Tin Tổng Hợp – 19/1/22

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 19/1/22

Ngoại trưởng Mỹ đến Kiev để bày tỏ sự ủng hộ Ukraina

Hôm nay, 19/01/2022, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Kiev để bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraina hiện đang lo ngại bị Nga xâm lăng.

Ukraina là chặng đầu tiên trong chuyến công du
của ngoại trưởng Hoa Kỳ nhằm giải quyết khủng hoảng giữa Nga và phương
Tây trên hồ sơ Ukraina. Sau Kiev, ngày mai ông Blinken sẽ đến Berlin để
thảo luận với đại diện các nước Đức, Pháp và Anh. Đến thứ Sáu, ngoại
trưởng Mỹ sẽ gặp đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov tại Genève để cố nối lại
đối thoại giữa hai nước.

Trong những tuần qua, Matxcơva đã triển
khai hàng chục ngàn quân đến biên giới Ukraina. Tuy vẫn khẳng định không
hề có ý định tấn công nước láng giềng, Nga vẫn đòi là, để cho tình hình
xuống thang, phương Tây phải đưa ra những bảo đảm về an ninh, đặc biệt
là cam kết khối NATO sẽ không mở rộng sang phía đông và không yểm trợ
Ukraina nữa.

Hãng tin AFP cho biết, theo chương trình dự kiến, ông
Blinken sẽ lần lượt gặp tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky và ngoại
trưởng Ukraina Dmytro Kouleba.

Sau một loạt đàm phán giữa phương
Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ, với Nga vào tuần trước, hai bên vẫn còn rất
nhiều bất đồng , nhưng Washington vẫn hy vọng tìm được một giải pháp
ngoại giao.

Mỹ: Nga có thể tấn công Ukraina «bất cứ lúc nào»

Tuy nhiên, ngay trước khi ông Blinken lên đường đi Ukraina, hôm qua, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki báo động là kể từ nay, Nga có thể tấn công Ukraina «bất cứ lúc nào». Theo bà, tình hình hiện nay là «cực kỳ nguy hiểm».

Trong khi đó, một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc báo động về các cuộc thao dượt quân sự của Nga ở Belarus, cho rằng tổng thống Vladimir Putin «rõ ràng là đang xây dựng một lực lượng đủ để ông có thể chọn nhiều phương án khác nhau».

Vũ khí nguyên tử của Nga ở Belarus?

Theo AFP, một quan chức Mỹ xin được giấu tên hôm qua cũng bày tỏ sự lo ngại là dự án cải tổ Hiến Pháp ở Belarus sẽ cho phép triển khai các vũ khí nguyên tử của Nga ở quốc gia giáp với Ukraina và Ba Lan. Quan chức này còn ghi nhận là các cuộc thao dượt quân sự chung Nga-Belarus được thông báo hôm qua là « vượt qua mức bình thường » và có thể mở đường cho sự hiện diện quân sự thường trực của Nga ở Belarus, nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ vẫn là một trong những đồng minh thân cận nhất của Matxcơva.

Thanh Phương

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220119-ngo%E1%BA%A1i-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-m%E1%BB%B9-%C4%91%E1%BA%BFn-kiev-%C4%91%E1%BB%83-b%C3%A0y-t%E1%BB%8F-s%E1%BB%B1-%E1%BB%A7ng-h%E1%BB%99-ukraina

Luật An ninh Quốc gia của Trung Quốc có thể vươn xa cỡ nào?

VOANews – Các nhà phân tích ngày càng lo ngại là luật an ninh quốc gia của Bắc
Kinh, thoạt đầu nhằm dẹp tan bất đồng chính kiến tại Hong Kong, có thể
được sử dụng để nhắm vào những người thuộc bất cứ quốc tịch hay sắc tộc
nào chống lại các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Một người đàn ông mang khẩu trang cầm cờ Đài Loan tham dự cuộc biểu tình kỷ niệm Ngày Quốc khánh Đài Loan tại quận Tsim Sha Tsui ở Hong Kong.
Một
người đàn ông mang khẩu trang cầm cờ Đài Loan tham dự cuộc biểu tình kỷ
niệm Ngày Quốc khánh Đài Loan tại quận Tsim Sha Tsui ở Hong Kong.

Luật có hiệu lực vào tháng 6/2020 sau một năm biểu tình đòi dân chủ,
đôi khi bạo động, chống chính phủ. Luật cấm những hành vi “ly khai, lật
đổ, khủng bố, và cấu kết với các lực lượng nước ngoài.”

Ít nhất có 117 người bị bắt và 60 người bị truy tố tại cựu thuộc địa
Anh và cũng là trung tâm tài chính thế giới trong suốt 13 tháng kể từ
khi luật có hiệu lực.

