Uỷ ban Trung ương thảo luận vấn đề ‘người kế nhiệm’: Tiết lộ đấu đá kịch liệt trong ĐCSTQ?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Uỷ ban Trung ương thảo luận vấn đề ‘người kế nhiệm’: Tiết lộ đấu đá kịch liệt trong ĐCSTQ?

9/12/2021 – Vấn đề người kế nhiệm – người nắm quyền lực tối cao là vấn đề
‘đau đầu’ ở bất kỳ chế độ cực quyền nào, bởi vì nó liên quan đến ‘lợi
ích nhóm’ quá lớn trong nội bộ.

Trần Hy, Tăng Khánh Hồng và Tập Cận Bình. Ảnh ghép từ nhiều nguồn.

Đối với ĐCSTQ, từ thời Đặng Tiểu Bình đã nghĩ xong vấn đề người kế nhiệm với tên gọi ‘cách đại tiếp ban’ – chỉ định người kế nhiệm qua các thời kỳ, cùng một số ‘luật bất thành văn’ như không được làm quá 2 nhiệm kỳ (10 năm), ‘thất thăng bát giáng’ (67 tuổi có thể làm tiếp, 68 tuổi phải nghỉ hưu), phế bỏ chế độ lãnh đạo suốt đời v.v.

Tập Cận Bình đã nắm quyền lực cao nhất trong ĐCSTQ gần 2 nhiệm kỳ, từ
đây đến Đại hội 20 diễn ra vào năm sau 2022 chỉ còn khoảng 1 năm, nhưng
trên các phương tiện truyền thông chính thức vẫn chưa thấy ông Tập chỉ
định người kế nhiệm. 

Nếu bây giờ ông Tập chỉ định cũng không kịp, vì không đủ thời gian giúp người kế nhiệm phát triển đội ngũ. Điều này cho thấy mục tiêu lớn nhất của ông Tập lúc này chính là tái đắc cử.

Phiên họp toàn thể lần thứ 6 (diễn ra vào ngày 8-11/11), trên hình thức vẫn được xem là lễ đăng quang của Tập Cận Bình. Sau đó đã manh nha một số ‘vận động dư luận’, đồng thời hạn chế nói về vấn đề người kế nhiệm. Ví như ngày 1/12 trên Twitter có đăng một tấm hình chụp được băng rôn có dòng chữ: “Thỉnh cầu Chủ tịch Tập tái đắc cử năm 2023” ở quảng trường Thiên An Môn.

Ngày
1/12, một người dùng Twitter đã đăng ảnh tấm băng rôn ở quảng trường
Thiên An Môn với dòng chữ: “Thỉnh cầu Chủ tịch Tập tái đắc cử năm 2023”.
Ảnh chụp màn hình Twitter.

Nhưng điều kỳ lạ đã xảy ra…

Trong cùng ngày 1/12, Trưởng ban Tổ chức Uỷ ban Trung ương là Trần Hy đã đăng bài viết trên tờ ‘Nhân dân nhật báo‘ với tiêu đề: ‘Phải nắm vững kế hoạch cơ bản về [vấn đề] người kế nhiệm’ (học tập quán triệt tinh thần Phiên họp toàn thể lần thứ 6 khoá 19)’. Đây là một động thái rất hiếm gặp, bởi vì ‘người kế nhiệm’ là từ rất nhạy cảm đối với Tập Cận Bình – vốn là người muốn tái đắc cử.

Tiếp sau đó, kênh truyền thông được cho là của Tăng Khánh Hồng – tờ Duowei
(1) vào ngày 3/12 đã đăng bài viết với tiêu đề: ‘Vì sao nói việc lựa
chọn người kế nhiệm là vấn đề vô cùng quan trọng đối với sự tồn vong của
ĐCSTQ’, trong đó đề cập đến câu chuyện: chỉ trong gần 2 năm, 3 nhà lãnh
đạo cao nhất của Liên Xô qua đời vì.. ‘quá già’ là Brezhnev, Andropov
và Chernenko. Sau đó Gorbachev (54 tuổi) lên nắm quyền đã khiến… Liên Xô
sụp đổ.

