Các đồng minh phương Tây cắt đứt một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống toàn cầu
27/02/2022 – Reuters – Các đồng minh phương Tây loan báo áp đặt một loạt những chế tài mới nhắm vào Nga vào ngày thứ Bảy, bao gồm cắt đứt một ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu chính.
Tìm cách tăng cường trừng phạt kinh tế đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin vì xâm lược Ukraine, Mỹ và các đối tác châu Âu cũng cho biết họ sẽ áp đặt các biện pháp đối với ngân hàng trung ương Nga nhằm hạn chế khả năng chống đỡ đồng ruble.
“Trong khi các lực lượng Nga mở cuộc tấn công nhắm vào Kyiv và các thành phố khác của Ukraine, chúng tôi quyết tâm tiếp tục áp đặt những tổn hại lên Nga mà sẽ khiến Nga bị cô lập hơn nữa khỏi hệ thống tài chính quốc tế và nền kinh tế của chúng ta,” các đồng minh phương Tây nói khi họ leo thang phản ứng trừng phạt.
“Chúng tôi sẽ thi hành các biện pháp này trong những ngày tới,” theo một tuyên bố chung của Mỹ, Pháp, Canada, Ý, Anh và Ủy hội Châu Âu.
Sau khi ban đầu né tránh một bước đi như vậy, các đồng minh quyết “bảo đảm rằng những ngân hàng Nga được lựa chọn sẽ bị gạt khỏi hệ thống thông tin liên lạc SWIFT.”
Bước đi này giáng một đòn nặng nề vào thương mại của Nga và khiến các công ty Nga khó kinh doanh hơn. SWIFT, viết tắt tiếng Anh của “Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu,” là một mạng thông tin liên lạc an toàn giúp cho các giao dịch thanh toán xuyên biên giới được thực hiện nhanh chóng, biến nó trở thành một cơ chế quan trọng cho thương mại quốc tế.
Các chế tài đối với ngân hàng trung ương Nga có thể hạn chế việc ông Putin sử dụng hơn 630 tỉ đôla dự trữ quốc tế, vốn được nhiều người xem là giúp che chắn Nga khỏi một số tổn hại về kinh tế.
“Nga đã trở thành kẻ bị ruồng rẫy về kinh tế và tài chính toàn cầu,” một quan chức cao cấp của Mỹ nói, theo AFP.
“Chỉ có Putin mới có thể quyết định ông ta sẵn sàng chịu thêm bao nhiêu tổn hại nữa,” quan chức này cho biết, nói thêm rằng một lực lượng đặc nhiệm sẽ “săn lùng” “du thuyền, máy bay riêng, xe sang và nhà giàu” của các nhà tài phiệt Nga.
Loan báo được đưa ra khi giao tranh vẫn tiếp diễn trên khắp Ukraine. Thủ đô và các thành phố khác đã bị tấn công bởi pháo binh và phi đạn hành trình của Nga.
Ông Putin khởi động điều mà ông gọi là chiến dịch quân sự đặc biệt trước rạng sáng ngày thứ Năm, phớt lờ những cảnh báo của phương Tây và cho rằng chế độ “tân phát xít” ở Ukraine đe dọa an ninh của Nga.
Điện Kremlin nói binh sĩ của họ đang tiến lên trở lại “theo mọi hướng” sau khi ông Putin ra lệnh hưu chiến vào ngày thứ Sáu. Chính phủ Ukraine nói không có bất cứ sự hưu chiến nào.
“Chúng tôi đã kháng cự và đang đẩy lùi thành công các cuộc tấn công của kẻ thù. Cuộc chiến vẫn tiếp diễn,” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói trong một video đăng trên mạng xã hội của ông.
Phương Tây giáng thêm chế tài kinh tế nặng nề lên Nga
24/02/2022
Nga giờ là ‘kẻ bị ruồng rẫy về kinh tế và tài chính toàn cầu’
Các chế tài nặng nề chưa từng thấy của phương Tây nhằm cắt đứt các ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống toàn cầu và gây khó khăn cho ngân hàng trung ương của nước này sẽ khiến Moscow trở thành “kẻ bị ruồng rẫy” về tài chính với đồng ruble “rơi tự do,” một quan chức cao cấp của Mỹ nói ngày thứ Bảy, theo AFP.
