Những lý do thật khiến Putin cảm thấy bị NATO đe dọa

Cac Bai Khac

No sub-categories

Những lý do thật khiến Putin cảm thấy bị NATO đe dọa

*Đây là chỗ thiếu sót của các nhà “thực tiễn” trong chính sách đối ngoại khi lập luận chống lại việc mở rộng liên minh NATO.

Nguyên do hiển nhiên nhất Vladimir Putin đã dùng cho cuộc xâm lăng tổng lực vào Ukraine là tư cách thành viên NATO hứa hẹn cho Ukraine và Georgia vào năm 2008. Putin đã từng nói đi nói lại rằng NATO là một mối đe dọa đối với Nga, và đòi hỏi, một lần trong tháng 12 và lần nữa trong bài diễn văn tối hậu thư đọc trước cuộc chiến vào tuần này, rằng liên minh phải triệt thoái quân đội về vị trí của năm 1997, tức hai năm trước khi NATO mở rộng tới Trung Âu. Trong vấn đề này, theo một cách nhìn thì ông được ủng hộ bởi một số nhà bình luận chính sách ngoại giao Mỹ được trọng vọng – Tom Friedman, John Mearsheimer, và những người khác – họ vừa mới phủi bụi lại những luận cứ thực tiễn của mình từ giữa thập niên 90 phản đối việc mở rộng NATO, và nay họ đang được vinh danh. Để hỗ trợ cho luận cứ của mình, Friedman mới đây nhắc đến quan điểm nổi tiếng của sử gia quá cố George Kennan chống lại việc nhận thêm thành viên vào liên minh, trích dẫn những điều Kennan nói với ông từ năm 1998. Dĩ nhiên, không ai trong những nhà chỉ trích này ủng hộ sự gây hấn của Nga, nhưng có một yếu tố ta-đã-bảo-mà trong luận cứ của họ.

Đây là tại sao họ sai.

Putin đúng khi cho rằng NATO là một mối nguy cho ông, nhưng không theo cách mà bạn nghĩ. Putin biết rằng NATO không đặt ra một nguy cơ quân sự với Moscow. Ông có cùng thông tin về xe tăng, thiết giáp, phi đạn, và quân số của NATO ở Châu Âu như tất cả chúng ta đều có. Ông biết rằng NATO là một liên minh phòng vệ sẽ không bao giờ tấn công nước ông nếu không bị khiêu khích. Ông phản đối NATO với cùng một lý do ông phản đối việc điều động những hệ thống phòng thủ chống phi đạn của Hoa Kỳ đến Trung Âu 15 năm trước: Ông biết rõ từ hồi đó rằng chúng không nhắm vào Nga, mà có mục đích bảo vệ lục địa này trước một cuộc tấn công của quá lắm là vài phi đạn đạn đạo bay đến từ Trung Đông, ví dụ như từ Iran hay một nhóm khủng bố trở chứng nào đó. Sẽ không có gì bảo vệ Châu Âu trước một cuộc tấn công vũ bão bằng phi đạn của Nga. Nhưng Putin phản đối việc đặt trạm ra-đa theo dõi và phi đạn đánh chặn ở Cộng Hòa Czech và Ba Lan vì ông không muốn có bất cứ một cứ điểm nào của Hoa Kỳ tại đó.

Vậy thì tại sao Putin phản đối các hệ thống phòng thủ chống phi đạn dù ông biết chúng không phải là mối đe dọa quân sự? Vì chúng là mối đe dọa chính trị. Khi một quốc gia cho đặt căn cứ quân sự Hoa Kỳ trên lãnh thổ của mình, họ sẽ không có căn cứ Nga. Putin bác bỏ sự hiện diện của NATO ở Trung và Đông Âu vì chính ông muốn hiện diện ở đó – một cách trực tiếp trong vài trường hợp, chẳng hạn như ở Ukraine hiện nay, và có lẽ ở vùng Baltic sau này; một cách gián tiếp trong những trường hợp khác, như ở Cộng Hòa Czech hay Hungary, bằng cách hối lộ các chính trị gia địa phương, lan truyền ảnh hưởng kinh tế và những hoạt động gián điệp ngầm của mình. Những chuyện này khó thực thi hơn nhiều trong một nước thành viên NATO so với trong một khu vực bị Phần Lan hóa để thành “trung lập.”

Một lý do dễ hiểu khiến Putin tấn công là ông sợ rằng Ukraine có thể dần dần trở nên một nền dân chủ ổn định, thịnh vượng và như thế sẽ là một khuôn mẫu cho phe đối lập dân chủ thân Phương Tây ở Nga. Ông hành động ngay lúc này dựa trên điều mà ông cho là một con tính hợp lý về những lợi ích của riêng mình và sinh mạng chính trị của riêng mình: Ông không muốn một kết thúc trong nhà tù, hay thậm chí bị bịt mắt đứng dựa vào bức tường gạch.

