Ðiểm Báo Pháp – 29/1/22
Tìm giải pháp ngoại giao với Nga về Ukraina: Nước Pháp lên tuyến đầu
Pháp tìm kiếm với Nga giải pháp ngoại giao cho khủng hoảng Ukraina với cuộc điện đàm Macron – Putin hôm nay và Liên Âu khiếu nại Trung Quốc lên Tổ chức Thương Mại Thế giới về chính sách “đàn áp kinh tế” với Litva là các chủ đề quốc tế lớn trang nhất. Một tập đoàn tư nhân quản lý nhà dưỡng lão số một nước Pháp bị lên án ngược đãi người già, bầu cử sơ bộ cánh tả chọn ứng viên tổng thống mở cho mọi công dân là chủ đề thời sự trong nước nổi bật.
Le Figaro chạy tựa trang nhất : “Ukraina: Macron
tìm cách làm môi giới với Putin”. Theo Phủ tổng thống Pháp, với cuộc
điện đàm hôm nay 28/01/2022, với tổng thống Nga, nguyên thủ Emmanuel
Macron đang mang niềm hy vọng của các nước châu Âu về việc “xuống thang
căng thẳng”, Le Figaro dành hồ sơ chính (bài “Quan hệ Macron – Putin qua
thử thách khủng hoảng Ukraina”) để mô tả những nét lớn trong quan hệ
ngoại giao Pháp – Nga dưới thời tổng thống Macron, từ gần 5 năm qua,
đồng thời dự báo diễn biến tiếp theo.
Trước điện đàm, tổng thống Pháp gọi Nga là “cường quốc gây bất ổn”
Đối
thoại với Nga để hướng đến hâm nóng quan hệ vốn là chính sách xuyên
suốt của tổng thống Emmanuel Macron. Tuy nhiên, theo Le Figaro, chính
sách này đã có một “bước ngoặt” rõ ràng mới đây. Trước cuộc điện đàm với
tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay, ông Macron đã dùng những lời lẽ
cứng rắn khi gọi nước Nga là một “cường quốc gây bất ổn”. Đi kèm với
phát biểu nói trên, kể từ khi căng thẳng gia tăng những tháng gần đây
với Nga, Pháp đã đề nghị gửi các đơn vị quân đội tham gia lực lượng NATO
tại Rumani.
Le Figaro so sánh giữa hành xử với Nga của tổng thống
Macron với các tổng thống tiền nhiệm (hai ông Sarkozy và Hollande), để
rút ra một nhận xét : Ông Macron có vẻ như không có con đường nào khác,
tương tự như hai người tiền nhiệm, là khởi đầu nhiệm kỳ với nỗ lực làm
tan băng quan hệ với chủ nhân điện Kremlin, và cuối nhiệm kỳ hết ảo
tưởng, buộc phải trở nên cứng rắn. Nhật báo Pháp nhấn mạnh là việc giữ
được cân bằng giữ “đối thoại” và “cứng rắn” ngày càng trở khó khăn hơn
với chính quyền Macron. Một nhà ngoại giao cao cấp cho biết “rõ ràng là
tiếp cận này với Nga đã trở nên quá đơn giản. Cần phải xem xét lại”.
Nga hung hăng, Kiev càng ngả về phương Tây: “Thời gian” bất lợi cho Putin
Bài
xã luận của Le Figaro nhan đề “Thời gian của Putin” cũng bàn về chủ đề
nước Pháp trong vai trò môi giới xuống thang giữa Mỹ và Nga. Theo Le
Figaro, người đảm nhiệm vai trò môi giới này cần hiểu thực sự “bản chất
của sự khác biệt” giữa hai đại cường Mỹ, Nga. Đây không chỉ là sự cạnh
tranh về quyền lực, mà là về mô hình xã hội. Tổng thống Nga “muốn một
nước láng giềng Ukraina suy yếu hơn là một xã hội tự do, có thể kích
thích các đòi hỏi dân chủ tại Nga”.
Vấn đề với ông Putin là, “sự
hung hăng của nước Nga càng đẩy Ukraina về phía châu Âu và NATO”, việc
bán đảo Crimée bị sát nhập, vùng Donbass bị chiếm không đủ để làm bất ổn
định Ukraina. Le Figaro nhấn mạnh : “Thời gian đang bất lợi cho ông
Putin: chiến tranh trở thành phương tiện cho Matxcơva để chặn thời gian
lại”.
