Tin Trong Nước – 3/3/22
Ưu tiên cao nhất lập cầu hàng không “giải cứu” công dân khỏi vùng chiến sự Ukraine
Dân Trí – Chiều nay (3/3), tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, PV Dân trí đặt câu hỏi: Hiện công dân Việt Nam đã và đang sơ tán khỏi Ukraine, việc lập cầu hàng không đến nay ra sao, chuyến bay sớm nhất đón công dân về nước là khi nào, các chuyến bay được tổ chức miễn phí hay có phí?
Trả lời về vấn đề trên, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết, hiện nay tổ công tác bảo hộ công dân cùng các bộ phận liên quan của Bộ Ngoại giao, cũng như các cơ quan đại diện ở nước ngoài đang phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam tại Ukraine và các nước lân cận như Hungary, Ba Lan, Rumani, Slovakia để ưu tiên đưa bà con ra khỏi vùng chiến sự Ukraine tới các nước lân cận.
“Tính đến trưa nay, hầu hết bà con người Việt Nam ở Kiev, Odessa, Kharkiv cũng đã được sơ tán ra khỏi Ukraine, đã và đang được bố trí sang các nước lân cận. Khoảng 400 người đã sang đến Moldova và sẽ được bố trí sang Romania, 140 người đã từ Ukraine sang Ba Lan và hiện ở Warsaw, 70 người đã sang Romania, 33 người đã tới Slovakia; khoảng 30 người đã tới Hungary” – bà Hằng cho hay.
Các cơ quan đại diện của Việt Nam đang hỗ trợ, thủ tục giấy tờ cần thiết cho bà con trong quá trình nhập cảnh, quá cảnh, lưu trú; đồng thời phối hợp với nhà chức trách địa phương, các hội đoàn người Việt ở sở tại đón, thu xếp chỗ ăn nghỉ tạm thời, cung cấp vật dụng thiết yếu cho bà con.
Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các hãng hàng không báo cáo Thủ tướng phương án sơ tán bằng đường hàng không cho công dân Việt Nam.
“Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, là ưu tiên cao nhất hiện nay của Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan để sớm có thể tổ chức các chuyến bay đưa công dân từ các nước lân cận trở về Việt Nam. Chúng tôi sẽ thông báo cụ thể, chi tiết, công khai, minh bạch về lộ trình, điều kiện, chi phí (nếu có) đối với các chuyến bay” – bà Hằng thông tin.
Cũng theo bà Hằng, báo cáo của các đơn vị tại địa bàn cho thấy hiện chưa có thông tin về thương vong của người Việt.
Bộ Y tế công bố thêm 176.140 ca nhiễm COVID-19
VnExpress – Bộ Y tế tối 3/3 công bố 176.140 ca nhiễm, gồm 118.780 ca tại 62 tỉnh thành và Hải Dương, Thái Bình bổ sung hơn 57.000 ca, là ngày ghi nhận số ca nhiều nhất từ trước đến nay; 95 ca tử vong. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 40.547 ca.
24 giờ qua, 98.914 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa, 77.226 ca cộng đồng. Địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao so với hôm trước là Hà Nội tăng 3.547, Nghệ An tăng 1.823, Bình Dương tăng 1.249.
Hải Dương bổ sung 29.360 ca đã xét nghiệm từ trước, Thái Bình bổ sung
28.000. Như vậy, tổng cộng hôm nay công bố 176.140 ca. Hà Nội hôm nay
cũng ghi nhận số ca cao nhất tính theo ngày, với hơn 18.000 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận 3.885.631 ca nhiễm. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM 541.987 ca, Hà Nội 319.048, Bình Dương 301.609, Đồng Nai 101.825, Tây Ninh 96.555 ca.
‘Loạn’ kit xét nghiệm, Bộ Y tế yêu cầu công khai giá
VnExpress – Một tháng qua, số F0 cả nước tăng gần 13 lần, từ hơn 11.500 ca nhiễm hôm 4/2 đến hơn 150.000 vào ngày 2/3. Bộ xét nghiệm Covid-19 bán ở nhiều hiệu thuốc tại Hà Nội đã tăng từ 15% so với trước Tết, mỗi cửa hàng bán một giá; ở Nghệ An có tình trạng khan hàng cục bộ.
