Ðiểm Báo Pháp – 5/4/22

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 5/4/22

Bước ngoặt chiến tranh: Tội ác Putin lộ rõ, Ukraina có thể ‘‘thắng gấu Nga’’

Dấu vết «thảm sát» man rợ nhắm vào thường dân tại thị trấn Bucha, ngoại ô thủ đô Ukraina, sau khi quân Nga rút đi, đặt phương Tây trước áp lực trừng phạt Matxcơva mạnh hơn. Tranh cử Pháp : Những động thái mới của các ứng cử viên tổng thống trong giai đoạn nước rút ít ngày trước bầu cử. Quảng cáo

Tổ chức liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc về khí hậu (GIEC) khuyến cáo nhiều biện pháp quyết liệt hơn để giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trên đây là một số chủ đề lớn của báo chí Pháp hôm nay, 05/04/2022.

Chủ Nhật 03/04, thế giới bàng hoàng trước những hình ảnh tàn khốc về người chết tại các thị trấn Bucha và Irpin. Đây tiếp tục là chủ đề chính của báo chí Pháp ra hôm nay 05/04. Le Figaro chạy trang nhất hàng tựa «Các tội ác chiến tranh : Putin trên ghế các bị cáo». Nhan đề trang nhất của Le Monde là «Các tội ác chiến tranh: nước Nga bị cáo buộc» trên nền hình ảnh một xác người trên đường phố, với thông báo: «thi thể nhiều thường dân Ukraina được phát hiện tại các khu vực quân Nga rút khỏi.

Trang nhất La Croix nói đến «Các tội ác chiến tranh: Đến lúc đặt câu hỏi» trên nền hình ảnh một người phụ nữ cao tuổi, quỳ trên mặt đất chắp tay khóc. Chú thích của La Croix: « Ngày 04/04, một phụ nữ khóc chồng chết tại Bucha, ngoại ô Kiev». Nhật báo kinh tế Les Échos đăng hình trang nhất một đường phố Bucha hoang tàn, cây cối cụt ngọn, xác xe quân sự rải rác, cùng hàng tựa: «Kêu gọi các trừng phạt mới». «Các vụ thảm sát tại Ukraina: Trừng phạt để đáp trả» cũng là tựa nhỏ trang nhất Libération.

Bộ mặt tội phạm của chính quyền Putin

«Một bước ngoặt trong chiến tranh» là tựa bài xã luận Le Figaro. Tại sao lại là bước ngoặt ? Le Figaro giải thích ý nghĩa nhiều mặt của bước ngoặt này. Bước ngoặt vì cuộc rút chạy của quân Nga ra khỏi vùng ngoại ô Kiev cho thấy bộ mặt tội phạm của chính quyền Putin. Đây là lúc quốc tế điều tra để thu thập đầy đủ «các bằng chứng và nhân chứng» về tội ác. Bước ngoặt cũng vì, kể từ giờ, người Ukraina có thể «tin tưởng vào khả năng chiến thắng», cho dù chiến tranh còn lâu mới kết thúc tại miền đông và miền nam.

Ukraina có thể «khuất phục gấu Nga»

Giành chiến thắng, điều vốn «tưởng như không thể, nay dường như trở thành có thể»: «quân đội của Zelensky, cùng người dân Ukraina đứng lên cầm vũ khí, có thể làm gấu Nga thất bại». «Cuộc kháng chiến của quân dân Ukraina cho thấy việc châu Âu và Hoa Kỳ duy trì và gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraina là điều đúng đắn».

Quân đội Nga đã không tặng cho tư lệnh tối cao của mình «một lễ duyệt binh mừng chiến thắng» tại trung tâm thủ đô Kiev. Ngược lại, sau 5 tuần lễ chiến tranh, sau khi rút chạy, quân Nga đã để lại sau lưng «đầy những tử thi», «những thị trấn bị những kẻ tội phạm bại trận phá phách». Le Figaro mỉa mai: «cho đến nay, đó là những trái quả cụ thể đầu tiên mà Sa hoàng Nga thu hoạch được trong cuộc phiêu lưu quân sự tại Ukraina. Về mặt nguyên tắc, những điều này có thể đưa ông Putin ra trước một tòa án quốc tế, nếu như phương Tây có thể can thiệp vào pháo đài Kremlin. Tuy nhiên, để làm được điều đó cần đến một cuộc cách mạng cung đình (tại Nga), mà điều này chắc chắn sẽ không xảy ra ».

