Tin Trong Nước – 2/12/21
Bé trai ở Bình Phước tử vong sau tiêm vắc-xin
VnExpress – Bé trai 12 tuổi ở huyện Đồng Phú, sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 hôm 29/11 đã xuất hiện triệu chứng bất thường, được đưa vào bệnh viện cấp cứu, tử vong sáng nay.
Theo Sở Y tế Bình Phước, bé được tiêm vắc-xin Comirnaty của Pfizer
vào buổi chiều, về nhà tối ăn uống nghỉ ngơi, bắt đầu có triệu chứng
choáng, đau bụng, đi đại tiện, được gia đình đưa đến Bệnh viện Binh đoàn
16 cấp cứu. Sau đó bé tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Bình
Phước, rồi bệnh viện ở TP.HCM điều trị. Đến sáng nay, cháu bé không qua
khỏi.
Bình Phước tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi bằng
vaccine của hãng Pfizer (Mỹ), đến nay 98,1% người 16-17 tuổi đã được
tiêm mũi một.
Hai ngày trước, nam sinh 16 tuổi ở Bắc Giang tử vong sau khi tiêm vắc-xin. Một nữ sinh khác đang điều trị, nguy kịch.
Ngày 28/11, một học sinh ở Hà Nội tử vong sau một ngày tiêm vaccine. Hội đồng chuyên môn tại Hà Nội chưa công bố nguyên nhân.
13 bị cáo vụ Nhật Cường phải gánh 251 tỷ đồng tiền bồi thường
Dân Trí
– Sau hơn một ngày xét xử và nghị án, trưa 30/11, Tòa án Nhân dân cấp
cao (TAND) tại Hà Nội đã tuyên buộc 13 bị cáo phải bồi thường 251 tỷ
đồng. Đồng thời dành quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường của các bị cáo
với ông chủ Nhật Cường Bùi Quang Huy ở vụ án khác.
Theo bản án sơ thẩm, từ 2014 đến tháng 5/2019, Công ty Nhật Cường mua
2.502 đơn hàng với 254.364 sản phẩm của nhiều chủ hàng tại nước ngoài.
Công ty không nhập khẩu điện thoại qua đường chính ngạch mà chi 72,9 tỷ
đồng để thuê 9 đường dây vận chuyển trái phép từ Hong Kong về Việt Nam.
Tổng trị giá hàng hoá và chi phí tiền công vận chuyển hơn 3.000 tỷ đồng,
thu lợi hơn 221 tỷ đồng.
Các hoạt động mua bán hàng hoá từ nước ngoài của Nhật Cường không có
hoá đơn nên bị coi là buôn lậu. Huy còn chỉ đạo nhập nhiều số liệu trên
phần mềm để theo dõi nội bộ mà không đưa vào báo cáo thuế. Hành vi này
bị xác định gây thiệt hại cho nhà nước gần 30 tỷ đồng.
Sau hơn một ngày xét xử và nghị án, trưa 30/11, Tòa án Nhân dân cấp
cao (TAND) tại Hà Nội đã đưa ra phán quyết phúc thẩm đối với các bị cáo
có kháng cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ
kỹ thuật Nhật Cường (Cty Nhật Cường).
Cty Nhật Cường hoàn toàn là của Bùi Quang Huy nhưng Huy đã bỏ trốn;
hành vi của các bị cáo đã thực hiện giúp sức cho Huy hưởng lợi số tiền
bất chính. Tòa sơ thẩm buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm liên đới
bồi thường
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường
221 tỷ đồng thu lời bất chính từ hành vi buôn lậu, cụ thể: Trần Ngọc
Ánh: 69,5 tỷ đồng; Nguyễn Bảo Ngọc: 40 tỷ đồng; Đỗ Quốc Huy: 30 tỷ;
Hoàng Văn Phong: 10 tỷ đồng; Nông Văn Lư: 10 tỷ đồng; Đỗ Tất Khoa: 15 tỷ
đồng; Lê Hoài Phương: 5 tỷ đồng; Ngô Tuấn Sửu: 15 tỷ đồng; Ngô Đức
Tùng: 10 tỷ đồng; Phạm Văn Hiệp: 3 tỷ đồng; Bùi Quốc Việt: 2 tỷ đồng; Đỗ
Văn Dũng: 1,5 tỷ đồng; Nguyễn Bảo Trung: 10 tỷ đồng.
