Ðiểm Báo Pháp – 12/3/22
Xâm lăng Ukraina, Putin đã Stalin hóa nước Nga
Khi xua quân xâm lược Ukraina, Vladimir Putin mơ tái lập vinh quang của đế quốc Nga. Nhưng rốt cuộc ông ta đã tự biến mình thành một Stalin của thế kỷ 21, với những dối trá, bạo lực và hoang tưởng hơn bao giờ hết.
Chiến tranh ở Ukraina: Chủ đề của tất cả các tuần báo
Một lần nữa, các tuần báo uy tín tràn ngập bài vở về cuộc xâm lăng Ukraina, từ thông tin, hình ảnh, phân tích cho đến những bài phỏng vấn, khiến người điểm báo choáng ngợp trước hàng trăm trang viết. Le Point đăng ảnh Vladimir Putin ngồi trên ngai vàng với dòng tựa «Kẻ hủy diệt – Đến lượt ai đây?». Ảnh bìa Courrier International là một bà mẹ với hai đứa trẻ, đề cập đến «Cuộc sống sau lưng» – hai triệu người Ukraina đã chạy khỏi đất nước.
Trang nhất L’Express dùng nền đỏ với hình dạng một khuôn mặt phì nộn, chạy tít «Tài phiệt Nga: Giờ tính sổ». L’Obs nói về «Nỗi bàng hoàng chiến tranh» – đó là cũng là tựa bài ghi chép của nhà văn nổi tiếng Emmanuel Carrère, có mặt ở Matxcơva lúc cuộc chiến nổ ra. Riêng The Economist chạy tít lớn «Nước Nga bị Stalin hóa», trên nền màu đỏ chói, chữ Z trong từ «Stalinization» được thay thế bằng một khung nhỏ: đó là chữ Z vẽ trên chiến xa Nga. Tuần báo Anh nhận định, khi nhận ra rằng không thể chiến thắng được ở Ukraina, Vladimir Putin bèn đàn áp dân trong nước.
Dối trá, bạo lực, hoang tưởng: Putin – Stalin của thế kỷ 21
Khi ra lệnh xâm lăng Ukraina, Putin mơ tái lập vinh quang của đế quốc Nga, nhưng rốt cuộc ông ta chỉ dựng lại nạn khủng bố thời Josef Stalin. Không chỉ vì khởi động một cuộc chiến tranh tàn bạo nhất tại châu Âu kể từ 1939, nhưng còn vì hệ quả của cuộc chiến ấy: Vladimir Putin tự biến mình thành một Stalin của thế kỷ 21, với những dối trá, bạo lực và hoang tưởng hơn bao giờ hết.
Trước hết là tầm mức của lừa dối. Tổng thống Nga nghĩ rằng Ukraina sẽ nhanh chóng sụp đổ, cho nên ông ta không cần chuẩn bị cho nhân dân về cuộc xâm lăng, và cho những người lính về nhiệm vụ của họ. Sau hai tuần kinh hoàng trên chiến địa, Putin vẫn luôn chối cãi sự kiện ông ta đang tiến hành một cuộc chiến tranh quy mô nhất ở châu Âu kể từ 1945. Để củng cố sự dối trá trắng trợn được tuyên truyền khắp nơi, Putin đóng cửa hầu hết các cơ quan truyền thông độc lập, đe dọa các nhà báo đến 15 năm tù giam nếu không nhắc lại những lời nói láo chính thức, bắt giữ hàng ngàn người biểu tình phản chiến. Khi nhấn mạnh rằng «chiến dịch quân sự» là nhằm «phi quốc xã hóa» Ukraina, truyền hình Nhà nước đang Stalin hóa nước Nga.
Về gu bạo lực của Putin: không giành được một chiến thắng nhanh chóng, Nga bèn gieo sợ hãi bằng cách bỏ đói những thành phố Ukraina và oanh kích bừa bãi. Hôm 09/03, Nga không kích vào một bệnh viện phụ sản ở Marioupol. Nếu Putin gây tội ác chiến tranh nơi những người anh em Slave mà ông ta vẫn ca ngợi trong những bài viết, thì cũng sẵn sàng tàn sát trong nước.
