✬ Bộ TM: Ngăn chặn các mối đe dọa đang diễn ra đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ do Trung Quốc gây ra. ✬ Bộ QP: Báo cáo năm 2021 về sự phát triển quân sự và an ninh của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. ✬ CFR: Báo cáo năm 2021 của BQP thể hiện sự thách thức ngày càng tăng của Trung Quốc đối với lợi ích của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. ✬ AFP: Bộ Thương mại đã hạn chế xuất khẩu mặt hàng nhạy cảm cho Học viện Khoa học Quân y và 11 viện nghiên cứu khác của TQ bao gồm “vũ khí điều khiển não có mục đích”. ✬ RFI: Công nghệ bán dẫn: tử huyệt của Trung Quốc. Trong vài năm gần đây, theo báo chí viện nghiên cứu ở Trung Quốc đã phát triển các loại vũ khí để có thể làm “tê liệt” kẻ thù hơn là tiêu diệt, và rằng những tài liệu này “làm sáng tỏ chiều sâu nghiên cứu chiến tranh não bộ của Trung Quốc và đã được tiến hành trong vài năm gần đây. Cuộc chiến đã bắt đầu chuyển từ phá hủy sang làm tê liệt và kiểm soát não bộ đối thủ”, và báo giới đã nêu ra giả thuyết sự việc này có liên quan đến cái gọi là ” hội chứng Havana”. Số là vào năm 2016, 21 nhân viên ngoại giao làm việc ở Đại sứ quán Mỹ tại Cuba bỗng dưng ngã bệnh mà không rõ nguồn gốc. Tất cả những nhân viên này đều bị ngã bệnh sau khi nghe thấy những âm thanh phát ra từ những nguồn không xác định. Theo các cơ quan truyền thông, căn bệnh bí ẩn này được mô tả với cái tên là “Hội chứng Havana”. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Bộ Thương mại Mỹ đã cấm xuất khẩu công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc để rồi sau đó quân đội Trung Quốc có thể tiếp cận các công nghệ này. Hiện nay, chính quyền Tổng thống Biden tiếp tục duy trì và mở rộng các lệnh trừng phạt. Hồi tuần trước, trong Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ do Mỹ tổ chức, một nhóm các quốc gia bao gồm Anh, Pháp và Australia cam kết sẽ ngăn cấm việc xuất khẩu những công nghệ cao đến Trung Quốc. Để bạn đọc rộng đường dư luận liên quan đến tiêu đề, người viết tóm lược trích đoạn thông cáo của Bộ Thương Mại, Bộ Quốc Phòng, bản phân tích của tổ chức National Foreign Policy , bản tường thuật của Pháp Tấn xã và RFI viết về vụ việc này. Công bố của Bộ Thương Mại Hôm nay (16.12.2021), Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành biện pháp nhằm ngăn chặn các mối đe dọa đang diễn ra đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, do nỗ lực của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) đã phát triển và triển khai công nghệ sinh học và các công nghệ khác áp dụng vào ứng dụng quân sự và vi phạm nhân quyền. BIS cũng đang thực hiện hành động chống lại các thực thể hoạt động ở CHND Trung Hoa, Georgia, Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ vì đã chuyển hướng hoặc cố gắng chuyển hướng các mặt hàng của Hoa Kỳ sang các chương trình quân sự của Iran. “Việc theo đuổi công nghệ sinh học và đổi mới ngành y tế có thể cứu mạng sống, thật không may, CHND Trung Hoa đang đem công nghệ này để theo đuổi sự kiểm soát đối với người dân của mình và sự đàn áp của họ đối với các thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo. Chúng tôi không thể cho phép hàng hóa, công nghệ và phần mềm của Hoa Kỳ hỗ trợ khoa học y tế và đổi mới công nghệ sinh học bị chuyển hướng sang các mục đích sử dụng trái với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ”, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina M. Raimondo cho biết. “Hoa Kỳ sẽ mạnh mẽ tiếp tục chống lại các nỗ lực của CHND Trung Hoa và Iran nhằm biến các công cụ có thể giúp nhân loại phát triển thịnh vượng thành các công cụ đe dọa an ninh và ổn định toàn cầu”. Các biện pháp của BIS được thực hiện theo quy định bởi Đạo luật Cải cách Kiểm soát Xuất khẩu năm 2018 và các quy định thực hiện của Đạo luật