Chính sách “dị biệt” của Hungary trong việc đáp trả Nga tấn công Ukraina

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chính sách “dị biệt” của Hungary trong việc đáp trả Nga tấn công Ukraina

24/03/2022 – Khoảng một tuần trước kỳ tổng tuyển cử Quốc hội sẽ diễn ra vào ngày 3/4 tới, báo chí và công luận Hungary dường như không còn quá hào hứng với chuyện bầu bán, mà đặt mối quan tâm chủ yếu vào chủ đề chiến sự Ukraina, với những tin tức cập nhật từng phút, và đặc biệt, nhắc nhiều tới quan điểm của chính quyền nước này với cuộc chiến.

Lý do của sự quan tâm, và cả những tranh luận nảy lửa về chủ đề này trên các mạng xã hội Hungary, là bởi nước này, như trong nhiều vấn đề khác về chính trị và ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu (EU), một lần nữa lại duy trì một lập trường khác với đại số các thành viên EU, vốn có góc nhìn rất thống nhất, “đại đồng tiểu dị” trong việc đứng về Ukraine và lên án Liên bang Nga.

Quan điểm của Budapest như thế nào trong hồ sơ Ukraina, và họ lý giải điều đó ra sao?

Thủ tướng Orbán Viktor, ngoại trưởng Szijjártó Péter và các nhân vật lãnh đạo phe cầm quyền Hungary trong mọi phát biểu của mình đều nhấn mạnh: Trong cuộc chiến này, bằng mọi giá, phải để nước Hung đứng ngoài và do đó, Hungary chỉ giúp đỡ nhân đạo Ukraina, nhưng không cho phép đưa quân đội và các khí tài quân sự qua ngả Hung để ủng hộ cuộc chiến vệ quốc Ukraina.

Cụ thể, ông Orbán Viktor tuyên bố nước này khởi động gói cứu trợ nhân đạo lớn bậc nhất trong lịch sử của mình để hỗ trợ Ukraina, gồm thực phẩm và một số mặt hàng nhu yếu phẩm. Ngoài ra, Hungary trên cương vị thành viên Liên Âu và Khối Hiệp ước NATO, lên án cuộc chiến xâm lược của Nga, ủng hộ sự hỗ trợ hội nhập Châu Âu của Ukraina nhưng tất cả chỉ dừng ở mức đó.

Để lý giải cho thái độ lừng chừng của mình, Budapest nhiều lần bày tỏ quan niệm phải ưu tiên bảo vệ an ninh cho nước Hung, người Hung và Hung kiều ở Ukraina, và do đó, không thể mạo hiểm mở đường vận chuyển vũ khí, khí tài hoặc có bất cứ hành động quân sự gì để giúp đỡ cho Ukraina, khiến người dân có thể rơi vào tầm ngắm Liên bang Nga trong cuộc chiến Ukraina.

Hungary cũng phản đối những nỗ lực tích cực của Liên Âu trong việc độc lập hóa và giảm thiểu sự lệ thuộc vào Liên bang Nga trong hồ sơ năng lượng, với lý do nước này cần năng lượng từ Nga trong một khoảng thời gian dài nữa để đảm bảo những quyết sách của chính quyền trong vấn đề dân sinh, như giảm chi phí điện, ga sưởi… cho các gia đình, đặc biệt với người cao niên.

Với thời gian, quan niệm của chính quyền Hungary còn được thủ tướng nước này lý giải như là một quyết định độc lập, không lệ thuộc các thế lực “ngoại bang” (ám chỉ Brussels), đặt lợi ích dân tộc lên vị trí tối thượng, chứng tỏ bản lĩnh của một quốc gia mạnh mẽ “xứng đáng được tự do”. Đồng thời, ông Orbán Viktor còn coi đây là một động thái nhằm đóng góp, xây dựng hòa bình.

Lập trường của Hungary gặp phải phản ứng thế nào từ Liên Âu và nước láng giềng Ukraine?

