Tin Trong Nước – 22/3/22
Gần 50 người nhập viện sau khi ăn bánh mì
VnExpress – Ngày 22/3, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lâm Đồng phối hợp các cơ quan chức năng TP. Đà Lạt làm rõ nguyên nhân hàng loạt người dân, du khách và vận động viên điền kinh nhập viện cấp cứu.
Từ ngày 18 đến 21/3, Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt và Bệnh viện đa
khoa Lâm Đồng tiếp nhận nhiều người nhập viện với các triệu chứng giống
nhau như nôn ói, tiêu chảy, đau đầu… Qua thăm khám, 48 bệnh nhân đều
khai báo trước đó ăn bánh mì của một thương hiệu được bán ở các tiệm
trên đường Trần Phú, đường Phan Chu Trinh và gần khu vực chợ Đà Lạt.
Theo Bùi Văn Độ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lâm Đồng, qua kiểm tra, chủ các cơ sở không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu sản xuất bánh mì, không có mẫu thực phẩm lưu theo quy định. Các địa điểm này đã bị đình chỉ hoạt động để làm rõ nguyên nhân.
Nhiều nam sinh tố thầy giáo quấy rối tình dục
Mấy ngày nay, mạng xã hội Facebook lan truyền chóng mặt một bài đăng của tài khoản tên “Thiều Tuấn” với tiêu đề “Mình bị tấn công tình dục bởi một giáo viên cấp ba”. Bài viết này có hơn 1.300 lượt bình luận và hơn 1.500 lượt chia sẻ. Sau đó, một Fanpage tên ‘Nghi vấn lạm dụng học sinh tại trường THPT N.T.T” được tạo ra với gần 7.000 lượt theo dõi và thích trang, kèm theo các bài đăng có nội dung tố một thầy giáo của trường THPT trên địa bàn TP. Trà Vinh, Trà Vinh quấy rối tình dục, sàm sỡ, có hành động ‘lạ’ với nhiều nam sinh.
PV Thanh Niên đã tìm hiểu và được biết người bị tố là ông T.T.T, thầy giáo dạy ngữ văn ở một trường THPT. Ngày 21.3 trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Phong, Hiệu trưởng Trường THPT – nơi thầy T. đang công tác, cho biết có nắm sự việc thông qua mạng xã hội.
“Trong cuộc họp hội đồng trường, thầy T. đều trả lời những cái đó đều không có, không có chứng cứ. Chúng tôi đã chuyển qua Sở, nhờ Sở phối hợp với các cơ quan chuyên môn điều tra”, ông Phong nói.
“Lúc thầy T. đọc tường trình có nói nhiều khi quan hệ thân thiện quá mức với học trò làm cho học trò nghĩ theo một vấn đề khác. Thầy T. vẫn làm việc bình thường và trường chưa nhận trực tiếp bất kỳ đơn tố cáo hay người tố cáo nào, chỉ biết sự việc qua mạng xã hội”, ông Vũ nói.
Cùng ngày, bà Nguyễn Thị Bạch Vân, Giám đốc Sở GD-ĐT Trà Vinh cho biết đã tiếp nhận sự việc, hiện Sở đang tiến hành xác minh, xem xét và sẽ thông tin đến báo chí.
PV Thanh Niên đã nhiều lần liên lạc với thầy T. nhưng không được. PV
Thanh Niên đã tìm gặp được nhiều học sinh tự nhận từng bị thầy T. quấy
rối, sàm sỡ và phụ huynh của những em này đều xác nhận từng nghe con
mình kể lại.
“Sau khi thấy tin trên Facebook, tôi đã liên hệ với giáo viên chủ nhiệm báo sự việc nhưng cả tháng không thấy phản hồi. Con tôi đang học lớp 12 ở trường, kể cũng khá lâu (hồi lớp 9 ôn thi vào lớp 10), nhưng nó buộc tôi phải im lặng, không được nói với ai để yên cho nó học. Sau khi gặng hỏi con nó mới kể sơ sơ nói thầy T. kêu vô phòng (nơi thầy T. dạy ôn thi – NV) ôm, mò mẫm, lắc qua lắc lại, làm vậy là biến thái rồi. Nó còn nói thấy thầy ôm, nhà không có ai, chốt cửa trong nó sợ, nó về nói không muốn đi học thầy T. nữa”, một phụ huynh bức xúc.
