Tin Tổng Hợp – 9/12/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 9/12/21

Thượng Đỉnh Vì Dân Chủ: Một danh sách khách mời nặng tính chiến lược

Trong hai ngày 9 và 10/12/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì một hội nghị thượng đỉnh thế giới về dân chủ, với hơn một trăm “khách mời” được chính ông và các cộng sự viên chọn lựa. Sự kiện tổ chức trực tuyến này được cho là trọng tâm của chính sách đối ngoại của tổng thống Mỹ, nhưng danh sách khách mời đã đặt ra câu hỏi về ý định thực sự của Washington. 

Theo giới phân tích, sau bốn năm xa cách thế giới trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump, Hoa Kỳ đã trở lại với tổng thống Joe Biden, với cam kết là nước Mỹ quay lại vai trò lãnh đạo vốn có của mình, đặc biệt vào thời điểm nền dân chủ có nhiều dấu hiệu đang suy thoái trên toàn thế giới.

Tập hợp các nước đồng chí hướng trên thế giới để bàn cách thúc đẩy nền dân chủ được cho là một ý tưởng hay, nhưng khi lập danh sách khách mời, Washington đã phân biệt giữa một bên là các nước dân chủ – được mời – và những nước còn lại – mặc nhiên bị coi là không dân chủ.

Vấn đề đặt ra là khi công bố danh sách khách mời, Washington đã không trình bày chi tiết lý do và quá trình lựa chọn, và chính thiếu sót này đã làm dấy lên tranh cãi. Một số nhà quan sát đã tự hỏi, tại sao Brazil, Ba Lan hoặc Philippines được mời, trong lúc Hungary hoặc Thổ Nhĩ Kỳ lại bị loại.

Chuyên gia Martin Quencez, phó giám đốc Quỹ Marshall của Đức tại Paris nhận xét: “Khi lập danh sách, Hoa Kỳ đã phải chấp nhận đưa vào một số quốc gia nhất định không đại diện cho các giá trị dân chủ, vì các nước này là đồng minh quan trọng trong khuôn khổ NATO hoặc là vì họ có quan hệ đối tác với Mỹ trên thế giới, thâm chí là vì không thể không mời các quốc gia quan trọng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc”. 

Trung Quốc và Nga là điển hình của các nước không được mời. Đứng trên khía cạnh dân chủ, việc này được cho là đương nhiên, cũng như một số nước khác không phải là mẫu mực về dân chủ.

Thế nhưng, đối với Bắc Kinh và Matxcơva, hai nước này không chấp nhận việc mình bị gọi là không dân chủ, và đã xem việc nêu lên vấn đề dân chủ là một “công cụ để đạt được các mục tiêu địa chính trị.”  

Đối với ông Jonathan Paquin, giáo sư Khoa Học Chính trị tại Đại học Laval Quebec, Canada, nhận xét của Nga và Trung Quốc không phải là không có lý: “Ngoài các tiêu chí dân chủ, chúng ta phải thấy rằng các lợi ích chiến lược đã chiếm ưu thế” trong cách chon khách mời của Mỹ. 

Vị giáo sư sư nêu bật vài ví dụ: “Về phía Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, đây là hai quốc gia rất chỉ trích Washington và có quan hệ rất tốt với Bắc Kinh và Matxcơva. Ngược lại, trong danh sách khách mời, chúng tôi lưu ý đến sự hiện diện của Brazil, Ấn Độ, Philippines và Ba Lan, những quốc gia có chế độ độc tài hơn nhiều so với 10 hoặc 15 năm trước đây, nhưng kiên quyết đứng về phía Mỹ. Họ không phải là những nền dân chủ mẫu mực, nhưng họ là đồng minh tốt của Washington ”. 

Bản thân châu Âu đã bày tỏ một số dè dặt trong những tuần gần đây. Các nguồn tin ngoại giao ở Pháp cho thấy mối  lo ngại về kết quả cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh: Phải chăng chính quyền Biden đang cố gắng thành lập một mặt trận chung chống lại Bắc Kinh dưới chiêu bài thúc đẩy dân chủ?

Đối với chuyên gia Martin Quencez, những nhận xét này đã được chính quyền Biden xem  rất nghiêm túc: “Từ vài tuần nay, thông tin từ Washington là nói rằng đó không phải là lập khối trong khuôn khổ một cuộc chiến tranh lạnh mới. Đó là việc tập hợp các quốc gia lại để chống lại sự suy giảm dân chủ, xoay quanh các vấn đề chiến đấu chống tham nhũng, vấn đề nhân quyền hay là quyền tự do ngôn luận trên Internet ”. 