HĐXX phúc thẩm cũng buộc 2 bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng và Nguyễn Bảo
Ngọc liên đới bồi thường gần 30 tỷ đồng thiệt hại cho Nhà nước về hành
vi vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; trong đó, bị
cáo Ngọc bồi thường 16 tỷ đồng.
Tòa phúc thẩm dành quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường của các bị cáo với bị can Bùi Quang Huy ở vụ án khác.
Bắt một quyền Giám đốc ban quản lý hồ thủy lợi
NLĐ
– Ngày 30/11, Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã khởi tố vụ án, bắt tạm
giam ông Ngô Thông (SN 1967, trú phường Đông Ba, TP Huế) để làm rõ hành
vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”
Ông Thông là quyền Giám đốc BQL đầu tư và xây dựng Thủy lợi 5 thuộc Bộ NN&PTNT.
Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phát hiện dấu
hiệu vi phạm tại công trình hồ thủy lợi Tả Trạch – công trình quan trọng
về an ninh quốc gia (tại xã Dương Hòa, tx Hương Thủy).
Theo đó, ông Thông đã không bảo vệ, quản lý công trình hồ, mà để
phương tiện Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải vào đào xúc, vận chuyển đá
trong phạm vi bảo vệ 300m của công trình.
Thời gian từ 24/2/2021 đến ngày 19/3/2021, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn
Hải đã vận chuyển ra khỏi công trình hơn 2529m3 đá, gây thiệt hại cho
Nhà nước 315 triệu đồng.
Bộ Y tế giải thích lý do gia hạn sử dụng của vắc-xin Pfizer 3 tháng
Thanh Niên
– Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (NIHE) vừa phân bổ vắc xin phòng COVID-19
Pfizer, cấp 2,96 triệu liều vắc xin Pfizer 124001 và 113002 cho trung
tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành để triển khai tiêm chúng cho trẻ
em từ 12 – 17 tuổi. Theo giấy chứng nhận xuất xưởng vắc xin, sinh phẩm, 2
lô vắc xin này có hạn từ dụng ngày 30/11/2021.
Tuy nhiên NIHE cho hay, các lô vắc-xin trên sẽ có hạn sử dụng thêm 3
tháng so với hạn dùng ghi trên nhãn. Việc này căn cứ vào Văn bản số
12926/QLD-KD ngày 22/10/2021 của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế về việc tăng
hạn dùng của vắc-xin Comimaty (Pfizer) nhập khẩu về Việt Nam (áp dụng
hạn dùng mới là 9 tháng đối với các lô vắc xin có hạn dùng 6 tháng in
trên nhãn, tăng 3 tháng với hạn dùng in trên nhãn), thời gian áp dụng từ
ngày 22/10/2021.
Chủ xe phải trả phí dán thẻ không dừng sau 31/12
VnExpress – Theo quyết định của Chính phủ, sau 31/12, người dân phải trả phí khi dán thẻ thu phí không dừng đường bộ.
Ngày 30/11, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, với quyết
định trên, người dân chỉ còn một tháng để được gắn thẻ không dừng miễn
phí trên phương tiện; mức phí từ sau 31/12 là 135.000 đồng.
Cả nước hiện có hơn 2 triệu ôtô dán thẻ thu phí không dừng trong tổng
số 3,5 triệu xe, tuy nhiên, đến nay chỉ khoảng 60% phương tiện sử dụng
dịch vụ này.
Thêm 13.972 ca COVID-19
VnExpress – Trong 24 giờ qua, cả nước ghi nhận 13.972 ca nhiễm mới. Như vậy, hôm nay ghi nhận số ca nhiễm cao nhất tính từ đầu tháng 10.
Từ 17h30 ngày 29/11 đến 17h30 ngày 30/11 ghi nhận 197 ca tử vong,
riêng TP.HCM 76 ca. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là
25.252 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.238.082 ca nhiễm.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM 470.458 ca, Bình Dương 282.231, Đồng Nai 87.246, Long An 38.241, Tiền Giang 28.628 ca.