Một nam sinh khác (đang học lớp 12 cho biết thời điểm đang học lớp 9 ôn thi vào trường này) nói: “Thời điểm đó học thêm chỗ thầy T., nhiều lần thầy kêu vào phòng riêng sờ soạng chỗ nhạy cảm. Em phản ứng thì thầy thôi, nhưng rồi lại làm tiếp, thầy có dặn không được kể với ai nếu không sẽ rớt. Nên em không dám nói với ai”.
Nhiều phụ huynh cho biết họ không dám lên tiếng, tố cáo là vì lo lắng việc học của con, còn các học sinh im lặng vì lo sợ thầy T. sẽ làm ảnh hưởng đến việc học. Tuy nhiên, sau khi thấy bài đăng trên Facebook tài khoản tên “Thiều Tuấn” – người được cho là cựu học sinh của trường kể về sự việc từng là nạn nhân của thầy T., nhiều người quyết định không im lặng nữa vì không muốn sự việc này tiếp diễn. Nhiều người cho biết đã viết đơn tố cáo thầy T. gửi đến cơ quan công an.
Không khởi tố vụ Quốc Cường Gia Lai bị tố chiếm đoạt 2.882,8 tỉ đồng
Thanh Niên – Ngày 22/3, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết vừa gửi thông báo cho bà Nguyễn Thị Như Loan (Tổng giám đốc Công ty cổ phẩn Quốc Cường Gia Lai; gọi tắt Công ty Quốc Cường Gia Lai) kết quả nguồn tin về tội phạm liên quan đến bà và công ty.
Theo đó, Công an TP.HCM nhận được nguồn tin về tội phạm theo đơn của ông Trần Tuấn Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Sunny Island (gọi tắt Công ty Sunny Island, Q.Tân Bình) tố cáo bà Loan hai nội dung: gian dối về tình trạng pháp lý, gian dối về diện tích đền bù khi ký kết, thực hiện hợp đồng (không số) hứa mua, hứa bán dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển, xã Phước Kiển, H.Nhà Bè để chiếm đoạt số tiền 2.882,8 tỉ đồng của Công ty Sunny Island; Cơ quan quản lý Nhà nước ban hành các văn bản chấp thuận giao cho Công ty Quốc Cường Gia lai làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Bắc Phước Kiển không đúng quy định của pháp luật.
Nguồn tin trên cho hay, Công an TP.HCM đã căn cứ khoản 1 Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự, đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo đơn trình báo của Công ty Sunny Island. Ngày 18.3, Viện KSND TP.HCM đã có kết luận kiểm tra số 85/KL-VKS-P3 kết luận quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Công an TP.HCM là có căn cứ.
Nông dân phá bỏ vườn thanh long
VnExpress – Nhiều nhà vườn ở Bình Thuận chặt bỏ thanh long do giá thu mua loại nông sản này bấp bênh, họ liên tiếp thua lỗ nặng.
Cuối tuần qua, anh Nguyễn Thế Anh, nông dân xã Hàm Thạnh (huyện Hàm
Thuận Nam), thuê xe cơ giới cùng hai nhân công bắt đầu nhổ bỏ hơn 3.000
gốc thanh long. Dây thanh long trên các trụ trong vườn đang xanh mướt,
nhưng chủ vườn đành phá bỏ và nhổ trụ lên, vì không đủ khả năng đầu tư
tiếp.
Anh cho biết, ba lứa chong đèn liên tiếp vừa qua của gia đình, lứa nào cũng bị rớt giá thê thảm, chỉ bán được vài nghìn đồng một kg. Tiền bán thanh long không đủ trả tiền điện chong đèn, tiền phân thuốc và công chăm sóc. Mỗi lứa đầu tư lỗ đến mấy chục triệu đồng.
“Với tình hình như hiện nay, tiếp tục làm sẽ tiếp tục lỗ, nên tôi quyết định chặt bỏ thanh long chuyển qua trồng mít và mãng cầu, không còn chọn lựa nào khác”, anh Thế Anh cho hay.
