Tin Trong Nước – 6/1/22
Thêm 16.472 ca COVID-19, Hà Nội có hơn 2.700 F0
Zing – Theo bản tin tối 6/1, Bộ Y tế cho biết Việt Nam ghi nhận thêm 16.472 ca nhiễm COVID-19. Hôm nay, Hà Nội có 2.716 F0 mới, đánh dấu 5 ngày liên tiếp ghi nhận trên 2.000 ca bệnh.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.843.563 ca nhiễm. Các địa
phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP.HCM
(506.413), Bình Dương (291.218), Đồng Nai (98.418), Tây Ninh (80.552),
Hà Nội (59.450).
Từ 17h30 ngày 5/1 đến 17h30 ngày 6/1, cả nước ghi nhận 170 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 33.644 ca.
Máy bay Vietnam Airlines bị đe dọa cho nổ
VnExpress – Liên quan đến vụ máy bay Vietnam Airlines bị đe dọa khi từ Nhật Bản về Việt Nam, sáng 6/1, một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đánh giá việc máy bay Vietnam Airlines bị đe dọa là tình huống hy hữu. Các máy bay Việt Nam hoạt động ở nước ngoài chưa từng bị dọa bắn, chỉ một số lần khách tung tin có bom.
Thông tin ban đầu, sáng 5/1, nhân viên chi nhánh Vietnam Airlines tại Nhật Bản tiếp nhận cuộc điện thoại từ một người xưng là người Mỹ, nói tiếng Nhật, đe dọa có thể bắn hoặc cho nổ máy bay của Vietnam Airlines khi qua vịnh Tokyo. Lúc này máy bay đã khởi hành trên đường về Việt Nam.
Ngay lập tức, chi nhánh hãng tại Nhật Bản đã báo cáo về Tổng công ty. Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam trực tiếp trao đổi với lãnh đạo Vietnam Airlines về hướng xử lý sự cố và xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền.
Máy bay Boeing 787 lúc này đã bay qua vịnh Tokyo, song nhà chức trách hàng không Việt Nam đánh giá không thể bỏ qua các giả thiết, như có chất nổ trên máy bay. Do đó, qua trao đổi với cơ quan chức năng Nhật Bản, các bên thống nhất cho máy bay hạ cánh tại sân bay Fukuoka để kiểm tra an ninh.
Cảng hàng không sau đó bố trí nhân viên an ninh, kỹ thuật xem xét
đánh giá thông tin cũng như an toàn của chuyến bay. “Chúng tôi hơi bất
ngờ khi tiếp nhận thông tin đe dọa máy bay, song tình huống này đã nằm
trong kịch bản máy bay bị can thiệp bất hợp pháp, có người tung tin
giả”, lãnh đạo Cục nói.
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết, các tình huống đe dọa
an ninh hàng không đều được lường trước, nằm trong phương án xử lý với
các kịch bản khác nhau. Vietnam Airlines đã triển khai quy trình ứng phó
khẩn nguy an ninh để xử lý theo đúng quy định, bảo đảm an toàn cho
chuyến bay. Cục đã báo cáo Bộ Công an, Bộ Ngoại giao để phối hợp với nhà
chức trách Nhật Bản làm rõ sự việc.
Hơn 2,2 triệu lao động đã bỏ thành phố về quê trong năm 2021
VnExpress
– Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 6/1, tính đến ngày
15/12/2021 đã có hơn 2,2 triệu lao động bỏ thành phố về quê do ảnh hưởng
của đợt dịch thứ tư kéo dài.
Trong đó có khoảng 447.000 người trở về từ Hà Nội, 524.000 người về
từ TP HCM; 600.000 người trở về từ các tỉnh thành phía Nam và hơn
676.000 người từ các địa phương khác.
Số người trở về chủ yếu là lao động tự do, lực lượng chịu ảnh hưởng
nhiều nhất trong các đợt giãn cách theo Chỉ thị 15, 16. Song vẫn có
khoảng 839.000 người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động, phần
lớn đang làm việc hoặc đã thất nghiệp.
Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Thống kê Dân số và Lao động, nhận định
làn sóng dịch chuyển về quê dẫn tới một số ngành thiếu hụt lao động như
dệt may, da giày. Lực lượng này về quê gặp khó khăn khi tìm việc mới, vì
vậy, các cơ quan cần có chính sách quy hoạch tổng thể về việc làm, phục
hồi thị trường lao động.
