Giáo hội Phật giáo nhà nước Việt Nam suy tôn Pháp chủ mới

Cac Bai Khac

No sub-categories

Giáo hội Phật giáo nhà nước Việt Nam suy tôn Pháp chủ mới

04/12/2021 – VOA Tiếng Việt – Giáo hội Phật giáo nhà nước vừa suy tôn lãnh đạo tinh thần tối cao đầu tiên là người miền Nam và từng thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tổ chức giáo hội độc lập vốn bị chính quyền ngăn cấm hoạt động.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, đương kim đệ nhất phó Pháp chủ
kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, đã được Giáo hội nhất trí suy tôn
làm ‘Quyền pháp chủ’ và sẽ được suy tôn chính thức làm Đệ Tứ Pháp chủ
tại kỳ Đại hội toàn quốc của Giáo hội vào năm tới, báo Giác Ngộ đưa tin.

Hòa thượng Thích Trí Quảng tại phiên họp bất thường của Hội đồng Chứng minh suy tôn hòa thượng là Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Hòa
thượng Thích Trí Quảng tại phiên họp bất thường của Hội đồng Chứng minh
suy tôn hòa thượng là Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Quyết định này đã được đưa ra tại phiên họp đặc biệt của Hội đồng Chứng minh hôm 1/12 tại chùa Vĩnh Nghiêm, thành phố Hồ Chí Minh, quy tụ hàng giáo phẩm cao cấp nhất để bàn về vị trí lãnh đạo tinh thần của Giáo hội vốn đã bị bỏ trống sau khi Đức Đệ Tam pháp chủ Thích Phổ Tuệ viên tịch hồi cuối tháng 10 ở tuổi 105.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động theo quy chế lưỡng viện gồm Hội
đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự. Hòa thượng Thích Trí Quảng từng làm
lãnh đạo cao cấp ở cả hai hội đồng ở cương vị phó chủ tịch và phó pháp
chủ.

Trước năm 1975, Hòa thượng Thích Trí Quảng, năm nay 84 tuổi, trưởng
thành từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở miền Nam. Sau khi lấy
bằng Tiến sỹ Phật học ở Nhật vào năm 1971, hòa thượng đã được Giáo hội
bổ nhiệm làm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Phiên dịch và Trước tác, Tổng vụ
trưởng Tổng vụ Thanh niên.

Hòa thượng Thích Trí Quảng là một trong những vị lãnh đạo của Giáo
hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt
Nam do chính quyền thành lập ngay từ những ngày đầu.

Về lý do suy tôn ông lên ngôi vị Quyền Pháp chủ, theo tờ trình được
đưa ra tại phiên họp đặc biệt do báo Giác Ngộ dẫn lại, thì Hòa thượng
Thích Trí Quảng ‘là người đã gắn bó với Giáo hội suốt 40 năm qua’, ‘có
nhiều cống hiến cho Giáo hội’, ‘có uy tín đối với tăng ni, Phật tử trong
và ngoài nước’, ‘có sức khỏe tốt, tinh thần minh mẫn’.

Toàn bộ 9 vị trưởng lão của Hội đồng Chứng minh có mặt tại phiên họp bất thường này trong số 16 thành viên còn tại thế đã ‘nhất trí 100%’ với đề cử này, cũng theo tường thuật của Báo Giác Ngộ.

Khi nhận được sự suy tôn, Hòa thượng Thích Trí Quảng đã thoái thác và được dẫn lời nói ‘Việc Tăng sai, tôi không dám từ chối nhưng trong lòng có nhiều suy nghĩ.” Tuy nhiên, sau khi được chư vị trưởng lão cung thỉnh một lần nữa thì Hòa thượng đã nhận lời.

‘Đóng góp cho Phật giáo Nhà nước’

VOA đã liên lạc Hòa thượng Thích Chí Viên, Đức Đệ lục Tăng thống, lãnh đạo cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, hiện đang trụ trì chùa Linh Phong ở Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, để hỏi phản ứng.

Nhắc lại việc Hòa thượng Thích Trí Quảng cả trước và sau năm 1975 là người của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cho đến năm 1980 khi Hoà thượng tham gia vào Ban vận động thống nhất Phật giáo, Hòa thượng Thích Chí Viên nói: “Ngài đã làm nhiều công việc lãnh đạo của giáo hội Nhà nước, đến nay thời gian cũng lâu rồi nên họ mới mời Ngài lên làm chức vị tối cao.”