Bước ngoặt đòi hỏi «thận trọng»

Tuy nhiên, bước ngoặt chiến tranh này đòi hỏi «sự thận trọng». Vì sao lại cần thận trọng? Xã luận Le Figaro cũng cảnh báo: Ukraina là quốc gia trên tuyến đầu của một «cuộc chiến tranh sinh tồn» giữa Nga và phương Tây, như «điều mà ông Putin tuyên bố». «Ám ảnh về một thất bại, vốn trước đó là điều không thể hình dung nổi với ông chủ điện Kremlin, có thể đẩy Putin đến chỗ leo thang chiến tranh, đến cái không thể lường đoán ».

«Sau Bucha sẽ hoàn toàn khác» là hồ sơ chính của La Croix. Nhật báo Công Giáo ghi nhận: «Những cảnh tượng chết chóc rùng rợn, và những hố chôn chung được phát hiện tại Bucha và Irpin, tại vùng ngoại ô Kiev, dường như đang khiến người Ukraina hăng hái hơn, và đoàn kết hơn trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nga ».

«Các công dân Nga bình thường»: Thủ phạm của những tội ác man rợ

Phóng sự của La Croix mở đầu với tang lễ tại một nhà thờ Chính Thống Giáo, của nhà nhiếp ảnh Maks Levine, dân Kiev, người đã muốn sớm đến Bucha trước khi quân đội Nga rút hẳn, để kịp thời ghi lại các tội ác man rợ của quân đội Nga, mà ông tin tưởng chắc chắn sẽ diễn ra vào thời điểm quân Nga tháo chạy. Maks Levine đã hy sinh, thi thể găm đầy đạn tại một vùng chiến sự. Vị linh mục chủ trì buổi lễ, vốn thuộc Giáo hội Chính Thống Giáo trung thành với Tòa Thượng Phụ Matxcơva, cho biết ông không thể tưởng tượng được con người lại có thể độc ác đến như vậy. Ông, và những tín đồ cùng giáo xứ, đã cắt đứt quan hệ với Tòa Thượng Phụ Matxcơva kể từ khi Nga gây chiến.

La Croix dẫn lời nhiều nhân chứng tại Ukraina, theo đó các vụ thảm sát tại Bucha và nhiều nơi khác, khiến đông đảo người dân Ukraina quyết định rời khỏi các vùng có nguy cơ bị quân Nga chiếm đóng, bởi nhiều người giờ đây, như đạo diễn Iran Mirsh, hiểu ra rằng không thể tin tưởng ở người Nga, «chính những công dân Nga bình thường» đã phạm các tội ác man rợ, «giết trẻ em», «hãm hiếp phụ nữ», «tra tấn người», «đào hố chôn người»… Không phải Putin trực tiếp thực thi những hành động tội ác này, mà là «những công dân Nga bình thường». Giờ đây đông đảo người Ukraina, như một cư dân thị trấn Irpin, vùng ngoại ô bị thảm sát đầu tháng Ba, hiểu rằng «cần phải chiến đấu đến cùng. Đến thắng lợi. Mọi thỏa hiệp với những kẻ tội phạm chỉ làm chậm đi một vài năm các hành động tàn ác trong tương lai».

Cho đến nay, người dân Ukraina tiếp tục di tản khỏi các vùng nguy hiểm, ước tính 10 triệu người đã phải sơ tán, chiếm gần một phần tư dân số. Tuy nhiên, theo La Croix, khoảng nửa triệu người đã trở lại Ukraina kể từ đầu chiến tranh, theo bộ Nội Vụ Ukraina. Nhiều người trở về để cầm súng, để tham gia kháng chiến.

«Nụ cười» của người lính Ukraina

Le Monde dành hai trang của hồ sơ chính cho «Những cảnh bạo lực tàn khốc xung quanh Kiev». Bên cạnh những nhân chứng về tội ác của quân đội Nga trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tại khu vực này, sự bàng hoàng của những người lính Ukraina khi chứng kiến cảnh thi thể thường dân bị sát hại, nhật báo Pháp cũng ghi nhận tâm trạng «thanh thản», «những nụ cười» của binh sĩ Ukraina, được thấy rõ tại các những điểm kiểm soát, trong hai ngày trở lại đây.

Vì sao Le Monde chú ý đến «những nụ cười» của người lính Ukraina? 40 ngày kể từ đầu cuộc chiến: cục diện giờ đây đã thay đổi. Chính quyền Putin thoạt tiên đặt mục tiêu xâm chiếm nhanh chóng Ukraina, lật đổ chính quyền Kiev, với danh nghĩa «giải giáp quân đội và phi phát xít hóa Ukraina». Theo Le Monde, cuộc rút chạy của quân Nga khỏi vùng Kiev đã cho giới quan sát cơ hội chứng kiến lực lượng xâm lăng đã phải đối mặt với «sự kháng cự quyết liệt» như thế nào.

