Tin Tổng Hợp – 17/2/22

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 17/2/22

Phương Tây tố cáo Nga vẫn tiếp tục điều quân đến biên giới Ukraina

Một ngày sau khi Matxcơva thông báo rút bớt quân ra khỏi khu vực biên giới chung với Ukraina, Hoa Kỳ cũng như Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) không tin Nga xuống thang. Ngày 16/02/2022, Nhà Trắng khẳng định Nga đã không rút mà trái lại còn tăng thêm 7000 quân ở cửa ngõ của Ukraina. NATO dự trù tăng cường hiện diện ở sườn đông.

Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng, giấu tên, hôm qua đã khẳng định với báo chí rằng: «Nga đã thông báo rút quân khỏi vùng biên giới với Ukraina, nhưng giờ đây chúng tôi biết điều đó là sai… Chúng tôi khẳng định những ngày qua Nga còn tăng thêm đến 7000 quân ở dọc biên giới, một số vẫn đang tới hôm nay (16/02)». Giống như Hoa Kỳ, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết ông không thấy có dấu hiệu quân Nga tập trung gần biên giới Ukraina giảm đi.

Về phần mình NATO tiếp tục coi mối đe dọa của Nga là có thực. Tổng thư ký của NATO cho biết khối này tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự ở sườn đông để bảo vệ các đồng minh trước mối đe dọa của Nga.

Thông tín viên RFI tại Bruxelles, Pierre Benazet cho biết thêm chi tiết :

Theo tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, thực tế việc Nga rút quân ra sao còn phải chờ chứng minh. Các bộ phận tình báo của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương thậm chí còn nhận thấy số lượng binh sĩ Nga được triển khai xung quanh Ukraina còn tăng thêm và những đơn vị quân của Nga vẫn đang trên đường đến tăng cường. Nhưng tổng thư ký của Liên Minh cho rằng, cũng như trong mọi cuộc xung đột, việc triển khai khả năng hành động quân sự chỉ là công đoạn đầu tiên. Ông Stoltenberg nhận định:

«Đây là cuộc tập trung lực lượng sẵn sàng chiến đấu lớn nhất mà chúng ta thấy ở châu Âu từ sau chiến tranh lạnh. Điều mà chúng ta đã thấy cho đến giờ, đó là chúng ta đã lường trước được sự củng cố quân sự lớn. Và điều này đã xẩy ra. Chúng ta không hề nói chúng ta biết chắc chắn được ý đồ. Điều chúng ta biết được là họ có gì, khả năng và sức mạnh họ có.  Nhưng tất nhiên chúng ta không biết chắc họ sẽ làm gì với khả năng đó. Đó là lý do mà chúng ta phải tăng cường về lâu dài vị thế của chúng ta ở phía đông»

Ví dụ như, từ hôm thứ Tư, Mỹ đã bắt đầu tăng cường quân triển khai ở phía đông Ba Lan. Nhưng nhóm quân này được dự trù chỉ là tăng viện cục bộ tạm thời. Các bộ trưởng Quốc Phòng của 30 nước thành viên NATO đã ủng hộ đề xuất của Pháp triển khai một bộ phận quân chiến đấu ở phía đông nam, cụ thể là ở Rumani. Lực lượng này một khi hoạt động sẽ được dự tính có mặt lâu dài cùng với các đơn vị quân luân chuyển thường xuyên của các nước trong Liên Minh.

Nga tiếp tục thông báo rút quân

Hôm nay, Nga khẳng định tiếp tục rút bớt quân và khí tài ra khỏi Crimée. Bộ Quốc Phòng Nga thông cáo đã điều các đơn vị tham gia hoàn thành tập trận ở Crimée về căn cứ bằng đường sắt. Truyền hình Nga đưa hình ảnh một đoàn tàu chuyển quân qua cây cầu nối Crimée với Nga. Theo AFP, hôm qua, truyền thông Nga đưa tin quân đội Kiev đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, nổ súng vào các vị trí của phe nổi dậy thân Nga ở miền Đông Ukraina.

