Ðiểm Báo Pháp – 15/3/22

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 15/3/22

Chiến tranh Ukraina: Mỹ gây áp lực để Trung Quốc bỏ thái độ mập mờ

Tình hình chiến sự nóng bỏng tại Ukraina dĩ nhiên vẫn là chủ đề thu hút báo chí Pháp ra hôm nay, 15/03/2022, từ những hành động bị đánh giá là vô nhân đạo của Nga khi tấn công các khu dân cư tại các thành phố lớn của Ukraina, cho đến động thái “dằn mặt” NATO trong vụ không kích một căn cứ quân sự sát biên giới Ba Lan. Nhưng được bình luận nhiều nhất lại là vụ Mỹ tiết lộ Putin đã cầu cứu Tập Cận Bình và nguy cơ Trung Quốc ra tay giúp Nga.  

Vấn đề này đã được cả Libération lẫn Le Figaro đưa lên trang nhất, và được các báo còn lại phân tích trong nhiều bài viết trang trong. 

Libération: Chiến tranh Ukraina: Trò chơi mập mờ của Bắc Kinh  

Trên nền một bức ảnh chụp hai ông Vladimir Putin và Tập Cận Bình đứng sát cạnh nhau với vẻ mặt đăm chiêu, Libération chạy hàng tựa lớn: “Chiến tranh Ukraina: Trò chơi mập mờ của Bắc Kinh”. Tờ báo ghi nhận: “Hỗ trợ kinh tế hay thiết bị quân sự, sự giúp đỡ mà Putin có thể nhận được từ nước láng giềng Trung Quốc hùng mạnh đang khiến phương Tây lo lắng”. 

Trong bài phân tích mang tựa đề: “Ukraina: Liên minh Nga-Trung bước vào giai đoạn thử lửa”, Libération nhắc lại rằng theo các thông tin được rò rỉ tại Hoa Kỳ, tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đã yêu cầu chủ tịch TC Tập Cận Bình viện trợ kinh tế và quân sự (trong đó có các loại máy bay không người lái).  

Tờ báo thiên tả Pháp cho rằng, cần phải hết sức thận trọng trước thông tin đó, mà cả Matxcơva lẫn Bắc Kinh đều phủ nhận, nhưng nếu quả thực là như vậy, thì “sự xin xỏ” đó vừa khẳng định những khó khăn mà Nga đang gặp phải, vừa buộc Trung Quốc phải từ bỏ thái độ trung lập giả tạo của mình. 

Đối với Libération, chính quyền Biden đã cố tình cho rò rỉ thông tin này trên một loạt phương tiện truyền thông, để buộc đối thủ lớn của Mỹ phải gánh trách nhiệm, vào lúc Nga đang đẩy mạnh cuộc tấn công Ukraina, với cái giá vốn đã đáng kể về người và của. 

Câu hỏi mà Libération đặt ra là liệu tình hữu nghị “vô bờ bến” mà hai lãnh đạo Nga và Trung Quốc phô trương hôm 04/02 vừa qua tại Bắc Kinh có thực sự là như vậy hay không? 

Trong bài “Đối với Trung Quốc, can dự sâu hơn sẽ là tự sát”, Libération đã nêu bật ý kiến của ông Marc Julienne, một chuyên gia Pháp về Trung Quốc, đánh giá rằng có rất ít khả năng Bắc Kinh giúp đỡ Nga về mặt quân sự, vì sợ bị cộng đồng quốc tế trừng phạt về kinh tế, cho dù cho đến nay, họ vẫn ngoài mặt thì bày tỏ lập trường trung lập, nhưng trong thực tế thì vẫn ngấm ngầm ủng hộ Matxcơva về mặt chính trị, và giúp đỡ Nga về mặt kinh tế. 

Putin: Một tổng thống kém cỏi 

Trong bài xã luận “Vladimir Putin bị buộc phải nhờ vả một kẻ chuyên chế hơn mình”, Libération không ngần ngại phê phán nặng nề tổng thống Nga Putin vì đã hạ mình để xin xỏ Tập Cận Bình.  

Bài xã luận nêu bật ba giả thuyết không tưởng: “Bạn có thể tưởng tượng Sa Hoàng Peter Đại Đế yêu cầu sự giúp đỡ trong cuộc chiến chống lại Vua Thụy Điển không? Bạn có thể tưởng tượng Hoàng Đế Alexander Đệ Nhất cầu xin vũ khí từ người Thổ Nhĩ Kỳ để có thể vào Paris hay không? Stalin có cần sự chứng thực của Trung Quốc để đánh bại Hitler không?”

