Tin Tổng Hợp – 30/1/22

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 30/1/22

Người Việt hải ngoại vận động đề cử Phạm Đoan Trang cho giải Nobel Hòa bình

Cộng đồng người Việt ở nhiều nơi đang vận động đề cử nhà báo – nhà hoạt động Phạm Đoan Trang cho giải Nobel Hoà bình vì những đóng góp nổi bật của cô trong việc đấu tranh giành quyền tự do, dân chủ cho người dân Việt Nam.

Dẫn chứng thông cáo báo chí của Uỷ ban Giải Nobel khi trao giải Nobel
Hoà bình 2021 cho Maria Ressa và Dmitry Muratov về những đóng góp của
họ để bảo vệ quyền tự do ngôn luận, Tuyên cáo chung của chiến dịch vận
động đề cử cho nhà báo Phạm Đoan Trang nói cô xứng đáng là một ứng cử
viên cho giải thưởng danh giá.

Nhà báo Phạm Đoan Trang. Photo thevietnamese.org
Nhà báo Phạm Đoan Trang. Photo thevietnamese.org

“Hy sinh cả tuổi thanh xuân để tranh đấu cho lý tưởng tự do, cô Phạm
Đoan Trang xứng đáng được đề cử Giải Nobel Hoà Bình để đại diện cho tất
cả những nạn nhân đã bị chế độ Cộng sản Việt Nam bức hại trong suốt 70
năm qua vì đã tranh đấu cho các quyền căn bản của con người”, tuyên cáo
nói, sau khi tóm lược những thành quả nổi bật và các giải thưởng quốc tế
về nhân quyền mà Phạm Đoan Trang đã nhận được trong suốt hơn 10 năm
hoạt động, trước khi bị bắt giam vào ngày 6/10/2020.

Xứng đáng

Nhà văn Cung Thị Lan, Chủ tịch Văn bút Việt Nam Hải ngoại, nói với
VOA rằng bà “ngưỡng mộ” nữ tác giả trẻ không chỉ vì sự can đảm và tài
năng của cô.

“Phạm Đoan Trang đòi hỏi nhiều hơn, đó là tự do dân chủ cho toàn Việt
Nam, chứ không phải tự do cho chỉ riêng Phạm Đoan Trang. Điều này rất
khó. Đó là mục tiêu rất lớn, lòng khao khát cho cả dân tộc chứ không
phải chỉ ích kỷ cho bản thân mình”, nữ nhà văn đang sống tại Mỹ nói về
một trong những lý do khiến bà ủng hộ việc vận động đề cử cho Phạm Đoan
Trang.

Bà Cung Thị Lan và tổ chức Văn bút Việt Nam Hải ngoại, chi nhánh của
Văn bút Quốc tế, đã tổ chức rất nhiều hoạt động ủng hộ cho nhân quyền
Việt Nam trong những năm qua. Bà cũng là người đã viết thư yêu cầu Phó
tổng thống Kamala Harris trong chuyến thăm Việt Nam năm ngoái hãy đề cập
đến vấn đề nhân quyền và đòi Hà Nội trả tự do cho Phạm Đoan Trang và
các tác giả đang bị giam cầm khác.

Nói về gương mặt đại diện cho thế hệ cầm bút trẻ, nhà văn Cung Thị
Lan cho biết: “Khi tôi theo dõi và đọc tiểu sử và những tác phẩm của
từng cá nhân đấu tranh cho Việt Nam, tôi thấy mỗi người đều có những
điểm tích cực mà mình thích. Nhưng với Phạm Đoan Trang, bản thân tôi
thấy Phạm Đoan Trang xứng đáng được giải Nobel Hoà Bình. Thứ nhất, Phạm
Đoan Trang là nữ. Ở tù đối với phụ nữ không phải là dễ, và những tác
phẩm của Phạm Đoan Trang có tính chất thu phục lòng người. Đối với giải
Nobel, không phải chỉ là cá nhân đó có tính can đảm mà ngòi bút của họ
thu phục được người đọc. Tôi nghĩ điều đó đã đưa đến việc tất cả mọi
người không phải chỉ cộng đồng người Việt, mà nếu theo dõi sẽ thấy trên
thế giới, như vào trang Văn bút Quốc tế, Văn bút Anh, Văn bút Đức… thì
sẽ thấy nhiều người trên thế giới ủng hộ tác giả Phạm Đoan Trang”.

