Tin Tổng Hợp – 18/12/21
Bầu cử Hồng Kông: Truy nã người kêu gọi tẩy chay, một nửa cử tri có thể không đi bầu
Ngày 19/12/2021, hơn 4,5 triệu cử tri Hồng Kông được kêu gọi bỏ phiếu bầu Nghị Viện, lần đầu tiên kể từ cuộc cải cách hệ thống bầu cử, được tiến hành theo chỉ đạo của Bắc Kinh. Ẩn số lớn nhất là tỉ lệ đi bầu. Một nửa cử tri có thể không đi bầu, theo thăm dò dư luận: một con số kỷ lục. Chính quyền Hồng Kông hôm nay 18/12 ra lệnh truy nã 5 nhà tranh đấu ở nước ngoài, bị cáo buộc kích động cử tri tẩy chay bầu cử.
Không đi bỏ phiếu, bỏ phiếu trắng hay phiếu không
hợp lệ vẫn hợp pháp tại Hồng Kông. Ngược lại, kể từ năm nay, việc cổ vũ
cho các hành động này bị coi là phạm pháp.
Hôm nay, chính quyền Hồng Kông ra lệnh truy nã 5 nhà tranh đấu hiện đang ở nước ngoài, trong đó có cựu dân biểu đối lập La Quán Thông (Nathan Law), đang tị nạn tại Anh. Hôm thứ Năm, 16/12, nhà đối lập la Quán Thông cùng bốn nhà tranh đấu Sunny Cheung, Timothy Lee, Carmen Lau và Kawai Lee đã tổ chức một chương trình vận động tẩy chay bầu cử trên các mạng xã hội.
Những người bị buộc tội tẩy chay bầu cử có thể bị phạt tới 3 năm tù, và 200.000 đô la Hồng Kông (tương đương hơn 22 nghìn euro). Hồi tháng trước chính quyền Hồng Kông đã ra lệnh truy nã hai nhà tranh đấu ở nước ngoài, vì kêu gọi tẩy chay bầu cử. Riêng tại Hồng Kông, theo báo chí địa phương, có ít nhất 10 người bị bắt vì bị cáo buộc kêu gọi cử tri không đi bầu.
Một thăm dò của Viện nghiên cứu dư luận Hồng Kông cho biết chỉ 51% cử tri dự định đi bỏ phiếu, con số thấp kỷ lục, trong lúc có hơn 80% cử tri đi bầu trong cuộc bầu cử Nghị Viện năm 2016.
Vì sao các nhà tranh đấu Hồng Kông kêu gọi tẩy chay bầu cử ? Cuộc bầu cử Nghị Viện Hồng Kông có kế hoạch diễn ra cuối năm 2020, nhưng bị chính quyền hoãn lại một năm với lý do đại dịch Covid-19. Kể từ đó chính quyền gia tăng đàn áp đối lập.
Cùng với các đàn áp, theo AFP, sau cuộc cải cách hệ thống bầu cử Nghị Viện Hồng Kông dưới sự chỉ đạo của chính quyền trung ương (tháng 3/2021), toàn bộ các ứng cử viên ra tranh cử Nghị Viện đều phải chứng tỏ là «yêu nước», trung thành với đảng Cộng Sản Trung Quốc, trước khi được chính quyền chấp thuận.
Nhìn chung, tại Hồng Kông, các ứng cử viên đối lập hoặc bị bỏ tù, hoặc phải chạy ra nước ngoài, hoặc không được phép ra ứng cử (do các cải cách hệ thống bầu cử). Theo báo Hồng Kông South China Morning Post, «chỉ có 3 trong số 153 ứng cử viên» vào Nghị Viện lần này được coi là gần gũi với phong trào dân chủ.
Lãnh đạo Hồng Kông: Người dân ít đi bỏ phiếu bởi tin tưởng chính quyền
Theo ông Eric Lai (tức Lê Ân Hạo), chuyên gia về các phong trào công dân và chính trị Hồng Kông, làm việc tại Đại học Georgetown (Hoa Kỳ), «số lượng cử tri đi bầu là một yếu tố quan trọng đối với chính quyền» đặc khu, bởi việc tham gia đông đảo của cử tri «sẽ cho cộng đồng quốc tế thấy được là cuộc cải cách hệ thống bầu cử Hồng Kông được cử tri ủng hộ», nền dân chủ tại Hồng Kông vẫn được duy trì.
