Tin Trong Nước – 12/3/22: Thêm 454.197 ca COVID-19 tại Việt Nam

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Trong Nước – 12/3/22: Thêm 454.197 ca COVID-19 tại Việt Nam

Thêm 454.197 ca COVID-19

VnExpress – Bộ Y tế tối 12/3 công bố 454.197 ca nhiễm, trong đó hơn 168.000 ca tại 63 tỉnh thành và Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Phú Thọ bổ sung hơn 285.000 ca.

Như vậy hôm nay công bố số ca nhiễm cao nhất, lần đầu tiên gần nửa triệu ca một ngày. Tổng số ca nhiễm tại Hà Nội lên gần 780.000, vượt TP.HCM, dẫn đầu cả nước về tổng số ca.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận 7 ngày qua là 159.273 ca/ngày.

Từ 17h30 ngày 11/3 đến 17h30 ngày 12/3 ghi nhận 62 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 81 ca/ngày. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 41.290 ca, chiếm tỷ lệ 0,7% so với tổng số ca nhiễm.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.934 ca. Đợt dịch thứ 4, số ca nhiễm trong nước là hơn 5,8 triệu, trong đó hơn 3 triệu đã được công bố khỏi. Năm tỉnh thành ghi nhận số nhiễm tích lũy cao: Hà Nội 779.115, TP.HCM 566.515, Bình Dương 336.200, Bắc Ninh 217.725, Nghệ An 205.929 ca.

Ảnh tổng hợp.

Thép xây dựng đồng loạt tăng giá

Cafef – Sau 4 lần tăng liên tiếp kể từ đầu tháng 3 đến nay, giá thép xây dựng đã vượt mốc 18.000 đồng/kg.

Trong đợt điều chỉnh này, thép Thái Nguyên tăng thêm 810 đồng/kg. Đây là doanh nghiệp có mức tăng giá mạnh nhất.

Các thương hiệu khác như thép Hòa Phát, thép Việt Đức, Việt Ý đều điều chỉnh tăng thêm 600 đồng/kg.

Một số chuyên gia nhận định, giá thép liên tục tăng chủ yếu do giá nhập khẩu nguyên liệu trên thị trường thế giới tăng vọt. Ngoài ra, chi phí vận chuyển tăng cao vì cước tàu tăng, giá xăng dầu tăng… đã khiến giá thành sản xuất của tại các công ty tăng theo.

Theo cập nhật của Hiệp hội thép Việt Nam ngày 23/2, giá phôi thép tăng vượt 700 USD /tấn.

Hiện nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 20 – 30% cho nhu cầu sản xuất, nên giá thép tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào giá thế giới.

Hà Giang mua kit test Covid-19 Việt Á giá hơn 500.000 đồng

Theo tìm hiểu của VietNamNet, trong năm 2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang (CDC Hà Giang) 2 lần mua kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, trong đó giá kit test lên tới hơn 500.000 đồng.

Cụ thể, ngày 24/5/2021, ông Nguyễn Trần Tuấn – Giám đốc CDC Hà Giang ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) trúng thầu gói thầu số 01 Mua sinh phẩm, vật tư tiêu hao xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2. Giá trúng thầu là 2.041.992.750 đồng.

Gói thầu này sử dụng nguồn kinh phí dự phòng ngân sách tỉnh năm 2021 (theo quyết định ngày 22/2/2021 của UBND tỉnh Hà Giang về việc phê duyệt danh mục mua sắm trang thiết bị y tế và cấp bổ sung kinh phí cho các đơn vị thực hiện công tác phòng, chống dịch).

Gói thầu 01 đã mua tổng cộng 3.895 kit xét nghiệm Covid-19 với đơn giá 509.250 đồng, tổng thành tiền là 1.983.528.750 đồng.

Theo tìm hiểu của VietNamNet, Thanh tra tỉnh Hà Giang đang thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 và việc nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á.