Chính thị trấn Bucha đã chứng kiến đoàn xe Nga bị tấn công dữ dội nhất, trong những ngày đầu chiến tranh. Và trong lúc, thủ đô Kiev – «mỗi khu phố, mỗi con đường, thậm chí từng ngôi nhà» – chuẩn bị sẵn sàng cho trận giáp chiến với quân Nga, thì các đơn vị tinh nhuệ nhất được điều lên mặt trận, những thị trấn giáp thủ đô như Bucha, Irpin, trong nhiều tuần lễ đã là chiến trường đẫm máu, sự hy sinh ở đây đã cứu thủ đô Kiev khỏi cuộc tấn công của quân Nga.

Tội ác Nga: Tòa án quốc tế cần khẩn trương ra phán quyết

Le Monde dành bài xã luận cho «Bucha, bước ngoặt chiến tranh tại Ukraina». Đối với Le Monde, sau các phát hiện hàng trăm thi thể thường dân Ukraina tại các vùng ngoại ô Kiev, ưu tiên hiện nay là tòa án quốc tế cần phải nhanh chóng đưa ra các phán quyết, không để cho các thủ phạm được bình yên. Theo Le Monde, việc tuyệt đại đa số lãnh đạo các nước phương Tây –trừ thủ tướng Hungary vừa tái đắc cử- lên án hành động tàn ác của quân đội Nga là «không đủ». Điều chủ yếu giờ đây là các nước, trước hết là các nước châu Âu «tăng cường hỗ trợ phương tiện, đặc biệt về nhân sự, cho các hoạt động điều tra và thu thập bằng chứng».

Xã luận Le Monde cũng nhắc đến «loạt trừng phạt thứ năm» Liên Âu đang chuẩn bị, đồng thời nhấn mạnh: «Liệu có cần phát hiện thêm những hố chôn người mới ở Mariupol (thành phố miền nam nơi khoảng 130 nghìn dân thường đang bị kẹt trong vòng vây của quân Nga) để (Liêu Âu) quyết định không mua khí đốt của Nga?». Vụ thảm sát ở Bucha phải là một bước ngoặt đối với châu Âu: châu Âu phải «từ bỏ lối phản công chống lại cuộc tấn công tàn bạo của Putin, từ từ từng nấc một đáng thương, để thay bằng một cuộc phản công thực sự, trong đoàn kết với Kiev».

Trừng phạt: Không còn là lúc cho «các biện pháp nửa vời»

Loạt trừng phạt mới đối với Nga là chủ đề chính của Les Echos. Xã luận Les Echos, với tựa đề «Ukraina: Cần hành động dũng cảm» nhấn mạnh là «giờ không còn là thời khắc cho các phản ứng nửa vời. Các vụ hãm hiếp và thảm sát thường dân được đưa tin, tại các vùng ngoại ô Kiev khiến không còn nghi ngờ gì nữa về việc Nga phạm tội ác chiến tranh». Les Echos ghi nhận một nghịch lý là: «khí đốt châu Âu nhập từ Nga tăng lên kể từ đầu cuộc chiến». Theo nhật báo kinh tế Pháp, châu Âu không thể tiếp tục nhập khẩu khí đốt Nga, nguồn chi phí chủ yếu cho chiến tranh.

Nhật báo kinh tế hy vọng Liên Âu đoàn kết và kiên quyết. Les Echos đặc biệt lên án thái độ thỏa hiệp đầy tội lỗi tại châu Âu với chính quyền Putin trong nhiều năm, và kể cả bây giờ, cụ thể của ứng cử viên cực hữu tranh cử tổng thống Pháp, Marine Le Pen, sẵn sàng «tìm kiếm một liên minh với Nga, trong nhiều vấn đề căn bản như an ninh châu Âu» (trích cương lĩnh tranh cử của bà Le Pen).

Hungary: «mâu thuẫn không tránh khỏi» giữa khát vọng Liên Âu và thái độ thù nghịch dân chủ

Chiến tranh Ukraina, bầu cử Quốc Hội Hungary và tranh cử tổng thống Pháp là chủ đề xã luận La Croix, với tựa đề «Mắt xích yếu». Thủ tướng Viktor Orban – lãnh đạo châu Âu gần gũi nhất với chính quyền Putin – đã giành thắng lợi lớn trong cuộc bỏ phiếu hôm Chủ Nhật. «Không ai tại châu Âu có thể thờ ơ với chiến thắng của Viktor Orban».