Và để ước lượng mức độ hoang tưởng của ông Putin, hãy hình dung chiến tranh sẽ chấm dứt như thế nào. Hỏa lực Nga mạnh hơn Ukraina nhiều, quân Nga đang tiến, nhất là về phía nam, Nga có thể chiếm được thủ đô Kiev. Tuy nhiên cho dù chiến tranh có thể kéo dài nhiều tháng nữa, khó thể coi Vladimir Putin là kẻ chiến thắng.
Putin làm nước Nga suy sụp, tiêu diệt giai cấp tư sản
Giả sử Nga áp đặt được một chính phủ bù nhìn, Matxcơva không đủ tiền và cũng không đủ quân để đồn trú dù chỉ trên phân nửa lãnh thổ Ukraina. Lý thuyết quân sự Mỹ khẳng định để đối phó với các vụ nổi dậy – mà lần này, còn được NATO ủng hộ – quân chiếm đóng cần 20 đến 25 lính trên 1.000 dân, nhưng Nga chỉ có khoảng 4. Còn nếu không dựng lên được những con rối, thì phải thương lượng hòa bình với Ukraina, nhưng ông ta lại không hề muốn. Vả lại, Putin sẽ làm gì nếu sau cuộc chiến này Ukraina lại hướng về phương Tây, xâm lược lần nữa chăng?
Thực tế là khi tấn công Ukraina, Vladimir Putin đã phạm một sai lầm khủng khiếp. Ông ta đã hủy hoại danh tiếng của quân đội Nga – tưởng chừng là tuyệt vời nhưng lại tỏ ra kém cỏi trước một lực lượng yếu hơn, trang bị tệ hại hơn nhưng vô cùng dũng cảm. Nga bị mất hàng núi thiết bị quân sự, thiệt mất hàng ngàn quân, chỉ trong hai tuần lễ số lính Nga tử trận đã gần bằng thiệt hại của quân Mỹ tại Irak từ năm 2003.
Putin làm nước Nga suy sụp vì bị trừng phạt. Ngân hàng trung ương không có được ngoại tệ mạnh để hỗ trợ hệ thống ngân hàng và ổn định đồng rúp, nhiều thương hiệu nổi tiếng như Ikea, Coca-Cola đã đóng cửa, một số mặt hàng sẽ phải bán phân phối. Phương Tây không xuất những linh kiện quan trọng, dẫn đến đóng cửa các nhà máy. Trừng phạt về năng lượng tuy còn hạn chế, sẽ khiến số ngoại tệ Nga cần đến để nhập khẩu teo tóp dần.
Và, cũng như Stalin, Putin đang tiêu diệt giai cấp tư sản, động cơ quan trọng cho việc hiện đại hóa đất nước. Thay vì bị tống vào gulag, họ đang bay đến những thành phố như Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Yerevan (Armenia). Những người chọn lựa ở lại sẽ bị bóp nghẹt tự do ngôn luận, tự do hội họp ; bị vùi dập bởi lạm phát cao và kinh tế rối loạn. Chỉ trong vỏn vẹn hai tuần lễ, họ đã bị mất đi nước Nga.
Kém thế so với Stalin thời trước, Putin sợ bị đảo chánh
Stalin trị vì một nền kinh tế đang phát triển, và dù sát hại vô số người, ông ta đưa ra một ý thức hệ thực sự. Sau khi bị quốc xã tấn công, đế chế của Stalin được cứu vãn nhờ sự hy sinh vô bờ bến của đất nước. Putin không hề có những lợi thế này. Không chỉ thất bại trong một cuộc chiến do ông khởi động, mà còn làm nhân dân nghèo đi, thiếu một cốt lõi ý thức hệ. «Chủ nghĩa Putin» chỉ là sự pha trộn giữa dân tộc chủ nghĩa và Chính thống giáo cho khán giả truyền hình. Ở những vùng đất Nga trải rộng trên 11 múi giờ, người ta đã xầm xì về cuộc chiến của Matxcơva.
Khi thất bại của Putin bắt đầu rõ dần, nước Nga sẽ bước vào thời điểm nguy hiểm nhất trong cuộc xung đột. Các phe phái sẽ quay lại đổ lỗi cho nhau. Putin sợ bị đảo chánh, không tin tưởng ai cả và có thể phải đấu tranh để giữ ghế. Ông ta có thể cố xoay chuyển tình hình bằng cách khủng bố Ukraina với vũ khí hóa học, thậm chí vũ khí nguyên tử. Phương Tây phải cố vạch trần sự dối trá của Putin, nêu ra sự thật – các tập đoàn công nghệ đã sai khi chấm dứt hoạt động tại Nga, khiến chế độ kiểm soát được toàn bộ luồng thông tin.