Các cơ quan, đơn vị được thanh tra gồm: Sở Y tế Hà Giang; các đơn vị y tế tuyến tỉnh; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện Phổi; Bệnh viện Y dược cổ truyền; Trung tâm y tế của 11 huyện, thành phố; Bệnh viện Đa khoa các huyện: Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ, Vị Xuyên, Bắc Mê, Quang Bình, Xín Mần; Bệnh viện Đa khoa khu vực: Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Yên Minh, Nà Trì.

Theo kế hoạch, ngày 15/3/2022, Thanh tra tỉnh Hà Giang sẽ có kết luận để báo cáo sự việc.

Người dân bất an khi đổ 200.000 m3 vật chất nạo vét xuống khu vực đánh bắt thủy sản

NLĐ – Ngày 12/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Thừa Thiên – Huế, chủ đầu tư Dự án Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá và Dự án Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản sử dụng tiền bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, cho biết sẽ tiến hành cuộc họp với UBND huyện Phú Lộc để tháo gỡ vướng mắc liên quan bãi tiếp nhận vật chất nạo vét thuộc dự án cảng cá Tư Hiền ở xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão.

Dự án cảng cá Tư Hiền có tổng mức đầu tư 148 tỉ đồng, giá trị thực hiện đến nay khoảng 10 tỉ đồng, nạo vét với chiều dài khoảng 750m đoạn từ cửa biển vào. Đến nay, việc nạo vét đã đạt khoảng 20%, toàn bộ khối lượng nạo vét tập kết tại bãi tạm sát khu vực tiếp nhận, dự kiến hoàn thành trước ngày 30/9.

Tuy nhiên, khi triển khai thi công, người dân không cho tập kết vật tư, vật liệu, máy móc do chưa giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đền bù nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản của hàng chục hộ ở xã Lộc Bình.

Ông Dương Quang Hùng, Chủ tịch UBND xã Lộc Bình, cho biết khu vực đổ thải là đầm Hải Phú, nơi có rất nhiều hộ dân đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Người dân cho rằng đây là nơi sinh sản của cá tôm, là nguồn sinh sống của bà con trong khu vực, yêu cầu phải được hỗ trợ thỏa đáng và phải bảo đảm môi trường.

Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết đã chỉ đạo đo vẽ thực địa phạm vi mặt bằng bị ảnh hưởng, đang hoàn thiện hồ sơ địa chính để có cơ sở xem xét hỗ trợ.

Tư Hiền là một trong hai cửa biển nối với phá Tam Giang – Cầu Hai, từ lâu đã bị bồi lấp khá nặng khiến tàu thuyền không thể ra vào. Năm 2017, Báo Người Lao Động đã có loạt bài phản ánh dấu hiệu trục lợi của Dự án Nạo vét thông luồng, tận thu cát nhiễm mặn tại cửa biển Tư Hiền – Tư Dung với tổng vốn 120 tỉ đồng, hình thức xã hội hóa.

Dự án trên được Bộ Xây dựng cấp phép cho Công ty CP Khai thác sản xuất khoáng sản 55 thực hiện từ tháng 7-2013, gia hạn đến hết tháng 3-2017. Theo đó, Công ty 55 được tận thu xuất khẩu 1,1 triệu m3 cát nhiễm mặn, trong đó cửa biển Tư Hiền được tận thu 550.000 m3. Thế nhưng, tổng khối lượng cát mà công ty này đã khai thác tại cửa biển Tư Hiền và xuất khẩu sang Singapore là 678.000 m3, vượt gần 150.000 m3 so với quy định.

Điều đáng nói là việc nạo vét của doanh nghiệp này chỉ chăm chăm tại những vị trí thuận lợi, dễ hút cát mang đi bán, trong khi các khu vực luồng lạch cần khơi thông thì làm qua loa nên không hiệu quả, cửa biển không được khơi thông, người dân rất bức xúc. Vì vậy, tháng 10/2017 UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có văn bản thống nhất thu hồi dự án này.