Dĩ nhiên câu trả lời sẽ là không, và theo Libération: “Vladimir Putin rõ ràng là kém so với ba nhân vật lịch sử Nga mà ông đã lấy làm hình mẫu”.  

Le Figaro: Mỹ đòi Trung Quốc bỏ rơi Putin  

Nhật báo Le Figaro cũng chú ý đến thông tin Putin cầu cứu Tập Cận Bình, nhưng lại thấy rằng “Mỹ đòi Trung Quốc bỏ rơi Putin” – tựa lớn trên trang nhất. Theo tờ báo, trong bối cảnh Bắc Kinh muốn duy trì thái độ trung lập bề mặt, Washington đã lên tiếng đe dọa là sẽ trả đũa nếu Trung Quốc giúp Nga lách các lệnh trừng phạt của phương Tây. 

Theo Le Figaro, dù cả Nga lẫn Trung Quốc đều lên tiếng phủ nhận việc Putin xin Tập Cận Bình viện trợ kinh tế và quân sự để đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây và những khó khăn của quân đội Nga ở Ukraina, chính quyền của tổng thống Joe Biden vẫn cảnh báo Trung Quốc là không nên tìm cách lách các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga.  

Trung Quốc bị kẹt giữa Nga và Mỹ 

Trong bài “Trung Quốc bị kẹt giữa Matxcơva và Washington”, tờ báo Pháp cho là Washington đang thúc đẩy Bắc Kinh từ bỏ lập trường trung lập ngoài mặt của họ để xa rời Putin, tác giả của một cuộc chiến tranh xâm lược mà Trung Quốc không hề lên án. 

Le Figaro cho rằng đối với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đây là một tình thế tiến thoái lưỡng nan, giữa liên minh của ông với “người bạn cũ” ở Điện Kremlin và mong muốn ổn định địa chính trị của Trung Quốc. 

Đối với Le Figaro, khi gây sức ép trên Trung Quốc, “Hoa Kỳ đang cố gắng cô lập Vladimir Putin về mặt ngoại giao”. Mục tiêu là làm sao tránh được liên minh giữa các đối thủ, đồng thời tập hợp các đồng minh mà một số vẫn còn rất miễn cưỡng.  

Một cách cụ thể, Washington sợ rằng cuộc chiến ở Ukraina sẽ củng cố liên minh giữa Bắc Kinh và Matxcơva, góp phần phân chia thế giới thành hai khối đối nghịch nhau. 

Le Monde: Trung Quốc đã đến lúc phải dứt khoát 

Cùng một cái nhìn như hai đồng nghiệp Le Figaro và Libération, nhật báo Le Monde cũng thấy “Trung Quốc đang bước vào thời điểm phải dứt khoát lựa chọn” trên vấn đề Ukraina, sau khi chính quyền Biden quyết định là phải thuyết phục Bắc Kinh là không nên lao vào việc công khai giúp đỡ Nga trên vấn đề Ukraina, vì cái giá phải trả sẽ rất cao, đặc biệt với các biện pháp trừng phạt kinh tế gián tiếp.  

Tờ báo Pháp nhắc lại lời cảnh cáo hôm Chủ Nhật vừa qua của cố vấn An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ Jake Sullivan trên kênh truyền hình Mỹ CNN, theo đó thì Washington sẽ “đảm bảo sao cho cả Trung Quốc lẫn bất kỳ nước nào khác không thể giúp Nga bù đắp các thiệt hại”.

Les Echos: Mỹ lo ngại về các ý đồ của Trung Quốc  

Nhật báo kinh tế Les Echos đã nêu bật các mối lo ngại của Mỹ về ý đồ Bắc Kinh trong hồ sơ Ukraina, từ việc Trung Quốc không chịu lên án cuộc xâm lăng Ukraina của Nga, thậm chí còn tố cáo NATO “bành trướng về phía đông” và “tâm lý Chiến Tranh Lạnh” của Washington, và mới đây là ủng hộ luận điểm của Nga cho rằng các phòng thí nghiệm Ukraina, đối tác của một chương trình của Mỹ nhằm “chống lại các nguy cơ sinh học”, là nơi sản xuất vũ khí sinh học. 

Trung Quốc, cho đến nay đã không tham gia vào các biện pháp trừng phạt Nga, và đã mặc nhiện trở thành người hưởng lợi gián tiếp chính. Ngay từ khi bắt đầu xung đột, Bắc Kinh đã dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu lúa mì của Nga, trong khi một thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt thứ hai nối hai quốc gia đã được ký kết. Các ngân hàng Trung Quốc cũng đang cung cấp đồng nhân dân tệ cho Nga, bị cấm cấp vốn bằng euro hoặc đô la. Thương mại giữa hai nước lên tới 147 tỷ đô la. 