này, Quy định Quản lý Xuất khẩu (EAR). Danh sách các thực thể được BIS sử dụng nhằm hạn chế việc xuất khẩu, tái xuất khẩu và chuyển giao trong nước các mặt hàng theo quy định của EAR cho những người (cá nhân, tổ chức, công ty) được cho là có liên quan, hoặc dính líu vào các hoạt động trái với lợi ích an ninh quốc gia hoặc chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. [1] Phần trên đó là lệnh ngăn cấm xuất khẩu các công nghệ và phần mềm hỗ trợ khoa học y tế, nhưng trước đó phía Bộ Quốc Phòng vào ngày 3.11.2021 đã phổ biến bản tường trình hàng năm liên quan đến việc Trung Quốc phát triển kỹ nghệ tiên tiến áp dụng vào mục đích quân sự … Bộ Quốc Phòng phổ biến bản Báo cáo năm 2021 (3.11.2021) về Sự phát triển quân sự và an ninh liên hệ đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Bản thông báo của Bộ Quốc phòng về việc phát hành bản Báo cáo hàng năm về “Sự phát triển quân sự và an ninh liên hệ đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.” Báo cáo được Quốc hội ủy nhiệm đóng vai trò như một đánh giá có thẩm quyền về các phát triển quân sự và an ninh liên quan đến CHND Trung Hoa.
Báo cáo năm nay đánh giá cơ bản về thách thức hàng đầu của Bộ và lập biểu đồ về sự tăng trưởng của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Báo cáo trình bày về sự phát triển chiến lược quốc gia của CHND Trung Hoa và phác thảo các mục tiêu chiến lược thúc đẩy chính sách quốc phòng và chiến lược quân sự của Giải Phóng Quân. Bao gồm những phát triển quan trọng của tiến trình cải cách và hiện đại hóa quân đội PLA, đồng thời cung cấp thông tin chi tiết về tham vọng khu vực và toàn cầu của CHND Trung Hoa.
Điều này bao gồm việc PLA phát triển các khả năng để thực hiện các cuộc tấn công chính xác tầm xa trên các lĩnh vực như, khả năng không gian, hệ thống liên lạc phản công và khả năng tấn công không gian mạng, đồng thời đẩy nhanh việc mở rộng quy mô lớn các lực lượng hạt nhân của họ.[2]
CFR: Những tiến bộ trong trí thông minh nhân tạo (AI-Artificial Intelligence) và các công nghệ cao sẽ định hình quân đội Trung Quốc như thế nào Bản Báo Cáo của BQP nêu trên dài 192 trang, phần trình bày say người viết tóm lược trích đoạn bản phân tích của tổ chức Hội đồng Quan hệ Nước ngoài (Council on Foreign Relation / CFR) phổ biến ngày 4.11.2021. Trung Quốc đang tận dụng các công nghệ mới như hệ thống tự quản (AS), lượng tử, không gian mạng, v.v. để thách thức lợi ích của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Báo cáo mới nhất của Bộ Quốc Phòng về sức mạnh quân sự của Trung Quốc giải thích những gì Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đang thực hiện. Hôm qua (3.11.2021), Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DoD) đã công bố báo cáo thường niên về Sức mạnh Quân sự Trung Quốc. Báo cáo năm 2021 thể hiện sự thách thức ngày càng tăng của Trung Quốc đối với lợi ích của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Kho vũ khí hạt nhân ngày càng tăng của Trung Quốc đã nhận được sự chú ý của hầu hết giới truyền thông. Tuy nhiên, bên dưới các tiêu đề là một cách tiếp cận mà theo đó Trung Quốc tìm cách tận dụng các công nghệ mới và các khái niệm hoạt động sáng tạo – cho cả mục tiêu truyền thống và chiến lược- để trở thành một quân đội hàng đầu thông qua cách tiếp cận được mô tả là chiến tranh “thông minh hóa”. Theo báo cáo, Trung Quốc “tìm cách thống trị các công nghệ liên quan đến cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư” (trang 145) vì nó sẽ giúp Trung Quốc trở thành một quân đội đẳng cấp thế giới. Dưới đây, chúng tôi trình bày các khía cạnh quan trọng trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc được đề cập trong báo cáo, đặc biệt tập trung vào những phát triển liên quan đến việc đổi mới quốc phòng và các công nghệ tiên tiến.
