Khủng hoảng Ukraine: Cú bắt tay Nga – Trung trên thị trường dầu khí làm vô hiệu đe dọa từ phương Tây
09/02/22 – Dầu khí vừa là sức mạnh vừa điểm yếu của Nga. Đáng tiếc, trong mùa đông 2022, giá dầu tăng mạnh do chính sách biến đổi khí hậu của chính quyền ông Biden, sự suy yếu trong tiếng nói của Mỹ ở Trung Đông, chuỗi cung ứng đứt gãy vì COVID-19 đã trở thành ‘thiên thời’ cho Nga. Chưa kể, Nga còn đắc ‘địa lợi’ từ cú bắt tay với Trung Quốc với các hợp đồng cung cấp dầu khí khủng. Mọi đe dọa của phương Tây trở nên vô hiệu trong cuộc khủng hoảng Ukraine và sự bất lực của ông Biden.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) chúc mừng Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi trao tặng ông Huân chương Hữu nghị tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 8/6/2018. (Greg Baker / AFP / Getty Images)
Có vẻ như Nga rất thích sử dụng mùa đông để triển khai các trận đánh quyết định. Napoleon thất bại trong mùa đông nước Nga. Crimea bị Nga chiếm gọn mà phương Tây chỉ phản ứng yếu ớt vào cuối Thế vận hội mùa đông Sochi 02/2014. Lần này, cũng lại là mùa đông… nhưng thế mạnh của Nga còn được tăng cường bởi cú bắt tay với Trung Quốc trên thị trường dầu khí khiến mọi đe doạ của phương Tây trở nên lu mờ. Số phận của Ukraine có lẽ cũng vậy trong mùa đông 2022.
Khác với khi Napoleon tiến quân vào nước Nga, thời đó Nga chưa có dầu khí, Nga chỉ có mùa đông. Thời đó, Napoleon đang bất khả chiến bại, xây dựng một đế chế Pháp hùng mạnh nhất châu Âu. Nhưng tất cả sức mạnh đó đã phải quy phục trước mùa đông nước Nga.
Bại chiến trong mùa đông 1812 ở Nga đã làm giảm sức mạnh của Đế chế Pháp và lực lượng đồng minh, gây nên một sự thay đổi lớn trong nền chính trị ở châu Âu; cuộc chiến làm suy giảm đáng kể quyền bá chủ của Pháp ở châu Âu. Danh tiếng của Napoleon là một thiên tài quân sự bất khả chiến bại dường như đã bị lung lay. Trong khi các đồng minh của Pháp trước đây, đầu tiên là Phổ và sau đó là Áo, đã lần lượt phá vỡ liên minh, và chuyển sang chống lại, gây nên cuộc chiến Liên minh thứ sáu.
Giờ đây, Nga dường như vẫn lấy mùa đông là lợi thế trong các cuộc chiến của họ; không phải để kẻ thù phải mắc kẹt trong lòng nước Nga, mà là do dầu khí; thứ vàng đen mà nền kinh tế Nga vừa phụ thuộc vừa có sức mạnh mặc cả với châu Âu.
Dầu khí: Điểm yếu của Nga được Trung Quốc hoá giải
Chủ nghĩa phiêu lưu hiện đại của Nga gắn liền với giá dầu. Với giá dầu hiện trên 90 USD/thùng, người Nga đang thu về 1 tỷ USD ngoại tệ mỗi ngày và các lệnh trừng phạt sẽ không ảnh hưởng đến thu nhập đó. Dầu là một loại hàng hóa có thị trường rất lớn. Sẽ luôn có một thị trường cho dầu của Nga ở đâu đó.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2017 ở Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc, 05/09/2017. (Ảnh: Kenzaburo Fukuhara / AFP / Getty Images)
Quả thực là vậy, đằng sau Nga còn có Trung Quốc, kẻ khát dầu lớn nhất thế giới. Chưa kể, hai quốc gia có lãnh số rộng lớn số 1 và số 2 thế giới này lại cùng chung kẻ thù: Mỹ. Với Trung Quốc, Mỹ là mâu thuẫn hệ tư tưởng, là rào cản để Trung Quốc thống trị thế giới này. Với Nga, Mỹ thất hứa về chiến lược của NATO từ năm 1996 (dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton); NATO không ngừng mở rộng biên giới về sườn đông của Nga; Mỹ và NATO cũng không ngừng miệt thị Nga và đẩy Nga vào thế đối kháng sau khi Liên Xô tan rã.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 4/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố các hợp đồng mới cung cấp khí đốt tự nhiên và dầu mỏ của Nga cho Trung Quốc, ước tính trị giá 117,5 tỷ USD.