Theo The Economist, NATO nên tiếp tục vũ trang cho chính phủ Volodymyr Zelensky, mạnh tay trừng phạt về dầu khí. Và phương Tây cần cố gắng kềm lại sự hoang tưởng của Putin, NATO tuyên bố chỉ hành động nếu Nga tấn công trước. Cho dù rất muốn có một chính phủ mới ở Matxcơva, đó là nhiệm vụ của nhân dân Nga. Trong khi nước Nga suy sụp, Vladimir Putin bị cô lập và coi như đã chết về mặt đạo đức, Volodymyr Zelensky đã chinh phục được Ukraina và thế giới. Nga cần đến một người như thế, một khi đã tự giải phóng khỏi Stalin của thế kỷ 21.
Tài phiệt Nga có dám chống lại ông chủ điện Kremlin?
L’Express đặt vấn đề «Tài phiệt Nga vào thời điểm bị trừng phạt…và nổi dậy?». Có hai thế hệ đại gia khác nhau. Thế hệ thứ nhất, trong số bảy «ông chủ nhà băng» chiếm phân nửa tài sản đất nước vào cuối thập niên 90, chỉ có hai tồn tại, những người khác phải lưu vong hoặc vào tù.
Sai lầm của họ là coi người kế nhiệm của Boris Eltsine là một con rối mới. Putin áp đặt luật chơi: không hợp đồng nào được ký nếu Kremlin không bật đèn xanh, các tỉ phú muốn làm gì thì làm nếu không dính líu vào chính trị. Thế hệ thứ hai là những người thân tín của ông chủ điện Kremlin và tay sai.
Liệu trừng phạt có thúc đẩy giới tài phiệt này chống lại một Putin cứ khăng khăng đến cùng hay không ? Nhà nghiên cứu Tatiana Stanovaya, Trung tâm Carnegie không tin vào giả thiết này, vì tất cả đều lệ thuộc Putin, những gì họ sở hữu có thể tiêu tan nếu tổng thống mất ngôi. Trừ một nhúm tướng lãnh và tình báo, không ai được tham khảo hay thông báo trước khi chiến tranh diễn ra, các tài phiệt này phải thích ứng để sống sót, nhưng không ai bày tỏ ý kiến. Putin không chỉ gây ngạc nhiên cho những người thân cận mà còn làm họ sợ hãi.
Trên L’Obs, nhà đối lập Serguei Parkhomenko cho rằng, «Trong mỗi người Nga, có một cuộc chiến tranh nho nhỏ giữa tivi và cái tủ lạnh». Nói cách khác, người dân bị kẹt giữa tuyên truyền láo khoét của chính quyền, và những khó khăn ngày càng lớn để nuôi sống gia đình. Đồng rúp đã mất phân nửa giá trị, một chục trứng nay chỉ còn có 9 và sắp tới là 8, thỏi bơ 250 gam chỉ nặng 190 gam…Ông không loại trừ khả năng đến một lúc nào đó dân chúng đứng lên lật đổ chế độ Putin.
Khả năng Putin mở màn chiến tranh nguyên tử
«Chiến tranh nguyên tử: Putin có khai hỏa đầu tiên hay không?», đó là đầu đề bài viết của The Sunday Times, được Courrier International dịch lại. Từ khi tổng thống Nga thông báo đặt lực lượng răn đe trong «tình trạng cảnh báo đặc biệt», thế giới sống trong khủng hoảng. Nga sở hữu 4.447 đầu đạn nguyên tử, nhiều nhất thế giới, trong đó có 1.588 là đầu đạn chiến lược, bố trí trên mặt đất, tàu ngầm và căn cứ không quân, có thể phá hủy cả một thành phố, chưa kể tác động phóng xạ sau đó. Bên cạnh đó là những đầu đạn chiến thuật có sức công phá ít mãnh liệt hơn.
