Thượng Đỉnh vì Dân Chủ của Mỹ

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thượng Đỉnh vì Dân Chủ của Mỹ

Thượng Đỉnh vì Dân Chủ theo sáng kiến của TT Mỹ mở ra với hơn 100 quốc gia tham dự

09/12/2021 – Trọng Nghĩa – Hội Nghị Thượng Đỉnh về Dân Chủ (Summit For Democracy) theo sáng kiến của tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức mở ra hôm nay, 09/12/2021, theo hình thức trực tuyến và sẽ kéo dài trong hai ngày. Tham gia hội nghị này có đại diện của hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nga và Trung Quốc cực kỳ phẫn nộ vì không được mời tham gia. 

Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ, trong hai ngày họp, hội nghị sẽ tập trung vào những thách thức và cơ hội mà các nền dân chủ đang phải đối mặt, cung cấp một diễn đàn để các nhà lãnh đạo công bố những cam kết, cải cách và sáng kiến nhằm bảo vệ nền dân chủ và nhân quyền ở trong nước và ngoài nước. 

Hãng tin Pháp AFP đã trích lời thứ trưởng ngoại giao Mỹ đặc trách An Ninh, Dân Chủ và Nhân Quyền Uzra Zeya khẳng định tính chất quan trọng của hội nghị, vào lúc “các nền dân chủ trên khắp thế giới đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng từ các mối đe dọa mới”, trong bối cảnh “hầu như ở tất cả các khu vực trên thế giới, các quốc gia dân chủ đều đã trải qua các mức độ thoái lui dân chủ khác nhau.” 

Hội nghị quy tụ đại diện của hơn 100 chính phủ, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức từ thiện, nhưng ngay khi được công bố, danh sách khách mời đã gây nên căng thẳng lớn, đặc biệt từ phía Trung Quốc và Nga đã bị Mỹ liệt vào diện hai nước cầm đầu phe phi dân chủ nên không được mời. 

Từ Washington, thông tín viên RFI Guillaume Naudin phân tích: 

“Thượng Đỉnh vì Dân Chủ là một cam kết tranh cử của ông Joe Biden và trong cương vị tổng thống Mỹ, ông đã thực hiện cam kết này bất chấp những điều kiện vệ sinh dịch tế khiến cho hội nghị không thể diễn ra dưới hình thức mặt đối mặt.  

Trong hai ngày, dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ, những người tham gia được mời lên tiếng về các cách thức thúc đẩy dân chủ, bảo vệ các nhà báo, chống tham nhũng và chống lại chủ nghĩa độc tài.  

Nhà Trắng đã cố phủ nhận lập luận theo đó Mỹ đã phân phát những điểm tốt và xấu, nhưng người ta vẫn ghi nhận nhiều sự vắng mặt đáng chú ý trong số khách mời, chẳng hạn như Nga và Trung Quốc. 

Truyền thông cả hai nước này đều nói xấu và đả kích việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Trung Quốc đặc biệt khó chịu trước lời mời được gởi tới Đài Loan mà Bắc Kinh coi là một phần không tách rời của họ.  

Trong số hơn một trăm nước tham gia hội nghị, không phải tất cả đều là mẫu mực của dân chủ, nhưng ít ra là họ cũng là đồng minh thân cận của Washington.  

Nhà Trắng giải thích rằng một số quốc gia có cùng những giá trị với Hoa Kỳ. Ngay cả khi một số vẫn còn đang trên đường phát triển dân chủ, thì ít nhất các nước này cũng có ý chí tiến lên trên con đường này.  

Dẫu sao thì đối với chính quyền Biden, dân chủ suy cho cùng là một công việc đang được tiến hành, một công trình lúc nào cũng cần phải xây dựng.”

Thượng Đỉnh Vì Dân Chủ: Một danh sách khách mời nặng tính chiến lược

09/12/2021 – Trọng Nghĩa – Trong hai ngày 9 và 10/12/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì một hội nghị thượng đỉnh thế giới về dân chủ, với hơn một trăm “khách mời” được chính ông và các cộng sự viên chọn lựa. Sự kiện tổ chức trực tuyến này được cho là trọng tâm của chính sách đối ngoại của tổng thống Mỹ, nhưng danh sách khách mời đã đặt ra câu hỏi về ý định thực sự của Washington. 

Theo giới phân tích, sau bốn năm xa cách thế giới
trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump, Hoa Kỳ đã trở lại với
tổng thống Joe Biden, với cam kết là nước Mỹ quay lại vai trò lãnh đạo
vốn có của mình, đặc biệt vào thời điểm nền dân chủ có nhiều dấu hiệu
đang suy thoái trên toàn thế giới. 

Tập hợp các nước đồng chí
hướng trên thế giới để bàn cách thúc đẩy nền dân chủ được cho là một ý
tưởng hay, nhưng khi lập danh sách khách mời, Washington đã phân biệt
giữa một bên là các nước dân chủ – được mời – và những nước còn lại –
mặc nhiên bị coi là không dân chủ. 

Vấn đề đặt ra là khi công bố
danh sách khách mời, Washington đã không trình bày chi tiết lý do và quá
trình lựa chọn, và chính thiếu sót này đã làm dấy lên tranh cãi. Một số
nhà quan sát đã tự hỏi, tại sao Brazil, Ba Lan hoặc Philippines được
mời, trong lúc Hungary hoặc Thổ Nhĩ Kỳ lại bị loại.  

Chuyên gia Martin Quencez, phó giám đốc Quỹ Marshall của Đức tại Paris nhận xét: “Khi
lập danh sách, Hoa Kỳ đã phải chấp nhận đưa vào một số quốc gia nhất
định không đại diện cho các giá trị dân chủ, vì các nước này là đồng
minh quan trọng trong khuôn khổ NATO hoặc là vì họ có quan hệ đối tác
với Mỹ trên thế giới, thâm chí là vì không thể không mời các quốc gia
quan trọng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc
”. 