Le Monde: Nga cảnh cáo mạnh NATO  

Tình hình chiến sự tại Ukraina đã được Le Monde nêu bật trong hàng tít lớn trang nhất: “Ukraina: Nga mở rộng không kích và cảnh cáo NATO”. Tờ báo nhắc lại rằng đã có ít nhất 35 người thiệt mạng hôm Chủ Nhật trong vụ không kích một căn cứ Ukraina gần Ba Lan, từng liên liên kết chặt chẽ với NATO cho đến trước lúc nổ ra chiến tranh và từ đó đóng vai trò là cơ sở trung chuyển vũ khí. 

Trong bài “Một miệng hố khổng lồ tại căn cứ Yavoriv”, ​nơi bị Nga oanh kích, Le Monde nhấn mạnh rằng đây là lần đầu tiên một căn cứ ở miền tây Ukraina, chỉ cách biên giới Ba Lan 20 km, bị Nga không kích. Căn cứ này, theo ghi nhận của đặc phái viên Le Monde còn là nơi tạm trú của các đơn vị tình nguyện nước ngoài.

Trong bài phân tích “Matxcơva đưa ra lời cảnh báo đối với phương Tây”, Le Monde khẳng định rằng vụ bắn phá căn cứ quân sự Ukraina ở Yavoriv có dấu hiệu là một lời cảnh báo nghiêm khắc nhắm vào các nước phương Tây, không muốn lâm chiến chống Nga, nhưng lại hết sức hỗ trợ Ukraina.

Đối với tờ báo Pháp, thời điểm và mục tiêu được chọn không hề ngẫu nhiên, và vụ không kích diễn ra ngay sau khi Hoa Kỳ và châu Âu cho biết đang xem xét các biện pháp trừng phạt mới và muốn tăng cường giao vũ khí cho lực lượng Ukraina để đối đầu với quân đội Nga.

Về tình hình chiến sự nói chung, Le Monde cho biết là các nhà báo Pháp đều ghi nhận là tại hai vùng chiến sự Mariupol hay Mykolaiv, quân đội Nga đều cố tình bắn vào thường dân, trong lúc tại Kiev, họ siết chặt vòng vây để chuẩn bị cho một cuộc tấn công. 

La Croix: Châu Âu giúp đỡ người tị nạn Ukraina

Cũng dành tựa lớn trang nhất cho hồ sơ Ukraina, nhưng nhật báo La Croix tập trung trên thảm cảnh nhân đạo mà bom đạn Nga đang gây ra cho người dân nước láng giềng.

Ngay trang nhất tờ báo chạy tựa “Với những người Ukraina được tiếp nhận tại Pháp” và giới thiệu câu chuyện của ba gia đình người Ukraina vừa mới đến được Pháp. Những nhân chứng cho biết là họ đã phải chạy trốn khỏi các cuộc oanh tạc và sự tàn khốc của chiến tranh, bằng tàu hỏa, máy bay hoặc đi nhờ xe. Thường đó là những phụ không có chồng đi cùng, nhưng lại mang theo con nhỏ.   

Trong bài “Ở Ba Lan, mọi tầng lớp đều đoàn kết để tiếp nhận người tị nạn Ukraina”, La Croix đã khen ngợi tinh thần tương thân tương trợ của người Ba Lan đã tiếp đón hơn 1,5 triệu người tị nạn Ukraina kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu và nỗ lực giúp đỡ họ.

Les Echos: Báo động tại trái tim công nghiệp Trung Quốc  

Vào lúc các đồng nghiệp đặt trọng tâm vào vai trò mà Bắc Kinh có thể đóng trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraina, nhật báo kinh tế Les Echos lại chú ý đến một hiểm họa khác xuất hiện tại Trung Quốc và có nguy cơ đe dọa thế giới. Trên trang nhất tờ báo chạy hàng tựa lớn: “Báo động ngay tại trung tâm nền công nghiệp Trung Quốc”.  

Ngay dưới một bức ảnh lớn chiếm một phần tư trang báo, cho thấy một cô gái trùm kín người trong một bộ quần áo bảo hộ y tế đang đứng ngoài đường và nói trong một chiếc loa phóng thanh cầm tay, Les Echos ghi nhận nhiều sự kiện đáng ngại đang diễn ra tại Trung Quốc: “Trước đà bùng lên trở lại của dịch Covid, thành phố Thâm Quyến đã phải chịu phong tỏa trong ít nhất một tuần, nhiều trung tâm kinh tế khác cũng bị tác hại”. 

