Người kế vị của Mao Trạch Đông: ‘Lên voi’ nhờ đảo chính; ‘xuống chó’ cũng vì đảo chính
9 năm kể từ khi ông Tập Cận Bình thượng đài, đám mây “chính biến” đã lờ mờ. Trong lịch sử, giới cao tầng của ĐCSTQ đã nhiều lần phát sinh “chính biến”. Trong số đó, Hoa Quốc Phong, cựu Chủ tịch Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, đã từng trải qua hai lần.
Xin chào quý khán giả! Chào mừng các bạn đến với chuyên mục “Trăm Năm Chân Tướng”. Hôm nay chúng tôi muốn kể với các bạn về hai cuộc “chính biến” mà Hoa Quốc Phong, cựu Chủ tịch Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, đã thân chinh trải qua.
Người kế vị được tuyển định của Mao Trạch Đông
Nhà độc tài Mao Trạch Đông của ĐCSTQ đã chọn bốn người kế vị – Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu, Vương Hồng Văn và Hoa Quốc Phong. Năm 1966, Mao phát động Cách mạng Văn hóa và đả đảo Lưu Thiếu Kỳ, người kế vị đầu tiên mà ông ta chọn, vì Mao hoài nghi rằng Lưu có thể phản bội mình giống như cách mà Khrushchev của Liên Xô đã phản bội Stalin. Lưu bị buộc tội “phản đồ, nội gián, công tặc”, bị khai trừ vĩnh viễn khỏi đảng, và cuối cùng, bị bức hại đến chết.
Vào giữa tháng 8/1971, Mao đi “thị sát” phía Nam, trên đường đi có nhiều bài phát biểu để chuẩn bị cho việc đả đảo Lâm Bưu, người kế nhiệm thứ hai được ông ta chọn, vì Mao nghi ngờ Lâm Bưu muốn “soán đảng đoạt quyền”. Tin tức này truyền đến tai Lâm Bưu, Lâm không muốn bị Mao chỉnh lý đến giết đi sống lại như Lưu Thiếu Kỳ, nên ngày 13/9/1971, ông đã bỏ trốn bằng máy bay, cuối cùng bị vong mạng vì máy bay rơi ở Wendur Khan, Mông Cổ. Sau cái chết của Lâm Bưu, ông bị buộc các tội danh “kẻ dã tâm, âm mưu, kẻ hai mặt, kẻ phản đồ, kẻ bán nước” và các tội danh khác, bị chỉ trích và phê phán kịch liệt.
Năm 1973, Mao Trạch Đông chọn Vương Hồng Văn, người từng làm qua công, nông, binh, làm người kế nhiệm. Tuy nhiên, Vương Hồng Văn là kẻ hữu dũng vô mưu, trước khi chết, Mao đã vô cùng thất vọng về ông ta, cuối cùng Mao đã chỉ định Hoa Quốc Phong làm người kế vị.
Hoa Quốc Phong đã làm việc tại quê hương Hồ Nam của Mao trong 22 năm, và từng là bí thư Quận ủy Tương Đàm, và bí thư thứ nhất của Tỉnh ủy Hồ Nam. Ông ta từng dùng 100 ngày để xây dựng “Nhà triển lãm Thiều Sơn Mao Trạch Đông”, sau đó, một công trình thủy lợi Thiều Sơn dài 240km được xây dựng, những việc này đã giành được sự ưu ái của Mao. Sau khi Mao trở về Hồ Nam, Hoa đã tháp tùng và phục vụ Mao vô cùng tinh tế, chu đáo. Mao nhiều lần khen Hoa là “một người trung thực”.
Năm 1972, được đề cử bởi Mao Trạch Đông, Hoa Quốc Phong kế nhiệm Tạ Phú Trị, người đã qua đời vì bạo bệnh, và trở thành Bộ trưởng Bộ Công an thứ tư của ĐCSTQ. Tháng 8/1973, Hoa trở thành Ủy viên Cục Chính trị ĐCSTQ tại Đại hội toàn quốc lần thứ X ĐCSTQ. Năm 1975, Hoa trở thành Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Công an tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ IV.
