Tin Tổng Hợp – 25/3/22
Thượng đỉnh NATO: Phương Tây giúp Ukraina nhưng tránh trực tiếp đối đầu với Nga
Tăng cường khả năng phòng thủ trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, đẩy mạnh viện trợ nhân đạo và giúp Ukraina chống chỏi với Nga, nhưng khối này tránh đương đầu trực diện với Matxcơva. Đó là kết quả cuộc họp thượng đỉnh bất thường của NATO hôm 24/03/2022.
Kết thúc cuộc họp tại Bruxelles, Bỉ, tổng thống Biden tuyên bố trong trường hợp Nga dùng vũ khí hóa học nhắm vào thường dân Ukraina, NATO sẽ « đáp trả ». Lãnh đạo Nhà Trắng không đi sâu vào chi tiết và tránh sử dụng cụm từ « lằn ranh đỏ » như người tiền nhiệm Obama trong hồ sơ Syria hồi 2013.
30 nhà lãnh đạo các nước thành viên NATO nhấn mạnh đến việc tăng cường khả năng phòng thủ. Trước hết là khả năng phòng thủ của Ukraina, kể cả trong việc đối phó với vũ khí hóa học và hạt nhân. Kế tới là tăng cường an ninh cho các thành viên của khối, đặc biệt là các nước Đông Âu.
Tuy nhiên, trái với chờ đợi, ngoài Hoa Kỳ, NATO tránh ban hành thêm các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga và nhất là tránh đáp ứng tất cả mọi yêu cầu của chính quyền Kiev. Phát biểu qua cầu truyền hình trong khuôn khổ thượng đỉnh NATO hôm qua tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi phương Tây hỗ trợ quân sự cho Ukraina «về mọi mặt», trong đó bao gồm cả việc viện trợ vũ khí tấn công.
Thông tín viên đài RFI Pierre Bénazet tổng kết thượng đỉnh NATO:
«Liên Minh Bắc Đại Tây Dương từ chối áp đặt vùng cấm bay, từ chối đưa quân đến hiện trường hay cung cấp vũ khí tấn công. Mục tiêu nhằm tránh để bị coi là «cùng tham chiến với Ukraina» hay là một bên tham gia trong xung đột này. Ngược lại phần lớn các thành viên NATO đẩy mạnh viện trợ vũ khí phòng thủ cho Kiev. Trong đó bao gồm đạn dược, các vũ khí phòng không, thậm chí là Mỹ còn đề cập cả đến việc cấp tên lửa chống hạm cho Ukraina.
Trước những tuyên bố của Nga liên quan đến vũ khí hạt nhân và hóa học, NATO sẽ cung cấp cho Ukraina các thiết bị bảo hộ, phát hiện chất phóng xa và tẩy rửa trong trường hợp bị tấn công bằng các loại vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học hay hóa học. NATO cũng đưa ra những biện pháp tương tự để bảo vệ binh lính của khối này.
Ngoài ra, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đã bắt đầu lập một lực lượng phòng thủ về lâu dài, với bốn cụm chiến thuật, bốn tiểu đoàn bổ sung tại tất cả các nước thành viên chung quanh Hắc Hải và biển Baltic.
Thủ tướng Nhật Bản đã đến trụ sở NATO dự thượng đỉnh nhóm G7 được diễn ra ngay sau đó. Khối này quyết định làm tất cả để Vladimir Putin phải trả giá về những hành vi của mình. Bảy nước công nghiệp phát triển nhất thế giới cũng đồng ý phối hợp các biện pháp trừng phạt»
Giới hạn của sự đoàn kết trong NATO
Một trong những mục tiêu của thượng đỉnh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương bất thường vừa qua là phô trương đoàn kết chặt chẽ của phương Tây trên vấn đề Ukraina. Tuy nhiên theo giới quan sát, tổng thống Hoa Kỳ vẫn chưa thuyết phục được các đối tác châu Âu ngừng nhập khẩu dầu khí của Nga.
Về phía Pháp, tổng thống Emmanuel Macron đã nhấn mạnh NATO không muốn trở thành “một bên tham chiến” trong xung đột tại Ukraina. Về vai trò của Bắc Kinh trên hồ sơ này, Paris quan niệm do là thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, là một cường cuốc thế giới Trung Quốc «chỉ có thể đóng một vai trò trung gian và chừng mực» để giải quyết xung đột đang diễn ra tại châu Âu. Tổng thống Macron cũng nói thêm ông hy vọng rằng «Trung Quốc sẽ không tham gia dưới bất kỳ hình thức nào khiến tình hình thêm căng thẳng».
