Tin Tổng Hợp – 17/1/22
Bắc Triều Tiên nối lại vận tải đường sắt với Trung Quốc sau 17 tháng gián đoạn
Hôm qua, 16/01/2022, lần đầu tiên sau 17 tháng đóng cửa biên giới ngăn chặn Covid-19, Bắc Triều Tiên đã nối lại tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa với Trung Quốc.
Theo Yonhap, một nguồn tin từ chính quyền Hàn Quốc hôm qua, 16/01/22, cho biết đây có thể là dấu hiệu cho thấy hai bên chính thức nối lại các hoạt động giao thương. Chính sách đóng cửa hoàn toàn biên giới của Bắc Triều Tiên khiến nạn đói thêm trầm trọng tại quốc gia này. Theo Liên Hiệp Quốc, hơn 10 triệu dân Bắc Triều Tiên, chiếm 40% dân số, cần viện trợ lương thực khẩn cấp.
Theo thông tín
viên Nicolas Rocca, từ Seoul, chuyến tàu đầu tiên này cho thấy Bình
Nhưỡng có thể đã quyết định chấm dứt đóng cửa biên giới bởi nhu cầu thực
phẩm khẩn cấp:
«Hình ảnh một đoàn tàu vượt qua cây cầu giữa thành phố Trung Quốc Đơn Đông (Dandong) và thành phố Sinuiju của Bắc Triều Tiên vào sáng sớm Chủ Nhật khiến truyền thông Hàn Quốc đặc biệt chú ý. Bởi trên thực tế, các dấu hiệu mở ra với bên ngoài của vương quốc khép kín này là rất hiếm hoi.
Từ tháng 8/2020, chỉ có
một số hàng hóa và chuyến hàng viện trợ nhân đạo vào Bắc Triều Tiên bằng
đường tàu biển. Khi đến nơi, các chuyến hàng này sẽ còn phải cách ly
đến ba tháng. Chuyến tàu đầu tiên vào Bắc Triều Tiên trong buổi sáng Chủ
Nhật, chuyên chở đường, dầu ăn, bột trong số các hàng hóa, trong lúc
một đoàn tàu khác đi theo chiều ngược lại. Một dấu hiệu cho thấy hoạt
động nhập khẩu trên bộ có thể sẽ được nối lại một cách ổn định.
Theo
một số chuyên gia, việc chính quyền Bình Nhưỡng thay đổi chiến lược cho
thấy nhu cầu thực phẩm đang khẩn cấp, bởi cách đây chỉ ít tuần, truyền
thông Nhà nước Bắc Triều Tiên còn nhấn mạnh đến tính chất nguy hiểm của
biến thể Omicron và tính không hiệu quả của các vac-xin. Nhưng từ nhiều
tháng nay, Bắc Triều Tiên đã chuẩn bị để nối lại với các hoạt động trao
đổi thương mại, đặc biệt với việc biến một sân bay ở gần biên giới với
Trung Quốc thành kho chứa, nơi tẩy trùng và cách ly hàng hóa nhập khẩu.
Việc Bắc Triều Tiên liên tục bắn thử tên lửa, bốn lần kể từ đầu năm đến nay, trong đó có một vụ vào sáng thứ Hai hôm nay, cũng như việc nối lại trao đổi thương mại trên đất liền có thể là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng một lần nữa muốn giao tiếp với thế giới bên ngoài vào năm 2022 này».
Trọng Thành
https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20220117-btt-van-tai-duong-sat-trung-quoc
Tập Cận Bình kêu gọi ‘từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh’
AP – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ 17/1 kêu gọi thế giới hợp
tác nhiều hơn để chống dịch COVID-19 và cho biết Trung Quốc sẽ cấp thêm 1
tỷ liều vaccine cho các nước, đồng thời kêu gọi các cường quốc khác từ
bỏ ‘tâm lý Chiến tranh Lạnh’ vào thời điểm căng thẳng địa chính trị gia
tăng – lời đả kích kín đáo nhằm vào Mỹ.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã ca ngợi nỗ lực chia sẻ vaccine, chống biến
đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển trong và ngoài nước của Trung Quốc
trong bài phát biểu khai mạc cuộc họp trực tuyến của Diễn đàn Kinh tế
Thế giới. Hội nghị trực tuyến này được tổ chức thay cho cuộc họp tập
trung thường niên vào tháng 1 tại Davos, Thụy Sĩ, do những lo ngại y tế
do đại dịch COVID-19.
Ông Tập, vốn đã không ra khỏi Trung Quốc kể từ khi virus corona bùng
phát hồi đầu năm 2020, nói trong bài diễn văn rằng Trung Quốc đã xuất
khẩu hơn 2 tỷ liều vaccine COVID-19 sang hơn 120 quốc gia và tổ chức
quốc tế. Ông công bố kế hoạch cung cấp thêm 1 tỷ liều – bao gồm quyên
góp 600 triệu liều cho châu Phi và thêm 150 triệu liều cho Đông Nam Á.
