Thể chế cản trở chống tham nhũng: ‘nhắc đi, nhắc lại’ sao vẫn bế tắc?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thể chế cản trở chống tham nhũng: ‘nhắc đi, nhắc lại’ sao vẫn bế tắc?

21/1/22 – RFA – Tại phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hôm 20/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại chỉ đạo, cần tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế để ‘không thể tham nhũng’.

Thể chế cản trở chống tham nhũng: ‘nhắc đi, nhắc lại’ sao vẫn bế tắc?

Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hôm 20/1/2022 – Courtesy chinhphu.vn      

Ông Trọng cho rằng phải hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng; cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập; khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế liên quan đấu thầu, đấu giá, quản lý đất đai, tài sản công… sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, Luật Đất đai…

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên
Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam khi trả lời RFA cho rằng để ngăn chặn
nạn tham nhũng, Đảng và Chính phủ Hà Nội đưa ra rất nhiều biện pháp,
nhưng ở Việt Nam biện pháp và pháp luật vẫn chưa được thực thi triệt để:

“So
với Bộ Luật Hình sự của nhiều nước trên thế giới thì Bộ Luật Hình sự
Việt Nam có mức phạt cao hơn nhiều, nhất là nhóm tội tham nhũng thì phạt
rất nặng. Nhưng vấn đề là có chứng minh được tham nhũng không, thường
tội gây thất thoát tài sản người ta nói do thiếu trách nhiệm, do cơ chế,
thể chế, có chiếm đoạt hay không chiếm đoạt. Có chiếm đoạt thì mới dẫn
đến những tội đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ thì lúc đó hình
phạt mới nặng, có thể lên đến mức tử hình.”

Theo Luật sư Trần Quốc Thuận,
việc phá được một vụ án tham nhũng không phải là chuyện đơn giản. Những
vụ tham nhũng lớn dây chuyền, ‘dây mơ rễ má’ ăn chia với nhau nên việc
bóc gỡ để xử lý phải có nhiều thời gian, công phu. Vì vậy ông Thuận cho
rằng cần phải có cơ chế, thể chế thích hợp để người dân tham gia thì may
ra mới làm tốt được.

Về thể
chế chống tham nhũng thì qua kinh nghiệm lịch sử của tất cả các nước
thì nó là hệ thống dân chủ. Tức là báo chí tự do, đa nguyên đa đảng, tam
quyền phân lập… Như vậy mới chống được tham nhũng tận gốc, các ổng
cũng biết là như vậy, nhưng cứ nói là thay đổi thể chế theo ý của các
ổng là cộng sản, mà vẫn chống được tham nhũng.
-Nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình

Vấn đề này được lãnh đạo Việt Nam ‘nhắc đi, nhắc lại’ nhưng vì sao nạn tham nhũng không những không bị triệt mà vẫn tiếp diễn?

Từ Hà Nội hôm 21/1, nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản lại cho rằng:

“Về
thể chế chống tham nhũng thì qua kinh nghiệm lịch sử của tất cả các
nước thì nó là hệ thống dân chủ. Tức là báo chí tự do, đa nguyên đa
đảng, tam quyền phân lập… Như vậy mới chống được tham nhũng tận gốc,
các ổng cũng biết là như vậy, nhưng cứ nói là thay đổi thể chế theo ý
của các ổng là cộng sản, mà vẫn chống được tham nhũng. Thành ra các ổng
chỉ nói vậy để bào chữa cho việc chống tham nhũng thiếu hiệu quả, hoặc
không triệt để xóa bỏ tham nhũng.”

Theo nhà báo Nguyễn Vũ Bình, vấn
đề tham nhũng ở Việt Nam là do cơ chế toàn trị cộng sản, tức độc tài
đảng trị. Chính cơ chế đó sinh ra tham nhũng và mức độ tham nhũng ghê
gớm như vậy.

lanh-dao.jpg
Ảnh minh họa: Hình chụp các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội 13 hôm 31/1/2021. AFP.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về
phòng, chống tham nhũng, trong năm 2021, Việt Nam đã khởi tố, điều tra
390 vụ án/1.011 bị can về các tội tham nhũng. Trong đó, có nhiều vụ án
lớn, nghiêm trọng, phức tạp, khởi tố thêm nhiều bị can là cán bộ cấp
cao, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, xử lý vụ án đưa, nhận
hối lộ liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; một số vụ án xảy ra trong lĩnh vực
y tế, lợi dụng phòng, chống dịch COVID-19 để trục lợi như vụ công ty
Việt Á… Nhưng dư luận cho rằng kết quả đó chỉ là bề nổi… vì hiện nay
tham nhũng hầu như xảy ra ở khắp nơi tại Việt Nam.

Vậy với yêu cầu cần hoàn thiện
thể chế để ‘không thể tham nhũng’ của ông Nguyễn Phú Trọng, liệu có khả
thi khi với Việt Nam hiện nay?

Thể
chế VN hiện nay tốt đến đâu? Đảng CS đứng trên thì họ vẫn tự hào thể chế
của họ rất tốt, rất vững. Nhưng những nhà phản biện vẫn nghĩ thể chế ấy
là không tốt. Nó độc đảng, độc đoán toàn trị theo con đường vô sản
chuyên chính.
-Giáo sư Nguyễn Đình Cống

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nguyên
Chủ nhiệm Khoa, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, một đảng viên đã từ bỏ
Đảng, khi trả lời RFA cho rằng:

“Thể
chế VN hiện nay tốt đến đâu? Đảng CS đứng trên thì họ vẫn tự hào thể
chế của họ rất tốt, rất vững. Nhưng những nhà phản biện vẫn nghĩ thể chế
ấy là không tốt. Nó độc đảng, độc đoán toàn trị theo con đường vô sản
chuyên chính. Thể chế ấy dựa vào liên minh công nông và trí thức, nhưng
liên quan tới người tài thì một là nó tìm cách loại bỏ tin hoa của dân
tộc. Vì những người giỏi thường tìm cách trung thực, nên người ta không
tán thành chủ nghĩa Mác Lenin. Mà không trung thành chủ nghĩa Mác Lenin
thì Đảng CS sẽ tìm cách loại bỏ. ”

Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống,
Nhà nước Việt Nam, nếu không thay đổi đường lối cán bộ, không cải cách
thể chế bằng việc bỏ hình thức độc quyền đảng trị thì không thể nào tìm
được người tài giỏi thật sự để làm lãnh đạo và quản trị đất nước, không
thể bảo đảm chỗ đứng bền vững cho người tài.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp phân tích với RFA về những bất cập của thể chế hiện nay:

“Cái
nền quản trị Nhà nước này nó không minh định rõ cái gì ra cái gì. Nó
không nói rõ làm thế nào thì tốt hay không tốt; làm thế nào thì hợp pháp
hay phạm pháp… Người ta không có nền tảng pháp lý cụ thể để người ta
yên tâm nên tốt nhất là người ta sẽ không làm. Đấy là do thể chế, do hệ
thống. Do đó phải làm lại hệ thống và thể chế.”

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện cả ba nhánh quyền lực tại Việt Nam đều chịu sự lãnh đạo của một đảng, nên không phân định được rõ trách nhiệm giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nếu cả ba nhánh quyền lực mà không hoạt động độc lập hơn và có kiểm soát lẫn nhau, giám sát lẫn nhau thì sẽ có rất nhiều trở ngại trong việc chống tham nhũng.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-does-the-communist-regime-hinder-anti-corruption-01212022113108.html