Cựu đại sứ Mỹ nói gì về các nguyên thủ Việt Nam, tham nhũng và thách thức ‘địa lý’
3/02/2022 –VOA Tiếng Việt – Trung Quốc là nguyên nhân cản trở sự phát triển mối quan hệ giữa Washington và Hà Nội, theo ĐS Ted Osius
Cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius đưa ra những nhận định về các nguyên thủ của
Việt Nam, cả hiện tại và trong quá khứ, trong đó Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng được ông cho là người “không trong sạch” khi điều hành quốc gia
Đông Nam Á “có nhiều tham nhũng.”
Các nhận định được ông Osius, người làm đại sứ ở Việt Nam từ 2014-2017, đưa ra trong một dịp nói chuyện với những người thuộc cộng đồng Mỹ gốc Việt nhân một buổi giới thiệu và ký cuốn sách mới của ông gần đây tại Nam California.
Tại buổi ký sách ở Barnes & Noble tại Huntington Beach, ông
Osius, người mới cho ra mắt cuốn sách “Không gì là không thể: Quá trình
hoà giải của Mỹ với Việt Nam” (Nothing is impossible: America’s
reconciliation with Vietnam) còn đưa ra những nhận định về các thách
thức đối với sự phát triển mối quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù.
Khi được hỏi về đánh giá của ông đối với các lãnh đạo hiện tại của
Việt Nam, người có 30 năm kinh nghiệm ngoại giao ở quốc gia Đông Nam Á
cho rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người “kín đáo” trong khi Chủ
tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là người “cởi mở” và “thân thiện.”
Ông Osius là người thiết kế cho chuyến thăm của ông Trọng tới
Washington năm 2015, mà ông gọi là thành tựu lớn nhất trong nhiệm kỳ làm
đại sứ của mình ở Việt Nam. Khi đó vị tổng bí thư của Việt Nam trở
thành nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản đầu tiên được tiếp đón tại Nhà Trắng,
gặp mặt Tổng thống Barack Obama ở phòng Bầu Dục. Trong một cuộc phỏng
vấn trước đây với VOA, ĐS Osius nói sau chuyến thăm này mối quan hệ giữa
hai nước trở nên mật thiết hơn với hai chuyến thăm đầu tiên của hàng
không mẫu hạm Mỹ tới Đà Nẵng kể từ khi chiến tranh kết thúc.
“Tôi đi cùng ông Trọng khi ông ấy tới Washington và tôi đã có thời
gian làm việc với ông ấy ở Hà Nội nên tôi hiểu về ông ấy một chút,” ĐS
Osius nói. “Tôi xem ông ấy như một nhà giáo, vì ông ấy kín tiếng hơn và
không cho tôi thấy ông ấy là người như thế nào nhiều như ông Nguyễn Tấn
Dũng.”
Ông Osius cũng là người tháp tùng ông Phúc, khi đó là thủ tướng Việt
Nam, tới Washington trong chuyến thăm Nhà Trắng vào tháng 5/2017, chỉ
vài tháng sau khi ông Donal Trump nhậm chức. Việc này cũng được ông
Osius nhắc đến trong cuốn sách của ông vừa ra mắt hồi tháng 10 năm
ngoái, trong đó ông nói rằng ông đã đưa ra lời khuyên cho thủ tướng Việt
Nam, trên chuyến bay tới Washington, khi được ông Phúc hỏi nên làm gì
khi gặp Tổng thống Trump ở Nhà Trắng.
Theo cựu đại sứ Mỹ, ông Phúc đã xử lý được tình huống mà ông Osius,
người từ chức đại sứ trước thời hạn năm 2017 để phản đối chính sách trục
xuất di dân Chiến tranh Việt Nam của Tổng thống Trump, gọi là “rất điên
rồ” tại Nhà Trắng khi là “chính mình” như lời khuyên của ông.
“Tôi không biết ông (Phúc) nhiều như Nguyễn Tấn Dũng nhưng chúng tôi
đã rất thân thiện với nhau,” ĐS Osius nói về ông Phúc. “Tôi rất tôn
trọng ông Phúc. Tôi xem ông ấy như một chính trị gia hiểu biết và cũng
là một anh hào.”
Trong nước, ông Phúc được biết với những phát ngôn được xem là “rất
nổ” và những cử chỉ được cho là “gần gũi quá mức cần thiết” với các
nguyên thủ nước ngoài như trường hợp chủ động nắm tay Thủ tướng Canada
Justin Trudeau.
