Con Đường Đưa Đến Chiến Tranh
Nhiều Cuộc Chiến Tranh Lớn Bắt Đầu Chỉ Vì Vài Hiềm Khích Nhỏ
Một vị Công Tước bị ám sát, Một vị Giáo Hoàng nổi giận. Một ông Vua cô đơn tin rằng đối thủ của ông chơi xấu với ông. Đó là những nguyên nhân đưa đến hai cuộc đại chiến thế giới trước đây. Khi sử gia nghiên cứu vì sao binh lính lại được tập trung ở Âu châu để chuẩn bị đánh nhau trong lúc đang có đại dịch, có lẽ họ nên chú ý đến một thiếu nữ nhỏ tuổi, con nuôi tinh thần của người lãnh đạo ở Mạc Tư Khoa.
Cô gái đó tên là Daria, một thiếu nữ người Ukraine, nó nụ cười e lệ, đôi chân mày khá đậm và lớn. Khi cô sinh ra vào năm 2004, cha mẹ của cô đã nhờ người bạn thân của mình là Vladimir Putin làm cha đỡ đầu. Vài năm sau, khi đang làm Tổng thống nước Nga, ông Putin làm lễ rửa tội cho cô bé theo đạo Chính Thống Giáo Nga, tôn giáo của hai gia đình. Cha của cô bé, ông Viktor Medvedchuk là bạn thân của ông Putin từ nhiều thập niên qua. Họ cùng nhau đi nghỉ mát ở Biển Hắc Hải. Họ từng làm ăn chung với nhau. Ho nhận thấy mối liên hệ ràng buộc giữa hai nước, và hai gia đình đang bị các thế lực Tây Phương kéo rời xa nhau.
Trong một cuộc phỏng vấn hiếm có mà ông Medvedchuk dành cho báo TIME ở thủ đô Kyiv mùa Xuân vừa qua, gần địa điểm xảy ra cuộc đối đầu giữa người Nga và Tây Phương về vấn đề Ukraine, ông nói: “Mối liên hệ giữa hai gia đình chúng tôi có từ hơn 20 năm qua. Tôi không dám nói là mình hưởng lợi về chính trị nhờ mối liên hệ này, nhưng bạn có thể cho rằng đó là cái vốn liếng chính trị của riêng cá nhân tôi.” .
Có lẽ ông Putin sẽ nói cùng một giọng điệu giống ông Medvedchuk. Đảng chính trị của ông Medvedchuk đang là phe đối lập lớn nhất trong quốc hội nước Ukraine. Họ có hàng triệu người ủng hộ. Năm ngoái, đảng đối lập của Medvedchuk bị tấn công, làm khó dễ nhiều lần. Hồi tháng 5, ông bị kết tội phản quốc, và bị quản thúc tại gia tại thủ đô Kyiv. Tháng trước, Hoa Kỳ còn tố cáo ông ta và đồng minh dự tính làm một cuộc đảo chính giả với sự tiếp tay của lính Nga.
Trong suốt 21 năm cầm quyền, ông Putin luôn luôn xem Ukraine là nước anh em cật ruột, liên hệ thân thiết với nước Nga cả về đức tin tôn giáo, lẫn chính trị, và có chung một thiên niên kỷ về lịch sử. Trong bảy năm qua, ông Putin đã dùng đủ mọi phương cách để duy trì mối liên hệ chặt chẽ này. Kể cả những biện pháp gò ép, xâm lăng công khai. Trong lúc đó, người dân Ukraine lại muốn ngả về phía Tây phương. Căng thẳng xảy ra, ông Putin không có ảnh hưởng gì ở Ukraine, nên ông dùng ông Medvedchuk và đảng chính trị của ông này để can thiệp vào Ukraine. Vì vậy, chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi cuộc đối đầu gia tăng tới mức độ nguy hiểm song song với việc chính quyền Ukraine làm khó dễ người bạn thân của ông Putin.
Tháng Hai năm ngoái, ngay sau ngày Tổng thống Joe Biden làm lễ tuyên thệ nhậm chức, chính quyền Ukraine, đồng minh của Mỹ ở thủ đô Kyiv quyết định đối phó cứng rắn với ông Medvedchuk. Chính phủ Ukraine ra tay bằng cách không cho đài truyền hình của ông này được phát sóng nữa. Hệ thống tuyên truyền của Nga không còn phương tiện để tiếp tục tuyên truyền tại Ukraine. Tòa đại sứ Mỹ ở Kyiv hoan nghênh quyết định này. Hai tuần sau, vào ngày 19 tháng Hai, Ukraine tuyên bố tịch thu tài sản của gia đình Medvedchuk. Trong đó, quan trọng nhất là hệ thống phân phối dầu, giúp đưa dầu của Nga bán sang các nước Âu châu. Nhờ có hệ thống dẫn dầu này, gia đình Medvedchuk trở nên giàu có, và cô bé Daria nhận được nhiều tiền của cha nuôi, và đảng chính trị của ông Medvedchuk có phương tiện hoạt động.