Trọng Nghĩa

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20211209-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-v%C3%AC-d%C3%A2n-ch%E1%BB%A7-m%E1%BB%99t-danh-s%C3%A1ch-kh%C3%A1ch-m%E1%BB%9Di-n%E1%BA%B7ng-t%C3%ADnh-chi%E1%BA%BFn-l%C6%B0%E1%BB%A3c

Ông trùm truyền thông Hong Kong Jimmy Lai bị kết tội vì thắp nến cho Thiên An Môn

In this photo taken on June 16, 2020, Hong kong pro-democracy media mogul Jimmy Lai, 72, poses during an interview with AFP at the Next Digital offices in Hong Kong
Chụp lại hình ảnh, Tỷ phú Jimmy Lai đã bị tù từ đầu năm nay do tham dự các cuộc biểu tình đòi dân chủ

Ông
trùm truyền thông Hong Kong Jimmy Lai cùng hai nhà hoạt động nổi tiếng
khác vừa bị kết tội vì đã tham gia lễ thắp nến tưởng niệm vụ thảm sát
Thiên An Môn.

Jimmy Lai, Gwyneth Ho và Chow Hang Tung (Châu Hạnh Đồng) bị kết tội xúi giục và tham dự tụ tập trái phép.

Họ
trong số hàng ngàn người bất chấp lệnh cấm đã tham dự lễ thắp nến tưởng
niệm hồi tháng 6 năm ngoái, kỷ niệm vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên
An Môn, Bắc Kinh hồi 1989.

Hơn 20 chính trị gia và các nhà hoạt động đã bị buộc tội I liên quan tới sự kiện này.

Ba người này là những người mới nhất bị kết án, bởi họ kháng cáo.

Tại
phiên tòa, họ lập luận rằng họ đã thắp nến trong lễ tưởng niệm với tư
cách cá nhân, và đã không hề xúi giục ai tham gia cuộc tụ tập đông người
không được giới chức cấp phép.

Tuy
nhiên, thẩm phán tòa án cấp quận Amanda Woodcock bác bỏ các lập luận đó
là “hoàn toàn không hợp lý”, và nói sự tham dự của họ “là hành động
phản kháng, chống đối cảnh sát”.

Họ
sẽ bị kết án vào ngày 13/12 và đối diện với mức án tối đa là 5 năm tù
với cáo buộc tham dự cuộc tụ tập đông người bất hợp pháp.

Ba nhà hoạt động này là ai?

Ông
Lai là người sáng lập tờ báo Apple Daily tại Hong Kong, nay đã ngưng
hoạt động, và là một trong những người nổi trội nhất ủng hộ phong trào
đòi dân chủ tại thành phố. Hồi đầu năm nay, ông đã bị bỏ tù vì tham dự
các cuộc biểu tình đòi dân chủ.

Gwyneth Ho là cựu phóng viên chuyển sang làm chính trị gia đối lập, còn Chow Hang Tung là cựu luật sư và là phó chủ tịch Liên minh Hong Kong nay đã ngừng hoạt động, nhóm đã tổ chức sự kiện thắp nến tưởng niệm vụ Thiên An Môn hàng năm.

Cả
hai cũng đã bị giam và bị từ chối cho tại ngoại hầu tra. Họ đối diện
với một loạt các cáo buộc, trong đó có một số tội danh liên quan tới
luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp dụng tại Hong Kong bắt đầu từ năm
ngoái.

Lễ thắp nến tưởng niệm Thiên An Môn để làm gì?

Lễ thắp nến tưởng niệm hàng năm đã diễn ra tại Hong Kong trong hàng chục năm qua.

Sự
kiện này thường thu hút hàng chục ngàn người tham dự, nhằm tưởng niệm
vụ binh lính Trung Quốc đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa đòi dân chủ tại
Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh hôm 4/6/1989. Quốc tế đã mạnh mẽ
lên án sau khi binh lính và xe tăng nã súng vào người biểu tình.

Hong
Kong từng là một trong những nơi ít ỏi của Trung Quốc vẫn được phép kỷ
niệm, thậm chí nói về sự kiện Thiên An Môn, một chủ đề vô cùng nhạy cảm ở
Trung Hoa lục địa.

