Tin Tổng Hợp – 16/2/22
Tướng Mỹ: Bắc Kinh có thể lợi dụng khủng hoảng Ukraina để ‘‘khiêu khích’’ ở châu Á
Khủng hoảng Ukraina có thể tạo bối cảnh thuận lợi để Trung Quốc có các hành động «khiêu khích» ở châu Á. Đó là nhận định của một tư lệnh không quân Mỹ hôm nay, 16/02/2022.
Theo AFP, trả lời báo giới bên lề Triển lãm hàng không tại Singapore, tướng Kenneth Wilsbach, tư lệnh không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, nhấn mạnh: Sự ủng hộ mà Trung Quốc dành cho Nga trong các căng thẳng hiện nay giữa Matxcơva và phương Tây, đặt ra nhiều câu hỏi về các ý đồ của Trung Quốc tại châu Á. Tướng Kenneth Wilsbach nêu bật lo ngại về việc Trung Quốc theo sát các diễn biến tại châu Âu, để khi gặp thời cơ, có các hành động khiêu khích ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, «nhằm trắc nghiệm phản ứng của cộng đồng quốc tế».
Tư lệnh không quân tại khu vực Thái Bình Dương cũng cho biết đã có các thảo luận với các đối tác và các « thực thể » tại khu vực về những hệ quả của tuyên bố chung Bắc Kinh – Matxcơva, đưa ra hồi đầu tháng Hai 2022. Trong tuyên bố chung nói trên, Trung Quốc và Nga phản đối việc mở rộng khối NATO.
Chính quyền Nga hiện duy trì hơn 100.000 binh sĩ tại các khu vực giáp biên giới Ukraina. Phương Tây cáo buộc Nga chuẩn bị tấn công Ukraina một lần nữa, sau khi đã sáp nhập bán đảo Crimée năm 2014. Trong khi đó, Nga khẳng định chỉ muốn được bảo đảm về an ninh, trước thái độ thù địch từ phía Kiev và NATO.
Các lực lượng không quân dưới quyền của tướng Kenneth Wilsbach, có trụ sở chính tại Hawai, có vai trò then chốt, nếu một xung đột bùng phát tại khu vực Thái Bình Dương.
Dư luận Đông Nam Á lo ngại Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông
Theo AFP, từ nhiều năm nay, Bắc Kinh bị cáo buộc gây căng thẳng trong khu vực, đặc biệt với việc tăng cường quân sự hóa các đảo và thực thể địa lý tại Biển Đông. Chính quyền Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển này. Nhiều đòi hỏi của Trung Quốc bị các quốc gia ven biển như Malaysia, Việt Nam, Philippines và Brunei bác bỏ.
Hãng tin Bloomberg hôm nay, 16/02, dẫn lại một kết quả thăm dò dư luận Đông Nam Á của Viện Singapore Iseas-Yusof Ishak Institute, theo đó các hành động lấn lướt của Bắc Kinh ở Biển Đông là mối lo ngại hàng đầu của dân chúng trong vùng, nhất là tại các quốc gia tranh chấp (tỉ lệ là 71,2% đối với Philippines, 56,9% với Malaysia, và 55,3% với Việt Nam). Nhìn chung, hơn 58% người được khảo sát tỏ ra không tin tưởng vào Trung Quốc. Gần một nửa trong số này lo sợ Bắc Kinh có thể sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để đe dọa chủ quyền của đất nước mình.
76% dân Đông Nam Á, theo khảo sát trên, coi Trung Quốc là một cường quốc kinh tế có ảnh hưởng nhất, vượt xa Hoa Kỳ (9,8%).
Trọng Thành
Mỹ: ‘Trung Quốc không thực hiện đúng cam kết thương mại’
AP – Mỹ cáo buộc Trung Quốc không đáp ứng các cam kết của họ với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nói rằng Washington đang tìm những cách mới để đấu tranh với các hành vi thương mại hung hăng của Trung Quốc.
Trong báo cáo thường niên về việc tuân thủ các quy tắc WTO của Trung
Quốc, Văn phòng của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ hôm 16/2 nói rằng Trung
Quốc không giữ lời hứa mở cửa thị trường cho cạnh tranh nước ngoài khi
gia nhập cơ quan có trụ sở tại Geneva với 164 thành viên hồi năm 2001.
“Thay vào đó, Trung Quốc đã duy trì và mở rộng cách tiếp cận phi thị trường do nhà nước lãnh đạo đối với kinh tế và thương mại,” Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai nói. “Các chính sách và thực tiễn của Trung Quốc thách thức tiền đề của các quy tắc WTO và gây thiệt hại nghiêm trọng cho người lao động và doanh nghiệp trên toàn thế giới.”
Bên cạnh những điều khác, Mỹ lặp đi lặp lại những cáo buộc lâu nay rằng Trung Quốc dùng trợ cấp và quy định để tạo thuận lợi cho các công ty của mình khiến các công ty đối thủ của nước ngoài gặp bất lợi; tràn ngập thị trường thế giới với thép, nhôm và các sản phẩm giá rẻ khác; và ép buộc Mỹ và các công ty nước ngoài khác phải bàn giao công nghệ quý giá thì mới được phép tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Báo cáo của Mỹ cho biết: “Giới lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra tự tin vào cách tiếp cận phi thị trường do nhà nước lãnh đạo đối với nền kinh tế và thương mại và cảm thấy không cần tuân thủ các chuẩn mực toàn cầu”.
