Tin Tổng Hợp – 20/12/21
Bầu cử Hồng Kông: Tỷ lệ cử tri tham gia thấp kỷ lục
Cử tri Hồng Kông tẩy chay cuộc bỏ phiếu bầu lại Nghị Viện. Với 30 % cử tri đi bầu, mức thấp nhất kể từ khi Hồng Kông được trao trả lại cho Trung Quốc, và việc Hội đồng lập pháp Hồng Kông (LegCo) hoàn toàn trong tay phe thân Bắc Kinh. Lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) hài lòng đã loại được các phần tử «chống Trung Quốc».
Trong cuộc họp báo sáng nay 20/12/2021 bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố: kết quả bầu cử hôm Chủ Nhật cho thấy «Hồng Kông đã quay trở lại với mô hình một quốc gia hai chế độ (…) không rập theo khuôn mẫu được coi là dân chủ của phương Tây». Bà Lâm cũng đã rất hài lòng với một Nghị Viện mới hoàn toàn trong tay phe thân Bắc Kinh. Báo chí tại Hoa Lục nhấn mạnh đến «thành công chói lọi» của cuộc bầu cử Hồng Kông hôm 19/12/2021 mà không đề cập đến tỷ lệ vắng mặt của 70 % cử tri đặc khu hành chính này.
Thông tín viên đài RFI Florence de Changy từ Hồng Kông phân tích về kết quả cuộc bỏ phiếu đầu tiên tại Hồng Kông kể từ khi Bắc Kinh áp đặt luật bầu cử mới :
« Không nghi ngờ gì nữa về kết quả tệ hại này. Đây
trước hết là một thất bại ê chề đối với chính quyền của bà Lâm Trịnh
Nguyệt Nga, mặc dù là chính quyền đã huy động tất cả các phương tiện có
trong tay để khuyến khích cử tri đi bầu. Ngoài ra, có tới 2 % đã bỏ
phiếu trắng, hoặc đó là những lá phiếu không được công nhận.
30%
cử tri tham gia bỏ phiếu là tỷ lệ thấp nhất kể từ năm 1997 khi Hồng
Kông được trao trả về cho Hoa Lục. Cũng cần nói thêm là tất cả các ứng
viên của đảng thân Bắc Kinh (Liên minh Dân chủ vì Tiến bộ của Hồng Kông
– DAB) đều đắc cử hoặt tái đắc cử. Trái lại, có một vài ứng viên không
chính thống hiếm hoi và họ là những người có thể đem lại một sự đa dạng
nào đó cho Nghị Viện Hồng Kông, nhưng tất cả đều đã bị loại. Trong số
này có một tài xế xe buýt, một thợ điện và hai ứng viên gốc nước ngoài.
Tất cả đều thất cử.
Trước đó vài giờ, trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết bà không thể giải thích về tỷ lệ không đi bầu của cử tri Hồng Kông. Tuy nhiên lãnh đạo Hồng Kông cho rằng, sự vắng mặt đó có thể do lỗi tại thời tiết!»
Thanh Hà
https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20211220-ty-le-cu-tri-hong-kong-di-bau-thap-lky-luc
Các nước phương Tây chỉ trích cuộc bầu cử thiếu dân chủ ở Hồng Kông
Anh, Hoa Kỳ, Canada, Úc và New Zealand hôm thứ Hai (20/12) đã bày tỏ quan ngại về sự xói mòn nền dân chủ ở Hồng Kông.
Năm nước cho biết trong một tuyên bố chung: “Ngoại trưởng Úc, Canada,
New Zealand và Vương quốc Anh, và Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ quan tâm
kết quả của cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp ở Hồng Kông [vừa diễn ra],
đồng thời bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng của chúng tôi về sự xói mòn
các yếu tố dân chủ của hệ thống bầu cử của Đặc khu hành chính”.
Nhóm G7 cũng ra tuyên bố nói rằng những thay đổi đối với hệ thống bầu
cử của Hồng Kông đã làm suy yếu mức độ tự trị cao được Đảng Cộng sản
Trung Quốc hứa hẹn đối với Hồng Kông theo nguyên tắc “Một quốc gia, hai
hệ thống” khi đặc khu được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997.
Hôm Chủ nhật (19/12), hơn 1,3 triệu cử tri Hong Kong đi bầu Hội đồng
Lập pháp, tương đương 30,2%, thấp nhất từ khi đặc khu được trao trả cho
Trung Quốc năm 1997. Đây là lần đầu tiên người Hong Kong đi bỏ phiếu bầu
thành viên Hội đồng Lập pháp kể từ khi Bắc Kinh cải cách hệ thống bầu
cử của đặc khu, với quy định chỉ những “người yêu nước” mới đủ tiêu
chuẩn lãnh đạo thành phố.
