Tin Tổng Hợp – 1/2/22

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 1/2/22

Khủng hoảng Ukraina: Mỹ và Nga đả kích nhau quyết liệt tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc

Nga đã bất thành trong việc ngăn chặn phiên họp công khai của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, ngày hôm qua 31/01/20221, để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraina. Cuộc họp đã diễn ra trong bầu không khí căng thẳng. Đại diện của Nga và Mỹ chỉ trích nhau quyết liệt.

Từ New York, thông tín viên Carie Nooten cho biết thêm :

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vasily Nebenzya đã chỉ trích trực diện Hoa Kỳ, ngay khi ông biết rằng cuộc họp đã được chấp thuận. Đối với ông, Washington là nguồn gốc của việc căng thẳng leo thang và hành động không có cơ sở.

Đại sứ Nga tuyên bố, « họ đang cố
gắng thuyết phục mọi người rằng các hành động quân sự chống lại Ukraina
sẽ xẩy ra trong vài ngày hoặc vài tuần tới mặc dù không có bằng chứng cụ
thể nào được trình ra với quý vị. Nhưng điều này đang tạo ra sự cuồng
loạn, và người ta đã bắt thấy được những hậu quả về mặt kinh tế
ở Ukraina. »

Đại diện Nga cũng không quên nhắc lại rằng vào năm 2003, Hoa Kỳ đã thuyết phục cộng đồng quốc tế xâm lược Irak “mà không có bằng chứng xác thực” về những “vũ khí hủy diệt hàng loạt” tại đây. Nói xong, đại sứ Nga rời phòng họp trước khi đồng nhiệm Ukraina phát biểu. Đại diện Mỹ sau đó cáo buộc đại sứ Nga không trả lời bất kỳ câu hỏi nào. Đại sứ Ukraina thì bày tỏ sự thất vọng về hệ thống hoạt động của Liên Hiệp Quốc: năm 2014, Liên Hiệp Quốc đã không ngăn chặn được xung đột. Nhưng ông vẫn hy vọng vào một giải pháp ngoại giao, và mong muốn các thành viên Liên Hiệp Quốc hoạt động tích cực hơn, trước khi ông nhấn mạnh rằng “bằng không mọi người sẽ phải hứng chịu một cuộc chiến tranh“.

Phan Minh

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220201-kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng-ukraina-m%E1%BB%B9-v%C3%A0-nga-%C4%91%E1%BA%A3-k%C3%ADch-nhau-quy%E1%BA%BFt-li%E1%BB%87t-t%E1%BA%A1i-h%E1%BB%99i-%C4%91%E1%BB%93ng-b%E1%BA%A3o-an-li%C3%AAn-hi%E1%BB%87p-qu%E1%BB%91c

Một linh mục bị đâm chết trong nhà thờ, công chúng nghi vấn động cơ giết hại

VOA Tiếng Việt – Một linh mục vừa bị giết hại trong một nhà thờ ở Kon Tum thuộc Tây
Nguyên, nơi được xem là khu vực có các hoạt động tôn giáo bị hạn chế bởi
chính quyền ở Việt Nam.

Lễ tiễn chân Linh mục Joseph Trần Ngọc Thanh người bị sát hại trong một vụ tấn công bằng dao tại nhà thờ khi đang trong lễ giải tội cho giáo dân của Giáo phận Kon Tum hôm 29/1.
Lễ tiễn chân Linh mục Joseph Trần Ngọc Thanh người bị sát hại trong một vụ tấn công bằng dao tại nhà thờ khi đang trong lễ giải tội cho giáo dân của Giáo phận Kon Tum hôm 29/1.

Linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh, thuộc Gíao xứ Đăk Mót của giáo phận
Kon Tum, bị sát hại khi đang ngồi toà giải tội trong nhà thờ, theo thông báo của Giáo phận Kon Tum hôm 30/1.

Vụ sát hại xảy ra trước đó một ngày, và theo thông báo, Linh mục
Thanh, thuộc dòng Đa Minh, đã tử vong dù “được các bác sĩ tận tình cứu
chữa các vết thương.”