Thanh Hà
Người Sài Gòn có quan tâm đến cuộc chiến của Nga ở Ukraine?
Song May – Gửi bài cho BBC từ Sài Gòn, Việt Nam
Với dân Sài Gòn, cuộc chiến Nga – Ukraine vẫn xây ra chỉ ở trên mạng. Ai quan tâm thì tích cực tìm kiếm các kênh tin tức của nước ngoài, bởi các báo trong nước đều đưa tin theo giọng của Nga và gọi việc Nga xâm lược Ukraine là “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Đời thường: Dân lo kiếm tiền và mong không bị hậu Covid
Mỗi
ngày ở xóm tôi, láng giềng gặp nhau cũng chỉ hỏi nhà ai đang có người
nhiễm virus để né, hoặc giá xăng, giá thực phẩm hôm nay thế nào. Nhà nào
có người đã bị nhiễm Covid-19 thì lại lo đi khám hậu Covid. Không hiểu
sao trên các báo nhà nước có nhiều bài nói về triệu chứng hậu Covid đến
thế, đọc kỹ thì ra là bài quảng cáo cho các bệnh viện tư nhân. Hầu hết
các bài này đều có giọng điệu đe dọa, khiến người từng bị nhiễm Covid lo
sợ và tốn đống tiền khi đến khám hậu Covid bị bác sĩ chỉ định làm đủ
thứ các xét nghiệm và chụp chiếu.
Buổi tối ngày thường đi ngang các quán cà phê, quán nhậu…vẫn thấy kín bàn. Còn đi ngang công viên thì thấy dân Sài Gòn chăm chỉ rủ nhau đi bộ, đạp xe, thể dục theo nhạc…Buổi tối cuối tuần, khu trung tâm Quận nhất rực sáng đèn với đông người tụ tập ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên bến Bạch Đằng…, trong đó đa số là người trẻ. Họ làm gì? Cùng nhau ăn vặt, chém gió và hát tình ca.
Mới đây, nói chuyện với vài bạn trẻ gen Z, gen Y thì biết các bạn đang bàn về vụ ca sĩ Hiền Hồ và đại gia Nanogen Hồ Nhân, với phát ngôn tai tiếng “Anh em nương tựa nhau” bị nhại tràn ngập trên mạng. Đứa cháu gái còn đưa lên mạng hình ảnh các cô gái trong “áo trà xanh” với lời khuyên đàn ông nên né gấp.
Trên các group “Tôi là dân quận…” hay “Tôi là dân Sài Gòn” tràn ngập những hình ảnh mê tín dị đoan (kiểu like là được phước, được lộc) và rao bán thực phẩm.
Trong khi dân các nước biểu tình chống Nga xâm lược Ukraine và biểu thị sự ủng hộ Ukraine mạnh mẽ bằng màu cờ, sắc áo thì trên bình diện chung, dân Sài Gòn vẫn phớt lờ.
Điều này chứng tỏ việc chính quyền ‘xử lý’ biểu tình phản đối môi trường biển bị nhiễm độc bởi Formosa hay phản đối sự hình thành các đặc khu cho Trung Quốc thuê đất đã thành công. Dân chúng đã thấm đòn và nay họ bàng quang trước mọi việc, ngậm ngùi cho rằng “mọi việc đã có Đảng và chính phủ lo”.
Cuộc chiến Nga-Ukraine trên mạng xã hội
May mắn là bạn bè của tôi trên mạng xã hội không ai tỏ ra cuồng Putin nên tôi chưa hủy kết bạn với ai giống như hồi vụ án Đồng Tâm tháng 1/2020. Tuy nhiên, những status ủng hộ Ukraine của tôi nhận được “like” và bình luận ít hơn những status viết về món ăn hay chụp ảnh phong cảnh. Đặc biệt, tôi nhận ra “sự im lặng” của những người bạn đang làm việc trong các tờ báo nhà nước. Dường như có một “chỉ thị ngầm” và họ phải tuân lệnh.
Tôi cũng nhận ra một số bạn sinh sống ở miền bắc trước 1975 mê nước Nga (qua bài hát, phim ảnh và phong cảnh) nay tránh đề cập đến cuộc chiến. Mặt khác, vẫn có bạn gốc Hà Nội sống ở Sài Gòn gọi Putin là “tên giết người”, ca ngợi tổng thống Ukraine và liên tục trích dẫn những bài báo ủng hộ Ukraine từ báo nước ngoài và một số người nổi tiếng. Bạn cho rằng phiếu trắng của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc ngày 2/3 không phải là thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc mà là “Bố bảo trắng, con ok trắng” – tức Việt Nam bị “bố nó” là Trung Quốc buộc phải làm theo.
