Việt Nam đừng nên để già néo đứt giây!
16/04/2022 Trần Đông A
Hủy bỏ tư cách thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc của Nga.
Và đây cũng là lần đầu tiên, có thể Mỹ bắn tín hiệu cho chính phủ Việt Nam rằng, Hoa kỳ còn có những con “át chủ bài” khác để thay thế. Dù chưa tiết lộ đó là những con bài nào, nhưng…
Thế là cuối cùng, điều gì phải đến đã đến. Bản báo cáo Nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, công bố hôm 12/4/2022, đã được “nâng lên thành quan điểm”. Lần đầu tiên từ khi bình thường hoá quan hệ ngoại giao hai nước, Mỹ đã lên tiếng công khai về “sự thiếu chính danh” của các cơ quan quyền lực ở Việt Nam hiện nay. Hoa Kỳ chỉ trích: Nhà nước Việt Nam không phải là nhà nước của dân, nó ngăn cản, đàn áp quyền tham chính của người dân trên thực tế.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đề cập về quyền tự do chính trị ở Việt Nam và cho rằng “công dân không thể lựa chọn chính phủ của mình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng, được tiến hành theo hình thức bỏ phiếu kín, nhằm đảm bảo quyền tự do biểu đạt và ý chí của người dân”. Báo cáo kết luận, cuộc bầu Quốc hội khoá 15 năm 2021 đã không tự do, mà cũng chẳng công bằng. Đến các cử tri còn chẳng có quyền giám sát các cuộc bầu cử, nói gì đến quyền của các NGO. Dù Hiến pháp quy định người dân được trực tiếp bầu đại diện cho Quốc hội và các cơ quan nhà nước, nhưng hệ thống pháp luật, thông qua nhiều “chiêu” và “võ” đời thường, cả công khai lẫn bí mật, đã thiết lập nên sự độc tôn về quyền lực chính trị cho ĐCSVN và dàn dựng bằng nhiều cách để giám sát hầu hết mọi sinh hoạt xã hội. Chỉ riêng đối với ĐCSVN, trong 92 năm tồn tại của mình, chưa hề bị điều chỉnh bởi bất cứ một bộ luật nào. Đảng đứng trên mọi luật pháp là phản ánh cái thực tế trần trụi ấy.
“Ngưu tầm ngưu…”
Vấn đề là, tại sao Báo cáo ấy của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được trưng ra vào thời điểm này? Báo cáo nói trên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phải là quả bom hẹn giờ có thể làm nổ tung bang giao Việt – Mỹ hay chưa? Chắc chắn là chưa! Lời cáo buộc đưa ra tuy hoàn toàn khách quan và chính xác, nhưng đề tài ấy “xưa như diễm” và là “chuyện thường ngày ở huyện” trên giải đất Việt Nam. Chính quyền luôn dùng mọi cách – từ bôi nhọ danh dự, dàn xếp kết quả, cho đến tù đày – để loại bỏ những ứng viên không lọt “mắt xanh” của đảng. Nhà nước hiện nay ở Việt Nam không phải nhà nước do người dân bầu lên bằng lá phiếu của mình. Mọi phong trào chính trị đối lập và các đảng phái chính trị ở Việt Nam xưa nay đều là bất hợp pháp. Tuy Hiến pháp có quy định: “Tất cả các tổ chức đảng và đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, nhưng trên thực tế, Bộ Chính trị ĐCSVN hoạt động như một cơ quan ra mọi quyết định tối cao. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh, Hiến pháp của quốc gia là văn kiện đứng hàng thứ hai sau Cương lĩnh của đảng. Nói cách khác, Cương lĩnh ĐCSVN còn cao hơn cả Hiến pháp.
Nhưng, tại sao giờ này Hoa Kỳ mới lên tiếng về “sự không chính danh” ấy của bộ máy quyền lực ở Việt Nam? Một phần câu trả lời nằm ở thời điểm công bố báo cáo. Ngày 12/4/2022, năm ngày sau khi đại diện Việt Nam bỏ phiếu chống lại Nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHCR) là một khoảnh khắc lịch sử của Đại hội động (UNGA). Lần đầu tiên, một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ (P5) bị loại khỏi UNHCR. Đấy cũng là thời điểm cảnh báo đối với Việt Nam. 7/4 là ngày Việt Nam công khai chọn phe. Bằng lá phiếu chống việc đưa Nga ra khỏi UNHCR, Việt Nam đã quyết định ghi tên mình vào nhóm các quốc gia tương đồng về thể chế chính trị, đối đầu lại với Mỹ và phương Tây – Là các quốc gia theo đuổi mô hình nhà nước pháp quyền, tự do và dân chủ. Mọi nỗ lực ngoại giao của Việt Nam từ trước đến nay nhằm tạo ra bộ mặt cởi mở, khoan dung với thế giới dân chủ phương Tây đã tan biến thông qua ba cuộc bỏ phiếu oan nghiệt. Cả ba lần, Hà Nội không ngần ngại bộc lộ quan điểm gần với Trung Quốc hơn các thành viên ASEAN.