Trung Quốc kết nối vị trí lãnh đạo công nghệ mới với năng lực quân sự Trung Quốc tin rằng các công nghệ mới sẽ định hình và gia tăng tốc độ chiến tranh, có nghĩa là thành công quân sự trong tương lai sẽ đòi hỏi các lực lượng được “cơ giới hóa, thông tin hóa và thông minh hóa” (trang 89). Thuật ngữ “thông minh hóa” mô tả “khái niệm của CHND Trung Hoa về chiến tranh trong tương lai dựa trên các công nghệ mới và đột phá, đặc biệt là trí thông minh nhân tạo” (trang 146). Điều này bao gồm các công nghệ, hệ thống thông minh và các khái niệm hoạt động như “chiến tranh bầy đàn, chiến tranh di động miền, đối đầu trên không gian dựa vào trí thông minh nhân tạo (AI) và các hoạt động kiểm soát nhận thức, ”tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý thông tin và ra quyết định trên chiến trường. Những khả năng được thông minh hóa này liên quan trực tiếp đến việc Trung Quốc theo đuổi tiềm năng các lợi ích chiến lược của mình – cụ thể là việc xâm chiếm Đài Loan. Mặc dù thông tin chi tiết trong báo cáo còn hạn chế nhưng bản văn nêu rõ: “Vào năm 2020, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố một cột mốc quan trọng mới cho tiến trình hiện đại hóa PLA vào năm 2027 được hiểu theo nghĩa rộng là việc hiện đại hóa các năng lực của PLA để kết nối mạng hợp thành một hệ thống thông minh hóa chiến tranh. Một khi được phát triển, các mục tiêu hiện đại hóa năm 2027 của PLA có thể cung cấp cho Bắc Kinh các lựa chọn quân sự đáng tin cậy hơn về trường hợp của Đài Loan ”(trang I). . Chiến lược của Trung Quốc muốn đạt được vị trí lãnh đạo về công nghệ quốc phòng Theo báo cáo, Trung Quốc muốn đạt được vị trí dẫn đầu về công nghệ quốc phòng, và là sự kết hợp dân sự-quân sự. Đây là nỗ lực của Trung Quốc nhằm liên kết các tiến bộ công nghệ trong khu vực tư nhân với cơ sở công nghiệp quân sự của nước này. Cả hai quan chức Hoa Kỳ và Trung Quốc đều lập luận rằng các công nghệ quan trọng sẽ định hình tương lai chiến tranh, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), robot, lượng tử và công nghệ sinh học, về cơ bản là sử dụng kép (hoặc mục đích chung). Khu vực tư nhân đang thúc đẩy sự đổi mới trên khắp thế giới. Đối với Trung Quốc, sự kết nối giữa khu vực tư nhân và nhà nước sẽ giúp xác định vị thế dẫn đầu về công nghệ cao trong tương lai. Theo như báo cáo mô tả, “Theo chiến lược MCF của Bắc Kinh, PLA tìm cách khai thác các thành tựu của khu vực tư nhân của Trung Quốc để tiếp tục theo đuổi các kế hoạch hiện đại hóa lực lượng của mình” (trang 147). Báo cáo cũng bàn về các sáng kiến khác của Trung Quốc, chẳng hạn như đầu tư trực tiếp nước ngoài để có được công nghệ cao, tuyển dụng nhân tài, hợp tác học thuật để nghiên cứu và phát triển, và thu mua bất hợp pháp thông qua gián điệp.