Cùng chung nhận định với nhà văn Cung Thị Lan, bác sĩ Đỗ Văn Hội,
đồng Chủ tịch Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội Hải Ngoại Việt Nam,nói với VOA
rằng nữ nhà báo Phạm Đoan Trang khiến cho ông nể phục về sự can đảm và
cả cách đấu tranh rất ôn hoà của cô.

Ông nói: “Những người tranh đấu là rất đáng nể phục rồi, dưới một chế
độ lúc nào cũng bị đe doạ. Thứ hai, cô ấy tranh đấu rất ôn hoà. Và thứ
ba, cô nói lên được tất cả những gì tranh đấu cho Việt Nam, vốn hiện
không có tự do dân chủ, tự do ngôn luận. Mà cô ấy dám là những điều đó
là tranh đấu cho tự do ngôn luận, xuất bản sách trong nước. Những cuốn
sách rất ích lợi cho người dân tất cả mọi thời đại và bất cứ ở đâu”.

Mang lại hy vọng

Sinh ra sau năm 1975, Phạm Đoan Trang thuộc thế hệ được gọi là “lớn
lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa”. Nhưng cô cùng với nhiều nhà hoạt
động trẻ khác đã mang đến “niềm hy vọng” về một tương lai Việt Nam tốt
đẹp hơn cho những người thuộc thế hệ trước, nhất là những người đã từng
được sống và được thở bầu khí “tự do, dân chủ” ở miền Nam trước năm
1975, theo nhận định của BS. Đỗ Văn Hội.

“Trong môi trường XHCN thì đương nhiên ai theo chính quyền sẽ được
hưởng lợi, còn ai đi ngược lại sẽ bị trù dập ghê lắm. Vậy mà cô Phạm
Đoan Trang đã nói lên được theo lương tâm của nhân loại, chứ không phải
chống đối gì cả, đó là tự do, dân chủ, nhân quyền. Nếu thế hệ trẻ tiếp
nối được điều đó thì sẽ rất ích lợi cho đất nước của chúng ta”, BS. Hội
bày tỏ với VOA.

Nhà văn Cung Thị Lan thì cho rằng có hai yếu tố đã làm nên một thế hệ
trẻ “sáng suốt”, không rơi vào quỹ đạo “bị nhồi sọ” của hệ thống giáo
dục XHCN. Đó là đặc tính “thông minh” của người Việt và sự phát triển
của công nghệ, đặc biệt là sự xuất hiện của internet và mạng xã hội.

“Nhờ Internet và rất nhiều thông tin trên mạng, các em học hỏi, tìm
hiểu và thấy rằng những điều học ở nhà trường hay những điều được tuyên
truyền trong xã hội là hoàn toàn khác với những kiến thức mà các em tiếp
thu được từ internet”.

Ngoài việc đồng thành lập Tạp Chí Luật Khoa chuyên phổ biến những
kiến thức và thông tin về luật pháp, chính trị và nhân quyền, những tác
phẩm gây tiếng vang của Phạm Đoan Trang như Chính trị bình dân, Phản
kháng phi bạo lực, Cẩm nang nuôi tù… là những tác phẩm đã được Trang
viết theo cách “bình dân” nhất, nhưng lại có khả năng “khai phóng” nhiều
người, và trở thành những tác phẩm khiến cho nhà cầm quyền hoảng sợ,
theo nhận định của Tuyên cáo chung.

Trong bức thư viết vào ngày 27/5/2019, hơn một năm trước khi bị bắt,
Phạm Đoan Trang nói bà có ba tâm nguyện mong muốn cộng đồng thực hiện.
Đó là vận động thông qua luật bầu cử mới, luật tổ chức Quốc hội mới;
quảng bá các sách bà viết và biến việc bà đi tù trở thành cơ hội để giới
dân chủ đàm phán với nhà nước; đòi thông qua luật bầu cử mới và luật tổ
chức quốc hội mới.

