Tin Tổng Hợp – 4/3/22: Nga chiếm nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của Ukraina, tung đòn mới trong cuộc chiến thông tin
Nga oanh kích và chiếm nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của Ukraina
Sau một đêm oanh kích dữ dội, đến sáng 04/03, quân đội Nga đã chiếm được Energoda, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Ukraina và lớn nhất châu Âu vẫn đang hoạt động. Trước đó, một tòa nhà trong khu vực nhà máy đã bốc cháy, nhưng lính cứu hỏa giập tắt. Theo chính quyền Kiev, không có dấu hiệu rò rỉ phóng xạ, an toàn của nhà máy vẫn «được bảo đảm».
AFP trích thông báo sáng 04/03 của cơ quan điều phối hạt nhân Ukraina cho biết «nhà máy hạt điện nguyên tử ở Zaporizhzhia đã bị lực lượng quân sự Liên Bang Nga chiếm đóng. Đội ngũ nhân viên vận hành nhà máy vẫn kiểm soát các khu vực năng lượng và bảo đảm việc khai thác phù hợp với quy định kỹ thuật an toàn vận hành».
Thông tín viên RFI Stéphane Siohan tường thuật từ Kiev:
Nhà máy điện nguyên tử Energoda nằm gần Zaporizhzhia, thành phố lớn thứ 6 của Ukraina, đã bị oanh kích đêm qua. Energoda có bốn lò phản ứng hạt nhân, trong đó có 1 lò vẫn đang hoạt động. Energoda cũng là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Ukraina và lớn nhất châu Âu.
Vậy vụ tấn công vào Energoda có ý nghĩa như thế nào? Thứ nhất, về mặt địa chính trị, lực lượng quân sự Nga tiếp tục đà tiến ở miền nam Ukraina và đang tìm cách lập cầu không vận nối Nga với Crimée và thành phố Odessa.
Hiện giờ có thể thấy là quân Nga theo đuổi chiến lược mới: tấn công vào các cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng. Đây không phải là lần đầu tiên quân Nga oanh kích một trong những cơ sở hạt nhân. Cách đây vài hôm, quân Nga đã đánh chiếm Tchernobyl. Nhưng Energoda thì khác, đó là một nhà máy hạt nhân vẫn đang hoạt động.
Từ giờ còn thêm nhiều mối
quan ngại khác, vì ngay cạnh Energoda, ở thành phố lớn thứ sáu
Zaporizhzhia, còn có một đập thủy điện lớn trên sông Dnepr. Người ta lo
là quân Nga tấn công nhà máy thủy điện cung cấp điện cho phần lớn
Ukraina.
Tôi muốn nói thêm là ở Kiev cũng đang lo cho đập thủy điện trữ nước trên sông Dnepr phía bắc thành phố. Vài ngày trước, một tên lửa hành trình của Nga đã bay gần đến đập thủy điện đó, nhưng đã bị hệ thống phòng không Ukraina bắn chặn được. Nếu đập này bị trúng tên lửa, sẽ có một trận đại hồng thủy ở Kiev. Chính quyền Ukraina hiện rất chú tâm đến các vụ tấn công vào những cơ sở hạ tầng trọng điểm.
Tổng thống Putin: Chiến dịch diễn ra theo tiến độ dự kiến
Vụ tấn công vào nhà máy điện hạt nhân Energoda không gây thiệt hại về nhân mạng. Tuy nhiên, ngày 04/03, tổng thống Ukraina kịch liệt lên án Nga «khủng bố hạt nhân». Ông Volodymyr Zelenski cũng yêu cầu «châu Âu khẩn trương hành động» để «ngăn châu Âu chết vì thảm họa nguyên tử», do Ukraina có đến 15 nhà máy điện hạt nhân, «chỉ cần một trong số những nhà máy này nổ, thì tất cả sẽ chấm dứt».
Thủ đô Kiev, cùng thành phố lớn thứ hai Kharkov và thành phố Tchernihiv ở phía bắc, tiếp tục bị quân Nga oanh kích dữ dội. Theo cơ quan tình trạng khẩn cấp quốc gia Ukraina, có 33 thường dân ở Tchernihiv bị chết vì pháo kích của Nga ngày 03/03.