Văn phòng thương mại Mỹ cho biết họ đang tiếp tục nói chuyện với Trung Quốc về ‘đạt được thay đổi thực sự cách hoạt động kinh tế và thương mại’. Và họ đang làm việc với các đồng minh – và thông qua WTO – để gây áp lực lên chính phủ Trung Quốc.
Không nêu chi tiết, báo cáo cho biết Mỹ đang tìm hiểu những cách thức mới ‘để sử dụng một cách chiến lược các công cụ thương mại trong nước cần thiết để đạt được một sân chơi bình đẳng hơn với Trung Quốc vì lợi ích người lao động và doanh nghiệp Mỹ’.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đánh thuế lên khoảng 360 tỷ USD
hàng nhập khẩu của Trung Quốc – và chính quyền Biden vẫn giữ nguyên mức
thuế này.
Để giảm căng thẳng, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được cái gọi là thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hồi tháng 1 năm 2020. Trong số những cam kết, Trung Quốc đã đồng ý tăng cường mua nông sản Mỹ.
Nhưng trong một báo cáo hồi tuần trước, ông Chad Bown thuộc Viện Thương mại Quốc tế Peterson đã tính toán Trung Quốc chỉ mua được 57% hàng Mỹ theo mức mà họ đã cam kết.
(AFP) – Bắc Triều Tiên: Không phóng tên lửa nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Jong Il. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, con trai cố lãnh tụ Kim Jong Un, chủ trì lễ sinh nhật của cha tại thành phố Samjiyon gần núi Paektu, nơi ông Kim Jong Il ra đời ngày 16/02/1942, theo lịch sử chính thức. Không có diễu binh trong dịp lễ kỷ niệm này. Theo một số chuyên gia, Bình Nhưỡng có thể sử dụng ngày kỷ niệm 110 năm sinh nhật Kim Nhật Thành, tức ông nội của Kim Jong Un, vào ngày 15/04, để tiến hành một vụ thử vũ khí lớn.
(AFP) – Nhiều tổ chức phi chính phủ lo ngại cho 200 trẻ em Pháp, đang bị giam tại các trại của người Kurdistan ở Syria. Hôm qua, 15/02/2022, một số tổ chức phi chính phủ một lần nữa kêu gọi chính phủ Pháp hành động để cứu các trẻ em Pháp. Các trận giao tranh ác liệt giữa lực lượng người Kurdistan và lực lượng thánh chiến Hồi Giáo Daech tại khu vực này hồi tháng Giêng, đe dọa tính mạng các em nhỏ. Liên đoàn vì Nhân quyền, và nhiều tổ chức khác như Ân Xá Quốc Tế, vận động chính phủ đưa về nước 200 trẻ em. Các em nhỏ này là con cái các phụ nữ Pháp gia nhập Daech, bị lực lượng Kurdistan bắt làm tù binh.
(AFP) – Các bộ trưởng phụ trách Không Gian của Liên Âu bàn việc bảo vệ an toàn hệ thống định vị vệ tinh của Liên Âu. Cuộc họp diễn ra tại thành phố Toulouse của Pháp hôm nay, 16/02. Hai chủ đề trọng tâm là bảo vệ an toàn cho hệ thống định vị vệ tinh và quản lý các mảnh vỡ không gian. Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của bộ trưởng Kinh Tế Pháp, Bruno Le Maire.
(Reuters) – Pháp: Xuất khẩu rượu vang và rượu mạnh đạt kỷ lục. Doanh thu rượu vang và rượu mạnh xuất khẩu của Pháp năm ngoái đạt 15,5 tỷ euro vào năm 2021, tăng 28% so với năm 2020 và 11% so với năm 2019, tức năm bắt đầu đại dịch. Theo Liên Đoàn Xuất Khẩu Rượu Pháp FEVS, lượng hàng xuất khẩu năm ngoái sang Hoa Kỳ tăng 34%, đạt 4,1 tỉ euro. Mỹ là thị trường xuất khẩu rượu lớn nhất của Pháp.
(AFP) – Mỹ: Bồi thường 73 triệu đô la cho gia đình các nạn nhân của vụ Sandy Hook. Nhà sản xuất vũ khí Remington của Mỹ đã đồng ý bồi thường 73 triệu đô la cho gia đình của 9 nạn nhân trong vụ xả súng ở trường học Sandy Hook năm 2012, một quyết định được giới bảo vệ nhân quyền mô tả là « lịch sử ». Gia đình các nạn nhân thông báo tin trên hôm qua, 15/02/2022. Ngày 14/02/2012, Adam Lanza đã dùng súng Bushmaster XM15-E2S giết hại 26 người, trong đó có 20 trẻ em và 6 người lớn, tại trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, Connecticut (Hoa Kỳ).
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220216-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p