Trong vòng hai ngày, ông Putin ra tay can thiệp ngay. Đúng 7 giờ sáng ngày 21 tháng Hai, trong một lời tuyên bố ít ai để ý, Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga, tuyên bố nước Nga sẽ gửi 3,000 lính đến sát biên giới Ukraine để tập trận quy mô lớn, huấn luyện những người lính tiền phong đi “trấn giữ những hạ tầng cơ sở thiết yếu của phe địch, chờ cho lực lượng chủ lực sẽ đến sau.”. Đó là nhóm lính nhỏ đầu tiên trong kế hoạch huy động quân sự lớn lao. Đến nay thì hơn 100,000 lính Nga đã đến vùng biên giới sát Ukraine. Để đáp trả thái độ gây hấn của Nga, Hoa Kỳ và các nước đồng minh gửi sang Ukraine nhiều chuyến bay chở vũ khí, đạn dược, và hàng ngàn binh lính được gửi đến để bảo vệ an ninh vùng phía đông của khối NATO.
Tình trạng đối đầu căng thẳng làm sống lại cảm giác từng có hồi còn Chiến Tranh Lạnh, và xô đẩy Âu châu đi gần đến cuộc đụng độ quân sự lớn. Để phân tích những lý do giải thích cho hành động của Putin, nhiều quan sát viên cho rằng sách lược của Putin là nhằm làm mất mặt người Mỹ, hay tìm cách chia rẽ liên minh Âu châu, cũng có thể là Putin muốn khôi phục lại ảnh hưởng của Mạc Tư Khoa đối với những vùng đất trước kia thuộc quyền kiểm soát của một cựu đế quốc bị sụp đổ hồi năm 1991. Nhưng cội rễ của cuộc khủng hoảng đã bị bỏ sót không để ý đến vài chi tiết cá nhân. Để hiểu được mục đích của Putin, bạn phải hiểu được cả hai khía cạnh: Đó là sự liên hệ chặt chẽ của Putin đối với Ukraine vừa có tính cách cá nhân, vừa có tính chất chính trị. Mục đích lâu dài của Putin là phải đặt nước Ukraine trong vòng kiểm soát của ông ta. Khi ông Medvedchuk bị quản thúc tại gia, nhà lãnh đạo Nga gọi đó là hành động tấn công trực diện vào đàn em của ông, và xem đó là “hành vi khuấy động, gây hấn về chính trị. Tạo ra một nước Ukraine chống lại nước Nga.”
Ít có người nào hưởng lợi nhiều bằng ông Medvedchuk khi thấy ông Putin phản ứng quyết liệt về tình hình ở Ukraine. Chính ông Medvedchuk chủ trương làm một cuộc đảo chính giả để rước lính Nga vào Ukraine. Lần trước, khi xảy ra tình trạng đối đầu căng thẳng, ông Medvedchuk đã đích thân đi gặp Putin nhiều lần tại tư gia của ông, gần Mạc Tư Khoa, mặc dù dịch COVID đã ngăn cản, cách ly nhà lãnh tụ Nga, kể cả những phụ tá cao cấp của ông cũng không được gặp. Hiện nay, tiêu đề lớn trên trang nhất của báo chí thế giới đều đặt câu hỏi: “Ông Putin muốn gì khi có ý định gây chiến tranh?”. Chắc hẳn là không phải chỉ để bênh vực người bạn thân nhất của ông ở Kyiv đang bị ức hiếp.
Tôi phải mất một thời gian khá lâu mới tìm ra văn phòng của ông Medvedchuk nằm giữa những con đường hẻm ở trung tâm thành phố. Dò theo địa chỉ, chúng tôi đến một khu phố cũ kỹ, tồi tàn, với những căn hộ trong một cao ốc gần cuối con dốc. Trông nó không có vẻ gì là một cơ sở chính trị. Đằng sau cánh cửa cái, chúng tôi trông thấy vài người lính gác, tay cầm súng lạnh lùng nhìn chúng tôi. Một người bước tới để lục soát túi xách của tôi, và hỏi tôi có đem theo dao, hay vũ khí nào không? Sau đó, ông Medvedchuk xuất hiện. Ông tỏ ra lịch sự hơn, với bộ complet mầu xanh dương mặc trên người. Trông ông cứng ngắc, giống như con búp bê cha của cậu Ken (loại búp bê “Barbie”). Dáng người ông gọn gàng, da sạm nắng, và mạnh khỏe, với xương hàm bạnh ra. Ông đi về phía hàn thử biểu, điều chỉnh nhiệt độ trong phòng, và hỏi tôi: “Có đủ ấm không?”