Hai tin tức trên mang hàm ý gì và liệu chúng có liên quan với nhau?

Dưới nhãn quang của mình, Giáo sư Chương Thiên Lượng trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 7/12 đã nhận định rằng: bài viết của Trần Hy chính là để ‘vỗ về’ các thế lực trong đảng, nhưng không thể xoa dịu những người có dã tâm chính trị; còn bài viết trên tờ Duowei là động thái giống như ‘dậu đổ bìm leo’, phê bình việc Tập Cận Bình… không chịu nghỉ hưu.

Là nhà sử học, đồng thời cũng là người có am hiểu sâu sắc về chính trường Trung Quốc, Giáo sư Chương đã kể câu chuyện ‘vong quốc’ của nhà Tần, phân tích bài viết của Trần Hy và trên tờ Duowei, từ đó làm rõ những đánh giá của mình như sau.

Một trong những nguyên nhân khiến nhà Tần vong quốc: không chỉ định người kế vị

Là người có am hiểu sâu sắc về lịch sử, Giáo sư Chương nhìn nhận:
trong quá khứ, việc lựa chọn người kế nhiệm chính là lập Thái tử (2), là
một việc vô cùng quan trọng.

Vì sao nhà Tần đến đời thứ hai là Tần Nhị Thế lại diệt vong? Một
trong những nguyên nhân quan trọng là vì không công bố người kế vị.

Ban đầu Tần Thuỷ Hoàng là người có sức khoẻ vô cùng tốt, ông đã từng
đấu tay đôi với thích khách Kinh Kha – vốn là người có võ công rất cao,
còn trong ‘Sử ký’ có ghi chép rằng: văn kiện hàng ngày mà Tần Thuỷ Hoàng
cần giải quyết được viết trên thẻ tre, và đặt lên một cái cân. 

Công việc của đế quốc Đại Tần khi ấy là bối rối ngổn ngang, ‘nam
chinh Bách Việt, bắc phạt Hung Nô’, xây dựng rất nhiều đường cao tốc để
chính phủ trung ương tập quyền quản lý quận huyện v.v. Tần Thuỷ Hoàng
phải giải quyết đủ số cân thẻ tre mới được nghỉ ngơi, do đó ông làm việc
vô cùng vất vả.

Tần Thuỷ Hoàng thống nhất thiên hạ năm 39 tuổi, đến năm 49 tuổi thì
băng hà. Vì làm việc quá lao lực, nên đến cuối đời sức khoẻ của Tần Thuỷ
Hoàng kém đi, và rất nhiều người ngại nói vấn đề ‘người kế vị’ với ông,
bởi vì làm như vậy chính là mong muốn Hoàng đế mau chóng băng hà.

Cuối cùng khi Tần Thuỷ Hoàng cảm thấy không còn được nữa, ông mới để
lại di chiếu cho Công tử Phù Tô với nội dung: “Hãy chôn cất ta ở Hàm
Dương” (3), ý tứ là muốn để Phù Tô chủ trì tang sự đồng thời ám chỉ Phù
Tô chính là người kế vị.

Thời điểm đó chỉ có Trung xa phủ lệnh Triệu Cao (4) có ngọc tỷ, di
chiếu cần con dấu để trở thành chiếu chỉ, cho nên di chiếu của Tần Thuỷ
Hoàng đã rơi vào tay Triệu Cao. Triệu Cao thấy Tần Thuỷ Hoàng đã chết,
thế là ông ta thương lượng với Thừa tướng Lý Tư nhằm soán cải di chiếu,
nhằm mưu đồ để Hồ Hợi – Tần Nhị Thế lên ngôi, sau đó nhà Tần diệt vong.
Đây được xem là sự cố ‘người kế vị’ rất điển hình.