Ông Trần Phi Dũng, chủ chiếc xe nhổ trụ tại vườn anh Kha, cho biết không những anh Kha, mà nhiều nông dân trong vùng cũng đã nhổ bỏ thanh long do giá cả bấp bênh. “Khoảng 20 ngày trở lại đây, rất nhiều vườn ở khu vực Hàm Thạnh – Hàm Cần thuê xe nhà tôi đi nhổ trụ”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, ở xã Hàm Thạnh có 10 xe chuyên nhổ trụ thanh long, riêng nhà ông có hai chiếc. Trung bình mỗi ngày một xe nhổ được khoảng 250 trụ. Giá thuê nhổ 20.000 đồng mỗi trụ bỏ tại chỗ, nếu dọn sạch thanh long trong vườn mỗi trụ 30.000 đồng.
“Cây thanh long đầu tư chi phí rất lớn, nay nhổ bỏ, nông dân phải mất thêm khoản chi phí nữa”, ông Dũng nói và cho biết nhiều chủ vườn ở đây muốn phá bỏ, nhưng không có tiền thuê xe, đành cho thanh long teo tóp, chết héo.
Anh kết án thêm kẻ đưa lậu người Việt trong xe tải
VnExpress – Dragos Stefan Damian, 28 tuổi, vừa bị tòa án Anh kết án 3 năm 10 tháng tù vì vai trò của mình trong vụ 39 người Việt thiệt mạng khi trốn sang Anh bằng container.
Trong phiên xử tại tòa án ở London hôm 21/3, Damian, công dân Romania, thừa nhận anh ta hồi tháng 10/2019 đã chờ tại một điểm hẹn để chở người 39 người Việt tới London. Tuy nhiên, những người này đã tử vong trong container ở Essex trước khi xe tới điểm hẹn.
Công tố viên Jonathan Polnay giải thích cách thức hoạt động của đường dây mà Damian tham gia: “Bị cáo liên quan tới âm mưu tinh vi, lâu dài và kiếm lời từ hoạt động đưa lậu người di cư, chủ yếu là người Việt Nam vào Anh bằng xe tải, cố tình vi phạm luật biên phòng. Bị cáo đóng vai trò là người cho phép sử dụng xe tải của mình để đón người di cư tại Anh và có một lần tự lái xe tới Collingwood Farm”.
Bị cáo đã ở trang trại chờ sẵn khi tài xế xe tải Maurice Robinson lái xe đưa 39 người di cư rời cảng Purfleet tại hạt Essex ngày 23/10/2019. Robinson sau đó phát hiện toàn bộ những người này đã chết nên báo tin cho ông chủ Ronan Hughes. Vài phút sau, Damian rời khỏi hiện trường.
Damian bị bắt bên ngoài Milan và bị dẫn độ trở lại Anh hồi tháng 9 năm ngoái. Tháng 11/2021, anh ta thừa nhận tội hỗ trợ nhập cư trái phép. Thẩm phán Justice Sweeney hôm qua tuyên án Damian ba năm 10 tháng tù.
Trong quá trình điều tra, cảnh sát xác minh được ít nhất 6 chuyến đưa lậu người di cư, mỗi người phải trả 13.000 bảng Anh (17.000 USD) để hưởng dịch vụ VIP. Chỉ riêng trong tháng 10/2019, những kẻ buôn người đã kiếm được hơn một triệu bảng Anh (1,3 triệu USD).
Người di cư sẽ lên xe tải đến một điểm hẻo lánh ở châu Âu, sau đó tới Anh rồi được một đội xe nhỏ hơn vận chuyển tới nhà an toàn tới khi trả hết tiền. Một số chuyến bị lực lượng biên phòng phát hiện, còn người dân tại Orsett, Essex liên tục báo cáo về người di cư bị bỏ lại, nhưng hoạt động đưa lậu người vẫn tiếp tục tới khi xảy ra thảm kịch.
Hồi tháng 1, bốn người bị kết án tù từ 27 năm tới 13 năm và 4 tháng vì tội ngộ sát và buôn người. Ba người nữa thuộc đường dây đưa lậu người di cư cũng đang ngồi tù.