Các ứng cử viên ủng hộ Bắc Kinh đã giành chiến thắng trong cuộc bầu
cử lập pháp này. Những ứng viên theo đường lối ôn hòa hoặc không ủng hộ
chính quyền trung ương ở Bắc Kinh thua với cách biệt lớn.
Benson Wong, một cựu giáo sư chính phủ tại Đại học Baptist Hồng Kông
hiện đang sống ở Vương quốc Anh, gọi kết quả cuộc bầu cử hôm thứ Hai là
một trở ngại cho thành phố. Ông bình luận: “Chúng đại diện cho ba mức
thấp. Tính đại diện thấp, năng lực chính trị thấp và tính hợp pháp thấp
trong chính trị.”
Timothy Lee, người đã bị tòa án cách chức khỏi ghế hội đồng quận vào đầu năm nay và sau đó rời thành phố, nói: “Tôi nghĩ điều này cho thấy Hồng Kông không có niềm tin vào hệ thống bầu cử. Những người được bầu sẽ không phải là sự thật đại biểu nhân dân”.
Thanh Trúc
https://www.dkn.tv/the-gioi/cac-nuoc-phuong-tay-chi-trich-cuoc-bau-cu-thieu-dan-chu-o-hong-kong.html
Ông Marc Knapper được chuẩn thuận làm đại sứ Mỹ tại Việt Nam
VOA Tiếng Việt – Thượng viện Hoa Kỳ vừa chuẩn thuận ông Marc Evans Knapper làm đại sứ Mỹ tại Việt Nam, nhiều tháng sau khi ông được Tổng thống Joe Biden đề cử cho chức vụ này.
Việc xác nhận diễn ra hôm 18/12 khi Thượng viện Mỹ bầu trực tiếp để
thông qua một loại các chức vụ ngoại giao tại nước ngoài, trong đó ông
Knapper, hiện đang là phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ chuyên trách Nhật Bản
và Hàn Quốc tại Vụ Đông Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Mỹ, sẽ là
đại sứ Mỹ tại Hà Nội, theo Politico và CNN.
Thông tin về thời gian nhiệm kỳ cũng như ngày mà ông Knapper sẽ nhậm
chức đại sứ Mỹ ở Việt Nam chưa được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố.
Ông Knapper, có bố là cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam, được Tổng thống Biden đề cử cho chức vụ đứng đầu phái đoàn ngoại giao của Mỹ ở quốc gia Đông Nam Á vào giữa tháng 4 năm nay.
Tại buổi điều trần ở Uỷ ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ hồi giữa
tháng 7 vừa qua, ông Knapper đưa ra kế hoạch phát triển mối quan hệ giữa
Mỹ và Việt Nam trên bốn lĩnh vực gồm an ninh, thương mại và đầu tư, các
vấn đề di sản chiến tranh và nhân đạo, cũng như sự giao lưu giữa người
dân hai nước.
Ông Knapper – người nói được tiếng Nhật, Triều Tiên và Việt Nam – cam
kết sẽ thúc đẩy mối quan hệ an ninh giữa hai cựu thù khi cho rằng cả Hà
Nội và Washington đều tin là không có một “thách thức nào lớn hơn” là
mối nguy ngại từ Trung Quốc, bao gồm vấn đề Biển Đông nơi cả Việt Nam và
Trung Quốc đều có tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
Tuy nhiên, theo ông Kapper, cũng có những thách thức
cản trở sự phát triển quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam lên tầm cao mới. Ông
nói tại buổi điều trần hôm 13/7 rằng ông sẽ mưu tìm một thị trường giao
thương công bằng hơn với Việt Nam và thúc giục Hà Nội tôn trọng nhân
quyền.
Ông Knapper, người từng có thời gian sinh sống và làm việc tại Đại sứ
quán Mỹ ở Hà Nội từ 2004-2007, sẽ thay thế Đại sứ Daniel Kritenbrink,
người được Tổng thống Donald Trump tiến cử sau khi Đại sứ Ted Osius từ
chức vào năm 2017 để phản đối việc trục xuất di dân gốc Việt đến Mỹ
trước khi hai nước bình thường hoá quan hệ ngoại giao năm 1995 của chính
quyền Trump.
