Tin Tổng Hợp – 26/11/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 26/11/21

(AFP) – Manila phản đối việc giải Nobel Hòa Bình Philippines đến Oslo nhận giải thưởng. Là một trong hai đồng khôi nguyên được trao tặng giải thưởng Nobel Hòa Bình 2021 nhà báo Maria Ressa, có thể sẽ không được phép xuất ngoại. Manila xem sự hiện diện của bà Ressa « không cần thiết ». Maria Ressa và đồng nghiệp Nga Dmitri Mouratov được trao giải Nobel Hòa Bình 2021 vì những đóng góp « bảo vệ quyền tự do ngôn luận».

(AFP) – Ngoại trưởng Nga-Mỹ tham dự cuộc họp của Tổ Chức An Ninh và Hợp tác Châu Âu OSCE. Trong cương vị nước chủ nhà, Thụy Điển hôm 26/11/2021 thông báo hai ông Antony Blinken và Serguei Lavrov cùng đến dự sự kiện được tổ chức vào tuần tới tại Stockholm. OSCE là một tổ chức hiếm hoi mà Nga và Mỹ cùng là thành viên, và cuộc họp sắp tới đây là lần đầu tiên từ 2017 ngoại trưởng hai nước cùng có mặt. 

(Reuters) – Ukraina tố cáo có âm mưu đảo chính với sự can dự của Nga. Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo ngày 26/11/2021 còn khẳng định rằng Ukraina kiểm soát hoàn toàn các đường biên giới. Ông tuyên bố : « Ukraina không chỉ đối mặt với những thách thức đến Liên bang Nga mà còn có một khả năng leo thang khác nữa. Chúng tôi đang có những thách thức nội bộ. Tôi nhận được thông tin theo đó một cuộc đảo chính sẽ xảy ra trong nước vào những ngày đầu tháng 12 này.»

(AFP) – Kirghizstan loan báo phá vỡ một kế hoạch đảo chính trước bầu cử.  Ngày 28/11/2021, Kirghizstan tổ chức bầu cử lập pháp. Ủy Ban An Ninh Quốc Gia nước này hôm 26/11/2021 thông báo đã bắt giữ 15 người bị tình nghi chuẩn bị thực hiện đảo chính. Theo giới chức Kirghizstan, những người này muốn huy động khoảng 1000 thanh niên hiếu chiến gây rối ngay khi có kết quả bầu cử vào Chủ Nhật, nhiều vũ khí đã bị tịch thu.  Năm 2020, nhiều cuộc biểu tình nổ ra, nhằm tố cáo tổng thống đắc cử, ông Sooronbai Jeenbekov đã gian lận kết quả bỏ biếu.

(AFP) – Nổ hầm mỏ tại Nga: 51 người chết. Vụ nổ xảy ra ngày 25/11/2021, lúc 8 giờ 30 tại khu mỏ Listviajnaia, vùng khai thác mỏ và công nghiệp Kemerovo, Sibéria. Trong số các nạn nhân, có 5 nhân viên cứu hộ. Tai nạn, được cho là do nổ khí methane, còn làm cho hàng chục người khác bị thương. Ba người, trong đó có giám đốc khu hầm mỏ, đã bị bắt do bị nghi ngờ thiếu tôn trọng các quy định an toàn công nghiệp.  

(Reuters) – Nhật Bản: Tường băng ngăn nước độc hại có dấu hiệu tan chảy ở Fukushima. Ngày 26/11/2021, công ty điện lực Tepco, chịu trách nhiệm xử lý phá hủy nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản, bày tỏ quan ngại về một phần của bức tường băng đang có dấu hiệu tan chảy. Bức tường nhằm ngăn chặn nước ngầm thấm vào nhà máy. Nếu tường tan chảy sẽ làm gia tăng lượng nước độc hại cần xử lý ở nhà máy này. Trước đó Nhật Bản đã cho phép xả hơn 1 triệu tấn nước ra biển sau khi qua xử lý. Quyết định này gây tranh cãi, vì nước được xả ra có chứa chất phóng xạ không thể loại bỏ được. 

