Tin Tổng Hợp – 26/1/22

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 26/1/22

Mỹ đã gửi văn bản phản hồi các đòi hỏi của Nga

Reuters – Mỹ ngày 26/1 đã hồi đáp bằng văn bản những đòi hỏi an ninh của Nga,
một bước quan trọng trong tiến trình ngoại giao mong manh trong lúc Nga
tiến hành các cuộc tập trận trên đất liền và trên biển gần Ukraine.

Ngoại trưởng Antony Blinken họp báo tại Bộ Ngoại giao về Nga và Ukraine tại Washington, ngày 26/1/2022.
Ngoại trưởng Antony Blinken họp báo tại Bộ Ngoại giao về Nga và Ukraine tại Washington, ngày 26/1/2022.

Ngoại trưởng Antony Blinken cho hay văn bản hồi đáp được đích thân
đại sứ Mỹ tại Moscow John Sullivan trao cho Nga, hồi đáp những quan ngại
của Nga và nêu những quan tâm của Mỹ và đồng minh.

Ông nói với phóng viên văn bản đó vạch ra một con đường ngoại giao
nghiêm túc để tiến tới, nếu Nga chọn đi theo con đường này, và trong đó
có đánh giá về nguyên tắc và thực tế những quan ngại của Moscow. Ông cho
biết thêm là Mỹ sẵn sàng đối thoại.

“Để mọi chuyện xuống giấy trắng mực đen là…cách tốt để đảm bảo chuẩn
xác nhất có thể và để phía Nga hiểu lập trường của chúng ta, ý tưởng của
chúng ta càng rõ càng tốt. Ngay bây giờ, họ đã có văn bản đó trong tay
và bóng đang ở bên phần sân của họ,” ông nói thêm.

Washington đã nói rõ là những đòi hỏi của Nga yêu cầu NATO rút bớt
binh sĩ và vũ khí ra khỏi đông Âu và không cho Ukraine gia nhập NATO là
không chấp nhận được, nhưng cho hay Mỹ sẵn sàng thảo luận về những đề
tài khác như kiểm soát vũ khí và các biện pháp xây dựng lòng tin.

Liệu Tổng thống Vladimir Putin có sẵn sàng chấp nhận nghị trình hạn
chế này hay không sẽ quyết định giai đoạn kế tiếp của cuộc khủng hoảng.
Moscow đã triển khai khoảng 100.000 binh sĩ gần biên giới Ukraine trong
khi phủ nhận có kế hoạch xâm lấn.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói với hãng tin
Interfax, khi được hỏi Nga cần bao lâu để nghiên cứu hồi đáp của NATO,
rằng: “Chúng tôi sẽ đọc, sẽ nghiên cứu. Các đối tác đã nghiên cứu các
phương án của chúng tôi gần một tháng rưỡi.”

Sáng ngày 26/1, đáp bình luận của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng ông sẽ cứu xét việc áp đặt chế tài lên cá nhân ông Putin, Nga nhấn mạnh động thái như vậy sẽ không gây tổn hại cho nhà lãnh đạo Điện Kremlin mà sẽ “phá hoại chính trị.”

https://www.voatiengviet.com/a/my-da-gui-van-ban-phan-hoi-cac-doi-hoi-cua-nga/6414560.html

Ukraina: Pháp, Đức sẽ phản ứng mạnh với mọi gây hấn nhưng kêu gọi Nga đối thoại

Các nỗ lực ngoại giao của châu Âu nhằm giải quyết hòa bình căng thẳng Nga – Ukraina bằng con đường đối thoại tiếp tục. Hôm qua, 25/01/2022, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz hội kiến tại Berlin. Lãnh đạo hai nước khẳng định chính quyền Nga sẽ phải «trả giá đắt» cho mọi hành động xâm lược.  

Tổng thống Pháp lên án chính sách gây bất ổn định của Nga tại khu vực nhiều quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Tổng thống Macron nhấn mạnh đến việc châu Âu cần phải chuẩn bị một phản ứng chung để đối phó với Nga, với mức độ tùy theo các hành động của Matxcơva. Về phía Đức, thủ tướng Olaf Scholz lưu ý Matxcơva «cần có các biện pháp rõ ràng để góp phần vào việc giảm căng thẳng», «mọi hành động xâm lược sẽ có các hậu quả nghiêm trọng».