Để có được tỉ lệ cử tri đi bầu cao, ngoài việc truy nã, bắt giữ những người kêu gọi tẩy chay, chính quyền Hồng Kông cũng đưa ra nhiều biện pháp để khuyến khích người dân đi bầu (metro miễn phí ngày Chủ Nhật, nhiều doanh nghiệp thưởng phép cho người đi bỏ phiếu…). Bên cạnh đó, để chuẩn bị sẵn cho kịch bản cử tri vắng mặt cao, lãnh đạo đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga khẳng định trên truyền thông Trung Quốc: «tỉ lệ người đi bầu thấp không phải là vấn đề», «khi chính quyền làm việc tốt và uy tín cao, sự tham gia của cử tri sẽ thấp hơn, bởi người dân không có nhu cầu bầu lên các đại diện mới».
Theo giới quan sát, trên thực tế chế độ bán dân chủ tại đặc khu Hồng Kông đã cáo chung, kể từ khi Bắc Kinh áp đặt Luật an ninh quốc gia mới, tháng 6/2020. Trả lời đài France 24, nhà Trung Quốc học Michel Bonnin, giám đốc nghiên cứu EHESS (Paris), chuyên gia về Hồng Kông, khẳng định: «Cuộc bầu cử này không còn khiến ai quan tâm nữa », bởi «lý do đơn giản là kết quả đã được quyết định từ trước».
Trọng Thành
Bà Aung San Suu Kyi xuất hiện tại tòa ở Myanmar trong đồng phục tù
Nhà lãnh đạo bị lật đổ của Myanmar, Aung San Suu Kyi, xuất hiện tại tòa hôm thứ Sáu, mặc áo sơ mi trắng, quấn chiếc xa rông (longyi) màu nâu, đây là đồng phục điển hình của các tù nhân ở Myanmar, theo Reuters.
Người đoạt giải Nobel Suu Kyi, 76 tuổi, đã bị tòa án kết án 4 năm tù vào tháng này với cáo buộc kích động và vi phạm các quy định về virus corona. Bản án của bà sau đó được giảm xuống còn hai năm bị giam giữ tại địa điểm hiện tại không được tiết lộ.
Đây là lần đầu tiên bà Suu Kyi – người thường được biết đến với trang phục truyền thống thanh lịch, đôi khi với một bông hoa trên tóc – được nhìn thấy trong bộ đồng phục tù trước tòa và không rõ liệu điều đó có báo hiệu một sự thay đổi lớn hơn trong cách bà và các quan chức cấp cao khác – những người sắp bị đưa ra xét xử – bị đối xử hay không.
Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi cuộc đảo chính chống lại chính phủ dân bầu của bà Suu Kyi dẫn đến các cuộc biểu tình lan rộng và làm quốc tế dấy lên lo ngại đây là cái kết cho các cải cách chính trị sau nhiều thập kỷ quân đội cai trị.
Các phán quyết này là bản án đầu tiên trong số gần chục bản án chống lại bà Suu Kyi với mức án tổng cộng hơn 100 năm tù. Bà Suu Kyi phủ nhận mọi cáo buộc.
Một cựu thị trưởng của thủ đô Naypyitaw, Myo Aung, người cũng đang bị xét xử, cũng đã được nhìn thấy trước tòa trong bộ đồng phục tù nhân hôm thứ Sáu, cho biết nguồn tin giấu tên cho Reuters biết.
Xà rông quấn, được gọi là longyi, là trang phục truyền thống được mặc bởi cả nam và nữ ở Myanmar.
Trong một bài phát biểu được công bố hôm thứ Ba, tướng quân đội Min Aung Hlaing nói trên phương tiện truyền thông nhà nước rằng bà Suu Kyi và Tổng thống bị lật đổ Win Myint sẽ ở cùng một địa điểm trong thời gian xét xử và sẽ không bị đưa vào tù.