Cùng ngày, một quan chức của bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết Nga đã bắn hơn 480 tên lửa, trong đó có hơn 230 quả từ các hệ thống di động triển khai ở Ukraina, 160 quả được bắn từ Nga và hơn 70 từ Belarus, hoặc từ chiến hạm ở Biển Đen.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định trong bài diễn văn tối 03/03 là «mọi việc diễn ra như kế hoạch và thời hạn dự kiến». Cũng hôm qua, sau khi điện đàm với nguyên thủ quốc gia Nga, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng «điều tồi tệ hơn đang chờ ở phía trước».
Thu Hằng
Nga tung đòn mới trong cuộc chiến thông tin
Reuters – Quốc hội Nga ngày 4/3 thông qua một đạo luật áp dụng mức án tới 15 năm tù cho những ai cố ý loan truyền tin “giả” về quân đội, một bước của Nga nhằm tăng cường chiến tranh thông tin về cuộc xung đột tại Ukraine.
Các giới chức Nga lặp đi lặp lại rằng kẻ thù của Nga như Mỹ và các đồng minh Tây Âu loan tin giả nhằm gieo rắc bất đồng giữa người dân Nga.
Các nhà lập pháp Nga thông qua tu chính luật hình sự, quy định việc loan truyền thông tin “giả” là tội bị phạt tiền và tù. Những ai công khai kêu gọi chế tài chống Nga cũng sẽ bị phạt.
Viện Duma đề ra mức trừng phạt đối với những ai bị xem là làm mất uy tín lực lượng vũ trang. Những hình phạt mạnh hơn được áp dụng cho những ai cố tình loan tin giả hay kêu gọi công chúng hành động.
Các tu chính này tạo điều kiện cho nhà nước Nga có quyền đàn áp mạnh tay hơn.
Quan chức Nga không dùng từ “xâm lược” và tố cáo truyền thông phương
Tây không tường trình về điều mà Nga gọi là những người Nga tại Ukraine
bị “diệt chủng”.
Các tu chính này cần phải được thượng viện thông qua trước khi đệ trình Tổng thống Putin để ký thành luật.
‘Trừng phại mạnh tay’
Sau khi ông Putin ra lệnh tấn công Ukraine, giới đối lập ở Nga đã cảnh báo về việc Điện Kremlin có thể sẽ đàn áp bất đồng chính kiến.
Cơ quan giám sát thông tin của Nga cũng đã cắt tiếp cận một vài trang mạng của các tổ chức tin tức nước ngoài, trong đó có BBC và Deutsche Welle, vì đưa tin mà Nga xem là sai lạc về cuộc chiến tại Ukraine.
Nga nhiều lần phàn nàn rằng các hãng tin phương Tây đã đưa ra quan điểm thiên vị-thường chống Nga-mà không quy trách lãnh đạo của họ về các cuộc chiến ở nước ngoài như Iraq và nạn tham nhũng.
Đài BBC của Anh nói tiếp cận với thông tin chính xác là nhân quyền nền tảng và sẽ tiếp tục tìm cách đưa tin tức của họ vào Nga.
https://www.voatiengviet.com/a/nga-tung-don-moi-trong-cuoc-chien-thong-tin/6470900.html
Du thuyền ‘Tình yêu’ của tỷ phú Nga Igor Sechin bị Pháp thu
Hải quan Pháp đã tịch thu du thuyền dài 88 mét của tỷ phú Nga Igor Sechin ở Marseille.
Nhà chức trách Pháp thực hiện vụ tịch thu này “vì thấy chiếc du thuyền này chuẩn bị ra khơi khẩn cấp”.
Du thuyền Amore Vero – dịch là Tình yêu thực thụ, bị giữ hôm thứ Tư sau khi châu Âu tung ra các lệnh trừng phạt chống lại các tỷ phú mà EU, Anh cho là “thân hữu của Tổng thống Nga Vladimir Putin”.
https://www.bbc.com/vietnamese/live/world-60567126
Sofya Voskresenskaya – người Nga đang sống ở Sài Gòn
Tôi biết rằng rất nhiều người Việt Nam có thái độ tích cực với Putin, có thể không hẳn là sùng bái mà là tôn trọng, đôi khi là ngưỡng mộ sự tự chủ và sức chịu đựng ông ấy. Tôi từng nghe nhiều ý kiến tương tự từ cả những người phương Tây, dù hàng loạt các cuộc tuyên truyền chống Nga đang diễn ra ở đó.