Từ
trên xuống dưới là tranh vẽ: Tần Thuỷ Hoàng, Phù Tô, Hồ Hợi, Triệu Cao
và Lý Tư. Ảnh ghép từ ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2: Tần Hoàng Hán Vũ.

Năm xưa vì Tần Thuỷ Hoàng không thu xếp được việc hậu sự là chỉ định
‘người kế vị’ đã khiến nhà Tần diệt vong, hiện nay Tập Cận Bình cũng
không muốn sắp xếp ‘người kế nhiệm’. Khi ông Tập không sắp xếp người kế
nhiệm và cũng không nói rõ khi nào nghỉ hưu, điều này sẽ xuất hiện một
vấn đề rất nghiêm trọng. Là vấn đề gì? Chính là người khác không biết
mình có cơ hội kế nhiệm hay không.

Theo ghi chép của ĐCSTQ, năm đó khi Lâm Bưu mưu sát Mao Trạch Đông là
do Mao không thích và muốn ‘chỉnh’ Lâm. Vì để bảo vệ chính mình, Lâm
đành phải lên kế hoạch ám sát Mao.

Điều này nói rõ một vấn đề, chưa cần nói đến việc chỉ định người kế
nhiệm, ngay cả khi chỉ định rồi, thì ‘người kế nhiệm’ không biết khi nào
‘người tiền nhiệm’ nghỉ hưu, họ cũng sợ người tiền nhiệm thay đổi ý
định, nên từ đó dễ dẫn đến ‘chính biến cung đình’. Lâm Bưu làm đảo chính
cũng vì Mao Trạch Đông không nói thời gian nghỉ hưu, hay năm xưa Thái
tử Lý Thừa Càn tạo phản cũng vì nguyên nhân như thế, không biết khi nào
phụ thân Đường Thái Tông băng hà.

2 vấn đề của ông Tập và hàm ý bài viết của Trần Hy

Nếu chỉ định người kế nhiệm, người ấy sẽ mong người tiền nhiệm sớm từ
chức, như thế họ mới được an toàn. Nếu Tập Cận Bình có tầm nhìn xa, ông
ấy nên cho người khác một thời hạn, ví như ông Tập nói rằng ‘sẽ làm
thêm một nhiệm kỳ nữa, mọi người hãy chờ đợi’, vậy thì những người trẻ
hơn một chút như: Uông Dương, Hồ Xuân Hoa v.v. có thể đợi thêm một
chút. 

Đây là vấn đề đầu tiên của ông Tập: không nói rõ thời gian nghỉ hưu
đã khiến rất nhiều người chịu không nổi. Một số người cho rằng Tập Cận
Bình có thể làm thêm 10 năm nữa, thậm chí đến năm… 2035, những người
khác không thể chờ, thậm chí tình trạng thể chất của họ không cho phép
chờ đợi lâu như vậy.

Vấn đề thứ hai là ông Tập không nói ai có thể kế nhiệm. Điều này
giống như năm xưa Khoái Thông nói với Hán Cao Tổ Lưu Bang: “Tần mất ngôi
vị này, thiên hạ sẽ cùng nhau đuổi tranh”, từ đó mới lưu lại thành ngữ
‘Trục lộc Trung Nguyên’ (逐鹿中原). Những người có dã tâm sẽ cảm thấy mình
có cơ hội kế nhiệm, từ đó tranh giành vị trí ‘thiên hạ chí tôn’. Điều
này dẫn đến vấn đề ‘tranh quyền đoạt vị’ nghiêm trọng trong ĐCSTQ.

Một số phe phái sẽ nhanh chóng phân tách khỏi đảng để xây dựng thế
lực cho riêng mình, lúc này các ‘đại thần’ buộc phải chọn bên xem ai
mạnh ai yếu. 