Tuy nhiên, trong nội bộ các nước
châu Âu, hành động đơn phương từ phía Mỹ gây lo ngại có thể rót thêm dầu
vào lửa. Các nước châu Âu, trước hết là Pháp và Đức ưu tiên giải pháp
ngoại giao.

Thông tín viên Stéphane Siohan từ Kiev phân tích:

Hôm thứ Ba (25/01), trong một cuộc họp báo chung ở Berlin với thủ tướng Đức Olaf Scholz, tổng thống Emmanuel Macron thông báo ông sẽ có một cuộc điện đàm ngày thứ Sáu (28/01) với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin. Tổng thống Pháp nói: «Nếu Nga gây hấn với Ukraina, sẽ có phản ứng và cái giá phải trả là rất cao».

Trên
thực tế, trong nội bộ, giới ngoại giao Pháp và các đối tác châu Âu bày
tỏ thái độ giận dữ trước các động thái của Mỹ ở Ukraina. Ở Paris và các
thủ đô châu Âu khác, giới lãnh đạo châu Âu khó có thể hiểu được quyết
định được cho là quá sớm của chính quyền Mỹ, Anh và Úc về việc sơ tán
nhân viên ngoại giao khỏi Kiev, trong lúc biện pháp huy động trước 8.500
lính Mỹ có thể đổ thêm dầu vào lửa, trước một cuộc gặp quan trọng mới
Mỹ – Nga vào thứ Sáu tại Geneve, mà Hoa Kỳ sẽ phải phản hồi bằng văn bản
đối với các yêu cầu của Nga về an ninh. 

Trong bối cảnh
đó, Paris và Berlin chơi lá bài tái khởi động lại tiến trình Minsk II :
trong tuần này các cố vấn của tổng thống Ukraina, Nga, Pháp và Đức sẽ
gặp lại nhau sau nhiều tháng hoàn toàn bế tắc. Duy có điều, vấn đề chính
vào thời điểm này không chỉ còn là việc giải quyết xung đột tại vùng
Donbass, nơi tình hình đang rất yên tĩnh, mà là tránh một sự cố ngoại
giao lớn và nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh quy ước giữa hai quốc
gia. 

Nga từ chối mọi thương lượng với Liên Âu

Pháp,
Đức thúc đẩy đối thoại với Nga, nhưng Matxcơva cự tuyệt. Theo Reuters,
hôm nay, 26/01, tại Hạ Viện Nga, ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov tuyên
bố Nga hoàn toàn không có ý định thảo luận về tình hình Ukraina và an
ninh của nước Nga với Liên Hiệp Châu Âu và Tổ chức An ninh và Hợp tác
Châu Âu (OSCE).  

Ngoại trưởng Nga tái khẳng định Matxcơva sẽ có « các biện pháp phù hợp »,
nếu không nhận được từ Mỹ và Nato các đáp ứng đối với các quan tâm của
Nga về an ninh. Nga đã đợi một văn bản trả lời từ phía Mỹ về các yêu cầu
của Nga, đặc biệt là ngừng mở rộng khối NATO về phía đông.  

Trọng Thành

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220126-ukraina-ph%C3%A1p-%C4%91%E1%BB%A9c-s%E1%BA%BD-ph%E1%BA%A3n-%E1%BB%A9ng-m%E1%BA%A1nh-v%E1%BB%9Bi-m%E1%BB%8Di-g%C3%A2y-h%E1%BA%A5n-nh%C6%B0ng-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-nga-%C4%91%E1%BB%91i-tho%E1%BA%A1i

Nhóm ‘Báo Sạch’: Tòa phúc thẩm đề nghị sửa một phần án sơ thẩm

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh
Chụp lại hình ảnh, Nhà báo Trương Châu Hữu Danh

Chiều 26/01, TAND TP Cần Thơ mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” liên quan đến nhóm Báo Sạch.