Theo tin từ trang bnews.vn, tại cuộc gặp với ông Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Các nhà khai thác dầu mỏ của chúng tôi đã chuẩn bị những giải pháp tốt nhất để cung cấp cho Trung Quốc và là bước tiến mới được thực hiện trong ngành công nghiệp khí đốt”.
Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã đồng ý cung cấp 10 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm từ vùng Viễn Đông của Nga cho Công ty năng lượng nhà nước CNPC của Trung Quốc. Đàm phán thỏa thuận này có thời hạn 25 năm, giá trị của những lô hàng này khoảng 37,5 tỷ USD.
Ngoài ra, Tập đoàn dầu mỏ Rosneft của Nga đã ký thỏa thuận với CNPC để cung cấp 100 triệu tấn dầu mỏ qua Kazakhstan trong 10 năm tới. Theo Rosneft, hợp đồng trị giá 80 tỷ USD. Các thỏa thuận mới đã hỗ trợ đồng ruble Nga và thị trường chứng khoán Nga, bao gồm cả cổ phiếu của Rosneft và Gazprom.
Trong tuyên bố ngày 4/2, Gazprom cho biết kế hoạch tăng xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc lên 48 tỷ mét khối mỗi năm, thông qua một đường ống mới được thỏa thuận sẽ vận chuyển 10 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm từ vùng Viễn Đông của Nga, nhưng không tiết lộ thời điểm dự định đạt được mục tiêu này.
Theo các kế hoạch trước đây, nguồn cung khí đốt của Nga cho Trung Quốc sẽ đạt 38 tỷ mét khối vào năm 2025. Hiện Nga đang cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua đường ống Sila Siberi, đi vào hoạt động năm 2019 và bằng các lô hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Giá dầu leo thang luôn là ‘thiên thời’ để Nga tham chiến
Năm 1979, khi người Nga xâm lược Afghanistan, giá dầu ở mức 115 USD/thùng. Vào năm 2014, khi Crimea bị xâm lược, giá dầu thậm chí còn cao hơn, ở mức 120 USD/thùng. Ngược lại, vào năm 1986, khi Gorbachev từ bỏ việc cạnh tranh quân sự với Mỹ, giá dầu đã giảm xuống còn 11 USD/thùng. Nếu không có đồng tiền mạnh từ dầu mỏ, Nga không còn đủ khả năng để chơi trò chơi siêu cường. Dầu là một phần quan trọng của nước này.
Cuối cùng, Nga có thể sẽ kết thúc với một phần phía đông Ukraine, nơi phần lớn người dân tộc Nga sinh sống. Về mặt nhân khẩu học, người Nga đang dần héo mòn và Putin muốn càng nhiều người Nga ở Nga càng tốt. Những gì còn lại của Ukraine sẽ không gia nhập NATO và thực sự sẽ là một vệ tinh của Nga. Nhân khẩu học có thể thay đổi. Địa lý thì không bao giờ. Người Ukraine đen đủi vì vị trí của họ gần Nga và địa hình không có khả năng phòng thủ.
Màn hình phát đi hình ảnh Tổng thống Putin ở Crimea, vùng đất của Ukraine bị Nga chiếm và sau đó sáp nhập vào Nga năm 2014. (Ảnh: Getty Images)
Điều đó không công bằng, nhưng có rất nhiều bất công trên thế giới này. Người dân Mỹ lấy làm tiếc về điều này. Nhưng người Mỹ có thể chiến đấu để ngăn chặn sự đen đủi cho người Ukraine hay sao? Người Mỹ đã học được rất nhiều điều từ cuộc chiến ở Việt Nam, Iraq và Afghanistan. Kể từ bây giờ, người Mỹ, có vẻ như, sẽ chỉ chống lại các cuộc chiến tranh khi an ninh quốc gia của họ bị đe dọa. Đó chắc chắn không phải là trường hợp ở Ukraine.
Giá dầu leo thang, sự hỗ trợ từ thị trường dầu thô cực lớn từ Trung Quốc đã làm vô hiệu hoá các đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ và châu Âu.
Gần đây nhất, tại cuộc gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 7/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng ông sẽ “kết thúc” đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga đến châu Âu nếu Moscow điều quân vào Ukraine, đồng thời nhấn mạnh sự thống nhất với Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong nỗ lực ngăn chặn chiến tranh ở châu Âu.
