Việt Nam trong “Tam giác chiến lược Mỹ – Trung – Đông Nam Á”
04/04/2022 – Vị trí của Ukraina hiện nay giữa phương Tây và Nga làm liên tưởng đến vị trí của Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, trong cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung. Mối quan hệ căng thẳng giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới hiện nay, bắt đầu từ thời Chiến tranh lạnh, cũng như những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc, gay gắt từ thập niên 1970, được phân tích trong một tác phẩm do Đại học Paul Valery Montpellier 3 phát thành vào tháng 03/2022.
Giáo sư lịch sử đương đại Pierre Journoud, Đại học Paul Valéry -Montpellier 3, giới thiệu với RFI Tiếng Việt cuốn Un triangle à l’épreuve. La Chine, les Etats-Unis et l’Asie du Sud-Est depuis 1947 (tạm dịch: Một tam giác chiến lược trải qua thử thách. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Đông Nam Á từ 1947), ngày 19/04/2022. © RFI / Thu Hằng
RFI Tiếng Việt phỏng vấn giáo sư lịch sử đương đại Pierre Journoud, chủ biên cuốn Un triangle stratégique à l’épreuve. La Chine, les États-Unis et l’Asie du Sud-Est depuis 1947 (tạm dịch : Một tam giác chiến lược qua thử thách. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Đông Nam Á từ năm 1947).
*****
RFI :
Cuốn sách tổng hợp tham luận của 21 tác giả và do ông làm chủ biên bắt
đầu từ năm 1947. Tại sao lại chọn cột mốc này ? Tại sao lại là “Một tam
giác chiến lược” và vị trí của Việt Nam trong tam giác này ?
GS. Pierre Journoud : Tại sao cuốn sách có tên là Một tam giác chiến lược
? Bởi vì có thể thấy rõ mỗi góc của hình tam giác đều liên quan chặt
chẽ đến nhau. Đông Nam Á là khu vực cạnh tranh ảnh hưởng của Trung Quốc
và Hoa Kỳ từ thời Chiến tranh lạnh. Chúng tôi bắt đầu cuốn sách từ năm
1947 bởi vì đó là năm chính thức bắt đầu Chiến lạnh ở châu Âu. Sự đối
đầu về ý thức hệ giữa hai khối Cộng sản và chống Cộng sản định hình mối
quan hệ quốc tế và gây hàng loạt tác động trên khắp thế giới, dĩ nhiên
là cả Đông Nam Á với những xung đột được phân tích trong nửa đầu tác
phẩm của chúng tôi. Năm 1947 cũng là năm ông Aung San, một trong những
nhà thành lập nước Miến Điện đương đại, cha của bà Aung San Suu Kyi, bị
sát hại. Năm 1947 cũng là năm nội chiến ở Trung Quốc…
Đúng là ở
châu Á, khúc ngoặt lịch sử là vào thời điểm 1949-1950. Năm 1949 với việc
Mao Trạch Đông lên nắm quyền và Trung Quốc đi theo chủ nghĩa Cộng sản,
với sự ảnh hưởng lớn của Matxcơva. Trong năm tiếp theo, Việt Nam cũng đi
theo hướng này, cuộc chiến với Pháp vẫn tiếp tục, rồi Việt Nam bị cuốn
theo bối cảnh Chiến tranh lạnh. Thực vậy, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
do Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập ngày 02/09/1945 được Trung Quốc của
Mao Trạch Đông công nhận trước tiên, tiếp theo là Liên Xô và toàn khối
Cộng sản. Còn một Nhà nước khác do Pháp thành lập để làm đối trọng với
Nhà nước của Hồ Chí Minh, thì được Hoa Kỳ, Anh và khối “thế giới tự do”
phương Tây lúc đó công nhận. Đó là một cuộc xung đột gây hệ quả tức thì
cho Đông Nam Á.