Tháng 2/1976, ngay sau khi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai qua đời, Mao đã đề cử Hoa làm quyền Thủ tướng Quốc vụ viện và chủ trì công tác thường nhật của Ủy ban Trung ương. Vào ngày 7/4, Mao đề cử Hoa làm phó chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ và Thủ tướng Quốc vụ viện.
Ngày 30/4 cùng năm, Hoa tháp tùng Mao đến gặp Thủ tướng New Zealand Robert Muldoon. Sau khi Muldoon đi, Mao lưu Hoa lại để cùng nhau bàn bạc tình hình trong nước. Mao để lại cho Hoa ba tờ giấy, nội dung là: “Cứ theo phương án trước đây mà làm”, “Từ từ, không phải vội” và “Ông cứ làm việc, tôi ủng hộ”.
Cuộc chính biến đầu tiên mà Hoa Quốc Phong trải qua
Ngày 9/9/1976, Mao Trạch Đông qua đời vì bạo bệnh. Chưa đầy một tháng sau, một cuộc chính biến đã phát sinh – Hoa Quốc Phong là nhân vật chính phát động chính biến, và cuộc chính biến này cũng được coi là thành tựu lịch sử quan trọng nhất trong cuộc đời ông.
Vào ngày 6/10, Hoa Quốc Phong, với sự hỗ trợ của Nguyên soái ĐCSTQ Diệp Kiếm Anh, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Trung ương và Vương Đông Hưng, Cục trưởng Cục Vệ binh Trung ương và những người khác, đã ngồi trước Hoài Nhân Đường ở Trung Nam Hải, chỉ huy bắt giữ bốn quan chức cấp cao, được gọi là “bè lũ bốn tên”, những kẻ đã hô mưa gọi gió và “chỉnh nhân” vô số người trong Cách mạng Văn hóa, bao gồm: Giang Thanh, vợ của Mao, Phó Trưởng đoàn Cách mạng Văn hóa Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ; Vương Hồng Văn, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, Thường ủy Cục Chính trị Trung ương; Trương Xuân Kiều, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Tổng cục Chính trị ĐCSTQ, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, và Diêu Văn Nguyên, Ủy viên Cục Chính trị ĐCSTQ. Điều này đã đánh dấu sự kết thúc một thập kỷ điên cuồng của Cách mạng Văn hóa.
Đối với vụ bắt giữ này, lịch sử của ĐCSTQ gọi nó là “đập tan ‘Bè lũ bốn tên’”; một số học giả trực tiếp gọi nó là “cuộc đảo chính Hoài Nhân”. Theo hồi ức của Hoàng Giới Nguyên, một cận vệ của Quân đoàn Cảnh vệ Trung ương tham gia truy bắt Giang Thanh, khi Giang Thanh bị bắt, bà ta từng nói một câu: “Chủ tịch xương cốt chưa lạnh, mà các người đã đối xử với tôi như thế này.”
Vào khoảng 10 giờ đêm hôm đó, Hoa Quốc Phong tổ chức cuộc họp khẩn cấp Tổng cục Chính trị ĐCSTQ qua đêm tại tư dinh của Diệp Kiếm Anh ở tòa nhà số 9, Ngọc Tuyền Sơn, Bắc Kinh, để thông cáo về vụ bắt giữ “Bè lũ bốn tên”. Theo đề nghị của Diệp Kiếm Anh và được sự thông qua của Tổng cục Chính trị ĐCSTQ, Hoa Quốc Phong được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương ĐCSTQ kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Hoa trở thành nhà lãnh đạo thứ bảy của ĐCSTQ sau Mao Trạch Đông, và là nhà lãnh đạo duy nhất của ĐCSTQ kiêm nhiệm Chủ tịch Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, và Thủ tướng Quốc vụ viện.
