Tin Tổng Hợp – 23/11/21
Giáo sư Vũ Quốc Thúc qua đời
Theo tin từ gia đình, giáo sư Vũ Quốc Thúc vừa qua đời sáng hôm qua, 22/11/2021, tại Pháp, thọ 101 tuổi.
Sinh năm 1920, giáo sư Vũ Quốc Thúc là một kinh tế gia và một chính khách, không những có nhiều đóng góp trong lĩnh vực giáo dục ở miền nam Việt Nam trước năm 1975, mà còn từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa từ thời tổng thống Ngô Đình Diệm : Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia, Quốc vụ khanh đặc trách Tái thiết và Phát triển….
Đặc biệt, giáo sư Vũ Quốc Thúc còn là đồng tác giả hai bản phúc trình Stanley-Vũ Quốc Thúc (1961) và Phúc trình Lilienthal-Vũ Quốc Thúc (1968) về tái thiết Việt Nam thời hậu chiến. Ông còn viết rất nhiều sách và khảo luận về các vấn đề chính trị, kinh tế bằng tiếng Việt và tiếng Pháp.
Nhờ sự can thiệp của thủ tướng Pháp Raymond Barre, bạn cùng dự thi văn bằng Thạc sĩ khóa năm 1950 với ông, giáo sư Thúc đã được qua định cư tại Pháp năm 1978, sống tại Nanterre, ngoại ô Paris và làm giáo sư môn kinh tế tại Đại học Paris từ năm 1978 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1988.
Tập hồi ký của giáo sư Vũ Quốc Thúc có tựa đề “Thời đại của tôi”, gồm 2 cuốn “ Nhìn lại 100 năm lịch sử “, xuất bản năm 2009 và “Đời tôi trải qua các thời biến”, xuất bản năm 2010, đã được dịch sang tiếng Anh và được xuất bản tại Hoa Kỳ vào năm 2014.
Theo thông báo của gia đình, thánh lễ cầu nguyện cho giáo sư Vũ Quốc Thúc sẽ được cử hành ngày 25/11/2021 lúc 11 giờ tại Giáo xứ Việt Nam tại Paris, 2 Villa des Epinettes 75017 Paris. Lễ hóa táng sẽ được cử hành ngày 1/12/2021.
RFI Tiếng Việt xin thành kính chia buồn với gia đình giáo sư Vũ Quốc Thúc.
Thanh Phương
Nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc tăng cao kỷ lục
Theo NTD, dữ liệu công bố hôm thứ Ba (23/11) từ Bộ Tài chính Trung Quốc cho thấy, tổng số dư nợ của chính quyền các địa phương ở Trung Quốc đã lên tới 30 nghìn tỷ nhân dân tệ trong 10 tháng đầu năm nay, đây là mức cao kỷ lục.
Dữ liệu cũng cho thấy, gần một nửa số nợ mới được dùng để trả nợ cũ. Ngoài ra, tổng số nợ tiềm ẩn (Contingent Liability) của các chính quyền địa phương đã lên tới hơn một nửa quy mô kinh tế của Trung Quốc.
Chuyên gia tài chính Chen Youcheng nói với RFA rằng các chính quyền địa phương ở Trung Quốc dựa vào bốn nguồn thu: thuế, lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước, phát hành trái phiếu và tiền phạt do chính phủ áp đặt. Tuy nhiên, gần đây, thị trường bất động sản suy giảm và các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid đã ảnh hưởng lớn tới nguồn thu của các địa phương.
Chen nói: Nguồn tài chính từ đất đai mà chính quyền địa phương dựa vào giờ đã sụt giảm. Chính quyền địa phương không còn cách nào, và vay mượn là cách duy nhất có thể để bù đắp cho các khoản thu bị thiếu hụt.
Chuyên gia tài chính Gong Shengli cho rằng khó khăn tài chính của các địa phương ở Trung Quốc đang gặp phải có thể là trầm trọng nhất từ trước tới này. Ông nhận định, rất khó để đảo ngược tình hình nợ nần của các địa phương ở Trung Quốc trong ngắn hạn và tình trạng này sẽ còn tiếp tục trong ít nhất 20 năm tới.