ĐS Osius cho biết ông có “mối quan hệ thân thiết hơn” với ông Nguyễn
Tấn Dũng, người làm thủ tướng trong 10 năm từ 2006 đến 2016, vì cả hai
đã có nhiều thời gian cùng làm việc khi thương thảo Hiệp định Đối tác
xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà nay trở thành Hiệp định Đối tác Toàn
diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Mỹ rút lui.
“Ông Ted Osius là một người hiểu rất rõ về Việt Nam và những nhận
định về ông Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Nguyễn Tấn
Dũng, tôi nghĩ rằng ông Osius nhận định rất chính xác,” Luật sư Vũ Đức
Khanh, một giáo sư giảng dạy luật bán thời gian ở Đại học Ottawa của
Canada và chuyên nghiên cứu về chính trường Việt Nam, nói với VOA.
Theo vị giáo sư nghiên cứu về quan hệ và luật pháp quốc tế, ông Trọng
là người kín đáo và ngoại giao vì là “người miền Bắc” trong khi ông
Phúc là người miền Trung nên “xởi lởi” hơn. Theo tiểu sử được truyền
thông trong nước công bố, ông Trọng sinh ra ở Bắc Ninh còn ông Phúc sinh
ra ở Đà Nẵng.
Tham nhũng và Nguyễn Tấn Dũng
Nhận định về ông Dũng, người được xem là thân Mỹ hơn các lãnh đạo
Việt Nam khác, LS Khanh cho rằng ông là thủ tướng duy nhất ở Việt Nam,
từ thời Phạm Văn Đồng tới Phạm Minh Chính hiện nay, “có đủ bản lĩnh để
làm bước chuyển đổi của Việt Nam sang giai đoạn mới.” LS Khanh, từng là
phó tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam tại hải ngoại, cho biết ông được
tiếp xúc với ông Dũng qua điện thoại một lần trong thời gian cùng làm
việc với chính phủ của ông Dũng vào năm 2015-2016.
Ông Dũng, là thủ tướng Việt Nam lúc đó, đã đồng ý ký TPP, hiệp định
thương mại tự do được xem là lớn nhất thế giới, vào tháng 2/2016. Tuy
nhiên, ông Dũng thua ông Trọng trong cuộc đua giành ghế tổng bí thư năm
2016 và sau đó rút khỏi chính trường Việt Nam khi muốn “làm người tử
tế.” Di sản mà ông Dũng để lại sau 10 năm làm thủ tướng là khoản nợ quốc
tế lớn nhất của Việt Nam cùng sự vỡ nợ của các tập đoàn kinh tế nhà
nước và tham nhũng tràn lan. Cuộc chiến chống tham nhũng do ông Trọng
phát động ngay khi giành được nhiệm kỳ tổng bí thư lần thứ 2 vào năm
2016 được cho là nhắm vào ông Dũng.
“Có tham nhũng trong thời gian tôi làm đại sứ,” ĐS Osius nói được hỏi
về nhận định của ông về tình hình tham nhũng ở Việt Nam. “Có rất nhiều
tham nhũng, bao gồm cả những người tôi yêu mến, như (Thủ tướng) Nguyễn
Tấn Dũng. Ông ấy không trong sạch.”
Vị cựu đại sứ Mỹ không đưa ra thêm chi tiết để giải thích vì sao ông
có nhận định như vậy về cựu thủ tướng Việt Nam. Tuy nhiên, ông Osius cho
biết có những người đã lựa chọn không tham gia vào “hệ thống” đó khi từ
chối những cơ hội để nhận hối lộ hay dính líu tới tham nhũng.
Việt Nam luôn nằm trong nhóm các nước được xem là có vấn nạn tham nhũng lớn. Theo chỉ số của Transparency International, Việt Nam xếp hạng 87/180 nước trên thế giới, với độ tăng dần về tham nhũng theo thứ hạng. Dữ liệu của Statista cho thấy chỉ số tham nhũng ở Việt Nam ngày càng tăng trong 10 năm trở lại đây, với đỉnh điểm là năm 2021.
Chiến dịch mà truyền thông trong nước gọi là “đốt lò” của ông Trọng
được xem là phiên bản “đả hổ diệt ruồi” của Việt Nam theo chiến dịch
chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình ở Trung Quốc. Nhiều quan chức
dưới thời Thủ tướng Dũng, trong đó có cố Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà –
người được xem là thân cận nhất của ông Dũng – và cựu Bộ trưởng Giao
thông Vận tải Đinh La Thăng, đã bị đưa ra xét xử và kết án tù.