(Bloomberg) – Trung Quốc yêu cầu hãng xe Didi hủy niêm yết tại Mỹ. Hôm 25/11/2021 Cục An Ninh Mạng Trung Quốc đã yêu cầu lãnh đạo cấp cao của Didi Global tiến hành kế hoạch rút niêm yết khỏi sàn chứng khoán New York, do lo ngại rò rỉ thông tin nhạy cảm. Việc rút niêm yết của Didi có thể làm dấy lên mối lo lắng về việc hàng loạt các công ty Trung Quốc khác bỏ đi.

(AFP) – UNESCO thông qua văn bản về đạo đức trí tuệ nhân tạo. Tổ chức văn hóa Liên Hiệp Quốc hôm 25/11/2021 cho biết đã thông qua một văn bản toàn cầu đầu tiên về đạo đức trí tuệ nhân tạo (AI). Các công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể sẽ rất hữu ích cho nhân loại và cuộc sống của mọi người, nhưng đồng thời cũng gây ra không ít lo ngại cơ bản về đạo đức.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211126-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

(AFP) – Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron thăm chính thức Croatia. Hôm qua, 24/11/2021, tổng thống Emmanuel Macron đã tới Croatia, mở chuyến viếng thăm đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Pháp từ năm 1991 tại quốc gia thuộc Nam Tư cũ này. Tổng thống Pháp có cuộc gặp với thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic nhằm đẩy mạnh mối quan hệ Pháp-Croatia cho đến nay còn khá hạn chế, nhất là về mặt kinh tế. 

( AFP ) – Úc gởi lực lượng duy trì hòa bình đến quần đảo Solomon. Lực lượng cảnh sát và quân đội Úc gồm 100 người được gởi đến quần đảo Solomon hôm nay, 25/11/2021, để giúp chặn đứng các vụ bạo loạn đang đe dọa chính phủ của quốc gia Thái Bình Dương này. Những người biểu tình đã xuống đường ở thủ đô Honiara bất chấp lệnh phong tỏa của chính phủ, để đòi thủ tướng phải từ chức.

(AFP) – Ngôi sao bóng đá Karim Benzema bị kết án. Hôm qua 24/11/2021, tiền đạo Karim Benzema của CLB Real Madrid đã bị kết án một năm tù treo và bị phạt 75.000 euro vì tội đồng lõa âm mưu tống tiền đồng đội cũ Mathieu Valbuena trong vụ tai tiếng video tình dục sextape.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211125-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

(Reuters) – Ấn Độ- Thái Bình Dương sẽ là một ưu tiên của Pháp khi làm chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu năm 2022. Tuyên bố trên được ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đưa ra hôm nay 24/11/2021 trong chuyến công du Indonesia. Riêng với Indonesia, ông Le Drian cũng nhấn mạnh Pháp đã cam kết có « quan hệ đối tác tăng cường » với quốc gia lớn nhất Đông Nam Á.

(NHK) – Trung Quốc và Nga đồng ý tăng cường tuần tra chung. Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc và Nga ngày 23/11/2021 trong cuộc hội đàm trực tuyến đã đồng ý tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước thông qua các cuộc tập trận, tuần tra chung và các hoạt động khác để bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi của đôi bên. Hai bộ Quốc Phòng Nga-Trung mới đây thông báo 4 máy bay ném bom của Trung Quốc và Nga đã tổ chức tuần tra ở Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông vào thứ Sáu 19/11/2021. Hồi tháng 10, tàu chiến của hai nước cũng đã tổ chức các cuộc tuần tra chung đầu tiên trong cùng khu vực. Theo các nhà quan sát, các hoạt động kiểu này có thể diễn ra thường xuyên hơn.

