Khách du lịch từ Trung Cộng không đến Việt Nam sau bạo động
Quan hệ Việt-Trung đã xấu hẳn đi sau vụ Bắc Kinh tự tiện cho đặt giàn khoan tại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam trên Biển Đông, gây ra những cuộc biểu tình chống Trung Quốc biến thành bạo động. Nay tuy giàn khoan đã được rút đi, khách du lịch Trung Quốc vẫn không quay trở lại.
Hãng tin AFP dẫn lời Nguyễn Hữu Sơn, một hướng dẫn viên du lịch nhiều năm đưa các du khách Trung Quốc đến vùng duyên hải Việt Nam, nhưng sau các vụ đối đầu trên biển dữ dội gần đây giữa Bắc Kinh và Hà Nội, đã không có việc làm.
Anh nói: “Chưa bao giờ tệ hại như thế (…) Công ty du lịch nơi tôi làm việc hầu như không còn khách. Chúng tôi tập trung vào các khách lẻ chứ không phải khách đoàn, và 100% đều hủy tour (…). Tôi chẳng còn việc gì làm cả”. Lương bị giảm đến hai phần ba, anh có ý định đổi nghề.
Trong các vụ bạo động hồi tháng 05/2014, các công ty nước ngoài chủ yếu là Đài Loan và Hàn Quốc đã trở thành mục tiêu. Bốn người Trung Quốc bị chết, theo như Bắc Kinh, và Trung Quốc đã cho di tản hàng ngàn công dân đồng thời cảnh báo không nên đến Việt Nam.
Theo ông Jonathan London, thuộc City University ở Hồng Kông, nếu hành động trên có vẻ hợp lý vào thời điểm đó, việc duy trì cảnh báo đối với khách du lịch trong khi nguy cơ không còn nữa, có vẻ nhuốm màu chính trị.
Ông nhận xét: “Điều này làm tôi nhớ lại các chiến dịch của Bắc Kinh để làm giảm số du khách Trung Quốc đến Philippines”. Lúc đó là thời điểm năm 2012 khi Bắc Kinh và Manila đang tranh chấp bãi cạn Scarborough tại Biển Đông. Chính quyền Bắc Kinh đưa ra cảnh báo cho công dân Trung Quốc về an ninh tại Philippines, khiến hàng loạt tour du lịch bị hủy.
Trung Quốc yêu sách chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, nơi giao thoa của nhiều tuyến đường hàng hải quan trọng và dồi dào tiềm năng dầu khí cũng như hải sản. Hiện Bắc Kinh đang tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei.
Trong tháng 06/2014, số lượt du khách Trung Quốc đến Việt Nam khoảng 136.700 lượt, giảm gần 30% so với tháng Năm (194.000 lượt), và trước đó vào tháng Tư là 216.600 lượt theo thống kê chính thức. Ông Nguyễn Mạnh Cường thuộc Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, Hà Nội sẽ tiếp tục chiến dịch quảng bá tại Trung Quốc để chứng minh rằng “Việt Nam là điểm đến an toàn”.
Lãnh vực du lịch rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, chiếm gần 6% tổng sản phẩm nội địa trong năm 2013. Và khách Trung Quốc cho dù đã giảm sút vẫn chiếm hàng đầu về số lượng với trên 1,1 triệu lượt, vượt xa khách Hàn Quốc (trên 400.000 lượt). Tuy vậy trung bình khách Trung Quốc chỉ ở có năm ngày, trong khi khách Châu Âu và Mỹ có số ngày lưu trú cao gấp đôi và tiêu xài nhiều hơn.
Ông Tony Tse, đại học Bách Khoa Hồng Kông cho rằng, số lượng du khách giảm xuống là điều dễ hiểu, vì Bắc Kinh sử dụng du lịch như một dạng áp lực ngoại giao. Trong một bài viết năm 2013, ông nhận định việc khuyến cáo không đi du lịch “là một kiểu trừng phạt, và Trung Quốc đủ sức mạnh để tiến hành loại trừng phạt này”. Nhà nghiên cứu nêu ra các trường hợp không chỉ đối với Philippines mà cả Nhật Bản – năm 2012 ngành du lịch nước này đã bị ảnh hưởng do vụ tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Theo một nhân viên ngành du lịch không muốn nói tên, phía du khách Việt Nam cũng hủy nhiều chuyến đi Trung Quốc, dù Hà Nội không hề cảnh báo đối với công dân của mình. Nhân viên này cho biết: “Du khách Việt thích đi tham quan Trung Quốc (…) nhưng nay họ hủy tour để bày tỏ lòng ái quốc”.
Bà Trần Thị Lan, một giáo viên 54 tuổi nói với AFP, bà “rất mê” đi du lịch Trung Quốc và đã đặt tour cho mùa hè này nhưng rốt cuộc quyết định hủy chuyến. Bà khẳng định: “Thái độ của chính quyền Bắc Kinh là không thể chấp nhận được (…) Chúng tôi không muốn đi nghỉ hè tại một đất nước đã xâm lược lãnh hải của Việt Nam”.