Một người dân Sài Gòn nay sinh sống ở Mỹ thường đưa hình ảnh xúc động về tinh thần của người dân Ukraine và câu chuyện sống chết của những phóng viên chiến trường quốc tế đang có mặt ở Ukraine. Đau xót trước sự đổ nát của những thành phố của Ukraine và cái chết của nữ nhà văn Ukaine Irina Tsvila, bạn viết: “Irina Tsvila, cũng như Svetlana Alexievich, cũng như Phan Thuý Hà là những nữ nhà văn có các tác phẩm ghi chép về chiến tranh vô cùng giá trị… rồi bây giờ Irina vẫn phải ngã xuống vì chiến tranh, khâm phục và đau xót. Căm phẫn kẻ gây chiến, căm phẫn Putin!”.
Ngày 16/3, trước phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế yêu cầu Nga chấm dứt ngay các hoạt động quân sự trên lãnh thổ Ukraine, bạn viết: “CHÍNH NGHĨA thuộc về UKRAINE, đã được Toà án Công lý Quốc tế khẳng định”. Người bạn ấy gốc Hà Nội và có cha là quan chức ở miền nam sau 1975.
Trên “nhà FB” của một bạn quê miền Nam làm việc trong ngành điện ảnh, am tường giới nghệ sĩ, tôi nhìn thấy sự tranh cãi về cuộc chiến và bạn đã phải chặn một số người ca ngợi Putin và ác ý với Ukraine. Bạn đã đổi nền cover sang màu cờ Ukraine và cho rằng giới nghệ sĩ ở miền Nam không dám thể hiện chính kiến về cuộc chiến này vì “tâm lý chung là sợ hãi, không liên can”.
Thẳng thắn hơn, bạn chia sẻ:
“Chẳng những vậy mà còn bị chặn không cho tổ chức các chương trình gây quỹ thiện nguyện “for Ukraina” nữa chứ… Đó là ở cấp nhà nước, còn ở cấp nhân dân thì dường như có những người thuộc tầng lớp “tinh hoa” bổn xứ rất tỉnh và thực tế đến thực dụng, theo kiểu chọn phù thịnh chứ không phù suy, theo phe mạnh chứ “ngu gì” chọn phe yếu- vốn dĩ chỉ có nước mắt và nhiệt huyết nhưng hoàn toàn không có lợi ích. Showbiz tại xứ thì lại càng bên lề trong mọi câu chuyện thuộc về thời cuộc, bất kể là thời cuộc xứ mình hay xứ quốc tế. Showbiz tại xứ có lẽ chỉ cần nói chuyện “tiểu tam”/ “trà xanh” chi đó làm zui, mắc gì bàn chuyện “chính trị” cho đau đầu mệt óc.“
Ngạc nhiên nhất là một bác sĩ dân Sài Gòn chuyên phẫu thuật tim hay kể chuyện bệnh nhân, bệnh viện, đồng nghiệp… mới đây cũng bình luận về cuộc chiến, với đôi dòng sắc cạnh:
“Chiến sự Ukraine – Nga đã mấy tuần, hai bên đánh nhau quyết liệt. Khâm phục tinh thần đoàn kết, yêu nước, dũng cảm của người dân Ukraine trước sự xâm lược của Putin. Đánh ở đâu xa lắc xa lơ, mà ở VN cũng chịu ảnh hưởng. Giá xăng dầu tăng, giá gaz tăng, vàng tăng, lương thực thực phẩm… tất cả đều tăng (ngoại trừ lương là không chịu tăng)… Cảm ơn bạo chúa Putin. Gieo gió ắt gặt bão. Nổ súng bên Ukraine, mà rúng động thế giới. Nếu tui là dân Ukraine, dứt khoát không đầu hàng, không thỏa hiệp.”
Trong danh sách những người nổi tiếng “ngoài lề phải” mà tôi follow, từ luật sư, bác sĩ, giáo sư đến nhà báo, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội….đều tỏ rõ lập trường ủng hộ Ukraine, với cách đưa tin và bình luận khác nhau nhưng tựu chung đều gọi Putin là Stalin mới…
Cũng có người chia sẻ đường link quyên góp cho dân Ukraine, hoặc công khai quyên góp tiền cho Đại sứ quán Ukraine như võ sư Đoàn Bảo Châu.