Nhưng phần quan trọng nữa, nhiều khả năng, các cố vấn của Tổng thống Biden có “nhã ý” bắn tin cho Thủ tướng Phạm Minh Chính, trước khi ông có ý định sang Mỹ, thực hiện chuyến công du mà cả dư luận Việt Nam lẫn Hoa Kỳ đều đang mong đợi. Chuyến thăm Mỹ của ông Chính được lên kế hoạch trong khuôn khổ Thượng đỉnh Mỹ – ASEAN vào cuối tháng 3 vừa qua, nhưng đã bị Hun Sen trong tư cách Chủ tịch ASEAN cản mũi kỳ đà một cách ngoạn mục. Xem ra, ngoại giao Việt Nam kỳ này thua cả Campuchia lẫn quốc đảo Singapore. Chỉ trong một động thái, Campuchia vừa đẩy lùi vô thời hạn Cấp cao ASEAN – Hoa Kỳ, vừa gây lúng túng cho Việt Nam. Trong khi đó, Thủ tướng Lý Hiển Long, khỏi cần Thượng đỉnh ASEAN, đã trực tiếp bay thẳng sang Mỹ, “bốp chát” với các nhà báo, thuyết phục họ rằng, Singapore không bao giờ là “cái loa” của Bắc Kinh cả, thậm chí quốc đảo này không có “khả năng thay đổi hành vi của Bắc Kinh theo khẩu vị của Washington”.
Trước cuộc bỏ phiếu hôm 7/4, Moscow đã lên giọng doạ nạt, những nước đồng ý với nghị quyết của UNGA sẽ bị coi là “các quốc gia không thân thiện” và sẽ lãnh đủ những hậu quả trong quan hệ song phương. Tuyên bố này nhắc nhở Việt Nam sự lệ thuộc vào cả Nga lẫn Trung Quốc. Và cùng với cái gậy là củ cà-rốt. Một phái đoàn Bộ Nông nghiệp Nga đã đến Đại sứ quán Việt Nam ngay trong ngày 7/4 bàn chuyện buôn bán nông, thủy sản trong bối cảnh biên giới Việt – Trung bị chặn, không thông quan được hàng hoá. Đúng hôm bỏ phiếu ở LHQ, Đại sứ Việt Nam tại Nga đã tiếp đoàn Thứ trưởng Sergei Levin, đến bàn thảo các biện pháp thúc đẩy hợp tác. Nhưng quan trọng hơn tất cả các sự kiện này là: Để có thể vận hành mô hình chuyên chế và độc tài toàn trị như CSVN, rất cần có sự bảo đảm bằng mối liên thông với Nga và Trung Quốc – các đồng minh, vừa yêu vừa ghét cả trước kia lẫn ngày nay. Quan hệ với Mỹ và phương Tây, dù có thiết yếu đến mấy, dân chúng Việt Nam dù có ưa chuộng đến bao nhiêu, vẫn chứa đựng các “nguy cơ” dẫn đến dân chủ hoá, tự do hóa xã hội, đe dọa sự độc quyền lãnh đạo của ĐCSVN.
“Già néo” cái gì và “đứt dây” nào?
Theo giới quan sát, có ba lý do để chính phủ Mỹ “nâng quan điểm” đối với bản báo cáo hàng năm. Thứ nhất, lá phiếu 7/4 của Việt Nam không chỉ chống Mỹ, chống LHQ, mà còn là cú phản đòn đối với Luật pháp quốc tế nói chung và đối với trật tự dựa trên luật lệ nói riêng. Thứ hai, lá phiếu 7/4 còn là một cảnh báo đối với người dân Việt Nam. Rằng Hà Nội sẵn sàng tham gia tái lập trục “Việt – Trung – Xô” thuở nào, thành “Việt – Trung – Nga” ngày nay, (tức là già néo) mà chẳng cần đoái hoài gì đến ý nguyện của người dân. Làm như vậy, Hà Nội có nguy cơ cao “đứt luôn cả các mối liên hệ” với chính người dân của mình (đứt dây). Bởi vì, còn mấy người Việt giữ được tình cảm trước đây đối với Nga sau những hình ảnh hố chôn người tập thể ở Mariupol? Thứ ba, lá phiếu 7/4 là bằng chứng rõ rệt nhất rằng, từ trước đến nay, Việt Nam chỉ giả vờ đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc, chứ thật ra, Hà Nội không hề thực thi chính sách “cân bằng động” mà Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn quảng bá bao lâu nay. “Nâng quan điểm” đối với bản tuyên bố 12/4, Hoa Kỳ muốn nhắc nhở Hà Nội về “tính thời cơ” trong bang giao Mỹ – Việt. Vị thế địa-chiến lược của Hà Nội đúng là có tạo ra một dạng “trump card” (một con bài tẩy) trong quan hệ Mỹ – Việt. Nhưng giá trị của con bài tẩy ấy không phải là “nồi cơm Thạch Sanh”, xài mãi không bao giờ hết.