Những đóng góp của Phạm Đoan Trang cho dân chủ – nhân quyền đã được
nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận qua các giải thưởng như giải Homo Homini
của tổ chức nhân quyền People in Need ở Tiệp Khắc (2017), giải Nhân
Quyền Việt Nam của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (2018), giải thưởng về
Tự do báo chí của Tổ chức Ký giả Không Biên giới (2019) và gần đây nhất
là giải thưởng Martin Ennals của tổ chức nhân quyền tại Geneve, Thuỵ Sĩ,
đã được trao cho cô vào ngày 19/1/2022, sau khi Phạm Đoan Trang bị kết
án tù 9 năm về tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Theo nhà văn Cung Thị Lan, một trong những tiêu chí quan trọng đối
với các ứng cử viên của giải Nobel hoà bình là họ phải vượt ra khỏi nỗi
sợ hãi, không bị ràng buộc hay ảnh hưởng bởi bất kỳ sự kiểm duyệt hay
kiểm soát nào.

“Khi một nhà văn viết mà không sợ, nghĩa là viết đúng lương tâm, mục
đích hướng thiện thì mới (xứng đáng) được giải Nobel. Tôi thấy có những
nhà văn sợ rằng viết ra thì sẽ bị cái này cái kia. Mà sống trong xã hội ở
Việt Nam thì làm sao mà không sợ được. Sẽ bị trực tiếp hoặc gián tiếp
có những công kích. Nhưng đối với Phạm Đoan Trang, tôi thấy tôi phải
ngưỡng mộ tác giả Phạm Đoan Trang, vì (trong hoàn cảnh) như vậy mà Phạm
Đoan Trang dám nói và dám viết rằng chỉ muốn tự do, dân chủ cho toàn dân
tộc chứ không phải tôi ra khỏi tù cho tôi. Điều đó rất thu phục tôi”.

Giữa bối cảnh các thế hệ cha anh, những người đã đổ xương máu cho lý
tưởng tự do, dân chủ trong thời chiến đang dần qua đi, BS. Đỗ Văn Hội
nói những tấm gương tranh đấu ôn hoà, can đảm và hiệu quả như Phạm Đoan
Trang, chính là một tín hiệu “rất đáng mừng” cho tương lai của đất nước.

Chiến dịch vận động đề cử hiện đã nhận được rất nhiều ủng hộ từ các tổ chức và cộng đồng người Việt Nam ở nhiều nơi, bao gồm các tổ chức như Thanh Niên Canada Tranh đấu cho Nhân quyền tại Việt Nam, VietnAMPLIFY, Cộng đồng Người Việt Tự do Ottawa, Tổ chức Văn hoá Việt Ottawa, Canadian Vietnamese Network, Hội người Việt Nova Scotia, Voice Canada, Hội Người Việt Tư do Manitoba, Hội Cựu Quân nhân Quân lực VNCH – Ontario, Swiss Vietnam Committee COSUNAM, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam và hơn 30 tổ chức khác.

Khánh An-VOA

https://www.voatiengviet.com/a/ng%C6%B0%E1%BB%9Di-vi%E1%BB%87t-h%E1%BA%A3i-ngo%E1%BA%A1i-v%E1%BA%ADn-%C4%91%E1%BB%99ng-%C4%91%E1%BB%81-c%E1%BB%AD-ph%E1%BA%A1m-%C4%91oan-trang-cho-gi%E1%BA%A3i-nobel-h%C3%B2a-b%C3%ACnh/6419561.html

Anh Quốc sẽ đề nghị NATO triển khai một lực lượng lớn ở châu Âu

Hôm qua, 29/01/2022, thủ tướng Boris Johnson thông báo, Anh Quốc sẽ đề nghị khối NATO triển khai một lực lượng lớn gồm nhiều binh lính, chiến hạm và chiến đấu cơ ở châu Âu, nhằm đáp lại «thái độ thù địch của Nga» đối với Ukraina.

Hãng tin AFP trích dẫn thông cáo của văn phòng thủ tướng Anh, cho biết, đề nghị nói trên sẽ được đưa ra trong cuộc họp các lãnh đạo quân sự của Liên minh Bắc Đại Tây Dương vào tuần tới. Theo đó, Luân Đôn có thể sẽ tăng gấp đôi lực lượng 1.150 quân hiện đang được triển khai ở Đông Âu, đồng thời cung cấp các «vũ khí phòng thủ» cho Estonia.