Theo đại diện Tổng cục Thống kê, công tác quy hoạch vùng tới thời
điểm này chưa thực sự tốt. Đơn cử như Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp
thách thức nghiêm trọng về vấn đề di cư, dân số, việc làm, trong khi đây
là vùng nông nghiệp của cả nước, sản lượng thủy sản chiếm khoảng 70%.
Lực lượng lao động khu vực này di dân tới thành phố lớn làm việc ngày
càng tăng, dân số sụt giảm, ảnh hưởng an ninh quốc phòng, an ninh lương
thực và sự phát triển của các địa phương trong vùng.
‘Kho báu’ lớn nhất Đông Nam Á ở Việt Nam: Trung Quốc đã để mắt, nhiều lần muốn thâu tóm
Vietnamnet
– Theo tờ Công an Nhân dân và Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam
(Vinacomin), Thanh Hóa được đánh giá là địa phương không có nhiều tiềm
năng về quặng. Tuy nhiên, mỏ cromit ở Thanh Hóa
xứ Thanh lại có quặng cromit (khoáng vật oxit của crom), đây là mỏ
duy nhất ở Việt Nam và là mỏ lớn nhất Đông Nam Á, với trữ lượng 22 – 25
triệu tấn.
Cromit là quặng chính để sản xuất crom và hợp chất có crom. Với vai
trò quan trọng trong ngành luyện kim, crôm được coi là linh hồn của các
loại thép chống ăn mòn và đánh bóng bề mặt. Đáng lưu ý, crom còn là kim
loại có giá trị ứng dụng cao trong nhiều ngành sản xuất. Việc khai thác
và sử dụng crom mang ý nghĩa quan trọng cho Việt Nam nói riêng và thế
giới nói chung.
Crom là gì?
Theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), Crom (Cr) là kim loại quan
trọng, có nhiều ứng dụng trong ngành kim loại, hóa chất và vật liệu chịu
lửa. Crom được coi là một trong những tài nguyên chiến lược và quan
trọng nhất của Mỹ. Việc sử dụng crom trong sắt, thép và hợp kim màu giúp
tăng cường độ cứng và khả năng chống ăn mòn và oxy hóa. Việc sử dụng
crom để sản xuất thép không gỉ và hợp kim màu là hai trong số các ứng
dụng quan trọng nhất của nó. Các ứng dụng khác là thép hợp kim, mạ kim
loại, bột màu, xử lý da, chất xúc tác, xử lý bề mặt và vật liệu chịu
lửa.
Hợp chất của crom còn được phát hiện khi khai quật Lăng mộ của Tần
Thủy Hoàng. Người ta đã tìm thấy một số những thanh kiếm với lưỡi kiếm
đã được phủ bởi một lớp hợp chất crom dày 10 – 15 micromet và nó thậm
chí đã bảo vệ các thanh kiếm khỏi các tác nhân oxi hóa của môi trường từ
bên ngoài trong hơn 2000 năm qua. Dù người cổ đại chỉ “vô tình” sử dụng
nguyên liệu có chứa crom, nhưng nó đã khiến nhiều nhà khoa học bất ngờ
bởi tới đầu những năm 1900, nhân loại mới phát hiện ra kĩ thuật sử dụng
crom để làm lớp chống ăn mòn cho nguyên vật liệu kim loại.
Crom là được xếp là nguyên tố phổ biến thứ 21 trong vỏ Trái Đất và
thường được khai thác trong tự nhiên dưới dạng quặng Cromit. Gần một nửa
quặng cromit trên thế giới hiện đang được khai thác tại Nam Phi, bên
cạnh đó chính là Kazakhstan, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng là những khu vực
sản xuất đáng kể.
Khai thác quặng cromit trên thế giới (đơn vị: tấn). Nam Phi khai thác
gần 1 nửa sản lượng thế giới, theo sau đó là Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Phần
Lan. Theo USGS, Việt Nam không có đủ số liệu để thống kê.
Kim loại cứng nhất thế giới
Crom là kim loại cứng nhất trên thế giới và có độ chống trầy xước
tuyệt vời. Trong thép không gỉ, hàm lượng crom chiếm ít nhất từ 10.5%
trở lên. Tỷ lệ crom càng cao thì thép không gỉ càng có khả năng kháng ăn
mòn và oxy hóa.
Ở nhiệt độ thường, lớp crom giúp thép không gỉ hầu như không bị oxy
hóa khi tiếp xúc với không khí, hơi nước, nước biển, axit và kiềm… Nhờ
đặc tính này, đây là nguyên vật liệu được ưa thích trong công nghiệp chế
tạo xe hơi, tàu thủy, dụng cụ y tế y và các chi tiết máy. Ngoài ra,
chúng cũng được sử dụng làm các thiết bị chống ăn mòn trong các lò phản
ứng, bồn đựng hóa chất hay đồ gia dụng, đồ nội thất.