Trước đó, TAND huyện Thới Lai đã tuyên phạt bị cáo Trương Châu Hữu Danh 4 năm 6 tháng tù; Lê Thế Thắng và Đoàn Kiên Giang mỗi bị cáo 3 năm tù; Nguyễn Phước Trung Bảo và Nguyễn Thanh Nhã mỗi bị cáo 2 năm tù, cùng về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tại phiên xử phúc thẩm, đại diện VKSND TP Cần Thơ đề nghị HĐXX tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm do TAND huyện Thới Lai tuyên ngày 28/10/2021, theo tường thuật của báo Pháp luật TPHCM.

Theo đó, VKSND TP Cần Thơ kháng nghị không áp dụng hình phạt bổ sung cấm hành nghề báo chí trong thời hạn 3 năm đối với các bị cáo Danh, Bảo, Nhã và Giang.

“Bởi các bị cáo bị truy tố và xét xử theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, tại điều luật này không quy định hình phạt bổ sung các bị cáo phải chịu.”

“Bên cạnh đó, thời điểm thực hiện hành vi phạm tội các bị cáo cũng không còn hành nghề báo chí. Do đó, việc TAND huyện Thới Lai áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo là trái quy định pháp luật,” theo trang Pháp luật TPHCM.

Ngoài ra, đại diện VKSND đề nghị HĐXX chấp nhận kháng nghị của VKSND TP Cần Thơ về việc không chấp nhận kháng cáo giảm án của 4 bị cáo trên, nhưng chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Thắng – giảm nhẹ bản án với Thắng xuống còn 2,5 năm tù.

“Xét kháng cáo của bị cáo Danh, Nhã, Giang và Bảo, đại diện VKS cho rằng tại tòa các bị cáo có đưa ra một số tài liệu, tuy nhiên những tình tiết này đã được cấp sơ thẩm xem xét áp dụng nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của 4 bị cáo.”

“Riêng bị cáo Thắng tại phiên tòa hôm nay đã cung cấp thêm chứng cứ mới là Huân chương Kháng chiến của cha mẹ nên đủ điều kiện xem xét áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo mà trước đó cấp sơ thẩm chưa áp dụng,” vẫn theo trang báo này.

Ngày 27/01, tòa sẽ tiếp tục phần tranh luận.

Ngày 28/10/2021, TAND huyện Thới Lai đã tuyên phạt năm người thuộc nhóm Báo Sạch gồm: Trương Châu Hữu Danh 4,5 năm tù, Nguyễn Phước Trung Bảo 2 năm tù, Nguyễn Thanh Nhã 2 năm tù, Đoàn Kiên Giang 3 năm tù và Lê Thế Thắng 3 năm tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 BLHS.

Đến ngày 17/11/2021, TAND Thới Lai cho biết đã nhận được đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của năm bị cáo trong nhóm Báo Sạch.

Trang Facebook mang tên của ông Trương Châu Hữu Danh đã ngừng hoạt động từ tháng 12/2020.

Một số bài còn đọc được cho thấy trang này theo dõi kỹ các vụ việc ‘nóng’ về nhân sự của Đảng CSVN và những vụ án khác nhau, như vụ Tất Thành Cang, đại học Đông Đô, các ông Lê Thanh Hải, Diệp Dũng.

Không chỉ viết bài trên Facebook, ông Danh còn trực tiếp thách thức một số hành vi bị dư luận phê phán của nhóm lợi ích tại Việt Nam.

Ví dụ, hồi tháng 8/2017, ông đem nhiều cọc tiền mệnh giá 200 và 500 đồng để mua vé qua trạm BOT Cai Lậy khiến họ rơi vào tình trạng không giải quyết giao thông nhanh được.

Nhóm Báo Sạch cũng bị cáo buộc “chiếm đoạt các tài liệu mật”.