Ông kể cho chúng tôi biết mối quan hệ bằng hữu giữa ông với ông Putin có từ ngày ông Putin mới lên làm Tổng thống. Lúc đó, ông Medvedchuk đang làm chánh văn phòng cho Tổng thống cũ của nước Ukraine, đối tác thân thiết với ông Putin ở thủ đô Kyviv, và hai người thường hay gặp nhau khi ông đi công tác. Lúc bấy giờ, nước Nga có rất nhiều ảnh hưởng đối với Ukraine. Nền kinh tế Ukraine hoàn toàn lệ thuộc vào khối lượng hơi đốt do Nga cung cấp với giá rẻ, và khoản tín dụng Nga cho vay. Nhà lãnh đạo nước Ukraine không bao giờ có ý định ngả sang làm đồng minh với Tây phương.
Để gia tăng mối quan hệ với nhà lãnh đạo Nga, ông Medvedchuk và vợ ông, một xướng ngôn viên truyền hình nổi tiếng, xin ông Putin nhận lời làm cha đỡ đầu cho đứa con gái mới sinh của họ. Từ đó, hai người trở nên bạn bè thân thiết. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông Medvedchuk kể lại việc ông Putin yêu quí cô bé Daria đến mức nào. Khi đến chơi với gia đình ông tại một villa trong khu nghỉ mát vùng Crimea, ông Putin đã mang tặng cho cô bé con gấu nhồi bông và bó hoa.
Tình bạn giữa hai người trở nên mạnh mẽ hơn sau năm 2014, là năm xảy ra cuộc cách mạng ở Ukraine, khiến cho hai nước trở nên xa cách nhau. Lần đó, nhiều người dân Ukraine đã cắm lều ở quảng trường trung ương, trong cơn giá lạnh mùa đông. Họ để yêu cầu những người lãnh đạo Ukraine phải chống tham nhũng, và gia nhập vào khối Tây phương, làm đồng minh với họ. Sau hơn hai tháng biểu tình, một buổi sáng mùa đông buốt giá của tháng Hai, lực lượng an ninh của chính phủ nổ súng bắn vào người biểu tình, giết chết hơn một chục người.
Qua ngày hôm sau, chế độ cầm quyền bị sụp đổ. Người lãnh đạo chế độ phải chạy trốn sang Nga, và đảng chính trị của ông ta cũng tan vỡ. Đồng thời guồng máy viện trợ, những ảnh hưởng Nga cũng chấm dứt. Mùa Xuân năm đó, ông Putin lên tiếng phát biểu cho rằng chế độ mới ở Ukraine là không chính danh và không ai thèm nói chuyện, hay công nhận họ.”. Ông Putin cho rằng chế độ mới chẳng qua chỉ là chế độ bù nhìn do Hoa Kỳ làm đảo chính, dựng lên. Sau đó, ông ra lệnh đem binh lính sang xâm lăng. Sau khi nhanh chóng chiếm được vùng Crimea, lính Nga tiến sâu vào khu vực có nhiều mỏ than ở vùng phía đông của Ukraine, lập ra hai chính phủ bù nhìn, gọi là chế độ ly khai ở hai tỉnh lớn nhất.
Trong lúc nước Ukraine phải chiến đấu ở vùng phía Đông, thì thủ đô Kyiv trở thành một chiến trường về đấu tranh chính trị. Dư đảng của chế độ tham nhũng thân Nga cũ tập trung lại với nhau lập ra một đảng mới ở Ukraine, nhằm lôi cuốn những cử tri theo chế độ cũ. Một trong những đại gia, quyền lực của đảng mới nói rõ: “Chúng tôi biết ông Putin về lâu dài, không muốn gây xáo trộn và chiến tranh ở Ukraine. Ông chỉ muốn trở thành người đỡ đầu cho một chính phủ trung thành với Nga.” Những nhân vật thân Nga muốn được quyền ra ứng cử, mua các các hãng xưởng công nghiệp lớn, và kiểm soát một số kênh truyền hình. Một dân biểu Nga tên là Konstantin Zatulin tóm tắt như sau: “Đây là sự nhân nhượng, tương thuận của người Nga chúng tôi. Người Nga muốn mình là nhà điều khiển dàn nhạc trong một ban nhạc có các nhạc sĩ Ukraine chơi các loại nhạc cụ.”.