Ông Osius, trong một lần trả lời phỏng vấn VOA nhân dịp ra mắt cuốn
sách về sự hoà giải giữa Mỹ và Việt Nam hồi tháng 10, đánh giá cao việc
đề cử ông Knapper làm đại sứ Mỹ thứ 8 ở Việt Nam của Tổng thống Biden.
Theo ông Osius, người làm đại sứ thứ 6 của Mỹ tại Hà Nội, ông Knapper,
với những kinh nghiệm ở Việt Nam và châu Á, sẽ là một lựa chọn tốt cho
việc phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong nhiệm
kỳ sắp tới của ông.
Ông Greg Poling, giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải
châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington
DC, hồi tháng 4 nói rằng Tổng thống Biden đã cho thấy sự đánh giá cao
của ông đối với vị trí đại sứ tại Việt Nam và quan hệ giữa hai nước khi
đề cử ông Knapper.
Ông Knapper, tốt nghiệp với bằng xuất sắc của Đại học Princeton, có
hơn 25 năm kinh nghiệm chuyên môn về chính sách đối ngoại và ngoại giao,
trong đó ông đã dành nhiều năm nghiên cứu các vấn đề chính sách và văn
hoá cũng như ngôn ngữ ở khu vực Đông Á, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.
Ngoài làm việc tại Việt Nam, ông còn được bổ nhiệm làm phó đại sứ Mỹ
tại Hàn Quốc và trở thành đại biện lâm thời tại Seoul từ 2017 đến 2018.
Ông từng làm phó trưởng phòng Chính trị của đại sứ quán Mỹ ở Tokyo trước
khi trở thành phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng “kinh nghiệm sâu rộng và thực chất về khu
vực cùng khả năng lãnh đạo các nhóm liên ngành lớn và các văn phòng định
hướng chính sách” khiến ông Knapper “trở thành ứng cử viên xuất sắc”
cho chức Đại sứ Mỹ tại Việt Nam.
https://www.voatiengviet.com/a/marc-knapper-tro-thanh-dai-su-my-tai-viet-nam/6362091.html
(Global Times) – Tầu sân bay thứ hai của Trung Quốc tập trận ở Biển Đông.
Theo trang Nhân Dân nhật báo ngày 19/12/2021, tầu Sơn Đông (Shandong)
tập trận ở Biển Đông từ đầu mùa đông, gồm các bài tập chiến đấu cơ cất
và hạ cánh từ tầu sân bay, kiểm soát thiệt hại và tìm kiếm cứu nạn hàng
hải… Quân đội Trung Quốc không nêu rõ địa điểm tập trận ở Biển Đông.
Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng đợt tập trận này sẽ giúp tầu Sơn
Đông tăng cường khả năng tác chiến và kỳ vọng hai tầu sân bay duy nhất
của Trung Quốc lần đầu tiên sẽ sớm phối hợp tập trận chung. Hiện tầu
Liêu Ninh (Liaoning), tầu sân bay thứ nhất của Trung Quốc, đang hoạt
động ở Thái Bình Dương. Các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền ở
Biển Đông chưa đưa ra bình luận.
(Reuters) – Trung Quốc không sợ đối đầu với Mỹ. Hôm
nay 20/12/2021, phát biểu trên Diễn đàn Lanting (Diễn đàn Lam Sảnh –
nhà màu xanh phía nam trong bộ Ngoại Giao Trung Quốc) ngoại trưởng Vương
Nghị cho biết Bắc Kinh không sợ đối đầu với Washington, nhưng hoan
nghênh hợp tác, nếu đôi bên đều có lợi. Ông Vương Nghị nói thêm : “nếu
có đối đầu thì Trung Quốc sẽ không sợ điều đó và sẽ chiến đấu đến cùng.”
Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang ở mức thấp do một loạt bất đồng
bao gồm nguồn gốc của đại dịch COVID-19, thương mại, nhân quyền và sức
ép ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với Đài Loan.
(NHK) – Trao đổi thương mại Trung Quốc – Bắc Triều Tiên giảm gần 90%. Theo
dữ liệu của hải quan Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Bình
Nhưỡng, được trang NHK trích đăng ngày 20/12/2021, tổng trao đổi thương
mại giữa hai nước đạt 267 triệu đô la từ tháng 01 đến tháng 1/2021, giảm
89% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 50% so với cùng kỳ năm 2020. Bắc
Triều Tiên hạn chế trao đổi thương mại với các nước và đóng cửa biên
giới từ cuối tháng 01/2020 để ngăn virus corona thâm nhập quốc gia khép
kín này.