Nếu một phe có thế lực quá lớn và ưu thế rõ ràng, Tập Cận Bình sẽ
nghi ngờ phe này muốn lật đổ mình, như thế nó sẽ trở thành đối tượng
tiêu diệt của ông Tập. Còn các phe ‘ngang sức’ nhau thì sẽ cạnh tranh vô
cùng khốc liệt. Do đó việc Tập Cận Bình không chỉ định người kế nhiệm
sẽ gây ra vấn đề nghiêm trọng cho ĐCSTQ.

Đặng Tiểu Bình thấy được chuyện này nên đã nghĩ cách giải quyết ‘cán
cân quyền lực’ trong đảng bằng ‘cách đại tiếp ban’ (chỉ định người kế
nhiệm qua các thời kỳ), phế bỏ ‘cán bộ lãnh đạo phục vụ suốt đời’ v.v.
Ông ấy dùng những phương pháp này để ‘vỗ về’ những người có dã tâm bên
dưới. 

Quay lại với bài viết của Trưởng ban Tổ chức Uỷ ban Trung ương là
Trần Hy vào ngày 2/12, nội dung trong đó nói rằng: “Bồi dưỡng người kế
nhiệm không phải là chọn người càng ngày càng trẻ, mà ‘tiêu chuẩn chính
trị’ mới là điều quan trọng nhất”.

Giáo sư Chương giải thích, ý của Trần Hy chính là để ‘vỗ về’ những
người trong đảng có mưu đồ kế nhiệm rằng: ‘Hãy chăm sóc thân thể, kiên
nhẫn chờ đợi, đừng sốt ruột về việc kế nhiệm, Tập Cận Bình có thể sẽ làm
thêm 10 năm nữa, nếu mọi người đủ trung thành thì đợi đến lúc… 70 tuổi
vẫn có thể kế nhiệm. Những người trẻ như Uông Dương, Hồ Xuân Hoa v.v.
hãy chờ thêm chút nữa…’.

Giáo sư Chương cho rằng, vài nhận xét sáo rỗng của Trần Hy không thể
xoa dịu những người có dã tâm trong đảng, bởi vì nhỡ đâu Tập Cận Bình
làm thêm 10 năm vẫn còn thấy thân thể khoẻ mạnh, có thể làm tiếp nữa,
vậy thì những người đang chờ kế nhiệm sẽ nôn nóng cực độ, lúc ấy có thể
nổ ra đảo chính.

Bài viết trên tờ Duowei: phê bình ông Tập không nghỉ hưu từ đó có thể ‘vong đảng’

Bài viết của Trần Hy đăng ngày 1/12, đến ngày 3/12, tờ Duowei có trụ
sở tại Bắc Kinh đã mượn chủ đề này để đăng bài viết với tiêu đề: ‘Vì sao
nói việc lựa chọn người kế nhiệm là vấn đề vô cùng quan trọng đối với
sự tồn vong của ĐCSTQ’, trong đó thảo luận về việc kế nhiệm của
Gorbachev. Sau khi nhậm chức, Gorbachev là người có quyền lực cao nhất
trong Đảng Cộng sản Liên Xô (ĐCSLX), do đó bài báo trên tờ Duowei rõ
ràng là mượn bài viết của Trần Hy để nói về Tập Cận Bình – người lãnh
đạo cao nhất trong ĐCSTQ. 

Duowei đã có nhận xét về bài viết của Trần Hy như sau: “Trong lịch sử
đã có quá nhiều bài học giáo huấn chính diện lẫn phản diện, từ việc so
sánh ĐCSTQ và ĐCSLX cuối những năm 1970 đến những năm 1990, đã cho thấy
tầm quan trọng của việc tuyển chọn và bồi dưỡng người kế nhiệm ưu tú cho
một tổ chức, chính quyền và quốc gia”.

Ở đây Duowei so sánh ĐCSTQ và ĐCSLX từ cuối những năm 1970 đến những
năm 1990. Chúng ta biết rằng, sau Khrushchev là Brezhnev lên nắm quyền
lãnh đạo ĐCSLX khoảng 10 năm. 

