Tưởng nhớ bác Hoài Sơn: Gia đình là nền tảng của xã hội – Lê Minh Nguyên

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tưởng nhớ bác Hoài Sơn: Gia đình là nền tảng của xã hội – Lê Minh Nguyên

Tập hợp con người nào cũng đều có hai thái cực, một bên là cá nhân (muốn mình được hoàn toàn tự do) và một bên là xã hội (muốn tập thể được tốt đẹp).
Do đó khi xây dựng một quốc gia dân tộc (nation-state building) người ta phải tìm cách dung hòa giữa hai thái cực này, làm sao để duy trì được sự tự do cá nhân nhưng cũng để xã hội được tốt đẹp bởi vì xã hội là môi trường mà trong đó cá nhân sống, nếu xã hội không tốt đẹp thì cá nhân sẽ bị ảnh hưởng.
Ở Mỹ, người ta phân biệt rõ ràng giữa chữ tự do “freedom” và chữ tự do “liberty”. Tự do “freedom” khi ta sống một mình trên hoang đảo, trong rừng sâu, ở nam bắc/cực…, ta không vi phạm vào tự do của người khác. Tự do “liberty” là tự do trong một xã hội, tức là làm sao khi chúng ta duy trì được tự do cá nhân nhưng vẫn tôn trọng được tự do của người khác.
Điều này chỉ có thể xảy ra trong một xã hội dân chủ pháp trị, trong xã hội độc tài thì tự do của người cầm quyền quá lớn và tự do của cá nhân gần như là không có. Đó là xã hội của giai cấp, giai cấp thống trị và giai cấp bị trị. Và thường thì giai cấp thống trị nhỏ, giai cấp bị trị to, nó làm cho quốc gia dân tộc không thể phát triển hùng mạnh được.
Xã hội Đông Phương lấy gia đình làm nền tảng, một hình thức dung hòa giữa giữa cá nhân và xã hội rộng lớn. Gia đình là một xã hội thu nhỏ nhưng nhờ tình thương nên nó bảo vệ được cá nhân của người sống trong gia đình. Nó giống như những nhóm cây trong rừng mà cành nhánh nương tựa lẫn nhau.
Xã hội tây phương thì chú trọng nhiều về cá nhân. Nó đòi hỏi cá nhân phải có trách nhiệm với chính bản thân mình, phải tự lo tự lập, phải có khả năng sống một mình, đứng vững trên hai chân, giống như những rừng thông trên cao nguyên, mỗi cây thông đứng riêng và đứng thẳng.
Những người đi tranh đấu thường rất khó để có thể thăng bằng giữa một bên là sự dấn thân cho xã hội và một bên là hạnh phúc gia đình. Nhưng với bác Hoài Sơn thì dù dấn thân tranh đấu, nhưng gia đình vẫn là một tổ ấm đầy tình thương yêu.
Với Bác, sự nghèo khó hay sự dấn thân tranh đấu không làm mất đi hạnh phúc của gia đình. Dưới đây là bài thơ mà Bác làm khi sinh đứa con gái đầu lòng vào mùa xuân năm 1956, trong lúc lưu vong ở Vạn Tượng bên Lào. Bác nói rằng con gái đầu lòng của bác sinh vào mùa xuân nên Bác đặt tên là Lan Phương của mùa xuân hoa nở

Lan Phương
Lan Phương vừa sáu tháng,

Phúng phính má no tròn

Mắt ngời như hột nhãn,

Môi hồng như thoa son.
Hai bàn tay mũm mỉm

Sờ soạng níu vành nôi.

Đôi chân tròn mát lịm,

Choài đạp tả tung rời.
Khi con ngủ, hàng mi đen nhỏ xíu,

Hạ che rèm, và mũi thở phồng cao.

Khi còn thức, tiếng cười ra dấu hiệu,

Cho thân co và chân đạp tay cào.
Khi con khóc, đôi vành môi lận mếu,

Nướu phô hồng chưa điểm một răng nao.

Khi con cười, môi trề tươm nước nhểu,

Má căng bầu, trông mới ghét làm sao!
Tôi dám chắc:

Ai nói chuyện cùng con không đả đớt,

Mắt không trừng và bắt chước trả trêu.

Ai đã từng ôm con, không siết ngột,

Không bậm môi là còn chửa thương nhiều!
Con, con ơi!

Hãy chóng sởn sơ,

Cho cha được hở,

Cho mẹ con nhờ.

Tuổi già được chút con thơ,

Tình thương thắm đượm đất trời bao la.

Hoài Sơn (Vientiane, tháng tám 1956)

Lê Minh Nguyên – 12/5/2022