Vi phạm luật này có thể bị án tù đến chung thân.

Các chuyên gia cho rằng lời lẽ uyển chuyển của luật, cùng với những
tham vọng rộng lớn của chính phủ Trung Quốc, mở ngỏ khả năng luật sẽ
được dùng để chống lại bất cứ ai chống Trung Quốc hay có tình cảm ủng hộ
Hong Kong độc lập được phép đặt chân lên một lãnh thổ Trung Quốc như
Hong Kong hay Macao, cựu thuộc địa Bồ Đào Nha.

“Chừng nào mà Trung Quốc thi hành quyền tài phán bên trong lãnh thổ
Trung Quốc, Hong Kong và Macao, thì những người vi phạm luật an ninh
quốc gia có thể bị dẫn độ sang Trung Quốc để xét xử, ngay cả khi chỉ quá
cảnh tại các phi trường Trung Quốc,” bà Chen Yi-fan, trợ lý giáo sư về
ngoại giao và quan hệ quốc tế tại Đại học Tamkang gần Đài Bắc, nói.

Ông Wu Rwei-ren, một nhà nghiên cứu tại Academia Sinica, có trụ sở
tại Đài Bắc, năm ngoái đã trở thành người Đài Loan đầu tiên bị cáo buộc
vi phạm luật này. Takungpao, một hãng tin được chính phủ Bắc Kinh hậu
thuẫn, nêu tên vị học giả 60 tuổi này vì một bài báo bênh vực nền độc
lập cho Hong Kong.

Không thể tiếp xúc với các quan chức trường đại học để yêu cầu bình luận.

Người dân tại Đài Loan sẽ đặc biệt bị nghi ngờ, các nhà phân tích nói.

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ và không loại trừ việc dùng vũ lực để thống nhất với Hoa lục.

Đài Loan Dân chủ có truyền thông độc lập và theo cuộc thăm dò của
Trung tâm Nghiên cứu Bầu cử Đại học Quốc lập Chính trị, hơn một nửa cư
dân Đài Loan muốn giữ nguyên hiện trạng một cách bất định hoặc quyết
định sau về vấn đề thống nhất với Trung Quốc.

Bắc Kinh thường xuyên cho máy bay quân sự xâm nhập không phận Đài Loan.

“Các động thái thường xuyên như thế này có nghĩa là gởi đi một thông
điệp,” ông Sean Su, một nhà phân tích chính trị độc lập tại Đài Loan,
nói. “Việc này có thể sử dụng như một loại vũ khí để cố đe dọa người dân
tại Đài Loan, nhưng tôi nghĩ hiệu quả sẽ là tiêu cực.”

Ngôn từ của luật bao gồm cư dân Hong Kong cũng như những người chưa
bao giờ ghé chân, theo tổ chức Ân xá Quốc tế có trụ sở tại New York.

Vào tháng 7/2020, Ấn xá Quốc tế nói bất cứ ai trên trái đất “bất kể
quốc tịch hay nơi cư ngụ, có thể về phương diện kỹ thuật bị xem là vi
phạm luật này và đối mặt với việc bị bắt giữ và xử tội nếu họ nằm trong
khu vực tài phán của Trung Quốc, dù chỉ quá cảnh.”

Trung Quốc nói chính sách Hong Kong của họ nhằm bảo vệ sự ổn định và
hệ thống pháp lý của lãnh thổ. “Các lực lượng chống Trung Quốc tìm cách
làm mất ổn định Hong Kong nhất định sẽ bị loại trừ ra khỏi” bất cứ vị
thế quyền lực nào tại Hong Kong, ông Xia Baolong, trưởng Văn phòng Hong
Kong và Macao Sự vụ của Quốc vụ viện Trung Quốc nói.

Cư dân Hong Kong ở nước ngoài

Bà Joey Siu gốc Hong Kong đang làm việc tại Washington cho rằng mình
sẽ bị bắt “ngay tức thì” nếu có mặt tại phi trường cựu thuộc địa Anh. Bà
chưa trở về Hong Kong kể từ khi luật có hiệu lực. Bà Siu làm việc cho
tổ chức nhân quyền Hong Kong Watch có trụ sở tại Anh, tổ chức những cuộc
biểu tình và tập họp trong công tác vận động quốc tế.

“Kể từ khi luật được thi hành vào năm 2020, tôi cảm thấy không còn an
toàn tại Hong Kong, vì tôi hình dung là tôi bị theo dõi bởi những người
tôi không biết là nhân viên bảo vệ an ninh hay là cảnh sát Hong kong,
do đó tôi cảm thấy là sự an toàn của cá nhân tôi không còn được đảm bảo
tại Hong Kong và rõ ràng là những nỗ lực vận động quốc tế của tôi sẽ đưa
đến việc tôi bị truy tố dưới tên gọi cấu kết với các lực lượng nước
ngoài,” bà Siu nói với VOA.