Hiểu Minh

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-toi-12-3-them-454-197-ca-covid-19-thep-xay-dung-dong-loat-tang-gia.html

Xăng dầu leo đỉnh, hàng hóa leo thang

Thanh Niên – Chiều qua (11/3), Liên bộ Công thương – Tài chính có quyết định điều hành giá xăng dầu, đánh dấu lần lập đỉnh liên tiếp thứ 7 kể từ kỳ điều hành hồi tháng 12.2021. Mặc dù quỹ bình ổn được chi rất mạnh (750 đồng/lít với xăng E5RON92, 1.000 đồng/lít với xăng RON95 và 1.500 đồng/lít với dầu diesel, dầu hỏa chi ở mức 300 đồng/lít), nhưng giá xăng dầu vẫn tăng sốc gần 3.000 đồng/lít. Hiện giá bán lẻ xăng đã sát mốc 30.000 đồng/lít. Đặc biệt, mức tăng giá xăng dầu ở kỳ điều hành chiều qua là mức tăng mạnh nhất của giá mặt hàng này từ trước đến nay.

Thở dài thườn thượt nhìn giá xăng dầu lập đỉnh mới, anh Nguyễn Văn Hải, giám đốc một công ty sản xuất vật liệu xây dựng ở miền Trung, kể rằng may là cách đây vài ngày, anh đã bỏ ra 60 triệu đồng mua một bình chứa dầu DO dung tích 25.000 lít để trữ hàng, dù công ty đã kiêm luôn đại lý xăng dầu cấp 1 – tức đã có bể chứa ở cửa hàng. “Trước đây, đội xe máy của công ty mỗi tháng lấy hàng 4 lần, mỗi lần cỡ chục nghìn lít. Nhưng hai tháng nay hàng lấy rất khó, mỗi lần đăng ký 10 thì đối tác chỉ bán cho 3, 4. Đó là chưa kể trước mình được hoa hồng 800 đồng/lít dầu DO mà nay chẳng còn đồng nào. Nên thôi thì trữ được gì phải trữ, chứ không có dầu, đứng máy đứng xe thì chết”, anh Hải than.

Không chỉ khó về nguyên liệu đầu vào, theo anh Hải, giá xăng dầu đang “ăn” hết lợi nhuận của doanh nghiệp (DN). “Trước đây nếu giá dầu tăng 1.000 đồng thì mình tăng giá gạch 100 đồng/viên, gồm cả chi phí vận chuyển tận công trường. Nhưng nay giá xăng cứ tháng tăng 3 lần mà đầu năm đến nay giá gạch tăng 2 lần (tổng cộng 200 đồng mỗi viên) là người dân đã kêu rồi. Không phải cứ giá đầu vào tăng là mình tăng tương ứng được”, anh nói.

Anh Nguyễn Đức Thuận, kỹ sư tư vấn xây dựng tại TP.HCM, thừa nhận việc tăng giá xây dựng phần thô như vừa qua là điều “chưa có tiền lệ”, khi có tháng điều chỉnh đến 2 lần. “Như Công ty Thiết Thạch vừa tăng giá gói xây thô lên 4,2 triệu đồng/m2 từ 1.3 mà hiện nay vào website thì lại thấy công ty thông báo “Dự kiến thay đổi đơn giá xây dựng” từ ngày 15.3. Dù họ chưa nói giá nhưng tôi đoán cũng sẽ lên chừng 4,5 triệu/m2. Trong khi giá hồi tháng 8, tháng 9 năm ngoái khoảng 3,8 triệu/m2. Nếu sang tuần mà lên 4,5 triệu/m2 thì đúng bằng giá của gói hoàn thiện năm 2020 rồi”, anh Thuận dẫn chứng và cảm thán: “Ai xây nhà giai đoạn này thì nhìn giá vật liệu nhảy múa thôi đã tăng xông rồi”.

