Tin Tổng Hợp – 28/4/22
Putin cảnh báo sẽ đáp trả ngay lập tức và nhanh chóng nếu phương Tây can thiệp vào Ukraina
28/04/2022 – Chi Phương
Sau khi bị phương Tây cáo buộc «bắt chẹt» vì cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgari, tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 27/04/2022, cảnh báo sẽ có biện pháp trả đũa nhanh chóng nếu phương Tây can thiệp Ukraina.
Trong chuyến đi Saint Peterburg, theo AFP, lần đầu tiên, tổng thống Nga Putin tỏ lòng biết ơn những người lính Nga «hoàn thành nghĩa vụ và hy sinh anh dũng ở Ukraina» trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Phát biểu trước các nghị sĩ Nga, Vladimir Putin nhận định rằng phương Tây muốn «cắt Nga thành nhiều mảnh», đồng thời cáo buộc các nước phương Tây đẩy Ukraina vào cuộc xung đột với Nga.
Trước những tuyên bố mới đây của Hoa Kỳ về việc sẵn sàng «làm mọi thứ có thể» để giúp Ukraina thắng Nga, hôm thứ Tư 27/4, Putin yêu cầu Washington ngừng gửi vũ khí cho Kiev và cảnh báo rằng các viện trợ về vũ khí cho Ukraina chỉ làm cuộc xung đột thêm căng thẳng.
«Bất kỳ thế lực nào từ bên ngoài cố gắng can thiệp vào tình hình hiện nay tại Ukraina, sẽ tạo ra những mối đe dọa chiến lược và Nga không thể chấp điều này. Họ nên biết rằng Nga sẽ phản công ngay lập tức và nhanh chóng đối với những hành động gây hấn như vậy. Chúng tôi có tất cả các phương tiện cần thiết, mà hiện nay, chỉ duy nhất Nga có. Chúng tôi không phải khoe khoang mà chúng tôi sẽ sử dụng chúng nếu cần. Và tôi muốn tất cả mọi người nhận thức được điều đó.»
Tổng thống Nga cũng khẳng định rằng các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina sẽ «đạt được đầy đủ». Điều này cho phép bảo đảm an ninh cho cư dân ở các khu vực ly khai thuộc miền đông Ukraina mà Nga đã công nhận độc lập từ trước khi phát động chiến dịch quân sự.
Mỹ-Nhật tập trận, Kremlin và Bắc Kinh “nóng mũi”
Lương Thái Sỹ – 28 tháng 4, 2022
Mỹ-Nhật tập trận khiến Bắc Kinh lẫn Moscow điên tiết; tại chân Núi Phú Sĩ, Shizuoka, Nhật, ngày 15 Tháng Ba 2022 (ảnh: David MAREUIL/Anadolu Agency via Getty Images)
Nga đang lớn tiếng cảnh cáo Nhật Bản là sẽ có các biện pháp trả đũa tương xứng nếu Nhật mở rộng các cuộc tập trận Hải quân chung với Mỹ gần biên giới phía Đông của Nga.
Yếu tố Ukraine
Lời đe dọa mới chỉ là động thái nữa của Moscow, vốn tức giận trước sự ủng hộ Ukraine của Nhật Bản và mối quan hệ ngày càng nồng ấm của Nhật với khối NATO trong bối cảnh cuộc tranh chấp kéo dài về chủ quyền các hòn đảo Nhật bị Liên Xô chiếm sau khi Nhật Bản đầu hàng các lực lượng Đồng minh trong Thế chiến thứ hai.
CNN cho biết, ngày 26 Tháng Tư, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov dọa: “Các cuộc tập trận Hải quân Mỹ-Nhật về bản chất là tăng cường khả năng tấn công. Những hành động như thế của phía Nhật Bản là đe dọa an ninh cho đất nước chúng tôi. Nga sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa vì lợi ích quốc gia”. Tuy nhiên, Morgulov không nói rõ cuộc tập trận Mỹ-Nhật nào sẽ bị trả đũa cũng như cách trả đũa.