Thông báo của Giáo phận Kon Tum không cho biết vụ sát hại vị linh mục 41 tuổi xảy ra như thế nào nhưng một bản tin của Vatican News nói rằng “Cha Giuse Trần Ngọc Thanh bị giết hại trong một vụ tấn công bằng dao” bởi một người đàn ông.

Cũng thông tin về vụ việc, trang Công Giáo cho biết rằng “Cha Thanh bị chém 2 phát rất nặng vào đầu” khi đang ngồi giải tội cho giáo dân trong dịp cuối năm và “được cấp cứu ngay sau đó nhưng không qua khỏi.”

Bản tin của Công Giáo còn nói rằng hai người khác cũng bị thương khi xông vào ngăn kẻ tấn công, và gọi hành vi giết người này là “tàn độc” và “cố ý truy sát đến cùng.”

Tại lễ tiễn chân Linh mục Thanh hôm 30/1, Giám mục Aloisio Nguyễn Hùng Vị, Giám mục Giáo hội Công giáo Roma của Giáo phận Kon Tum, nói vụ sát hại gây “bàng hoàng” cho giáo phận. Thi thể Linh mục Thanh được đưa về an táng tại tu viện Đa Minh ở Hố Nai, Biên Hoà.

Giáo phận Kon Tum cho biết nghi phạm đã bị bắt giam để điều tra. Trích dẫn giới chức địa phương, Vatican News, trang tin tức công giáo của Bộ truyền thông thuộc Toà thánh Vatican, nói kẻ tấn công “bị tâm thần.”

Truyền thông nhà nước Việt Nam không đưa tin về vụ sát hại Linh mục
Thanh. Trong khi đó, những thông tin trên mạng xã hội cho rằng có động
cơ khác phía sau vụ việc này.

Facebooker Phạm Minh Vũ cho biết một người thân cận của Linh mục Thanh nói rằng kẻ tấn công “là một người bình thường, không bị điên, càng không ngáo đá” và “thường lui tới chơi với những công an viên xã.” Người thân cận của Linh mục Thanh từ chối trả lời khi VOA tiếp cận để hỏi thêm thông tin với lý do “muốn giấu mặt.”

Bản tin của Công Giáo, một tổ chức độc lập với Giáo hội Công giáo, cho biết “cái chết đau đớn của linh mục (Trần Ngọc Thanh) là đầy nghi vấn và gây ra sự phẫn uất lớn trong lòng các xứ đạo nói riêng và dân chúng tại khu vực Kon Tom nói chung.”

Được biết Giáo họ Sa Loong, nơi Linh mục Thanh phục vụ, nằm ở phía Tây Bắc của Cao Nguyên trung phần, vùng giáp biên có dân cư thưa thớt với đại đa số là người Thượng và hoạt động tôn giáo bị nhiều hạn chế bởi chính quyền.

Linh mục Thanh, được thụ phong linh mục năm 2018, đã “xung phong lên
giúp xứ Đăk Mót” năm 2019 và sau đó được đưa lên làm phó xứ, phụ trách
nhiều giáo họ trong xứ, theo thông tin từ Facebooker Phạm Minh Vũ.

Được biết Linh mục Thanh không phải là linh mục đầu tiên bị tấn công ở đây.

Cách đây hơn nửa năm, Linh mục Trần Văn Truyền, 70 tuổi và thuộc Giáo
phận Kon Tum, cũng bị đâm trọng thương. Theo Công Giáo, chính quyền đã
bắt giam hung thủ “đốt nhà thờ, đâm linh mục” này nhưng sau đó việc điều
tra không đi đến đâu và vấn đề đã bị xem như “chìm xuồng.”

Các hoạt động tôn giáo của người dân, đặc biệt là người Thượng, ở Tây
Nguyên luôn bị bách hại bởi chính quyền trong nước và các tổ chức nhân
quyền quốc tế đã từng lên tiếng chỉ trích Việt Nam về việc này.

Tổ chức Nhân quyền Montagnards và Uỷ ban Chống tra tấn của Liên Hợp
Quốc hồi năm 2018 đưa ra một báo cáo nói rằng người sắc tộc thiểu số Tây
Nguyên thuộc nhóm đối tượng mà cơ quan chức năng Việt Nam nhắm đến và
bị đối xử như “kẻ thù ngay tại quê nhà.”