(RFI) – Thái Lan trục xuất các nhà đối lập Cam Bốt đang sống lưu vong. Kể từ đầu tháng 11/2021, chính quyền Thái Lan đã trục xuất các nhà đối lập Cam Bốt bất chấp việc họ đang được hưởng quy chế tị nạn và sẽ gặp nguy hiểm tính mạng nếu trở về nước. Thủ tướng Thái Lan viện dẫn thỏa thuận trao đổi tù nhân đã ký hồi năm 2018 với Phnom Penh, nhưng cách hành xử này của Bangkok bị Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tố cáo là vi phạm điều 33 của thỏa thuận Genève, bảo đảm bảo rằng không ai bị đưa trở lại nơi mà họ có nguy cơ bị bức hại thêm.

(AFP) – Samsung sẽ xây một nhà máy chế tạo chíp bán dẫn tại bang Texas, Mỹ. Tập đoàn Hàn Quốc ngày 23/11/2021 thông báo đầu tư 17 tỉ đô la xây nhà máy chíp điện tử tại Taylor, bang Texas. Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động trước cuối năm 2024 và sẽ tạo thêm hơn 2.000 việc làm trình độ cao. Trên Twitter, thống đốc bang Texas, Greg Abbott, hoan nghênh quyết định của Samsung và gọi đó là kế hoạch đầu tư nước ngoài trực tiếp lớn nhất từng được thực hiện tại bang này.     

(AFP) – Bản thảo viết tay của nhà bác học Albert Einstein được bán với giá cao lỷ lục: 11,6 triệu euro. Phiên đấu giá diễn ra tại Paris ngày 23/11/2021. Đây là bản thảo 54 trang về thuyết tương đối của nhà vật lý thiên tài viết năm 1913-1914 tại Zurich, Thụy Sĩ, cùng với cộng sự viên thân tín Michele Besso. Hai bản thảo được bán với giá kỷ lục trước đó của Einstein là « bức thư của Chúa » được mua với giá 2,4 triệu euro tại New York năm 2018 và một « bức thư về bí mật của hạnh phúc » bán với giá 1,39 triệu euro tại Jérusalem năm 2017.

(AFP) – Bầu cử Đức: Chiều 24/11/2021 ba đảng họp thông báo thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh mới. Cuộc họp diễn ra vào 15 giờ tại Đức (14 giờ GMT). Đảng Xã Hội-Dân Chủ SPD cùng đảng Xanh và cánh tự do FDP sẽ công bố « hợp đồng » điều hành đất nước, trình bày chi tiết chương trình hành động cho 4 năm tới của chính phủ mới. Theo dự kiến, ông Olaf Scholz, 63 tuổi, thuộc đảng SPD sẽ nhậm chức thủ tướng Đức vào đầu tháng 12/2021, khép lại 16 năm cầm quyền của bà Angela Merkel. Các cuộc thương lượng đã kéo dài gần 2 tháng qua, kể từ khi có kết quả bầu cử lập pháp tại Đức. 

(AFP) – Mỹ cung cấp hơn 4 triệu liều vac-xin cho Việt Nam. Một quan chức chính quyền Mỹ cho biết 4.149.990 liều vac-xin Pfizer đã được chuyển sang Việt Nam vào hôm qua 23/11/2021, nâng tổng số liều vac-xin mà Hoa Kỳ cung cấp cho Việt Nam lên 17.589.110 liều. 

(AFP) – Liên Hiệp Châu Âu yêu cầu Trung Quốc trả tự do nhà báo Trương Triển (Zhang Zhan). Hôm qua 23/11/2021, Liên Hiệp Châu Âu đã yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức trả tự do cho nhà báo Trung Quốc Trương Triển. Nhà báo này bị bắt giam vì đã quay phim cảnh thành phố Vũ Hán bị phong tỏa lúc Covid-19 bùng mạnh ở đây. Năm nay 38 tuổi, nhà báo Trương Triển đã tuyệt thực từ lúc bị kết án 4 năm tù vào cuối năm 2020 vì tội « gây rối trật tự công cộng », một lý do thường được đưa ra ở Trung Quốc nhằm chống lại các đối thủ chính trị. Anh trai của Trương Triển báo động là sức khỏe của cô rất yếu và có thể không còn sống được lâu nữa.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211124-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p