Ðiểm Báo Pháp – 3/12/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 3/12/21

Covid-19: Việt Nam cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động

03/12/2021 – Trọng Nghĩa – Báo chí Pháp ra ngày hôm nay, 03/12/2021 dĩ nhiên rất chú ý đến kết quả vòng 1 cuộc bầu cử sơ bộ chọn ứng viên tổng thống cho đảng cánh hữu truyền thống Những Người Cộng Hòa (LR) tại Pháp. Bên cạnh đó,  đà tiến đáng ngại của biến thể Omicron gây dịch Covid-19 cũng được quan tâm. Khai thác chủ đề hậu quả kinh tế của Covid-19, Le Monde đã có bài đặc biệt liên quan đến cách thức nhiều công ty tại Việt Nam đang sử dụng để khắc phục tình trạng thiếu nhân công.

Bài nói về Việt Nam đã được báo Le Monde lồng vào
trong một hồ sơ nói về tình trạng khan hiếm lao động tại Pháp nẩy sinh
từ lúc đại dịch Covid-19 bắt đầu hoành hành.

Ngay trên trang nhất, trong một khung nhỏ, tờ báo chạy tựa: “Ngành bán lẻ thiếu nhân công
và ghi nhận: “Kể từ khi đại dịch bùng lên, tiền lương (thấp) và điều
kiện làm việc (khó khăn) đã làn nản lòng những người đi xin việc. Tình
trạng thiếu lao động cũng được thấy tại các cửa hàng bán quần áo”.

Việt Nam: Đà tiến kinh tế bị Delta làm chựng lại

Riêng về Việt Nam, bài viết ở chuyên trang Kinh Tế & Doanh Nghiệp  ghi nhận trong hàng tựa: “Với dịch Covid, Việt Nam phải đối mặt với tình trạng thiếu công nhân”.
Le Monde giải thích ngay: “Nhà máy ở các khu công nghiệp vùng Thành Phố
Hồ Chí Minh đang phải vật lộn để lôi kéo trở lại những người lao động
gốc từ các tỉnh đã bỏ về quê sau khi phải chịu một thời gian phong tỏa
mệt mỏi từ đầu tháng Bảy đến cuối tháng Chín vừa qua.

Theo
Brice Pedroletti, thông tín viên Le Monde phụ trách Đông Nam Á, thì đầu
tầu kinh tế của Việt Nam, một trong những nền kinh tế hoạt động hiệu
quả nhất trong năm 2020 (đạt tỷ lệ tăng trưởng 2,9%), hiện đang tìm cách
tăng tốc độ sau khi đà tiến bị làn sóng biến thể Delta làm chựng hẳn
lại vào mùa hè vừa qua.

Hoạt động tại các nhà máy sản xuất hàng
cho các nước phương Tây như hàng may mặc hay đồ gia dụng, v.v. đã bị
gián đoạn nghiêm trọng do việc khu vực Thành Phố Hồ Chí Minh bị phong
tỏa nghiêm ngặt vào đầu tháng Bảy, và sau đó lại bị lâm vào tình trạng
thiếu lao động khi các quy định hạn chế đi lại được dỡ bỏ vào cuối tháng
Chín.

1,3 triệu lao động rời thành phố về quê tránh dịch

Nguyên
nhân dẫn đến tình trạng thiếu nhân công, theo Le Monde, rất rõ ràng:
Theo số liệu của chính quyền, đã có đến 1,3 triệu lao động đến từ các
vùng nông thôn đã trở về quê từ tháng 7 đến tháng 9. Trong số này có
nhiều người đã bị chấn động do những hạn chế rất nghiêm ngặt mà họ phải
chịu đựng.

Tại Thành Phố Hồ Chí Minh, không ai được phép ra ngoài,
quân đội phụ trách việc phân phát lương thực. Tiền lương công nhân đã
bị cắt giảm vì không còn giờ phụ trội… Những nhà máy duy nhất được phép
mở cửa là những nhà máy đã chọn phương thức cho công nhân của họ ở lại
tại chỗ làm, trong điều kiện khắc khổ. Tại một số nơi đã xuất hiện những
ổ dịch.

Theo Le Monde, kinh nghiệm không hay đó, kèm theo nỗi sợ
hãi dai dẳng về Covid-19 đã khiến cho nhiều lao động, sau khi rời thành
phố Hồ Chí Minh và các khu công nghiệp ở miền Nam, không còn muốn trở
lên thành phố làm việc, cho dù các nhà máy đã cố tìm cách chiêu dụ bằng
mức lương và phúc lợi xã hội tốt hơn.

Hãng tin Mỹ
Bloomberg tháng 11 vừa qua cho biết là một cơ sở làm việc cho hãng Nike
đã đề nghị thưởng thêm cho công nhân 100 đô la một tháng – tương đương
với một phần tư tiền lương – trong lúc một nhà cung cấp cho hãng New
Balance hứa hẹn sẽ đón miễn phí những người quay trở lại Thành Phố Hồ
Chí Minh.