Điều mà các nhà chính sách đối ngoại thực tiễn không hiểu – hay không muốn hiểu – là ngay cả nếu như NATO đã không được mở rộng để bao gồm những nước ở Trung và Đông Âu, vẫn có một mảy may rất lớn là Putin sẽ hành xử y như hôm nay. Sẽ có một sự khác biệt – sân chơi chính trị của ông ở Trung Âu sẽ lớn hơn hôm nay. Tham nhũng sẽ ở một cấp độ cao hơn, bất ổn sẽ cản trở đầu tư nước ngoài, và mức sống của các công dân Warsaw, Prague, Vilnius, Bratislava, và Budapest, hiện nay gần ngang Tây Âu (người Czech còn giàu hơn người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, và đang nhanh chóng đuổi kịp người Ý), sẽ thấp hơn một cách đáng kể, chủ yếu sẽ tương tự như Ukraine ngày nay, và Ukraine thì sẽ không có cơ may hội nhập với Châu Âu.

Việc mở rộng NATO và EU là các chính sách thành công nhất của Châu Âu trong ba thập niên qua. Đời sống của một trăm triệu người ở các nước trước kia là Cộng Sản giờ đây ở trong NATO và EU đã được cải thiện lớn lao – bất kể những khó khăn hiện thời. Nếu hồi xưa chúng ta theo lời các nhà “thực tiễn” và quyết định “không chọc con gấu Nga đang ngủ,” như người ta thường nói, và không mở rộng NATO, một điều đưa đến an ninh, ổn định, và đương nhiên cả thịnh vượng, thì cuộc sống của một trăm triệu người này ắt sẽ tồi tệ hơn nhiều. Và chính xác là để đổi lại điều gì? Để đổi lấy niềm hy vọng rằng nước Nga sẽ chuyển đổi thành công, từ bỏ chủ nghĩa bành trướng đế quốc ăn sâu từ trong lịch sử của họ, và trở nên Tây phương hơn? Điều này nghe có thực tiễn đối với bạn hay không?

Các nhà chính sách đối ngoại thực tiễn có một công thức dựa quá nhiều trên sức mạnh và những lợi ích, và làm ngơ những giá trị, đặc biệt là nhân quyền, các quyền tự do dân sự, nền dân chủ, sự cần mẫn của một quốc gia, và trên hết là nhân phẩm. Họ cũng bỏ qua tầm quan trọng của những định chế tượng trưng cho các giá trị. Nhưng quả thật chính là các giá trị và định chế này về lâu về dài sẽ quyết định thành bại cho một nước và cách hành xử của nước này trên trường quốc tế. Chúng ta phải xem xét mỗi tình huống chính sách đối ngoại một cách khác nhau và không áp dụng một công thức rập khuôn làm bánh về lợi ích và sức mạnh mà không thêm thắt gì khác.

Tôi rùng mình khi thấy chiến đấu cơ Nga bay qua Kyiv, Kharkiv, Mariupol, và những thành phố tuyệt vời khác của Ukraine – và tôi tưởng tượng xem điều gì có thể xảy ra nếu đất nước tôi, Cộng Hòa Czech, đã không ở trong liên minh. Toàn là cảnh ác mộng.

Tôi cũng được nhắc nhớ một câu chuyện giả định lịch sử. Khi chiến cuộc ở Châu Âu trong Đệ Nhị Thế Chiến đi đến hồi kết vào đầu tháng 5 năm 1945, Quân Đội Hoa Kỳ tiến vào Tiệp Khắc từ phía tây và giải phóng thị trấn Pilsen. Prague khi đó đang trong cuộc nổi dậy chống Quốc Xã và lên tiếng kêu cứu. Tướng George C. Patton muốn đánh dấn tới nhưng bị cản lại bởi Tướng Dwight Eisenhower, vị Tư Lệnh Đồng Minh Tối Cao. Người Mỹ đã có một thỏa thuận với Stalin để cho Quân Đội Xô Viết, chứ không phải các đồng minh Tây phương, tiến vào Prague. Điều này quả đã diễn ra vào ngày 9 tháng 5, nhưng khi đó Prague đã tự giải phóng mình gần xong (với sự trợ giúp của đội quân chống Stalin của Tướng Vlasov). Sự thể Hồng Quân là lực lượng tiến vào Prague đã định đoạt số phận của Tiệp Khắc là một quốc gia Cộng Sản tương lai. Ai biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu Patton cãi lệnh và giải phóng Prague vào ngày 3 hay 4 tháng 5? Có lẽ Tiệp Khắc đã thành một nền dân chủ và thị trường tự do như Áo, có lẽ không. Nhưng tôi cảm kích vô vàn vì phương trình giả định của những năm 1990 đã được giải đúng cách, và NATO đã mở rộng để bao gồm tổ quốc tôi. Để khuếch trương phạm vi ảnh hưởng của ổn định và thịnh vượng vào lúc điều đó còn khả thi, khi Nga còn yếu và quá bận tâm với chuyện nội bộ nên chẳng làm gì được, và nhiều đến hạn mức khả dĩ, đó là đường hướng hành động thực tiễn nhất.

Lê Đình Nhất-Lang chuyển ngữ
(Nguồn: “The Real Reasons Putin Feels Threatened by NATOcủa Tomáš Klvaňa trên báo mạng The Bulwark ngày 25/2/2022. Mọi đường dẫn ẩn trong bài là của bản gốc.)

Tomáš Klvaňa

Tomáš Klvaňa từng là thư ký báo chí và cố vấn chính sách cho Tổng Thống Cộng Hòa Czech Václav Klause. Ông hiện là giáo sư thỉnh giảng tại Đại Học New York ở Prague.

https://damau.org/72522/nhung-l-do-that-khien-putin-cam-thay-bi-nato-de-doa