Thế giới bận rộn chiến sự Nga – Ukraine, Trung Quốc liên tục tập trận ở Biển Đông
Trung Quốc liên tục tập trận trên Biển Đông
Chính phủ Trung Quốc mới tuyên bố là họ đang tiến hành một
cuộc tập trận kéo dài hơn một tuần ở Biển Đông, đồng thời cảnh báo các
tàu biển tránh xa.
Trong bản thông cáo bằng tiếng Hoa và tiếng Anh được công
bố tối 04/03, Cục Hải Sự Hải Nam cho biết các cuộc tập trận kéo dài từ
04/03 đến 15/03 (1).
Các tọa độ do họ cung cấp cho thấy khu vực tập trận nằm gần ngay chính
giữa thành phố Tam Á của đảo Hải Nam và thành phố Huế của Việt Nam. Tam Á
là nơi đặt căn cứ hải quân lớn của Trung Quốc.
Trước đó, Trung Quốc cũng loan báo lực lượng quân sự nước này tiến hành tập trận ba ngày trên Biển Đông, từ 27/2 đến 1/3 (2).
Cuộc tập trận diễn ra khi Nga thực hiện chiến dịch xâm lược tại Ukraine
mà nhiều người dự báo Bắc Kinh sẽ tùy theo phản ứng của Mỹ và Liên minh
châu Âu (EU) để tiến hành kế hoạch đánh chiếm Đài Loan, đồng thời có
các hoạt động hung hăng hơn nữa ở Biển Đông, bắt nạt các nước nhỏ phía
Nam.
Cuộc diễn tập quân sự này được khởi động một ngày sau khi
tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan, châm ngòi cho hoạt động không quân
dữ dội khi tám máy bay phản lực của Trung Quốc xâm phạm Vùng nhận dạng
phòng không (ADIZ) của Đài Loan.
Có sự phối hợp với Nga?
Cuộc xâm lược Ukraine của Nga diễn ra một ngày sau khi Thế
vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 kết thúc. Đó có phải là sự tôn trọng đối
với Trung Quốc hay là sự phối hợp “ngầm” với nhau?
Đã có nhiều cảnh báo việc Trung Quốc lợi dụng cả thế giới đang tập trung vào chiến sự ở Ukraina để “tạo cơ hội” trên Biển Đông.
Tuy nhiên, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines khẳng định Bắc Kinh “sẽ không lợi dụng cuộc chiến Nga-Ukraine” để hành động trên Biển Đông.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines đã gọi những suy
đoán rằng Trung Quốc sẽ lợi dụng việc Nga xâm lược Ukraine để tiến hành
quân sự hóa Biển Đông là “điên rồ và vô lý”. Trong email trả lời câu hỏi
về những suy đoán này, Đại sứ quán Trung Quốc viết: “Trung Quốc sẽ tuyệt đối không sử dụng sức mạnh để bắt nạt các nước nhỏ hơn và chúng tôi không bao giờ tin vào cách tiếp cận ‘ai thắng, người đó được tất cả’. (3)
Nhưng rất nhiều người thấy rằng, không thể tin tưởng Bắc
Kinh dễ dàng như vậy được. Tập Cận Bình đã từng hứa không quân sự hoá
các đảo nhân tạo trên Biển Đông, nhưng lại làm ngược lại. Lời hứa của
ông Tập cũng giống như khẳng định của ông Putin trước đó là không có ý
định tấn công Ukraina. Những lời hứa của những kẻ độc tài thì có gì để
đảm bảo được đây?
Chính vì vậy, Thượng nghị sĩ kiêm ứng cử viên tổng thống của Philippines Panfilo “Ping” M. Lacson, Sr. ngày 2/3 nhận định cuộc chiến Nga-Ukraine có thể “khích lệ” Trung Quốc làm điều tương tự ở khu vực.
Các chuyên gia khác cũng cảnh báo Manila nên lưu tâm đến
khả năng Trung Quốc xúc tiến mạnh hơn các hoạt động quân sự hóa Biển
Đông trong khi Mỹ và các đồng minh đang bận rộn đối phó với cuộc tấn
công của Nga vào Ukraine.
Jaime B. Naval, giáo sư khoa học chính trị của Đại học Philippines, kêu gọi coi chừng Trung Quốc: “Bắc
Kinh đã tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông ngay cả trong thời gian đại
dịch bùng phát. Ở thời điểm hiện nay, khi tính toán rằng các cường quốc
trong và ngoài khu vực đang bị vấn đề Ukraine làm cho phân tâm, Bắc
Kinh có thể bắt tay thực hiện các hành động mạo hiểm hơn” (4).
Theo ông Naval, không ai đủ khả năng để bận rộn với hai cuộc chiến ở các khu vực khác nhau cùng một lúc: “Vì
họ đang bận ở nơi khác, họ sẽ không có thời gian, nguồn lực, năng lượng
và sự chú ý để bằng cách nào đó tích cực tham gia vào những gì đang
diễn ra ở Biển Đông”.