Anh Vũ

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220217-ph%C6%B0%C6%A1ng-t%C3%A2y-t%E1%BB%91-c%C3%A1o-nga-v%E1%BA%ABn-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%A5c-%C4%91i%E1%BB%81u-qu%C3%A2n-%C4%91%E1%BA%BFn-bi%C3%AAn-gi%E1%BB%9Bi-ukraina

Ngại dòng tiền bất chính từ Nga, Anh bỏ quy chế ‘visa vàng’

Reuters – Anh ngày 17/2 huỷ quy chế ‘visa vàng’ cho các đại gia đầu tư giữa
những quan ngại về các luồng tiền bất hợp pháp từ Nga tại thời điểm căng
thẳng giữa Moscow với phương Tây leo thang.

Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel.
Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel.

Hàng trăm tỉ đô la từ Nga đã chảy vào London và các lãnh thổ của Anh ở hải ngoại kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, khiến một số đồng minh e rằng dòng tiền bất chính đang len lỏi vào hệ thống tài chính toàn cầu.

Các nhà lập pháp Anh từ năm 2020 đã cảnh báo cần có hành động để đối phó với các thương vụ tài chánh bất chính của giới cao cấp Nga, kể cả việc siết lại hệ thống visa đầu tư ‘Loại 1’.

Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel ngày 17/2 loan báo đã cho huỷ quy chế ‘visa vàng’ vừa kể, vốn mang lại con đường tiến tới định cư tại Anh cho những ai đầu tư ít nhất 2 triệu bảng Anh, tương đương trên 2,7 triệu đô la.

“Đây chỉ là khởi điểm của chiến dịch trấn áp tài chánh bất chính và gian lận,” Bộ trưởng Patel cho biết.

London lâu nay được ví von là ‘Londongrad’, hay ‘Moscow trên sông Thames’, nghĩa là thành phố mà giới siêu giàu từ Nga và từ các nước cựu Xô Viết chọn làm nơi ‘hạ cánh’.

Các tài phiệt Nga cùng với các ông trùm dầu mỏ Trung Đông và các doanh nhân Trung Quốc mới nổi trong ba thập niên qua đã đẩy mạnh làn sóng chi tiêu vào bất động sản ở London, sở hữu những ngôi nhà sang trọng và các tài sản thương mại biểu tượng.

https://www.voatiengviet.com/a/ngai-dong-tien-bat-chanh-tu-nga-anh-bo-qui-che-visa-vang/6446658.html

Chiến tranh Biên giới 1979: Mạng xã hội VN năm nay có nhiều ý kiến mạnh mẽ

Thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ tại nghĩa trang Vị Xuyên
Chụp lại hình ảnh, Nhà
thơ Nguyễn Việt Chiến trong một lần thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ
tại nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang năm 2016 cùng đoàn Hội Nhà văn Việt
Nam

Dù là dịp kỷ niệm 43 năm, Chiến tranh Biên giới với Trung Quốc năm nay được cộng đồng dùng mạng xã hội ở Việt Nam nhắc đến mạnh mẽ hơn trước.

“Cuộc chiến giữa những người đồng chí, anh anh em xã hội chủ nghĩa” tuy diễn ra chóng vánh, nhưng được mô tả là đẫm máu.

Nhiều vấn đề, thông tin chi tiết về cuộc chiến này, đến nay vẫn còn là những dấu hỏi. Tổn thất người Việt Nam, dân tộc Việt Nam phải gánh chịu là bao nhiêu? Có bao người đã chết, gia đình họ được đối xử ra sao?

Xúc cảm mạnh mẽ

Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt hôm 17/02/2022, họa sỹ Trần Lương kể rằng năm 1982, khi còn là sinh viên Đại học Mỹ thuật ông lên Cao Bằng chuẩn bị lễ cưới cho một người bạn quê ở thị xã.

Ông nói:

“Trước cảnh thành phố bị giặc Tàu phá ngổn ngang đổ nát. Cảm giác trĩu nặng khó tả nhưng cũng là lúc cho mình cơ hội quyết định được trách nhiệm, thái độ và hành vi.

“Chợt liên tưởng và hiểu về bao nhiêu thế hệ người Việt đã vượt qua sợ hãi đứng lên bảo vệ đất nước chắc cũng đứng trước những giây phút như thế này.”

Viết trên trang Facebok cá nhân, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến mô tả tình cảm của mình qua bài thơ “Còn nghe máu thấm biên cương” do ông là tác giả.