Tuần trước Hải quân Mỹ-Nhật đã kết thúc thành công cuộc tập trận chung ở Biển Hoa Đông và Biển Philippines với nhóm hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln dẫn đầu. Đầu Tháng Tư, tàu Abraham Lincoln cũng dẫn đầu các cuộc tập trận chung tương tự ở Biển Nhật Bản, nơi có đường bờ biển dài của Nga. Theo Hải quân Mỹ, Mỹ và Nhật Bản thường xuyên tổ chức tập trận Hải quân chung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “nhằm duy trì sự ổn định tại một vùng biển tự do đi lại và rộng mở”.
Tuần trước, lần đầu tiên trong hai thập niên, Nhật Bản gọi bốn hòn đảo đang bị Nga trấn giữ là “chiếm đóng bất hợp pháp”. Trong báo cáo ngoại giao hàng năm vừa được công bố, Bộ Ngoại giao Nhật cũng gọi quần đảo Nam Kurils (theo cách gọi của Nga) là “Lãnh thổ phía Bắc” của Nhật Bản. “Nhật Bản xem quần đảo này là lãnh thổ với đầy đủ chủ quyền đang bị Nga chiếm đóng bất hợp pháp” – báo cáo viết.
Trong khi tranh chấp đảo chưa bao giờ ngừng trong nhiều thập niên qua, sự ủng hộ của Nhật Bản đối với Ukraine đã làm nóng hơn cuộc đối đầu giữa Moscow và Tokyo. Hôm Thứ Ba, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đã đồng ý cung cấp thực phẩm, thuốc men, hỗ trợ thêm tài chính, máy bay không người lái nhỏ và mặt nạ chống độc cho Ukraine. Thông báo của Kishida được đưa ra sau khi ông nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lần thứ tư trong năm nay. Đầu tháng này, Nhật Bản đã trục xuất tám nhà ngoại giao và quan chức Nga do cuộc chiến Ukraine. Nga cũng có phản ứng tương tự.
Yếu tố Trung Quốc
James D.J. Brown, Phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Temple ở Tokyo khẳng định: “Nhật Bản và Mỹ không làm bất cứ điều gì khác thường để dẫn đến phản ứng quá lố của Nga”. Drew Thompson, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cũng cho rằng tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ là điều hợp lý mà Tokyo nên làm. Ông nói: “Nhật Bản đang dần thức tỉnh trước các mối đe dọa an ninh ở ngoại vi đất nước”.
Đô đốc Hayley Sims, người phát ngôn của Hạm đội 7 Mỹ đồn trú tại Nhật Bản, xem cuộc tập trận chung ở Biển Nhật Bản vào đầu Tháng Tư là “Hoạt động song phương thường lệ để nâng cao độ tin cậy của khả năng răn đe thông thường và thể hiện sức mạnh của quan hệ đối tác”. Nhưng Nga lại nghĩ khác. Nga xem việc Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác với các đồng minh NATO như Anh và Pháp, những quốc gia mà Nga có tranh chấp ở châu Âu, chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng ở khu vực Thái Bình Dương. Một điều mà người Nga thực sự không thích là trong những năm gần đây hợp tác quốc phòng của Nhật với các nước khác ngoài Mỹ – dẫn lại từ Newsweek.
Nga đã tăng cường sức mạnh quân sự xung quanh biển Nhật Bản vài năm qua. Satoru Mori, giáo sư chính trị quốc tế đương đại tại Đại học Keio, Nhật Bản, nhận xét: “Đã có nhiều hành động khiêu khích của Nga trong vài tháng qua. Ví dụ cuộc tập trận trên các đảo tranh chấp và các vụ phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm ở Biển Nhật Bản. Nga đang đẩy mạnh các hoạt động quân sự gần Nhật Bản để chứng tỏ vẫn có thể tác chiến bình thường ở Viễn Đông ngay cả khi bận xâm lược Ukraine”. Thompson lưu ý: “Các máy bay ném bom có khả năng hạt nhân của Nga đang đến gần không phận Nhật Bản hơn và Nga hợp tác với Trung Quốc trong các cuộc tập trận Hàng không và Hải quân, gồm cả một cuộc tuần tra chung Hải quân Nga-Trung ngoài đảo Honshu chính của Nhật Bản vào năm 2021”. Ông kết luận: “Những động thái mới của Nhật Bản là cách nước này đáp trả việc tăng cường hợp tác quân sự Nga-Trung và những hành động khiêu khích khác. Chiến lược quốc phòng của Nhật Bản là tăng cường năng lực ngăn chặn sử dụng vũ lực chống lại nó”.