Facebooker Trương Châu Hữu Danh trong một cảnh livestream năm 2019
Chụp lại hình ảnh, Facebooker Trương Châu Hữu Danh trong một cảnh livestream năm 2019

Hoa Kỳ nêu ‘quan ngại’

“Hoa Kỳ hết sức quan ngại về việc một tòa án Việt Nam đã tuyên án nhiều năm tù với các nhà báo liên quan tới nhóm Báo Sạch gồm Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Phước Trung Bảo, Nguyễn Thanh Nhã, Đoàn Kiên Giang và Lê Thế Thắng, về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 BLHS,” thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 30/10/2021 viết.

“Chúng tôi hiểu rằng nhóm nhà báo này tập trung đưa tin điều tra về tham nhũng và tất nhiên là đây không phải là tội.

“Năm bản án mới nhất này là nằm trong xu hướng giam giữ và kết án đáng lo ngại đối với các nhà báo và công dân Việt Nam thực hiện các quyền tự do ngôn luận và báo chí của họ vốn được ghi trong hiến pháp của Việt Nam.

“Hoa Kỳ kêu gọi nhà chức trách Việt Nam bảo vệ các quyền tự do này, trả tự do cho năm nhà báo và tất cả những người bị giam giữ vô cớ, và cho phép mọi cá nhân ở Việt Nam tự do bày tỏ quan điểm của mình và không sợ bị trả đũa”.

“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam đảm bảo các hành động của mình phù hợp với các quy định về nhân quyền trong hiến pháp Việt Nam cũng như các nghĩa vụ và cam kết quốc tế”.

Tuy không có phản hồi cụ thể về vụ xử nhóm Báo Sạch, quan điểm của chính quyền Việt Nam từ trước tới nay là tự do báo chí không thể bị “lợi dụng” để chống phá lại Nhà nước theo thể chế xã hội chủ nghĩa.

“Tự do ngôn luận, tự do báo chí là những quyền cơ bản của con người đã được Việt Nam cam kết thực hiện theo những nguyên tắc chung của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề nhạy cảm mà các thế lực thù địch, phản động, bất mãn chính trị thường lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa”, trang Quân đội Nhân dân viết nhân ngày Tự do báo chí thế giới (3/5) trong một bài hồi tháng 6/2020.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-60140123

TNLT Lê Quý Lộc tố bị tra tấn trong trại An Phước bởi 11 cán bộ

TNLT Lê Quý Lộc tố bị tra tấn trong trại An Phước bởi 11 cán bộ

Ông Lê Quý Lộc báo với gia đình việc ông bị đánh trong trại giam – FBNV/ RFA edited

Người thân của tù nhân lương tâm Lê Quý Lộc cho biết ông này
bị 11 cán bộ tại trại giam An Phước, tỉnh Bình Dương đánh đập cùng
lúc. 

Theo bà Trần Thanh Thủy thì sau tám tháng trại giam hoãn cho thăm
nuôi người thân do dịch COVID-19, cuối cùng bà cũng được vào trại giam
thăm chồng hôm 22 tháng 1 và được nghe ông này kể về việc bị tra tấn
trong tù. 

Trong cuộc gặp, ông Lê Quý Lộc nói rằng hồi tháng 5 năm 2021, ông đã
bị đánh đập cùng lúc bởi 11 cán bộ tại trại giam An Phước. Lý do là vì
ông đã lên tiếng đòi hỏi quyền được ra ngoài chơi thể thao vào thứ Bảy
cho những người tù chính trị. 

Thay vì đáp ứng đòi hỏi của ông này, thì phía cán bộ trại giam trừng
phạt bằng việc chuyển ông sang giam giữ ở khu vực dành cho tù hình sự.
Và cũng ở đây ông đã bị cán bộ trại giam đánh đập. 

Theo bà Thủy mô tả thì trận đòn đã khiến mặt của ông Lê Quý Lộc bị
bầm tím và sưng phù, ông này sau đó đã tuyệt thực trong tám ngày để phản
đối việc mình bị hành hung.

Phóng viên Đài Á Châu Tự Do nhiều lần gọi vào số điện thoại của trại
giam An Phước được công bố trên báo chí nhà nước, tuy nhiên một giọng nữ
tự động thông báo “đường dây đang sửa chữa” nên không thể liên lạc
được.  