Thú thật tôi cũng đồng tình ở một mức độ nào đó, tôi cảm kích sự điềm tĩnh và quyết tâm của Putin, nhưng tôi chắc chắn muốn phản đối ông ấy nhiều hơn vì những gì Putin làm tuần trước chính là hành động xâm lược một đất nước, điều đó làm át đi những điều tốt đẹp của ông ấy, khiến tôi và hững người khác không còn cảm thấy tôn trọng ông ấy với tư cách là một chính trị gia hay là một con người.
Đối với tôi, chính phủ Ukraine cũng không tốt đẹp, nhưng điều đó không có nghĩa là bất kì nhà lãnh đạo nào có quyền tiến hành một cuộc chiến chống lại họ. Người dân không có nghĩa vụ chịu trách nhiệm cho các nhà cầm quyền của họ, nhưng những người Ukraine hiện tại đang phải chịu đựng cả về thể chất lẫn tinh thần.
Có những giới hạn không nên bị phá vỡ, tôi rất tức giận với những gì Putin làm, ngoài việc mang lại đau khổ cho người dân Ukaine, cướp đi sinh mạng của binh lính hai bên, ông ấy còn đang huỷ hoại nền kinh tế Nga vốn đã rất khó khăn. Quan trọng nhất là Putin đã mang lại một vết nhơ mà có lẽ sẽ không bao giờ gột rửa được cho nước Nga mà tôi yêu quý.
Ngoài ra, gần đây tôi thấy nhiều người Nga viết trên mạng xã hội rằng họ cảm thấy xấu hổ khi là người Nga, tôi không đồng ý với chuyện này. Tuyên bố đó có thể hợp lý khi tất cả người Nga đều ủng hộ cuộc chiến, nhưng trên thực tế thì ngược lại. Tôi vẫn tự hào là người Nga và tôi yêu mến đất nước của mình, chỉ là quyết định của người cầm quyền khiến tôi cảm thấy xấu hổ.
https://www.bbc.com/vietnamese/live/world-60567126
Việt Nam có hề hấn gì khi Nga bị đẩy ra khỏi hệ thống SWIFT?
Những người ủng hộ việc cấm vận Nga và biểu ngữ có chữ SWIFT và cờ của Nga tại một biểu tình ở Berlin, Đức hôm 3/3/2022 – AFT
Theo báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu thuộc Công ty Chứng Khoán VNDirect Research, chuyên nghiên cứu về tình hình đầu tư kinh doanh, được công bố hôm 28/2, Việt Nam có chịu tác động nhất định khi Nga bị loại khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên Ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) vì đã phát động cuộc tấn công vào Ukraine.
Lúng túng trong thanh toán
Đây là lệnh trừng phạt do Mỹ, Anh, Canada và EU thông báo ngày 27/2, cắt đứt đường nối từ Nga đến một số ngân hàng trong hệ thống SWIFT, tên gọi tắt của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên Ngân hàng Toàn cầu, được thành lập từ 1973, có trụ sở tại Brussel, Bỉ.
SWIFT kết nối trên 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ để thông báo cho các ngân hàng về các giao dịch.
Việc Nga bi gạt khỏi hệ thống SWIFT đương nhiên tác động tới Việt Nam, là nhận định đầu tiên của kinh tế gia, nhà nghiên cứu độc lập Phạm Chi Lan, nguyên Phó Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:
“Việt Nam phải hứng chịu những tác động như nhiều nước khác có quan hệ kinh tế với Nga. Hiện một số doanh nghiệp đang làm xuất nhập khẩu với Nga cũng rất lúng túng về cách thức để thanh toán giữa hai bên. Nếu thanh toán mà nghẽn thì rõ ràng là quan hệ thương mại không thể kéo dài bình thường được”.
Tác động thì có nhưng nhiều thì không chính xác, là khẳng định của chuyên gia bên ngoài, Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, Giáo sư ngành Thạc sĩ MBA, giám đốc tài chính (CFO) cho nhiều công ty Mỹ với lợi tức trên một tỷ USD:
“Việt Nam và Nga tương tác về thương mại thực tế không nhiều. Nếu cộng Nga và Ukraine chung vào nhau thì Việt Nam tương tác trực tiếp với hai quốc gia này chỉ khoảng 1% GDP mà thôi. Đó là những dự án về xây cất, những dự án về dầu khí tại Việt Nam do Nga.”