Báo cáo về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra năm
2019 chỉ trích những vụ sách nhiễu nghiêm trọng của các chính quyền ở
Tây Nguyên đối với các tín đồ tôn giáo, đặc biệt là những thành viên của
Hội thánh Tin lành, các Kitô hữu và người H’Mông.

https://www.voatiengviet.com/a/linh-muc-tran-ngoc-thanh-bi-dam-chet-cong-chung-nghi-van-dong-co-giet-hai/6421777.html

(AFP) – Một phái đoàn Đài Loan dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh. Trái với quyết định đã đưa ra vào tuần trước, hôm nay, 01/02/2022, Đài Loan thông báo sẽ cử một phái đoàn đến dự lễ khai mạc và bế mạc Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh. Theo Đài Bắc, Ủy ban Thế vận Quốc tế CIO bắt buộc toàn bộ các nước tranh tài ở Bắc Kinh phải có mặt tại những buổi lễ này. Theo thỏa thuận với CIO vào năm 1981, Đài Loan được tham gia tranh tài quốc tế nhưng với điều kiện là dưới tên gọi “Đài Bắc Trung Quốc”.

(AFP) – Cuba: 33 người tham gia cuộc biểu tình lịch sử ngày 11/07/2021 ra tòa trong tuần này. Các bị cáo sẽ phải đối mặt với tội danh «nổi dậy chống chính quyền». Phiên tòa sẽ diễn ra từ ngày 07/02. Trong những ngày gần đây, tư pháp Cuba lần đầu tiên thừa nhận hơn 700 người biểu tình đã bị truy tố – trong đó có 55 người từ 15 đến 18 tuổi – và 172 người khác đã bị kết án. Một số đã bị kết án đến 20 hoặc 30 năm tù. Ngày 11/07/2021, hàng nghìn người dân Cuba đã biểu tình vào ngày 11/07, để kêu gọi «Tự do» và cứu trợ thực phẩm. Trong đợt biểu tình chưa từng có kể từ cách mạng 1959, có một người chết và hàng chục người bị thương. 1.377 người bị bắt, theo tổ chức phi chính phủ Cubalex.

(AFP) – Pháp: Gần 1.400 nhà khoa học lo ngại về «sự vắng mặt của các tranh luận dân chủ» về khí hậu và đa dạng sinh học trong tranh cử tổng thống. Trong một tuyên bố hôm nay 01/02/2022 trên trang Franceinfo, 1.398 nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau (như khí hậu học, hải dương học, toán học, kinh tế học, triết học, sử học …) đã kêu gọi các ứng cử viên tranh cử tổng thống Pháp đưa ra quan điểm về các chủ đề thiết yếu này.  Các nhà khoa học nhấn mạnh «cử tri cần biết đề xuất của các ứng cử viên» và «các điều kiện thực thi», và không thể quy cuộc tranh luận về các lĩnh vực hệ trọng này «thành một cuộc đối đầu giữa hai phe ủng hộ năng lượng hạt nhân và bảo vệ năng lượng tái tạo».

( AFP ) – Liên hoan điện ảnh châu Á Vesoul vinh danh đạo diễn Nhật Koji Fukada. Lần đầu tiên toàn bộ các phim của đạo diễn Nhật Koji Fukada, 42 tuổi, được trình chiếu trên thế giới. Đây là cách mà Liên hoan Điện ảnh châu Á Vesoul, Pháp, khai mạc hôm nay, 01/02/2022, vinh danh người được xem là ngôi sao đang lên của điện ảnh Nhật. Liên hoan Vesoul năm nay sẽ giới thiệu hơn 90 phim tiêu biểu cho điện ảnh châu Á, trong đó có 17 phim tranh giải. Trong số các phim tranh giải ở Vesoul lần này có một phim hợp tác Nhật – Việt «Along the Sea» của đạo diễn Fujimoto Akio, nói về số phận đầy gian nan của 3 lao động nữ người Việt ở Nhật.