Vào ngày 25/1/1981, tòa án đặc biệt của Tối cao Pháp viện của ĐCSTQ đã tiến hành tuyên án đối với Giang Thanh và những người khác. Giang Thanh vì tội “tổ chức và lãnh đạo một nhóm phản cách mạng, tội âm mưu lật đổ chính quyền, tội tuyên truyền và kích động phản cách mạng, cũng như tội vu cáo hãm hại”, bị kết án tử hình, được hoãn chấp hành án hai năm. Tháng 1/1983, Giang Thanh được giảm án chung thân. Vào ngày 14/5/1991, Giang Thanh, người đang bị ung thư vòm họng và cảm thấy rằng thà chết còn hơn sống thế này, đã treo cổ tự tử.
Ba thành viên khác của “bè lũ bốn tên”, Trương Xuân Kiều, bị tuyên án tử hình, Vương Hồng Văn bị kết án chung thân, và Diêu Văn Nguyên bị kết án 20 năm tù.
Cuộc chính biến thứ hai mà Hoa Quốc Phong trải qua
Cuộc chính biến thứ nhất mà Hoa Quốc Phong trải qua khiến ông trở thành lãnh đạo cao nhất của chính phủ và quân đội ĐCSTQ, nhưng trong cuộc chính biến thứ hai sau đó, ông trở thành đối tượng “bị chính biến”, và người phát động chính biến là Đặng Tiểu Bình.
Trong Cách mạng Văn hóa, Đặng Tiểu Bình đã bị đả đảo hai lần: lần đầu tiên vào năm 1966, khi họ Đặng bị Mao Trạch Đông coi là “phái đương quyền thứ hai đi theo con đường tư bản chủ nghĩa trong đảng”; lần thứ hai là vào năm 1976, khi Đặng bị Mao coi là “lãnh đạo của phong trào hữu khuynh”. Sau khi Giang Thanh và những người khác bị bắt, Đặng Tiểu Bình bắt đầu mưu cầu quay lại.
Vào ngày 10/10/1976 và ngày 10/4/1977, ông ta đã viết thư cho Hoa Quốc Phong hai lần, yêu cầu được phục hồi chức vụ. Ngày 16/7/1977, Hội nghị toàn thể lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa X được tổ chức, Đặng Tiểu Bình được phục hồi một loạt các chức vụ, bao gồm Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, Tổng tham mưu trưởng Quân ủy Trung ương.
Sau khi trở lại cấp tối cao tầng của ĐCSTQ, như nhà văn Mỹ Salisbury đã nói: “Đặng đã sử dụng tất cả các thủ đoạn và sách lược của đời sống chính trị Trung Quốc để đấu tranh, nói chuyện và tranh luận kịch liệt, và một lần nữa nắm quyền.” Khi phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa XI được tổ chức vào tháng 12/1978, Đặng trên thực tế đã là trung tâm quyền lực của ĐCSTQ, tước đoạt thời thế trong tay Hoa Quốc Phong.
Sau đó, Đặng phê bình Hoa vi phạm hai quyết sách “phàm là” của Mao làm kim chỉ nam, và dần dần tước bỏ ba chức vụ cao nhất của Hoa trong đảng, chính phủ và quân đội. Cái gọi là “hai quyết sách phàm là của Mao” là chỉ: “Phàm đã là quyết sách của Mao chủ tịch, chúng tôi đều kiên quyết duy hộ; Phàm đã là chỉ thị của Mao chủ tịch, chúng tôi đều tuân tuần thủy chung không thay đổi.”
Vì khẩu hiệu này, những lời nói sai trái của Mao, những việc làm sai trái của Mao, thì không ai động đến được. Đối với những cán bộ lão thành đã bị Mao đả đảo trong vận động chính trị trước đây sau đã được phục hồi mà nói, điều này tương đương với trói tay trói chân của họ, họ không thể làm gì được và chỉ có thể tiếp tục chính sách cực tả của Mao, đây là điều mà Đặng Tiểu Bình và các nguyên lão của ĐCSTQ không thể thống nhất.