Giới chức Anh kết luận 39 người Việt thiệt mạng trong container do thiếu oxy và quá nóng. Trước khi tới hạt Essex, container này được chuyển bằng phà từ cảng Zeebrugge ở Bỉ tới cảng Purfleet, Anh, trong đêm 22/10/2019.
17 nước công nhận hộ chiếu vắc-xin Việt Nam
VnExpress – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm qua (21/3) cho biết, tính đến ngày 17/3, Việt Nam đã đạt thoả thuận về công nhận hộ chiếu vắc-xin lẫn nhau với 17 quốc gia gồm Mỹ, Anh, Nhật Bản, Australia, Belarus, Ấn Độ, Campuchia, Philippines, Maldives, Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Sri Lanka, New Zealand, Singapore, Saint Lucia và Hàn Quốc.
Người mang hộ chiếu vắc-xin của các nước này vào Việt Nam và của Việt
Nam đến các nước này được áp dụng những biện pháp y tế như người đã
tiêm vắc-xin ở sở tại. Việc công nhận gồm miễn thủ tục chứng nhận lãnh
sự, hợp pháp hoá lãnh sự khi sử dụng giấy tờ này tại nước tiếp nhận.
Hộ chiếu vắc-xin của Việt Nam có 11 thông tin về người mang, số lượng, chủng loại vắc-xin được tiêm, cùng với mã số của chứng nhận. Các thông tin sẽ được ký số, mã hóa và đóng gói dưới dạng mã QR định dạng 2D. Mã QR trên hộ chiếu vaccine sẽ hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày khởi tạo.
Nhiều quốc gia đã áp dụng hộ chiếu vaccine để mở cửa nền kinh tế, đưa hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường mới.
Đề nghị kiểm soát việc tăng giá dịch vụ vận tải
Thanh Niên – Ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQ VN hôm qua 21/3 tại một hội nghị cho biết, hiện người dân rất băn khoăn về việc tăng giá xăng dầu rất nhanh, nên nhà nước cần có sự phản ứng, điều hành mạnh mẽ đối với mặt hàng thiết yếu vốn đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như xăng. Ông Trần Việt Anh, Ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQ VN, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cũng chỉ ra nghịch lý thị trường xăng dầu: VN đang khai thác dầu và xuất đi, nhưng lại nhập dầu. Năm vừa rồi, VN xuất khẩu khoảng 3,5 triệu tấn dầu nhưng nhập 6,9 triệu tấn xăng dầu. “Giá xăng dầu đi lên thì kéo theo mọi thứ cùng đi lên, quan trọng là chúng ta nhập những nguyên liệu từ dầu mỏ trong khi chúng ta có dầu mỏ”, ông Anh đặt vấn đề.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát việc tăng giá của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải; kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu, tránh tình trạng lợi dụng việc tăng giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa bất hợp lý…
Giá vé máy bay dịp 30/4 – 1/5 tiếp tục tăng nhiệt
Zing – Giá vé máy bay từ các thành phố lớn tới những điểm du lịch nổi tiếng nội địa đang tiếp tục tăng nhiệt khi dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 kéo dài 4 ngày đang đến gần.
Theo khảo sát của Zing, hành trình từ Hà Nội đi Phú Quốc khởi hành ngày 30/4 và trở lại vào 3/5 theo lịch nghỉ lễ hiện ghi nhận giá vé rẻ nhất ở mức 4,3 triệu đồng đã bao gồm thuế phí, cao gấp 3 lần giai đoạn thấp điểm. Hãng bay cung ứng chuyến bay đang có mức giá này là Vietjet Air.
Những lựa chọn khác của hành khách gồm chuyến bay của Vietnam Airlines với giá vé rẻ nhất 5 triệu đồng và Bamboo Airways với giá vé rẻ nhất 5,8 triệu đồng. Mức giá mà các hãng bay đưa ra cho chặng bay này đã tăng trung bình khoảng hơn 1 triệu đồng so với giai đoạn đặt vé đầu tháng 3.
Một đường bay du lịch khác trong giai đoạn trên là Hà Nội đi Nha Trang đang ghi nhận giá vé rẻ nhất ở mức 2,8 triệu đồng trên chuyến bay của Vietjet Air. Hành khách cũng có thể lựa chọn chuyến bay của Bamboo Airways với giá vé rẻ nhất 4,8 triệu đồng hoặc chuyến bay của Vietnam Airlines với giá vé rẻ nhất 7 triệu đồng.
