Tin Trong Nước – 19/12/21
Thêm 16.110 ca nhiễm, riêng Hà Nội hơn 1.400 ca
VnExpress – Trong 16.110 ca nhiễm Bộ Y tế công bố tối 19/12 có 16.093 ca tại 60 tỉnh thành; Hà Nội dẫn đầu số ca hôm nay với hơn 1.400; 215 ca tử vong.
Các ca nhiễm mới tại Hà Nội (1.405), Cà Mau (1.345), TP.HCM (1.014), Tây Ninh (941), Bến Tre (838), Cần Thơ (793), Đồng Tháp (780), Khánh Hòa (599), Vĩnh Long (593), Bình Phước (559), Bạc Liêu (537), Trà Vinh (493), Bình Định (434), Sóc Trăng (425), Đồng Nai (417), Hải Phòng (417), Thừa Thiên Huế (362), An Giang (344), Kiên Giang (312), Tiền Giang (277), Lâm Đồng (245), Bình Dương (245), Đắk Lắk (239), Bà Rịa – Vũng Tàu (221), Bắc Ninh (219), Thanh Hóa (186), Đà Nẵng (143), Quảng Ninh (139), Quảng Ngãi (137), Bình Thuận (135), Nghệ An (124), Gia Lai (108), Phú Yên (96), Hưng Yên (80), Long An (69), Quảng Nam (69), Hà Giang (67), Nam Định (67), Vĩnh Phúc (67), Hải Dương (59), Lạng Sơn (54), Ninh Thuận (51), Đắk Nông (51), Thái Bình (44), Bắc Giang (41), Quảng Bình (37), Hà Tĩnh (37), Thái Nguyên (31), Phú Thọ (26), Hà Nam (22), Quảng Trị (18), Sơn La (17), Tuyên Quang (16), Yên Bái (14), Lào Cai (11), Hòa Bình (7), Cao Bằng (7), Điện Biên (5), Hậu Giang (3), Lai Châu (1). Trong đó, có 10.542 ca trong cộng đồng.
Trong ngày ghi nhận 215 ca tử vong riêng TP.HCM 57 ca. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 29.566 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận 1.540.478 ca nhiễm. Các địa
phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM
(494.683), Bình Dương (289.175), Đồng Nai (94.928), Tây Ninh (64.014),
Long An (39.663).
90% cây xanh ở đảo Song Tử Tây gãy đổ khi bão Rai quét qua
Zingn – Với sức gió mạnh cấp 14, giật cấp 17, bão số 9 (bão Rai) quật đổ hầu hết cây xanh trên đảo Song Tử Tây.
Trưa 19/12, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai có báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại và ứng phó với bão số 9. Ngoài thiệt hại về cây xanh và các tấm pin mặt trời, gió mạnh cấp 15 ở Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) cũng đã làm gãy 2 cột gió trên đảo.
Đến trưa nay, toàn bộ tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Bình Thuận đã ra công văn cấm biển trước diễn biến phức tạp của bão Rai.
Nhập khẩu nông sản Campuchia tăng mạnh vào Việt Nam
Báo VnExpress tiếng Anh dẫn thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Campuchia đưa tin ngày 15/12, lượng gạo, hạt điều, ngô, đậu xanh và đậu nành của Campuchia được Việt Nam nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm nay tăng gấp 3-4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tin cho biết, Campuchia đã xuất khẩu 912.000 tấn hạt điều, hơn 134.000 tấn ngô, 26.000 tấn đậu xanh, 66.200 tấn đậu nành, hơn 26 triệu tấn hạt tiêu và 3,1 triệu tấn gạo sang nước láng giềng Việt Nam.
Truyền thông trong nước dẫn lời Giáo sư, Tiến sĩ nông nghiệp Võ Tòng
Xuân cho biết Xứ Chùa Tháp còn nhiều đất đai màu mỡ và nông dân không sử
dụng nhiều thuốc trừ sâu hóa học.
Gần đây một số công ty và người dân Việt Nam sang Campuchia thuê đất nông nghiệp để trồng các loại cây như sắn, ngô và mía.
Hà Nội nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp
Vietnamnet – Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ban hành chỉ thị về việc tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn TP.
Chỉ thị yêu cầu không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của TP thăm, chúc Tết cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp bằng mọi hình thức.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị không dự các lễ chùa, lễ hội nếu không được phân công; không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi…
TP xem xét, tổ chức bắn pháo hoa đêm Giao thừa đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần và truyền hình trực tiếp để phục vụ nhân dân Thủ đô, không để xảy ra tình trạng tập trung đông người để bảo đảm tuyệt đối an toàn, tiết kiệm, phù hợp với diễn biến dịch bệnh COVID-19.
Điệp khúc ‘nghẽn ở cửa khẩu’
Tuoitre – Những ngày này, Việt Nam đang phải đối mặt với hàng ngàn xe tải hàng hóa ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc được lý giải bởi nhiều nguyên nhân: Nhiều loại nông sản vào vụ thu hoạch, chuẩn bị hàng Tết. Phía Trung Quốc tạm dừng thông quan ở cửa khẩu địa phương đẩy hàng hóa về các cửa khẩu chính trong khi nhân lực, phương tiện vận chuyển, giao nhận, bốc xếp, sang tải hàng hóa tại khu vực cửa khẩu thiếu…
Nhưng tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu đâu phải mới xảy ra. Nhiều năm qua từng có gạo, dưa hấu, khoai lang, trái cây… ùn ứ vào dịp gần Tết hoặc khi nước bạn “chuyển trạng thái” thông quan.
Nông sản ùn ứ ở cửa khẩu đã trở thành điệp khúc, đến hẹn lại “hát”.
Bài toán cũ chưa có lời giải, vẫn là câu hỏi: “Bao giờ hàng thôi nghẽn ở
cửa khẩu”?
Giải pháp? Có, rất nhiều. Các bộ quản lý khuyến cáo địa phương lên
phương án cân đối, chủ động bảo quản nông sản tại các kho lạnh; khuyến
nghị doanh nghiệp chủ động điều tiết nhịp độ đưa hàng lên biên giới, phù
hợp với năng lực thông quan của các cửa khẩu. Và quan trọng nhất là
doanh nghiệp phải chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu theo đường
chính ngạch, mua bán theo hợp đồng với các điều kiện giao dịch, giao
nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính… Vậy mà…!
Để chữa chứng “nghẽn ở cửa khẩu” đâu chỉ cần liều thuốc trước mắt, ngắn hạn như trên mà cần giải pháp lâu dài, căn cơ của nhiều ngành, thay đổi từ sản xuất, chế biến, vận tải, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa đến quản lý xuất nhập khẩu.
Điều khó hiểu là chúng ta đã xuất khẩu nhiều tỉ đôla nông sản đi nhiều thị trường khó tính trên thế giới, tất cả đều theo hợp đồng, xuất chính ngạch với các tiêu chuẩn cao về chất lượng, giao nhận, thanh toán… Vậy mà với xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc, năm nào cũng phải lặp lại điệp khúc “nghẽn ở cửa khẩu”.