“Việt Nam cũng đã mua những tiềm thủy đĩnh (tàu ngầm) của Nga. Một khi đã mua vũ khí của Nga thì phải tùy thuộc vào phụ tùng, vào bảo trì tinh vi lâu dài. Việc thanh toán tiền sẽ không còn dễ dàng nữa, không thể thanh toán qua bank code SWIFT chỉ nhắn một cái thì 30 giây sau bên Nga có thể nhận tiền được.”
Một giả thuyết có thể xảy ra trong trường hợp Nga bị cấm vận, Tiến sĩ Khương Hữu Lộc giải thích:
“Việt Nam vẫn có thể trả tiền qua hệ thống Nhân Dân Tệ. Hiện tại Trung Quốc đang rất mong muốn tiền của mình và dịch vụ giống như SWIFT của họ được sử dụng nhiều hơn. Thành ra nó sẽ làm khó khăn nhưng nó không hoàn toàn tắc nghẽn”.
Vào năm 2012, Iran là nước bị cắt kết nối khỏi SWIFT vì chương trình hạt nhân của nước này. Lúc bấy giờ Iran đã mất 50% doanh thu xuất khẩu dầu mỏ, 30% mậu dịch với nước ngoài.
Việt Nam trong bối cảnh Nga bị cắt đường kết nối với SWIFT nên được hiểu như thế nào? Giải thích vấn đề này, Tiến sĩ Khương Hữu Lộc cho biết nhìn nhận của ông:
“Khi SWIFT bị siết chặt thì tất cả những dự trữ ngoại tệ của Nga dựa trên đồng USD cũng bị mất giá. Đồng Rouble (Rúp) của Nga như nước đá tan chảy rất nhanh, mất giá rất nhiều.”
“Việt Nam nếu tương tác với Nga bằng cách trả bằng đồng Việt Nam (VND), và Nga trả lại bằng Rouble (Rúp), mà đồng Rouble không còn tin tưởng nữa thì mọi việc nó sẽ rườm rà. Có thể phải đổi qua tiền của một quốc gia trung gian nào đó và chuyển qua một kênh trung gian khác. Nó làm cho thương mại rất khó nhưng không có nghĩa là không làm được.”
“Đó là lý do mà Iran, Bắc Hàn, trong quá khứ bị Hoa Kỳ phong tỏa hệ thống SWIFT thì họ vẫn có cách họ vẫn sống được. Vấn đề ở đây là Nga có sống đủ để tiếp tục chiến tranh với Ukraine hay không.”
Không để bị lệ thuộc một nguồn
VNDirect Research dẫn lời các chuyên gia rằng lệnh trừng phạt Nga, bao gồm cả việc chặn kết nối SWIFT với hệ thống tài chính Nga, sẽ ảnh hưởng đến các dự án đầu tư của Nga tại Việt Nam, phần lớn là các dự án điện và dầu khí.
Điều này được bà Phạm Chi Lan phân tích như sau:
“Tôi không biết các tổ chức liên quan, cả phía Nhà nước lẫn công ty hay ngân hàng sẽ làm thế nào, nhưng mà tôi tin chắc là cũng sẽ có cách thôi.”
“Vả lại cũng phải thấy quan hệ dầu khí giữa Việt Nam với Nga cũng đã giảm đi rất đáng kể trong những năm sau này. Nếu tính về tỷ trọng của dự án dầu khí, như VietsoPetro trước đây, thì đóng góp của nó vào kinh tế Việt Nam càng ngày càng giảm xuống. Và bây giờ nó chỉ ở mức vài ba phần trăm đóng góp vào ngân sách thôi chứ không lớn như trước đây.”
“Đó cũng là điều may của Việt Nam là đã phát triển được rất nhiều nguồn khác, tăng quan hệ hợp tác với các nơi khác và có những dự án của mình. Thí dụ như ngay cả những dự án về lọc dầu chẳng hạn, tất cả những kênh khác nhau cũng giúp cho Việt Nam không bị lệ thuộc vào Nga nhiều về mặt dầu khí. Điều này khác so với các nước EU mà vẫn phải nhập khí đốt của Nga rất nhiều.”
Tuy nhiên, cho dù người ta phụ thuộc tới hơn 30% mà người ta vẫn vượt qua được, thì một tỷ lệ nhỏ bé vài ba phần trăm Việt Nam cũng vượt qua được thôi.”
Theo thông tin của VNDirect Research, dự án nhiệt điện Long Phú 1 do Power Machines của Nga làm tổng thầu đang chậm kế hoạch hai năm do vướng lệnh cấm vận.