Số liệu do Bộ Tài chính Trung Quốc công bố công khai chỉ là số liệu được cung cấp trong bảng cân đối kế toán của các chính quyền địa phương, các khoản nợ tiềm ẩn lớn hơn không được bao gồm trong đó.
Vào tháng 9 năm nay, ngân hàng đầu tư đa quốc gia và công ty dịch vụ tài chính Goldman Sachs đã công bố một báo cáo cho biết, tổng số nợ tiềm ẩn của các địa phương ở Trung Quốc đạt 53 nghìn tỷ nhân dân tệ vào cuối năm ngoái, tương đương 52% GDP của Trung Quốc, và con số này cao hơn mức dư nợ chính thức của chính quyền địa phương.
https://www.dkn.tv/the-gioi/no-cua-cac-chinh-quyen-dia-phuong-o-trung-quoc-tang-cao-ky-luc.html
Lithuania cho mở VP đại diện Đài Loan và còn diễn giải khác về ‘Một nước Trung Hoa’
Không chỉ để Đài Loan mở văn phòng đại diện mang tên đúng như vậy chứ không phải là ‘Đài Bắc’, Lithuania còn đưa ra cách diễn giải khác Trung Quốc về nguyên tắc ‘Một nước Trung Hoa’.
Nước cộng hòa hậu Xô-Viết ở vùng Baltic, thành viên Liên hiệp châu Âu, chính thức cho Đài Loan mở văn phòng đại diện.
Họ chỉ “lấy làm tiếc” trước tin Trung Quốc hạ mức quan hệ ngoại giao xuống dưới cấp đại sứ để tỏ thái độ.
Tên và cờ Đài Loan
Tấm biển của cơ quan đại diện Đài Loan tại Vilnius ghi tiếng Anh ‘The Taiwanese Representive Office in Lithuania’ và có cờ ‘thanh thiên bạch nhật’ của Đài Loan, tức Trung Hoa Dân Quốc.
Theo BBC, đây là “đại sứ quán trên thực tế (de facto embassy) của Đài Loan ở Lithuania, và cũng là văn phòng đại diện mới nhất của Đài Loan ở châu Âu sau 18 năm.
Điều đáng nói là dù Trung Quốc hạ mức quan hệ với Lithuania, nước châu Âu này vẫn nói họ tôn trọng “chính sách một nước Trung Hoa”.
Theo Lithuania thì văn phòng đại diện của Đài Loan không phải là đại sứ quán.
Thủ tướng Lithuania, bà Ingrida Simonyte nói nước bà muốn tăng cường quan hệ “kinh tế, văn hóa và khoa học với Đài Loan”, theo Reuters.
Một văn phòng tương tự của Lithuania sẽ được mở ở Đài Loan cuối năm nay, theo các báo xứ Đài.
Bà Simonyte cũng cho rằng điều này không hề trái với chính sách “Một nước Trung Hoa”, hiểu theo nghĩa các nước ủng hộ chính sách này chỉ công nhận có “một chính phủ Trung Quốc về ngoại giao”.
Thế nhưng, chính sách này khác với nguyên tắc “Một nước Trung Hoa”, theo cách diễn giải của Trung Quốc.
Đó là Trung Quốc coi Đài Loan “là phần lãnh thổ không thể tách rời của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
Tương tự, hôm 22/11, người phát ngôn Ủy ban châu Âu (European Council) nói cơ quan này không coi việc Đài Loan mở văn phòng đại diện ở Lithuania là sự vi phạm chính sách “một Trung Quốc”.
Cách diễn giải này nếu lan rộng, sẽ là một thách thức cho ông Tập Cận Bình vốn đặt quá nặng vấn đề thống nhất với Đài Loan, cho dù trên thực tế TQ chưa hề quản trị hòn đảo này ngày nào từ 1949.
Hoa Kỳ nói họ ủng hộ cách Lithuania, quốc gia chỉ có 2,8 triệu dân, “đối chọi lại Trung Quốc”.
Hôm 21/11, Trung Quốc vừa nói họ rút đại sứ về nước và chỉ để cấp đại biện là đại diện ngoại giao cao nhất ở Lithuania.
Tuy ít dân, Lithuania từng tỏ ra không sợ nước lớn, kể cả khi họ mất độc lập.