https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/my-nhat-tap-tran-kremlin-va-bac-kinh-nong-mui/
(AFP) – Nga rút khỏi Tổ chức Du lịch Thế giới (OMT). Phía Nga cho biết quyết định có hiệu lực ngay từ ngày 27/04/2022. Tuy nhiên, trên mang Twitter, Cơ quan của Liên Hiệp Quốc có trụ sở ở Madrid cho biết sẽ vẫn tổ chức bỏ phiếu đình chỉ quy chế của Nga để «các thành viên bày tỏ quan điểm qua lá phiếu dân chủ». Vào đầu tháng Ba, OMT, gồm 159 nước thành viên, đã lên án cuộc xâm lược của Nga, tố cáo chính quyền Matxcơva «vi phạm rõ ràng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ» của Ukraina.
(AFP) – Tập đoàn Trung Quốc Dajiang (DJI) ngừng hoạt động ở Nga và Ukraina. Quyết định được ra ngày 27/04/2022, theo yêu cầu chính thức của chính quyền Kiev do sản phẩm của nhà sản xuất thiết bị bay không người lái được quân đội Nga sử dụng với mục đích quân sự. Người phát ngôn của công ty có trụ sở ở Thâm Quyến cho biết quyết định trên «không liên quan đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây» mà do thiết bị của DJI được sản xuất vì mục đích dân sự.
(AFP) – Ấn Độ và Pakistan ngộp thở vì nắng nóng. Đợt nắng nóng sớm, trong khi mùa hè còn chưa bắt đầu, tác động đến Pakistan và phần lớn lãnh thổ Ấn Độ, nhiệt độ ở nhiều nơi lên đến 35,4°C, thậm chí 45°C ngay trong tháng Tư. Theo tổ chức khí tượng thế giới, tại Pakistan, «nhiệt độ trong ngày tăng từ 6-8°C so với mức trung bình của mùa ở miền nam và từ 5-7°C ở phía bắc». Hiện còn quá sớm để kết luận hiện tượng nắng nóng này do biến đổi khí hậu nhưng đây là kịch bản đã được nhóm GIEC dự báo.
(RFI) – Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ. Để đối phó với tình trạng khan hiếm dầu ăn, chính quyền Jakarta đã ngừng xuất khẩu dầu cọ ngay từ ngày 28/04/2022 để bảo đảm cho tiêu thụ nội địa và để xoa dịu sự tức giận của người dân do tình trạng khan hiếm và tăng giá. Quyết định của Jakarta có thể ảnh hưởng đến các nước nhập khẩu dầu cọ của Indonesia.
(AFP) – Nhiều tổ chức phi chính phủ cảnh báo số bản án tử hình gia tăng ở Iran. Theo báo cáo công bố ngày 28/04/2022, hai tổ chức Nhân Quyền Iran (Iran Human Rights) và Cùng nhau chống án tử hình (Ensemble contre la peine de mort) cho biết số bản án tử hình tại Iran đã tăng thêm 25% trong năm 2021, trong đó có rất nhiều phụ nữ cũng bị treo cổ. Hai tổ chức kêu gọi tình trạng «đáng báo động» này phải là một «ưu tiên» trong tất cả các cuộc đàm phán với chính quyền Teheran.
(Reuters) – Mạng xã hội Weibo (Vi Bác) công bố địa chỉ IP của người sử dụng. Thông báo được đăng tên tài khoản chính thức của Weibo ngày 28/04/2022, đã có hơn 200 triệu lượt xem và rất nhiều bình luận. Theo mạng xã hội có 570 triệu người sử dụng hàng tháng, mục đích là để chống «những thái độ xấu» trên mạng. Thông báo của Weibo được một số người sử dụng ủng hộ, «đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 vẫn còn nghiêm trọng, việc công bố nhanh chóng địa chỉ IP có thể làm giảm đáng kể những nội dung nổi loạn từ những người tạo ra và lan truyền tin đồn».