Tổng thống Nga đã sớm chúc mừng thắng lợi của ông Orban. Ứng cử viên cực hữu Pháp Marine Le Pen cũng ngay lập tức tuyên bố hoan nghênh, và bày tỏ một lần nữa sự ngưỡng mộ với một lãnh đạo rất ít quan tâm đến các quyền tự do, và quyền của các cộng đồng thiểu số. Sau kết thúc bầu cử, thủ tướng Hungary điểm mặt các «đối thủ» đối với Hungary, mà bản thân ông Orban cho rằng đã phải tranh đấu suốt trong quá trình tranh cử, cụ thể là những người mà thủ tướng Hungary gọi là «giới quan liêu ở Bruxelles», cùng «truyền thông quốc tế và tổng thống Ukraina ».

Lãnh đạo Hungary hoàn toàn không nhắc đến chính quyền Putin, không nói một lời nào về cáo buộc tội ác chiến tranh với Nga, sau khi phát hiện vụ thảm sát tại thị trấn Bucha được công bố ngay hôm trước. Theo La Croix, «chừng ấy biểu hiện đã đủ để cảnh báo các quốc gia châu Âu khác»: Hungary là một mắt xích yếu, cản trở sự đoàn kết của Liên Âu trước các thách thức từ Nga. Ít ngày trước cuộc bỏ phiếu vòng một tổng thống Pháp, trường hợp Hungary là một minh họa rõ nhất cho thấy «các mâu thuẫn không thể tránh khỏi» đối với những ai, vừa muốn tiếp tục vẫn là thành viên của gia đình Liên Âu, cùng lúc lại bảo vệ cho quan điểm «co cụm về bản sắc quốc gia và khinh thường nền dân chủ ».

Ứng cử viên cánh hữu Pháp: «tôi là người duy nhất đủ dũng cảm để cải cách»

Nhật báo thiên hữu Le Figaro dành hình ảnh trang nhất để giới thiệu về quan điểm của ứng viên tổng thống cánh hữu Valérie Pécresse (hiện đứng thứ tư, thứ năm trong số các ứng cử viên hàng đầu, theo mức độ ủng hộ của cử tri trong các thăm dò dư luận), qua bài viết «Valérie Pécresse: Tôi là người duy nhất đủ dũng cảm để cải cách». Ứng cử viên đảng LR nhấn mạnh đến hai mục tiêu căn bản: «vãn hồi trật tự và tăng sức mua». Bà Pécresse lên án tổng thống mãn nhiệm không thực hiện lời hứa, và kêu gọi cử tri đừng tin vào những lời hứa hão huyền của hai ứng cử viên cực hữu, Marine Le Pen và Eric Zemmour.

Ứng cử viên cực tả Pháp: «Nếu tôi lọt vào vòng hai…»

Nhật báo thiên tả giới thiệu tiếng nói của ứng cử viên cực tả Jean-Luc Mélenchon, với tựa đề trang nhất «Nếu tôi lọt vào vòng hai…». Libération cũng dành một cuộc phỏng vấn để ứng cử viên tổng thống Mélenchon. Theo các thăm dò dư luận, ứng viên Mélenchon đứng thứ ba trong số các ứng viên. Dù khoảng cách khá xa so với bà Marine Le Pen, người đứng thứ hai, không loại trừ khả năng ông Mélenchon lọt vào vòng hai. Theo một thăm dò mới nhất của Libération, ứng cử viên có cơ may dù là rất nhỏ, được ví như «lỗ chuột chui» để lọt vào vòng hai. Ứng cử viên cực tả được ví di chuyển với tốc độ «con rùa» có khả năng vượt qua ứng viên cực hữu, nhờ ở số phiếu của các cử tri muốn ngăn chặn bà Le Pen.

Theo Libération, vấn đề đối với ứng viên Mélenchon là khoảng 15% cử tri Pháp hiện còn lưỡng lự, muốn bầu cho «một ứng cử viên cánh tả khác», «ít gây phân hóa» trong dư luận, hơn là ông Mélenchon.

Theo Libération, ứng cử viên đảng Nước Pháp Bất Khuất cần thuyết phục được các cử tri cánh tả, đang còn lưỡng lự, là «lập trường triệt để của ông chính là một giải pháp cho các vấn đề của đất nước», cũng như các cử tri đang chọn không bỏ phiếu hay rắp ranh bầu cho ứng viên cực hữu. Libération nhấn mạnh, để làm được việc này, thách thức với Mélenchon là cùng lúc «phải nêu bật được hiểm họa Marine Le Pen với những cử tri vắng mặt, đồng thời phải tránh đối đầu trực diện với ứng viên cực hữu Le Pen, để không gây phản cảm đối với những người ít nhiều đang ngả sang cực hữu».

Trọng Thành

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20220405-buoc-ngoat-chien-tranh-toi-ac-putin-lo-ro-u-co-the-thang-gau-nga