Ông cho rằng hành động của Trung Quốc không nhất thiết
phải là một cuộc chiến mà có thể được thực hiện thông qua các phương
tiện khác: “Trung Quốc có thể đạt được những gì
họ cần từ Philippines bằng cách từ từ tiếp quản các đảo ven biển và
thiết lập quan hệ đối tác kinh tế với các thành viên chủ chốt của giới
tinh hoa Philippines để đạt được sự thống trị về kinh tế cho phép họ
định hướng chính sách của Philippines.”
Renato C. de Castro, Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học De La Salle, thừa nhận: “Chiêu
trò của Trung Quốc là giành chiến thắng mà không thực sự chiến đấu
trong việc đối phó với các quốc gia tranh chấp khác… Vấn đề Biển Đông
chỉ có thể ngày càng phức tạp hơn khi vẫn còn căng thẳng ở Biển Hoa Đông
cũng như eo biển Đài Loan” (5).
Thái độ của Bộ Tứ
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết các nhà lãnh đạo của nhóm “Bộ
tứ” gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản ngày 3/3 đã thống nhất rằng
những gì đang xảy ra đối với Ukraine không được phép xảy ra ở khu vực Ấn
Độ Dương-Thái Bình Dương (6).
Cuộc họp trực tuyến của nhóm “Bộ
tứ” được tổ chức vào thời điểm lo ngại đang gia tăng về an ninh cho Đài
Loan và Biển Đông, đề phòng Trung Quốc lợi dụng phương Tây mất tập trung
để ra tay. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp Tổng thống Mỹ, Thủ
tướng Australia và Thủ tướng Ấn Độ, Thủ tướng Nhật Bản Kishida nói: “Chúng
tôi cũng nhất trí rằng diễn tiến này càng cho thấy tầm quan trọng của
việc thúc đẩy nhận thức về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do
và rộng mở”.
Điều phối viên của Nhà Trắng về khu vực Ấn Độ Dương-Thái
Bình Dương Kurt Campbell ngày 28/2 cho biết Mỹ vẫn duy trì tập trung vào
khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bất chấp cuộc khủng hoảng Ukraine,
mặc dù điều này sẽ khó khăn và tốn kém.
Việt Nam cần cảnh giác trước Bắc Kinh
Những điều các học giả cảnh báo Philippines cũng là những cảnh báo tới Việt Nam.
Dư luận Việt Nam đang tập trung vào tình hình chiến sự ở
Ukraina với những quan điểm khác biệt. Những cuộc cãi vã nhau do khác
cách nhìn nhận đang bùng lên trên các mạng xã hội. Cùng lúc, Trung Quốc
lại tăng cường tập trận trên Biển Đông.
Liệu các cuộc tập trận liên tục này mang thông điệp gì đối với các quốc gia trên Biển Đông?
Trong bài trả lời phỏng vấn mới đây, ông Nguyễn Chí Vịnh –
Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam có nhận định về cuộc xâm lược
Ukraina: “Với Việt Nam, cần làm rõ: trước hết hòa bình thế giới bị đe
dọa, tức là hòa bình Việt Nam bị đe dọa. Vì vậy, nhìn nhận việc này
trước hết phải dựa trên nguyên tắc luật pháp, đạo lý và hòa bình thế
giới nhưng mục đích rất rõ ràng là phải dựa trên lợi ích của chính Việt
Nam ta.” (7)
Trong bài phỏng vấn này, ông Vịnh cũng đề cao chính sách “Ba không” mà dường như, ông ta chính là “cha đẻ” của chính sách này.
Mặc dù chính sách “Ba không” đã chuyển sang “Bốn không,
một tuỳ”, nhưng liệu chỉ với chính sách đó, biển đảo của Việt Nam có thể
an toàn trước dã tâm của Trung Quốc? Và thêm nữa, khi Nga bị cấm vận
toàn diện như vậy, Việt Nam có thể tiếp tục dựa vào vũ khí mua từ Nga
nữa hay không để có thể tự vệ trước cuộc xâm lược của Bắc Kinh?
Đây là những vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần chú ý.
Phân tích của Phùng Quang Thắng – 2022.03.06
_____________
Tham khảo:
1.
https://www.reuters.com/world/china-announces-south-china-sea-drills-close-vietnam-coast-2022-03-05/?taid=62231ae207024b000155f166&utm_campaign=trueAnthem:%20Trending%20Content&utm_medium=trueAnthem&utm_source=twitter&s=09
2. http://eng.chinamil.com.cn/view/2022-02/28/content_10135732.htm
3. https://www.bworldonline.com/china-says-it-wont-exploit-russia-ukraine-war/
4. https://www.bworldonline.com/manila-warned-of-china-moves-amid-ukraine-war/
5. https://www.bworldonline.com/manila-warned-of-china-moves-amid-ukraine-war/
6. https://www.reuters.com/world/biden-quad-leaders-discuss-ukraine-thursday-white-house-2022-03-03/
7. https://tuoitre.vn/xung-dot-nga-ukraine-khong-ben-nao-thang-20220304223912692.htm
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.