Thêm 14.508 ca COVID-19, cao nhất kể từ tháng 10
VnExpress
– Bộ Y tế cho biết từ 16 giờ ngày 30/11 đến 16 giờ ngày 1/12, trên Hệ
thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.508 ca nhiễm mới.
Từ đầu dịch đến nay, ngày ghi nhận số ca nhiễm cao nhất là 3/9 với
14.894 ca. Hôm nay là ngày ghi nhận số ca cao thứ hai (trừ các ngày cộng
bổ sung ca nhiễm). Các ngày công bố bù bao gồm 23/11 với 39.126 ca (do
bổ sung 28.000 ca ở Bình Dương); ngày 27/8 với 17.409 ca (bổ sung 4.508
ca ở Bình Dương); ngày 27/11 với 16.052 ca (bổ sung 3.004 ca ở Tây
Ninh).
Từ 17h30 ngày 30/11 đến 17h30 ngày 1/12 ghi nhận 196 ca tử vong,
riêng TP.HCM 68 ca. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là
25.448 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận 1.252.590 ca nhiễm. Các địa
phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM 472.133
ca, Bình Dương 282.873, Đồng Nai 87.755, Long An 38.323, Tiền Giang
29.357 ca.
Đề nghị kỷ luật Chánh thanh tra tỉnh dùng bằng giả
VnExpress
– Theo thông cáo phát chiều 1/12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết
đã xem xét báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật của Ban thường vụ Tỉnh ủy
Lào Cai, trong đó nhận thấy, Chánh Thanh tra tỉnh Đàm Quang Vinh đã
không trung thực trong việc báo cáo, kê khai lý lịch như việc ông Vinh
đã “sử dụng văn bằng không hợp pháp.
Trước đó, ngày 24/11, ông Vinh đã bị buộc thôi việc do dùng bằng tốt
nghiệp THPT giả. Ông Vinh là Ủy viên ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai
nhiệm kỳ 2020-2025, Bí thư Đảng ủy, Chánh thanh tra tỉnh Lào Cai.
Tàu cá chìm, 5 ngư dân mất tích
VnExpress – Tàu cá Nghệ An đang đánh bắt ở vùng biển Quảng Trị thì bị chìm, 5 ngư dân mất tích, một người may mắn thoát nạn.
Trưa 1/12, ngư dân Trần Văn Huy, 47 tuổi, người thoát nạn từ tàu cá
bị chìm, đã gọi điện về thông báo cho chính quyền xã Sơn Hải, huyện
Quỳnh Lưu.
Theo ông Huy, khoảng 10h ngày 30/11, tàu do ông Thái Bá Huy, 42 tuổi,
trú xã Sơn Hải, làm thuyền trưởng cùng 5 ngư dân đang đánh bắt ở vùng
biển Quảng Trị thì bị hỏng, sau đó chìm dần. 6 người rơi xuống biển. Ông
Huy được một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi phát hiện, cứu vớt, hiện đã
ổn định sức khỏe.
Ông Hoàng Sơn, Phó chủ tịch xã Sơn Hải, cho biết trong số nạn nhân
mất tích có 3 cha con, ông cháu gồm: Cha Thái Bá Tình, 69 tuổi; con Thái
Bá Huy, 42 tuổi và cháu Thái Bá Hòa, 18 tuổi.
Quảng Nam khuyến khích cán bộ mất uy tín chủ động xin nghỉ việc
Chiều 1.12, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết tỉnh vừa ban hành
bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CB,
CC, VC, NLĐ) trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên
địa bàn tỉnh. Trong đó đáng chú ý có yêu cầu “4 xin, 4 luôn” và nội dung
khuyến khích chủ động nghỉ việc nếu CB, CC, VC, NLĐ mất uy tín…
“4 xin, 4 luôn” gồm những gì?
NLĐ – Cụ thể, bộ quy tắc này quy định về quy tắc ứng xử chung, ứng xử trong thực thi công vụ, ứng xử trong các mối quan hệ xã hội.