Các lĩnh vực ưu tiên của Trung Quốc đối với đầu tư quốc phòng vào các công nghệ cao Báo cáo nêu bật (trang 148) các công nghệ mới cụ thể mà Trung Quốc đang tích cực theo đuổi và minh họa các ứng dụng quân sự tiềm năng của họ, như phác họa dưới đây cho thấy: Trong khu vực AI và rô bốt tiên tiến được đánh dấu trong đồ họa, một câu hỏi đang được đặt ra là quân đội sẽ sử dụng ở đâu và như thế nào. Báo cáo nêu rõ các khoản đầu tư của Trung Quốc vào công nghệ máy móc học cho các lĩnh vực bao gồm hỗ trợ quyết định chiến thuật và chiến lược cũng như hỗ trợ chiến đấu bằng AI. Báo cáo cũng mô tả các khoản đầu tư liên tục của Trung Quốc vào các hệ thống trên không quân, trên mặt đất và hải quân, một số có khả năng AI hạn chế và việc sử dụng AI để phân tích và tuyên truyền trên mạng xã hội. Báo cáo cũng đưa ra các ưu tiên nghiên cứu cơ bản và ứng dụng cho Trung Quốc trong lĩnh vực AI quân sự, chẳng hạn như “phần mềm và phần cứng lấy cảm hứng từ não bộ, hợp tác giữa người và máy, tập hợp và ra quyết định” (trang 146). Các công nghệ trên thể hiện các lĩnh vực quân sự và kinh tế mà Trung Quốc đang ưu tiên phát triển rộng lớn hơn. Chi tiêu lớn cho nghiên cứu của Trung Quốc và “tập trung vào độc lập công nghệ và đổi mới bản địa” thông qua các chính sách như Sản xuất tại Trung Quốc 2025 và Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035, đã “định vị Trung Quốc ở vị trí hoặc gần tiến tới vị trí dẫn đầu của nhiều lĩnh vực khoa học” – khiến nhiều người tại Hoa Kỳ lo ngại (tr.146).
Báo cáo nhấn mạnh những tiến bộ cụ thể mà Trung Quốc đã thực hiện trong các lĩnh vực này vào năm 2020, chẳng hạn như phân bổ khoảng 85 triệu USD cho nghiên cứu AI; họ có kế hoạch mở rộng “2.000 km đường dây liên lạc an toàn lượng tử” kết nối Bắc Kinh với Thượng Hải và với các thành phố khác, và tạo ra một phiên bản toàn cầu, hỗ trợ vệ tinh vào năm 2030; và khởi đầu trang bị cho Lực lượng Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân đối với DF-17, một phương tiện siêu thanh (trang 60,146). Báo cáo đề cập đến không gian mạng ở những nơi khác – tạo một khả năng hoàn chỉnh hơn đã được áp dụng vào PLA.
Những cạm bẫy tiềm ẩn trong phát triển quân sự của Trung Quốc Báo cáo nhấn mạnh cách Trung Quốc hiện đại hóa và phát triển quân đội của mình cũng như cách Trung Quốc hiện tại coi công nghệ quốc phòng và sự lãnh đạo đổi mới như một trụ cột quan trọng hỗ trợ nỗ lực của họ để tạo ra khả năng chiến đấu tầm cỡ thế giới. Cụ thể, Trung Quốc trực tiếp coi khả năng khai thác và tận dụng các công nghệ mới phát triển và đột phá như AI là yếu tố quyết định đối với khả năng đạt được các mục tiêu chiến lược như chiếm Đài Loan. Báo cáo này nhấn mạnh rằng Bộ Quốc Phòng (DoD) nhận thức được và quan tâm đến những sáng kiến này, vấn đề này dường như thiết đặt có hệ thống, nguồn lực tốt và được phân định rõ ràng. Tuy nhiên, trong khi báo cáo đề cập đến những công nghệ này và cách Trung Quốc lên kế hoạch phát triển chúng, nhưng nó lại thiếu chi tiết cụ thể về cách Quân đội Giải phóng Nhân dân sẽ sử dụng những đột phá công nghệ. Các câu hỏi cũng vẫn còn đó về khả năng vận hành kết hợp các khả năng này của Trung Quốc, vì việc tích hợp cùng các công nghệ mới và các hoạt động truyền thống sẽ là thách thức về mặt tổ chức. Vì vậy, trong khi sức mạnh quân sự của Trung Quốc tuy tiếp tục phát triển, nhưng vẫn chưa chắc chắn về vai trò của các công nghệ AI trong các cuộc xung đột trong tương lai và khi nào.[3]
AFP: Hoa Kỳ cáo buộc Trung quốc tăng cường giám sát đối với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ bằng công nghệ cao Hôm thứ Năm (16.12.2021), Hoa Kỳ đã đưa các tổ chức công nghệ sinh học của Trung Quốc vào danh sách đen thương mại, cáo buộc các tổ chức này đang tăng cường giám sát đối với dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ bằng công nghệ cao. Các biện pháp trừng phạt này là hành động mới nhất trong một chuỗi hành động của chính quyền Tổng thống Joe Biden chống lại lợi ích của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, và trước đó một ngày Hoa Kỳ trừng phạt nhằm vào các nhà sản xuất thuốc giảm đau đã làm bùng phát dịch bệnh nghiện ngập. Trong các biện pháp mới nhất, Bộ Thương mại đã hạn chế xuất khẩu mặt hàng nhạy cảm cho Học viện Khoa học Quân y và 11 viện nghiên cứu khác của TQ về công nghệ sinh học bao gồm “vũ khí điều khiển não bộ có chủ đích”, một thông báo cho biết. Các nhóm nhân quyền đã kể lại việc giám sát chưa từng có đối với những người Duy Ngô Nhĩ chủ yếu là người Hồi giáo ở khu vực Tây Bắc Tân Cương, bao gồm việc truy tìm DNA và các hoạt động trí tuệ nhân tạo để nhận dạng và theo dõi khuôn mặt.