Nếu phải đánh, Puntin sẽ tấn công để triệt hạ chính quyền Kiev
Về
nguy cơ chiến tranh Nga – Ukraina, Le Figaro có bài phỏng vấn chuyên
gia quân sự, chuyên về quân đội Nga, ông J. D. Williams (Rand
Corporations). Cựu chuyên gia về chiến lược của cơ quan tình báo Mỹ NCI
nhấn mạnh “đứng từ quan điểm chiến lược, nếu xem xét các đòi hỏi của
ông Putin, khó mà hiểu được làm thế nào Nga có thể đạt được mục tiêu mà
không có các chiến dịch quân sự lớn”. Và mục tiêu chiến lược của Putin
chỉ có thể đạt được nếu thay đổi chế độ tại Kiev. Mà để làm được điều
này một chiến dịch quân sự giới hạn ở vùng Donbass hay kể cả toàn bộ
vùng đông nam là không có ý nghĩa gì. Do vậy, có thể dự báo, nếu Putin
quyết định can thiệp quân sự, đó sẽ phải là một chiến dịch quy mô lớn.
Trả
lời cho câu hỏi, liệu đã quá muộn chưa để răn đe Nga trước khả năng can
thiệp, theo chuyên gia quân sự Mỹ, hai tuần gần đây, đã có sự thay đổi
đáng kể trong chính sách của phương Tây với Nga. Trợ giúp phương tiện
quân sự cho Ukraina gia tăng mạnh, về số lượng và tốc độ cung cấp, và
điều này đang diễn ra một cách công khai.
Ukraina: Trợ giúp quân sự phương Tây ở mức vừa phải
Về
chủ đề này, Le Monde có bài “Ukraina : trợ giúp quân sự phương Tây ở
mức vừa phải”, với ghi nhận, ngoài Mỹ và Anh, các tuyên bố cung cấp vũ
khí mới đây cho chính quyền Kiev hiện phần nhiều mới là cam kết. Khoảng
10 nước châu Âu hứa gửi vũ khí, nhưng về mặt chính thức, trong các nước
châu Âu mới chỉ có Anh chính thức gửi các vũ khí hạng nhẹ, vũ khí chống
tăng, máy dò mìn. Ukraina cũng không công bố danh sách vũ khí nhận được.
Về phần nước Pháp, hiện tại Ukraina chưa chính thức đề nghị hỗ trợ vũ
khí.
Đối với chính quyền Kiev, trợ giúp quân sự của phương Tây có
giá trị về mặt quân sự, như phương tiện răn đe Nga, cũng như về mặt
chính trị, cho thấy Ukraina có sự ủng hộ quốc tế. Liên Âu đang xem xét
triển khai một đoàn hỗ trợ huấn luyện quân sự. NATO đã đặt một trung tâm
huấn luyện tại Lviv, thành phố lớn miền tây Ukraina. Theo chuyên gia
Alyona Getmanchouk, giám đốc trung tâm tư vấn New Europe Center, hiện
tại quân đội có 250 nghìn lính tại ngũ, và khoảng 300 nghìn quân dự bị
sẵn sàng động viên. Phía Nga có hơn 1 triệu binh sĩ thường trực và 2,6
triệu quân dự bị.
Điện Kremlin để ngỏ giải pháp ngoại giao
Trong
lúc Le Figaro và Le Monde quan tâm nhiều hơn đến nguy cơ chiến tranh,
Les Echos nghiêng về mặt ngoại giao. Theo nhật báo kinh tế Pháp, việc
điện Kremlin có phản ứng “khá chừng mực” hôm qua, sau lời từ chối các
đòi hỏi về an ninh của Nga, từ phía Nhà Trắng bằng văn bản, cho thấy Nga
và phương Tây vẫn có thể “tiếp tục quá trình đối thoại khó khăn”.