Tình hình hiện nay ở Đông Nam Á đúng là rất đáng
quan ngại vì Đông Nam Á là khu vực cạnh tranh rất gay gắt giữa hai cường
quốc Mỹ và Trung Quốc, dĩ nhiên là trong bối cảnh khác với thời kỳ
Chiến tranh lạnh. Nhưng vẫn có thể thấy những yếu tố liên tục nào đó của
sự cạnh tranh Mỹ-Trung, xuất phát từ thời đầu Chiến tranh lạnh. Mao
Trạch Đông giành chiến thắng trong cuộc nội chiến và muốn biến Trung
Quốc thành một cường quốc. Khi Mỹ can thiệp quân sự vào Việt Nam, họ
hiểu ý đồ đó cũng như chủ trương can thiệp rất rõ ràng của Mao Trạch
Đông vào các nước Đông Nam Á. Chủ tịch Trung Quốc ủng hộ tất cả các đảng
Cộng Sản ở khắp Đông Nam Á, đặc biệt là ở Việt Nam, nên dẫn đến sự đối
đầu ngày càng nghiêm trọng và kéo Việt Nam vào chuỗi chiến tranh. Những
sự kiện này được chúng tôi nêu rất chi tiết trong cuốn sách.
RFI :
Lần đầu tiên, vào ngày 14/02/2022, thủ tướng Việt Nam chủ trì lễ kỉ
niệm chính thức 64 quân nhân Việt Nam tử trận ở Gạc Ma (Johnson South
Reef) năm 1988 khi bị Trung Quốc tấn công xâm chiếm. Sự kiện đau thương
này nằm trong chuỗi căng thẳng gia tăng trong vùng, được đề cập trong
phần 2 của tác phẩm về “những viễn cảnh mới về chiến tranh Đông Dương
lần thứ 3”. Xin ông giải thích thêm.
GS. Pierre Journoud :
Tôi cũng ngạc nhiên về việc chính quyền cấp cao Việt Nam tưởng niệm 64
chiến sĩ thuộc lực lượng Hải Quân Việt Nam hy sinh ở quần đảo Trường Sa
năm 1988.
Thực ra, cuộc xung đột quanh hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa ở Biển Đông, đã có từ lâu, từ thời thuộc địa những năm 1930
đến cuối Thế Chiến II, nhưng trở nên gay gắt hơn từ những năm 1970. Điều
ngạc nhiên là lập trường của Trung Quốc và Việt Nam về những yêu sách
chủ quyền của mỗi bên ở Biển Đông có từ rất sớm. Ví dụ, qua bài tham
luận của tôi trong trong cuốn sách này, chủ yếu dựa vào nguồn tài liệu
quốc tế, đặc biệt là của Liên Hiệp Quốc, các tài liệu lưu trữ của Liên
Hiệp Quốc cho thấy xung đột đã được định hình ngay những năm 1970, sớm
hơn cả chiến tranh biên giới năm 1979.
Tóm lại, cuộc xung đột này
bắt đầu từ diễn đàn ngoại giao, ở cấp Liên Hiệp Quốc, trước cả khi xảy
ra xung đột trên bộ năm 1979. Cần nhắc lại rằng Trung Quốc là thành viên
chính thức của Liên Hiệp Quốc từ năm 1971 và trong suốt thập niên đó,
Trung Quốc dễ dàng tiếp cận với Liên Hiệp Quốc hơn, còn nước Cộng Hòa Xã
Hội Chủ Nghĩa Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc năm 1977. Từ đó, phái
đoàn của Trung Quốc và Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc đã tìm cách thuyết phục
tất cả các thành viên Liên Hiệp Quốc về mức độ chính xác trong lập
trường của họ.