Tại Trung Quốc, việc kỷ niệm, nhắc tới hay bình luận về vụ này, kể cả trên mạng xã hội, đều bị cấm, chặn.

Năm
2020, giới chức Hong Kong đã cấm tổ chức thắp nến tưởng niệm, lần đầu
tiên trong 30 năm, với lý do cần hạn chế tụ tập để phòng chống đại dịch
Covid-19.

Các nhà hoạt động cáo buộc giới chức cúi đầu trước áp lực từ Bắc Kinh.

Hàng
chục ngàn người bất chấp lệnh cấm đã tham dự lễ thắp nến tưởng niệm năm
ngoái, xô đổ các rào chắn được dựng lên xung quanh Công viên Victoria ở
Hong Kong.

Lệnh cấm thắp nến tưởng niệm tiếp tục được ban ra trong năm nay.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-59586656

Xuất hiện bảng hiệu lớn ở Úc vận động phóng thích ông Châu Văn Khảm

Bảng hiệu ở Sydney kêu gọi vận động trả tự do cho ông Châu Văn Khảm. Photo Facebook Friend of Chau Van Kham
Bảng hiệu ở Sydney kêu gọi vận động trả tự do cho ông Châu Văn Khảm. Photo Facebook Friend of Chau Van Kham

Hướng tới ngày Nhân quyền Quốc tế 10/12, một nhóm người Việt tại
Australia đã dựng một bảng hiệu lớn ven đại lộ ở Sydney kêu gọi chính
phủ Úc gây áp lực hơn nữa để chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Châu
Văn Khảm.

Đây là một nỗ lực của nhóm những người bạn của ông Châu Văn Khảm đang
phát động để ông được phóng thích ra khỏi nhà tù ở Việt Nam.

Tấm biển lớn có chân dung ông Châu Văn Khảm với nội dung: “Hãng đưa
ông ấy về nhà. Một công dân Úc đang bị tù oan sai tại Việt Nam. Hãy giúp
ông Châu Văn Khảm về với gia đình. Hãy đưa ông về lại Úc.”

Bảng hiệu ở Sydney kêu gọi vận động trả tự do cho ông Châu Văn Khảm. Photo Facebook Friend of Chau Van Kham
Bảng hiệu ở Sydney kêu gọi vận động trả tự do cho ông Châu Văn Khảm. Photo Facebook Friend of Chau Van Kham

Ông Paul Huy Nguyễn, cựu Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự do – New South Wales, nói với VOA:

“Chúng đang cùng với một số anh em vận động để chính giới lên tiếng
mạnh hơn, làm thế nào để ông Châu Văn Khảm được phóng thích. Ở ngay tại
thành phố Sydney, các anh em có làm một bảng poster rất lớn ở ngay giữa
đường để cho bàn dân thiên hạ thấy được rằng chúng tôi có một công dân
Úc bị bắt giam trong trại tù ở Việt Nam với bản án 12 năm tù và yêu cầu
chính phủ can thiệp để giúp cho cá nhân này được phóng thích.”

Trong hai năm qua, cộng đồng người Việt tại Úc đã liên tục lên tiếng
về trường hợp của ông Châu Văn Khảm, 72 tuổi, một công dân ở Sydney,
người bị chính quyền Việt Nam bắt giam từ tháng 1/2019, với cáo buộc “âm
mưu khủng bố,” theo Điều 113 Bộ luật Hình sự.

Tại Úc, các hội đoàn, gia đình của ông Khảm đã kêu gọi Ngoại trưởng
Úc Marise Payne, Thủ tướng Scott Morrison, và các dân biểu can thiệp cho
trường hợp của ông.

Tuy nhiên, ông Paul Huy Nguyễn bày tỏ sự thất vọng, mà như lời ông
nói là chính phủ Úc có vẻ “nhân nhượng” với chính phủ Việt Nam về trường
hợp này.

Ông nói:

“Chúng tôi đã vận động chính giới trong nhiều năm qua, ngoại trưởng
Úc, các thượng nghị sĩ, dân biểu Úc cũng đã biết việc này. Có một sự
nhân nhượng không dám làm của chính phủ Úc”.

“Đây là một sự thất vọng,” ông Paul nói.

Tương tự, ông Nguyễn Đỗ Thanh Phong, đại diện Đảng Việt Tân tại Úc,
nói rằng chính phủ Úc “làm chưa đủ mạnh” để ông Khảm được tự do.

