Four Chaplains Day – Ngày Bốn Tuyên úy

Cac Bai Khac

No sub-categories

Four Chaplains Day – Ngày Bốn Tuyên úy

4-2-2022 – Bạn đã từng đọc chưa? Nếu chưa và muốn thử tìm hiểu xem họ như thế nào, hãy dùng Google với key word là “Tuyên úy”. So với Four Chaplains, họ chẳng khác lắm đâu!

Hôm qua – 3/2/2022 – người Mỹ, đặc biệt là những người Mỹ đã hoặc đang phục vụ quân đội tưởng niệm Four Chaplains Day (Ngày Bốn Tuyên úy).

USCGC Escanaba giải cứu USAT Dorchester ngày 3 tháng Hai, 1943. (Hình: United States Coast Guard Historian’s Office)

Quân đội nhiều quốc gia, kể cả quân đội Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam
có đội ngũ Tuyên úy (Chaplain). Tuyên úy là cách gọi những tu sĩ, giáo
sĩ của các tôn giáo được mời gọi và tình nguyện phục vụ quân đội. Các
Tuyên úy là những người nâng đỡ tinh thần quân nhân, nhắc nhở, hỗ trợ
quân nhân giữ gìn lương tri, tôn trọng phẩm giá con người.

Bốn Tuyên úy được tưởng niệm trong Four Chaplains Day là Alexander D.
Goode – một Giáo sĩ Do Thái giáo, John P. Washington – một Linh mục
Công giáo và hai Mục sư của hai Giáo phái Tin Lành: George L. Fox
(Methodist – Giám lý), Clark V. Poling (Reformed Church – Tân giáo).

Khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, cả bốn vị vừa kể tình nguyện phục vụ
quân đội Mỹ, họ cùng tham dự một khóa hướng dẫn về công việc Tuyên úy ở
Harvard, sau đó được chỉ định đến phục vụ các đơn vị khác nhau của Lục
quân Mỹ ở các căn cứ nằm rải rác tại nhiều tiểu bang: Maryland, North
Carolina, Mississippi.

Đầu năm 1943, bốn vị Tuyên úy này tiếp tục được điều động sang châu
Âu. Họ cùng có mặt trên USAT Dorchester – một thương thuyền hoạt động
cận duyên được quân đội Mỹ trưng dụng để vận chuyển quân nhân Mỹ sang
châu Âu. USAT Dorchester nhổ neo rời New York ngày 23/1/1943 cùng với
hai thương thuyền khác.

Ba thương thuyền được trưng dụng để vận chuyển quân nhân, quân nhu,
quân cụ sang châu Âu được hộ tống bởi ba chiến hạm loại nhỏ của lực
lượng phòng vệ bờ biển.

Tuy hải trình đầy nguy hiểm vì tàu ngầm của Đức Quốc xã thường xuyên
theo dõi, tấn công các tàu qua lại trên hải lộ này nhưng tình thế buộc
quân đội Mỹ phải mạo hiểm. Đó cũng là lý do thuyền trưởng của USAT
Dorchester ra lệnh cho tất cả những người có mặt trên tàu của ông phải
luôn luôn sẵn sàng, tất cả phải mặc đủ đồ ấm và mang phao cứu sinh kể cả
khi ngủ. Tuy nhiên do hầm tàu rất nóng, đa số không tuân thủ lệnh này,
họ không mặc quần áo và cũng chẳng mang phao cứu sinh. Cuối cùng, thảm
kịch không ai mong muốn đã xảy ra: Rạng sáng ngày 3/2/1943 – mười ngày
sau khi USAT Dorchester rời khỏi New York, tàu bị trúng ngư lôi…

Toàn bộ hệ thống điện trên USAT Dorchester trở thành vô dụng. Trời
tối, hầm tàu còn tối hơn và những người lính nháo nhào tìm cách thoát ra
ngoài trước khi con tàu bị đắm…