Một luật sư nhân quyền giấu tên vì lý do an ninh nhận xét về vụ việc:

Theo quan điểm của tôi thì theo Luật Thi hành án Hình sự thì
người phạm nhân có quyền được bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, và họ được
quyền tham gia vui chơi, hoạt động thể thao, và sinh hoạt văn hoá văn
nghệ. 

Trong trường hợp trại giam không đáp ứng những yêu cầu của phạm
nhân là trái quy định của pháp luật. Và những yêu cầu của phạm nhân, cụ
thể ở đây là phạm nhân chính trị, là những yêu cầu hết sức chính đáng.

Về việc phía trại giam chuyển phạm nhân chính trị sang khu dành cho
tù hình sự để phản ứng lại các đòi hỏi về mặt quyền lợi của phạm nhân,
luật sư này cho hay:

Ở trong trại giam, giám thị trại giam có quyền chuyển phạm nhân
từ buồng giam này sang buồng giam khác, tuy nhiên là đối với những cái
hành động phản đối của những tù nhân chính trị nêu trên, mà họ bị chuyển
sang một cái buồng giam với những tội phạm hình sự nguy hiểm, thì theo
tôi đây là hành động mang tính trả thù của ban giám thị trại giam, nhằm
dằn mặt những tù nhân chính trị dám lên tiếng đòi hỏi quyền lợi của phạm
nhân.

Vị luật sư nhân quyền cũng khẳng định, hành vi đánh đập mà cán bộ
trại giam thực hiện với tù nhân lương tâm Lê Quý Lộc được coi là những
hành vi tra tấn. 

Ông Lê Quý Lộc, quê ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, bị bắt hôm 4 tháng 9 năm
2018 khi đang dự định tham gia cuộc biểu tình để phản đối dự luật đặc
khu và luật an ninh mạng. 

Khi đang bị tạm giam để điều tra tại trại tạm giam của cơ quan An
ninh điều tra TPHCM, hồi tháng 5/2020 ông này cũng cho hay mình bị ngược
đãi và đánh đập bởi cán bộ công an. 

Ông này đồng thời là thành viên của Nhóm Hiến pháp, một tổ chức xã
hội dân sự độc lập, hoạt động nhằm cổ xuý việc thực thi các quyền con
người được quy định trong Hiến pháp năm 2013. 

Chính quyền cáo buộc ông Lộc phạm tội “phá rối an ninh” được quy định
tại điều 118 của Bộ luật Hình sự. Ngày 31 tháng 7 năm 2020, ông Lộc bị
toà án TPHCM xử có tội và phải nhận bản án năm năm tù giam. 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/poc-le-quy-loc-alleges-being-tortured-in-an-phuoc-prison-by-11-cadres-01262022032544.html

Trung Quốc tung loại máy bay mới, chuyên gia hiến kế cho Đài Loan

Hình minh họa từ video của Ace Of Defense.

Lần đầu tiên máy bay chiến đấu điện tử J-16D của Trung Quốc đã được nhìn thấy ở vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Su Ziyun, giám đốc Chiến lược và Tài nguyên Quốc phòng của Viện nghiên cứu Đài Loan, ngày 25/1, đề nghị Đài Loan nên tăng cường khả năng tác chiến điện tử.

Vào ngày 24/1, Trung Quốc đã điều 13 máy bay đi vào vùng nhận dạng
phòng không của Đài Loan, trong số đó có các máy bay chiến đấu điện tử
J-16D lần đầu tiên xuất hiện.

Su Ziyun cho biết, J-16D có ba phương thức chính được sử dụng trong tác chiến điện từ.

Phương thức thứ nhất có tên là Soft kill (Tiêu diệt mềm). Phương thức này nghĩa là J16D có thể gửi các sóng điện từ tương tự đối phương nhằm gây nhiễu và chặn tín hiệu của đối phương.

Phương thực thứ hai được gọi là Hard kill (Tiêu diệt cứng): Sau khi bắt được sóng vô tuyến, hướng và khoảng cách, J-16D sẽ phá hủy chính xác nguồn phát ra thông tin vô tiến điện của đối phương.