«Tình trạng cảnh báo đặc biệt» là gì? Trong khi Hoa Kỳ có năm mức độ Defcon (DEFense readiness CONdition, tức «tình trạng chuẩn bị phòng vệ»), Nga có bốn cấp độ báo động. Putin có thể đã ký lệnh chuyển từ cấp 1 (bình thường) sang cấp 2 (cao). Cấp 3 (nguy hiểm) chỉ khi nào Nga cảm thấy bị đe dọa tấn công nguyên tử và cho phép đáp trả, và giai đoạn cuối cùng, cấp 4 (tổng lực) là chiến tranh hạt nhân đang diễn ra. Tại đa số các nước có vũ khí nguyên tử, phải hai người mới kích hoạt được thủ tục, và có thể tại Nga cũng chẳng có «nút bấm đỏ» để Putin ấn tùy ý. Ông ta sẽ phải ra lệnh cho tổng tư lệnh quân đội, và vị tướng này chuyển cho người trực tiếp phụ trách.
Có thể chặn một hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử hay không? Phương Tây sẽ biết ngay nếu Vladimir Putin quyết định cho bắn, những dấu hiệu hồng ngoại sẽ được vệ tinh nhận ra. Các hệ thống khác nhanh chóng tính toán quỹ đạo hỏa tiễn, giúp bộ tham mưu Anh, Mỹ biết được mục tiêu của nó. Trong cuộc tập trận thường niên Formidable Shield của NATO ngoài khơi Scotland, các đồng minh đã dự trù tình huống này. Tuy nhiên một số chuyên gia tự hỏi liệu hệ thống chống hỏa tiễn đạn đạo của Mỹ có chặn được cùng lúc nhiều tên lửa hay không, vì sẽ có nhiều chiếc được bắn đi cùng lúc để đánh lạc hướng.
Ngọn lửa hạt nhân, vũ khí của tuyệt vọng
Đối với Le Point, «Ngọn lửa hạt nhân là vũ khí của tuyệt vọng». Kẻ độc tài ở Matxcơva sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro, kể cả trận đại hồng thủ nguyên tử, để đạt bằng được mục đích chiến tranh, đó là buộc Ukraina phải đầu hàng.
May mắn là vụ oanh kích nhà máy điện nguyên tử Zaporijia lớn nhất châu Âu đã không gây ra thảm họa, «đặt dấu chấm hết cho Lịch sử» – theo cách nói của tổng thống Ukraina, Zelensky. Chỉ trong vài ngày, Vladimir Putin đã hủy hoại vị thế đối tác của nước Nga, nhưng ông ta bất chấp. Putin có thể đi xa đến đâu ? Phương Tây chỉ còn cách chờ đợi một phép lạ, chẳng hạn ông chủ điện Kremlin bị lật đổ. Nhưng chỉ trông chờ vào phép lạ thì không thực tế: nếu Putin cảm thấy bị dồn vào chân tường, ông ta có thể làm càn. Dù vậy, cần phải kiên quyết bảo vệ lợi ích và các giá trị trước Putin, mà cuộc chiến đấu vì tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina là minh chứng.
Theo triết gia Vasyl Cherepanyn trên Les Echos cuối tuần, «Cuộc cách mạng ở Ukraina là cơn ác mộng tệ hại nhất của Kremlin». Chiến tranh là «phút nói thật», qua cách phản ứng, người ta trưng ra bộ mặt thật của mình. Volodymyr Zelensky, một nhân vật không kinh nghiệm chính trường, khi cuộc chiến nổ ra đã chứng tỏ bản lãnh của một nhà lãnh đạo dũng cảm, dám đối đầu với quân đội thứ nhì thế giới. Sai lầm lớn nhất của Putin là không hiểu rằng đã gây chiến với 44 triệu người Ukraina đã trở thành một Maidan duy nhất.
Bước lùi vĩ đại khi Nga bị quốc tế trừng phạt
Trên L’Obs, nhà văn Pháp Emmanuel Carrère thuật lại tuần lễ đầu tiên tại Matxcơva, sau khi Putin xâm lăng Ukraina: tác động của trừng phạt lên đời sống người dân Nga, cảm giác về một «bước lùi vĩ đại».