Suu Kyi, con gái của người anh hùng vì độc lập của Myanmar, đã trải qua nhiều năm bị quản thúc tại gia vì phản đối chế độ quân sự nhưng được trả tự do vào năm 2010 và dẫn dắt đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của mình giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 2015 trước khi bị bắt sau cuộc đảo chính quân sự vào tháng 2/2021.
Phiên tòa xét xử bà ở Naypyitaw không cho giới truyền thông tham dự, trong khi và các luật sư của bà Suu Kyi đã bị cấm giao tiếp với giới truyền thông và công chúng.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-59693709
Xoè Thái trở thành văn hoá phi vật thể của nhân loại trước nguy cơ bị mai một
VOA Tiếng Việt – Xoè Thái vừa được UNESCO đưa vào danh sách Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, một điều mà cộng đồng người Thái của Việt Nam vui mừng đón nhận vì sẽ giúp bảo tồn môn nghệ thuật đang đứng trước nguy cơ bị mai một
Môn nghệ thuật múa được xem là độc đáo của Việt Nam được Uỷ ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể công nhận là một hình thức văn hoá cần được bảo tồn tại một phiên họp ở Paris, Pháp, hôm 15/12.
Đây là văn hoá phi vật thể thứ 14 của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục,
Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản của
thế giới. Ca Trù, Nhã nhạc cung đình Huế và Đờn ca tài tử Nam Bộ nằm
trong số những môn nghệ thuật của Việt Nam được công nhận trước đây.
Mô tả về điệu múa đặc trưng của người Thái, một trong 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam ngoài dân tộc Kinh, UNESCO nói rằng Xoè là một điệu múa với các động tác tượng trưng cho các hoạt động của con người trong nghi lễ, sinh hoạt văn hoá, đời sống và lao động của người Thái, từ đám cưới cho đến lễ hội làng.
“Được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong các gia đình, nhóm múa, trường học, điệu Xoè đã trở thành biểu tượng của lòng hiếu khách và dấu ấn bản sắc quan trọng của người Thái ở Tây Bắc của Việt Nam,” theo UNESCO.
Từ Điện Biên, một trong 4 tỉnh ở Tây Bắc có cộng đồng người Thái sinh sống, Phó Chủ tịch tỉnh Vừ A Bằng cho VOA biết lãnh đạo đại diện các tỉnh – gồm cả Lai Châu, Sơn La và Yên Bái – hôm 15/12 đã dự buổi công bố trực tuyến tại trụ sở Bộ Văn hoá Thể Thao và Du lịch ở Hà Nội với Uỷ ban liên chính phủ của UNESCO ở Paris về việc thông qua điệu Xoè Thái vào danh sách di sản phi vật thể thế giới. Theo ông Bằng, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các đại diện của Việt Nam đã không thể đến thủ đô của Pháp để dự sự kiện này.
Ông Bằng cho biết cộng đồng người Thái vui mừng vì sự vinh danh của UNESCO đối với môn nghệ thuật truyền thống của họ nhưng cũng cho rằng điều quan trọng nhất lúc này là “phải có kế hoạch gìn giữ bảo tồn vì nó là di sản chung của một cộng đồng dân tộc.”
‘Có người Thái là có Xoè’
Trong tiếng Thái, “xoè” có nghĩa là múa và chủ thể của nghệ thuật Xoè là cộng đồng người Thái, cư trú chủ yếu ở vùng núi Tây Bắc của Việt Nam, với nghề canh tác chủ yếu là trồng lúa nước.
“Xoè Thái rất quan trọng đối với dân tộc Thái,” bà Lường Thị Đại, một người nghiên cứu Xoè Thái ở Điện Biên nói với VOA và cho biết rằng có dân tộc Thái ở đâu là có điệu Xoè ở đó vì họ dùng điệu Xoè trong mọi hoạt động của cuộc sống. “Lên nhà mới cũng tổ chức Xoè, đám cưới đám xin cũng tổ chức Xoè, và tất cả những giao lưu khác đều dính đến Xoè hết. Cho nên người Thái từ bé tí đã biết và tham gia Xoè từ cộng đồng.”