Các viện nghiên cứu bị nhắm mục tiêu bởi các hành động mới nhất của Hoa Kỳ bao gồm các trung tâm tập trung vào truyền máu, kỹ thuật sinh học và chất độc học. Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết: “Việc theo đuổi khoa học về công nghệ sinh học và đổi mới y tế có thể cứu sống nhiều người”. Nhưng “thật không may, CHND Trung Hoa đang sử dụng những công nghệ này để theo đuổi việc kiểm soát người dân và đàn áp các thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo”, Bà nói “Chúng tôi không thể cho phép hàng hóa, công nghệ và phần mềm của Hoa Kỳ hỗ trợ khoa học y tế và đổi mới công nghệ sinh học được chuyển hướng sang các mục đích sử dụng trái với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ”.
Bộ Thương mại cũng đưa vào danh sách đen các công ty của Trung Quốc, cũng như Gruzia, Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ, các nước này bị cáo buộc chuyển hướng các mặt hàng của Mỹ cho quân đội Iran, đối thủ của Mỹ mà Washington hiện vẫn duy trì các lệnh trừng phạt. Học viện Khoa học Quân y đã tích cực phát triển vắc-xin Covid-19 có trụ sở tại Bắc Kinh, nhưng Hoa Kỳ ngày càng tỏ ra lo lắng trước những mối liên hệ giữa nghiên cứu dân sự và quân sự ở Trung Quốc.
Hành động ngày càng tăng ở Tân Cương Các chuyên gia về nhân quyền, nhân chứng và chính phủ Hoa Kỳ nói rằng hơn một triệu người Uyghur và những người Hồi giáo nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ khác đang bị giam giữ trong các trại nhằm tìm ra nguồn gốc từ truyền thống văn hóa Hồi giáo của họ và buộc phải đồng hóa họ thành người Hán hiện chiếm đa số ở Trung Quốc. Bắc Kinh mô tả các địa điểm này là trung tâm đào tạo nghề và nói rằng, giống như nhiều quốc gia phương Tây, họ đang tìm cách giảm bớt sức hấp dẫn của Hồi giáo cực đoan sau các cuộc tấn công chết người. Hoa Kỳ đã mô tả chiến dịch này là tội diệt chủng và trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng, Hoa Kỳ có kế hoạch tẩy chay đại diện chính thức tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh vào năm tới (Ngày 7.12.2021 Mỹ đã chính thức lên tiếng tẩy chay mặt ngoại giao). Hoa Kỳ cũng dự kiến sẽ sớm trở thành quốc gia đầu tiên cấm tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Tân Cương, cho rằng lao động trại phổ biến đến mức khó có thể tách nó ra khỏi các hàng hóa khác. Tân Cương là nơi cung cấp nguồn bông vải chính, với Hiệp hội Quyền Công nhân, tổ chức giám sát các nhà máy, ước tính rằng 20% hàng may mặc nhập khẩu vào Hoa Kỳ mỗi năm mà nguyên liệu xuất phát từ khu vực này. “Chúng ta phải có quan điểm đạo đức rõ ràng để đứng về phía những người đang đau khổ vì lao động cưỡng bức. Không còn kinh doanh như thường lệ”, Đại diện Jim McGovern cho biết vào tuần trước Hạ viện đã thông qua dự luật, và được cho biết phía Thượng viện cũng sẽ thông qua và sẽ được ký ban hành bởi Biden.