“Một số người bạn của ông Châu Văn Khảm đã liên kết với nhau và đã
liên lạc với bà Marise Payne, và yêu cầu bà ngoại trưởng phải làm mạnh
hơn, vì trong thời gian vừa qua, Úc làm vẫn chưa đủ, nên người công dân
của mình vẫn còn bị giam ở bên đó.”

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Úc để xin ý kiến về các phát biểu này, nhưng chưa được phản hồi.

HRW kêu gọi Úc thúc Việt Nam tôn trọng nhân quyền

Hôm 6/12, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hối thúc chính phủ Úc gây
sức ép để Việt Nam đạt được những mốc tiến bộ rõ ràng về nhân quyền
trong cuộc đối thoại nhân quyền song phương lần thứ 17 giữa 2 nước, được
tổ chức trực tuyến vào ngày 8/12.

HRW đề cập đến trường hợp của ông Châu Văn Khảm, cho rằng việc thương
lượng để ông được phóng thích và trở về Úc đoàn tụ với gia đình “phải
là một ưu tiên hàng đầu” của Canberra trong cuộc đối thoại với Hà Nội.

“Australia cần sử dụng ảnh hưởng của mình để gây sức ép với Việt Nam
nhằm buộc họ thực hiện những hành động cụ thể để đảo ngược hồ sơ nhân
quyền tồi tệ của mình,” bà Elaine Pearson, giám đốc quốc gia Australia
của HRW, nói trong một thông cáo.

HRW cũng kêu gọi chính phủ Úc vận dụng cơ hội đối thoại vào ngày 8/12
để gây sức ép với Việt Nam trong việc chấm dứt “chính sách đàn áp một
cách có hệ thống” các quyền chính trị và dân sự cơ bản, trong đó có
quyền tự do biểu đạt, lập hội, nhóm họp ôn hoà và quyền tự do tôn giáo
cũng như tín ngưỡng.

Chính quyền Việt Nam cáo buộc ông Khảm có liên quan đến Việt Tân –
một đảng chính trị có trụ sở ở Hoa Kỳ đã bị chính quyền Việt Nam liệt
vào diện tổ chức khủng bố năm 2016.

Báo Công an Nhân dân của Bộ Công an Việt Nam cho rằng tổ chức Việt Tân đã “bịa đặt thông tin, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, đổi trắng, thay đen để tạo nên sự ngờ vực, trộn lẫn đúng sai để người dân, đặc biệt là kiều bào hiểu sai bản chất của vụ án Châu Văn Khảm”.

https://www.voatiengviet.com/a/xuat-hien-bang-hieu-lon-o-uc-de-van-dong-phong-thich-ong-chau-van-kham/6346455.html

Apple và ĐCSTQ có thỏa thuận bí mật 257 tỷ USD

Apple CEO Tim Cook (ảnh: Từ video của CNN)

Vào thứ Tư (7/12), The Information, hãng truyền thông có trụ sở tại San Francisco, California, đã tiết lộ rằng Giám đốc điều hành Apple Tim Cook đã ký một thỏa thuận đầu tư bí mật trị giá 275 tỷ đô-la Mỹ với chính phủ Trung Quốc vào năm 2016 để hoạt động của Apple không bị gây khó tại Trung Quốc.

Báo cáo của The Information trích dẫn một tài liệu nội bộ của Apple nói rằng để tránh cho Apple khỏi các hành động giám sát của chính phủ Trung Quốc, Tim Cook đã đích thân đến Trung Quốc nhiều lần trong năm 2016 và đạt được một thỏa thuận bí mật với quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc. Báo cáo bình luận: “Sự can thiệp của ông [[Tim Cook] đã mở đường cho sự thành công vô song của Apple [tại Trung Quốc]”.

Trong sáu năm qua, iPhone của Apple là điện thoại thông minh bán chạy
nhất tại Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai của Apple (sau Hoa Kỳ).

Báo cáo của The Information đã chỉ ra rằng, các tài liệu cho thấy các giám đốc điều hành của Apple đã phải vật lộn để cứu vãn mối quan hệ của công ty với các quan chức Trung Quốc trước khi chính Tim Cook có hành động cá nhân. Vào thời điểm đó, doanh số bán iPhone đang giảm mạnh trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc gia tăng việc kiểm soát.