Giải thích vì sao điệu múa Xoè lại phổ biến đến như vậy trong cộng đồng người Thái, bà Đại, 77 tuổi, cho biết rằng người Thái của mọi lứa tuổi, mọi giới tính và mọi địa vị xã hội đều có thể tham gia môn nghệ thuật đại chúng mang tính gắn kết cộng đồng này.
Ngoài các lễ hội, điệu Xoè còn được người Thái múa trong các buổi lễ tâm linh như cầu mùa màng tươi tốt hay thậm chí cả trong các đám tang cho người đã khuất núi.
Theo nhận định của UNESCO, múa Xoè “phản ánh thế giới quan và vũ trụ quan của người Thái, được trình diễn vào dịp Tết, trong lễ hội, các cuộc vui, liên hoan” và đây là môn nghệ thuật dành cho mọi người.
Xoè Thái đáp ứng đủ 5 tiêu chí mà UNESCO đề ra để công nhận một di sản văn hoá phi vật thể, trong đó gồm việc Xoè Thái đi kèm âm nhạc của các nhạc cụ dân tộc; nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của những vũ đạo truyền thống; có các biện pháp bảo vệ Xoè trong cộng đồng người Thái; sự tham gia đông đảo của cộng đồng; và Xoè được đưa vào danh mục kiểm kê quốc gia.
Trước nguy cơ mai một
Có khoảng 30 điệu múa Xoè được chia thành 3 loại chính, gồm Xoè vòng, Xoè trình diễn và Xoè nghi lễ. Theo mô tả về môn nghệ thuật này trên trang di sản phi vật thể của UNESCO, Xoè vòng là phổ biến nhất, trong đó mọi người nối nhau thành vòng tròn, thực hiện các động tác múa cơ bản biểu trưng cho khát vọng về sức khoẻ và hoà hợp cộng đồng.
Các điệu Xoè trình diễn và nghi thức được đặt tên theo các đạo cụ được sử dụng đi kèm trong các buổi biểu diễn, như khăn, nón, quạt, tính tẩu, sáo hay kèn.
Môn nghệ thuật này được sinh ra trong quá trình lao động của người Thái và dần trở thành chất liệu gắn kết các dân tộc trên vùng cao Tây Bắc, theo truyền thông trong nước.
Tuy nhiên điệu múa, mà theo nhà nghiên cứu Lường Thị Đại nói là có từ
lâu đời nhưng không biết chính xác từ bao giờ, đang đối diện với nguy
cơ bị mai một vì không được lớp trẻ yêu thích nhiều hay muốn học hỏi.
“Người trẻ Thái bây giờ rất ít học điệu múa (Xoè),” anh Vũ Văn Phú,
một phóng viên tại Điện Biên cho biết và giải thích rằng Xoè Thái hiện
nay ít được tổ chức diễn trong cộng đồng hơn trước đây nên những người
trẻ không có động lực để học môn nghệ thuật này như những người thuộc
thế hệ trước.
Việc các dân tộc thiểu số hội nhập với nhiều nền văn hoá hiện đại do
sự phát triển của nền kinh tế cũng làm ảnh hưởng tới việc giới trẻ ít
quan tâm tới điệu múa truyền thống này.
Theo bà Đại, những điệu múa Xoè trong cộng đồng giờ đây bị lai căng bởi làn sóng hội nhập với văn hoá hiện đại.
“Những cuộc vui chơi, những đám cưới đám xin hiện nay bây giờ họ toàn
dùng nhạc ‘xập xình’ nên nó không đúng bản chất,” bà Đại, người từng
làm nghiệp vụ cho Sở Văn hoá Điện Biên và hiện nay tham gia giảng dạy
ngôn ngữ, lịch sử và văn hoá cho những người học múa Xoè, nói.
Còn theo phó chủ tịch tỉnh Điện Biên, đây là mối quan ngại chung của cả cộng đồng Thái hiện nay.