Trên website chính thức, Công ty CP đầu tư kiến trúc xây dựng Thiết Thạch lý giải kế hoạch dự kiến thay đổi đơn giá xây dựng từ ngày 15.3 là do biến động xã hội kéo theo sự leo thang vật giá đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá xây dựng. Đại diện Thiết Thạch cho biết cùng với đà phá đỉnh của giá xăng, giá các nguyên vật liệu ngành xây dựng cũng đang “lên đồng”. Cụ thể, giá thép tăng 40 – 45%; cát, đá, xi măng… và hầu hết các loại vật tư khác đều tăng 10 – 15%. Các loại vật tư hoàn thiện như sơn nước, gạch lát sàn… tăng khoảng 5 – 10%. Kèm theo tình trạng thiếu nhân công xây dựng và chi phí nhân công cũng tăng theo, khiến DN gặp sức ép rất lớn.

Nhiều lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM nhận tiền từ quỹ vận động chống dịch

Tuoitre – Sở Lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM vừa có báo cáo về việc chi hỗ trợ cho các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 từ nguồn quỹ vận động phòng chống dịch của đơn vị này.

Theo đó, tính đến ngày 10/8/2021, có 30 đơn vị đóng góp cho quỹ với số tiền hơn 461 triệu đồng. Trong đó, công đoàn huy động là hơn 351 triệu đồng, văn phòng huy động là 60 triệu đồng và Ban Tuyên giáo Đảng ủy huy động là 50 triệu đồng.

Khi được sự chấp thuận của giám đốc Sở LĐ-TB&XH, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch, văn phòng sở đã chi hỗ trợ kinh phí qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản cá nhân với số tiền là hơn 262 triệu đồng.

Cụ thể, chi cho lực lượng tuyến đầu là 125 triệu đồng; chi cho 21 thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của sở là 97,6 triệu đồng; chi hỗ trợ tổ công tác đi các quận huyện (gồm 51 công chức, viên chức của sở) là hơn 25 triệu đồng.

Đồng thời chi cho việc mua khẩu trang tặng sở LĐ-TB&XH các tỉnh và tặng các bệnh viện là hơn 14 triệu đồng.

Tiếp đó, Thường trực Đảng ủy, ban giám đốc thống nhất chủ trương mua 42.373 khẩu trang hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đối tượng đang được chăm sóc, quản lý tại 37 đơn vị trực thuộc với 127 triệu đồng.

Sau đó hỗ trợ y bác sĩ đang điều trị COVID-19 cho các đối tượng tại Trung tâm điều dưỡng tâm thần Tân Định là 21 triệu đồng và tổ chức đi thăm, viếng 30 gia đình cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các đơn vị trực thuộc mất hoặc có người thân mất với 50 triệu đồng.

Kinh phí còn lại là 1 triệu đồng đang gửi trong tài khoản của sở.

Riêng đối với việc chi 97,6 triệu cho thành viên Ban chỉ đạo thì giám đốc, phó giám đốc, chánh và phó chánh văn phòng, trưởng phòng, chuyên viên văn phòng sở cũng nhận được hỗ trợ với số tiền là 4,6 triệu đồng.

Một lãnh đạo trung tâm thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM nói với báo Tuổi Trẻ rằng, việc dùng nguồn tiền vận động chi cho các lãnh đạo, cán bộ phòng ban của sở này là không đúng mục đích vận động.

Theo đó, mục đích vận động là để hỗ trợ cho Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá và Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc, bao gồm viên chức và người lao động của hai trung tâm này. Do đó việc chi tiền cho các lãnh đạo, cán bộ phòng ban của sở là không đúng. Đồng thời sở cũng không công khai việc chi tiền hỗ trợ như thế nào cho đến khi có yêu cầu của UBND TP.

“Việc Ban chỉ đạo nhận tiền là không đúng vì đó là trách nhiệm. Nếu có chế độ thì chi và phải chi từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho sở trong nguồn chi thường xuyên hoặc chi ngoài khoán hạn mức (được Sở Tài chính cấp bổ sung ngoài hạn mức của dự toán được duyệt)”, cán bộ này cho biết thêm.

Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk nói về việc khách sạn “mời” khách nghi mắc COVID-19 ra ngoài

NLĐ – Chiều 11/3, ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã nắm thông tin về việc Khách sạn Mường Thanh Buôn Ma Thuột mời khách ra khỏi phòng khi phát hiện họ nghi mắc Covid-19.

Theo ông Nay Phi La, nếu sự việc như báo phản ánh thì “tội cho các vị khách”. Thời gian qua, ngành y tế đã hướng dẫn rất nhiều nhưng không biết các khách sạn có cập nhật hết hay không.

Ông Nay Phi La nói: “Hiện nay, phần lớn khách đã tiêm 3 mũi vắc-xin, nếu có người dương tính với SARS-CoV-2 thì có thể cho vào cách ly ngay tại khách sạn nếu họ đồng ý. Còn nếu không thì báo với chính quyền địa phương, ngành y tế để phối hợp giải quyết vì khách từ nơi khác đến, không có nhà cửa ở Đắk Lắk. Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk vẫn có bệnh viện dã chiến để tiếp nhận các trường hợp mắc Covid-19 không có điều kiện cách ly, điều trị tại nhà. Việc mời khách ra giữa đêm như vậy là không phù hợp”.

Chiều cùng ngày, lãnh đạo Khách sạn Sài Gòn Ban Mê – nơi 3 vị khách lưu trú sau khi rời Khách sạn Mường Thanh Buôn Ma Thuột – cho biết ngành y tế vừa thông báo nếu khách có xe riêng thì cho phép rời khách sạn về nhà. Do đó, 2 trong số 3 vị khách đã trả phòng, hiện chỉ còn 1 người đang tạm thời cách ly tại khách sạn.

Như báo chí đã đưa tin, ngày 10-3, nhiều đoàn khách tới Khách sạn Mường Thanh Buôn Ma Thuột lấy phòng lưu trú để tham dự Đại hội Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk.

Đến tối 10-3, ban tổ chức tiến hành test nhanh cho các đại biểu thì phát hiện 3 thành viên của 3 đoàn dương tính với SARS-CoV-2. Lúc này, nhân viên Khách sạn Mường Thanh Buôn Ma Thuột đã yêu cầu 3 khách này rời khỏi khách sạn. 3 vị khách phải di chuyển qua 2 khách sạn khác nhưng không được nhận. Phải đến khách sạn thứ 3, là Khách sạn Sài Gòn Ban Mê, thì 3 vị khách mới được tiếp nhận, cho vào phòng cách ly.

Xuất khẩu tôm Việt sang Mỹ đạt hơn 1 tỉ USD

Tuoitre – Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản ngày 11/3, cho biết năm 2021, ngành tôm có sự bứt phá mạnh với sản lượng tôm nuôi các loại đạt 970.000 tấn, tăng 4,3% so với năm 2020. Trong đó, sản lượng tôm nước lợ đạt 920.000 tấn được thu hoạch từ 746.000 hecta tôm sú và thẻ chân trắng.

Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản, cho biết năm 2021, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,9 tỉ USD, tăng 4% so với 2020. Sóc Trăng và Cà Mau là hai tỉnh có kim ngạch cao.

Hiện Việt Nam có hơn 500 doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang 103 thị trường. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu có đến 97% tập trung vào 8 thị trường chính là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, Anh…

Theo ông Hòe, lần đầu tiên tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch hơn 1 tỉ USD, với gần 90.000 tấn, tăng 20% so với năm trước. Dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2022 tăng từ 10 – 12%, kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 4 tỉ USD.

https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-sang-12-3-xang-dau-leo-dinh-hang-hoa-leo-thang-nhieu-lanh-dao-so-ld-tbxh-tp-hcm-nhan-tien-tu-quy-van-dong-chong-dich.html