Hoa Kỳ không chấp nhận sự sắp xếp như vậy, và chính quyền Obama chọn đường lối cứng rắn chống lại hoạt động khuynh đảo của Nga ở thủ đô Kyiv. Nhiều tay đại gia, kinh tài ở Kyiv bị trừng phạt bằng tài chính ngay sau khi Nga xâm lăng Crimea, tháng Ba năm 2014. Tên của Medvedchuk đứng đầu trong cuốn sổ đen gồm những đại gia cần bị trừng phạt. Tuy nhiên đến năm 2018, đảng chính trị thân Nga đã đạt được thành tích khá lớn ở Ukraine. Họ lập ra được Diễn Đàn Đối Lập, tên là Opposition Platform For Life. Được các đại gia, triệu phú ở Mạc Tư Khoa yểm trợ, đảng đối lập làm chủ được ba hệ thống truyền hình ở Ukraine, và chủ tịch đảng đối lập này chính là ông Medvedchuk người bạn thân của Putin.
Trong cuộc bầu cử vào năm sau, nước Ukraine bầu ông Volodymyr Zelensky lên làm tổng thống. Ông này là một kịch sĩ hài, nổi tiếng trong show truyền hình tên là Servant of the People. Trong đó, ông đóng vai Tổng thống trong một vở tuồng giả tưởng. Ba tháng sau, đảng của ông Zelensky chiếm đa số trong cuộc tổng tuyển cử bầu quốc hội. Nhưng đảng của ông Medvedchuk cũng chiếm được hạng nhì, và trở thành đảng đối lập. Ông Medvedchuk khoe rằng:”Hàng triệu người đã bầu cho chúng tôi, ông Putin hứa sẽ bảo vệ, che chở cho những cử tri này.”
Đài truyền hình của Medvedchuk cố tình bêu xấu và làm suy yếu chính phủ. Cố vấn an ninh của chính phủ, ông Oleksandr Danyliuk, phân tích như sau: “Họ xâm nhập sâu vào bộ phận bên trong của thành phần cử tri cốt lõi với mục đích là tiêu diệt ông Zelensky.”. Hệ thống truyền hình thường tìm cách chỉ trích chính sách chống bệnh dịch COVID-19 của chính quyền, và chê chính phủ thất bại trong việc tìm thuốc chủng ngừa của đồng minh Tây phương. Khi nước Nga tháo khoán đợt thuốc chủng đầu tiên hồi tháng Tám năm 2020, ông Medvedchuk, bà vợ, và cô con gái Daria là những người đầu tiên chích thuốc chủng của Nga. Sau đó, họ còn bay sang Mạc Tư Khoa để gặp ông Putin. Đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Nga tiếp khách. Cuộc họp mặt được công chiếu với dân chúng trong mùa dịch. Hai người không đeo khẩu trang trước ống kính, và cũng không giữ khoảng khoảng cách xã hội. Sau buổi tiếp xúc này, nước Nga cung cấp cho Ukraine hàng triệu liều thuốc chủng ngừa, và cho phép phòng bào chế Ukraine sản xuất thuốc chủng theo công thức của Nga, không phải trả tiền sáng chế.
Khi ông Medvedchuk đem đề nghị của Nga về thủ đô Kyiv, và bị chính phủ Ukraine bác bỏ ngay lập tức. Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cũng chê trách đề nghị này, và tố cáo nước Nga đã dùng thuốc chủng làm công cụ để gây ảnh hưởng chính trị. Nhưng khi số người chết vì COVID ở Ukraine tăng lên, mà thuốc chủng ngừa của Tây phương không thấy đưa đến, cử tri chỉ trích tổng thống Zelensky thâm tệ. Vào mùa thu năm 2020, tỉ lệ ủng hộ ông Zelensky xuống rất thấp, dưới 40% so với mức trên 70% hồi năm trước. Trong vài cuộc thăm dò dư luận khác, ông Medvedchuk lại còn đứng cao hơn cả ông Zelensky.