Phương thức thứ ba là tấn công mạng: J-16D trực tiếp xâm nhập vào mạng liên lạc không dây của đối phương và cung cấp thông tin sai để đánh lừa cũng như kiểm soát hệ thống truyền phát tin của đối phương.

Su Ziyun nói rằng các máy bay chiến đấu điện tử J-16D, thuộc lữ đoàn bay đặc biệt của Trung Quốc, không còn bị giới hạn trong khái niệm truyền thống về tác chiến điện tử. Vì thế Đài Loan cần phải có khả năng tác chiến mạng điện từ ở một mức độ nhất định; nghĩa là, hệ thống quân sự của Đài Loan cần xâm nhập được vào mạng của đối phương để đánh chặn.

Trung tướng Zhang Yanting, cựu Phó Tư lệnh Không quân Đài Loan, tin
rằng đất nước ông phải nỗ lực hết sức để tiến hành khai thác thông tin
tình báo và phát triển các biện pháp để đối phó với chiến tranh điện tử.
Bên cạnh đó, ông đề nghị Mỹ và Nhật Bản chuyển cho Đài Loan các thông
tin cần thiết thu thập được từ Trung Quốc. Ông cho rằng quân đội Mỹ đã
nắm được nhiều thông tin từ phía Trung Quốc, vì trong những năm gần đây
máy bay Mỹ thường tiếp cận và bay sát các khu vực ven biển Trung Quốc
như Quảng Đông, Hải Nam, Hoàng Hải, và Chiết Giang.

Phong Lan – Theo Epoch Times

https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-tung-loai-may-bay-moi-chuyen-gia-hien-ke-cho-dai-loan.html

(AFP) – Đài Loan: Tiêm kích công nghệ cao của Trung Quốc là «mối đe dọa mới». Bộ Quốc Phòng Đài Loan hôm 25/01/2022 khẳng định có hai phi cơ tiêm kích thế hệ mới J-16D trong số 52 chiến đấu cơ Trung Quốc xâm nhập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) Đài Loan từ Chủ nhật đến thứ Hai 24/01. Loại máy bay tác chiến điện tử này được tiết lộ vào tháng 9/2021, có thể phá hủy các radar để vô hiệu hóa sức mạnh phòng không của đối thủ, mở đường cho các cuộc tấn công mới. Chuyên gia Thư Hiếu Hoàng (Shu Hsiao Huang) cảnh báo J-16D là mối đe dọa mới cho Đài Loan. Bài xã luận của Global Times hôm qua nói rằng sự xuất hiện của tiêm kích thế hệ mới «tự nó đã nói lên vấn đề» và đe dọa sắp tới chiến đấu cơ Trung Quốc không chỉ bay vòng quanh mà sẽ «bay trên bầu trời Đài Loan».

(Reuters) – Nhật sẽ hợp tác với Mỹ nếu Ukraina bị xâm lăng. Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau trong trường hợp Nga xâm lược Ukraina. Phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản hôm nay 26/01/2022 tuyên bố như trên. Các cường quốc phương Tây lo ngại một cuộc tấn công mới của Matxcơva với việc huy động cả trăm ngàn quân tại biên giới Ukraina, sau khi đã chiếm Crimée năm 2014.

(AFP) – Mỹ: Gần 40 người mất tích trong vụ đắm tàu ngoài khơi Florida. Tuần duyên Hoa Kỳ hôm 25/01/2022 thông báo có 39 người mất tích sau khi một chiếc tàu từ Bahamas bị đắm hôm thứ Bảy 20/01 ngoài khơi Florida, nghi ngờ rằng đây là một vụ buôn người. Quần đảo Bahamas với 700 đảo nhỏ nằm cách bang Florida 80 kilomet, gần Jamaica, Cuba và Haiti, thường là nơi trung chuyển những di dân tìm cách nhập cư vào Mỹ. Nhiều tàu và máy bay đang tìm kiếm các nạn nhân, mà theo những người sống sót, không hề có áo phao cứu hộ.

(Reuters) – Litva xem xét thay đổi tên cơ quan đại điện Đài Loan để xoa dịu Trung Quốc. Các quan chức Litva tìm cách xoa dịu mâu thuẫn với Trung Quốc, với việc thảo luận với phía Đài Loan để sửa đổi tên tiếng Trung của cơ quan đại diện ngoại giao trên thực tế của Đài Loan ở Vilnius, theo hai nguồn tin gần gũi với hồ sơ này. Reuters cho biết hôm qua 25/01. Hiện tại, Litva, thành viên Liên Hiệp Châu Âu, đang bị nhiều biện pháp trừng phạt về kinh tế của Trung Quốc, do đã để Đài Loan mở văn phòng đại diện dưới tên gọi “Đài Loan” thay vì “Đài Bắc” như đòi hỏi của Bắc Kinh.

(AFP) – Khủng hoảng Ukraina: Na Uy khẳng định có thể xây dựng lòng tin với NATO hoặc với cơ chế bên ngoài khối NATO. Trả lời báo giới, thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store tuyên bố hôm qua: “Chúng ta có thể thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, các biện pháp giải trừ quân bị, một số biện pháp để đảm bảo an toàn cho các quốc gia, và được đảm bảo an toàn với tư cách là láng giềng bên trong hoặc bên ngoài Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO)’’. Na Uy đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong tháng Giêng. Nga sẽ đảm nhiệm vai trò này trong tháng Hai.

(AFP) – Latvia cáo buộc Nga lấy “cớ” đại dịch để hủy một cuộc kiểm tra vũ khí được lên kế hoạch. Hôm qua, bộ Quốc Phòng nước Cộng Hòa Baltic Latvia cho biết trên Twitter “Nga đã hủy bỏ một cuộc thanh tra kiểm soát của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), do đại diện của Latvia thực hiện, với lý do đại dịch Covid-19. Các cuộc kiểm tra được thực hiện theo một thỏa thuận năm 2011 được gọi là “Tài liệu Vienna về các biện pháp xây dựng lòng tin và an ninh”.

(AFP) – Miến Điện: Người hòa nhạc xoong nồi phản đối đảo chính có thể bị phạt tử hình. Chính quyền quân sự Miến Điện hôm qua, 25/01/2022, thông báo các hoạt động hòa nhạc trên đường phố, hay bấm còi xe để phản đối đảo chính có thể bị coi là hành vi «phản quốc», có thể bị phạt 3 năm tù giam hoặc thậm chí là án tử hình.

(AFP) – Pháp: Hơn 30.000 người chữa trị Covid trong bệnh viện. Hôm qua, 25/01, số ca mới nhiễm Covid đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2020, hơn 500 000 trong vòng 24 giờ và số người nằm viện điều trị lên tới 30 000. Tuy nhiên, số bệnh nhân điều trị tại các khoa chăm sóc tăng cường đã giảm nhẹ, theo số liệu chính thức của bộ Y Tế.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220126-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

(AFP) – Đức: Xả súng ở đại học Heidelberg. Thủ phạm đã dùng “súng trường” tấn công một giảng đường đại học Heidelberg, ở phía tây nam Đức, ngày 24/01/2021 khiến nhiều người đã bị thương. Cảnh sát địa phương cho biết thủ phạm là một người đàn ông và đã chết. Còn theo báo Bild, có thể là thủ phạm đã chĩa súng tự sát. Cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành để tìm hiểu động cơ gây án.

(RFI) – Burkina Faso: Quân đội đảo chính. Một nhóm quân nhân của phong trào yêu nước để bảo vệ và khôi phục (MPSR) đã xuất hiện trên truyền hình nhà nước ngày 24/01/2021 và đọc hai thông cáo chấm dứt chức vụ của tổng thống Roch Marc Christian Kaboré, giải tán chính phủ và Quốc Hội. Lực lượng đảo chính khẳng định mục đích duy nhất của họ là “đưa đất nước trở lại con đường đúng đắn và đấu tranh vì sự tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ” và sẽ “giới thiệu lộ trình lập lại trật tự hiến pháp” trong thời hạn hợp lý. Sau Mali và Guinea, Burkina Faso là nước thứ ba trong vùng bị đảo chính.