Cuộc
họp theo công thức Normandie tại Paris giữa các đại diện Pháp – Đức –
Nga – Ukraina, cũng cho thấy những dấu hiệu tích cực. Cho dù nội dung
của cuộc họp này chỉ liên quan đến quy chế vùng Donbass, do phe ly khai
thân Nga kiểm soát, nhưng theo Les Echos, các tiến triển về hồ sơ này có
thể tạo nên một động năng tích cực, ít nhất cũng cho phép thiết lập lại
một phần niềm tin giữa Matxcơva phương Tây. Trong hai tuần nữa, một
cuộc họp theo công thức Normandie sẽ diễn ra tại Berlin. Theo ngoại
trưởng Ukraina, điều này có thể cho thấy Nga ưu tiên con đường ngoại
giao từ đây đến đó. Nước Pháp cũng nhấn mạnh đến việc lần đầu tiên từ ba
năm nay các bên đã đạt được một tuyên bố chung kêu gọi các phe tham
chiến tôn trọng lệnh ngừng bắn.
Lần đầu tiên Trung Quốc lên tiếng
Les Echos cũng ghi nhận việc lần đầu tiên Trung Quốc – đồng minh của Nga – lên tiếng về khủng hoảng Ukraina. Ngoại trưởng Mỹ cho biết đồng nhiệm Trung Quốc trong điện đàm cho biết Bắc Kinh đã chuyển đến Matxcơva một tuyên bố ủng hộ “các lo ngại có cơ sở” của Nga, và kêu gọi tìm giải pháp. Bắc Kinh lo ngại, khủng hoảng Ukraina có thể làm hỏng Thế Vận Hội Mùa Đông tại Trung Quốc. Trước đó, Mỹ cảnh báo Trung Quốc về các nguy cơ với an ninh và kinh tế thế giới, nếu “Nga xâm lược Ukraina”.
Mỹ nhân nhượng Nga: “Bước ngoặt” trong chính sách ngoại giao của Washington
Về
hồ sơ Ukraina, nhật báo Công giáo La Croix có bài phỏng vấn chuyên gia
Alexandra de Hoop Scheffer, giám đốc trung tâm tư vấn xuyên Đại Tây
Dương German Marshall Fund of the United States, có trụ sở tại Paris.
Theo vị chuyên gia nàyphía Mỹ đã có một số nhân nhượng về hai điểm.
Thứ
nhất là một mặt tuyên bố không từ bỏ nguyên tắc mở của khối NATO mặt
khác Washington chấp nhận Ukraina sẽ không gia nhập NATO về mặt ngắn hạn
và trung hạn. Thứ hai là Hoa Kỳ đồng thời đề xuất một số biện pháp minh
bạch với Nga về các vị trí đóng quân, triển khai các hệ thống tên lửa,
cũng như các hoạt động tập trận tại châu Âu. Khả năng giảm các tập trận
cũng được tổng thống Mỹ Biden nêu ra với đồng nhiệm Nga tại Geneve hồi
năm ngoái.
Theo chuyên gia A. de Hoop Scheffer, đây là lần đầu
tiên chính quyền Mỹ công nhận những đòi hỏi của Nga, và đây là một sự
nhân nhượng chưa từng có và thay đổi lớn trong ngành ngoại giao Mỹ. Đây
là một sự chọn rất khác của chính quyền Biden, sau khi rút ra bài học từ
chính quyền Obama. Việc đàm phán Normandie tiến triển cũng cho phép Nga
và phương Tây giảm căng thẳng để tập trung thương lượng về các vấn đề
căn bản.
EU khiếu nại Trung Quốc để bảo vệ Litva
Liên
Âu (EU) khiếu nại Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để
bảo vệ Litva là một tựa chính trang nhất Les Echos. Hồ sơ kiện của Uỷ
Ban Châu Âu nhấn mạnh đến việc Trung Quốc có các biện pháp phân biệt đối
xử về đối ngoại chống lại Litva, có tác động tiêu cực đến các hoạt động
xuất khẩu khác của thị trường chung Liên Âu. Theo nhật báo kinh tế
Pháp, đây là một trắc nghiệm quan trọng đối với lập trường của châu Âu
về “tự chủ chiến lược”.
Bruxelles cho biết là đã nhận được đủ số
nhân chứng và dữ liệu chắc chắn để nộp hồ sơ chính thức, nhưng nhấn mạnh
trước hết muốn giải quyết bất đồng một cách song phương với Bắc Kinh.