Bài thơ có đoạn:

Các anh nằm lại Vị Xuyên

Hai ngàn liệt sĩ ở trên đồi này

Nén hương đầu gió khói lay

Khói hương chia khắp bia này mộ kia

Âm dương hai ngả cách chia

Hai ngàn tay súng đi về tận đâu…

Mẹ ơi! Đất nước thương đau

Chúng con nằm lại núi sâu rừng già

Nhiều người tập trung trước tượng vua Lý Công Uẩn ở Hà Nội vào ngày 17/2/2016
Chụp lại hình ảnh, Nhiều người tập trung trước tượng vua Lý Công Uẩn ở Hà Nội vào ngày 17/2/2016

Niềm tin đổ vỡ?

Trên trang Facebook của mình, trong bài đăng ngày 16/02/2022 “Biên giới tháng Hai & phương Bắc’, ông Huy Đức (Osin) viết: “‘Ngây thơ, mất cảnh giác, tin vào chủ nghĩa quốc tế vô sản’ là niềm tin dễ đổ vỡ nhất. Thay vì hành xử trên nền tảng tư duy chiến lược với bài học lịch sử nghìn năm, những gì chúng ta chứng kiến là phản ứng như sự dao động trả về của con lắc”.

Ông còn nhận định rằng: “Cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới, kéo dài hơn mười năm đã cướp đi sinh mạng hoặc một phần cơ thể của hàng vạn thanh niên thuộc thế hệ chúng tôi (sinh trong các thập niên 1950s, 1960s); đồng thời làm khánh kiệt quốc gia và nhấn chìm vị thế của người Việt Nam xuống đáy.”

Bình luận không chút do dự, Họa sỹ Trần Lương nói với BBC: “Tôi chỉ ngạc nhiên và suy nghĩ về hiện tượng Việt gian. Liệu có phải là một hội chứng mang tính ‘truyền thống’ hay không?”

“Hay ngược lại, bản tính hèn, nhược tiểu trước ‘thiên triều’ vẫn lẩn khuất trong một bộ phận người thực dụng và có của cải. Nó có vẻ không tương xứng với vị thế của một nước có lịch sử lâu đời và đông dân thứ 15 trên thế giới.”

Dân không bao giờ quên

Thông điệp khá phổ biến được nhiều người nhắc đến là họ muốn con cháu biết về sự kiện này và không muốn chúng quên.

Người dùng Facebook Van Thanh Nguyen
Chụp lại hình ảnh, Người dùng Facebook Van Thanh Nguyen giới thiệu đêm nhạc tưởng niệm

Trên Group Facebook Thanh nhạc CHLB Đức, danh khoản Van Thanh Nguyen giới thiệu một đêm nhạc tưởng niệm được thực hiện live (phát trực tiếp trên Facebook).

Người này viết: “Đã 43 năm cuộc chiến biên giới chống quân xâm lược Trung Quốc đã lùi xa nhưng những vết thương do cuộc chiến tàn khốc này để lại vẫn là những nỗi đau âm ỉ trong mỗi con người Việt Nam chúng ta.”

“Những bài học đắt giá về tình bạn, tình đồng chí, tình anh em, tình láng giềng vẫn còn nguyên tính thời sự mà chúng ta phải luôn luôn cảnh giác và khắc cốt ghi tâm.”

Và bên dưới đó là bình luận của người dùng Facebook có tên Hải Triều:

“Có thể quên ngày sinh ngày cưới nhưng ko được quên ngày 17 tháng 2 năm 1979.”

Tuy cuộc chiến này đã lùi vào dĩ vãng nhiều chục năm, và quan hệ Việt-Trung đã thay đổi rất nhiều, dường như ngày càng có nhiều tiếng nói yêu cầu nhà nước Việt Nam không nên lảng tránh mà nên nhìn nhận sự thực như những gì đã xảy ra.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-60412671

(AFP) – Bất chấp khủng hoảng Covid-19, Airbus đạt lợi nhuận cao kỷ lục trong lịch sử. Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch, hôm nay 17/02/2022, hãng chế tạo máy bay của châu Âu thông báo đạt lợi nhuận gần 4,2 tỉ euro cho năm 2021, so với kỷ lục gần đây nhất là 3,1 tỉ đô la lãi ròng hồi năm 2018. Ông chủ Airbus cho biết thắng lợi này là nhờ bán được nhiều máy bay thương mại (tăng 8% so với năm 2020), và nhờ hoạt động trong lĩnh vực vũ trụ không gian và quốc phòng.