(AFP) – Ít nhất 375 người thiệt mạng do bão Rai ở Philippines. Bão
Rai ập vào Philippines hôm 16 tháng 12 vừa đã khiến cho ít nhất 375
người thiệt mạng và con số này có thể còn cao hơn nữa. Còn tại Malaysia,
chính quyền nước này hôm qua thông báo, hơn 29.000 người đã phải sơ tán
do trận lũ lụt tồi tệ nhất trong vòng 7 năm qua.
(RFI) – Khủng hoảng tiền tệ ở Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đến tình trạng thiếu dược phẩm. Cuộc
khủng hoảng tiền tệ đang trở nên tồi tệ hơn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng Lira của
Thổ Nhĩ Kỳ đã mất hơn một nửa giá trị từ đầu năm so với đồng USD. Và
một trong những tác động phụ của kinh tế khó khăn là tình trạng thiếu
thuốc ngày càng gia tăng. Các thuốc điều trị bệnh tiểu đường, ung thư
hay đơn giản là cảm lạnh đã trở nên rất khó kiếm ở các hiệu thuốc trên
toàn quốc.
(Le Figaro) – Pháp cải cách để cho con có thể mang họ mẹ. Một cuộc cách mạng nhỏ nhưng mang ý nghĩa lịch sử cao. Ngày 19/12/2021, bộ trưởng Tư Pháp Eric Dupond-Moretti thông báo « luật mới sẽ cho phép trẻ sử dụng hoặc chỉ họ của mẹ, hoặc kết hợp hai họ của cha mẹ, hoặc sẽ thay đổi thứ tự họ của cha mẹ »
trong phần họ tên đủ. Tuy nhiên, quyết định của con sẽ phải được cha mẹ
thông qua, nếu bị một trong hai người phản đối, vụ việc có thể sẽ phải
ra tòa. Quyết định về họ tên cũng phải được tất cả thiếu niên trên 13
tuổi đồng ý.
(AFP) – Hai du khách Nhật Bản từ trạm ISS về Trái Đất an toàn. Nhà
tỉ phú Nhật Bản Yusaku Maezawa, nổi tiếng trong ngành thời trang, cùng
với trợ lý Yozo Hirano, đã hạ cánh xuống gần thành phố Zhzkzgan
(Kazakhstan) sáng 20/12/2021 (giờ quốc tế) cùng với nhà du hành Nga
Alexandre Missourkine. Hai du khách đã sống 12 ngày ở Trạm Không Gian
Quốc Tế (ISS) và quay nhiều đoạn video về cuộc sống hàng ngày trong
không gian và đăng trên kênh YouTube của nhà tỉ phú.
(AFP) – Ngoại trưởng Anh, đảm trách thêm hồ sơ Brexit. Một
ngày sau vụ bộ trưởng đặc trách đàm phán với Liên Âu về Brexit, ông
David Frost từ chức, thủ tướng Boris Johnson chỉ định ngoại trưởng Liz
Truss đảm nhiệm luôn hồ sơ này. Hồ sơ gai góc nhất chờ đợi bà liên quan
đến đàm phán về chính sách thuế khóa giữa Cộng Hòa Ai Len, một thành
viên của Liên Hiệp Châu Âu với Bắc Ai Len, một vùng thuộc vương quốc
Anh.
(AFP) – Diễn đàn kinh tế Thế Giới Davos phải dời lại vì biến thể Omicron.
Ngày 20/12/2021 ban tổ chức thông báo sự kiện tập hợp các doanh nghiệp
lớn trên thế giới này tại khu trượt tuyết Davos được dự trù diễn ra từ
ngày 17 đến 21/01/2022 sẽ bị dời lại. Và rất có thể là các bên sẽ gặp
lại nhau vào đầu mùa hè sang năm. Diễn đàn đã bị hủy vào đầu năm 2021 do
dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu.
(AFP) – Vận động viên quần vợt Tây Ban Nha Rafael Nadal bị Covid-19. Vừa kết thúc cuộc thi đấu tại Abou Dhabi trên đường về lại Madrid, Nadal thông báo bị nhiễm virus corona. Trên Twitter hôm nay 20/12/2021 anh cho biết đang tự cách ly tại nhà và lịch thi đấu giờ đây tùy thuộc vào một con virus rất nhỏ. Trên nguyên tắc, tháng sau Nadal sẽ tham dự giải quần vợt mở rộng tại Úc.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211220-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p