Giữa sự hỗn loạn không thể nào tả được đó, bốn vị Tuyên úy có mặt
trong hầm tàu đã cùng với nhau trấn an những người lính, giúp họ trấn
tĩnh để có thể tự cứu chính họ cũng như cứu những đồng đội khác! Bốn
giáo sĩ của những tôn giáo khác nhau đã phối hợp với nhau rất hiệu
quả!.. Nhờ bình tâm, những người lính đã giúp nhau thoát ra ngoài, tìm
và chia phao cứu sinh cho nhau, tránh được tình huống bấu víu vào nhau
rồi chết chùm. Khi người ta không thể tìm thêm được chiếc phao cứu sinh
nào nữa, bốn giáo sĩ – những người rất nghiêm túc trong việc thực hiện
yêu cầu sẵn sàng của thuyền trưởng USAT Dorchester – đã cởi áo phao của
họ, trao cho những người chưa có.

Binh nhì John J. Mahoney kể rằng, Tuyên úy Goode đã chặn anh lại khi
thấy anh tìm cách trở về cabin để tìm một đôi găng tay vì sợ sẽ không
thể sống sót giữa đêm đông trên Đại Tây Dương. Tuyên úy Goode trao cho
Mahoney một đôi găng tay và trấn an Mahoney thêm một lần nữa, rằng ông
có hai đôi. Trước khi nhảy xuống biển, Mahoney nhận ra Tuyên úy Goode
đã… nói dối. Ông đã trao cho Mahoney đôi găng duy nhất của ông… Binh nhì
William B. Bednar kể một câu chuyện khác, giữa những tiếng khóc, nguyền
rủa số phận và những xác chết dập dềnh, Bednar nghe các Tuyên úy nhắc
nhở về dũng khí, những lời nhắc nhở ấy đã giữ cho Bednar không chấp nhận
xuôi tay chịu chết…

Grady Clark nói về những hình ảnh cuối cùng mà anh nhìn thấy khi USAT
Dorchester từ từ chìm sâu xuống đáy biển: Giữa những đốm lửa lập lòe,
cả bốn vị Tuyên úy vẫn ở trên tàu, họ đã nhường phao cứu sinh, họ không
có cơ hội sống sót, họ khoác tay nhau, cầu nguyện, ca hát xin Thượng đế
ban bình an cho những đồng loại của họ…

USAT Dorchester chở 940 quân nhân. Nhiệt độ nước biển ở Đại Tây Dương
khi thương thuyền chạy bằng hơi nước này trúng ngư lôi là 1 độ C. Chỉ
có 229 người sống sót! Người Mỹ gọi bốn Tuyên úy vừa kể là những “Tuyên
úy bất tử”. Năm 1988, Quốc hội Mỹ quyết định chọn ngày 3 tháng 2 hàng
năm là Four Chaplains Day (1).

***

Sử sách không có những câu chuyện về các Tuyên úy người Việt trong
cuộc nội chiến 1954 – 1975 nhưng một số người sống sót qua các trại cải
tạo dành cho những sĩ quan, viên chức của quân đội, hệ thống chính trị,
hệ thống công quyền miền Nam Việt Nam có kể qua về các vị Tuyên úy của
cả Phật giáo lẫn Công giáo – những cá nhân mà chính quyền cộng sản xem
là… ác ôn, là có… nợ máu với nhân dân, chẳng hạn Thượng tọa Thích Thanh
Long (2).

Bạn đã từng đọc chưa? Nếu chưa và muốn thử tìm hiểu xem họ như thế nào, hãy dùng Google với keyword là “Tuyên úy”. So với Four Chaplains, họ chẳng khác lắm đâu!

BTrân Văn – Blog VOA

Chú thích

(1) https://militarybenefits.info/four-chaplains-day/

(2) https://thuvienhoasen.org/a13688/nha-su-cua-toi

Source:
https://baotiengdan.com/2022/02/04/four-chaplains-day-ngay-bon-tuyen-uy/