Trong số đó, đáng chú ý nhất là trang FB của bạn Phan Châu Thành, một người Hà Nội đang sinh sống ở Ba Lan.
Bạn Thành không chỉ tóm lược tình hình chiến sự Nga-Ukraine ngắn gọn và dễ hiểu mà còn tích cực tham gia vào nhóm người Việt ở Ba Lan và châu Âu ủng hộ dân Ukraine lương thực, thực phẩm, thuốc men, đồ dùng… Dù không công khai quyên góp cho Ukraine nhưng uy tín của bạn Phan Châu Thành (trong nhiều năm từng trợ giúp nuôi trẻ mồ côi trong các tu viện miền trung) đã giúp bạn trở thành nguồn tiếp nhận hàng hóa và tiền cứu trợ Ukraine từ người Việt.
Mỗi status của Phan Châu Thành đều kết thúc bằng câu: “Viva Ucraina” và hầu như status nào của bạn cũng gặp sự chế nhạo, chống đối và thậm chí chửi rủa của những kẻ “tôn thờ Liên Xô”. Đáp trả, Thành thẳng thắn nói: “Người Ucraina đã quyết định tương lai của họ. Ủng hộ thì sắn tay vào giúp, không ủng hộ yên lặng mà nhìn, nói những thứ lung tung, nhồi vào đầu bọn trẻ toàn thứ chả đâu vào đâu, phát mệt, mà hỏng hết cả mấy thế hệ”. Mặt khác, anh cũng tự hào: “Người Việt thực ra rất tốt, nếu họ có môi trường và niềm tin”.
…và trong cộng đồng dân Công giáo
Ngoài mạng xã hội, cộng đồng dân Công giáo ở Sài Gòn rất quan tâm đến cuộc chiến Nga – Ukraine, do linh hướng từ Đức Giáo hoàng Francis. Ngay trong ngày 2/3, khởi đầu mùa chay của dân Công giáo, cộng đồng giáo dân ở Sài Gòn đã ăn chay và dâng lễ cầu nguyện cho hòa bình Ukraine. Trong thánh lễ, một số linh mục đã cập nhật tình hình chiến sự Nga – Ukraine với quan điểm ủng hộ Ukraine.
Cha tôi gần 90 tuổi mỗi ngày đều theo dõi tin tức trên kênh YouTube của Vatican Tiếng Việt và ông tỏ ra đau buồn trước mất mát của người dân Ukraine. Cha tôi tin lời cầu nguyện của Đức Giáo hoàng và tin lời cầu nguyện của chính mình sẽ giúp cho chiến tranh sớm chấm dứt và không lan rộng toàn cầu.
Hy vọng cha tôi đúng.
Bài thể hiện quan điểm riêng của Song May, viết từ Sài Gòn.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-60876652
(Bloomberg) – Châu Âu lo ngại Trung Quốc có thể gửi thiết bị công nghệ để giúp Putin. Bắc Kinh có thể giúp Nga giảm tác động của các biện pháp trừng phạt bằng cách cung cấp chất bán dẫn và các loại thiết bị công nghệ khác cho Matxcơva. Nhiều quan chức Mỹ cũng cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể giúp ông Putin. Ngoài ra, chương trình nghị sự ngày 24/03/2022 giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh NATO, G7 và Liên Hiệp Châu Âu tại Bruxelles còn bàn về ảnh hưởng của Trung Quốc về tình hình ở Ukraina.
(AFP) – Hơn một nửa trẻ em Ukraina phải rời nơi ở vì chiến tranh. Theo giám đốc của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF, đây là sự di cư ở quy mô lớn của trẻ em nhanh nhất kể từ Thế Chiến II. Trong thông cáo ngày 24/03/2022, UNICEF thống kê khoảng 4,3 triệu trẻ em Ukraina phải sơ tán, trong đó có khoảng 1,8 triệu em rời lãnh thổ Ukraina, 81 em bị chết và 108 em bị thương vì chiến tranh.
(AFP) – Chủ tịch Interpol bị điều tra tại Pháp vì cáo buộc «tra tấn» và «hành vi man rợ». Tháng 1/02022, Trung tâm Nhân quyền vùng Vịnh (Gulft Centre for Human rights, GCHR) đã đệ đơn kiện ông Ahmed Nasser Al-Raisi, người Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, hiện giữ chức chủ tịch Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), trụ sở tại Lyon, Pháp, là một trong số những người chịu trách nhiệm về các vụ tra tấn nhà đối lập Ahmed Mansoor, bị cầm tù năm 2017. AFP ngày 24/03/2022 trích một nguồn tin nắm rõ hồ sơ cho biết Viện kiểm sát chống khủng bố (Pnat) của Pháp đã mở điều tra sơ bộ.