Hành động của một nước nhỏ đôi khi có thể tạo hiệu ứng lan rộng mà các đại cường không ngờ được.
Hơn 30 năm trước, vào tháng 1/1991, người dân Lithuanian vùng lên phản kháng và bị quân Liên Xô bắn giết, gây ra sự kiện Tháng Giêng Đen, góp phần làm hệ thống Xô Viết sụp đổ.
Lithuania là nước cộng hòa thành viên đầu tiên tách khỏi Liên bang Xô-Viết sau sự kiện tháp truyền hình Vilnius bị đặc nhiệm Liên Xô tấn công, giết chết 14 người.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-59377689
Nhà Trắng: Biden dự định tái tranh cử năm 2024
Reuters – Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dự định tái tranh cử vào năm 2024, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki nói với các phóng viên hôm 22/11, theo Reuters.
Tỉ lệ ủng hộ của công chúng đối với Tổng thống Biden, 79 tuổi, sụt giảm trong những tháng gần đây khiến một số đảng viên Dân chủ đặt nghi vấn liệu ông có nên tranh cử thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa hay không.
“Có. Đó là ý định của ông ấy,” bà Psaki nói khi ông Biden đang trên máy bay Air Force One để đến dự Lễ Tạ ơn với các binh sĩ Mỹ ở căn cứ Fort Bragg, bang North Carolina.
Các đảng viên Dân chủ choáng váng sau khi bị đảng Cộng hòa đánh bại trong cuộc bầu cử bang Virginia hồi đầu tháng này, và chỉ thắng được sít sao tại bang New Jersey.
Có những câu hỏi nêu lên về khả năng Phó Tổng thống Kamala Harris ra tranh cử năm 2024 nếu như ông Biden quyết định không tái tranh cử. Một cuộc thăm dò gần đây của tờ US TODAY / Đại học Suffolk cho thấy tỉ lệ ủng hộ cho công việc phó tổng thống của bà là 28%.
Ông Biden được kiểm tra sức khỏe lần đầu tiên hôm 19/11 kể từ khi lên nhậm chức vào tháng 1/2021. Các bác sĩ phát hiện ông có dáng đi cứng đờ và ông hay bị ho là do bị trào ngược axit. Các bác sĩ cho biết ông đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc.
Triển vọng chính trị của ông Biden dường như được nâng lên vào tuần trước khi Quốc hội thông qua kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ đôla. Và ngân sách 2 nghìn tỷ đôla cho hệ thống an sinh xã hội đang được thảo luận.
https://www.voatiengviet.com/a/nha-trang-ong-biden-du-dinh-tai-tranh-cu-nam-2024/6324369.html
(AFP) – Ngoại trưởng Pháp công du Indonesia. Trong chuyến thăm Indonesia hai ngày 23 và 24/11/2021, ông Jean-Yves Le Drian sẽ tiếp kiến tổng thống Joko Widodo, làm việc với đồng nhiệm Retno Marsudi và các bộ trưởng Quốc Phòng và bộ Hàng Hải. Hai bên sẽ ký một kế hoạch hành động để “tăng cường quan hệ đối tác” song phương, gồm ba vế chính trị, kinh tế và quân sự với các cuộc tập trận chung và chống khủng bố. Bộ Ngoại Giao Pháp cho biết các cuộc đàm phán về bán chiến đấu cơ Rafale cho Indonesia cũng sẽ được đề cập. Indonesia cũng cần tàu ngầm, tàu hộ tống và các trang thiết bị quân sự khác trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Bắc Kinh ở Biển Đông.
(REUTERS) – Biển Đông: Tàu của Philippines hoạt động trở lại sau va chạm với Trung Quốc. Vào hôm 21/11/2021,Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết, nhiệm vụ tiếp tế quân sự cho quân đội nước này tại bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) sẽ tiếp tục tiến hành vào tuần này, sau khi bị hủy bỏ vào tuần trước khi bị lực lượng hải quân Trung Quốc chặn lại.
(REUTERS) – Đài Bắc tố cáo Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự nhắm đến Đài Loan. Theo bộ Quốc Phòng Đài Loan, tổng cộng có chín chiến đấu cơ của không quân Trung Quốc đã xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan ngày 21/11/2021 : Hai máy bay ném bom H-6 đã bay trên kênh Ba Sĩ (Bashi), còn những chiến đấu cơ khác bay gần quần đảo Đông Sa (Pratas). Trong hai ngày trước đó, máy bay của Trung Quốc cũng đã xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.