Ông Zelensky lo ngại về hành động tuyên truyền của đài truyền hình do đảng đối lập chỉ đạo. Ông cho rằng đó là nơi tung ra những thông tin tuyên truyền của Nga. Hồi tháng Hai năm ngoái, ông quyết định không cho đài truyền hình này phát sóng nữa. Cựu cố vấn an ninh Danyliuk cho rằng hành động này là một đòn quá nặng tấn công phe đối lập. Ngoài ra, đây còn là một món quà đặc biệt tặng cho chính quyền Biden. Chính quyền Biden khuyến khích diệt trừ những tay đầu sỏ tham nhũng quốc tế trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Ông Danyliuk tóm tắt như sau: “Quyết định dẹp đài truyền hình của Medvedchuk được tính toán là phù hợp với chương trình hành động của Hoa Kỳ.”.
Trong suốt thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng quân sự tiếp theo, Hoa Kỳ không có đại sứ Mỹ làm việc ở thủ đô Kyiv. Người đại sứ sau cùng là bà Marie Yovanovitch. Bà này bị cách chức năm 2019 vì lên tiếng chỉ trích việc làm của tổng thống Trump ở Ukraine. Lúc đó, ông Trump đang thực hiện kế hoạch buộc chính phủ Ukraine phải điều tra việc làm của gia đình Biden ở Ukraine thì Hoa Kỳ mới viện trợ vũ khí tối tân cho Ukraine. Vì việc gò ép này khiến cho ông Trump bị Hạ Viện Mỹ đòi đưa ra luận tội để truất phế. Cũng chính vì biến cố này, sứ quán Mỹ ở Ukraine bị bỏ trống, không có đại sứ, và nhân viên ngoại giao ở đây xuống tinh thần, không muốn làm việc.
Bà Suriya Jayanti, nhân viên ngoại giao cao cấp ở sứ quán tâm sự: “Hệ thống lãnh đạo ở sứ quán lúc bấy giờ rối nhùi như một đống rác, không có người chỉ huy. Và chúng tôi cứ lẳng lặng biến mất.”. Tình hình đó vẫn không khá hơn sau khi ông Biden lên nhậm chức tổng thống. Ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của ban tham mưu của ông Biden lúc bấy giờ là tìm cách đối đầu với Trung cộng. Họ xem tình hình rắc rối do Nga gây ra chỉ là chuyện nhỏ, có thể làm ngơ được. Bà Jayanti nói với ký giả báo TIME ở Kyiv hồi mùa thu năm ngoái: “Ban tham mưu của ông Biden không quan tâm gì đến việc làm của nước Nga, và họ cũng chẳng muốn nghe chúng tôi báo cáo về tình hình ở Ukraine.” Sau đó, bà Jayanti xin từ chức. Mãi đến lúc gần đây, gần một năm sau khi xảy ra khủng hoảng, ông Biden mới bổ nhiệm đại sứ Mỹ ở Kyiv, và người đại sứ đó vẫn chưa đến nhận nhiệm sở.
Một viên chức cao cấp Hoa Kỳ lại nói với báo TIME rằng Ukraine luôn luôn là ưu tiên hàng đầu trong chương trình làm việc của chính quyền Biden. Ông ta nói: “Chúng tôi dành rất nhiều nỗ lực chú ý đến tình hình ở đây ngay từ ngày đầu tiên. Khi chính quyền Zelensky quyết định trừng phạt Medvedchuk, Hoa Kỳ hoan nghênh việc này, xem đó là cố gắng của Ukraine chống lại ảnh hưởng của Nga.” Phương pháp sử dụng trong việc trừng phạt này mới lạ, và gây nhiều tranh cãi. Lẽ ra phải dùng hệ thống tư pháp để trừng phạt, ông Zelensky lại áp dụng biện pháp trừng phạt thẳng vào những tay đại gia, đầu sỏ, phong tỏa tài sản của Medvedchuk.
Lãnh tụ đảng đối lập ông Medvedchuk tức giận, nói với chúng tôi: “Rõ ràng đây là sự đàn áp chính trị. Mọi trương mục ngân hàng của tôi đều bị phong tỏa. Thậm chí tôi không còn tiền để trả “bill” gas điện hàng tháng.”.
Tháng Tư, binh lính Nga bắt đầu tập trung ở vùng biên giới. Tổng thống Zelensky đi thăm binh lính Ukraine đồn trú ở đây để khích lệ họ. Ông mời cả ký giả báo TIME đi cùng. Máy bay trực thăng quân sự chở chúng tôi đi quan sát các giao thông hào. Ở đoạn chót, chúng tôi phải đi bộ, và lội trong sình lầy để quan sát. Một người lính đang ráp đạn vào súng máy của anh ta. Hộp sắt đựng đạn còn ở dưới chân anh.