(AFP) – Nhật Bản đề cử mỏ vàng Sado trở thành di sản thế giới. Chính
phủ Nhật Bản hôm nay 01/02/2022 đã xác nhận việc đề cử mỏ Sado trở
thành di sản thế giới của UNESCO. Quyết định này khiến Seoul bất bình vì
địa điểm này là nơi người Hàn Quốc từng bị cưỡng ép lao động trong nửa
đầu thế kỷ 20. Nằm ở đảo Sado (phía bắc Nhật Bản), mỏ này được khai thác
từ đầu thế kỷ 17 và bị đóng cửa vào năm 1989, nhưng vẫn được bảo tồn
rất tốt.

(AFP) – Pháp chuẩn bị dỡ bỏ các biện pháp hạn chế chống Covid-19. Mặc dù số ca nhiễm Covid-19 thường nhật vẫn chưa giảm, mai 02/02/2022, Pháp sẽ bỏ lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở ngoài trời, bỏ lệnh bắt công nhân viên làm việc từ xa và bỏ quy định giới hạn số người tụ tập ở những nơi khép kín.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220201-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

(AFP) – Các ngoại trưởng bộ Tứ «QUAD» họp trong tháng Hai ở Úc. Chính quyền Canberra ngày 31/01/2022 thông báo như trên nhưng chưa cho biết rõ ngày giờ cụ thể. Cuộc họp kéo dài trong vòng hai ngày giữa các nước thành viên trong Đối thoại bốn bên về An ninh diễn ra trong bối cảnh chính quyền Washington mỗi lúc một lo ngại đà lớn mạnh của Trung Quốc cũng như là những căng thẳng với Nga trong hồ sơ Ukraina.  

(AFP) – Hy Lạp: Chính phủ bảo thủ tránh khỏi bị Quốc Hội bỏ phiếu bất tín nhiệm về cách quản lý yếu kém thiên tai. Đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm lần này có liên quan đến vụ bão tuyết trong tuần qua đã làm tê liệt thủ đô trong suốt 3 ngày, khiến hơn 200.000 gia đình và cơ sở thương mại mất điện. Hy Lạp vốn quen đối phó với động đất và cháy rừng, nhưng không được trang bị để đối phó với bão tuyết. Đề xuất tổ chức cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ là ý tưởng của Syriza, đảng bảo thủ chính, ở Hy Lạp, nhưng hôm 30/01/2022 chỉ thu được lá phiếu ủng hộ của 142 trong tổng số 300 dân biểu. 

(RFI) – Tai tiếng do thám bằng phần mềm Pegasus của Israel. Phe
đối lập phản đối chính phủ Ấn Độ sau tiết lộ của báo Mỹ New York Times.
Theo thông tin của New York Times, hồi năm 2017, New Delhi đã ký kết
với Tel Aviv hợp đồng trị giá 1,8 tỉ euro để mua phần mềm do thám của
NSO Group và tên lửa. Chính phủ của thủ tướng Narenda Modi bị phe đối
lập chỉ trích dùng phần mềm Pegasus để nghe lén điện thoại của các định
chế dân chủ, đảng phải chính trị đối lập và công dân Ấn Độ. Phe đối lập
gọi đó là « sự phản bội » của chính phủ Modi.

(AFP) – Chủ tịch Ủy ban tổ chức Olympic Paris 2024 sẽ không đến Bắc Kinh dự Olympic Mùa Đông 2022 vì nhiễm Covid-19. Thông
tin được Ủy ban Olympic Paris 2024 thông báo hôm nay 31/01/2022. Trong 4
ngày qua, Trung Quốc cũng đã phát hiện khoảng 119 ca nhiễm virus corona
liên quan đến thành viên các đoàn và vận động viên nước ngoài đến Bắc
Kinh tham gia Thế Vận Hội. Tổng cộng, khoảng 3.000 vận động viên cùng
các huấn luyện viên, đại diện các Liên đoàn thể thao và các phương tiện
truyền thông …vv, sẽ đến Bắc Kinh tham dự Olympic từ ngày 04 đến
21/02/2022. 