Ít nhất có 4 nhà hoạt động Hong Kong khác hiện lưu lại Mỹ và châu Âu cùng một lý do.

Bà Siu nói viết về một nhân vật bất đồng chính kiến cũng có thể đưa
đến việc bị bắt giữ, dù luật không đặt ra “đường ranh đỏ rõ ràng” về
những gì là tội phạm. Luật có thể nới rộng đối với những người ủng hộ
các lý tưởng chính trị của người Tây Tạng và Uhghur, bà nói.

Trung Quốc có hiệp ước dẫn độ với 37 nước và sử dụng những hiệp ước
này. Chẳng hạn chính phủ Bắc Kinh đã yêu cầu dẫn độ người sắc tộc Uyghur
tại Malaysia-một yêu cầu đã bị bác bỏ-theo Trung tâm Nghiên cứu Trung
Quốc Tiên tiến.

Một người vi phạm luật an ninh quốc gia sống tại một nước có cảm tình
với Trung Quốc như Campuchia sẽ đối mặt với nguy cơ bị trục xuất, ông
Sephen Nagy, phó giáo sư về chính trị và nghiên cứu quốc tế tại Đại học
Cơ Đốc Quốc tế ở Tokyo nói.

Các cá nhân dùng tiếng Quan thoại hay tiếng Quảng Đông để lan truyền
các ý kiến trái lại với Đảng Cộng sản Trung Quốc dễ dàng bị nhắm mục
tiêu, ông Nagy nói.

Vẫn theo lời ông, vì lý do này, các chính phủ nước ngoài cảnh báo công dân họ tránh đến Trung Quốc, kể cả Hong Kong.

Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu công dân Mỹ “cân nhắc” việc du hành đến Hong
Kong và Hoa lục vì việc “thi hành luật lệ địa phương một cách tùy
tiện.”

https://www.voatiengviet.com/a/luat-an-ninh-quoc-gia-cua-trung-quoc-co-the-vuon-xa-co-nao/6404511.html

Giải thưởng Martin Ennals 2022 được tặng cho bà Phạm Đoan Trang

Nhà báo, nhà hoạt động xã hội Phạm Đoan Trang cũng là người phát ngôn của NXB Tự do cùng các ấn phẩm do NXB Tự Do phát hành.
Chụp lại hình ảnh, Nhà báo, nhà hoạt động xã hội Phạm Đoan Trang cũng là người phát ngôn của NXB Tự do cùng các ấn phẩm do NXB Tự Do phát hành.

Bà Phạm Đoan Trang, bị Việt Nam tuyên án 9 năm tù hồi tháng 12, vừa được một tổ chức ở Geneva trao giải nhân quyền.

Giải thưởng Martin Ennals 2022 dành cho những người bảo vệ nhân quyền được tặng cho bà Đoan Trang, Daouda Diallo ở Burkina Faso và Abdul-Hadi Al-Khawaja ở Bahrain.Quảng cáo

Thông báo ngày 19/1 nói Phạm Đoan Trang là “một nhà báo, biên tập viên và là nhà hoạt động dân chủ hàng đầu ở Việt Nam, nơi mà Đảng Cộng sản hầu như không chừa không gian nào cho các tiếng nói đối lập phát triển”.

‘Truyền thông độc lập’

“Cô đã điều hành nhiều cơ quan truyền thông độc lập để nâng cao nhận thức của người Việt Nam về những quyền cơ bản của mình, và truyền cảm hứng cho nhiều nhà báo và nhà hoạt động khác lên tiếng.”

“Cô là một trong những nhà hoạt động bị chính quyền truy đuổi gắt gao nhất tại Việt Nam. Vào tháng 10/2020, cô bị bắt. Ngày 14/12/2021, Phạm Đoan Trang bị kết án chín năm tù vì “tuyên truyền chống nhà nước”. Ngày càng có nhiều tiếng nói quan ngại về tình trạng sức khoẻ của cô.”

Ban tổ chức nói giải của họ được trao cho những Người bảo vệ Nhân quyền cần được bảo vệ khẩn cấp ví dụ người đang ở trong tù hoặc bị đe dọa bỏ tù.

Mỗi người được giải này sẽ được tặng tiền thưởng từ 20.000-30.000 franc Thụy Sĩ.

Ban
tổ chức nói tầm quan trọng của Giải thưởng này không chỉ là tài chính,
mà có thể góp phần bảo vệ họ thông qua sự ủng hộ của các nhân vật nổi
tiếng trên thế giới.