Trong thông cáo, thủ tướng Johnson tuyên bố: «Toàn bộ các biện pháp này là nhằm gởi một thông điệp rõ ràng đến điện Kremlin: Chúng ta không dung thứ hoạt động gây mất ổn định của họ và chúng ta sẽ luôn sát cánh với các đồng minh của khối NATO trước thái độ thù địch của Nga».

Thủ tướng Anh nói thêm : Nếu tổng thống Nga Vladimir Putin chọn con đường « đổ máu và hủy diệt
» ở Ukraina, đây sẽ là một thảm kịch cho toàn bộ châu Âu. Ukraina phải
được tự do chọn lựa tương lai của mình. Lãnh đạo chính phủ Anh cũng dự
trù sẽ mở chuyến công du trong khu vực này trong những ngày tới.

Cũng theo AFP, bộ Ngoại Giao Anh ngày mai sẽ thông báo cho Quốc Hội quyết định tăng cường chế độ trừng phạt đối với Nga, nhắm vào các lợi ích chiến lược và tài chính của Matxcơva.

Về phần Paris, theo thông
báo của bộ trưởng Quân Lực Florence Parly hôm qua, Pháp dự trù gởi hàng
trăm quân đến Rumani trong khuôn khổ một kế hoạch triển khai lực lượng
của khối NATO nếu có. Trên đài phát thanh France Inter, bà Parly cho
rằng Rumani hiện đang ở « tâm chấn của các căng thẳng » và cần phải được trấn an. Rumani là nước láng giềng của Ukraina và có ngỏ ra Hắc Hải, « một vùng cực kỳ căng thẳng », do Nga và Ukraina cũng hướng ra biển này.

Ukraina: Phương Tây phải cứng rắn với Nga

Hôm qua, chính quyền Kiev đã kêu gọi các nước phương Tây phải tỏ ra «cứng rắn» trong các cuộc đàm phán với Nga, hiện đang bị cáo buộc có âm mưu xâm lăng Ukraina. Trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Pháp Jean-Yves Le Drian, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kouleba cũng kêu gọi các nước nên tránh những biện pháp có thể «gây thêm lo ngại» và «gây tác hại cho ổn định tài chính» của nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này, một trong những nước nghèo nhất Đông Âu.

Thanh Phương

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220130-anh-nato-trien-khai-quan-doi-chau-au

Bắc Hàn phóng thử loại tên lửa tầm xa nhất kể từ năm 2017

Hình ảnh một tên lửa siêu thanh của Bắc Hàn
Chụp lại hình ảnh, Hình ảnh một tên lửa siêu thanh của Bắc Hàn

Vào hôm nay, giới phân tích cho biết Bắc Hàn đã tiến hành một vụ thử tên lửa lớn nhất kể từ năm 2017 sau các báo cáo từ Nhật Bản và Hàn Quốc về một vụ phóng tình nghi là tên lửa đạn đạo.

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc báo cáo về một vật thể được cho là một tên lửa đạn đạo được phóng vào lúc 7:52 sáng ngày 30/1 theo giờ địa phương (22:52 GMT) từ tỉnh Jagang của Bắc Hàn hướng về vùng biển ngoài khơi phía đông.

Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc đã triệu tập một cuộc khẩn với sự chủ trì của Tổng thống Moon Jae-in, và cho biết vụ phóng thử này có liên quan đến loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm trung (IRBM) mà Bắc Hàn chưa thử nghiệm kể từ năm 2017 đến nay.

Ông Moon nói rằng với vụ thử lần này thì Bắc Hàn đang tiến một bước gần hơn đến chuyện hoàn toàn chấm dứt thời kỳ ngưng thử vụ khí hạt nhân hoặc các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm xa nhất (ICBM) mà nước này tự áp đặt.

Ông Moon cũng lưu ý rằng liên tiếp hành động phóng thử tên lửa bất ngờ trong tháng này từ phía Bắc Hàn làm gợi nhắc đến thời điểm căng thẳng dâng cao hồi năm 2017 khi nước này tiến hành nhiều vụ thử vũ khí hạt nhân và phóng những loại tên lửa lớn nhất trong đó có bay qua vùng biển thuộc Nhật Bản.

Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un đã tuyên bố không còn tuân theo thời gian ngưng thử vụ khí hạt nhân và tên lửa, vốn được công bố hồi năm 2018 sau những động thái ngoại giao và những cuộc gặp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump.