Chúng tôi cũng nhận thấy là cuộc xung đột năm 1979,
dĩ nhiên còn do những nguyên nhân khác, cũng xuất phát từ lĩnh vực hàng
hải. Cho đến nay, khía cạnh này rất ít được khai thác nhưng lại được
nêu rất rõ trong tài liệu lưu trữ ở Liên Hiệp Quốc. Năm 1979, phái đoàn
Việt Nam, lúc đó do đại sứ Hà Văn Lâu dẫn đầu, đã phản ánh rằng có. rất
nhiều tầu Trung Quốc thâm nhập vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông. Chúng
tôi đã tham khảo được nhiều báo cáo khá quan trọng về nguồn gốc của
xung đột này.
Tiếp theo, trong mục Địa-Chính trị của cuốn sách,
một số tác giả đề cập đến lập trường của Hoa Kỳ, của Trung Quốc, cũng
như của một vài nước Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia. Chúng ta thấy là
trong thời gian khá lâu, Indonesia giữ lập trường khá ôn hòa với Bắc
Kinh, nhưng sau đó giữ khoảng cách vì chính quyền Jakarta cũng phải đối
mặt với sự bành trướng của Trung Quốc và phải cứng rắn hơn trong việc
bảo vệ chủ quyền của họ.
Dĩ nhiên đây không phải là chủ đề duy
nhất của cuốn sách. Tuy nhiên, những bài tham luận về vấn đề này giúp
hiểu rõ hơn mọi khía cạnh của cuộc xung đột trên bộ, trên biển, về mặt
quốc tế, ngoại giao, ở cấp Liên Hiệp Quốc, cấp ASEAN…
RFI :
Nhiều chuyên gia dự đoán nếu Chiến tranh Thế giới thứ 3 xảy ra thì sẽ
là ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương do những căng thẳng và cạnh tranh
Mỹ-Trung. Liệu mối lo vẫn này còn chính đáng khi chiến tranh lại nổ ra ở
Ukraina ?
GS. Pierre Journoud : Đúng.
Đó là một thắc mắc lớn, một câu hỏi nghiêm túc. Tôi muốn thận trọng
trong việc đưa ra một dự đoán chính xác bởi vì trường hợp Ukraina cho
thấy rõ, kể cả những chuyên gia về Nga và Ukraina đã không lường trước
được tốc độ, sự tàn khốc của cuộc xâm lược Nga ở Ukraina. Các nhà quan
sát không nghĩ rằng tổng thống Putin sẽ đưa ra một quyết định như vậy
trong bối cảnh quan hệ ở châu Âu và quốc tế tương đối thanh bình, dù
căng thẳng có gia tăng kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée năm 2014.
Tại
Ấn Độ-Thái Bình Dương, đúng là từ lâu đã có nhiều căng thẳng lớn giữa
Bắc Kinh và Washington ở Biển Đông và rộng hơn là ở vùng Đông Nam Á, đặc
biệt là từ khi ông Tập Cận Bình trở thành chủ tịch Trung Quốc. Tiếp
theo là căng thẳng giữa các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông,
trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Điều quan ngại là sự cố liên tục xảy
ra. Trung Quốc ngày càng điều thêm nhiều tầu chiến đến các vùng biển
lân cận, điều chiến đấu cơ tuần tiễu trên eo biển Đài Loan hoặc tổ chức
tập trận đơn phương và đa phương trong những vùng biển đó. Nhiều lần tầu
chiến Trung Quốc và Mỹ gần như chạm mặt nhau, có lúc với tầu chiến Pháp
vì thời gian gần đây Paris cũng điều chiếm hạm, tầu ngầm, tầu sân bay
đến khu vực.
Rất khó dự đoán được là sắp tới hay trong vài tháng,
vài năm nữa sẽ xảy ra một cuộc xung đột có thể là vũ trang và có thể sẽ
có quy mô như ở Ukraina hiện nay nếu như Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan.
Và nếu xảy ra thì sẽ có chung kịch bản như Ukraina và sẽ gây chấn động
toàn cầu. Hoa Kỳ sẽ phải phản ứng bằng cách này hay cách khác. Chúng ta
không biết chính xác sẽ như thế nào nhưng các bên đều chuẩn bị.