Hôm 18/2, Bộ Y tế đề nghị đưa bộ xét nghiệm và các mặt hàng y tế chống COVID-19 vào diện bình ổn giá. Một ngày sau, Bộ Y tế điều chỉnh giá dịch vụ xét nghiệm, với chi phí test nhanh không quá 78.000 đồng một mẫu, xét nghiệm PCR mẫu đơn không quá 501.800 đồng; đồng thời cảnh báo về thuốc Covid, kit xét nghiệm giả. Ngày 25/2, Phó thủ tướng Lê Minh Khải yêu cầu Bộ Y tế có giải pháp quản lý, bình ổn giá bộ xét nghiệm.
Thống kê của Bộ Y tế đến ngày 11/2, tổng cộng 169 sản phẩm xét nghiệm COVID-19 được cấp phép.
Bộ Y tế cho rằng thị trường còn khan hiếm thiết bị y tế chống dịch và cần đảm bảo chất lượng, giá sản phẩm. Do đó Bộ đề nghị các địa phương tăng cường sản xuất, nhập khẩu mặt hàng này; đồng thời kiểm tra chống buôn lậu, chống gian lận thương mại, hàng giả; các đơn vị niêm yết giá, bán đúng giá thiết bị y tế chống dịch.
Với bộ xét nghiệm, bệnh viện, trạm y tế, nhà thuốc, đại lý bán lẻ phải dán giấy để thông báo chính thức, công khai giá và đảm bảo chất lượng.
Yên Bái: Đường 40 tỷ chưa bàn giao đã vá chằng chịt
Phản ánh đến PV Báo Lao Động, người dân xã Lâm Giang, Lăng Thíp (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) phàn nàn về một tuyến đường giao thông liên huyện đang thi công, chưa nghiệm thu, bàn giao nhưng đã xuất hiện dấu hiệu hư hỏng nghiêm trọng.
Ngày 2/3, có mặt tại tỉnh lộ 164 hướng từ huyện Văn Yên đi xã Lâm Giang, Lăng Thíp, PV ghi nhận nhiều đoạn đường dù chưa dải nhựa nhưng đã vá chằng chịt, nhiều đoạn bong tróc, hư hỏng, các ổ gà, ổ voi xuất hiện liên tiếp.
Trên mặt đường, đá dăm rơi vãi khắp nơi, tập trung nhiều tại các đoạn dốc, cua tiềm ẩn nguy cơ rất cao đối với người và phương tiện khi lưu thông trên tuyến đường này.
Trao đổi với PV, ông Lý Xuân Quầy (ở thôn Bo, xã Lăng Thíp) bức xúc:
“Ngay trước cửa nhà trước đây xuất hiện 3 ổ gà rộng đến 2 – 3m lúc thi
công bị bong, thi công xong lại bong tiếp, vừa mới vá vào hồi tháng 2 mà
không biết có được lâu không”.
Theo ông Quầy, không chỉ đoạn đường khu vực thôn Bo, mà trên tuyến
đường rất nhiều chỗ thi công ẩu, chất lượng kém nên vá chằng chịt.
Ông này cho hay: “Chất lượng công trình đường này theo kĩ thuật như thế nào chúng tôi không biết, nhưng chỉ cần nhìn bằng mắt thường, ai cũng thấy chất lượng không đảm bảo, xe chưa chạy mà đã vá chằng chịt, rải thảm thì mỏng như lá lúa thế thì không biết được 1 – 2 năm không hay rồi lại xuống cấp nghiêm trọng”.
Trong khi đó tại khu vực thôn Hợp Lâm, xã Lâm Giang, ở đây có cả một đoạn đường đất còn đang thi công dở, vật liệu xây dựng chất đầy bên đường, ở giữa là các hố lõm sâu chừng 20 – 30cm xe đi lại khó khăn.
Trao đổi với PV, một số hộ dân ở đây cho biết: “Cứ làm xong trên thì quay lại vá bên dưới, vá xong lại rải lớp đá dăm vào khiến cho đi lại của người dân rất nguy hiểm”.
Theo tìm hiểu của PV, tuyến đường Lâm Giang đi Lăng Thíp dài 12km, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Yên Bái làm chủ đầu tư với số vốn lên đến 40 tỉ đồng, dự án được thi công từ tháng 11.2020, theo đúng tiến độ thì đến tháng 11.2021 sẽ bàn giao đi vào sử dụng.