Vào tháng này thì Kim Jong Un gợi ý rằng Bắc Hàn có thể khởi động lại những vụ phóng thử tên lửa bởi vì Mỹ và các đồng minh không cho thấy bất kỳ dấu hiệu từ bỏ “những chính sách thù địch” của mình.

Tên lửa lớn hơn

Hình ảnh trên truyền thông nhà nước Bắc Hàn về một tên lửa hành trình mới được thử nghiệm vào năm ngoái
Chụp lại hình ảnh, Hình ảnh trên truyền thông nhà nước Bắc Hàn về một tên lửa hành trình mới được thử nghiệm vào năm ngoái

Hiện không rõ là loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm trung (IRBM) có bao gồm trong danh sách ngưng thử nghiệm của Kim Jong Un hay không và đây là loại tên lửa đã không hề được thử nghiệm kể từ năm 2017 cho đến nay.

Trong các tuyên bố riêng biệt, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc và Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nói rằng tên lửa này theo ước tính đã đạt đến độ cao 2.000 km và bay trong vòng 30 phút để đạt đến khoảng cách 800 km.

Các tên lửa IRBM thường có cự ly bay từ 600 – 3.500 dặm (tương đương 965 – 5.632 km), trong khi tên lửa ICBM thì có cự ly bay vượt hơn 3.500 dặm (tương đương 5.632 km)

Các chuyên gia tên lửa thì cho rằng dữ liệu có thể cho thấy đây là vụ thử tên lửa IRBM như Hwasong-12, lần cuối đã thử nghiệm vào năm 2017, hoặc một dạng mới.

“Bất chấp liệu đây là tên lửa IRBM hay ICBM thì đây là loại tên lửa chiến lược theo hình thức nào đó và không rõ có cùng loại với các tên lửa được phóng trước đó trong tháng 1/2022 hay không,” George William Herbert, Giáo sư từ Center for Nonproliferation Studies và là một chuyên gia cố vấn về vấn đề tên lửa đăng tải trên Twitter.

Vụ thử lần này đã khiến tháng Một trở thành tháng bận rộn nhất trong chương trình tên lửa của Bắc Hàn. Theo các chuyên gia thì nước này đang tiếp tục mở rộng và phát triển năng lực mới bất chấp các lệnh trừng phạt nặng nề từ Hội đồng Bảo An.

Vụ phóng thử mới nhất là vào hôm thứ Năm 27/1, Bắc Hàn đã tiến hành một vụ phóng thử 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn và đầu đạn, và ngày thứ Ba 25/1 thì thử nghiệm hệ thống tên lửa hành trình tầm xa.

‘Tăng cường phóng tên lửa’

Kim Jong-un sử dụng 1/5 tới 1/4 GDP của Bắc Hàn cho quân đội
Chụp lại hình ảnh, Kim Jong-un sử dụng 1/5 tới 1/4 GDP của Bắc Hàn cho quân đội

Vụ phóng diễn ra chưa đến một tuần trước ngày khai mạc Thế Vận hội Mùa đông Bắc Kinh ở Trung Quốc, vốn là đối tác kinh tế và chính trị chính của Bắc Hàn. Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ không tham gia Thế Vận hội vì đại dịch Covid và “các thế lực thù địch.”

“Kim Jong Un dường như tăng cường các vụ phóng thử để gây áp lực lên cả Washington và Bắc Kinh liên qua đến các lệnh trừng phạt trước thềm Olympics”, Uk Yang, chuyên gia Nghiên cứu từ Center for Foreign Policy and National Security nhận định.

Theo Uk Yang thì các vụ phóng thử tên lửa dường như là cây đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài cho những nỗ lực của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nhằm thúc đẩy cho một thỏa thuận hòa bình với Bắc Hàn trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào tháng 5 tới.

“Rõ ràng là Bắc Hàn đang nói rằng mối quan hệ hai miền Triều Tiên sẽ cần bắt đầu từ con số 0”, Uk Yang cho biết.

Trong bài phát biểu trước năm mới 2022, Kim Jong Un đã kêu gọi tăng cường quan đội với công nghệ tiên tiến vào thời điểm mà các cuộc hội đàm với Hàn Quốc và Mỹ bị chững lại.