“Trong xu thế hội nhập hiện nay và những tác động của yếu tố nền kinh
tế thị trường rồi nhiều vấn đề tác động khác về mặt xã hội nên mình mà
không lưu giữ thì nó bây giờ đang từng bước bị mai một,” ông Bằng nói và
cho biết cộng đồng người Tây Bắc đang phải cố gắng làm sao để lưu giữ
môn nghệ truyền thống này.
Cả ông Bằng và bà Đại đều cho biết cộng đồng người Thái vui mừng vì
điệu Xoè được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân
loại bởi điều này sẽ giúp cho môn nghệ thuật truyền thống của người Thái
được gìn giữ và lưu truyền đến muôn đời sau.
https://www.voatiengviet.com/a/xoe-thai-unesco-van-hoa-phi-vat-the-cua-nhan-loai/6359941.html
Mỹ phạt 3 công ty dược dùng chất gây nghiện nhập từ Trung Quốc
Vào ngày 15/12, Hoa Kỳ cho biết đã áp các biện pháp trừng phạt đối với 3 công ty sản xuất thuốc giảm đau chứa chất gây nghiện nhập từ Trung Quốc. Các loại thuốc giảm đau này được xem là nguyên nhân khiến khoảng 100.000 người Mỹ tử vong trong năm 2020, theo The Guardian.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 4 công ty hóa chất Trung Quốc và một người Trung Quốc tên Chuen Fat Yip, 68 tuổi. Chen được giới chức Mỹ mô tả là “một trong những nhà sản xuất chất steroid [gây nghiện] lớn nhất thế giới”.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng treo thưởng số tiền 5 triệu USD cho người cung cấp thông tin để giúp bắt Chen. Hiện Chen được cho là đang sống ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Các công tố viên ở Dallas cho biết, vào tháng trước, các nhà chức trách Mỹ đã thu giữ số tiền điện tử tương đương 2,3 triệu USD của Chen.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, những biện pháp trừng phạt sẽ giúp phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và mạng lưới tài chính cho phép thuốc giảm đau nhóm opioid chứa chất gây nghiện và các hóa chất độc hại nhập lậu vào Mỹ.
Một báo cáo năm 2020 của Cơ quan Thực thi Ma túy Mỹ cho biết nguồn
nguyên liệu chính sản xuất các loại thuốc giảm đau chứa ma túy được nhập
từ Trung Quốc.
Chính quyền các địa phương và các tiểu bang tại Mỹ đã thực hiện hơn 3.300 vụ kiện để buộc các công ty phải chịu một phần trách nhiệm gây ra vấn nạn lạm dụng thuốc giảm đau.
Tháng 7 vừa qua, ba nhà phân phối dược phẩm lớn nhất của Mỹ, gồm McKesson Corp, Cardinal Health Inc và AmerisourceBergen Corp, cùng hãng sản xuất dược phẩm Johnson & Johnson đã đề xuất chi trả khoảng 26 tỷ USD để dàn xếp các vụ kiện nhắm vào họ liên quan tới thuốc giảm đau.
Kha Đạt
(RFA) – Trung Quốc liên tiếp tập trận bắn đạn thật tại Biển Đông trong tuần qua. Trong tuần vừa qua, chính quyền Trung Quốc tổ chức nhiều cuộc tập trận bắn đạn thật nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội, đặc biệt là trong các tình huống đổ bộ. Ít nhất hai trong số các cuộc tập trận đã kết thúc hôm thứ Sáu, 17/12/2012, một gần đảo Hải Nam và một ở Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam. Hôm thứ Ba 14/12, trong chuyến thăm Indonesia, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết các nước trong khu vực lo ngại «về các hành động gây hấn của Bắc Kinh» và khẳng định Hoa Kỳ «quyết tâm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông».
(AFP) – Liên Hiệp Quốc điều tra vi phạm nhân quyền trong xung đột Ethiopia, Trung Quốc bỏ phiếu chống. Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm qua, 17/12, ra nghị quyết để thành lập một ủy ban quốc tế gồm các chuyên gia để điều tra và thu thập bằng chứng về những hành vi xâm phạm nhân quyền trong xung đột ở Ethiopia từ một năm nay, theo đề xuất của Liên Hiệp Châu Âu. Nghị quyết được đưa ra trong một phiên họp đặc biệt, với sự ủng hộ của 21 quốc gia trong số 47 quốc gia tham gia Hội đồng. Trung Quốc cùng 14 nước bỏ phiếu chống. 11 quốc gia bỏ phiếu trắng. Theo Liên Hiệp Quốc, xung đột ở Ethiopia đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hơn hai triệu người phải sơ tán, và hàng trăm nghìn người Ethiopia bị nạn đói đe dọa.