“Nga đã trở thành kẻ bị ruồng rẫy về kinh tế và tài chính toàn cầu,” quan chức này nói, và ngân hàng trung ương Nga hiện “không thể chống đỡ được đồng ruble.”
“Chỉ có Putin mới có thể quyết định ông ta sẵn sàng chịu thêm bao nhiêu tổn hại nữa,” quan chức này cho biết thêm rằng một lực lượng đặc nhiệm sẽ “săn lùng” “du thuyền, máy bay riêng, xe sang và biệt phủ” của các nhà tài phiệt Nga.
Phương Tây giáng thêm chế tài nặng nề vào Nga
Các nhà lãnh đạo của Ủy hội Châu Âu, Pháp, Đức, Ý, Anh, Canada, và Mỹ – trong cú giáng nặng nề nhất từ trước tới giờ nhắm vào Nga – đã đạt đồng thuận cắt đứt kết nối của một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế SWIFT.
Các biện pháp cũng bao gồm ngăn cản Ngân hàng Trung ương Nga huy động nguồn dự trữ quốc tế nhằm giảm nhẹ tác động của chế tài.
Trong khi đó, các ngân hàng nhà nước lớn nhất của Trung Quốc đang hạn chế việc cho vay để mua nguyên liệu thô từ Nga do lo ngại các chế tài thứ cấp.
Đức Giáo hoàng gọi điện thoại cho Tổng thống Ukraine, bày tỏ ‘nỗi đau sâu sắc’
Đại sứ quán Ukraine tại Vatican cho biết Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói chuyện qua điện thoại vào thứ Bảy với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy.
Đại sứ quán viết trên Twitter rằng “Đức Thánh Cha bày tỏ nỗi đau sâu sắc nhất của mình đối với những sự kiện bi thảm đang diễn ra ở đất nước chúng ta.”
Thanked Pope Francis @Pontifex for praying for peace in Ukraine and a ceasefire. The Ukrainian people feel the spiritual support of His Holiness.— Володимир Зеленський (@ZelenskyyUa) February 26, 2022
Ông Zelenskyy sau đó viết trên Twitter rằng ông cảm ơn Đức Giáo hoàng đã “cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine và ngừng bắn. Người dân Ukraine cảm nhận được sự ủng hộ tinh thần của Đức Ngài.”
Đức Giáo hoàng, người đã nhiều lần gọi chiến tranh là điên rồ, đã chỉ định ngày 2 tháng 3, tức Thứ Tư Lễ Tro, là ngày ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình.
Tin nói Đức chấp thuận súng phóng lựu chống tăng cho Ukraine
Trong một sự đảo ngược lập trường bất ngờ, Đức đã chấp thuận chuyển giao súng phóng lựu chống tăng cho Ukraine, AFP loan tin dẫn một nguồn từ chính phủ nước này.
“Với cuộc tấn công của Nga nhắm vào Ukraine, chính phủ sẵn sàng cung cấp những khí tài khẩn cấp cần thiết cho việc phòng vệ Ukraine,” nguồn tin nói trong một phát biểu.
Báo POLITICO dẫn lời hai quan chức EU cho biết Đức đã ủy quyền cho Hà Lan gửi cho Ukraine 400 súng phóng lựu chống tăng phản lực để hỗ trợ cuộc chiến chống lại quân xâm lược Nga. Bước đi này được nói là đánh dấu sự thay đổi đột ngột trong chính sách quân sự của Berlin giữa áp lực từ các đồng minh EU và NATO
Cho đến tận ngày thứ Bảy, Đức vẫn nhất quyết duy trì một lập trường lâu đời là không cho phép vũ khí sát thương mà nước này kiểm soát được chuyển vào khu vực xung đột, theo POLITICO.