Theo báo cáo, vào thời điểm đó, Trung Quốc tin rằng Apple đã không đóng góp đủ cho nền kinh tế địa phương của Trung Quốc. Vì vậy, Tim Cook đã vận động hành lang Trung Quốc và hứa với các quan chức rằng Apple sẽ cố gắng hết sức để giúp phát triển sức mạnh kinh tế và công nghệ của Trung Quốc thông qua đầu tư, giao dịch kinh doanh và đào tạo công nhân. Tim Cook đã mở ra một số mối quan hệ pháp lý ở Trung Quốc thông qua thỏa hiệp.

Báo cáo cho biết Apple đã công bố khoản đầu tư 1 tỷ đô-la Mỹ vào công ty khởi nghiệp DiDi vào tháng 5 năm 2016 “để xoa dịu các nhà chức trách Trung Quốc” và giúp công ty này có được lợi thế cạnh tranh với Uber Trung Quốc.

Reuters trích dẫn báo cáo ban đầu cho biết như một phần của thỏa thuận, Apple hứa sẽ sử dụng nhiều linh kiện hơn từ các nhà cung cấp Trung Quốc trong thiết bị của mình, ký thỏa thuận với một công ty phần mềm Trung Quốc, tiến hành hợp tác kỹ thuật với các trường đại học Trung Quốc và đầu tư trực tiếp vào các công ty công nghệ Trung Quốc.

Sau khi tin tức này được tiết lộ, một số cư dân mạng đã bình luận rằng Apple đã “chuyển giao toàn bộ dữ liệu của người dùng cho một trung tâm dữ liệu đám mây ở Quý Châu, hoặc nói chính xác là bán nó”. Một người khác bình luận, “Hôm nay người nào không thông qua Trung Cộng?”

An Liên

https://www.dkn.tv/the-gioi/apple-va-dcstq-co-thoa-thuan-bi-mat-257-ty-usd.html

(CNA) – Đài Loan được xếp hạng là nơi duy nhất ở châu Á có không gian dân sự cởi mở vào năm 2021. Trong bản báo cáo do tổ chức nhân quyền Civicus tại Nam Phi công bố hôm 08/12/2021, Đài Loan vẫn là vùng lãnh thổ duy nhất trong số 26 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực Châu Á -Thái Bình Dương được đánh giá là “cởi mở”, lần thứ ba liên tiếp kể từ năm 2019. Trung Quốc, Lào, Bắc Triều Tiên và Việt Nam bị liệt vào diện “khép kín”, hạng xấu nhất.

(Reuters) – Tòa Án Tối Cao Philippines tuyên bố “Nhiều phần trong luật chống khủng bố vi hiến”.
Phán quyết được đưa ra vào hôm 09/12/2021. Đạo luật gây tranh cãi, được
tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ký vào tháng 7/2020, đã khiến
một số luật sư và nhà hoạt động nhân quyền lo ngại đây là công cụ để
chính quyền Manila đàn áp tự do ngôn luận và sách nhiễu giới đối lập.

(AFP) – Ba nhà dân chủ Hồng Kông bị ghép vào tội xúi giục biểu tình bất hợp pháp. Hôm
nay 09/12/2021 tỷ phú Lê Trí Anh (Jimmy Lai) cùng hai nhà đấu tranh vì
dân chủ khác là luật sư Trâu Hạnh Đồng (Chow Hang Tung) và Lập Tràng Thư
(Gwyneth Ho) bị gán tội tham gia và xúi giục biểu tình tại Hồng Kông
hôm 04/06/2020 nhân buổi lễ canh thức tưởng niệm các nạn nhân phong trào
dân chủ Bắc Kinh, Thiên An Môn năm 1989. Bản án chính thức sẽ được
tuyên vào Thứ Hai 13/12/2021. Từ sau cuộc đàn áp đẫm máu người biểu tình
tại Thiên An Môn, Hồng Kông hàng năm vẫn tổ chức lễ canh thức tưởng
niệm các nạn nhân vào ngày mồng 4 tháng 6 tại công viên Victoria. Từ khi
Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia trên đặc khu hành chính, chính
quyền Hồng Kông coi đây là một cuộc tụ tập bất hợp pháp.

(Reuters) – Trung Quốc tăng thêm biện pháp trừng phạt kinh tế Litva. Bắc
Kinh cảnh báo các tập đoàn đa quốc gia có liên hệ với Litva hiện diện
tại Trung Quốc trước nguy cơ « bị trừng phạt ». Ngày 09/12/2021 Reuters
trích dẫn một quan chức Trung Quốc tiết lộ tin trên. Trước mắt bộ Ngoại
Giao Trung Quốc từ chối bình luận về khả năng « phạt » các tập đoàn quốc
tế giao thương với cả Trung Quốc lẫn Litva. Bắc Kinh tiếp tục bắt
Vilnius « trả giá » cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan. 