Hành động của chính phủ Hung có lẽ không quá bất ngờ với giới chính trị Châu Âu, vốn nhìn nhận Budapest như một “con ngựa thành Troy” của Liên Âu trong mối quan hệ khăng khít với Nga và Trung Quốc. Những ngày đầu tiên, truyền thông và chính giới EU còn đưa tin, Hungary thậm chí có thể veto (phủ quyết) các nỗ lực chung của Liên Âu nhằm trừng phạt nước Nga, và hỗ trợ Ukraina.

Là quốc gia có hơn 130km biên giới chung với Hungary và hiện đã có hơn nửa triệu người tỵ nạn qua ngả Hung để đến Châu Âu, dễ hiểu là Kiev rất bất bình với thái độ của Budapest, nhất là nước này liên tục nói “Không” với các đề xuất như tẩy chay Nga về mặt năng lượng, thiết lập vùng cấm bay, vận chuyển vũ khí qua đường Hung hay gửi các lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraina.

Sự phản đối đến từ nhiều cấp. Phó thủ tướng Iryna Vereshchuk cho rằng quan điểm của Hungary tệ không khác gì của các nước “chư hầu” của Liên Xô cũ, chẳng lẽ chỉ vì Budapest muốn mua rẻ khí đốt của Matxcơva? Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Oleg Nikolenko thì cho rằng việc Hungary tránh đối đầu với Nga để chiến tranh khỏi lan rộng là sai trái, vì sau Ukraina sẽ đến lượt Hung.

Liên bang Nga sẽ không dừng ở biên giới Ukraina” cũng là ý kiến của ngoại trưởng Dmitro Kuleba khi ông dùng lời lẽ rất nặng nề với phía Hungary. Ông nhắc lại 2 biến cố lịch sử lớn nhất của nước Hung thời cận – hiện đại – năm 1848-49 và 1956 – khi các đạo quân Nga – Xô Viết đã đè bẹp ước vọng tự do của dân tộc Hung, và đặt câu hỏi chẳng lẽ Hungary đã mau quên như thế?

Gay gắt hơn cả, có lẽ là phát biểu của bà Lyubov Nepop, đại sứ Ukraina tại Hungary, ngay bên thềm kỷ niệm Đại lễ 15/3 khi nước Hung kỷ niệm cuộc chiến độc lập 1848-49 rốt cục bị liên quân Áo – Nga dìm vào bể máu. “Đối với các bạn, giảm chi phí điện, ga… là quan trọng hơn tính mạng con người? (…) Các bạn không hổ thẹn về bản thân mình sao? Có quyền kỷ niệm ngày 15/3 không?”.

Tại sao chính phủ Hungary lại theo đuổi quan điểm “thiểu số” như vậy ở Châu Âu?

Thân Nga và Trung Quốc là điểm mấu chốt trong đường lối ngoại giao “Hướng Đông” của nội các cánh hữu Hungary qua 3 nhiệm kỳ liên tiếp mà phe cầm quyền chiếm đa số tuyệt đối 2/3 số ghế trong Quốc hội từ 12 năm nay. Riêng với Liên bang Nga, báo chí Hung lưu ý rằng không năm nào mà thủ tướng Hung Orbán Viktor lại không gặp gỡ, hội đàm với tổng thống Nga Vladimir Putin.

Gần đây nhất, đầu tháng 2/2022, hai chính khách này còn gặp nhau tại Matxcơva. Mối quan hệ chính trị và thương mại chặt chẽ giữa 2 nước, lâu nay, đã bị Liên Âu để ý. Lập luận rằng cần phải đa dạng hóa các mối quan hệ vì lợi ích dân tộc, kể cả khi đi ngược lại với Bruxelles, chủ trương thân Nga của chính phủ Hungary bị phe đối lập phê phán là chỉ phục vụ tệ tham nhũng ở tầm nhà nước.

Chỉ cần nhắc tới một “phi vụ” với Nga, bị xem là có thể khiến nước Hung khánh kiệt và hoàn toàn lệ thuộc vào Matxcơva: Dự án đầu tư lớn nhất trong lịch sử Hungary nhằm mở rộng nhà máy điện nguyên tử với nguồn tín dụng Nga, do phía Nga thực hiện, đa phần với công nghệ Nga. Được “ký tắt” mà không hề có các phân tích và nghiên cứu khả thi, dự án còn bị mật hóa trong vòng 30 năm!