(AFP) – Kiev phá dỡ tượng đài lịch sử về tình hữu nghị Ukraina-Nga. Hơn 2 tháng sau cuộc xâm lược do Matxcơva phát động, tòa đô chính Kiev, hôm 26/04 đã bắt đầu cho phá dỡ công trình tượng đài lịch sử từ thời Liên Xô ca ngợi tình hữu nghị giữa hai dân tộc Nga và Ukraina. Đó là bức tượng bằng đồng khối, cao 8 mét, mô tả hai người lao động Ukraina và Nga cùng giơ cao biểu tượng của Liên Xô với dòng chữ «tình hữu nghị giữa các dân tộc», được dựng lên ở trung tâm thủ đô Kiev từ 1982.
(AFP) – Nga thực hiện hơn 200 cuộc tấn công tin học vào Ukraina. Theo một báo cáo của Microsoft công bố hôm 27/04, các thực thể có liên hệ với Nhà nước Nga đã thực hiện hơn 200 vụ tấn công mạng vào hệ thống thông tin của các định chế Ukraina từ đầu cuộc xâm lược. Phó chủ tịch Microsoft Tom Burt lưu ý rằng các vụ tấn công này làm gián đoạn việc tiếp cận thông tin đáng tin cậy của người dân và làm giảm lòng tin với lãnh đạo của Ukraina.
(AFP) – France 24 và RFI bị cấm phát sóng ở Mali. Chính quyền Mali đã yêu cầu ngừng phát sóng kênh RFI và France 24, thuộc France Medias Monde (FMM), ngày 27/04/2022, sau khi hai kênh này đưa tin quân đội Mali có liên quan đến vụ bạo hành thường dân. FMM ngay lập tức đã phản đối quyết định này và cho biết tìm biện pháp khắc phục để không chỉ Mali mà cả châu Phi và phần còn lại thế giới tiếp tục nhận được thông tin. Vào thứ Ba, 26/4, Mali đã cáo buộc Pháp có «gián điệp» và «âm mưu lật đổ chính phủ nước này» sau khi bộ Tham Mưu Pháp đăng một video được quay với drone hình ảnh về căn cứ quân sự ở miền trung Mali (được Pháp trao trả lại gần đây). Pháp đã chính thức rút quân khỏi Mali từ tháng 2/2022.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220428-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
(Reuters) – Mỹ sắp thông báo chiến lược chi tiết về Trung Quốc. Phát biểu ngày 26/4/2022 trước Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện Mỹ, ngoại trưởng Antony Blinken cho biết «sẽ sớm có cơ hội, trong những tuần tới, công bố chi tiết chiến lược» an ninh quốc gia để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mỹ sẽ tổ chức thượng đỉnh với các nước ASEAN tại Washington trong hai ngày 12-13/05. Sau đó, tổng thống Joe Biden có kế hoạch công du châu Á, trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản.
(RFI) – Giới tăng lữ Sri Lanka kêu gọi chính phủ từ chức. Ngày 26/4/2022, các nhà lãnh đạo Phật giáo rất có ảnh hưởng ở Sri Lanka, đã yêu cầu tổng thống Gotabaya Rajapakse thành lập chính phủ mới, đa đảng, vì «Nhà nước đang bên bờ phá sản» và để thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế. Thủ tướng đương nhiệm Mahinda Rajapakse là em trai của tổng thống Sri Lanka.
(AFP) – Mỹ chuẩn bị đối phó với làn sóng di cư. Trong suốt hai năm chống dịch, Mỹ có thể trục xuất người nhập cư ngay tại biên giới. Biện pháp được gọi là «Title 42» sẽ hết hiệu lực ngày 23/5/2022, khi các biện pháp chống dịch Covid-19 được dỡ bỏ. Ngày 26/4, nhiều quan chức cho biết chính quyền tổng thống Biden sẽ triển khai một «chiến lược toàn diện» để đối phó với số lượng lớn đơn xin tị nạn và nhập cư. Hơn một nửa người dân Mỹ đã bị nhiễm Covid-19. Phó tổng thống Kamala Harris vừa thông báo dương tính với virus corona.
(AFP) – LHP Cannes chọn nghệ sĩ Vincent Lindon làm chủ tịch ban giám khảo. Ngày 26/4/2022, ba tuần trước lễ khai mạc Festival Cannes lần thứ 75 (17-28/05), nam diễn viên người Pháp 62 tuổi, được trao giải diễn xuất năm 2015 và đóng trong phim Titane dành giải Cành cọ Vàng 2021, phát biểu «vô cùng vinh dự và tự hào» được trao trọng trách làm chủ tịch ban giám khảo. Bốn thành viên còn lại đều là nam giới, gồm các đạo diễn nổi tiếng người Iran Asghar Farhadi, Ladj Ly người Pháp, Jeff Nichols người Mỹ và Joachim Trier người Na Uy.