(NIKKEI ASIA) – Doanh nghiệp Nhật tẩy chay bông Tân Cương. Doanh nghiệp dệt may Sanyo Shokai và TSI Holding thông báo ngày hôm nay, 22/11, quyết định chấm dứt việc sử dụng bông được sản xuất ở khu tự trị Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương phía tây Trung Quốc. Nguyên do là vì các báo cáo về lao động cưỡng bức và vi phạm nhân quyền gia tăng trong khu vực này, nơi sản xuất một số loại bông cao cấp nhất thế giới. Trước đó, các công ty thời trang quốc tế như HM, Adidas và Hugo Boss cũng xác nhận ngừng sử dụng bông của Tân Cương.Quảng cáo https://fcfbf1c3b4014ced92f5040a7e422350.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-38/html/container.html
(AFP) – Afghanistan : Taliban kêu gọi ngừng phát sóng chương trình có diễn viên nữ. Theo tài liệu được bộ Khuyến khích Đạo đức và Phòng chống tội ác gửi đến các cơ quan truyền thông, “các đài truyền hình phải tránh phát sóng những bộ phim truyền hình có phụ nữ đóng”. Theo một người phát ngôn của bộ này, được AFP trích ngày 21/11/2021, “đây không phải là quy định mà là những hướng dẫn tôn giáo”. Trước đó, các đài truyền hình Afghanistan cũng được kêu gọi tránh các chương trình “đi ngược với những giá trị Hồi Giáo và của Afghanistan”.
(AFP) – Ông Roumen Radev được bầu lại làm tổng thống Bulgari. Chiến thắng ngày 21/11/2021 (với khoảng 63-65% số phiếu) còn củng cố thêm vị trí của đảng “Chúng ta Tiếp tục Thay đổi” của ông Radev, cũng về đầu trước đó một tuần trong cuộc bầu cử Quốc Hội. Ông Radev, 58 tuổi, cựu phi công chiến đấu và là cựu lãnh đạo quân lực, tái đắc cử với lời hứa kết thúc nhiệm vụ “thay đổi”, chống tham nhũng ở Bulgari.
(AFP) – Bầu cử Venezuela: Đảng của tổng thống Maduro giành chiến thắng áp đảo. Dù phe đối lập lần đầu tiên tái nhập chính trường từ 4 năm nay, phe cầm quyền vẫn chiếm được 20 trên 23 vị trí thống đốc và đô trưởng Caracas. Theo kết quả chưa đầy đủ công bố tối 21/11/2021, phe đối lập, bị chia rẽ, giành được ba bang : đảo Nueva Esparta, Cojedes và Zulia (bang sản xuất dầu khí đông dân nhất nước). Có 8,1 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu (41,8%). Kết quả chính thức sẽ được công bố ngày 23/11.
(AFP) – Bầu cử tổng thống Chilê: Hai ứng viên cánh tả và cực hữu vào vòng hai. Các chính đảng truyền thống của Chilê bị thất bại trong cuộc bầu cử vòng 1 ngày 21/11/2021. Ứng viên cực hữu José Antonio Kast (55 tuổi) và ứng viên Gabriel Boric (35 tuổi) của liên minh cánh tả Apruebo dignidad, đã vượt qua 5 ứng viên khác, để tranh cử trong vòng hai diễn ra ngày 19/12. Ngoài bầu cử tổng thống, 15 triệu cử tri Chilê cũng đã bỏ phiếu bầu lại toàn bộ Hạ Viện, một nửa Thượng Viện và các Hội đồng vùng.
(AFP) – Mỹ: Chính quyền bang Wisconsin điều tra vụ ô tô đâm vào đoàn diễu hành Giáng Sinh. Vụ việc xảy ra chiều 21/11/2021 ở thành phố Waukesha, khiến 5 người thiệt mạng và 40 người bị thương. Cảnh sát thành phố cho biết đang tạm giam một nghi phạm, chiếc xe gây án đã được tìm thấy và vẫn đang tìm hiểu động cơ. Theo một số nhân chứng, chiếc xe hơi SUV xuất hiện sau một nhóm nhạc công học sinh đang diễu hành, đâm vào hơn 20 người. Nhà Trắng chia buồn với gia đình nạn nhân của “thảm kịch” này và cho biết sẽ hỗ trợ nếu bang Wisconsin và thành phố Waukesha thấy cần thiết.