Kể từ thời điểm đó, Bắc Hàn đã tiến hành một loạt các vụ thử xét về loại vũ khí, địa điểm phóng và sự phức tạp cũng tăng dần.

Tỉnh Jagang là nơi đã tiến hành 2 vụ phóng thử tên lửa trong tháng này vốn được Bắc Hàn gọi là “tên lửa siêu thanh”, có thể đạt tốc độ cao trong khi bay ở độ cao tương đối thấp. Nhưng loại tên lửa phóng ngày hôm nay 30/1 được cho là cao hơn và xa hơn các loại được phóng thử trước đó.

Từ các loại tên lửa siêu thanh và hành trình tầm xa, các vụ thử đã cho thấy Bắc Hàn tiếp tục mở rộng nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân trong bối cảnh các cuộc hội đàm giải trừ hạt nhân bị chững lại.

“Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo và các loại trước đó là mối đe dọa đến quốc gia chúng ta, khu vực và cộng đồng quốc tế,” Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno tuyên bố.

“Một loạt vụ thử đã vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và chúng tôi phản đối mạnh mẽ hành động này từ phía Bắc Hàn.”

Các vụ thử dường như nhắm đến mục tiêu hiện đại hóa nền quân sự của Bắc Hàn, hun đúc thêm lòng tự hào dân tộc trước những ngày lễ quan trọng ở nước này và gửi đi thông điệp về sức mạnh trong bối cảnh nước này đang chật vật với cuộc khủng hoảng kinh tế do các lệnh trừng phạt quốc tế gây nên và phong tỏa vì Covid, Leif-Eric Easley, Giáo sư từ Đại học Ewha nhận định.

“Bắc Hàn muốn nhắc nhở Washington và Seoul rằng sẽ phải trả giá đắt nếu muốn lật đổ chế độ của Kim Jong Un”.

Bình Nhưỡng thì cho rằng các vụ thử là quyền tự vệ chủ quyền quốc gia và nói không nhắm đến bất kỳ quốc gia cụ thể nào, nhưng cáo buộc Washington và Seoul có “chính sách thù địch.”

Trong chuyến thăm một nhà máy sản xuất vũ khí quân sự hồi tuần rồi Kim Jong Un đã kêu gọi “tổng lực” sản xuất “vũ khí tinh nhuệ và uy lực”, và kêu gọi các công nhân “càn quét sự thách thức của đế quốc Mỹ và những lực lượng nô bộc của Mỹ” đang tìm cách xâm phạm quyền tự vệ của Bình Nhưỡng, và gọi đây “là tình thế cam go nhất”.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-60122534

Dân biểu Mỹ thúc giục tân Đại sứ Mỹ gây sức ép về nhân quyền lên Việt Nam

Dân biểu Mỹ thúc giục tân Đại sứ Mỹ gây sức ép về nhân quyền lên Việt Nam

Hình ảnh một số nhà hoạt động bị chính quyền Việt Nam bắt giữ trong năm 2021 – Photo: RFA

Bảy Dân biểu Mỹ vào ngày 28/1 gửi một bức thư đến tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, kêu gọi ông gây sức ép lên chính quyền Việt Nam về vấn đề nhân quyền, đồng thời bày tỏ quan ngại đặc biệt đối với hơn 20 trường hợp tù nhân lương tâm đang bị cầm tù.

Các Dân biểu Mỹ dẫn đầu bởi Dân biểu Alan Lowenthal, đồng Chủ tịch của Vietnam Caucus tại Quốc hội Mỹ chúc mừng tân Đại sứ Knapper vừa nhậm chức đồng thời bày tỏ lo ngại về tình hình đàn áp nhân quyền tại Việt Nam. Bức thư viết:

Chính phủ Cộng sản Việt Nam tiếp tục từ chối các quyền căn bản và nhân quyền cơ bản đối với công dân của mình, đi ngược lại các giá trị được nêu trong Hiến pháp Việt Nam, và Tuyên ngôn về Nhân quyền, Công ước Quốc tế về các quyền chính trị và dân sự mà Việt Nam hứa sẽ tuân thủ. Các công dân, những người bất đồng chính kiến, các nhà báo độc lập, những người đã thực thi các quyền chính trị và dân sư cơ bản như tự do biểu đạt, hội họp, tôn giáo, tụ tập hoà bình đều phải đối mặt với các sách nhiễu, bạo lực, bắt bớ, và bị bỏ tù bởi một chính quyền độc tài”.