“Chiến dịch lớn này do ông Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu. Tôi không biết
đã có những tiến triển như thế nào (với chiến dịch chống tham nhũng
này,” ĐS Osius nói và cho rằng tham nhũng là một vấn đề lớn không chỉ ở
Việt Nam mà còn cả ở khu vực Đông Nam Á.
Ông Osius cũng thừa nhận có tham nhũng ở Mỹ nhưng dưới những dạng
khác, với một ví dụ mà vị cựu đại sứ này đưa ra là ở cuộc bầu cử Tổng
thống năm 2020. Tuy nhiên, vấn đề tham nhũng ở Mỹ, theo ông Osius, được
đưa ra ánh sáng nhiều hơn nhờ có nền báo chí tự do, trong khi báo chí ở
Việt Nam chịu sự quản lý của Đảng và Nhà nước.
“Nếu bạn muốn giải quyết vấn đề tham nhũng, bạn cần phải có nền báo
chí tự do và tôi nghĩ đó là cái đang thiếu ở Việt Nam,” ĐS Osius nói.
Việt Nam được xem là không có tự do báo chí khi bị tổ chức Phóng viên
Không Biên giới cho vào nhóm 5 quốc gia cuối bảng Chỉ số Tự do Báo chí
thế giới.
Thách thức “địa lý”
Mặc dù có những sự khác biệt trong cách tiếp cận nhưng Đại sứ Osius,
người bắt đầu sự nghiệp ngoại giao ở Việt Nam vào năm 1994, cho rằng các
lãnh đạo của Việt Nam đều mong muốn một mối quan hệ thân thiết hơn giữa
Hà Nội và Washington.
Tuy nhiên, điều này không dễ dàng vì một trở ngại lớn mà ông Osius
gọi là “địa lý” khi Việt Nam có một láng giềng “phương Bắc” khiến mối
quan hệ giữa Washington và Hà Nội phát triển chậm do sự thận trọng của
Việt Nam khi phải xem ý của Trung Quốc.
“Bất cứ một nhà lãnh đạo không ngoan nào của Việt Nam cũng đều phải
cân bằng mong muốn trở nên thân mật hơn với Mỹ với sự cần thiết không
được chọc tức Trung Quốc nhiều quá,” ĐS Osius nói. “Tôi không nghĩ điều
đó tạo ra giới hạn cho mối quan hệ (giữa Việt Nam và Mỹ) nhưng nó làm
chậm sự tiến triển bởi vì người Trung Quốc không muốn Việt Nam và Mỹ trở
nên thân thiết.”
Mối quan hệ giữa Hà Nội và Washington đặc biệt trở nên nồng ấm hơn
trong những năm gần đây khi Việt Nam trở thành trọng tâm trong chiến
lược gắn kết hơn với khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ nhằm kiềm toả
sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Việt Nam và Trung Quốc, dù có nhiều xung đột về lãnh thổ,
vẫn là hai quốc gia cộng sản láng giềng có cùng chung ý thức hệ. Trước
khi các lãnh đạo Việt Nam đi thăm Mỹ, họ thường có chuyến công du tới
Bắc Kinh hoặc gặp gỡ các quan chức Trung Quốc trước khi tiếp đón lãnh
đạo của Mỹ. Chỉ vài giờ trước chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala
Harris tới Hà Nội hồi tháng 8 năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã
tiếp Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba. Những động thái như vậy luôn được xem là
sự cân bằng của Hà Nội trong mối quan hệ với cả Washington và Bắc Kinh.
“Việt Nam phải có một chính sách thực sự là thông minh để có thể giữ
vững được độc lập,” LS Khanh nhận định khi cho rằng Trung Quốc là một
cường quốc ngay sát cạnh Việt Nam và lãnh đạo Hà Nội khó lòng mà ngả hẳn
về phía Washington khi hai cường quốc lớn nhất thế giới đối đầu nhau.
Theo LS Khanh, Việt Nam cũng không thể đối đầu với Trung Quốc mà thay vào đó cùng hợp tác với Mỹ và khối các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để đối trọng với “nước láng giềng Phương Bắc” khổng lồ. Còn ĐS Osius, hiện là CEO của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, hy vọng Thủ tướng Phạm Minh Chính trong năm nay sẽ có chuyến thăm tới Mỹ trong lúc Hà Nội và Washington đang tạo dựng thêm lòng tin để thúc đẩy mối quan hệ giữa hai cựu thù có nhiều lợi ích chung trước một Trung Quốc đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng.