Ukraina “trung lập”: Giải pháp tháo gỡ nguy cơ xung đột Nga – phương Tây?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ukraina “trung lập”: Giải pháp tháo gỡ nguy cơ xung đột Nga – phương Tây?

21/01/2022 – Ukraina đang trở thành điểm nóng nhất hành tinh. Mỹ tuyên bố buộc Nga trả giá đắt nếu xâm phạm lãnh thổ Ukraina. Đối thoại Mỹ, Nga tìm giải pháp tuần qua không đạt kết quả. Hôm nay, 21/01/2022, ngoại trưởng hai nước đối thoại trực tiếp tại Genève. Hy vọng cho một giải pháp ngoại giao là rất mong manh, bởi lập trường của hai bên quá khác biệt, Nga muốn phương Tây cam kết không để Ukraina gia nhập NATO và coi đây là lằn ranh đỏ, điều mà Hoa Kỳ và các đồng minh bác bỏ.

Theo nhiều chuyên gia, khủng hoảng Ukraina rất có
thể sẽ tái bùng phát thành xung đột vũ trang. Liệu có giải pháp chính
trị nào giúp tháo gỡ khủng hoảng ? RFI xin giới thiệu đề xuất về một
giải pháp Ukraina trung lập về mặt liên minh quân sự, cho phép tháo ngòi
nổ xung đột. Theo quan điểm này, việc Ukraina không gia nhập Liên minh
Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) không đồng nghĩa với việc Ukraina đầu
hàng Nga, từ bỏ nỗ lực dân chủ hoá. Ngược lại, việc một nước Ukraina
không tham gia NATO, nhưng dân chủ hoá, và gắn bó mật thiết với Liên Âu,
có thể là điều gây khó khăn nhiều hơn cho bất cứ chính quyền độc tài
nào tại Matxcơva.     

***

1/ Đối kháng chủ yếu hiện nay trong khủng hoảng Ukraina là gì?

Nhà chính trị học Canada Jocelyn Coulon,
thuộc một trung tâm nghiên cứu chính trị quốc tế (Centre d’études et de
recherches internationales, đại học Montréal, CERIUM) giới thiệu về một
bài xã luận đáng chú ý hồi tuần trước trên báo Globe and Mail, nhật báo
Anh ngữ hàng đầu của Canada, cho biết điểm chung trước hết giữa Nga và
phương Tây là hai bên đều đồng ý với nguyên tắc “một Ukraina độc lập”
(“Ukraina cần có một cử chỉ nhân nhượng” trên trang mạng Lapresse.ca,
ngày 20/01/2022).

Vấn
đề mâu thuẫn chính là, tại Kiev, người ta cho rằng “phương tiện duy
nhất để có được độc lập là gia nhập NATO và Liên Hiệp Châu Âu”. Nếu gia
nhập NATO, Ukraina sẽ được bảo vệ về an ninh, theo điều 5 của Hiến
chương NATO, và những lợi ích về kinh tế khi trở thành thành viên Liên
Âu. Kể từ xung đột năm 2014, với việc Nga sát nhập bán đảo Crimée, và
hậu thuẫn phe ly khai vùng Donbass, quan hệ Ukraina và NATO siết chặt.
Năm 2017, Quốc Hội Ukraina ra luật khẳng định việc gia nhập NATO trở lại
mục tiêu chiến lược của chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia. Mục
tiêu này đã được đưa vào Hiến pháp Ukraina năm 2019. Năm 2020, tổng
thống Ukraina, phê chuẩn dự án phát triển Đối tác đặc biệt NATO –
Ukraina nhằm để thúc đẩy việc Kiev gia nhập tổ chức này.

Về phía
nước Nga, chính quyền Matcơva nhìn nhận vấn đề hoàn toàn khác. Theo nhà
chính trị học Jocelyn Coulon, trong vòng 30 năm vừa qua, đã có gần 20
quốc gia thuộc khối Đông Âu và Liên Xô cũ đã quyết định đi với phương
Tây. Việc “không ai muốn sống dưới sự thống trị của đế chế Nga là điều
bình thường”. Thế nhưng, việc khối NATO kết nạp nhiều thành viên mới ở
sát biên giới phía tây nước Nga, và hứa hẹn tiếp tục mở rộng trở nên một
đe dọa, theo quan điểm của Matxcơva. Nhà chính trị học Canada cũng nhấn
mạnh đến phương diện lịch sử, khi nước Nga đã thường xuyên là nạn nhân
của “quá nhiều cuộc xâm lăng” đến từ phía tây. Hồi ức lịch sử này chắc
chắn vẫn còn nhiều ảnh hưởng với hiện tại. Theo chính quyền Putin, việc
Ukraina gia nhập NATO là một lằn ranh đỏ. Đây là điều được đưa ra để
biện minh cho các hành động gây hấn của Nga với Ukraina.

2/ Giải pháp trung lập với Ukraina cụ thể như thế nào?

Nhật
báo Globe and Mail đề xuất việc thương lượng để Ukraina đi theo quy chế
trung lập, giống như mô hình của nước Áo năm 1955, nhằm giải tỏa áp lực
gia tăng trong quan hệ giữa phương Tây và Nga.  

Sau Thế chiến
hai, nước Áo từng bị bốn quốc gia chiến thắng kiểm soát (bao gồm Hoa Kỳ,
Anh Pháp và Liên Xô). Phải mất hơn 10 năm, các đại cường mới tìm ra
được một thoả hiệp có lợi cho tất cả các bên. Đó là đổi lấy việc Liên Xô
rút quân, Matxcơva nhận được bảo đảm là Áo sẽ trở thành một quốc gia
trung lập, trong lúc tiếp tục bảo tồn các định chế dân chủ và hệ thống
kinh tế mang tính phương Tây. Kể từ đó, Áo vẫn là một quốc gia trung
lập, và không có ý định trở thành thành viên của NATO.

Điều tốt
cho Áo cũng có thể tốt cho Ukraina. Quy chế của một quốc gia trung lập
không hề loại trừ mối quan hệ mật thiết của Áo với các nước phương Tây,
và thậm chí quan hệ của Áo với các nước châu Âu và Hoa Kỳ còn trở nên
mật thiết hơn. Phần Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Ireland cũng là các quốc
gia châu Âu theo quy chế trung lập. Các quốc gia này có các định chế dân
chủ cũng vững vàng, nếu không nói là hơn so với nhiều quốc gia thành
viên NATO. Trong thời gian gần đây, Thụy Điển và Phần Lan khẳng định
mạnh mẽ ý định gia nhập NATO, nhưng theo chính quyền hai nước, chủ
trương này được đưa ra trong bối cảnh an ninh quốc gia bị đe dọa.  

3/ Cần bước đi đầu tiên nào để hướng tới quy chế trung lập cho Ukraina?

Nhà
chính trị học Canada, trong bài viết “Ukraina cần có một cử chỉ nhân
nhượng” trên trang mạng Lapresse.ca, nhấn mạnh là chính quyền Kiev phải
rút đề nghị gia nhập NATO. Điều này không hề dễ dàng, bởi từ gần 20 năm
nay, tất cả các chính quyền Ukraina đều coi việc gia nhập Hiệp ước Quân
sự Bắc Đại Tây Dương là một trụ cột trong chính sách đối ngoại. Chính
quyền các thời tại Ukraina đã thành công trong việc khiến gần một nửa
dân cư Ukraina, thoạt tiên còn lưỡng lự, ủng hộ quan điểm này.

Trên
thực tế, theo nhà chính trị học, có một sự tương phản ghê gớm giữa một
bên là hy vọng trong công chúng Ukraina về việc gia nhập NATO, được
chính giới Ukraina cổ vũ, và bên kia là thực tế của một con đường đầy
chông gai, khi mà “NATO đặc biệt chú ý đến việc tạo ra rất nhiều trở
ngại trên con đường gia nhập khối”, theo nhà chính trị học Jocelyn
Coulon.

Chuyên gia người Canada này nhấn mạnh là đã đến lúc
Ukraina “thay vì sống trong ảo ảnh, hãy trở lại với thực tại”. Người
Ukraina cần hiểu rằng nếu quân đội Nga can thiệp, không có quốc gia NATO
nào trực tiếp giải cứu Ukraina. Ukraina sẽ phải hứng chịu toàn bộ những
tàn phá kinh hoàng của một xung đột quân sự. Đây là lúc cần đến sự thoả
hiệp, và để làm được điều này cần có một thái độ thực tế. Tuy nhiên,
vẫn theo ông Jocelyn Coulon, trong thời điểm hiện tại, điều này rất khó
xảy ra, bởi những người lãnh đạo chính quyền Kiev không có một thái độ
như vậy. Nhà chính trị học Canada dẫn lại một phát biểu hồi đầu tuần,
trên báo Pháp Le Figaro, ngoại trưởng Ukraina đã chế nhạo quan niệm “đầy
ảo tưởng” của giới tinh hoa Pháp (ngụ ý nhắc đến tổng thống Emmanuel
Macron) về nước Nga, nhưng cùng lúc đó lãnh đạo ngoại giao Ukraina lại
khẩn nài Paris hỗ trợ. Theo Jocelyn Coulon, thái độ nói trên của Kiev
không hứa hẹn điều gì tốt.

4/ Ukraina trung lập có đồng nghĩa với việc phương Tây đầu hàng trước các tham vọng đế quốc của Nga ?

Nhà
báo, nhà phân tích chính trị, tiến sĩ Anatol Lieven, giáo sư thỉnh
giảng trường King’s College Luân Đôn, trong một phân tích mới đây trên
The Nation, “Ukraine: The Most Dangerous Problem in the World. But
there’s already a solution / Ukraina: Vấn đề nguy hiểm nhất hành tinh,
nhưng đã có một giải pháp” (The Nation, ngày 15/11/2021), nhận định, quy
chế trung lập của Ukraina, không tham gia Liên minh quân sự có thể gây
bất lợi cho Nga nhiều hơn là cho phương Tây. Với việc Ukraina hưởng quy
chế trung lập, Nga sẽ không thể thúc đẩy Kiev tham gia vào các khối do
Nga lập ra.  

Chuyên gia Anatol Lieven cũng nhấn mạnh đến các bài
học của ba quốc gia Phần Lan, Thụy Điển và Áo trong Chiến tranh Lạnh.
Các quốc gia này đã không mất gì do quy chế trung lập. Tất cả đều đã
phát triển thành các xã hội phương Tây dân chủ, thịnh vượng, tôn trọng
Nhà nước pháp quyền, và sau này đã có thể gia nhập Liên Hiệp Châu Âu,
sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

5/ Con đường nào khả thi cho việc Ukraina trung lập ?

Việc
chính quyền Kiev khăng khăng muốn gia nhập NATO, trong lúc hai vùng
lãnh thổ, bán đảo Crimée và khu vực miền đông Donbass, hoặc do Nga kiểm
soát, hoặc do phe ly khai thân Nga kiểm soát, khiến tình hình trở nên bế
tắc. Bởi NATO ắt hẳn không thể kết nạp Ukraina trong lúc quốc gia này
đang bị chia cắt về lãnh thổ. Theo giáo sư  King’s College Luân Đôn, một
chìa khoá quan trọng để dẫn đến lối thoát cho khủng hoảng chính là thoả
thuận Minsk II, đạt được vào đầu năm 2015. Hội Đồng Bảo An đã ra một
nghị quyết yêu cầu các bên thực thi thoả thuận này nhằm thiết lập hoà
bình tại Ukraina. Một điểm căn bản trong Thỏa thuận cho phép chấm dứt
chiến tranh này là xác lập quyền tự trị của vùng Donbass, nằm trong lãnh
thổ của một nhà nước Liên bang Ukraina (nếu dân chúng khu vực ủng hộ
quyền tự trị, qua trưng cầu dân ý).

Theo chuyên gia Anatol Lieven,
chính quyền Kiev “chưa bao giờ đạt được một thoả thuận có lợi như vậy”.
Trưng cầu dân ý về quyền tự trị và thành lập chính quyền khu tự trị
theo hiến pháp Ukraina phải được tiến hành trước khi Ukraina giành quyền
kiểm soát biên giới với Nga. Cảnh sát và tòa án ở Cộng hòa Tự trị
Donbass sẽ trực thuộc chính quyền khu vực. An ninh quân sự sẽ được cung
cấp bởi một lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc được thu hút
từ các quốc gia trung lập bên ngoài châu Âu và được thành lập như một
phần của nghị quyết của Hội Đồng Bảo An nhằm hỗ trợ giải quyết hòa bình.

Nhà
chính trị học Anh nhấn mạnh, chính quyền Mỹ vẫn có khả năng xoay chuyển
tình hình tại Ukraina, nếu từ bỏ việc ủng hộ “mục tiêu vô vọng” trở
thành thành viên NATO của Ukraina. Trong trường hợp này, Mỹ có thể gây
áp lực buộc chính phủ và Quốc Hội Ukraina chấp nhận một thoả thuận
“Minsk III”, nối tiếp những gì đã được đặt nền móng trong thoả thuận
Minsk II.

Mục tiêu là ngăn chặn xung đột tại Ukraina, bởi nếu xảy ra một cuộc chiến tranh mới, dù chỉ là hạn chế giữa Ukraina và Nga, Mỹ cũng sẽ bị trói chân, trong lúc đang phải đối phó với nhiều thách thức quan trọng hơn. Nếu điều này xảy ra, đây “sẽ là thảm họa cho Mỹ, Nga, cho thế giới, và cho chính Ukraina”.

Trọng Thành

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220121-ukraina-trung-lap-giai-phap-thao-go-the-doi-day-nga-phuong-tay