Kế đó là dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong với liên doanh Zarubezhneft JSC Nga và DEME Concessions của Bỉ, đã ký biên bản ghi nhớ từ tháng 4/2021.
Ngoại trừ dự án điện khí Quảng Trị, hai dự án Long Phú 1 và Vĩnh Phong, đã đưa vào Dự thảo Quy hoạch Điện 8. Trong khi Vĩnh Phong vẫn chưa được khởi công thì dự án Long Phú 1 đang rơi vào bế tắc vì vẫn chưa thể lắp đặt thiết bị.
Đối với Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, những điều đó không đáng ngại bằng việc giá xăng dầu trên thị trường nội địa tăng cao và e rằng sắp tới mọi thứ còn lên giá nữa. Thế nhưng chừng như tất cả nằm trong cái gọi là ‘bù trừ’ của nó:
“Việt Nam sản xuất dầu hỏa nhưng không đủ tiêu thụ. Giá dầu xăng, dầu hỏa tăng ảnh hưởng hại cho kinh tế Việt Nam. Nhưng vì sao không ngại?Là vì kinh tế chưa trở lại mạnh, lạm phát chưa tới 4%.”
“Nhưng khi kinh tế Việt Nam trỗi dậy lại như Hoa Kỳ và như các quốc gia khác, mà lại bị áp lực từ sự gián đoạn cung về dầu khí dầu hỏa của Nga, thì chắc chắn lạm phát sẽ tăng. Điều này thì Âu Châu bị nặng nhất, Hoa Kỳ cũng bị ảnh hưởng nhưng Việt Nam thì không đến nỗi nào.”
“Việt Nam là có cái bù trừ. Thứ nhất là những công nghệ như đã nói, rồi phân bón hay cả thép nữa, thì Việt Nam sẽ có cơ hội sản xuất và xuất khẩu nhiều hơn. Giá thành sẽ tăng và khi tăng thì quốc gia sản xuất có lợi. Nhưng bù trừ lại thì lạm phát rồi giá xăng dầu cho công nghệ của Việt Nam tăng thì giá cả tăng.”
Cũng đã có dự kiến là giá cả tăng mà lạm phát không tăng bao nhiêu, là giải thích tiếp theo của kinh tế gia:
“Ngược lại những công trình lớn tùy thuộc vào Nga sẽ bị gián đoạn, những công trình xây cất sẽ không hoàn thành trong thời gian dự tính. Đại khái tác động âm nhiều hơn, nhưng không ngại là vì tương tác với Nga và ngay cả với Ukraine không nhiều, chỉ 1% GDP mà thôi”.
Trung tâm nghiên cứu VNDirect Research vẫn duy trì dự báo lạm phát Việt Nam năm 2022 được kiểm soát ở mức 3,4%.
Việt Nam đã học được bài học là không để mình bị lệ thuộc vào một nguồn, bà Phạm Chi Lan đồng thời khẳng định rằng Việt Nam đã đa dạng hóa, đã phát triển quan hệ thương mại với nhiều nước. Nền kinh tế hiện nay, với các doanh nghiệp Nhà nước lẫn tư nhân đã trưởng thành về nhiều mặt, nên dù có tác động tiêu cực đi chăng nữa thì Việt Nam vẫn có thể chống chọi được.
Thanh Trúc
Reuters) – Ngân Hàng Thế Giới cấp tốc giải ngân 460 triệu euro tín dụng cho Ukraina. Theo hai nguồn thạo tin, khoản tiền được giải ngân khẩn cấp này của Ngân Hàng Thế Giới đã tăng lên nhờ đóng góp của Thụy Điển và Hà Lan, và sẽ được trình lên hội đồng quản trị phê duyệt ngay hôm nay, 4/3/22. Thủ tục giải ngân, được tiến hành với tốc độ nhanh chóng khác thường, sẽ cung cấp cho Ukraina khoản tiền mặt rất cần thiết để củng cố khả năng phòng thủ đối phó cuộc xâm lược của Nga. Còn vào hôm qua, 03/03, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã gọi điện cho đồng nhiệm Ukraina để thảo luận về các khoản hỗ trợ an ninh, kinh tế và nhân đạo bổ sung mà Kiev đang rất cần.