Tổng thống Zelensky ở lại cả ngày để nói chuyện, ăn trưa với binh sĩ ngoài tiền đồn, và gắn huy chương cho họ. So sánh với số lượng xe tăng, và lính Nga đóng bên kia biên giới, ông ta có vẻ lạc quan, và phấn khởi. Chúng tôi ngủ đêm ở ngoài tiền đồn. Sáng hôm sau, sau khi chạy bộ tập thể dục, ông Zelensky ăn sáng với binh sĩ tại phòng ăn của lính.
Trên đường trở về thủ đô, chúng tôi hỏi thăm ông nghĩ sao về việc đóng cửa đài truyền hình của ông Medvedchuk. Ông Zelensky nói thẳng là ông không cần phải xin lỗi, hay có ý hối tiếc về việc này. Ông nói: “Tôi xem chúng là bọn xấu xa. Bọn chúng chỉ muốn nước Ukraine không còn là một quốc gia, và chúng muốn tiêu diệt quân đội của chúng tôi.”. Đang bay trên khung trời thủ đô Kyiv, ông Zelensky ví von: “ Ngày xưa Al Capone giết rất nhiều người, cuối cùng hắn phải ở tù về tội trốn thuế. Tôi nghĩ cái đài truyền hình này cũng đã giết nhiều người vì tuyên truyền thông tin xuyên tạc.”.
Một số cố vấn của ông, đặc biệt những người trong ngành tình báo, không thích việc ông trừng phạt Medvedchuk theo kiểu đó. Một điệp viên xin được dấu tên, nói với chúng tôi: “Ai cũng biết hắn ta là một kẻ xấu, ác độc, nhưng hắn từng là người trung gian thương thuyết giữa hai nước.”. Kể từ khi chiến tranh với Nga bắt đầu từ năm 2014, Medvedchuk từng đóng vai trò người thương thuyết quan trọng, sau khi được ra khỏi nhà tù. Người điệp viên đó nói thêm: “Medvedchuk là người có thể tiếp cận được với Putin, vì thế hắn ta là một người trung gian điều giải rất quan trọng.”.
Nhưng ông Zelensky không thay đổi ý kiến trước những quan điểm này. Ngày 12 tháng Năm, một tháng sau ngày chúng tôi đi thăm tiền đồn, chính quyền Ukraine ra lệnh bắt giam Medvedchuk về tội phản quốc. Biện lý công tố kết án y đã kiếm lợi rất nhiều khi Nga xâm chiếm vùng Crimea. Tòa án giam giữ ông trong nhà, cấm ông ông được đi dự các phiên họp ở quốc hội, không được tiếp xúc với cử tri.
Nhân viên công lực Hoa Kỳ cũng theo dõi tay chân của Medvedchuk. Một thành viên quan trọng trong đảng của Medvedchuk là Oleh Voloshyn bị FBI chặn lại khi hắn ta đến Hoa Thịnh Đốn hồi tháng Bảy vừa qua. Hai thám tử đón bắt hắn ở phi trường Dulles, tách hắn ra khỏi vợ con, và hỏi cung trong suốt ba giờ đồng hồ ngay tại phi trường. Voloshyn là đặc phái viên của Medvedchuk gửi đi công tác ở phương Tây. Voloshyn kể lại cho báo TIME về việc này, và than rằng FBI đã tịch thu tất cả tin tức y lưu giữ trong điện thoại.
Trong bản tuyên bố ngày 20 tháng Giêng, chính phủ Hoa Kỳ đưa ra một loạt những cáo buộc ngạc nhiên về Voloshyn và Medvedchuk. Bản tuyên bố nói hai người này là những kẻ nằm trong âm mưu của Điện Cẩm Linh dự định sẽ lập ra chính phủ bù nhìn ở Ukraine, thành lập ngay sau khi người Nga thực hiện việc chiếm đóng bằng quân sự. Bản tuyên bố ghi rõ: “ Nga đã chỉ thị cho ngành tình báo tuyển dụng những viên chức trong chính quyền cũ ở Ukraine để chuẩn bị đứng ra thay thế chính quyền Ukraine hiện nay, và tiếp thu ngay lập tức những hạ tầng cơ sở thiết yếu với sự yểm trợ của lực lượng quân đội chiếm đóng Nga.”. Chính vì vậy Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ quyết định trừng phạt về tài chính đối với Voloshyn và những đồng bọn khác trong âm mưu khuynh đảo này.