Trên trục vàng TP.HCM – Hà Nội, giá vé rẻ nhất trong dịp nghỉ lễ đang là chuyến bay của Vietjet Air, ở mức 2,2 triệu đồng khứ hồi đã bao gồm thuế phí. Vietnam Airlines đang có giá vé rẻ nhất trên chặng bay này ở mức 2,8 triệu đồng, trong khi đó Vietravel Airlines là 2,6 triệu đồng.
Bên cạnh các đường bay du lịch nội địa, các hãng hàng không Việt cũng đã khai thác trở lại các đường bay du lịch quốc tế trong giai đoạn nghỉ lễ 30/4 – 1/5. Những đường bay phổ biến đang được khai thác bao gồm các đường bay đi Thái Lan, Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Australia hay Mỹ với mức giá ưu đãi.
Miền Bắc đón đợt rét mới
Zing – Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến miền Bắc kể từ chiều tối nay (22/3). Hình thái này nén rãnh áp thấp gây ra đợt mưa lớn diện rộng cho vùng núi và trung du Bắc Bộ với lượng phổ biến 50-150 mm/đợt, có nơi trên 150 mm.
Trong khi đó, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ghi nhận lượng mưa nhỏ hơn, dao động 30-70 mm/đợt, có nơi trên 70 mm. Mưa dông khả năng kéo dài đến hết ngày 23/3. Người dân đề phòng các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Từ đêm 22/3, nền nhiệt tại miền Bắc giảm mạnh xuống mức thấp nhất tại đồng bằng là 16-19 độ C, vùng núi có nơi 13-15 độ C. Ban ngày, nhiệt độ dao động ở mức 21-25 độ C, trời lạnh. Chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm kèm độ ẩm cao trên 90% có thể khiến tình trạng nồm ẩm tái diễn.
Theo trang dự báo Accuweather, Hà Nội và các tỉnh, thành phố đồng bằng Bắc Bộ duy trì mức nhiệt cao nhất lên tới 30-32 độ C trong hôm nay, sau đó nhiệt độ giảm mạnh xuống ngưỡng 18 độ C về đêm. Ngày 23/3, khu vực duy trì trạng thái mưa dông với nhiệt độ phổ biến 18-19 độ C, trời lạnh.
Đến ngày 25/3, nhiệt độ tăng cao trở lại, mưa dông chấm dứt. Người dân thủ đô có thể đón dịp cuối tuần với thời tiết nhiều mây, hửng nắng, nhiệt độ cao nhất 28-30 độ C, thấp nhất 21-23 độ C.
Dù vậy, cơ quan khí tượng nhận định vào tuần tới, miền Bắc có thể đón thêm hai đợt không khí lạnh tăng cường liên tiếp vào ngày 27/3 và 31/3. Các đợt lạnh này diễn ra ngắn ngày nhưng kèm theo mưa dông, thời tiết diễn biến xấu.
Hiểu Minh | DKN
3 ngân hàng kiện công ty thuộc PVN đòi nợ 1.371 tỷ đồng
Thanh Niên – PVCombank, OceanBank và Vietcombank đã gửi đơn kiện lên tòa án đòi khoản nợ gốc và lãi vay 1.371 tỉ đồng đối với một công ty là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), liên quan đến nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất.
Công ty Kiểm toán Deloitte vừa có ý kiến đáng chú ý đối với Báo cáo tài chính năm 2021 của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). BSR là công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), được chuyển đổi mô hình hoạt động thành công ty cổ phần và niêm yết trên sàn UPCOM kể từ ngày 1/3/18.
BSR có 2 công ty con gồm: Công ty CP Nhà và thương mại dầu khí và Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung (BSR-BF).
Năm 2009, PVN giao cho BSR và BSR giao cho BSR-BF làm chủ đầu tư Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất. Dự án này được khởi công xây dựng từ tháng 9/2009, công suất thiết kế 100 triệu lít/ năm, tổng mức đầu tư hơn 80 triệu USD (gần 1.900 tỉ đồng). Tháng 3/2012, nhà máy cho ra đời dòng sản phẩm đầu tiên. Tuy nhiên, kể từ tháng 4.2015, nhà máy tạm dừng hoạt động do sản phẩm làm ra bán quá chậm, chi phí sản xuất lại tăng dẫn đến thua lỗ.