Tuy
nhiên, điều tồi tệ nhất chưa chắc sẽ xảy ra bởi vì có thể thấy trong
cuộc chiến ở Ukraina hiện nay, tổng thống Biden và chủ tịch Tập Cận Bình
đã nhiều lần điện đàm với nhau. Do đó không loại trừ khả năng Bắc Kinh
và Washington tìm được tiếng nói để giảm bớt phần nào căng thẳng, không
chỉ cho cuộc chiến ở Ukraina, mà còn cho cuộc xung đột, dù hiện không
phải là vũ trang nhưng ngấm ngầm, giữa Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á,
đặc biệt là ở Biển Đông.
Cả hai cường quốc này nghi ngờ nhau và
đều có tham vọng thống trị không gian hàng hải, đặc biệt là ở Thái Bình
Dương và Biển Đông. Trung Quốc muốn xua Hoa Kỳ ra khỏi biên giới của họ
xa nhất có thể vì chẳng có lợi gì với Bắc Kinh khi Washington tăng cường
hiện diện ở Biển Đông. Còn Mỹ lại muốn giữ vai trò cường quốc ở Thái
Bình Dương, duy trì sự hiện diện của Hạm Đội 7, tiến hành các chuyến hải
hành “qua lại vô hại” dù đó là các chiến hạm, tầu khu trục, tầu sân
bay…
Có thể Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến tới một giải pháp có tính
thương lượng khá cao và từ đó sẽ dẫn đến một giải pháp trên quy mô khu
vực. Đây cũng là mong muốn của các nước thành viên ASEAN, đang đàm phán
bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Tuy nhiên, cũng có thể hình dung ra một
sự cố, ví dụ mang tính cục bộ, biến thành xung đột khu vực. Đây chính là
giả thuyết mà nhiều chuyên gia lo sợ. Tôi không hẳn là một trong những
người bi quan nhất bởi vì các kênh đối thoại và đàm phán vẫn tồn tại,
đặc biệt là thông qua ASEAN và tại các thể chế khác. Dù sao thì chúng ta
không thể loại trừ bất cứ điều gì.
RFI : Chiến sự ở
châu Âu có khiến Mỹ phần nào lơ là Biển Đông không ? Liệu Washington
không tìm cách làm phật lòng thêm Bắc Kinh do lo ngại Trung Quốc ủng hộ
và giúp Nga lách trừng phạt ? Liên minh Nga-Trung có kéo theo rủi ro,
thậm chí là mối đe dọa cho vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương không ?
GS. Pierre Journoud : Có
hai câu hỏi trong phần này. Về câu hỏi thứ nhất liên quan đến tác động
của chiến tranh Ukraina có khiến Mỹ, và phương Tây nói chung, lơ là tình
hình Biển Đông hay không, tôi nghĩ là không. Trước hết, Hoa Kỳ là một
thế lực toàn cầu, luôn theo dõi mọi khu vực có nguy cơ xung đột trên thế
giới. Chính sách xoay trục sang châu Á có từ thời tổng thống Obama, tập
trung thêm phương tiện quân sự, tài chính, kinh tế vào châu Á, đặc biệt
là ở Đông Nam Á, là điều vẫn được các tổng thống sau này tiếp tục, dù
ông Trump có thể không ủng hộ chính sách đa phương như người tiền nhiệm.
Chiến
tranh ở Ukraina có lẽ không làm Mỹ lơ là tập trung ở vùng Ấn Độ-Thái
Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông vì căng thẳng vẫn tồn tại, xung đột
còn lâu mới được giải quyết. Trung Quốc ngày càng củng cố hiện diện
trong vùng, quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ chiếm đóng ở Trường Sa và
Hoàng Sa. Vài ngày sau khi Nga tấn công Ukraina hôm 24/02, Trung Quốc
lại tăng ngân sách quốc phòng, đã ở mức rất cao, bỏ xa mọi ngân sách của
các nước trong vùng và hiện đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ.