Bắc
Kinh quyết định trừng phạt sau khi Litva cho mở văn phòng đại diện Đài
Loan, với tên gọi Đài Loan tại quốc gia này, bất chấp sự phản đối của
Trung Quốc. Xuất khẩu của Litva sang Trung Quốc sụt giảm 91% trong tháng
12/2021. Bắc Kinh cũng gây áp lực để các doanh nghiệp châu Âu tại các
nước thành viên khác rút các linh kiện “sản xuất tại Litva” ra khỏi
chuỗi cung ứng nếu còn muốn làm ăn với Trung Quốc. Cho dù thị trường
Trung Quốc chỉ chiếm 1% xuất khẩu của Litva, nhưng đối với Bruxelles,
điều này là không thể chấp nhận được.
Bắc Kinh muốn coi khủng
hoảng này là chuyện riêng giữa Trung Quốc và Litva. Tuy nhiên theo thông
tin của Les Echos, toàn bộ 26 thành viên còn lại của Liên Âu đều khẳng
định ủng hộ quyết định của Bruxelles.
Pháp: “Ngược đãi” quy mô lớn trong hệ thống nhà dưỡng lão tư nhân
Về
tình hình thời sự Pháp, vụ bê bối liên quan đến tình trạng kém kiểm tra
giám sát tại khu vực nhà dưỡng lão tư nhân là chủ đề trang nhất của Le
Monde. Le Monde cho biết, một cuốn sách của nhà báo điều tra Victor
Castanet về tập đoàn Orpea (cuốn “Les Foussoyeurs”, tạm dịch là “Những
kẻ đào huyệt”) đã phơi bày tình trạng tồi tệ tại các trung tâm dưỡng lão
tư nhân (EHPAD), do đặt lợi nhuận trên hết. Điều tra của nhà báo cũng
chỉ ra tình trạng kém thanh tra giám sát của các cơ quan nhà nước trong
lĩnh vực này. Sau khi cuốn sách được công bố gây chấn động, chính phủ đã
triệu tập tổng giám đốc tập đoàn Orpea, và cho tiến hành điều tra.
Người phát ngôn chính phủ cho biết, nếu thông tin sách nêu là chính xác,
các hành động sai phạm sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc nhất.
Tập
đoàn Orpea là tập đoàn tư nhân lớn nhất trong lĩnh vực nhà dưỡng lão,
với 222 trung tâm tại Pháp, doanh thủ gần 4 tỉ euro, lợi nhuận 160 triệu
euro. Ông chủ Orpea nằm trong số 500 người giầu nhất nước Pháp. 8 trong
số các chủ nhân công ty quản lý nhà dưỡng lão thuộc 500 tài sản lớn
nhất nước Pháp.
Theo cuốn sách điều tra về các nhà dưỡng lão của
Orpea, mục tiêu của tập đoàn là tiếp nhận được tối đa người già, và chi
phí bỏ ra thấp nhất, nhất là chi phí trả tiền lương nhân viên. Vì vậy
nhân viên làm việc hợp đồng ngắn hạn được ưu tiên, thay vì nhân viên hợp
đồng dài hạn. Hàng loạt hành động gian lận được tiến hành để thổi phồng
mức tiền được sử dụng… tạo các khoản thu bất hợp pháp. Cuốn sách điều
tra cũng mô tả tình trạng không ai có thể đụng đến giới lãnh đạo công
ty, trong lúc các cơ quan chủ quản bất lực.
Tranh cử tổng thống: Chăm sóc người già phải thành chủ đề chính
Theo
Le Monde, bê bối nhà dưỡng lão sau khi cuốn sách ra mắt đúng vào kỳ
tranh cử tổng thống, khiến chính sách với người già nổi lên như một vấn
đề trọng tâm. Xã luận Le Monde nhấn mạnh là còn chưa muộn để vấn đề
chính sách với người cao tuổi trở thành chủ đề tranh cử chính.