Chỉ trong vài ngày, người ta như sống lại thời kỳ Đại khủng bố của Stalin. Những người quen yêu cầu nhà văn không viết gì cả để họ khỏi liên lụy, không có phương tiện liên lạc nào là an toàn. Nói hoặc viết từ «chiến tranh» thay vì «chiến dịch quân sự đặc biệt»: ba năm tù, có thể năm đến mười năm nếu trong khuôn khổ một nhóm trên internet, mười lăm năm đến gây «hậu quả công khai». Trên truyền hình Nga chỉ có những chương trình vô thưởng vô phạt, không hề thấy xe tăng, nhà cháy, người bị thương…
Trong giới trung lưu Nga, có những người tìm cách sang Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ… Xe lửa sang Phần Lan chật ních người, đường bộ kẹt cứng. May mắn là bạn ông đã mua giúp chiếc vé đi Istanbul, ngay hôm sau giá vé tăng gấp 20 lần trên thị trường chợ đen và sau đó không còn mua được. Thẻ tín dụng không còn xài được, phải tìm đến các máy rút tiền của những ngân hàng nhỏ chưa bị trừng phạt, nhưng cũng không thể. Suýt nữa nhà văn bị kẹt lại Nga vì không có tiền trả taxi ra sân bay, nếu một người bạn không giúp cho một ít tiền mặt. Người dân Nga chuẩn bị nói lời vĩnh biệt với iPhone và hàng hiệu, một cuộc sống thiếu vắng những mặt hàng quen thuộc, không ra được nước ngoài. Những người dám xuống đường phản chiến bị bắt nhốt. Một người bạn Nga nói: «Người Ukraina là những anh hùng, còn người Nga chúng tôi sống trong sợ hãi».
Trung Quốc, kẻ đồng lõa với Nga và thủ lợi trong chiến tranh Ukraina
Trung Quốc, với «tình hữu nghị không gì lay chuyển nổi» tuyên bố hôm 04/02, có giúp gì được cho Nga? Theo Le Point, rõ ràng Bắc Kinh đồng lõa với Matxcơva trong cuộc xâm lăng này. Nhiều người trong đó có nhà lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell cho rằng chỉ có Tập Cận Bình mới có thể khuyên giải được Vladimir Putin. Tuy nhiên Bắc Kinh chưa hề dùng từ «xâm lăng» đối với cuộc chiến Ukraina, và mới đây Vương Nghị còn nhắc lại mối quan hệ Nga-Trung «vững như bàn thạch».
Theo New York Times, từ cuối 2021 Hoa Kỳ đã chuyển tin tức tình báo về việc Nga chuẩn bị xâm lược Ukraina, với hy vọng Bắc Kinh sẽ ngăn chận, nhưng thay vào đó, Trung Quốc lại báo cho Nga là Mỹ muốn «chia rẽ đôi bên. South China Morning Post cho biết hôm Putin gặp Tập Cận Bình đã tiết lộ kế hoạch, nhưng Tập yêu cầu đợi đến khi Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh kết thúc hôm 20/02. Ngay hôm sau, tổng thống Nga đã đưa ra giọng điệu tương đương với tuyên bố chiến tranh.
Một dấu hiệu nữa: đại sứ quán Trung Quốc ở Kiev hôm 24/02 khuyến cáo Hoa kiều nên treo cờ Trung Quốc. Có nên trưng ra lá cờ của kẻ tấn công trong một Ukraina bị xâm lược ? Chỉ có thể là Bắc Kinh cũng như Putin ngỡ rằng Ukraina sẽ sụp đổ trong vài giờ, hoặc vài ngày, và lá cờ đỏ có năm ngôi sao vàng sẽ bảo đảm cho người Hoa được «quân giải phóng» Nga bảo vệ.
Về tài chính, Trung Quốc phải tính toán để không dính đòn trừng phạt của phương Tây, và trong hậu trường, sẵn sàng thủ lợi nhờ Nga bị cấm vận. Không còn sử dụng được Visa và Mastercard, các ngân hàng Nga đã phải quay sang UnionPay của Trung Quốc. Khí đốt Nga qua đường ống Force de Sibérie 2 chỉ có thể hoạt động từ 2024, tiêu thụ của Trung Quốc không thay thế được lượng bán cho châu Âu. Về quân sự, theo The Economist, Bắc Kinh theo dõi sát để thu thập kinh nghiệm từ những thất bại của Nga cho hồ sơ Đài Loan trong tương lai.
Thụy My