Đại hội 13: Cần chuyển đổi dân chủ để tăng trưởng bền vững!

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đại hội 13: Cần chuyển đổi dân chủ để tăng trưởng bền vững!

Quí Bạn đọc thân mến,
Nhận thấy bài viết của tác giả có nhiều điểm đáng chú ý. Ðể mở rộng tầm nhìn về dân chủ hóa cho VN, Website Tân Ðại Việt cho trích đăng nhưng các quan điểm trình bày không nhứt thiết là quan điểm của Website. BBT

  ttt

Hình minh hoạ. Người dâm biểu tình phản đối Dự luật Đặc khu và An ninh mạng ở TP Hồ Chí Minh hôm 10/6/2018 AFP

Chuyển đổi dân chủ là quá trình
khó khăn và phức tạp. Thực tế ở nhiều quốc gia đang phát triển và các
công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng dân chủ có liên quan chặt chẽ với
phát triển bền vững. Trong đó quá trình tăng trưởng cao đến điểm giới
hạn và giảm dần là tất yếu và đòi hỏi sự chuyển đổi dân chủ để tìm kiếm
mô hình thay thế để phát triển bền vững.

Việt Nam với cơ chế đảng cộng sản toàn
trị với chính sách chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường cũng không thể
nằm ngoài xu hướng mang tính quy luật này. Tuy nhiên, cách tiếp cận và
hình thức chuyển đổi dân chủ bị chi phối bởi ý thức hệ và tính chuyên
chế khiến cho các giá trị dân chủ phổ quát bị từ chối. Điều đó giải
thích vì sao các quyền tự do hiến định không được thực thi, các nhà hoạt
động dân chủ, nhân quyền bị đe doạ và bị bắt giam.

Việc nghiên cứu vận dụng quá trình chuyển
đổi dân chủ một cách thiết thực, tránh ý thức hệ giáo điều ở Việt Nam
hiện nay là rất cấp thiết để tìm kiếm mô hình tăng trưởng bền vững trong
dài hạn.

Không gây ngạc nhiên

Chính quyền vừa bắt giữ nữ nhà báo độc
lập, nhà vận động cho dân chủ ở Việt Nam Phạm Đoan Trang vào tối ngày
6/10/2020. Cô bị truy tố về tội “tuyên truyền chống nhà nước”.

Đoan Trang có quá trình hoạt động từ khá
lâu và có ảnh hưởng không nhỏ trong nước cũng như hải ngoại. Cô từng là
sinh viên Đại học Ngoại thương, cơ sở đào tạo thuộc top đầu ở Việt Nam
và cao học ở Mỹ. Có hoàn cảnh khó khăn, bố mất sớm, nên đã vừa đi học và
đi làm để phụ giúp mẹ lo kinh tế gia đình. Cô từng cộng tác với một số
báo mạng trong và ngoài nước, viết bài và xuất bản một số đầu sách ở hải
ngoại về chủ đề dân chủ, tham gia các cuộc biểu tình ôn hoà bảo vệ môi
trường và phản đối sự vi phạm chủ quyền lãnh hải của tàu thuyền Trung
Quốc…

Động thái trên của nhà cầm quyền không
gây ngạc nhiên vì Đoan Trang đã từng bị cảnh báo, thậm chí bị bắt trong
các quá trình hoạt động, và cô đã chuẩn bị cho ngày này. Tuy nhiên, sự
việc diễn ra vào thời điểm Việt Nam vừa kết thúc đối thoại nhân quyền
với Hoa Kỳ khiến dư luận nghi ngại về động cơ chính trị. Giới quan sát
suy luận về việc nhà cầm quyền muốn giữ ổn định trước thềm Đại hội Đảng
cộng sản Việt Nam lần thứ 13, về thể hiện quyền lực phe phái hay gây sự
“chú ý” vì những mục đích “bí hiểm” khác, như “phép thử” hoặc “mặc cả”
về vấn đề quốc tế nào đó với một quốc gia nào đó…

Hình minh  hoạ. Nhà báo Phạm Đoan Trang và các cuốn sách do cô viết
Hình minh hoạ. Nhà báo Phạm Đoan Trang và các cuốn sách do cô viết

Không ít ý kiến lập luận rằng dân chủ
hoá, tự do và nhân quyền kiểu phương Tây là không có giá trị đối với
chế độ đảng toàn trị, trước hết, bởi vì quan niệm khác nhau về dân chủ,
và sau là sự lựa chọn cách tiếp cận, sự ưu tiên và hình thức chuyển đổi
dân chủ.

Như các trường hợp tương tự, một số tổ
chức bảo vệ dân chủ, nhân quyền và chính phủ Phương Tây cho rằng vụ việc
bắt giữ Phạm Đoan Trang ‘thách thức giá trị dân chủ’ và lên tiếng phản
đối. Tuy nhiên, việc chính quyền hạn chế quyền tham gia chính trị để giữ
‘sự ổn định’, kể cả bằng cách gieo rắc ‘nỗi sợ hãi’, khiến dư luận
không dám hoặc không thể bày tỏ công khai ‘nhu cầu về dân chủ’. Bị bao
phủ bởi tâm lý ‘việc ai nấy làm!’, chính quyền họ chẳng nghe, thậm chí
‘rước vạ vào thân’… liệu sự ổn định xã hội có là thực chất và kéo dài?