Tờ báo Pháp nêu bật một ví dụ điển hình: “Hãng Foxconn đình chỉ sản xuất tại cơ xưởng làm IPhone của họ ở Thâm Quyến, toàn bộ ngành công nghệ được đặt trong tình trạng báo động”. 

Đối với Les Echos, tình hình này có nguy cơ trở thành “một mối đe dọa mới nhắm vào thương mại thế giới, cộng thêm vào những khó khăn đang đánh vào ngành xuất khẩu Nga và Ukraina”. 

Trong bài viết chính bên trong mang tựa đề: “Sự bùng phát trở lại của Covid làm cho các động cơ kinh tế của Trung Quốc bị hỏng hóc”, thông tín viên báo Les Echos tại Thượng Hải nhấn mạnh đến các diễn biến đáng ngại do việc Bắc Kinh áp dụng chính sách “zero Covid” tại Thâm Quyến, Thượng Hải và Cát Lâm, các trung tâm công nghiệp hàng đầu của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới. 

Tại Thâm Quyến, trung tâm công nghệ và là thành phố xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc, khoảng 17 triệu dân đã được yêu cầu ở yên trong nhà trong ít nhất một tuần kể từ Chủ Nhật 13/03, các phương tiện giao thông công cộng đều bị đình chỉ hoạt động. Thâm Quyến là nơi có nhiều công ty hàng đầu về công nghệ như Foxconn, Hoa Vi, DJI, Tencent và nằm ở trung tâm tỉnh Quảng Đông, vốn chiếm 11% GDP của Trung Quốc. Hệ quả của việc thành phố này bị phong tỏa được thấy ngay lập tức: Cổ phiếu ngành công nghệ tại thị trường chứng khoán Hồng Kông đã tuột dốc ngay vào hôm qua. 

Các trung tâm kinh tế lớn khác ở Trung Quốc cũng đang phải chống chọi với sự bùng phát trở lại của đại dịch. Trước Thâm Quyến, tỉnh Cát Lâm – 24 triệu dân – ở phía đông bắc của Trung Quốc cũng bị phong tỏa, tác hại đến hoạt động của Trường Xuân, một trung tâm công nghiệp với khoảng 9 triệu dân, chiếm khoảng 11% sản lượng ô tô của Trung Quốc. Nhà máy của hãng xe Nhật Bản Toyota chẳng hạn đã bị buộc phải đình chỉ hoạt động. 

Tại Thượng Hải, không có phong tỏa đại trà, nhưng nhiều khu dân cư hay văn phòng đã bị phong tỏa cục bộ.   

Trong một bản phân tích công bố hôm qua, các chuyên gia kinh tế thuộc công ty tham vấn Gavekal Dragonomics nhận định: “Dù tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất còn rất nhẹ ở Trung Quốc, nhưng nhiều vấn đề khác dường như không thể tránh khỏi, do tầm quan trọng của Thượng Hải và Thâm Quyến trong tư cách hải cảng và trung tâm sản xuất”. 

Các nhà kinh tế tại Ngân Hàng ANZ cũng lo lắng: “Nếu tình trạng phong tỏa kéo dài, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng đáng kể”. Theo các chuyên gia này, việc phong tỏa cục bộ các tỉnh giàu có về kinh tế rất đáng lo: “Một nửa GDP và dân số của Trung Quốc lần này sẽ bị ảnh hưởng. Việc phong tỏa các khu vực bị Covid trong một tuần có thể làm mất đến 0,8 điểm tăng trưởng GDP của Trung Quốc”. 

Trọng Nghĩa

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20220315-chi%E1%BA%BFn-tranh-ukraina-m%E1%BB%B9-g%C3%A2y-%C3%A1p-l%E1%BB%B1c-%C4%91%E1%BB%83-trung-qu%E1%BB%91c-b%E1%BB%8F-th%C3%A1i-%C4%91%E1%BB%99-m%E1%BA%ADp-m%E1%BB%9D

Quân đội Nga đang trả giá đắt cho những sai lầm khi xâm lược Ukraina

Theo quan sát của các chuyên gia và nhà báo trên thực địa, quân đội Nga đang thất bại, phải trả giá cho những sai sót của chính mình : tổ chức kém, khinh địch. Một số đơn vị đã có hiện tượng đào ngũ.

Chiến tranh làm đảo lộn trật tự thế giới, Chính thống giáo bị chia rẽ, trong khi chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp bị xáo trộn, chính phủ trợ giá xăng dầu đồng thời bãi bỏ nhiều hạn chế trong khi Covid có nguy cơ tăng lên. Đó là các chủ đề chiếm trang nhất của báo Pháp hôm nay.