Dự án này cũng nằm trong danh sách 12 đại dự án thua lỗ của ngành công thương. Theo báo cáo tài tài chính năm 2021 của BSR, hiện BSR nắm giữ 65,54% vốn của BSR-BF, công ty này thực hiện dự án Bio-Ethanol Dung Quất nhưng hiện đã tạm dừng hoạt động sản xuất.
Tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất, BSR-BF đang trong quá trình thực hiện các thủ tục quyết toán chi phí đầu tư xây dựng. Giá trị quyết toán nhà máy sẽ được điều chỉnh khi có phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Tại ngày 31/12/2021, nợ ngắn hạn của BSR-BF vượt quá tài sản ngắn hạn là 1.330 tỉ đồng, lỗ lũy kế của BSR-BF là 1.243 tỉ đồng và nợ quá hạn thanh toán là 926 tỉ đồng. Khả năng tiếp tục hoạt động của BSR-BF phụ thuộc vào việc tái hoạt động sản xuất của nhà máy, các hỗ trợ tài chính từ các cổ đông cũng như lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trong tương lai.
Trong khi đó, báo cáo kiểm toán của Deloitte đặc biệt nhấn mạnh khoản vay của nhà máy này liên quan tới 3 ngân hàng. Cụ thể, trong năm 2021, 3 ngân hàng cấp tín dụng cho BSR-BF gồm: Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã gửi đơn kiện lên TAND TP.Quảng Ngãi. Vụ việc có liên quan đến khoản vay quá hạn thanh toán và biện pháp thu hồi nợ, lãi vay hợp đồng tín dụng xây dựng Nhà máy Ethanol Dung Quất với tổng giá trị nợ gốc và lãi vay là khoảng 1.371 tỉ đồng. Tại ngày 31/12/2021, giá trị ghi sổ còn lại của toàn bộ tài sản cố định hữu hình dùng làm thế chấp cho các khoản vay trên là khoảng 1.217 tỉ đồng.
Đến ngày lập báo cáo này, TAND TP. Quảng Ngãi đang trong quá trình thực hiện các thủ tục chuẩn bị xét xử khởi kiện trên.
80% tàu đóng mới theo nghị định 67 tại Quảng Ngãi đánh bắt không hiệu quả
Tuổi Trẻ– Ngày 19/3, lãnh đạo Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi cho biết khoảng 80% tàu cá đóng mới từ vốn vay ưu đãi theo nghị định 67 đánh bắt không hiệu quả. Hiện có 7 tàu (5 tàu vỏ thép, 2 tàu vỏ gỗ) đã bị khởi kiện, đấu giá để thi hành án.
Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, năm 2014 nghị định 67 được áp dụng với mong muốn hiện đại hóa đội tàu cá, phát triển nguồn lợi thủy sản.
Các năm sau đó, 62 tàu (11 tàu vỏ thép, 51 tàu vỏ gỗ) lần lượt hạ thủy đánh bắt. Tuy nhiên các tàu lần lượt thua lỗ, nhiều tàu đành phải nằm bờ vì chủ tàu không còn khả năng tiếp tục ra khơi.
Theo TTXVN, điển hình là tàu cá vỏ thép QNg 909.99 của ngư dân Võ Văn Hân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) hạ thủy năm 2016 hoạt động được một thời gian ngắn, đến tháng 3/2018 ông Hân cho tàu neo bờ vì đánh bắt không hiệu quả, máy móc liên tục hư hỏng…
Hiện tại, tàu cá QNg 909.99 được đưa ra đấu giá với giá khởi điểm 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc đấu giá không thành công khi hết thời hạn mà không có người đăng ký tham gia đấu giá
Ông Hân chia sẻ, việc vay vốn đóng mới tàu vỏ thép là một sai lầm. Bởi từ khi hạ thủy tàu chỉ khai thác tạm gọi là có hiệu quả được một năm.
Những năm sau đó, tàu gặp nhiều trục trặc, máy móc hư hỏng, nhất là bộ phận thủy lực, nhiều lúc tự sửa để ra khơi mong “gỡ gạc” nhưng càng ra khơi càng lỗ.