Ngày hôm sau, khi nói chuyện với chúng tôi qua điện thoại, Voloshyn đã rút tiền ra khỏi ngân hàng ở Kyiv chuẩn bị đưa gia đình ra khỏi Ukraine. Ông ta nói: “Có lẽ chúng tôi sẽ đi Serbia , hay sang Nga để sống.”. Ông nói với chúng tôi rằng ông không hề có ý định đứng ra nắm quyền cai trị ở Ukraine với sự giúp đỡ của quân đội Nga. Ông còn nói thêm rằng mục đích chính của đảng chính trị của ông là nắm được quyền cai trị một cách hòa bình- hoặc là do bầu cử, hay theo chữ dùng của ông ta “bằng sự tương thuận” giữa Nga và Tây phương. Ông ta khẳng định: “Không có giải pháp thứ ba nào cả. “Người Nga thể nào cũng áp đặt ảnh hưởng theo ý của họ đối với Ukraine hoặc bằng phương tiện hòa bình, hay bằng vũ lực.
Với sự việc ông Medvedchuk bị loại ra khỏi sinh hoạt chính trị, và đảng của ông ta đang phải tháo lui, Điện Cẩm Linh không có đường lối rõ ràng để áp đặt ảnh hưởng của mình trên nước Ukraine bằng chính trị, trừ phi phải dùng quân sự. Ông Voloshyn nói với chúng tôi: “Các ông phải hiểu cho rằng, xung quanh Putin, có rất nhiều cố vấn chủ trương đường lối diều hâu. Họ muốn tạo ra căng thẳng hiện nay, và sẵn sàng thực hiện việc xâm lăng. Họ trình bày với Putin lý lẽ của họ: Tổng thống hãy xem đó, bọn chúng đã quản thúc Medvedchuk. Bây giờ ông ta ở đâu? Làm gì có chuyện tìm giải pháp hòa bình? Chẳng lẽ chúng ta cứ ngồi chờ xem những lực lượng thân Nga bị bắt hết vào tù hay sao?
Gần 12 tháng từ ngày bắt đầu, cuộc khủng hoảng ở Ukraine trở nên to lớn hơn, và nguy hiểm hơn. Nó không chỉ là mối hiềm thù chính trị nhỏ. Đầu tháng 12, hơn 100,000 lính Nga được gửi đến vùng biên giới giáp ranh với Ukraine để chuẩn bị xâm lăng. Tổng thống Biden đề nghị họp trực tuyến với Tổng thống Putin để tìm cách giải tỏa căng thẳng. Theo viên chức ở Bạch Cung, Tổng thống Hoa Kỳ đề nghị ông sẽ lắng nghe tất cả những “quan ngại về chiến lược” của nước Nga, để mở cánh cửa cho những cuộc thảo luận rốt ráo về sau. Đây là chiến thuật bộc phá khiến ông Putin có thể bắt buộc Tổng thống Hoa Kỳ phải thảo luận trực tiếp với ông về vai trò tương lai của khối NATO. Theo ông Putin, Liên minh phòng thủ Bắc Đại Tây Dương-NATO- là một đe dọa chính cho nền an ninh của nước Nga.
Chiến thuật đánh lá bài chính trị của các nhà ngoại giao Nga là đi theo đường lối thương thuyết cũ: Đặt con bài thật lớn. Dành cho được thế thượng phong. Họ buộc phía Hoa Kỳ phải viết xuống thành văn bản, cam kết Ukraine sẽ không bao giờ trở thành hội viên của khối NATO. Họ cũng nhắn Hoa Kỳ phải rút tất cả quân đội Mỹ ra khỏi vùng Đông Âu, trở về đúng với vị trí lúc trước khi Putin lên cầm quyền lãnh đạo nước Nga. Vị đặc sứ hàng đầu trong phái đoàn ngoại giao Nga tóm tắt đòi hỏi của nước Nga là: “Liên minh NATO phải cuốn gói ra đi, trở lại với cục diện thời trước năm 1997.”. Thay vì tìm cách giải tỏa căng thẳng, Tổng thống Biden đã mở đầu bằng cách để cho phía Nga tuôn ra hết những than phiền, những chỉ trích dồn nén tử bấy lâu nay, gây ra tình trạng căng thẳng như hiện nay.