Nhận định về đạo hạnh của Đức Quyền Pháp chủ, Đức Đệ lục Tăng thống cho biết: “Ở trong chùa quý Thầy ai cũng lo tu hết thôi. Mỗi người có một công hạnh, pháp môn riêng, ai cũng cầu cho mình được giác ngộ, giải thoát.”

Hòa thượng Thích Chí Viên lưu ý việc Hòa thượng Thích Trí Quảng từng là đại biểu Quốc hội, nhận được nhiều bằng khen, huân chương của chính quyền trong khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không cho phép tu sỹ tham gia vào chính trị.

“Sự đóng góp của Ngài là sự đóng góp cho Phật giáo Nhà nước chứ không phải đóng góp cho Phật giáo nước nhà vì Ngài nằm dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Tổ quốc và Ban Tôn giáo Chính phủ,” Hòa thượng Thích Chí Viên nói.

‘Khó lòng hòa hợp’

Về cơ hội hòa hợp giữa hai giáo hội khi một vị lãnh đạo tối cao của Giáo hội nhà nước từng trưởng thành dưới mái nhà Giáo hội độc lập, Đức Đệ lục Tăng thống nói ‘sẽ không có’.

“Nếu Hòa thượng Quyền Pháp chủ muốn hòa hợp với Giáo hội Phật giáo
Việt Nam Thống nhất thì không phải Ngài là người quyết định được mà do
Đảng và Nhà nước quyết định,” Hòa thượng Thích Chí Viên giải thích.

Nhắc lại việc suốt 45 năm qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không thể hội nghị, họp hành gì, ngay cả việc tự do đi lại cũng không, vị lãnh đạo tinh thần cao nhất của Giáo hội nói nếu chính quyền muốn hòa hợp thì ‘họ phải trả lại tư cách pháp lý cho Giáo hội’.

“Khi đó Giáo hội mới triệu tập Đại hội và sẽ có quyết định có để cho Đức Tăng thống gặp gỡ, nói chuyện với Đức Pháp chủ hay không,” Hòa thượng nói.

Từ Houston, Texas, Hòa thượng Thích Huyền Việt, Chủ tịch Văn phòng 2
Viện Hóa đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cũng cho rằng
cơ hội hòa hợp, hòa giải giữa hai giáo hội dưới thời Đức Pháp chủ mới là
‘zero’.

“Một đằng là giáo hội do Nhà nước dựng lên, một đằng là giáo hội dân lập – hoàn toàn khác biệt,” ông giải thích.

Hòa thượng Thích Huyền Việt cho biết trước năm 1975 ‘hàng hàng lớp lớp tăng ni, cư sỹ hay huynh trưởng đều tự hào về Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vì nó đại diện cho lịch đại tổ sư’ và lên án ‘những người chạy hùa về với Phật giáo quốc doanh để sau này được nhận ra là nhân tuyển lên làm lãnh đạo giáo hội quốc doanh’.

Ông chỉ trích những vị đã quay lưng là ‘sau năm 1975 chưa từng nói một tiếng nào bảo vệ cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là nơi mà các vị ấy trưởng thành’ và bây giờ ‘hoàn toàn đi về một hướng, trở thàng công cụ cho Đảng và Nhà nước Việt Nam’.

‘Bậc tòng lâm thạch trụ’

Nhận định về vị lãnh đạo tối cao mới của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thượng tọa-Tiến sỹ Thích Nhật Từ, phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam và là trụ trì chùa Giác Ngộ, thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng Hòa thượng Thích Trí Quảng ‘là ngôi sao bắc đẩu có nhiều đóng góp hơn các vị trưởng lão khác nên được cung thỉnh lên ngôi vị Pháp chủ là rất xứng đáng’. Thượng tọa Thích Nhật Từ đã điểm qua bốn lĩnh vực mà Đức Quyền Pháp chủ có đóng góp lớn là: hoằng pháp, ngoại giao, giáo dục và quản trị hành chính.

Theo đó, Hòa thượng Thích Trí Quảng đã có ‘mấy chục năm làm công việc hoằng pháp và đã tạo ra phong trào tăng ni trẻ nhập thế vào mọi ngõ ngách của cuộc sống ở khắp các tỉnh thành’, ông nói với VOA.