Ngoài ra, Bắc Kinh tăng cường hiện đại hóa đội tầu chiến. Cứ hai năm,
đội tầu Trung Quốc được cho là tăng gấp đôi về trọng tải. Theo tài liệu
của Lầu Năm Góc mà tôi tra cứu năm 2021, nỗ lực và sự đầu tư ồ ạt đáng
kể đó đã giúp Hải Quân Trung Quốc hiện đứng đầu thế giới về trọng tải,
dù có thể không phải về chất lượng hay công nghệ.
Theo tôi, hiện
tại không có gì thay đổi ở trong vùng do tác động từ chiến sự ở
Ukraina. Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến câu hỏi thứ hai liên quan đến
Nga. Trung Quốc là một đối tác lớn của Nga. Người ta nói đến liên minh,
dù chưa biết liên minh này sẽ đi tới đâu nhưng rõ ràng là Bắc Kinh ủng
hộ nước Nga của ông Putin và không nhắc đến “cuộc xâm lược Ukraina” của tổng thống Putin.
Có
thể thấy là Trung Quốc không được thoải mái vì quyết định của điện
Kremlin dường như không được bàn với Bắc Kinh và cản trở tham vọng của
Trung Quốc trong việc duy trì hòa bình, giữ một trật tự nào đó để nước
này mở rộng ảnh hưởng và có thể là sự thống trị ở trong vùng. “Chiến
dịch quân sự đặc biệt” của Nga đã cản trở những kế hoạch và tham vọng
của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, ảnh hưởng đến sự thành công nhất định
cho đến giờ của trục Matxcơva-Bắc Kinh, cùng với một vài nước khác, nhằm
vẽ lại các mối quan hệ quốc tế hiện tại, hình thành một mô hình thay
thế mô hình của Mỹ và làm thay đổi phần nào bản chất của hệ thống quốc
tế.
Chính sách của ông Putin lại gây hiệu ứng ngược vì đã khiến
các nước châu Âu đoàn kết hơn, hàn gắn khối NATO đang rệu rã. Các nước
NATO, Liên Hiệp Châu Âu, lo chiến tranh tang thương như ở Ukraina lan
sang khối này và cuối cùng khiến những nước này hình thành một mặt trận,
không phải chống Nga mà là chống Putin. Không rõ kết cục sẽ đi đến đâu :
khởi đầu là Crimée, tiếp theo là Donbass, rồi Ukraina, biết đâu nay mai
lại là các nước Baltic, vốn từng chịu ảnh hưởng của Liên Xô.
Tôi
nghĩ là ông Tập Cận Bình theo dõi sát sao tình hình Ukraina. Chủ tịch
Trung Quốc có thể sẽ đề xuất đàm phán một giải pháp chính trị để sớm
chấm dứt cuộc chiến đang làm xấu hình ảnh nước Nga. Dù sao mọi người
đang chờ xem ông Tập Cận Bình sẽ có lập trường như nào, hoặc là giữ
khoảng cách với đối tác Nga, hoặc làm trung gian hòa giải. Căn cứ vào
mối quan hệ tương đối tốt giữa Matxcơva và Bắc Kinh, vào tiềm lực kinh
tế, tài chính, quân sự của Trung Quốc, dường như chỉ có ông Tập Cận Bình
mới có khả năng áp đặt, hoặc dù sao định hướng một giải pháp theo hướng
này.
RFI Tiếng Việt xin trân thành cảm ơn giáo sư lịch sử đương đại Pierre Journoud, Đại học Paul Valéry – Montpellier 3.
*****
Giáo sư Pierre Journoud là tác giả và là đồng tác giả của nhiều tác phẩm nghiên cứu về Việt Nam : Paroles de Dien Bien Phu (với giáo sư Hugues Tertrais), De Gaulle et le Vietnam (1945-1969), Dien Bien Phu. La fin d’un monde…