(RFI) – Khí đốt làm gia tăng căng thẳng ở vùng Thượng Karabakh. Từ hai tuần nay, chính quyền Erevan cáo buộc Azerbaidjan chặn nguồn khí đốt được chuyển từ Armenia cho người dân địa phương ở Thượng Karabakh và có nguy cơ gây khủng hoảng nhân đạo vì nhiệt độ ở vùng núi nam Kafkaz thường xuống dưới ngưỡng 0°C vào cuối mùa đông này. Sau 44 ngày giao tranh dữ dội vào cuối năm 2020, Azerbaidjan kiểm soát phần lớn các vùng đất quanh Thượng Karabakh.
(AFP) – Lễ trao giải Oscars diễn ra tối Chủ Nhật 27/03/2022. Giải thưởng điện ảnh danh tiếng của Hoa Kỳ lần thứ 94 sẽ diễn ra tại nhà hát Dolby, Los Angeles, Mỹ. West Side Story, Belfast, Dune… nằm trong số 10 đề cử cho Phim hay nhất. Trong số 5 đề cử Diễn viên Nam xuất sắc nhất có nghệ sĩ Tây Ban Nha Javier Bardem (phim Being the Ricardos) và diễn viên Mỹ Will Smith (phim King Richard). Penélope Cruz (trong phim Madres Paralelas) và Nicole Kidman (trong phim Being the Ricardos) được đề cử trong hạng mục Diễn viên Nữ xuất sắc nhất. Để thu hút thêm khán giả truyền hình (chưa đầy 10 triệu người trong lễ trao giải 2021), ban tổ chức quyết định ghi hình trước lễ trao giải cho 8 hạng mục kỹ thuật hoặc cho các thể loại ngắn (âm thanh, trang trí, phim tài liệu, phim ngắn…).
(AP) – Ngoại trưởng Trung Quốc thăm Ấn Độ. Hôm nay 25/03/2022, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp đồng nhiệm Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và cố vấn an ninh quốc gia Ajit Doval nhằm làm xuống thang căng thẳng ở biên giới giữa hai nước. Cuộc xung đột dữ dội vào tháng 6 năm 2020 giữa hai quốc gia đã khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Trung Quốc cho biết cũng đã mất 4 binh sĩ trong cuộc đụng độ này.
(Reuters) – Số ca nhiễm Covid-19 giảm ở Trung Quốc. Cơ quan y tế nước này hôm nay 25/03/2022 cho biết đã ghi nhận 1.366 trường hợp nhiễm Covid vào ngày hôm qua 24/03, giảm so với 2.054 trường hợp một ngày trước đó. Tính đến hôm qua, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 140.651 ca nhiễm có triệu chứng.
(AFP) – Đội tuyển bóng đá Ý không được dự World Cup 2022. Đây là lần thứ 2 liên tiếp các nhà đương kim vô địch Euro không được dự World Cup sau khi họ bị đội tuyển Bắc Macedonia đánh bại ở trận tranh vé vớt. Ý đã từng 4 lần vô địch World Cup vào các năm 1934, 1938, 1982 và 2006.
(Reuters) – Liên Hiệp Quốc nhận được nhiều thông tin về hố chôn tập thể tại Mariupol, Ukraina. Người đứng đầu ủy ban thanh tra trực thuộc Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Matilda Bogner hôm 25/03/2022 cho biết căn cứ vào một số nhân chứng và ảnh vệ tinh, một trong những hố chôn nói trên có ít nhất 200 thi thể. Ít nhất hơn một ngàn người Ukraina thiệt mạng từ khi xảy ra chiến tranh.
(AFP) – Phần Lan ngừng các chuyến xe lửa Allegro nối liền Saint-Petersbourg và thủ đô Helsinki. Đây là con đường duy nhất đưa người Nga sang Châu Âu. Thông báo của công ty đường sắt Phần Lan nói rõ Chủ Nhật 27/03/2022 Allegro sẽ thực hiện chuyến đi cuối cùng. Helsinki giải thích từ một tháng qua bất chấp lệnh cấm vận quốc tế trừng phạt Nga xâm lược Ukraina, Allegro được duy trì để cho phép tất cả các công dân Phần Lan hồi hương. Tuy nhiên những công dân Nga có hộ chiếu Phần Lan đã xuất ngoại qua ngả này.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220325-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p