“Dù tuổi đã cao nhưng chỗ nào cần thuyết giảng Ngài đều không từ nan
nên là tấm gương lớn về hoằng pháp,” Thượng tọa Thích Nhật Từ nói.

Trên lĩnh vực ngoại giao, với cương vị là Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế của Giáo hội, Hòa thượng Thích Trí Quảng ‘đã có công kết nối Phật giáo Việt Nam với Phật giáo quốc tế qua những sự kiện như Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới, Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc’, cũng theo lời vị thượng tọa này.

Còn về giáo dục, trong 12 năm làm viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Hòa thượng Thích Trí Quảng đã phát triển học viện lên gấp đôi bao gồm 12 khoa ‘để giúp tăng ni sinh được đào tạo thêm nhiều chuyên môn để phụng sự nhân sinh’.

Về phương diện quản trị hành chính, khi còn là Trưởng Ban trị sự Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có cộng đồng Phật tử lớn nhất nước, Hòa thượng Thích Trí Quảng đã đề ra phương hướng phát triển ‘trí tuệ và tu tập đạo đức’, Thượng tọa Thích Nhật Từ nói thêm.

Hướng đi mới?

Ông cho biết yếu tố vùng miền không có ảnh hưởng gì trong việc suy tôn Hòa thượng Thích Trí Quảng sau ba đời Pháp chủ đều là người miền Bắc mà chủ yếu dựa trên các tiêu chí ‘đóng góp nhiều nhất, uy tín lớn nhất, sức khỏe tốt nhất, địa vị cao nhất (Đệ nhất phó Pháp chủ)’.

Khác với người tiền nhiệm là Đức Đệ Tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ vừa viên tịch, vốn sống đời sống ẩn dật, khổ hạnh, ‘lánh xa chốn phồn hoa’, ‘làm ruộng tự nuôi thân’, Đức Quyền Pháp chủ Thích Trí Quảng rất tích cực hoạt động xã hội, thường xuyên thuyết giảng, xây chùa, ra nước ngoài, giao lưu với Phật giáo quốc tế. Thậm chí ông còn có trang fanpage trên mạng xã hội.

Nhận định về việc này, Thượng tọa Thích Nhật Từ nói Giáo hội Phật giáo Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Thích Trí Quảng sẽ ‘xây dựng Giáo hội gần với con người hơn, khích lệ giới tăng ni trẻ dấn thân nhiều hơn nữa để phụng sự nhân sinh, giới thiệu hình ảnh Phật giáo trí tuệ qua bốn phương diện hoằng pháp, giáo dục, văn hóa và từ thiện’.

“Vai trò Pháp chủ của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng sẽ có nhiều đóng góp mới so với ba vị Trưởng lão Hòa thượng Pháp chủ trong mấy thập niên qua,” ông nói và cho biết hướng đi này ‘không chỉ đóng góp cho Phật giáo nói riêng mà còn đóng góp cho đất nước và con người Việt Nam nói chung’.

Hòa thượng Thích Trí Quảng xuất gia năm 10 tuổi và được thọ giáo với các bậc danh sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất như Thích Thiện Hoa, Thích Thiện Hòa, Thích Trí Tịnh, Thích Thiện Hào…

Hòa thượng Thích Trí Quảng còn là Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ. Viện
trưởng Viện Nghiên cứu Phật học. Hòa thượng đã xuất bản nhiều tác phẩm
Phật học như Chú giải Kinh Pháp Hoa, Chú giải Kinh Hoa Nghiêm, Chú giải
Kinh Duy Ma Cật…

Hòa thượng Thích Trí Quảng là trụ trì, viện chủ các ngôi chùa lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh như Tổ đình Ấn Quang, Việt Nam Quốc Tự đều ở Quận 10, chùa Huê Nghiêm Quận Thủ Đức, chùa Huê Nghiêm 2, Quận 2, Chùa Thanh Tâm, Bình Chánh. Ngoài ra, Hòa thượng còn là viện chủ chùa Linh Sơn Bửu Thiền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Tổ đình Linh Nguyên, tỉnh Long An.

https://www.voatiengviet.com/a/gi%C3%A1o-h%E1%BB%99i-ph%E1%BA%ADt-gi%C3%A1o-vi%E1%BB%87t-nam-suy-t%C3%B4n-ph%C3%A1p-ch%E1%BB%A7-m%E1%BB%9Bi/6338656.html