(AFP) – Nga gia tăng trừng phạt phương Tây. Ngày 04/03/2022, Hạ Viện Nga đã thông qua một đạo luật phạt tù lên đến 15 năm đối với những người tuyên truyền «thông tin giả dối» về quân đội Nga. Trước đó, cơ quan điều phối truyền thông Nga đã hạn chế việc truy cập vào các cơ quan truyền thông độc lập nước ngoài như BBC, Deutsche Welle, Eduza và Svoboda. Để đáp trả trừng phạt của phương Tây, Nga đã khóa van đường ống Yamal-Europe đến Đức, cung cấp đến 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu. Trong lĩnh vực thể thao, Nga sẽ kháng án việc FIFA và UEFA loại đội tuyển bóng đá quốc gia khỏi các giải đấu quốc tế và châu Âu.
(AFP) – Mỹ lạc quan về «khả năng sắp đạt được thỏa thuận» hạt nhân với Iran. Phát biểu với báo giới ngày 03/03/2022, Jalina Porter, một phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Mỹ, cho biết «còn nhiều vẫn đề khó khăn vẫn chưa được giải quyết». Theo bà Porter, «nếu Iran tỏ ra nghiêm túc», thì có thể đạt được một thỏa thuận «trong những ngày tới, nhưng «hiện còn rất ít thời gian». Nhà đàm phán của Liên Hiệp Châu Âu Enrique Mora, phụ trách điều phối các cuộc đàm phán bắt đầu từ cách đây 11 tháng, cho rằng các cuộc thương lương đang bước vào «giai đoạn cuối».
(AFP / RFI) – Mỹ và Anh thêm một số nhà tài phiệt Nga thân cận với Putinvào danh sách đen. Washington và Luân Đôn muốn gia tăng sức ép để ông Putin ngưng tấn công Ukraina, trong bối cảnh nhiều tỉ phú Nga hiện đã bắt đầu giữ khoảng cách với tổng thống. Trong số các nhà tài phiệt mới bị trừng phạt ngày 03/03/2022, có Alisher Umanov và cựu thủ tướng Igor Chouvalov, lãnh đạo ngân hàng phát triển Nga VEB. Trong khi đó, tại Anh Quốc, đảng bảo thủ của thủ tướng Boris Johnson bị tố cáo từ năm 2019 đã nhận hơn 2 triệu euro từ các tài phiệt Nga. Phe đối lập kêu gọi đảng bảo thủ Anh chuyển số tiền đó vào các quỹ cứu trợ người Ukraina.
(AFP) – Paris săn lùng, phong tỏa tài sản của Nga tại Pháp. Bộ Kinh Tế và Tài Chính Pháp hôm nay, 04/03/2022, thông báo thành lập một lực lượng đặc nhiệm tìm kiếm và phong tỏa tài sản của các cá nhân, thực thể ở Pháp nằm trong danh sách trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu do có quan hệ gần gũi với chính quyền Nga. Lực lượng này cũng tham gia bài trừ các hoạt động tài chính bí mật, rửa tiền, tài trợ cho khủng bố.
(AFP) – Một thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi ám sát tổng thống Nga Vladimir Putin. Trên mạng Twitter, thượng nghị sĩ Lindsey Graham hôm 03/03/2022 kêu gọi «một ai đó ở Nga» ám sát ông Putin để «phục vụ» nước Nga và phần còn lại của thế giới. Lindsey Graham là thượng nghị sĩ thân cận với cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Hôm thứ Sáu tuần trước, chính thượng nghị sĩ này đã đệ trình lên Thượng Viện Hoa Kỳ một văn bản tố cáo tổng thống Putin và các lãnh đạo quân đội Nga phạm «tội ác chiến tranh» và «tội ác chống nhân loại».
(Reuters) – Tỉ phú Mỹ Elon Musk cảnh báo hệ thống vệ tinh băng thông rộng Starlink của SpaceX ở Ukraina có thể bị Nga tấn công. Cảnh báo được đưa ra vài ngày sau khi một nhà nghiên cứu bảo mật an ninh mạng lưu ý các thiết bị được sử dụng để liên lạc vệ tinh có thể trở thành «đèn hiệu» mà Nga có thể nhắm tới trong các cuộc không kích. Trên mạng Twitter ngày 03/03/2022, Elon Musk yêu cầu người dùng «chỉ bật Starlink khi cần thiết và đặt ăng-ten càng xa mọi người càng tốt»,«che ánh sáng ở ăng-ten để tránh bị phát hiện».
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220304-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p