(APA) – Nga cảnh báo Nhật không nên tập trận chung với Mỹ. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov hôm 26/04/2022 cảnh báo Tokyo là sẽ có các biện pháp trả đũa, nếu Nhật Bản mở rộng phạm vi các cuộc tập trận hải quân chung với Mỹ. Trước đó Nikkei đưa tin 4.000 quân nhân Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ tập trận chung trên đảo Hokkaido trong khoảng tháng 9 đến tháng 10, nhằm nâng cao khả năng đối phó trong bối cảnh chiến tranh Ukraina và hoạt động quân sự của Trung Quốc.
(AFP & Reuters) – Washington luôn sẵn sàng nói chuyện với Bình Nhưỡng bất chấp những «khiêu khích mới». Hoa Kỳ hôm 26/4/2022 khẳng định luôn sẵn sàng thảo luận với Bắc Triều Tiên dù có những «khiêu khích mới», sau khi Kim Jong Un loan báo ý định «củng cố và triển khai» vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Ned Price, Mỹ «buộc lòng phải trả đũa» hai vụ bắn hỏa tiễn đạn đạo mới đây; và thông báo của ông Kim cho thấy «Bắc Triều Tiên là mối đe dọa cho hòa bình, an ninh thế giới». Về phía Hàn Quốc, tổng thống Moon Jae In cũng kêu gọi tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục đối thoại với Bắc Triều Tiên như người tiền nhiệm Donald Trump.
(AFP)- Moldova kêu gọi bình tĩnh sau một loạt vụ nổ ở Transnistria. Tổng thống Moldova, bà Maia Sandu hôm 26/04/2022 kêu gọi «bình tĩnh», đồng thời cho tăng cường an ninh, sau khi xảy ra một loạt vụ nổ trong hai ngày liên tiếp tại khu vực ly khai thân Nga Transnistria. Bà lên án những hành động gây căng thẳng, cho biết chính quyền luôn thận trọng không để bị lôi kéo vào cuộc chiến đang diễn ra ở nước láng giềng Ukraina. Đồng thời loan báo một loạt biện pháp như gia tăng kiểm soát biên giới, các phương tiện giao thông…Ukraina hôm qua cũng tố cáo Nga muốn gây bất ổn ở Transnistria để lấy cớ can thiệp quân sự. Tuần trước, tướng Nga Roustam Minnekaïev tuyên bố Matxcơva muốn chiếm miền nam Ukraina để có thể đi thẳng vào Transnistria. Moldova đã triệu tập đại sứ Nga để phản đối, kêu gọi Matxcơva tôn trọng «toàn vẹn lãnh thổ».
(Ouest France) – UNESCO trao giải tự do báo chí cho Hiệp hội Nhà báo Belarus. Lần đầu tiên từ 25 năm qua, giải thưởng tự do báo chí của UNESCO được trao cho một tập thể hôm 27/04/2022 . Đó là Hiệp hội Nhà báo Belarus (AJB) vì đã đấu tranh để cứu nhiều tờ báo độc lập dưới sự đàn áp của tổng thống Alexandre Loukachenko. Nhà độc tài tái đắc cử trong cuộc bầu cử năm 2020 bị tố cáo là gian lận, đã bắt giam trên 1.000 người phản đối. Theo AJB, hiện có trên 24 nhà báo vẫn còn bị giam giữ.
(AFP) – Ủy Ban Châu Âu đề nghị tạm ngưng áp thuế nhập khẩu hàng Ukraina một năm. Trong thông cáo hôm nay, 27/04/2022, Ủy ban Châu Âu cho rằng đây là một «cử chỉ ủng hộ chưa từng có đối với một nước trong chiến tranh». Hôm thứ Hai, 25/4, Anh Quốc cũng đã thông báo hủy áp thuế nhập khẩu hàng hóa Ukraina. Tuy nhiên, đề xuất này còn phải được Nghị Viện Châu Âu và 27 nước thành viên thông qua.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220427-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p