Bên cạnh những bài phóng sự tại chỗ về sự chiến đấu anh dũng của quân dân Ukraina trước quân Nga xâm lược, các báo cũng điểm qua cán cân lực lượng và tác động với những nước trong khu vực. Le Monde cho biết chẳng hạn tại Latvia thuộc vùng Baltic kế cận, người dân chuẩn bị «túi xách 72 giờ» gồm các vật dụng thiết yếu để sống sót trong ba ngày nếu chiến tranh lan sang. Hành trang này nặng khoảng 10 ký lô, trị giá 180 euro. Những hầm trú ẩn từ thập niên 50 dành cho các đảng viên cộng sản cao cấp được sửa sang lại. Tại Rumani, Ba Lan, Moldova, người dân lo trữ lương thực, mức xăng bán ra bị hạn chế, nhiều người lo gia hạn hộ chiếu để có thể ra đi khi cần.

Quân đội Nga đang thất bại, xuống tinh thần

Le Figaro nhận định «Quân đội Nga đang thất bại, phải trả giá cho những sai sót của chính mình». Theo quan sát của các chuyên gia và nhà báo trên thực địa, quân Nga tổ chức kém và đang có hiện tượng đào ngũ. Thứ Bảy 12/03 vừa qua, ba người tự giới thiệu là sĩ quan Nga trước các nhà báo phương Tây, cho biết đã nhảy dù kịp thời khi máy bay bị Ukraina bắn rơi và trở thành tù binh. Họ được giao nhiệm vụ hôm 23/02, một ngày trước khi chiến dịch khởi đầu.

Maksim Sergueïvitch Krishtop, trung tá trung đoàn 47 Không quân Nga nói rằng được lệnh phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự cho đến ngày 05/03 thì được yêu cầu bắn vào mục tiêu dân sự. Alexeï Golovenski, phi công của Hải quân Nga đóng ở Crimée và từng tham chiến ở Syria, cho biết cấp trên khẳng định phòng không Ukraina hầu như không tồn tại. Sĩ quan trẻ tuổi này thổ lộ «Tôi đã bị đẩy đến cái chết 100%». Cả ba đều nói hoàn toàn tự nguyện tham dự cuộc họp báo, vì không chịu đựng được ý nghĩ phải giết chóc những người anh em Ukraina.

Kiev tuyên truyền chăng? Le Figaro cho rằng những lời chứng của họ rất khả tín, xác nhận những thông tin mà giới chuyên môn có được về nội tình quân Nga: vô tổ chức, đào ngũ, mất tinh thần. Christo Grozev, nhà báo nổi tiếng người Bulgari đang ở tuyến đầu, có nhiều đầu mối tiếp xúc và nhờ vào kỹ thuật tiếp sóng của mạng lưới báo chí điều tra Bellingcat, nhận định Quân đội Nga đang trong cảnh hỗn loạn, không chiến lược lẫn chiến thuật.

Số lính Nga tử trận quá nhiều có làm rúng động Kremlin?

Những sĩ quan chỉ huy liên lạc bằng điện thoại di động không bảo mật: do không kích các trạm tiếp vận của Ukraina, họ đã vô hiệu hóa hệ thống mã hóa của quân đội Nga. Đó là vì chiến dịch được hoạch định chỉ kéo dài ba ngày, đội quân gởi đến Kiev gồm nhiều cảnh sát và vệ binh liên bang, không hề được chuẩn bị cho những trận đánh dữ dội mà nhằm tiếp quản thành phố một khi đã hạ bệ chính quyền Ukraina.

Có vô số vấn đề về hậu cần, và huy động đến bốn thế hệ xe tăng. Mỗi cuộc đàm thoại nghe lén được đều cho thấy các chỉ huy đều hiểu rằng đã thất bại, nhưng liệu cấp cao nhất có thấy được thực tế hay không ? Nhà báo Christo Grozev nghĩ rằng điện Kremlin có thể đang rúng động. Ông khẳng định đã đếm được khoảng 3.000 lính tử trận phía Nga, rồi ngưng không đếm nữa vì đã là một thảm bại, «sẽ làm lung lay chính quyền khi những người mẹ nhận được quan tài con». Lầu Năm Góc nêu ra con số 5 đến 6.000 lính Nga tử trận, phía Ukraina cho rằng lên đến 12.000…