Trong đó, yêu cầu CB, CC, VC, NLĐ giữ gìn đoàn kết nội bộ, xây dựng
môi trường làm việc dân chủ, kỷ cương; không phát tán, tung tin, bịa
đặt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác; không lạm dụng, không có
hành vi quấy rối người khác dưới mọi hình thức…
Quy tắc ứng xử chung trong thực thi công vụ, nhiệm vụ đề cập những
việc CB, CC, VC, NLĐ phải làm và không được làm. Phải tôn trọng, lắng
nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích rõ
ràng những thắc mắc của tổ chức, công dân.
Đặc biệt, phải thực hiện “4 xin, 4 luôn” gồm: xin chào, xin lỗi, xin
cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn
giúp đỡ.
Trong tiếp xúc với người dân, CB, CC, VC, NLĐ cũng được khuyến cáo nhiều nội dung.
Cụ thể, không có thái độ hoặc hành vi quan liêu, cửa quyền, hách
dịch, nhũng nhiễu, hạch sách người dân, gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt
người dân; gợi ý đưa tiền, nhận tiền, quà biếu hoặc nhận giải quyết
công việc bên ngoài cơ quan, ngoài giờ làm việc để trục lợi cá nhân.
Đồng thời, không được thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó
khăn, vướng mắc của tổ chức và công dân.
Bộ quy tắc cũng quy định về ứng xử của CB, CC, VC, NLĐ tại cơ quan,
đơn vị đối với người giữ chức vụ quản lý và không giữ chức vụ quản lý.
Trong đó, đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; không lợi
dụng vị trí công tác để trục lợi cá nhân. Chủ động xin thôi giữ chức vụ
khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín thấp…
Mưa lũ ở miền Trung xấp xỉ mức lịch sử năm 1993 và 2013
NLĐ
– Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai sáng
1-12, mưa lũ kéo dài trong những ngày qua Quảng Ngãi đến Phú Yên và khu
vực Tây Nguyên đã khiến hơn 59.000 nhà dân bị ngập, 4.700 hộ dân ở Tuy
An (Phú Yên) bị chia cắt, có nơi ngập sâu 1-2 m. Mưa lũ khiến 10 người
chết và mất tích, trong đó 6 người ở Phú Yên.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc
gia, cho biết đợt mưa lớn tại miền Trung sẽ kết thúc trong hôm nay.
Trước đó, mực lũ trên một số sông ở miền Trung đã trên báo động 3, trong
đó 2 điểm đạt xấp xỉ lũ lịch sử năm 1993 và 2013 là sông Kôn ở Bình
Định và sông Ba ở Phú Yên.
“Trong 10 ngày tới, khu vực miền Trung không có dấu hiệu xuất hiện
các đợt mưa lớn. Từ nay đến cuối năm, khả năng xuất hiện đợt mưa cực
đoan như những ngày qua là rất thấp”- ông Khiêm nói.
Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục Trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, đợt mưa này gần như là cuối cùng của năm 2021. Dù vậy các địa phương cùng ngành chức năng vẫn cần sẵn sàng tâm thế ứng phó nếu xuất hiện đợt mưa tiếp theo vì những ngày qua, các hồ chứa đã đầy nước, người dân mệt mỏi vì sản xuất và chăn nuôi thiệt hại nặng.
Thủy điện xả lũ gây ngập ở Phú Yên
VnExpress
– Những ngày qua, mưa lớn cộng với nhà máy thủy điện ở thượng nguồn xả
lũ lưu lượng lớn làm cho vùng hạ lưu sông Ba Hạ (Đà Rằng) bị ngập sâu,
ảnh hưởng đời sống người dân. Nhiều người cho rằng nước lũ lên nhanh,
một phần do thủy điện xả lũ nhưng không thông báo, khiến họ bị động,
không kịp trở tay.
Ông Trần Lý, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện sông Ba Hạ nói
những ngày qua xảy ra mưa lớn ở Tây Nguyên nên 2 thủy điện phía phía
trên thủy điện sông Ba Hạ xả lũ và chảy qua tràn quá lớn với tổng lượng
xả đạt 10.000 m3/s. Thủy điện sông Ba Hạ là thuỷ điện cuối cùng trong
bậc thang nên khi thượng nguồn xả nước quá lớn, nhà máy này phải xả
theo.