(RFI) – Huyền thoại bóng đá Brazil, Pelé, nhập viện trở lại. Bệnh viện Albert Einstein tại thành phố Sao Paulo hôm 08/12/2021 cho biết tình trạng sức khỏe của Pelé, 81 tuổi, hiện «ổn định». Danh thủ bóng đá Brazil này bị «một khối u ở đại tràng» và đang được điều trị. Tháng 9 vừa qua, ông đã được điều trị tại đây trong nhiều tuần lễ.

(AFP) – Facebook muốn cấm tài khoản của các doanh nghiệp Miến Điện do tập đoàn quân sự kiểm soát. Meta, công ty mẹ của mạng xã hội Facebook, ngày 08/12/2021 thông báo dự tính cấm tất cả các trang và tài khoản thuộc về những doanh nghiệp được quân đội Miến Điện ủng hộ. Hồi cuối tháng 02/2021, sau vụ quân đội Miến Điện đảo chính lật đổ chính quyền dân sự, Facbook đã xóa mọi tài khoản liên quan đến quân đội nước này và xóa mọi quảng cáo của các doanh nghiệp có liên quan đến tập đoàn quân sự.

(Focus Taiwan) – Đài Loan quan tâm đến việc tham gia vào khuôn khổ kinh tế mới cho khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mà
Hoa Kỳ đề xuất thực hiện đầu năm 2022. Tại một sự kiện ở Đài Bắc nhân
kỷ niệm 70 năm thành lập Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Đài Loan, tổng
thống Thái Anh Văn ngày 08/12/2021 nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Đài
Loan với tư cách một đối tác thương mại, trung tâm công nghệ của châu
Á. Trong khi đó, giám đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan cho biết Washington
đã quyết định tăng cường hợp tác với Đài Loan trong nhiều lĩnh vực kinh
tế và thương mại, từ chuỗi cung ứng đến các công nghệ mới.

(AFP) – Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trình bầy các ưu tiên trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu. Cuộc
họp báo của nguyên thủ Pháp dự kiến diễn ra vào 16 giờ ngày
09/12/2021. Paris bắt đầu giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu
từ ngày 01/01/2022, cùng thời gian với chiến dịch tranh cử tổng thống
Pháp. Đây sẽ là lần thứ 13 Pháp luân phiên làm chủ tịch Liên Âu.

(AFP) – Covid-19: Nhiều vùng tại nước Pháp khởi động lại «kế hoạch trắng» ở mọi bệnh viện công và tư. Đảo Corse là địa phương đầu tiên trong cả nước hồi tuần trước buộc phải tái khởi động kế hoạch trắng ở bệnh viện để đối phó với làn sóng dịch thứ 5. Hôm thứ Ba 07/12, đến lượt vùng Provence-Alpes-Côte-d’Azur ở miền nam, và hôm qua là các vùng Paris, Occitanie, Pays de la Loire và Bourgogne-Franche-Comté. «Kế hoạch trắng» đặc biệt liên quan đến việc lùi lịch phẫu thuật để tâp trung cứu chữa bệnh nhân Covid-19 và điều chuyển nhân viên y tế sang các khoa chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Tối hôm qua, Pháp ghi nhận có thêm 61.340 ca nhiễm thường nhật và 129 ca tử vong tại bệnh viện.

(Le Figaro) – Pháp phá vỡ một âm mưu Hồi Giáo cực đoan tấn công khủng bố vào dịp Giáng Sinh. Một nguồn tin tư pháp hôm 08/12/2021 cho báo Le Figaro biết hai thanh niên 23 tuổi đã bị bắt ở ngoại ô Paris và đang bị điều tra về việc phối hợp với những kẻ tội phạm khủng bố để mưu toan thực hiện một vụ tấn công bằng dao tại một nơi có rất đông người đến, chẳng hạn một trung tâm thương mại hay một khu phố buôn bán trong dịp Noel. Tại nơi ở của hai nghi phạm, lực lượng an ninh thu giữ được nhiều dao, điện thoai di động và máy tính chứa nhiều tài liệu truyền bá Hồi Giáo cực đoan.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211209-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p