Trang web ban tổ chức ghi nhận định của hai trong số các giám khảo của giải.

“Phạm
Đoan Trang là một người truyền lửa cho rất nhiều nhà hoạt động và nhà
báo ở Việt Nam, nơi mà tự do biểu đạt bị xem là mối đe dọa”, Phil
Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Human Rights Watch
chia sẻ.

“Các tác phẩm của Phạm Đoan Trang không chỉ cần thiết mà còn hoàn toàn chính danh, chúng là những thứ thiết yếu. Cô nên được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện”, Friedhelm Weinberg, Giám đốc điều hành HURIDOCS phát biểu.

Nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang
Chụp lại hình ảnh, Nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang

Tối 14/12/2021, sau một ngày xét xử và nghị án, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt bà Phạm Thị Đoan Trang (43 tuổi) 9 năm tù về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, quy định tại điều 88 Bộ luật hình sự 1999.

“Bị cáo là người có trình độ nhận thức nhất định, hiểu và biết rõ hậu quả hành vi, tuy nhiên vẫn tích cực thực hiện trong thời gian dài. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, bị cáo không khai báo thành khẩn, phạm tội nhiều lần, cần thiết xử phạt nghiêm minh”, bản án nêu.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-60053116

1,3 triệu lao động Việt Nam sẽ thất nghiệp trong năm 2022

RFA – 2022.01.19 – Trong hình là một người dân tại Hà Nội nhìn ra đường qua rào chắn trước nhà khi TP này áp dụng lệnh giãn cách (Hình minh hoạ)

1,3 triệu lao động Việt Nam sẽ thất nghiệp trong năm 2022

AFP

Số lượng lao động thất nghiệp ở Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng
trong năm nay lên 1,3 triệu người, cao hơn mức 1,2 triệu người được ghi
nhận vào năm ngoái.

Tờ New Straits Times loan tin trên trong ngày 18/1 dựa theo báo cáo có tiêu đề “Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới: Xu hướng 2022” (Xu hướng WESO) của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Theo đó, ILO dự báo thất nghiệp năm nay tại Việt Nam (VN) bằng với
năm 2020. VN đứng thứ hai trong số các quốc gia Đông Nam Á về số lượng
lao động thất nghiệp tăng cao do đại dịch. Đứng đầu là Indonesia với 6,1
triệu người và Philippines ở vị trí thứ ba với 1,1 triệu người.

Báo cáo của ILO cũng cho biết đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đáng kể
đến cuộc sống của người dân VN, đặc biệt trong chín tháng đầu năm 2021
kể từ khi VN hứng chịu đợt tái bùng phát dịch lần thứ tư.

Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc chỉ hoạt động
một phần. Trong đó những trung tâm công nghiệp lớn ở Bắc Giang, Bắc
Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai bị tổn thất nặng nề.

ILO đưa ra ước tính rằng khoảng 2,2 triệu công nhân đã rời các thành phố lớn của Việt Nam và trở về quê của họ do ảnh hưởng của đại dịch kéo dài. Trong khi đó, số ca nhiễm COVID-19 vẫn ở mức cao với con số 16.763 ca vào ngày 18/1, theo ghi nhận của Bộ Y tế.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/number-of-unemployed-workers-in-vn-expected-to-rise-01192022072420.html

(Reuters) – Cam Bốt: Lãnh đạo đối lập Kem Sokha lại ra tòa.
Sau khi bị hoãn lại gần 2 năm, phiên tòa xét xử ông Kem Sokha,  lãnh
đạo đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt, đảng đã bị giải tán, mở lại vào hôm
nay, 19/01/2022. Ông Kem Sokha, 68 tuổi, cựu chủ tịch đảng, bị tòa buộc
tội « phản bội » tổ quốc, sẽ phải đối mặt với mức án 30 năm tù. 

(AFP) – Afghanistan kêu gọi các nước Hồi Giáo công nhận chính quyền Taliban. Trong một cuộc họp báo về tình hình khủng hoảng kinh tế trầm trọng ở Afghanistan, hôm nay, ông Mohammad Hasan Akhund  thủ tướng chính phủ của Taliban, lên nắm quyền từ sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan hồi tháng 8/2021, đã lên tiếng kêu gọi các nước Hồi Giáo «chính thức» công nhận chế độ của Taliban.  Hiện tại chưa có một quốc gia nào công nhận chính thức chính quyền Afghanistan hiện nay của Taliban, dù một số nước vẫn có quan hệ. Chiếc ghế của Afghanistan tại Liên Hiệp Quốc vẫn bỏ trống.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220119-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p