Vào tuần trước, Mỹ cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hai nhà lãnh đạo chính trị người Duy Ngô Nhĩ trong chính quyền Tân Cương của Trung Quốc. Trước đó, Trung Quốc đã lên tiếng giận dữ trước các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với 4 loại vũ khí hóa học của Trung Quốc và một cá nhân vì bị cáo buộc tiếp tay cho hoạt động buôn bán thuốc giảm đau thông qua các chuyến hàng trực tuyến bất hợp pháp. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Wang Wenbin nói với các phóng viên AFP rằng: “Những hành động sai trái kiểu này, trong đó một bên bị bệnh nhưng buộc bên kia uống thuốc là không mang tính xây dựng”. [4]
Phản ứng từ phía Trung Quốc Về phía Trung Quốc, sau ngày Bộ Thương Mại phổ biến thông báo, tờ Hoàn Cầu Thời Báo (HCTB), phụ bản của tờ Nhân Dân Nhật báo vào ngày 17.12.2021 loan tải bài viết lên tiếng phản đối về điều gọi là “hành động bắt nạt của Mỹ”, đã “gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc mà còn coi thường lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư toàn cầu”. Bài báo cho biết, các công ty Trung Quốc sẽ vẫn” tiếp tục hợp tác với nhiều công ty trí tuệ nhân tạo xuất sắc trong nước để đóng góp vào sự phát triển nhanh chóng của ngành khoa học và công nghệ Trung Quốc”. Ngoài ra, bài viết trên tờ HCTB còn loan tải tuyên bố của người phát ngôn thuộc tòa Đại sứ Trung Quốc tại Washington về hành động của Mỹ đối với vấn đề Tân Cương là “vô căn cứ và hành động của Mỹ đã vi phạm các quy tắc thương mại tự do và đe dọa an ninh của chuỗi cung ứng toàn cầu”.[5]
Liệu Mỹ có thể ngăn cản Trung Quốc phát triển công nghệ cao? Về câu hỏi này, người viết trích đoạn bản nghiên cứu trên đài Radio France Internationale ngày 04.1.2022: …Trung Quốc đã chứng minh về khả năng đuổi kịp các nước công nghiệp tiên tiến nhất trong một thời gian ngắn kỷ lục, cho nên, trở ngại lớn nhất đe dọa tham vọng nổi lên như một cột trụ công nghệ mới của thế giới ngay từ 2025 xuất phát từ « bên trong » : đó là yếu tố dân số, về trình độ đào tạo nhân sự… Nhà nghiên cứu Mathieu Duchâtel giải thích: “Hiệp hội các nhà sản xuất linh kiện bán dẫn Trung Quốc thẩm định đang cần từ hai trăm đến ba trăm ngàn kỹ sư giỏi và có tay nghề cao để thực hiện kế hoạch Made In China 2025. Đây là một nhu cầu vô cùng to lớn và đang làm lộ rõ cùng lúc hai vấn đề. Thứ nhất là về chất lượng các chương trình giảng dậy và nghiên cứu của Trung Quốc : Đành là Bắc Kinh đầu tư nhiều vào các khâu nghiên cứu và phát triển nhưng vẫn chưa đạt tiêu chuẩn của các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Điều thứ hai là từ khi Mỹ, Nhật, châu Âu ngưng chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, ngừng các chương trình trao đổi nghiên cứu và giảng dậy… Trung Quốc bị hụt hơi và điều này bắt đầu ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc, kể cả trong ngành công nghiệp quốc phòng bởi vì, như đã biết, công nghệ cao phục vụ cả ngành công nghiệp dân sự lẫn quân sự”.[6]
Đào Văn – 6/1/22
Nguồn: [1] Bộ Thương Mại: Commerce Acts to Deter Misuse of Biotechnology by the People’s Republic of China [2] Bộ Quốc Phòng: DOD Releases 2021 Report on Military and Security Developments Involving the People’s Republic of China [3] National Foreign Policy:How Advances in AI and Emerging Technologies Will Shape China’s Military [4] Pháp Tấn xã AFP:The United States accusing them of advancing high-tech surveillance on the Uyghur min [5] Hoàn Cầu TB: Chinese firms and sources from Xinjiang slam US accusations on ‘human right’ [6] Radio France International: Công nghệ bán dẫn: tử huyệt của Trung Quốc
Source: https://vietbao.com/a310748/my-to-cao-trung-quoc-su-dung-vu-khi-ai-tan-cong-nao-bo-con-nguoi |