Theo Grozev, giờ phút quyết định sẽ đến trong khoảng mười ngày tới: cho dù không nhìn nhận thất bại, Nga sẽ cố đóng băng tình hình để có được ít nhất một lợi thế về lãnh thổ ở những vùng chiếm đóng. Ông không loại trừ một hành động tuyệt vọng của kẻ cùng đường, bằng vũ khí hóa học hay nguyên tử. Trong khi đó kênh truyền hình Nga ORT liên tục đưa hình ảnh quân đội Nga «giải phóng» dân Ukraina khỏi phát xít đang oanh kích họ. Nhưng lần đầu tiên trong chương trình của nhà báo tay sai chế độ xuất hiện hai nhân vật tỏ ý nghi hoặc về thành công của «chiến dịch đặc biệt», dấu hiệu tiên khởi cho thất bại chăng?

Putin hung hăng vì châu Âu tỏ ra mềm yếu

Chuyên gia Louis Gautier, từng là quốc vụ khanh phụ trách quốc phòng và an ninh Pháp, cảnh báo trên Les Echos «Nếu châu Âu không thức tỉnh, sẽ trở thành mồi ngon cho kẻ xâm lăng». Ông nhận định việc hiện đại hóa quân đội của Nga chỉ mới đi được nửa đường, đó là một quân đội «da beo».

Matxcơva đã nỗ lực rất nhiều về vũ khí nguyên tử và quy ước, các loại hỏa tiễn mới của Nga thuộc loại hiệu quả nhất thế giới. Nhưng để giữ bí mật và để tiết kiệm vì đắt tiền, Nga không đưa những loại này vào chiến trường Ukraina, chỉ điều đủ loại xe tăng cũ mới, pháo bình thường, hậu cần thì tổ chức kém, chiến đấu cơ cũng không đủ để hỗ trợ bộ binh. Để bẻ gãy quyết tâm của Ukraina, Nga có thể tấn công mạnh hơn. Vấn đề hiện nay là làm sao thương lượng một sự xuống thang, để tránh cho những thành phố tử đạo khác bị nhấn chìm dưới mưa bom.

Ông Gautier phê phán phương Tây đã để yên cho Vladimir Putin múa gậy vườn hoang từ năm 2014. Putin phá hoại đủ kiểu từ tạo bất ổn chính trị, tấn công tin học, gây khó dễ về khí đốt cho đến ngăn trở hoạt động của vệ tinh và cáp ngầm đáy biển, đe dọa các tàu chiến, gởi lính đánh thuê Wagner đến châu Phi…Các nước dân chủ vốn hiếu hòa, nhưng Putin sẽ phải trả lời về cuộc chiến tranh này.

Thu thập bằng chứng tội ác chiến tranh

Trên Libération, bà Cécile Coudriou, chủ tịch Amnesty International tại Pháp nhấn mạnh cần thu thập những bằng chứng tội ác chiến tranh để một ngày nào đó đưa ra trước một tòa án độc lập. Ê-kíp Crisis Evidence Lab vẫn cần cù xử lý hàng ngàn tài liệu, lời chứng, ảnh chụp, ảnh vệ tinh…Chẳng hạn hôm 03/03, tám quả bom đã được thả xuống các khu vực dân cư đông đúc ở Tchernihiv trong khi không có cơ sở quân sự nào gần đó, làm 47 nạn nhân thiệt mạng và nhiều người khác bị thương, tất cả đều là thường dân đang ở nhà hoặc xếp hàng mua thực phẩm. Bà tỏ ra hài lòng khi lần đầu tiên cả 39 quốc gia đã ký vào hiệp ước Roma (để thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế) đồng lòng đưa việc xâm lăng Ukraina ra trước tòa.

Les Echos lưu ý, đây là lần đầu tiên chiến tranh xảy ra tại một quốc gia có nhiều nhà máy điện nguyên tử như thế. Olivier Gupta, tổng giám đốc Hiệp hội các cơ quan quản lý an toàn nguyên tử tại Tây Âu (ASN) cảnh báo nếu thảm họa xảy ra, cần phải sơ tán cư dân trong bán kính 20 kilomet và có biện pháp bảo vệ người dân ở cách 100 kilomet.

Trên lãnh vực nhập cư, Le Monde nhận thấy chỉ trong vài ngày, một châu Âu-pháo đài đã thay đổi hẳn trước dòng người chạy loạn từ Ukraina. Nếu trước đây châu Âu mở rộng vòng tay với người tị nạn – các nhà ly khai ở Liên Xô và Đông Âu, rồi đến người Việt Nam và Chilê – những năm gần đây những bức tường đã mọc lên, những chính sách được đưa ra để ngăn chận người nhập cư từ Syria, Afghanistan, châu Phi…Giờ đây bỗng dưng lại xuất hiện những nạn nhân chiến cuộc đầu tiên ở châu Âu từ sau Đệ nhị Thế chiến, và 27 nước EU mở rộng cửa đón nhận những người Ukraina chạy sang.