Trung Quốc
và Nga là điển hình của các nước không được mời. Đứng trên khía cạnh
dân chủ, việc này được cho là đương nhiên, cũng như một số nước khác
không phải là mẫu mực về dân chủ. 

Thế nhưng, đối với Bắc Kinh và
Matxcơva, hai nước này không chấp nhận việc mình bị gọi là không dân
chủ, và đã xem việc nêu lên vấn đề dân chủ là một “công cụ để đạt được các mục tiêu địa chính trị.”  

Đối
với ông Jonathan Paquin, giáo sư Khoa Học Chính trị  tại Đại học Laval
Quebec, Canada, nhận xét của Nga và Trung Quốc không phải là không có
lý: “Ngoài các tiêu chí dân chủ, chúng ta phải thấy rằng các lợi ích chiến lược đã chiếm ưu thế” trong cách chon khách mời của Mỹ. 

Vị giáo sư sư nêu bật vài ví dụ: “Về
phía Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, đây là hai quốc gia rất chỉ trích
Washington và có quan hệ rất tốt với Bắc Kinh và Matxcơva. Ngược lại,
trong danh sách khách mời, chúng tôi lưu ý đến sự hiện diện của Brazil,
Ấn Độ, Philippines và Ba Lan, những quốc gia có chế độ độc tài hơn nhiều
so với 10 hoặc 15 năm trước đây, nhưng kiên quyết đứng về phía Mỹ. Họ
không phải là những nền dân chủ mẫu mực, nhưng họ là đồng minh tốt của
Washington
”. 

Bản thân châu Âu đã bày tỏ một số dè dặt trong
những tuần gần đây. Các nguồn tin ngoại giao ở Pháp cho thấy mối  lo
ngại về kết quả cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh: Phải chăng chính
quyền Biden đang cố gắng thành lập một mặt trận chung chống lại Bắc Kinh
dưới chiêu bài thúc đẩy dân chủ? 

Đối với chuyên gia Martin Quencez, những nhận xét này đã được chính quyền Biden xem  rất nghiêm túc: “Từ
vài tuần nay, thông tin từ Washington là nói rằng đó không phải là lập
khối trong khuôn khổ một cuộc chiến tranh lạnh mới. Đó là việc tập hợp
các quốc gia lại để chống lại sự suy giảm dân chủ, xoay quanh các vấn đề
chiến đấu chống tham nhũng, vấn đề nhân quyền hay là quyền tự do ngôn
luận trên Internet
”.

TT Mỹ Biden mời Đài Loan tham gia thượng đỉnh dân chủ, Trung Quốc phản đối gay gắt

24/11/2021 – Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23/11/2021 đã mời khoảng 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Đài Loan, tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về dân chủ. Hôm nay 24/11, Trung Quốc đã gay gắt phản đối, bởi theo Bắc Kinh, Đài Loan chỉ là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc.  

« Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ » sẽ
được tiến hành trực tuyến vào ngày 09-10/12/2021 và cuộc họp trực tiếp
sẽ diễn ra một năm sau đó. Theo AFP, danh sách khách mời đã được công bố
hôm thứ Ba 23/11 trên trang web của bộ Ngoại Giao Mỹ. Các đối thủ chính
của Mỹ, dẫn đầu là Trung Quốc và Nga, không có tên trong danh sách
này. 

Trái lại, tổng thống Biden đã mời Đài Loan. Đối với Hoa Kỳ,
hòn đảo không được công nhận là một quốc gia độc lập nhưng là một mô
hình dân chủ chống lại Trung Quốc. 

Ngay lập tức, Bắc Kinh đã có
phản ứng. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Triệu Trung Quốc Lập Kiên (Zhao
Lijian) hôm nay 24/11/2021 khẳng định sự « phản đối mạnh mẽ » của Trung Quốc và nhấn mạnh « theo luật pháp quốc tế, Đài Loan không có vị thế gì khác ngoài là một phần không thể tách rời của Trung Quốc ». 

Từ khi nhậm chức vào tháng 01/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden đã không giấu diếm ý định tiến hành một « cuộc đấu »
giữa các nền dân chủ và chế độ chuyên quyền, mà Trung Quốc và Nga là
đại diện. Biden coi đó là tâm điểm chính sách đối ngoại của ông. 

Tuy
nhiên, bà Laleh Ispahani, Quỹ Xã Hội Mở (Open Society), lưu ý thay vì
biến thượng đỉnh vì dân chủ lần này thành một cuộc họp chống Trung Quốc,
tổng thống Biden phải tận dụng cơ hội này để tập hợp các nhà lãnh đạo
và xã hội dân sự để « tấn công vào cuộc khủng hoảng do sự suy thoái
nghiêm trọng của nền dân chủ ở nhiều nơi trên thế giới, kể cả đối với
các mô hình tương đối vững chắc như Hoa Kỳ 
». 

Quả thực, hội
nghị thượng đỉnh vì dân chủ diễn ra trong bối cảnh nền dân chủ thế giới
đã hứng chịu nhiều thất bại trong những tháng gần đây ở một số nước mà
Hoa Kỳ từng đặt nhiều hy vọng, chẳng hạn Miến Điện, Sudan, những nơi đã
diễn ra đảo chính quân sự. Ngay chính nước Mỹ cũng lần đầu tiên bị Viện
Quốc tế về Dân chủ và Hỗ trợ Bầu cử (IDEA) có trụ sở tại Stockholm, Thụy
Điển, xếp vào danh sách « các nền dân chủ đang tụt lùi », chủ yếu liên quan đến thời tổng thống Donald Trump.

RFI