(YONHAP) – Ban nhạc Hàn Quốc BTS giành ba giải thưởng tại sự kiện AMA 2021. BTS trở thành nhóm nhạc/nghệ sĩ châu Á đầu tiên được trao giải Nghệ sĩ của Năm trong buổi lễ trao Giải thưởng AMA nhạc Mỹ diễn ra tối 21/11/2021 tại Nhà hát Microsoft, Los Angeles, Mỹ. Hai giải thưởng khác là Nhóm nhạc Pop được yêu thích nhất (Favorite Pop Duo or Group) và Ca khúc Pop được yêu thích nhất (Favorite Pop Song) cho bài hát Butter. Tại ÂM 2021, BTS và ban nhạc Coldplay lần đầu tiên trình diễn trực tiếp ca khúc My Universe, phát hành ngày 24/09.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211122-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
(AFP) – Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines cáo buộc lực lượng tuần duyên Trung Quốc “đe dọa và quấy rối” nhân viên hải quân Philippines. Hôm nay, 23/11/2021, bộ trưởng Delfin Lorenzana tố cáo vụ 3 người trên tàu tuần duyên Trung Quốc quay phim và chụp ảnh hoạt động bốc dỡ hàng hóa của tàu Philiipines tại bãi cạn Second Thomas, thuộc quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp. Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
(SCMP) – Liên Hiệp Châu Âu (EU) phản đối Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu của Philippines. Vụ việc xẩy ra ở bãi Cỏ Mây, vùng có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, ngày 18/11/2021. Hôm qua 22/11/2021, EU đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ đối với “bất kỳ hành động đơn phương nào gây nguy hiểm cho hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, cũng như trật tự dựa trên luật lệ quốc tế”.
(New Strait Times) – Covid-19: Các tỉnh phía nam Việt Nam thắt chặt lại những hạn chế. Do số ca nhiễm mới gia tăng, thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu đóng cửa tất cả quán bar, nhà hàng, sau khi cho phép mở cửa lại trong hai ngày vào tuần trước. Các tỉnh như Tây Ninh, Vĩnh Long, Bình Thuận, đã tạm ngưng tất cả các dịch vụ không cần thiết. Việt Nam đã ghi nhận hơn 1 triệu ca nhiễm Covid-19, những ngày gần đây số ca nhiễm mới lên đến 9.000-10.000 ca/ngày.
(CVN) – Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính thăm chính thức Nhật Bản. Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Nhật Bản từ ngày 22 đến ngày 25/11. Qua chuyến thăm, Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản để mở ra một giai đoạn phát triển mới, hiệu quả hơn cho quan hệ hai nước trong nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, an ninh quốc phòng. Publicité
(Reuters) – Cựu lãnh đạo nhóm ủng hộ độc lập cho Hồng Kông bị kết án 43 năm tù giam. Tony Chung hôm nay 23/11/2021 bị kết tội ly khai và rửa tiền. Thanh niên 20 tuổi này đã bị chính quyền Hồng Kông bắt giữ hồi tháng 10/2020 chiếu theo luật an ninh quốc gia mới. Tòa án Hồng Kông buộc tội Tony Chung đã chủ động tổ chức, lên kế hoạch và triển khai các hoạt động để tách Hồng Kông khỏi Trung Quốc.
(Reuters) – Trung Quốc siết chặt việc đưa tin trên internet về các «ngôi sao». Cơ quan quản lý mạng Trung Quốc hôm nay, 23/11/2021, loan tin sẽ điều chỉnh chặt chẽ hơn nữa việc đưa tin trên mạng internet về các nhân vật nổi tiếng, kể cả việc đăng tải thông tin cá nhân của họ và vị trí đăng tin trên trang web. Cơ quan quản lý mạng Trung Quốc cho biết việc này là nhằm tạo một môi trường mạng “tích cực và lành mạnh”, bởi việc theo đuổi chuyện phiếm về các ngôi sao tác động đến các “giá trị chủ đạo” của nước này.