Trong lúc các cuộc thương thuyết tiếp diễn trong suốt tháng Giêng, người Nga tin rằng họ đang nắm phần ưu thế khi họ tiếp tục gia tăng áp lực quân sự ở Ukraine. Một nhân vật trong giới ngoại giao Nga nhận xét: “Áp lực quân sự tạo lợi thế cho Nga. Kỳ này họ có thể thương thuyết, trao đổi để bỏ luôn tất cả những biện pháp trừng phạt từ bấy lâu nay.”. Ông này lý luận như sau: “Rất đơn giản thôi. Nếu chúng ta cứ áp đặt thật nhiều lo sợ đối với họ là có chiến tranh, chúng ta sẽ có một giải pháp rõ ràng, bởi vì hệ thống chính trị của phương Tây thường dè dặt, mâu thuẫn, và không nhất trí với nhau. Hệ thống chính trị của phương Tây rất nhiêu khê, nó đòi hỏi “check and balance” (quốc hội và hành pháp kiểm soát lẫn nhau). Vì vậy, cứ nhắm vào việc hăm dọa sẽ đưa đến những hậu quả kinh khủng, là phe đối phương phải nhượng bộ, vì họ không thể đạt được sự đồng thuận giữa họ với nhau.”.
Nhưng nước cờ tính toán của Nga kỳ này thất bại. Hoa Kỳ thẳng tay bác bỏ tất cả những đòi hỏi cốt lõi của Nga, và chuẩn bị sẵn một loạt những biện pháp trừng phạt sẽ khiến cho nền kinh tế nước Nga bị xa lìa với thế giới. Một quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ tiết lộ như sau: “Đường lối giải quyết căng thẳng bằng những biện pháp từ từ theo lối cũ bây giờ sẽ không còn nữa. Lần này chúng ta đứng từ nấc thang cao nhất, và cứ đứng yên ở đó, không nhường bước.”. Tổng thống Biden đưa ra lời cảnh báo với Ukraine và các nước đồng minh Âu châu khác rằng việc Nga xâm lăng Ukraine là rõ ràng, chắc chắn sẽ xảy ra. Hồi tháng Giêng, hơn 8,500 lính Mỹ đã được lệnh chuẩn bị tác chiến, đưa sang vùng Đông Âu cùng với việc chuẩn bị tàu chiến và máy bay ngoài biển và trên không. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng đưa ra thông báo yêu cầu người Mỹ và gia đình của những nhân viên không thiết yếu ở Sứ Quán Mỹ nên rời khỏi thủ đô Kyiv để phòng ngừa trước những rủi ro.
rõ rồi đây các cuộc thương thuyết tìm hòa bình có giúp Âu châu tránh khỏi nguy cơ chiến tranh hay không, hay phải làm cách nào để giúp ông Putin không bị mất mặt. Theo thủ tục phòng ngừa bệnh dịch COVID của điện Cẩm Linh, nhà lãnh đạo Nga trở nên cô lập nhiều hơn bất cứ thời gian nào trước đây trong sự nghiệp chính trị của ông ta. Hồi đầu tháng Giêng, theo thông lệ, lẽ ra ông phải xuất hiện trước công chúng theo Chính Thống Giáo Nga để làm lễ tại Thánh Đường chính. Nhưng kỳ này, điện Cẩm Linh chỉ công bố một đoạn phim video trong đó Tổng thống Putin đứng một mình với một tu sĩ để làm lễ. Hai người cầm nến, trang nghiêm làm lễ trong tư dinh của Tổng thống. Giới thân cận trong Điện Cẩm Linh thì thầm với nhau rằng: “Hiếm có ai được nói chuyện với Ngài lúc này. Ngài suy nghĩ gì ở trong đầu chỉ có một mình Ngài biết thôi.”.
Trong lúc đó, ở thủ đô Kyiv của nước Ukraine, người bạn thân của ông Putin còn bị cô lập gắt gao hơn nữa. Đài truyền hình bị tịch thu, tịt ngòi, lại còn bị kết tội hình sự, đảng chính trị của ông Medvedchuk mất dần uy tín, tỉ lệ ủng hộ của dân chúng xuống thấp chưa từng thấy. Ông Medvedchuk tiếp tục bị giam lỏng ở trong nhà, phải đeo máy ở mắt cá chân để theo dõi đường đi nước bước, và cảnh sát túc trực canh chừng trước cửa nhà. Ông ta rất lo cho sự an toàn của cô con gái yêu, và không chịu tiết lộ cô bé bây giờ đang ở đâu. Một trong những người thân tín với ông nói rằng cô bé Daria bây giờ vẫn còn ở trong thủ đô Kyiv, và được nhóm an ninh tư bảo vệ. Nhân vật thân tín đó nói rằng: “Mối lo chính của ông ta là sợ cô bé bị bắt cóc. Nhưng tôi xin khẳng định là cô bé vẫn còn ở đây.”
Nguyễn Minh Tâm dịch theo báo TIME ngày 21/2/2022
Source: Internet