Nhiều công ty được báo chí Việt Nam thăm dò ý kiến ​​cho
biết họ đã đề nghị mức lương 100% trong hai tháng thử việc đầu tiên của
lao động mới – so với mức 80% trong thời gian bình thường – và trợ cấp
cho phụ nữ mang thai và bà mẹ có con dưới 6 tuổi.

Chỉ có 18% cơ sở hoạt động 100% công suất

Theo
một cuộc khảo sát của Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố ngày
15/11, 45% thành viên được hỏi cho biết họ đang hoạt động ở mức 80%
công suất trở lên, chỉ có 18% trong số họ tự nhận là hoạt động được ở
mức100%. Bên cạnh Nike và New Balance, các thương hiệu Puma và Adidas
phụ thuộc rất nhiều vào sản xuất tại Việt Nam. Samsung cũng cho làm tủ
lạnh và máy rửa chén ở đó.

Nhìn chung, khoảng 80% đến 90% lao động
đã trở lại làm việc, nhưng tình trạng thiếu hụt lao động trong quý Tư
năm 2021 vẫn là gần 50.000 người cho Thành Phố Hồ Chí Minh và nhiều hơn
cho tỉnh Bình Dương, phía bắc thành phố. Trả lời hãng tin Anh Reuters,
phó chủ tịch Hiệp Hội Da Giày và Túi Xách Việt Nam cho biết nhiều đơn
đặt hàng cho mùa Giáng Sinh từ nước ngoài sẽ không được đáp ứng.

Sức
hấp dẫn của Việt Nam, và xung đột thương mại Trung-Mỹ, đã thúc đẩy một
số nhà thầu gia công Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản rời khỏi Trung Quốc
để qua Việt Nam, biến nước này thành công xưởng mới của thế giới – nhưng
vẫn còn ở quy mô khiêm tốn. 3,4% hàng hóa nhập khẩu của Mỹ đến từ Việt
Nam trong năm 2019, tăng 20% ​​so với năm trước. Tương tự như vậy, chỉ
có 2% nhập khẩu của châu Âu đến từ Việt Nam trong năm 2020, so với 22,4%
từ Trung Quốc. Hiện nay, điện thoại, máy tính và linh kiện điện tử
chiếm 33% hàng xuất khẩu của Việt Nam, hàng dệt may và giày dép 19%.

Bầu cử sơ bộ cánh hữu Pháp: Cuộc song đấu ngoài dự liệu

Như
nói ở trên, hồ sơ bao trùm báo Pháp hôm nay là kết quả cuộc bầu cử sơ
bộ chọn ứng viên tổng thống đại diện cho đảng Những Người Cộng Hòa LR.
Sự kiện này đã được hai tờ báo Le Figaro, thiên hữu, và Libération,
thiên tả, đưa lên thành tựa lớn trang nhất, dĩ nhiên với ảnh của hai
người về đầu được vào vòng 2.

Le Figaro nêu bật: “Ciotti và Pécresse đấu tay đôi để đại diện cánh hữu”.
Tờ báo giải thích: Dân biểu tỉnh Alpes-Maritimes – tức là ông Eric
Ciotti – và nữ chủ tịch vùng Ile de France – bà Valérie Pécresse – đã về
đầu nhân vòng đầu cuộc bầu cử sơ bộ của các đảng viên đảng LR. Người
chiến thắng sẽ được phân định vào vòng 2 thứ Bảy này.

Trong bài
phân tích bên trong mang tựa đề “Eric Ciotti và Valérie Pécresse được
vào vòng 2” cuộc bầu cử sơ bộ, Le Figaro ghi nhận là ba ứng viên thất cử
còn lại là Michel Barnier, Xavier Bertrand và Philippe Juvin đều lên
tiếng kêu gọi những người ủng hộ họ dồn phiếu cho nữ chủ tịch vùng Ile
de France.

Le Figaro: Cánh hữu đã có được ứng viên tốt

Tuy
nhiên, đối với với tờ báo, dù kết quả chung cuộc vào thứ bảy tới đây có
ra sao chăng nữa, thì cánh hữu vẫn có được một ứng cử viên tốt, có được
một đường lối tự do bảo thủ rõ ràng, không nhập nhằng với chủ nghĩa
Macron. Một ứng cử viên như bà Pécresse chẳng hạn, theo Le Figaro, sẽ đủ
sức trấn an và thuyết phục được các cử tri cánh hữu bị ông Macron quyến
rũ.  

Libération thì có cái nhìn phê phán hơn. Tờ báo chạy tựa “Pécresse-Ciotti: Đảng LR khắc khổ”.
Đối với tờ báo, dân biểu rất hữu khuynh của tỉnh Alpes Maritimes là
người chiến thắng bất ngờ của vòng đầu cuộc bầu cử sơ bộ. Ông sẽ phải
đấu với bà chủ tịch vùng Ile de France. Trong khi đó, theo Libération,
ông Xavier Bertrand, nhân vật cánh hữu luôn dẫn đầu trong các cuộc thăm
dò dư luận thì đã bị loại.

