. Đến tháng 10/1977 anh bị bắt, nhưng đến tháng 3/1978 anh được thả ra vì CS không khai thác được gì.
Ra tù anh tiếp tục hoạt động ngấm ngầm cho đến ngày 4/2/1979 tức vào ngày mùng 4 Tết Kỷ Mùi, anh cùng một số bạn bè thành lập tổ chức kháng chiến có tên là Mặt Trận Tự Do Cứu Quốc Việt Nam, có cơ sở chính tại Sài Gòn và chính anh là chủ tịch. Mặt Trận này có địa bàn hoạt động từ miền Đông qua chiến hữu Trần Quang Mẫn, cho đến miền Tây qua chiến hữu Nguyễn Văn An ở vùng Long Xuyên, Rạch Giá.
Ngày 27/4/1979, trên đường về chiến khu miền Tây, anh và các chiến hữu bị bắt, do sự phản bội của một người trong tổ chức có tên là Nguyễn Hải Đăng chỉ điểm.
Ngày 11/8/1981 anh bị toà Sơ Thẩm Nhân Dân CSVN tại Sài Gòn kết án tù chung thân. Trước toà anh hiên ngang và dũng cảm đối đáp với chánh án, gọi họ và nhà cầm quyền Hà Nội là tay sai bán nước, đưa nhân dân vào cảnh bần cùng đói rách, bóp nghẹt tự do dân chủ. Lúc quá căm phẩn, anh đã bất thần hô to “Đả đảo Cộng Sản! Đả đảo Hồ Chí Minh!” ngay trước phiên toà.
Bị sỉ nhục quá bất ngờ, CS liền dùng bán súng đánh anh quỵ ngay tại chỗ. Sau đó họ xin lệnh Hà Nội để lập phiên toà khác xử lại.
Ngày 27/5/1983 cả ba anh đều bị kết án tử hình. Trước đó, các bạn bè ở Âu Châu liên lạc với Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế tại Luân Đôn qua văn thư số UA234/82 ngày 7/10/1982 để can thiệp và xin ân xá, nhưng CSVN không đáp ứng.
Ngày 31/5/1983, chỉ 4 ngày sau khi kết án, lúc 9:00AM sáng, CSVN đem anh Hoàng và anh Mẫn ra xử bắn tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, riêng anh An thì bị họ đánh chết trong tù.
Chị Trần Mỹ Hường, vợ anh Hoàng, phải vội vã chạy lo lót tiền cho bọn cai ngục để được nhìn mặt chồng lần cuối, nhờ đó mới biết được sự đánh đập anh Hoàng dã man trong lúc xử án, cũng như việc đánh chết anh An trong tù.
Khi biết mình bị án tử hình, anh đã xin lỗi người vợ hiền vì đã không làm tròn trách nhiệm của người chồng, người cha, và cũng tạ lỗi với cha mẹ già vì đã không còn dịp để phụng dưỡng!
Trước khi bắn, CS nhét hai quả chanh thật to vào miệng hai anh vì sợ hai anh nhục mạ chế độ và lãnh tụ của họ. Sau đó họ vùi xác hai anh và cắm lên mỗi mộ phần – được lấp đất sơ sài – một tấm bảng với hàng chữ ” Âm mưu lật đổ chính quyền”.
Chị Hoàng núp sau lùm cây xa xa để lén nhìn chồng đang bị hành huyết nhưng không dám kêu gào mà chỉ âm thầm rơi lệ vì sợ bị lộ nơi ẩn nấp!
Anh Hoàng đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ – 36 tuổi !!!
Khi tin anh bị bức hại được loan truyền ra hải ngoại vào khoảng tháng 11/1983, GS Nguyễn Ngọc Huy, người thầy khả kính của những sinh viên Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, đã điếu học trò mình qua bài thơ “Điếu Một Môn Sinh” nói lên sự hy sinh anh hùng của anh cho quốc gia dân tộc.
Theo thư của chị Hoàng cho biết, năm 1993 hài cốt anh Hoàng đã được chị đưa về an táng nơi quê nhà của anh ở Biên Hoà để gia đình tiện việc hương khói.
Các con của chị – con trai lớn Hiển và hai con gái Hân, Hạnh – cũng rất ngoan và chăm chỉ học hành. Tất cả đều tốt nghiệp đại học, có việc làm và đều đã lập gia đình.
Anh Hoàng mất cho đến nay 31-5-2022 – là 39 năm. Xin thành kính dâng lên anh một nén hương lòng và luôn nhớ về anh, một nguời anh hùng đất Việt.
(dựa theo bài viết của anh Nguyễn Văn Sáu, người bạn QGHC của anh Hoàng, trong Biên Khảo Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Tập II, trang 426-431)
********
Điếu Một Môn Sinh
Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy – Houston, Texas 26/11/1983
Năm trước cùng chung một mái trường
Trong chương trình phục vụ quê hương
Thầy trao trò nhận truyền tri thức
Giúp nước trong thời đại nhiễu nhương
Đến lúc non sông cát bụi lầm
Thầy đi nơi hải ngoại xa xăm
Trò bên trong nước đầy tang tóc
Nhưng vẫn cùng chung một quyết tâm
Đập nát xiềng gông lũ bạo tàn
Làm cho toàn quốc được khương an
Trong niềm vui sống và no ấm
Cùng tự do về với quốc dân
Nhưng giữa phong ba nổi bất ngờ
Trên đường tranh đấu rủi sa cơ
Trò đà ngã gục ngày hôm ấy
Và chết hiên ngang dưới bóng cờ
Nghe tin trò đã phải hy sinh
Xao xuyến trong tâm mối nghĩa tình
Thầy thấp nén hương thờ liệt sĩ
Cho nhà ái quốc cựu môn sinh
Trên con đường giải phóng nhơn dân
Còn có bao người quyết dấn thân
Diệt lũ hung tàn, xây đất nước
Suối vàng trò hãy cứ an tâm.