(AFP) – Thái Lan: Một nhà tù bị phạm nổi loạn phóng hỏa. Khoảng 400 trăm tù nhân ngày 17/12/2021 đã phóng hỏa nhà tù ở miền nam Thái Lan khiến một số người bị thương. Hôm thứ Năm 16/12, đã có một vụ hỏa hoạn cũng tại nhà tù này. Bạo động nổ ra do các tù nhân phản đối công tác quản lý dịch bệnh yếu kém. Nhà tù này có gần 2.100 tù nhân, nhưng có tới khoảng 300 người nhiễm virus corona. Tổng cộng, tại Thái Lan, gần 87.000 tù nhân đã nhiễm Covid-19, 185 tù nhân tử vong vì virus corona.
(AFP) – Nga cấm 7 công dân Anh nhập cảnh. Quyết định được đưa ra hôm qua 17/12/2021 của chính quyền Nga để trả đũa các lệnh trừng phạt của Luân Đôn liên quan đến vụ đầu độc ông Alexei Navalny, đối thủ chính của tổng thống Nga. Vào tháng 8/2021, bộ Ngoại Giao Anh đã ra các lệnh trừng phạt đối với 7 quan chức an ninh cấp cao của Nga, vì bị cáo buộc đóng vai trò trong vụ đầu độc ông Navalny vào mùa hè năm 2020.
(Yonhap) – 2021: Năm ghi dấu ấn văn hóa Hàn Quốc, với phim Squid Games, chương trình Hellbound và nhóm nhạc BTS. Squid Games là bộ phim Netflix được xem nhiều nhất với hơn 1,65 tỉ giờ xem chỉ trong 4 tuần đầu sau khi công chiếu hồi tháng 09/2021. Hellbound dẫn đầu bảng xếp hạng thế giới về 10 chương trình truyền hình nổi tiếng nhất trên Netflix trong vòng 10 tuần. Trong khi đó, BTS vẫn phá mọi kỷ lục. “Butter” – đĩa đơn thứ hai bằng tiếng Anh của BTS dẫn đầu bảng xếp hạng Billboard Hot 100 tổng cộng 10 tuần.
(AFP) – Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez: Mỹ duy trì gọi Cuba là “Nhà nước khủng bố” chứng tỏ chính sách đối ngoại kém cỏi, mang tính cơ hội. Lãnh đạo ngành Ngoại Giao Cuba cho rằng Washington không thể đưa ra các bằng chứng đáng tin cậy để giải thích cho quyết định nói trên. Còn tại Mỹ, 114 dân biểu phe Dân Chủ hôm 16/12 đã đề nghị tổng thống Biden rút Cuba khỏi danh sách đen. Họ khẳng định chính quyền Trump đã không đưa ra được các thông tin mới để giải thích quyết định đưa Cuba vào danh sách đen các Nhà nước khủng bố.
(AFP) – Peru: Một mỏ đồng do tập đoàn khai thác quặng Trung Quốc MMG quản lý đã bị tê liệt do phong trào đấu tranh xã hội. Mỏ đồng Las Bambas hôm 17/12/2021 thông báo kể từ 7 giờ sáng hôm nay 18/12 tạm ngưng mọi hoạt động do các con đường bị dân làng chặn suốt 29 ngày qua. Người dân đòi hỏi tập đoàn Trung Quốc MMG tạo công ăn việc làm trong lĩnh vực vận chuyển hoặc bảo trì đường sá. Khu mỏ Las Bambas sử dụng 8.000 lao động, sản xuất 15% sản lượng đồng của Peru. Tạm ngưng hoạt động, Las Bambas thiệt hại tới 9,5 triệu đô la/ngày.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211218-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p