Khi Brezhnev còn nắm quyền, độ tuổi trung bình của các Uỷ viên Bộ
Chính trị ĐCSLX là gần 75 tuổi. Do đó thấy rằng, những người (trong các
cơ quan quyền lực cao nhất của đảng và nhà nước) xử lý quốc gia đại sự
đều là người già và bệnh tật đầy thân. Thời đó, tuổi thọ trung bình của
con người cũng không cao, điều kiện y học cũng không tốt như bây giờ. 

Những lãnh đạo này vừa già cả vừa giáo điều, cũng không có nguyện
vọng thay đổi, họ sống mơ hồ lãng phí ngày tháng. Họ chỉ mong được ngày
nào hay ngày ấy, qua loa xong chuyện, chứ không có sức lực như những
người trẻ – vốn nhiệt huyết dâng trào muốn thay đổi cái này cái kia. 

Như thế những chính sách của Brezhnev cứ tiếp tục đến khi ông qua
đời. Sau khi Brezhnev chết, người kế nhiệm là Andropov. Khi tiếp quản,
Andropov đã mắc bệnh trầm trọng, sau 10 tháng thì qua đời. Sau đó
Chernenko kế nhiệm. Chernenko cũng đã tuổi cao sức yếu, ông làm lãnh đạo
tối cao trong 13 tháng rồi cũng qua đời. Chỉ trong gần 2 năm, 3 nhà
lãnh đạo tối cao của Liên Xô qua đời: Brezhnev, Andropov, Chernenko.

Từ trái sang phải là: Brezhnev, Andropov và Chernenko. Ảnh ghép từ nhiều nguồn.

Sau đó những người trong ĐCSLX chọn một người trẻ là Gorbachev 54
tuổi làm lãnh đạo. Theo cách nói của tờ Duowei, Gorbachev “do thiếu kinh
nghiệm chính trị nghiêm trọng, đường làm quan và cuộc sống cứ ‘thuận
buồm xuôi gió’, chưa từng trải qua khảo nghiệm thăng trầm trọng đại,
cũng chưa có thành tích nổi bật. Sau khi lên nắm quyền, đã chưa trưởng
thành lại còn bắt đầu cải cách, nên cuối cùng dẫn đến Liên Xô tan rã”.

Là một người am hiểu chính trường và hệ thống diễn ngôn của ĐCSTQ,
Giáo sư Chương nhận định bài viết trên tờ Duowei có một tầng hàm ý chính
là: phản đối Tập Cận Bình không nghỉ hưu. Bởi vì nếu ông Tập không nghỉ
hưu, tuổi tác của những người trong Bộ Chính trị càng ngày càng lớn,
sau khi Tập Cận Bình không còn nữa thì những người già yếu kiểu như
Andropov hay Chernenko sẽ kế vị ông Tập, tiếp đó một người trẻ chưa có
kinh nghiệm như Gorbachev sẽ kế nhiệm, từ đó dẫn đến ĐCSTQ sẽ diệt vong
giống như Liên Xô.

Trên bề mặt, tờ Duowei tâng bốc Tập Cận Bình trăn trở về vấn đề người
kế nhiệm, nhưng thực chất lại là phê bình và khuyên ông Tập nên nghỉ
hưu.

Giáo sư Chương đánh giá, nếu Tập Cận Bình chỉ định người thông minh
kế nhiệm, người ấy có những ý tưởng đặc biệt, sau khi nhậm chức người ấy
sẽ thay đổi rất nhiều những thứ của ông Tập, do đó ông Tập sẽ không
chấp nhận. Nhưng nếu Tập Cận Bình chỉ định một người yếu đuối, nghe lời
và chỉ biết tâng bốc, thì người ấy không chống chế được cục diện, và bản
thân người ấy cũng gặp nguy hiểm, thậm chí bị người khác thay thế.