Libération: Sự vươn lên của Ciotti rất đáng lo ngại

Đối
với Libération, kết quả vòng 1 cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Những Người
Cộng Hòa cho thấy là thành viên đảng này rất dễ chấp nhận các lập luận
của phe cực hữu. Tờ báo nêu bật ví dụ là ông Eric Ciotti, người về đầu
nhân vòng 1 đã tuyên bố rằng ông không ngần ngại bỏ phiếu cho Eric
Zemmour nhân vật nặng đầu óc cực hữu đang lên tại Pháp nếu nhân vật này
lọt được vào vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống để tranh chức vụ tối cao với
ông Macron.

Theo Libération, dù Eric Ciotti không có nhiều triển
vọng chiến thắng nhân vòng hai cuộc bầu cử, nhưng với vị trí mà ông vừa
giành được, ông sẽ có ảnh hưởng không nhỏ, và đó chính là điều đáng lo
ngại.

Les Echos: Pécresse chiếm ưu thế dù về nhì

Nhật
báo kinh tế Les Echos cũng chú ý đến cuộc song đấu sắp diễn ra giữa hai
nhân vật cánh hữu trong đảng LR. Tương tự như đồng nghiệp Libération,
tờ báo cho rằng: “Pécresse có triển vọng nhiều hơn Ciotti”,

Theo
Les Echos, lợi thế của bà Pécresse đến từ việc bà được ba ứng viên thất
cử còn lại ủng hộ, trong lúc ông Ciotti, dù về nhất ở vòng 1, nhưng chỉ
với một tỷ lệ khít khao.

Tờ báo kinh tế Pháp tuy nhiên chỉ đề cập
đến thời sự chính trị Pháp trong một khung nhỏ, trong lúc tựa lớn trên
trang nhất được dành cho chủ đề Covid-19.

Châu Âu: Vấn đề bắt buộc tiêm chủng ngày càng được áp dụng

Trên nền xanh dương có ngôi sao biểu tượng của lá cờ Liên Hiệp Châu Âu, Les Echos ghi nhận “Bắt buộc tiêm chủng: Cuộc tranh luận đang dâng cao tại Châu Âu”.

Theo
tờ báo, sau nước Áo, đến lượt Đức sẵn sàng áp đặt chế độ bắt buộc tiêm
chủng ngừa Covid ngay từ tháng Hai năm tới, 2022. Trong khi đó thì chính
quyền Pháp cũng chủ trương đặt ưu tiên cho việc tiêm chích ngừa liều bổ
sung và áp dụng chế độ thông hành y tế.

Điều được Les Echos báo
động ngay trang nhất là việc, đã có ba trường hợp nhiễm biến thể Omicron
được phát hiện ngay tại Pháp, chứ không phải ở vùng hải ngoại xa xôi.
Tình hình lây lan của biến thể này đã khiến cho nỗi lo ngại gia tăng
trong những lãnh vực phải tiếp xúc nhiều với công chúng.

Pháp: Làn sóng bất bình của giới thẩm phán

Le Monde cũng nêu bật trên trang nhất một vấn đề thời sự Pháp, và chạy hàng tựa lớn “Tư Pháp: Phong trào phản đối của giới thẩm phán lan rộng”.

Theo
Le Monde, một diễn đàn kêu gọi cải thiện ngành tư pháp nước Pháp mà tờ
báo đã đăng ngày 23 tháng 11 vừa qua đã bất ngờ nhận được sự ủng hộ rộng
khắp, và tính đến ngày 01/12 đã được một nửa số thẩm phán Pháp ký tên
hậu thuẫn.

Đối với Le Monde, sau vụ một thẩm phán trẻ tự tử vào
tháng Tám vừa qua, một phong trào do thế hệ mới dẫn đầu đã bùng lên đòi
chấm dứt tình trạng “làm việc dây chuyền” trong các tòa án.

Làn
sóng hưởng ứng lời kêu gọi cải tổ trong diễn đàn mà Le Monde đăng tải đã
khiến chính quyền bối rối và khuấy động đại hội ngành tư pháp mà bộ
trưởng Eric Dupond-Moretti đề xướng.

Theo Le Monde, bốn tháng trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới 2022, phong trào bày tỏ thái độ bất bình càng lúc càng lan rộng, thu hẹp không gian hành động của chính phủ.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20211203-covid-19-vi%E1%BB%87t-nam-c%C5%A9ng-ph%E1%BA%A3i-%C4%91%E1%BB%91i-m%E1%BA%B7t-v%E1%BB%9Bi-t%C3%ACnh-tr%E1%BA%A1ng-thi%E1%BA%BFu-lao-%C4%91%E1%BB%99ng