“Tháng 3/2018, tàu phải nằm bờ vì tôi không còn khả năng để mua ngư cụ, sửa chữa tàu để ra khơi. Số tiền hơn 13 tỷ vay đóng tàu, gia đình cũng không biết làm sao trả. Giờ ngân hàng họ kiện ra tòa, quá khổ” – ông Hân nói.
Còn phía nhà chức trách lại lí giải rằng: là do nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, việc giá nhiên liệu “leo thang”, giá thủy sản lao dốc khiến các chủ tàu buộc phải cho tàu dừng hoạt động.
Xoay quanh vấn đề Nghị định 67 của Chính phủ khuyến khích ngư dân
đóng tàu cá vỏ thép ông Trần Văn Lĩnh, chủ tịch Hội nghề cá TP. Đà
Nẵng đánh giá.
Nghị định 67 ra đời có ý đồ rất tốt là tạo cho ngư dân có điều kiện đóng tàu vỏ thép và những loại tàu có công suất lớn… vươn khơi. Tuy nhiên, Nghị định tốt, nhưng chủ trương đóng tàu cá vỏ thép đưa ra khá vội vàng vì chưa được tham khảo ý kiến ngư dân, lại có những áp đặt nhất định của cơ quan quản lý nhà nước. Thậm chí có sự áp đặt mang ý đồ riêng để phát triển một ngành, một bộ phận của nhà nước… mà chưa thực sự nghĩ đến ngư dân.
Giá bất động sản vẫn tăng mạnh
NLĐ – Ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (BĐS) – Bộ Xây dựng, cho rằng hiện nay, tình trạng tăng giá đất nền đã hạ nhiệt, nguy cơ “bong bóng” BĐS là khó xảy ra.
Tuy nhiên, đây vẫn có thể là sự khởi phát của hiện tượng “sốt giá” BĐS trong năm 2022. Đặc biệt, khi nhà nước sử dụng các giải pháp kích cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế – xã hội sau giai đoạn giảm phát cũng có thể tác động làm thị trường BĐS phát triển nóng.
Theo số liệu thống kê từ batdongsan.com.vn, đa phần các dự án chung cư dự kiến được bàn giao trong năm 2022 đều có giá bán khá cao (từ 30 triệu đồng/m2 trở lên), hướng đến nhóm khách hàng trung, cao cấp. Đối với đất nền, theo khảo sát của phóng viên, ở các huyện ngoại thành Hà Nội như Quốc Oai, Thạch Thất, có những khu vực giá đất tăng 50% so với cách đây 5 tháng.
Bộ Xây dựng cho biết năm 2019, cả nước có 82.604 giao dịch BĐS thành công; năm 2020 có 115.420 và năm 2021 có 282.105 giao dịch thành công. Trong đó, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ là 111.640; lượng giao dịch đất nền là 170.465. Tổng giá trị giao dịch BĐS cả nước là 30 tỉ USD/năm.
Nhận định về giá nhà ở năm 2022, nhiều chuyên gia cho rằng giá căn hộ sẽ tăng nhưng không đột biến, chủ yếu hướng tới người có nhu cầu mua ở.
Cua biển ở Cà Mau chết bất thường trên diện rộng
NLĐ – Ngày 21/3, ông Lê Văn Ngời, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, cho biết Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các ngành chuyên môn rà soát, xác định nguyên nhân cua biển của người dân nuôi bị chết.
Tình trạng cua biển nuôi của người dân tại các huyện Đầm Dơi, Năm Căn
và Ngọc Hiển xảy ra chết bất thường với mức độ thiệt hại từ 30 -100%.
Theo phản ánh của một số hộ nuôi, trước đó cua phát triển bình thường, nhưng khoảng 1 tháng gần đây thì xảy ra tình trạng cua chết không rõ nguyên nhân. Đặc biệt, nhiều con cua bị chết sau khi bắt lên khỏi mặt nước khoảng 20 phút.
Cua biển Cà Mau được xem là cua ngon nhất miền Tây bởi chất lượng thịt thơm ngon khó có nơi nào sánh bằng.
Hiểu Minh | DKN