Tăng trưởng và dân chủ

Nhiều nghiên cứu lý luận và thực tế về
mối liên hệ giữa dân chủ và tăng trưởng kinh tế trong các quốc gia mới
nổi, đặc biệt ở châu Á, cho thấy rằng quá trình tăng trưởng cao trong
một thời kỳ có thể sẽ đạt “điểm tới hạn”, sau đó sẽ giảm dần, và sự
chuyển đổi dân chủ có vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm mô hình
thay thế để tăng trưởng bền vững.

Kinh nghiệm chuyển đổi của “các con hổ”
châu Á trong đó có Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Hồng kong cho thấy
các quốc gia và vùng lãnh thổ trên đã từng có thời kỳ vàng tăng trưởng
kéo dài khoảng gần một phần ba thế kỷ 20, thường xuyên đạt mức tăng
trưởng hai con số dựa chủ yếu vào việc huy động mọi nguồn lực để gia
tăng nhanh chóng ‘đầu vào’ về lao động, vốn, vv… và đẩy mạnh xuất khẩu.

Khi tăng trưởng kinh tế dựa trên “mồ hôi”
– theo cách gọi của Paul Krugman, theo quy luật đã suy giảm tác dụng
các con hổ châu Á đang điều chỉnh sang mô hình pha trộn với “sáng tạo”.
Kết quả cho thấy tỷ lệ của lao động trong tổng thu nhập quốc nội (GDP) giảm
xuống, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), một thước đo về năng suất
đã đóng góp nhiều hơn. Ngoài ra, GDP đầu người của “các con hổ” này vẫn
rất ấn tượng. Họ đều vượt qua bẫy thu nhập trung bình từ lâu và duy trì
sự ổn định về kinh tế.

Ngoài ra, Daron Acemoglu, giáo sư Viện
Công nghệ Massachusetts (MIT) và các đồng nghiệp đã tính toán rằng dân
chủ có thể làm tăng thêm khoảng 20% GDP đầu người của một quốc gia trong
dài hạn, bởi vì dân chủ khuyến khích sự sáng tạo, cởi mở và sự cam kết
đối với giáo dục và y tế, và ngoài ra, nó còn giúp xoa dịu tình trạng
bất ổn xã hội…

Cũng cần lưu ý rằng, quá trình chuyển đổi
là phức tạp và khó khăn. Các hình thức chuyển đổi tuỳ thuộc vào điều
kiện cụ thể của mỗi nước, có thể “từ trên xuống” một cách ‘hoà bình’ như
trường hợp Đài Loan, cũng có thể “từ dưới lên”, có thể có “bạo lực” như
Hàn Quốc,  nhưng đều phản ánh xu hướng tất yếu sau thời kỳ mô hình tăng
trưởng cao dựa trên “mồ hôi” giảm tác dụng.

Bài học quan trọng

Tôi chia sẻ ý kiến rằng, quá trình dân
chủ hoá đem đến sự ổn định thực chất và phát triển bền vững trong
dài hạn. Cân nhắc tình hình cụ thể của Việt Nam, có thể vận dụng mối
liên hệ giữa dân chủ và tăng trưởng để đánh giá giai đoạn tăng trưởng
theo chiều rộng và tìm kiếm mô hình tăng trưởng bền vững, trong đó
chuyển đổi dân chủ cần được xác định là một trụ cột quan trọng để cải
cách.

Trong những năm thập niên 1990 đã từng có
nhận định lạc quan rằng Việt Nam có thể trở thành “hổ” khi đạt tăng
trưởng kinh tế tương đối cao, tăng GDP
trung bình năm trên 7%. Hơn thế, quá trình này được hỗ trợ bởi các cải
cách quan trọng về thể chế và chính sách, đơn cử như ban hành các luật
doanh nghiệp, luật đầu tư nước ngoài … để hội nhập kinh tế khu vực và
quốc tế, như gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, bình thường hoá
quan hệ với Hoa Kỳ, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO…

Tuy nhiên,  nhiều cơ hội đã bị “bỏ lỡ” và
bị “tụt hậu” về kinh tế so với các nước trong khu vực, các quốc gia
ASEAN. Theo các chuyên gia, sự chậm chạp cải cách do bị níu kéo bởi ý
thức hệ giáo điều là nguyên nhân quan trọng của tình hình này. Quan điểm
kinh tế nhà nước nắm “vai trò chủ đạo” đã dẫn đến sai lầm của chính
sách tăng trưởng nóng vội dựa vào các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Hậu quả nặng nề là sự sụt giảm tăng trưởng và bất ổn kinh tế vĩ mô kéo
dài hơn một thậm niên sau đó, thậm chí cho đến nay chưa khắc phục xong,
điển hình là 12 đại dự án nhà nước làm ăn thua lỗ và xây dựng dở dang
kéo dài nhiều năm, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế…

Tóm lại, chuyển đổi dân chủ là một quá
trình mang xu hướng tất yếu cho các nước đang phát triển, trong đó có
Việt Nam. Vai trò của quá trình này càng trở nên quan trọng để tìm kiếm
mô hình phát triển bền vững sau thời kỳ tăng trưởng cao nhờ những cải
cách chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường. Một số động thái bị chi
phối bởi ý thức hệ giáo điều có thể đảo ngược được tính tất yếu của quá
trình chuyển đổi dân chủ?

Phạm Quý Thọ gửi từ Hà Nội – 2020.10.17

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do