Để so sánh, các lãnh đạo chương trình chia sẻ vaccine của Liên Hợp
Quốc, tức COVAX, hồi cuối tuần loan báo họ đã cấp được 1 tỷ liều vaccine
cho các nước đang phát triển.
Phát biểu này của ông Tập được đưa ra khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung
Quốc đang sôi sục trên các vấn đề như Đài Loan, sở hữu trí tuệ, thương
mại, nhân quyền và Biển Đông.
“Chúng ta cần loại bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và tìm kiếm chung sống
hòa bình và đôi bên cùng có lợi. Thế giới của chúng ta ngày nay còn lâu
mới yên tĩnh,” ông Tập nói. “Chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương
không thể bảo vệ bất cứ ai. Cuối cùng nó làm tổn hại lợi ích của người
khác cũng như lợi ích của chính mình. Thậm chí còn tệ hơn là các hành vi
bá quyền và bắt nạt, đi ngược xu thế lịch sử.
“Cách nghĩ ‘được ăn cả-ngã về không’ vốn tăng cường lợi ích cho một
bên nhưng làm hại cho bên khác sẽ không có ích,” ông nói thêm. “Con
đường đi tới đúng đắn cho nhân loại là phát triển hòa bình và hợp tác
cùng có lợi”.
Ông Tập cho biết Trung Quốc ‘sẵn sàng hợp tác’ với các chính phủ khác về khí hậu nhưng không công bố thêm sáng kiến mới và không cung cấp nguồn lực. Ông nói việc cấp tiền và công nghệ tùy thuộc vào các nước phát triển.
Covid: Tài sản của 10 người giàu nhất thế giới ‘tăng gấp đôi trong đại dịch’
Theo
tổ chức từ thiện Oxfam, đại dịch đã làm cho những người giàu nhất thế
giới trở lên giàu có hơn, nhưng lại khiến có thêm nhiều người sống trong
nghèo đói.
Thu
nhập thấp hơn cho những người nghèo nhất trên thế giới đã góp phần vào
cái chết của 21.000 người mỗi ngày, báo cáo của tổ chức này cho biết.
Nhưng 10 người đàn ông giàu nhất thế giới đã tăng gấp đôi tổng tài sản của họ kể từ tháng 3/2020, Oxfam cho biết.
Oxfam
thường công bố báo cáo về tình trạng bất bình đẳng toàn cầu trước khi
bắt đầu cuộc họp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) ở
Davos.Quảng cáo
Sự
kiện đó thường chứng kiến hàng nghìn nhà lãnh đạo doanh nghiệp và
chính trị, người nổi tiếng, nhà vận động, nhà kinh tế và nhà báo tập
trung tại khu nghỉ mát trượt tuyết của Thụy Sĩ để thảo luận nhóm, dự
tiệc uống và trao đổi công việc.
Tuy
nhiên, trong năm thứ hai diễn ra, cuộc họp (dự kiến trong tuần này) sẽ
chỉ diễn ra trực tuyến sau khi sự xuất hiện của biến thể Omicron đã làm
thay đổi kế hoạch quay trở lại hình thức họp trực tiếp.
Các cuộc thảo luận trong tuần này sẽ bao gồm tương lai của đại dịch sẽ như thế nào, công bằng vaccine và chuyển đổi năng lượng.
Danny
Sriskandarajah, giám đốc điều hành của Oxfam GB cho biết tổ chức từ
thiện này đã chọn thời điểm công bố báo cáo hàng năm trùng với cuộc họp ở
Davos để thu hút sự chú ý của giới tinh hoa kinh tế, kinh doanh và
chính trị.
“Năm
nay, những gì đang diễn ra là không đáng kể,” ông nói. “Gần như ngày
nào cũng có một tỷ phú mới xuất hiện trong thời kỳ đại dịch, trong khi
99% dân số thế giới trở nên tồi tệ hơn do tình trạng phong tỏa, thương
mại quốc tế thấp hơn, du lịch quốc tế ít đi và kết quả là đã có thêm 160
triệu người nữa đã bị đẩy vào cảnh đói nghèo.”
“Có gì đó rất thiếu sót trong hệ thống kinh tế của chúng ta,” ông nói thêm.
Theo
số liệu của Forbes được tổ chức từ thiện Oxfam trích dẫn, 10 người đàn
ông giàu nhất thế giới là: Elon Musk – Giám đốc điều hành (CEO) Tesla và
SpaceX, Jeff Bezos – Giám đốc trang thương mại điện tử Amazon, Bernard
Arnault và gia đình – người đứng đầu tập đoàn số 1 thế giới về đồ xa xỉ
LVMH, cựu CEO của Microsoft Bill Gates, Larry Ellison – cựu CEO của tập
đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia Oracle, các nhà sáng lập nền tảng
tìm kiếm trực tuyến Google Larry Page và Sergey Brin, CEO mạng xã hội
Facebook Mark Zuckerberg, cựu CEO của Microsoft Steve Ballmer và Warren
Buffet – nhà đầu tư người Mỹ.