La
Croix cũng dành bài xã luận với tựa đề “Phẩm giá” cho chủ đề chính sách
nhà dưỡng lão. Nhật báo Công giáo nhấn mạnh đến phần trách nhiệm của
chính quyền : Thanh tra với các nhà dưỡng lão là “không đủ, hoặc nếu
không muốn nói là không tồn tại”. Theo La Croix, các ứng cử viên tổng
thống không thể chỉ dừng lại trong những vấn đề chung, mang tính kỹ trị,
như nguồn tài chính, hay các tổ chức quản lý…, mà cần đề cập đến các
vấn đề căn bản như : “Liệu chúng ta có thực sự cương quyết hành động để
những người cao tuổi có thể sống trong giai đoạn cuối đời một cách xứng
đáng với phẩm giá con người ?”.
Bầu sơ bộ chọn ứng viên tổng thống cánh tả Pháp: Tin vui và những điều đáng tiếc
Cuộc
bầu cử sơ bộ cánh tả chọn ứng cử tổng thống mở rộng cho mọi công dân
(diễn ra từ hôm qua 27/01 đến Chủ nhật 30/01) là hồ sơ trang nhất của
nhật báo thiên tả Libération. Bài xã luận mang tựa đề “Dân Chủ” ghi
nhận, cuộc bỏ phiếu đã thu hút được 466. 895 người, chưa cần tính đến sự
tỉ lệ người tham gia bỏ phiếu, bản thân số lượng đăng ký đã là một
“chiến thắng đối với ban tổ chức”.
“Làm sao không vui mừng khi có
ngần ấy công dân tham gia, trong lúc kể từ bao năm nay, chỉ toàn là
không khí nghi ngờ về đời sống chính trị, về tỉ lệ vắng mặt đông đảo, về
các hành động bạo lực nhắm vào các đại biểu dân cử ?”. Cuộc bầu cử sơ
bộ mang lại sinh khí cho cánh tả, nhưng Libération cũng ghi nhận nhiều
điều đáng tiếc.
Thứ nhất là tiến trình này diễn ra quá trễ, thứ
hai là “mang tính chắp vá”, bởi nhiều ứng cử viên được đưa ra bỏ phiếu
bầu chọn lại chính là những người chống lại việc tổ chức bỏ phiếu. Không
có gì bảo đảm là kết quả bỏ phiếu sẽ có tác động thực sự. Và điều tệ
hại hơn là “có thể phản tác dụng, khi đưa thêm chia rẽ vào tình trạng
chia rẽ vốn có, nếu như nữ chính trị gia Christiane Taubira chiến thắng”
(bởi cho đến nay đã có cánh tả đã có đến ít nhất 3 ứng cử viên tổng
thống được coi là thu hút chủ yếu số phiếu bầu cho cánh tả : đô trưởng
Paris Anne Hidalgo – đảng Xã Hội, Yannick Jadot, đảng Xanh và Jean-Luc
Mélenchon, Nước Pháp Bất Khuất).
Đảng phái chính trị suy yếu, nhưng sự chủ động của dân chúng bị ngờ vực
Tiến
trình bỏ phiếu mang tính công dân này cũng phơi bày một thực tế ít được
bàn đến đối với một nền dân chủ. Đó là đòi hỏi phải có “sự bổ sung lẫn
nhau giữa vế dân chủ đại diện (tức thông qua các đại biểu dân cử) và vế
dân chủ tham gia (tức người dân trực tiếp tham gia vào tiến trình chính
trị)”. Từ nhiều năm nay, tại Pháp, “vế dân chủ đại diện lâm vào tình
trạng ốm yếu, các đảng phái chính trị đã mất đi sức sống, cả về mặt các
hoạt động tranh đấu, cũng như phương diện tri thức. Các hoạt động dân
chủ tham gia đã phát triển mạnh trong những năm 1990, nhưng chỉ mạnh ở
cấp địa phương.
Libération lấy làm tiếc là các sáng kiến như cuộc bỏ phiếu này lẽ ra cần được các đảng phái chính trị ủng hộ, để được tiếp sức, thì ngược lại bị “nhìn nhận một cách ngờ vực”. Dù sao, theo nhật báo thiên tả, “việc cách tân của các lực lượng chính cánh tả buộc phải xem xét thực sự về việc làm thế nào để phối hợp giữa hai vế, dân chủ đại diện và dân chủ tham gia”.
28/01/2022 – Trọng Thành