Hoa Quốc Phong là một ví dụ rất điển hình. Mao Trạch Đông chỉ định
Hoa Quốc Phong bởi vì người kế nhiệm này rất nghe lời Mao. Sau khi Mao
Trạch Đông mất, vì Hoa Quốc Phong không có năng lực nên không khống chế
được tình hình rồi bị Đặng Tiểu Bình thay thế.

Tập Cận Bình quả thực đã mở ra chiếc hộp Pandora chứa những điều tai
hoạ, ông Tập không chỉ định người kế nhiệm, cũng không nói khi nào nghỉ
hưu, điều này tạo thành vấn đề vô cùng nghiêm trọng trong ĐCSTQ.

Ngày 6/11, tờ Straits Times
của Singapore đã đăng bài viết lấy nguồn từ nhân vật ẩn danh trong
ĐCSTQ với tiêu đề: ‘Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình đang cân nhắc về
hệ thống kế thừa mới để chọn người thừa kế vị’, trong đó cung cấp một
thông tin rằng: ông Tập không chỉ định 1 người mà chỉ định đến 5 người
kế nhiệm, bao gồm: 

+ Trần Mẫn Nhĩ – Bí thư Thành uỷ Trùng Khánh.

+ Đinh Tiết Tường – Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương.

+ Hồ Xuân Hoa – Phó Thủ tướng Quốc vụ viện.

+ Lý Cường – Bí thư Thành uỷ Thượng Hải.

+ Lý Hy – Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Đông.

Sau đó ông Tập khảo sát, xem ai trung thành nhất rồi mới chọn.

Vấn đề người kế nhiệm Tập Cận Bình rất nhạy cảm. Khi Trần Hy đăng bài
viết vào ngày 1/12 là muốn ‘vỗ về ‘những người có dã tâm và các thế lực
trong đảng, để họ kiên nhẫn thêm chút nữa. Còn động thái trên tờ Duowei
ngày 3/12 chính là nhân việc Trần Hy thảo luận về người kế nhiệm mà phê
bình chuyện Tập Cận Bình không nghỉ hưu, cũng không chỉ định người kế
nhiệm sẽ tạo cục diện giống như Liên Xô tan rã năm 1991. Từ đó thấy rằng
đấu đá tranh giành quyền lực trong ĐCSTQ quả thật rất kịch liệt.

Mạn Vũ

https://www.dkn.tv/the-gioi/uy-ban-trung-uong-thao-luan-van-de-nguoi-ke-nhiem-tiet-lo-dau-da-kich-liet-trong-dcstq.html

Chú thích: 

(1) Về tờ Duowei:

Nhiều người nói rằng tờ Duowei là của Tăng Khánh Hồng, điều này chưa
có thông tin minh xác. Nhưng Giáo sư Chương có một số đánh giá như sau.

Duowei là một công ty truyền thông nước ngoài, nhưng lại đặt trụ sở
chính tại Bắc Kinh. Điều này rất kỳ lạ, bởi vì thông thường một kênh
truyền thông hải ngoại chỉ thiết lập một trạm phóng viên hoặc để một vài
phóng viên thường trú ở vùng sở tại, nhưng Duowei lại đặt toàn bộ trụ
sở ở Bắc Kinh.

Do đó tờ Duowei nhất định có sự ủng hộ của phe cấp cao nào đó trong ĐCSTQ.

(2) Lập Thái tử: Nguyên gốc là Lập vương trữ – 立王儲, ‘vương trữ’ là người kế thừa ngôi vua, tức Thái tử.

(3) Trích ‘Sử ký’.

(4) Triệu Cao: là quyền thần có đạo đức bại hoại thời nhà Tần, nổi
tiếng với tích ‘chỉ lộc vi mã’ (指鹿為馬: chỉ hưu thành ngựa) để khảo nghiệm
mức độ trung thành/nghe lời của bá quan.