Trong ngày 30/11, thủy điện sông Ba Hạ nâng mức xả từ 4.000 m3/s lên
đến 9.000 m3/s, kéo dài trong khoảng 7 giờ. Điều này để điều tiết lượng
nước trong hồ chứa khi hai thủy điện trên cao xả lũ, nước đổ về dồn dập.
Theo ông Lý, việc hồ thủy điện sông Ba Hạ xả lũ với công suất lớn,
liên tục tăng lưu lượng phần nào gây ngập nhà dân dưới hạ du. Trước mắt,
công ty ghi nhận các trường hợp bị ảnh hưởng, thiệt hại trong lũ để có
hướng xử lý.
Thêm 13.698 ca COVID-19
Bộ Y tế cho biết từ 16 giờ ngày 1/12 đến 16 giờ ngày 2/12, trên Hệ
thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 13.698 ca nhiễm mới.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.266.288 ca nhiễm. Các địa
phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM
(473.871), Bình Dương (283.287), Đồng Nai (88.230), Long An (38.404),
Tây Ninh (30.125).
Từ 17h30 ngày 1/12 đến 17h30 ngày 2/12 ghi nhận 210 ca tử vong, riêng
TP.HCM 80 ca. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 25.658
ca.
Xe cấp cứu tông ôtô chở 9 người
VnExpress – Khoảng 5h20
sáng 2/12, tài xế Đỗ Văn Mỹ (34 tuổi, ở Bình Phước) lái ôtô cấp cứu chở
theo anh Mai Văn Dục (36 tuổi) chạy hướng tỉnh Đăk Nông đi Bình Phước.
Khi đến phường Nghĩa Phú, TP Gia Nghĩa, xe tông trực diện ôtô do
Trịnh Xuân Sơn (32 tuổi) cầm lái chở 9 cán bộ công ty truyền tải điện,
chạy hướng ngược lại.
Vụ tai nạn khiến tài xế Mỹ bị trật khớp háng, vỡ xương bánh chè gối
trái. Những người còn lại bị thương, xây xát nhẹ. Tại hiện trường, xe
cứu thương lao qua làn đường ngược chiều, đầu và cửa 2 ôtô bẹp dúm, vỡ
nát. Nguyên nhân ban đầu do xe cứu thương đi không đúng làn đường.
Thái Bình: Bắt phó công an và phó viện trưởng Viện kiểm sát huyện Vũ Thư
Tuoitre
– Trưa 2/12, đoàn công tác của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát tối cao
đã tống đạt các quyết định, dẫn giải bị can Nguyễn Đức Tuấn (36 tuổi,
phó trưởng Công an huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) ra khỏi trụ sở Công an
huyện Vũ Thư.
Cùng lúc, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát tối cao cũng tống đạt và
thực hiện lệnh bắt tạm giam với bà Phạm Thị Hiền (phó viện trưởng Viện
kiểm sát huyện Vũ Thư) và một kiểm sát viên của viện này là Nguyễn Hoàng
Hà.
Trước đó, bà Hiền và ông Hà đã bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ công tác điều tra về hành vi có dấu hiệu phạm tội “làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc”.
Trước đó, ngày 2/11/2020, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát tối cao đã
khởi tố bị can, bắt tạm giam hai cán bộ thuộc Công an huyện Vũ Thư, tỉnh
Thái Bình để điều tra do có liên quan đến vụ án đàn em của Đường “Nhuệ”
chém người gây thương tích nhưng không bị khởi tố để điều tra theo quy
định.
Hai bị can bị bắt giam khi đó là trung tá Hoàng Hồng Hạnh (42 tuổi,
đội trưởng đội thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an huyện Vũ
Thư) và thiếu tá Nguyễn Bằng Giang (39 tuổi, phó Công an xã Song An,
huyện Vũ Thư).
Hai bị can Hạnh và Giang bị khởi tố, bắt tạm giam vì có hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án thuộc thẩm quyền thụ lý, giải quyết tại thời điểm các bị can giữ vị trí là cán bộ Công an huyện Vũ Thư.