Chỉ trong vòng hai tuần, thế giới đã thay đổi

Les Echos mô tả « Chiến tranh Ukraina đã vẽ lại bản đồ thế giới như thế nào », tuy cuộc chiến chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Chẳng những Putin không còn là hình mẫu, mà còn trở thành phản mô hình : ông ta là minh chứng cho mối nguy hiểm cho thế giới, khi một nhà độc tài lạnh lùng nêu ra khả năng sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nhờ Putin mà người Ukraina tìm được hứng khởi về bản sắc dân tộc, còn Liên Hiệp Châu Âu (EU), sợ hãi và phẫn nộ, thấy được nguồn lực của mình và đang chứng tỏ cuộc chiến kinh tế có thể làm khốn đốn một « cường quốc quân sự nhà nghèo » như Nga.

Liên Xô sụp đổ vì khoảng cách giữa sức mạnh quân sự và sự bất lực về kinh tế, Putin đang lặp lại sai lầm ? Các nước dân chủ không thể sử dụng vũ khí trừng phạt với Trung Quốc, nhưng những thiệt hại đối với Nga là có thể chịu đựng được, hơn nữa lại theo đúng khuynh hướng giảm khí thải carbone.

Putin đã khiến cho tất cả các Nhà nước không muốn vào bất cứ liên minh quân sự nào như Thụy Điển, Phần Lan phải xem xét lại. Thổ Nhĩ Kỳ nay phải tránh đứng bên cạnh một nước bị cô lập trên trường quốc tế, cung cấp cho Ukraina vũ khí lợi hại là drone ; hơn nữa, Ankara không muốn Matxcơva tái kiểm soát Odessa và Hắc Hải – khơi lại sự đối địch xưa giữa đế quốc Ottoman và đế quốc Nga. Putin muốn mở rộng biên giới Nga, nhưng ông ta lại tái khởi động tiến trình mở rộng EU.

Tại châu Á, trước cái giá mà Nga phải trả khi xâm lăng Ukraina, Trung Quốc có thể phải chùn bước không dám ra tay với Đài Loan lúc này. Ngay cả tại Trung Đông và châu Phi, những nước như Syria và Mali sẽ tự hỏi có nên chọn Nga làm người bảo trợ. Liệu Mỹ sẽ lại đóng vai trò chính ở Trung Đông? Ả Rập Xê Út cũng như Venezuela bỗng trở nên quan trọng với Washington nhờ nguồn dầu khí. Chỉ có Ấn Độ của ông Modi và Trung Quốc của Tập Cận Bình còn tránh chỉ trích Matxcơva, nhưng về lâu về dài, không ai muốn gắn bó số phận mình với một Nhà nước bị ruồng bỏ, và có nguy cơ phá sản. Thế giới đã thay đổi chỉ trong 15 ngày, và cần tránh được một sự leo thang nguyên tử hay hóa học khi còn cứu vãn được.

Cuộc đối đầu giữa dân chủ và độc tài

Le Figaro nói về «Cuộc đối đầu vĩ đại»: cuộc xâm lăng Ukraina đã bất ngờ đánh thức sự đối kháng giữa thế giới dân chủ và các chế độ độc tài. Trong lúc mọi chú ý đang hướng về căng thẳng Mỹ-Trung xung quanh Đài Loan, chính tại châu Âu mà chiến tranh đã nổ ra.

Như trong mọi cuộc chiến tranh, diễn biến không như dự tính. Vladimir Putin đã đánh giá quá cao hiệu quả của quân đội Nga, coi thường lòng yêu nước, quyết tâm và khả năng kháng cự của người Ukraina; chủ quan về nguy cơ bị quốc tế trừng phạt. Sự sa lầy của quân đội, thiệt hại to lớn về kinh tế và nhân mạng khiến Putin càng thêm bạo lực, và giai đoạn sắp tới có thể là vây hãm và phá hủy toàn bộ những thành phố miền trung và miền đông Ukraina. Trong trường hợp xung đột ở biên giới, có nguy cơ leo thang tại châu Âu, vùng Balkan, Trung Đông, châu Phi.