(Yonhap) – Chủ tịch Quốc Hội Hàn Quốc tham dự lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh. Theo thông cáo của Quốc Hội Hàn Quốc ngày 15/01/2022, ông Park Byeong Seug sẽ có mặt ở Bắc Kinh từ ngày 03 đến 06/02 để tham dự lễ khai mạc. Còn dẫn đầu phái đoàn của chính phủ Hàn Quốc tại Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 là bộ trưởng Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch Hwang Hee. Trước đó, phủ tổng thống quyết định ông Moon Jea In sẽ không tham dự sự kiện thể thao quốc tế này.

(AFP) – Giải quần vợt Úc mở rộng đồng ý cho cổ động viên mặc áo phông ủng hộ Bành Súy. Trả lời AFP hôm nay 25/01/2022, giám đốc giải quần vợt Úc mở rộng Craig Tiley đã chấp nhận cho khán giả mặc áo phông ủng hộ tay vợt Trung Quốc Bành Súy với điều kiện họ không tham gia vào các hành vi thù địch. Các nhà tổ chức giải đã gây bất bình trong dư luận khi yêu cầu người hâm mộ hôm 23/01 không mặc áo phông có in khẩu hiệu “Bành Súy đang ở đâu” với lý do Úc mở rộng “không cho phép mặc quần áo có biểu ngữ có tính chất chính trị”.

(AP) – Djokovic có thể tham gia giải quần vợt Pháp Mở rộng Roland Garros. Theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 24/01/2022, “chứng nhận tiêm chủng” được áp dụng cho những người đã bị nhiễm Covid-19 trong thời hạn 6 tháng. Tay vợt người Serbia cho biết bị nhiễm Covid-19 vào tháng 12/2021 và như vậy, vẫn có khả năng tham gia giải Roland Garros, dự kiến diễn ra vào tháng 05 và 06. Ngoài ra, chính phủ Pháp cũng cho biết sẽ xem xét về các hạn chế phòng chống dịch nếu tình hình được cải thiện tư nay đến tháng 05. Hiện tại, bộ Thể Thao Pháp, cũng như đại diện của Djokovic chưa trả lời đề nghị bình luận của AP.

(Le Monde) – Thủ tướng Anh tổ chức tiệc sinh nhật giữa lúc đất nước phong tỏa. Những tiết lộ về các bê bối liên quan đến những bữa tiệc được tổ chức ở phủ thủ tướng Anh trong thời gian đất nước bị phong tỏa dường như vẫn chưa hết. Hôm qua 24/01/2022, kênh truyền hình ITV tiết lộ rằng thủ tướng Boris Johnson, đã tổ chức sinh nhật của mình hôm 19/06/2020 cùng với những người thân, bất chấp lệnh đất nước bị phong tỏa đang có hiệu lực. Có tới 30 người được cho là đã tham dự bữa tiệc này do Carrie Johnson, phu nhân của thủ tướng tổ chức.

(AFP) – Ít nhất 19 người chết trong các cuộc đụng độ và hỏa hoạn ở Tây Papua, Indonesia. Theo thống kê của cơ quan chức năng Indonesia vào hôm nay 25/01/2022, đã có 19 người thiệt mạng sau khi hai nhóm sắc tộc đụng độ nhau gây cháy một hộp đêm ở tỉnh Tây Papua. Cảnh sát đang điều tra và triển khai lực lượng để ngăn bạo lực.

(AFP) – Kính viễn vọng không gian James Webb đã tới đích. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) hôm qua 24/01/2022 thông báo rằng kính viễn vọng không gian James Webb đã tới đích đến cuối cùng sau gần một tháng kể từ khi được phóng vào vũ trụ, cách Trái đất khoảng 1,5 triệu km. Từ vị trí “đắc địa” trong không gian, kính viễn vọng James Webb sẽ dõi theo đường “hào quang” đặc biệt, luôn thẳng hàng với Trái Đất, trong khi Trái Đất và kính viễn vọng sẽ xoay quanh Mặt Trời ở vị trí song song, giúp sóng vô tuyến không bị gián đoạn.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220125-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p