Đặng Tiểu Bình với thâm niên cao, uy vọng cao, phe phái rộng, thủ đoạn nhiều, hạ thủ tàn nhẫn, năm vị hạ ba còn hai, ông ta đã hạ gục một số quan chức cấp cao của ĐCSTQ từng ủng hộ Hoa Quốc Phong. Ví dụ, Vương Đông Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương ĐCSTQ; Kỉ Đăng Khuê, ủy viên Bộ chính trị ĐCSTQ; Ngô Đức, Trần Tích Liên và những người khác, đều bị cách chức. Nhờ vậy, Hoa Quốc Phong đã nhanh chóng trở thành một cái bóng.
Tại kỳ họp thứ ba của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ năm giữa tháng 8 và tháng 9 năm 1980, Hoa bị buộc phải từ chức Thủ tướng Quốc vụ viện và được kế vị bởi Triệu Tử Dương. Tại Hội nghị toàn thể lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa XI tổ chức vào tháng 6/1981, Hoa Quốc Phong bị buộc phải từ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương ĐCSTQ và Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Hồ Diệu Bang lên làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương, và Đặng Tiểu Bình lên làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Trên thực tế, ngay từ nửa năm trước, Đặng Tiểu Bình đã lãnh đạo triệu tập chín cuộc họp của Bộ Chính trị ĐCSTQ để thảo luận về vấn đề Hoa Quốc Phong, tiến hành phê bình, cưỡng bức ông làm kiểm điểm thừa nhận sai lầm của mình, và gửi đơn xin từ chức. Vào thời điểm diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của ĐCSTQ năm 1982, Hoa Quốc Phong chỉ còn là Ủy viên trên danh nghĩa của Ủy ban Trung ương.
Kể từ những năm 1980, dựa trên “Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử của Đảng kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, đánh giá chính thức của ĐCSTQ đối với Hoa Quốc Phong có thể được tóm tắt là “nhất chính tứ phụ”.
“Nhất chính” là: “Ông ấy đã có công trong cuộc đấu tranh đập tan bè lũ phản cách mạng Giang Thanh, và cũng đã làm được những công tác hữu ích trong tương lai.”
“Tứ phụ” là : Thứ nhất, “thúc đẩy và trì hoãn việc cải chính phương kế sai lầm về ‘hai điều phàm là’ và áp chế các cuộc thảo luận về vấn đề tiêu chuẩn chân lý”; Thứ hai là “trì hoãn và cản trở tiến trình khôi phục công tác của các cán bộ lão thành và bình phản các án oan giả sai trong lịch sử”; Thứ ba là “trong khi tiếp tục duy hộ sự sùng bái cá nhân, ông cũng tạo ra và chấp nhận sự sùng bái cá nhân chính mình”; thứ tư là “ông ta cũng chịu trách nhiệm về sự vội vàng trong công việc kinh tế và sự tiếp tục của một số chính sách “Cánh tả” khác.”
Phần kết
Hoa Quốc Phong đã trải qua hai cuộc “chính biến” trong đời: “chính biến” đầu tiên, Hoa kết thúc sinh mệnh chính trị của Giang Thanh và bè lũ bốn tên khác; “cuộc chính biến” thứ hai, Đặng Tiểu Bình kết thúc sinh mệnh chính trị của Hoa. Ngày nay, Tập Cận Bình cũng đang phải đối mặt với tình thế “chính biến”, và vẫn đang trong trận chiến cuối cùng với lực lượng phản Tập.
ĐCSTQ đã thành lập 100 năm và nắm quyền 72 năm, vấn đề thay thế quyền lực tối cao tầng chưa bao giờ được giải quyết một cách hợp pháp, hòa bình và trật tự. Từ lịch sử của ĐCSTQ mà nói, chỉ cần ĐCSTQ tồn tại một ngày, đám mây “chính biến” sẽ luôn tồn tại, và ĐCSTQ sẽ tiếp tục chiến đấu vì nó.
Mộc Lan biên dịch