Nga đã chuyển từ dân chủ phi tự do sang độc tài, trong một chế độ đã định chế hóa dối trá và khủng bố. Quốc gia này nay đã bị cô lập vì trừng phạt chưa từng thấy, bị cắt rời internet và bị giới thể thao, văn hóa tẩy chay. Tuy cùng chống phương Tây, Tập Cận Bình tỏ ra dè dặt. Kinh tế thế giới bất ổn với sự bùng nổ giá dầu khí, ngũ cốc cộng với đe dọa vũ khí nguyên tử tạo không khí tiêu cực cho Đại hội Đảng sắp tới.

Chủ quyền Biển Đông, Mỹ dỡ bỏ trừng phạt: Điều kiện để Bắc Kinh đứng ra hòa giải?

Dù vậy Trung Quốc có thể vui mừng trước một cuộc chiến đang thách thức trực diện phương Tây, khiến Nga phải quỵ lụy mình, kéo Hoa Kỳ và châu Âu sang phía khác khiến Bắc Kinh có thể làm mưa làm gió trên Thái Bình Dương. Trung Quốc chỉ chấp nhận làm trung gian hòa giải nếu Mỹ dỡ bỏ trừng phạt và công nhận «chủ quyền» Trung Quốc trên Biển Đông. Theo La Croix, Trung Quốc, «người bạn nhập nhằng» của Nga chưa chi đã thủ lợi, khi buộc Matxcơva phải trả giá đắt qua lối thoát nhân dân tệ vì không còn được dùng đô la và euro.

Cuộc chiến Ukraina mở ra một cuộc chiến tranh lạnh mới sẽ còn kéo dài, ngay cả khi có được giải pháp ngoại giao. Sự hung hăng của Nga đã đoàn kết phương Tây, thức tỉnh NATO, tái lập sự thăng bằng tương đối giữa Hoa Kỳ và châu Âu – vốn trễ tràng nhận ra sau Ukraina, mình sẽ là mục tiêu sắp tới của Putin. Cuối cùng, thế giới không còn lưỡng cực.

Các nền dân chủ không chuẩn bị đối đầu với các chế độ độc tài, nhưng đã chứng tỏ khả năng đáp trả thích đáng. Về lâu về dài, còn phải vạch ra chiến lược toàn cầu để chận đứng các thế lực toàn trị.  Đối với Nga, là buộc phải trả giá đắt cho việc xâm lăng, ngăn chặn leo thang, duy trì liên hệ với xã hội dân sự Nga. Với Trung Quốc, cần giảm dần sự lệ thuộc vào những mặt hàng thiết yếu. Theo Le Figaro, EU nên tái lập việc hợp tác chặt chẽ với Anh về quân sự, tái thúc đẩy NATO. Cuối cùng là trấn an giai cấp trung lưu, chấp nhận những hy sinh cần thiết để bảo vệ tự do.

Nguy cơ Nga vỡ nợ đang hiển hiện

Nhưng trước mắt là nguy cơ vỡ nợ của Nga chừng như khó thể tránh khỏi. Les Echos nhận thấy cả ba cơ quan đánh giá tín nhiệm đều xếp Nga vào loại «C», giai đoạn cuối cùng trước khi bị rơi vào «D» (tức défaut, mất khả năng chi trả). Hiếm khi một quốc gia ít nợ nần (chiếm 20% GDP) lại rơi vào tình cảnh này. Giờ của sự thật đang đến gần: ngày 16/03 Nga phải trả 117 triệu đô la trái phiếu đến hạn, nhưng các nhà đầu tư hầu như không còn hy vọng. Dự kiến GDP của Nga sẽ sụt ít nhất 12%.

Đành rằng người Nga từng quen thuộc với nhiều thập niên thiếu thốn thời Liên Xô cũ và nạn lạm phát phi mã khi chế độ xô-viết sụp đổ, nhưng người dân Nga trưởng thành sau chiến tranh lạnh khó thể lại chấp nhận xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ trước các cửa hàng. Hiện Nga phải nhập 20% nông sản và ngành chăn nuôi không thể cung cấp đủ thịt cho 145 triệu dân. Người Nga cũng phải làm quen với một cuộc sống thiếu vắng những cột trụ của quyền lực mềm phương Tây: trong số 340 tập đoàn đa quốc gia hiện diện ở Nga, chỉ còn khoảng hơn một chục thương hiệu trong ngành thực phẩm là chưa ngưng hoạt động.

Thụy My

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20220314-qu%C3%A2n-%C4%91%E1%BB%99i-nga-%C4%91ang-tr%E1%BA%A3-gi%C3%A1-%C4%91%E1%BA%AFt-cho-nh%E1%BB%AFng-sai-l%E1%BA%A7m-khi-x%C3%A2m-l%C6%B0%E1%BB%A3c-ukraina