(AFP) – Trung Quốc kêu gọi không “chính trị hóa” và “phóng đại” vụ Bành Súy. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Trịnh Lập Kiên, hôm nay, 23/11/2021, trả lời ngắn gọn về vụ Bành Súy cáo buộc cựu lãnh đạo Trung Quốc lạm dụng tình dục. Ông cho rằng cần phải ngừng nói về vấn đề này, vì nó phục vụ mục đích thù địch, và nhất là khi biến vụ việc thành một “vấn đề chính trị”. Trước đó Vương Nghị đã từ chối phát ngôn, vì vụ Bành Súy “không nằm trong lĩnh vực ngoại giao”.
(Yonhap) – Nhà cựu độc tài Hàn Quốc Chun Doo-Hwan qua đời. Cai trị đất nước từ năm 1980 đến 1988, cựu lãnh đạo độc tài Hàn Quốc, ông Chun Doo Hwan vừa qua đời tại nhà riêng hôm nay, 23/11. Dưới thời ông lãnh đạo, chính quyền đã tra tấn nhiều nhà bất đồng chính kiến và đàn áp tự do ngôn luận. Tiêu biểu là cuộc đàn áp ở Gwangju, đã làm 200 người thiệt mạng. Năm 1987, nhiều cuộc biểu tình lớn chống lại chế độ của ông đã buộc ông phải từ chức, khôi phục nền dân chủ. Ngay cả khi đã rời bỏ quyền lực, Chun Doo-Hwan vẫn là một trong những nhân vật bị căm ghét nhất ở Hàn Quốc.
(AFP) – Lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) thảo luận với Teheran về hồ sơ hạt nhân Iran. Ông Grossi đến Iran trong bối cảnh hôm thứ Tư tuần trước AIEA cho biết trữ lượng uranium mà Teheran làm giàu đã tăng mạnh. Cuộc thảo luận mở ra vào hôm nay 23/11/2021 tại Teheran, một tuần trước khi phái đoàn Iran và các cường quốc nối lại đàm phán tại Vienna vào ngày 29/11/2021.
(RFI) – Thủ tướng Pháp Jean Castex nhiễm Covid-19. Thông tin được phủ thủ tướng Pháp loan báo tối 22/11/2021. Xét nghiệm được tiến hành sau khi thủ tướng Castex nhận được tin báo con gái 11 tuổi của ông dương tính với virus corona. Thủ tướng Castex bị cách ly 10 ngày. Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo và 4 bộ trưởng Bỉ mà thủ tướng Pháp có cuộc họp trao đổi về an ninh trong ngày hôm qua tại Bruxelles cũng phải cách ly trong khi chờ đợi kết quả xét nghiệm.
(AFP) – Pháp triệt phá đường dây buôn người di cư. Cảnh sát Pháp thông báo hôm qua, ngày 22/11, đã bắt giữ 15 kẻ buôn người di cư. Mạng lưới buôn người đến từ nhiều nước, trong đó có người Rumani, người Pakistan và cả người Việt Nam. Họ đã vận chuyển ít nhất 250 di dân mỗi tháng từ các trại tị nạn ở phía bắc nước Pháp sang Anh bằng tàu. Những di dân này đã phải trả một “gói” 6000 euro để đến Vương quốc Anh. Giới chức Pháp cho biết những kẻ buôn người đã thu được 3 triệu euro.
(AFP) – Bộ phim truyền hình Pháp “10 phần trăm” giành giải Emmy Quốc tế cho hạng mục phim hài xuất sắc nhất. Mùa thứ tư của bộ phim Pháp, “10 %”, đã được Emmy trao giải cho phim hài xuất sắc nhất ngày hôm qua, 22/11/2021. Bộ phim được khởi chiếu trên đài truyền hình quốc gia Pháp từ năm 2015, và sau đó trên Netflix, đã chinh phục khán giả Mỹ và quốc tế. Với bốn mùa, phim “10 %, kể về số phận của công ty quản lý tài năng ASK, Trong mỗi tập phim, khán giả khám phá những góc khuất của nghề quản lý qua sự hài hước và tự giễu cợt bản thân của các nhân vật.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211123-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p