Nhưng như đã phân tích ở trên, Nga đang có ‘thiên thời’ vì giá dầu leo thang ngất ngưởng, vì ngay cả khi không có châu Âu thì Nga vẫn còn có Trung Quốc, thị trường rộng lớn hơn và cũng rất gần Nga. Nhưng không có dầu khí của Nga, châu Âu chưa chắc nhẹ nhõm đến thế. Chưa kể ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông và nhóm OPEC+. Nhóm này đã hầu như không thèm đáp trả bất cứ yêu cầu nào của Tổng thống Mỹ đương nhiệm về việc tăng cường lượng dầu khai thác để hạ giá dầu thô trên toàn cầu. Chưa bao giờ Mỹ lại thất bại đến thế về dầu thô khi Tổng thống Mỹ phải mở kho dầu dự trữ như một ‘chiến lược’ chống lại OPEC+. Mở kho dầu dự trữ không nên coi là chiến lược, nó chỉ là chiến thuật trong lúc bế tắc mà thôi. Đó là sự thừa nhận thất bại và yếu nhược của chính phủ Mỹ về giá dầu, điều tiết giá dầu toàn cầu.
Ông Biden tự lấy đá ghè chân mình khi đẩy giá dầu lên cao: Nga chiếm ‘địa lợi’
Chuyên gia Fritz Pettyjohn (trong một bài viết đăng trên trang American Thinker) khẳng định rằng ông Joe Biden sẽ phải chịu trách nhiệm về cuộc xâm lược Ukraine của Nga (nếu nó diễn ra).
Bắt đầu từ ngày đầu tiên nắm quyền, vì việc hủy bỏ đường ống dẫn Keystone, ông Biden đã tuyên chiến với khả năng sản xuất năng lượng của Mỹ; thực ra là với an ninh năng lượng Mỹ. Xa hơn, đó là quyền lực địa chính trị của Mỹ trên toàn cầu.
Đối với chính quyền ông Biden và những người cực đoan về môi trường, đó là cái giá phải trả của việc chống lại biến đổi khí hậu. Đó là một mức giá cao, nhưng ông Biden sẵn sàng khiến cả nước Mỹ phải trả giá cho việc này. Ông Biden muốn giá năng lượng cao để giảm tiêu thụ, giảm ô nhiễm và khuyến khích chuyển đổi sang các nguồn năng lượng thay thế. Khi ông Biden nhậm chức, giá dầu ở mức 50 USD/thùng, hiện đã leo lên 90 USD/thùng và sẽ sớm lên tới 100 USD/thùng.
Tổng thống Joe Biden huỷ bỏ dự án đường ống dẫn dầu thô Keystone XL từ Canada nhưng lại ủng hộ đường ống dẫn dầu cát Line 3 của Enbridge cũng từ Canada. (Ảnh: KEREM YUCEL/AFP qua Getty Images)
Giá dầu cao đã làm giàu thêm cho một số kẻ vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới, trong đó Tổng thống Nga Putin, có hoàng gia Ả Rập Saudi và Iran. Để hạn chế sự giàu có và những mối bất hòa mà họ gây ra, đáng lẽ Mỹ cần khuyến khích sản xuất dầu khí ở Bắc Mỹ. Hoạt động sản xuất đá phiến của Mỹ đã giúp giảm giá dầu. Mỹ có thể làm như vậy một lần nữa. Các vùng đất liên bang, đặc biệt là Khu Vực Bảo Tồn Sinh Thái Quốc Gia ở Bắc Cực ( ANWR ) của Alaska, cần được mở cửa trở lại để thăm dò và khai thác. Nhưng đáng tiếc là, với chính sách của ông Biden, ngay cả khi quay trở lại chính sách trọng an ninh năng lượng, vị thế của Mỹ hơn môi trường ngay lúc này thì người Ả Rập Saudi, người Nga và người Iran đã kịp vượt mặt Mỹ trong một số năm rồi.
Mỹ đã đi đúng hướng dưới thời Tổng thống Trump. Đáng tiếc, tất cả đã đảo ngược ngay khi ông Trump không thể tái đắc cử.
Liên minh chính trị hạ bệ ông Trump vào năm 2020 đã rất cuồng tín với quyết tâm của mình. Những người sẵn sàng vi phạm pháp luật, phá hủy uy tín của chính họ, và vi phạm mọi quy tắc chính trị của Mỹ. Tất cả chúng ta đều phải trả giá cho sự cuồng tín này. Đáng buồn thay, Ukraine cũng vậy.
Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.
Thuỷ Tiên – Thanh Đoàn