Xung đột trong ĐCSTQ về chính sách thân Nga của ông Tập Cận Bình?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Xung đột trong ĐCSTQ về chính sách thân Nga của ông Tập Cận Bình?

Miêu Vi • Thứ Bảy, 19/03/2022 – Có nguồn tin cho rằng trong cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine, việc lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình ủng hộ Nga đã gây ra phản ứng mạnh trong nội bộ. Điều này liệu có liên quan những tiếng nói “quay xe” của Trung Quốc gần đây chuyển sang thân thiện Ukraine?

Hé lộ ĐCSTQ xung đột nội bộ thông qua động thái của báo chí Trung Quốc

Hai lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ: Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường tại cuộc họp của Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc vào ngày 8/3/2022 (Nguồn: Andrea Verdelli / Getty).

Châu Âu và Mỹ trừng phạt Nga đã ảnh hưởng đến nội bộ ĐCSTQ?
Tờ WSJ (Wall Street Journal) ngày 16/3 đưa tin, trong việc duy trì quan hệ với Nga, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình không chỉ chịu áp lực từ phương Tây mà nền kinh tế Trung Quốc cũng đang bị ảnh hưởng thiệt hại nặng. Những nan đề mới này dường như đang làm lung lay vị thế “hạt nhân” của ông Tập.

Thông tin cho biết, thực trạng suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc nhanh hơn dự kiến ​​của giới lãnh đạo nước này. Trong nội bộ ĐCSTQ có những bất đồng về các chính sách điều hành nền kinh tế, Zero-COVID, và lập trường thân Nga của những người đứng đầu. Các quan chức hiện đang thảo luận về cái gọi là “điều chỉnh phương hướng” để giảm bớt tác động từ chính sách của ông Tập.

Ví dụ, nguồn tin nội bộ của ĐCSTQ nói rằng ông Lý Khắc Cường đã bị ông Tập Cận Bình tẩy chay trong một thời gian dài, có thể nhân cơ hội này để ông Lý bố trí thêm “thân tín” vào một số vị trí chủ chốt. Mặc dù nhiệm kỳ thủ tướng của ông ấy sắp kết thúc nhưng vẫn có thể ở lại trong ban lãnh đạo cao nhất và đảm nhận các vị trí khác.

Nguồn tin cũng cho biết, không nghi ngờ gì về việc ông Tập Cận Bình sẽ tái nhiệm tại Đại hội 20 năm nay, một phần là do không có người kế nhiệm tiềm năng. Nhưng gần đây, một số nguyên lão của ĐCSTQ đã bày tỏ phản đối việc Tập Cận Bình phá bỏ nguyên tắc người kế vị lãnh đạo đã được thiết lập và cũng như nhiều vấn đề quản trị khác được thực hiện lâu nay. Ví dụ, cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ từng chất vấn về chính sách lấy doanh nghiệp nhà nước làm trung tâm của ông Tập.

Về vấn đề này, nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất (Li Linyi) có phân tích rằng đi cùng thời điểm Đại hội 20 ĐCSTQ ngày càng đến gần, là tiếng nói của cuộc đấu đá nội bộ đang dần xuất hiện, cho thấy chia rẽ và đấu tranh trong nội bộ ĐCSTQ đang lên cao hơn. Ông cũng cho biết khuynh hướng hữu nghị với Nga và chống Mỹ của ĐCSTQ đều do bản chất xưa nay. Nói cách khác, những điều này đương nhiên được thừa nhận trong ĐCSTQ. Và bởi vì ông Tập đã quay sang cánh tả với tốc độ nhanh chóng, do xu thế không ưa Nga của cộng đồng quốc tế quá nhiều đã dẫn đến sự mất cân bằng trong mối quan hệ ba bên giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga, làm cho ĐCSTQ hiện đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nguồn tin chỉ ra rằng do thực trạng đó, các phe phái trong ĐCSTQ đã không bỏ lỡ cơ hội tổng tấn công vào đường lối chính trị và kinh tế mà ông Tập đang thực thi.

Nhưng ông Lý Lâm Nhất cho rằng ông Tập hiện nắm quyền lực quân sự và quyền lực cảnh sát, phe đối lập không đủ sức đe dọa đến vị trí của ông, vấn đề này chẳng qua chỉ là xu thế đấu đá trước mỗi kỳ Đại hội của ĐCSTQ.

Vào trước ngày khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình và ông Putin đã đạt được thỏa thuận “hợp tác không hạn chế” và ký một đơn hàng lớn trị giá 500 tỷ USD. Chính phủ ĐCSTQ đã đồng ý nhập khẩu khoảng 117,5 tỷ USD dầu và khí đốt từ Nga. Ngày 24/2, ông Putin phát động chiến tranh xâm lược, bị phương Tây nhất trí phản đối và trừng phạt nghiêm khắc, Mỹ và Liên minh châu Âu hy vọng ông Tập sẽ làm trung gian cho cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, vào ngày 25/2, khi ông Putin và ông Tập Cận Bình nói chuyện qua điện thoại, ông Tập nói rằng “hiểu và ủng hộ quyết định của ông Putin”.

Một thông tin khác của WSJ cho biết nội bộ ĐCSTQ cũng có xu thế nghi ngờ và thậm chí lo sợ về cái giá phải trả quá lớn khi liên minh với Nga. Đặc biệt là có nên ký kết những hợp đồng như vậy trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao. Ngoài ra, giới doanh nhân Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh đánh giá nguy cơ thiệt hại do liên quan các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Truyền thông ĐCSTQ bất ngờ tỏ ra ủng hộ quân đội Ukraine
Trước đó, Ban Tuyên giáo Trung ương của ĐCSTQ đã yêu cầu cấm đưa tin bất lợi cho Nga. Nhưng gần đây, cộng đồng quốc tế bất ngờ khi CCTV đột ngột ngừng đóng vai trò là loa phóng thanh cho quân đội Nga, thay vào đó là quảng bá cho quân đội Ukraine, điều này đã làm giới dư luận viên ĐCSTQ hoang mang. Một số cư dân mạng đặt câu hỏi “CCTV đã quay xe?” Cũng có quan điểm chỉ ra rằng “không thể giấu được”.

Ngày 16/3, kênh truyền hình CCTV của ĐCSTQ liên tục phát tuyên bố do quân đội Ukraine đưa ra ngày 15/3 trên các bản tin vào buổi sáng và buổi chiều. Tuyên bố cho biết, kể từ khi bắt đầu cuộc chiến, quân đội Nga đã bị phá hủy 404 xe tăng, 1729 xe bọc thép, 150 hệ thống pháo, 64 bệ phóng tên lửa, 36 hệ thống phòng không, 81 máy bay cánh cố định, 95 trực thăng, 640 ô tô, 3 tàu, 60 xe chở nhiên liệu, 9 máy bay không người lái chiến thuật.

CCTV đột ngột ngừng đóng vai trò là loa phóng thanh cho quân đội Nga, thay vào đó là quảng bá cho quân đội Ukraine (Nguồn: Ảnh chụp màn hình mạng internet).
Ngoài ra theo thông tin, vào ngày 15/3, Đại sứ Trung Quốc tại Ukraine là Phạm Tiên Vinh (Fan Xianrong) đã nói với các quan chức Ukraine rằng Trung Quốc và Ukraine là đối tác chiến lược, Trung Quốc sẽ không bao giờ tấn công Ukraine và sẵn sàng cung cấp hỗ trợ kinh tế. Ông cũng ca ngợi, “Chúng tôi đã thấy sức mạnh đoàn kết của người dân Ukraine như thế nào”.

Đây là tuyên bố chính thức thân thiện nhất của ĐCSTQ đối với Ukraine kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Về vấn đề này, trong một cuộc họp báo thường kỳ vào chiều ngày 17/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Triệu Lập Kiên cũng cho biết rằng “Tất nhiên Trung Quốc ủng hộ những nhận xét của Đại sứ Trung Quốc”.

Miêu Vi, Vision Times
https://trithucvn.org/