Trong khi tổng tài sản của họ tăng từ 700 tỷ đô la lên 1.500 tỷ đô la, thì có sự khác biệt đáng kể giữa họ. Tài sản của ông Musk tăng hơn 1.000%, trong khi tài sản của ông Gates chỉ tăng khiêm tốn hơn 30%.
Oxfam nói họ dùng số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank). Các số liệu này cho thấy sau đại dịch Covid có thêm 160 triệu người rơi vào cảnh sống với chi tiêu chưa tới 5,5 USD/ngày.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-60023596
Ngoại trưởng Litva kêu gọi EU đoàn kết chống lại Bắc Kinh
Trả lời phỏng vấn kênh truyền thông Ý Formiche.net hôm 13/1, Bộ trưởng Ngoại giao Litva Gabrielius Landsbergis nhắc lại rằng Litva đã đưa ra quyết định đúng đắn khi cho phép Đài Loan mở “Văn phòng Đại diện Đài Loan” tại Vilnius.
Ông Landsbergis cũng kêu gọi các nước EU đoàn kết chống lại Bắc Kinh, và cần đưa ra chiến lược để đáp trả việc chính quyền Trung Quốc cưỡng chế Litva. Ông cho rằng EU nên làm điều đó không chỉ vì Litva mà còn vì chính quyền Trung Quốc đe dọa thị trường châu âu và phá hủy hệ giá trị mà EU coi trọng.
Ngoại trưởng Litva lưu ý rằng, nếu để chính quyền Trung Quốc đầu tư
nhiều vào truyền thông châu Âu, thì châu lục này sẽ bị Bắc Kinh kiểm
duyệt phương tiện truyền thông và đàn áp quyền tự do ngôn luận. Ví dụ
như chính quyền Trung Quốc có thể yêu cầu các nhà xuất bản châu Âu không
được in những cuốn sách mà Bắc Kinh không thích. Các nhà đầu tư Trung
Quốc cũng có thể yêu cầu các tổ chức châu Âu phải im lặng trước các hành
vi vi phạm nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Landsbergis đã nêu ra ba lý do giải thích cho việc Litva sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ với Đài Loan một cách toàn diện.
Thứ nhất, Litva muốn tạo ra một không gian dân chủ. Đây là triết lý mà Litva luôn tuân thủ từ xưa đến nay và nó cũng là một phần trong kế hoạch quản trị của nước này.
Thứ hai, Đài Loan là một nền kinh tế mở và năng động nên Litva muốn hợp tác.
Thứ ba, mục tiêu chiến lược rõ ràng của chính phủ Litva là tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại với các nước Ấn Độ – Thái Bình Dương, và hợp tác với Đài Loan là phù hợp với mục tiêu này.
Khi được hỏi liệu Litva có đang bị Mỹ thao túng trong vấn đề Đài Loan hay không, Lansbergis nói rằng đây là một câu hỏi nực cười và ông không muốn trả lời.
Kha Đạt – Theo Epoch Times
https://www.dkn.tv/the-gioi/ngoai-truong-litva-keu-goi-eu-doan-ket-chong-lai-bac-kinh.html
(NHK) – Thủ tướng Nhật và tổng thống Mỹ sẽ gặp nhau ngày 21/01. Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki thông báo hôm qua, 16/01/2022, mục tiêu của cuộc gặp là khẳng định « sức mạnh của mối liên minh Nhật – Mỹ, hòn đá tảng của hòa bình, an ninh và ổn định ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, và trên thế giới
». Hai lãnh đạo Mỹ Nhật đã điện đàm hồi tháng 10/2021, và nói chuyện
trực tiếp bên lề thượng đỉnh Khí hậu COP26, hồi tháng 11/2021.
(AFP) – Số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc ở mức cao nhất từ đầu đại dịch. Số
ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3
năm 2020 vào hôm nay 17/01/2022, chỉ 3 tuần trước khi Thế vận hội mùa
đông Bắc Kinh khai mạc. Cụ thể, quốc gia này đã ghi nhận 223 ca nhiễm
mới, trong đó có 80 ca ở riêng thành phố Thiên Tân.
(AFP) – Bộ trưởng Kinh Tế và Tài Chính khu vực đồng euro họp. Cuộc
họp hôm nay, 17/01/2022, tại Bruxelles, Bỉ, một trong các mục tiêu
chính của cuộc họp có thể là tìm các biện pháp để kiềm chế lạm phát. Lạm
phát tháng 12/2021 là 5%, mức tăng chưa từng có kể từ hơn 20 năm nay,
tức từ khi thành lập khối đồng tiền chung châu Âu.
(AFP) – Bão mùa đông đổ bộ vào Mỹ. Hàng triệu người Mỹ đã phải sơ tán vào hôm nay 17/01/2022 sau khi cơn bão mùa đông lớn tràn vào miền Đông Hoa Kỳ gây mất điện cũng như làm gián đoạn giao thông đường bộ và hàng không. Hiện đang có gần 200.000 người phải sống trong tình trạng bị mất điện.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220117-tin-tong-hop