Các Dân biểu Mỹ cũng cho rằng trong hai năm qua, khi đại dịch COVID-19 hoành hành, chính quyền Việt Nam đã có những hành động đàn áp mạnh mẽ nhất. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), chỉ riêng trong năm 2021, đã có ít nhất 63 người bị bỏ tù chỉ vì bày tỏ ý kiến của mình hoặc có liên quan đến các hội nhóm bị cho là thù định với Chính phủ.

Điều đáng báo động là giới chức Việt Nam đang sử dụng
các nội dung trên mạng xã hội như Facebook, YouTube làm bằng chứng để
bịa ra tội đối với các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến
”, bức thư có đoạn viết.

Hoa Kỳ cần phải đảm bảo là các công ty như Facebook, YouTube và các công ty khác không trở thành các công cụ của Chính phủ Việt Nam”, bức thư viết tiếp.

Các Dân biểu Mỹ đã bày tỏ quan ngại đặc biệt với hơn 20 trường hợp tù nhân lương tâm bao gồm: Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Văn Hoa, Trương Duy Nhất, Lê Đình Lượng, ba nhà báo thuộc Hội Nhà báo Độc lập, năm thành viên của Báo Sạch, các thành viên gia đình bà Cấn Thị Thêu đang bị cầm tù…

Các Dân biểu Mỹ cho rằng dù Mỹ và Việt Nam đang tìm kiếm việc xây dựng mối quan hệ chiến lược gần gũi hơn vào khi Trung Quốc đang gia tăng gây hấn ở Biển Đông, nhưng “mối quan hệ này không thể được trả bằng cái giá của nhân quyền và các giá trị mà cộng đồng quốc tế tôn trọng”.

Tân Đại sứ Mỹ Marc Knapper được Tổng thống Joe Biden đề cử làm Đại sứ Việt Nam vào tháng 4/2021, và được Thượng viện Mỹ chuẩn thuận vào tháng 12/2021. Đại sứ Knapper vừa đến Việt Nam vào tối ngày 27/1 vừa qua.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-congressmen-urge-new-embassador-to-pressure-vn-on-human-rights-01292022150708.html

(AFP) – Bắc Kinh: Số ca nhiễm Covid cao nhất từ 18 tháng qua. Hôm nay, 30/012022, Bắc Kinh có thêm 20 người nhiễm Covid-19, cao nhất kể từ tháng 6/2020, theo số liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia. Thủ đô Trung Quốc đang chuẩn bị đón tiếp Thế Vận Hội Mùa Đông (4-20/2), nhưng sự kiện thể thao này sẽ diễn ra theo vòng khép kín, để tránh mọi tiếp xúc giữa những người tham gia với người dân địa phương. Vốn vẫn theo chiến lược « zero Covid », chính quyền Trung Quốc đang rất lo ngại dịch lây lan mạnh vì hàng triệu người đang trên đường về quê ăn Tết.

(AFP) – Covid-19: Bhutan đã có đến… 4 người chết vì Covid. Trong tuần này, Bhutan đã ghi nhận thêm một ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số người chết vì đại dịch ở quốc gia vùng Himalaya này lên tới … 4 người. Vương quốc có 800.000 dân, nằm lọt giữa Ấn Độ và Trung Quốc, là một trong số hiếm hoi các quốc gia có số tử vong do Covid thấp như thế. Tuy vậy, thủ tướng Bhutan đã kêu gọi người dân gia tăng nỗ lực phòng chống dịch bệnh.

(AFP) – Ấn Độ: Đợt lạnh bất thường ở New Delhi. Trong những ngày qua, thủ đô New Delhi của Ấn Độ bị một đợt lạnh bất thường, khiến nhiều người vô gia cư thiệt mạng tại thành phố 20 triệu dân này. Hôm thứ ba 25/01/2022, tuần này, nhiệt độ tối đa ở New Delhi là 12,1°C, thấp hơn 10 độ so với nhiệt độ trung bình của mùa này. Đây là ngày tháng Giêng lạnh nhất kể từ năm 2013. Nhiệt độ thấp nhất đôi khi xuống gần 0 độ và suốt nhiều ngày ở dưới mức 10°C.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220130-tin-tong-hop