(AFP) – Lần đầu tiên từ khi Hồng Kông được trao trả lại cho Trung Quốc, có người bị kết án tù liên quan đến các «ấn bản mang tính phản loạn». Theo phán quyết của tòa hôm nay 31/01/2022, Kim Chiang Chung-Sang, 41 tuổi bị kết án 8 tháng tù giam vì hồi năm 2021 đã dán áp-phích bên ngoài một trường mẫu giáo và Tòa tối cao Hồng Kông để phản đối việc kết án một người biểu tình theo luật an ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh áp đặt. Chloe Tso Suet-Sum, 45 tuổi, bị kết án hơn một năm tù vì đã đề nghị một thiếu niên 17 tuổi làm tờ rơi kêu gọi người dân Hồng Kông thành lập quân đội riêng và độc lập với Trung Quốc. 

(AFP) – Châu Âu: GDP năm 2021 của khu vực đồng euro tăng 5,2%, sau mức sụt giảm 6,4% trong năm 2020. Theo ghi nhận ngày 31/01/2022 của Eurostat, cơ quan thống kê châu Âu, đây là mức tăng lịch sử của Khu vực đồng tiên chung châu Âu, cho thấy kinh tế hồi phục tốt sau thời gian sụt giảm mạng do Covid-19. Ban đầu, hồi tháng 11/2021, Ủy ban châu Âu dự kiến GDP năm ngoái chỉ tăng 5,2%. Tăng trưởng của nhiều nước như Bồ Đào Nha, Ý đều cao hơn so với dự báo.

(AFP) – Matxcơva tố cáo Luân Đôn chuẩn bị «tấn công» các doanh nghiệp Nga. Phát ngôn viện điện Kremlin, Dmitri Peskov hôm nay 31/01/2022 cảnh báo nếu Anh Quốc mở một cuộc tấn công vào giới doanh nghiệp Nga, Matxcơva sẽ đáp trả. Peskov chỉ trích Luân Đôn làm gia tăng căng thẳng ở châu Âu. Các tuyên bố của Matxcơva liên quan đến việc hôm qua 30/01 Ngoại trưởng Anh, Liz Truss, thông báo Luân Đôn có thể đẩy mạnh trừng phạt các nhà tài phiệt Nga có quan hệ với Putin và các doanh nghiệp mang lại lợi ích cho điện Kremlin.

(AFP) – Taliban đã giết hơn 100 thành viên thuộc chính phủ Afghanistan trước đây. 
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc được AFP trích dẫn hôm 31/01/2022,
Taliban và các đồng minh của họ đã giết hại hơn 100 cựu thành viên của
chính phủ Afghanistan và lực lượng an ninh cũng như những người
Afghanistan từng làm việc với quân đội nước ngoài. Phía Taliban đã bác
bỏ những cáo buộc nói trên. 

(AP) – Rafael Nadal giành Grand Slam thứ 21 trong sự nghiệp.
Huyền thoại quần vợt người Tây Ban Nha Rafael Nadal đã giành danh hiệu
Grand Slam thứ 21 trong sự nghiệp sau khi đánh bại tay vợt số 2 thế giới
Daniil Medvedev hôm qua 30/01/2022 ở chung kết giải Úc mở rộng. Nadal
là tay vợt đầu tiên trong lịch sử quần vợt nam giành được 21 Grand
Slam. 

(AFP) – Hoa Vi kiện Thụy Điển ra tòa sau lệnh cấm 5G. Hãng viễn thông Trung Quốc Hoa Vi cho biết hôm qua 30/01/2022 đã khởi xướng thủ tục kiện Thụy Điển, sau khi quốc gia Bắc Âu cấm hãng này tung ra các sản phẩm 5G. Trong tuyên bố với AFP, Hoa Vi nói rằng: «Quyết định phân biệt đối xử chống lại Hoa Vi và loại bỏ Hoa Vi ra khỏi hoạt động triển khai 5G của chính quyền Thụy Điển đã gây tổn hại đáng kể đến đầu tư của Hoa Vi tại Thụy Điển, đồng thời vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của Thụy Điển ».

(Reuters) – Hải quân Nga tập trận chống tàu ngầm ở biển Na Uy. Bộ
quốc phòng Nga hôm nay 31/01/2022 cho biết rằng tàu chiến Hạm đội
Phương Bắc của Nga đã hoàn thành các cuộc tập trận chống tàu ngầm ở Biển
Na Uy. Các động thái quân sự của Nga đang bị phương Tây theo dõi sát
sao trong bối cảnh căng thẳng vẫn leo thang ở biên giới Nga -Ukraina.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220131-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p