Và đây cũng là lần đầu tiên, có thể Mỹ bắn tín hiệu cho chính phủ Việt Nam rằng, Hoa kỳ còn có những con “át chủ bài” khác để thay thế. Dù chưa tiết lộ đó là những con bài nào, nhưng ngay cả trong “Chiến lược Indo-Pacific mới” (IPS), Mỹ đã nói tới các đồng minh và đối tác cùng chí hướng (like-minded allies and partners). Bản báo cáo 12/4 chắc chắc chắn chưa đụng đến giới hạn của “sự kiên nhẫn chiến lược” của Hoa Kỳ. Nghĩa là Mỹ vẫn chưa từ bỏ sứ mệnh “giành dật lại ‘trái tim’ của người dân Việt”. Nhưng sứ mệnh này chủ yếu hướng tới người dân, trí thức và lực lượng trẻ, chứ không phải tới ĐCSVN. Dẫu sao, đầu tháng này, Cố vấn của Ngoại trưởng Mỹ vẫn còn sang Hà Nội để bàn thảo về triển vọng nâng tầm quan hệ Việt – Mỹ. Trả lời báo chí Việt Nam kết thúc chuyến thăm, ông Chollet cho biết Mỹ hy vọng sẽ có cơ hội để nâng quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. Cánh cửa thân thiện cho bang giao Hoa Kỳ – Việt Nam chưa hẳn đã đóng lại, nhưng rõ ràng, Mỹ đang cân chỉnh lại các “dự án chiến lược” để phục vụ cho không gian Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP).
Theo dõi cuộc điện đàm hôm 11/4 mới đây giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi, báo NDĐT của Việt Nam đã đề cập một cách hết sức sơ lược, chỉ nhấn mạnh ý Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi tin tưởng rằng, Mỹ sẽ đóng vai trò “không thể thiếu” đối với sự phát triển của Ấn Ðộ trong 25 năm tới. Thật ra cuộc điện đàm khoảng một giờ đồng hồ có nhiều nội dung làm Việt Nam chạnh lòng. Trông đối tác “bị Mỹ phê phán”, Việt Nam bắt buộc phải nghĩ lại về mình. Tổng thống Biden đã cảnh báo Ấn Độ, đừng ham mua dầu rẻ từ Nga nhờ lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, đừng “đục nước béo cò”. Bỏ phiếu trắng bảo vệ Nga, không lên án cuộc chiến tranh đẫm màu của Putin và những hành động diệt chủng man rợ của lính Nga tại thị trấn Bucha tiến hành theo lệnh của Putin, Ấn Độ sẽ phải trả giá. Biên bản của Nhà Trắng ghi lại nội dụng cuộc điện đàm cũng sơ lược như báo NDĐT vậy. Nhưng nếu đọc bản tin của Reuters, cuộc điện đàm không mấy thoải mái và thân thiện.
Đấy là chưa kể tới phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, bà Janet Yellen tại cơ quan tư vấn Atlantic Council, khẳng định: “Thái độ của thế giới đối với Trung Quốc và ý định hội nhập kinh tế sâu sắc hơn của Trung Quốc, có thể bị ảnh hưởng bởi phản ứng của Bắc Kinh đối với lời kêu gọi cần có hành động kiên quyết hơn chống lại Nga của chúng tôi”. “Trông người mà ngẫm đến ta”. Thông điệp bà Janet Yellen chắc chắn không chỉ hướng tới Trung Quốc. Để đừng “già néo đứt dây”, Việt Nam nên suy nghĩ lại trên tầm chiến lược, kể cả khi hướng dẫn trong nội bộ về lý do Hà Nội bỏ phiếu chống hôm 11/4. Việt Nam, cả người dân lẫn chính phủ nên gấp rút trang bị lại những nhận thức mới về Nga và Trung Quốc qua cuộc chiến ở Ukraine hiện nay. Mà không chỉ là nhận thức, vấn đề phải là hành động: Chọn đứng về phía cái thiện để lên án cái ác hay đồng loã với cái ác, để được “dây máu ăn phần”? Tương lai ấy, chắc chắn quá bán trong số gần 100 triệu dân Việt trong và ngoài giải đất hình chữ S này không đón đợi.
Trần Đông A
Trần Đông A là bút hiệu một nhà báo đã nghỉ hưu tại Sài Gòn, với sở trường về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao Việt Nam và các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Các bài viết của Trần Đông A là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.