Mỏ cromit ở Việt Nam
Theo các tài liệu, sa khoáng cromit Cổ Định, Thanh Hóa được người Pháp phát hiện năm 1927 và năm 1930 bắt đầu đưa vào khai thác.
Mỏ cromit Cổ Định – Thanh Hóa được khai thác từ những năm 1956. Mỏ
này đã chứng kiến hơn 66 năm tồn tại và phát triển, qua nhiều giai đoạn
thăng trầm: thay đổi đơn vị quản lý, thay đổi phương thức sản xuất kinh
doanh, thay đổi đầu tư, khai thác…
Hồi năm 2019, Tập đoàn Mintal (HongKong – Trung Quốc) đã tỏ ý muốn
đầu tư nhà máy sản xuất Ferrochorom Carbon, thép không gỉ và kim loại
màu trị giá 2 tỷ USD ở Thanh Hoá. Được biết, Mintal là một trong những
tập đoàn hàng đầu thế giới về sản xuất Ferrochrom Carbon, thép không gỉ
và kim loại màu. Hiện Mintal có nhà máy sản xuất các loại hình sản phẩm
này tại Trung Quốc, Nam Phi và Pakistan. Tổng sản phẩm xuất khẩu các sản
phẩm này trên thị trường thế giới của tập đoàn hiện đứng thứ 3 thế
giới.
Về công nghệ sản xuất, ông Tao Jing, TGĐ Tập đoàn cho biết Mintal
đang ứng dụng sản xuất theo công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay
của Phần Lan về sản xuất Ferrochrom Carbon và công nghệ sản xuất thép
không gỉ, kim loại màu của Nhật Bản. Ông Tao Jing mong muốn được lãnh
đạo tỉnh Thanh Hóa quan tâm, tạo điều kiện cho tập đoàn được xem xét tìm
hiểu đầu tư Nhà máy sản xuất Ferrochrom Carbon, thép không gỉ và kim
loại màu tại Khu kinh tế Nghi Sơn.
Tuy nhiên, tới nay, vẫn chưa có thêm thông tin về dự án này.
Cũng trong năm 2019, theo Tạp chí Bất Động sản Việt Nam, ngày
14/6/2019, Công ty hữu hạn thương mại và công nghiệp Thanh Long Giang Tô
(Trung Quốc) đã nộp hồ sơ đăng ký mua 66,67 % cổ phần của Công ty TNHH
Đại Tây Dương tại Công ty cổ phần Cromit Nam Việt.
Công ty cổ phần Cromit Nam Việt (trụ sở tại thông Đạt Thành, xã Vân
Sơn, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy
chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần số 2801172029 đăng ký lần đầu
ngày 23/9/2008, đăng ký thay đổi lần thứ 5 ngày 20/12/2012.
Công ty cổ phần Cromit Nam Việt đã bắt đầu hoạt động từ năm 2010. Tuy
nhiên, vì nhiều nguyên nhân đơn vị phải dừng hoạt động sản xuất kinh
doanh từ tháng 11/2012.
Báo Đầu tư đã thẳng thắn chỉ rõ sự bết bát các dự án ferrocrom tại Thanh Hóa, trong đó nêu rõ:
“Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Cromit Nam Việt thường xảy
ra sự cố tắc lò hoặc cho ra sản phẩm có chất lượng chưa đạt yêu cầu; hàm
lượng crom trong ferocrom chỉ đạt 55-58%, trong khi để xuất khẩu thì
phải đạt tối thiểu 68%, dẫn đến giá bán sản phẩm thấp, kinh doanh không
hiệu quả và doanh nghiệp phải đóng cửa”.
Theo Tạp chí Bất động sản Việt Nam, tới tháng 9/2019, tỉnh Thanh Hóa
chưa có ý kiến cuối cùng về việc Công ty hữu hạn thương mại và công
nghiệp Thanh Long Giang tô đề nghị mua lại 66,67% cổ phần của Công ty
TNHH Đại Tây Dương tại Công ty cổ phần Cromit Nam Việt, để Nam Việt trở
thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và triển khai thực hiện dự án nhà
máy sản xuất Ferrocrom Nam Việt tại xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn.
Dù vậy, có thể thấy rằng các doanh nghiệp Trung Quốc có mức độ quan tâm rất lớn đến mỏ khoáng sản quan trọng tại Việt Nam.