(RFI) – Từ nay đến năm 2050, mực nước biển ở các vùng duyên hải Hoa Kỳ sẽ tăng 25-30 cm. Thông tín viên RFI David Thomson hôm nay 17/02/2022 cho biết đây sẽ là mức tăng cao nhất từng được ghi nhận trong 100 năm qua. Theo báo cáo của cơ quan đại dương và khí quyển của Mỹ, nhiều thành phố duyên hải sẽ lâm cảnh thường xuyên ngập nước, lũ lụt gần như xảy ra hàng tháng. Các trận lũ lớn sẽ xảy ra nhiều gấp 5 lần hiện nay.

(AFP) – Hồng Kông quá tải vì làn sóng Omicron. Áp dụng theo mô hình phòng dịch « Zero Covid » của Hoa Lục, hệ thống y tế của Hồng Kông đang bị rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng, lãnh đạo đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga đầu tuần này đã thừa nhận. Chính quyền thành phố đã phải trưng dụng 2 tòa nhà chung cư mới, 3000 căn hộ và 10 nghìn phòng khách sạn để cách ly các ca nhiễm. Từ đầu đại dịch, thành phố khoảng 7,5 triệu dân này ghi nhận 12 nghìn ca nhiễm, 241 ca tử vong. Riêng ngày 16/02, số ca nhiễm tại Hồng Kông đạt mức kỷ lục hơn 4200 ca.

(AFP) – Olympic Bắc Kinh lần đầu không có ca nhiễm Covid. Hôm nay, 17/02/2022, các nhà tổ chức Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh thông báo lần đầu tiên kể từ khi khai mạc,  ngày  04/01, không một ca nhiễm Covid nào được phát hiện trong phạm vi hoạt động khép kín của Olympic, vẫn được gọi là khu bong bóng phòng dịch. Ngày 16/02, các nhà tổ chức tiến hành gần 69 nghìn xét nghiệm và không phát hiện một ca nhiễm nào. Tại Olympic Bắc Kinh bắt đầu từ 25 tháng Giêng đến nay đã có gần 1,6 triệu xét nghiệm được các nhà tổ chức tiến hành qua nhiều đợt và đã có 435 ca dương tính, trong đó có 26 vận động viên và thành viên các đoàn thể thao.

(AFP) – Cựu tổng thống Honduras bị bắt vì liên quan đến ma túy. Hôm 15/02/2022, theo yêu cầu của tư pháp Mỹ, cựu tổng thống Honduras, Juan Orlando Hernandez đã bị bắt vì bị tình nghi liên quan đến vụ buôn bán 500 tấn cocain. Bị cáo đã được đưa ra trình diện ngày hôm qua trước Tòa Án Tối Cao để phê chuẩn lệnh dẫn độ sang Hoa Kỳ. Cựu lãnh đạo Honduras, bị cảnh sát phối hợp với nhiều cơ quan chống ma túy của Mỹ, bắt tại nhà riêng ở Tegucigalpa. Ông Hernandez mới rời khỏi chức vụ tổng thống cách đây 3 tháng.

(AFP) – Belarus sẵn sàng đón nhận «vũ khí hạt nhân» nếu bị phương Tây đe dọa. Hôm nay 17/02/2022, tổng thống Alexandre Loukachenko đã khẳng định như vậy trong bối cảnh căng thẳng xung quanh Ukraina vẫn tiếp tục. Ông Loukachenko được truyền thông Belarus dẫn lời, tuyên bố: «Nếu cần, chúng tôi sẽ không chỉ triển khai vũ khí hạt nhân mà cả các loại vũ khí siêu hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ của chúng tôi». Theo hiến pháp Belarus sau khi tách ra khỏi Liên Xô cũ, Belarus là «vùng không hạt nhân». Điều khoản này đã bị thay thế trong bản Hiến Pháp mới theo đề nghị của ông Loukachenko, sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý vào ngày 27/02 tới đây.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220217-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p