Bên cạnh câu chuyện về điện nguyên tử, Hungary còn lệ thuộc nặng nề vào Nga về khí đốt, và do đó, Budapest luôn tránh những nỗ lực tẩy chay Nga trong hồ sơ năng lượng. Lập trường nước đôi của họ với Ukraina còn có thể giải thích bởi một cộng đồng Hung kiều không nhỏ hiện sinh sống ở mảnh đất xưa kia từng là của Vương quốc Hungary, bị coi là nguồn cơn xung đột giữa 2 nước.

Một số biện pháp trong nỗ lực “thoát Nga” của Ukraina, bị coi là đã ảnh hưởng và phân biệt đối xử kỳ thị cộng đồng này, khiến trong quá khứ, Budapest đã dùng quyền phủ quyết trước nhiều cố gắng hội nhập Liên Âu và NATO của Ukraina. Ngược lại, Kiev cũng không hài lòng với việc Hungary “đơn phương” trao quốc tịch Hung cho các kiều dân này, xem đấy như là một sự can thiệp vào nội bộ Ukraina.

Ảnh hưởng của đường lối ngoại giao này với kỳ bầu cử Quốc hội sắp tới?

Theo các nhà bình luận, những biến động lớn như chiến tranh, dịch bệnh… trước những kỳ bầu cử thường có lợi cho phe cầm quyền, vì họ có thể chứng tỏ được vai trò “bảo vệ nhân dân” của mình, như những “người hùng” trong chiến trận. Chính phủ Hungary có thể cũng theo kịch bản này, khi đưa ra lý giải bảo vệ nước Hung, dân Hung, tránh cho Hungary khỏi chiến tranh, yêu hòa bình…

Bên cạnh đó, tận dụng một vài phát biểu có phần “hớ hênh” của phe đối lập, khi nhấn mạnh bổn phận đứng về phía Ukraina của nước Hung trên cương vị một thành viên Liên Âu và NATO, chính quyền Hung còn mở một chiến dịch truyền thông, “vu” cho đối lập là “hiếu chiến”, “ưa chiến tranh”… và mặc dù vô cơ sở, điều này cũng có ảnh hưởng tới một số giai tầng trong xã hội Hungary.

Dầu vậy, lập trường “lập lờ” cũng không chắc chắn đem lại lợi thế đáng kể cho liên minh cầm quyền trong kỳ bầu cử, theo một số phân tích. Lần đầu tiên sau 12 năm, thủ tướng Orbán Viktor phải lý giải là tại sao ông từ bỏ hình ảnh một anh hùng bảo vệ đất nước (trước người tỵ nạn, di dân, trước dịch bệnh…) để trở thành người “gìn giữ hòa bình”, trái hẳn với phần còn lại của Châu Âu.

Việc Hungary miễn cưỡng đồng thuận với Châu Âu trong việc lên án cuộc chiến xâm lược của Nga – đơn thuần chỉ bởi vì nước Hung là thành viên EU, chứ không xuất phát từ trách nhiệm đạo đức và nhân phẩm – cũng là điều được công luận nhận ra, theo phân tích của các nhà bình luận chính trị, và đây là điều khó xử ngay cả trong hàng ngũ liên minh cần quyền và giới cử tri ủng hộ cho họ.

Bất kể điều gì có xảy ra đi nữa, với bước đi này của chính quyền Hungary, nước Hung sẽ khó còn có thể nhắc tới lịch sử khổ đau của họ, khi họ chìm trong các cuộc chiến với nhiều đế quốc, nhiều thế lực mạnh hơn họ bội phần, và mặc dù rất quả cảm và yêu tự do, họ đã phải chịu bại trận khi không được sự hỗ trợ từ những nơi mà họ cầu cứu. Phải chăng, đây cũng sẽ là bài học lịch sử cho họ?

Hoàng Nguyễn

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20220324-hungary-goc-nhin-di-biet-chien-tranh-nga-ukraina