Tin Tổng Hợp – 21/11/21
Trung Quốc giáng cấp quan hệ ngoại giao với Litva để trả đũa vụ Đài Loan
Trung Quốc ngày hôm nay, 21/11/2021 đã chính thức loan báo quyết định giáng cấp quan hệ ngoại giao với Litva xuống hàng “đại biện” thay vì “đại sứ” như trước đây để trả đũa việc chính quyền quốc gia vùng Baltic đã cho Đài Loan lập văn phòng đại diện với tên Đài Loan thay vì Đài Bắc.
Theo hãng tin Pháp AFP, trong một thông báo, bộ Ngoại Giao Trung Quốc giải thích phải làm như vậy “để bảo vệ chủ quyền của mình và các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế”. Bắc Kinh đồng thời tố cáo Vilnius là đã “tạo tiền lệ xấu trên trường quốc tế”, và đe dọa rằng Litva sẽ phải “gánh chịu mọi hậu quả” từ hành động của Vilnius.
Nguyên nhân khiến Trung Quốc giận dữ : chính quyền Litva đã cho phép Đài Loan mở một văn phòng đại điện tại thủ đô Vilnius – điều không có gì là lạ – nhưng lại dưới tên gọi Đài Loan (điều mà Bắc Kinh luôn chống lại) chứ không phải là Đài Bắc như tại nhiều nước khác.
Theo AFP, cho đến nay, trong ý đồ cô lập Đài Loan trên trường quốc tế, Bắc Kinh luôn luôn phản đối mọi việc sử dụng chính thức tên gọi “Đài Loan” vì lo ngại rằng điều đó sẽ mang lại tính chính đáng quốc tế cho hòn đảo – vốn vẫn độc lập trong thực tế – nhưng bị Bắc Kinh coi là một tỉnh của Trung Quốc.
Tháng 07/2021, thông báo về việc Đài Loan mở văn phòng đại diện – mà trong thực tế là một đại sứ quán – tại thủ đô Litva đã khiến Trung Quốc hết sức giận dữ và cho triệu hồi ngay đại sứ từ Vilnius về nước, đồng thời yêu cầu đại sứ Litva tại Bắc Kinh rời nhiệm sở. Về kinh tế, Trung Quốc cũng tạm dừng các chuyến tàu chở hàng đến Litva và ngừng cấp giấy phép xuất khẩu thực phẩm qua nước này.
Litva vào hôm nay 21/11/2021 tỏ ý “lấy làm tiếc” về quyết định của Trung Quốc, xác định lại là Vilnius vẫn tuân thủ chính sách “một nước Trung Hoa duy nhất”, nhưng cho rằng họ có toàn quyền mở rộng hợp tác với Đài Loan, bao gồm cả việc thành lập các cơ quan đại diện phi ngoại giao.
Trọng Nghĩa
Dân biểu Mỹ trình dự luật cho phép Đài Loan gia nhập Quỹ Tiền tệ Quốc tế
Dân biểu Hoa Kỳ Anthony Gonzalez và Al Green đã giới thiệu lại “Đạo luật không phân biệt đối xử ở Đài Loan năm 2021” để yêu cầu chính quyền TT Biden ủng hộ việc Đài Loan trở thành thành viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
CNA hôm thứ Bảy đưa tin, Dân biểu Gonzalez nhấn mạnh trên trang web của mình rằng Đài Loan là nền kinh tế lớn thứ 21 trên thế giới, với dự trữ ngoại hối lớn hơn Hàn Quốc, Ấn Độ và Brazil. Ông nói với tư cách là “một xã hội đã thoát khỏi đói nghèo thành công”, Đài Loan có thể đóng góp vào các nguồn lực của Quỹ Tiền tệ Quốc tế với tư cách là một thành viên.
Al Green, thành viên Đảng Dân chủ của Texas, đã mô tả việc quốc gia châu Á gia nhập Quỹ Tiền tệ Quốc tế là “có tầm quan trọng tối cao”, vì nền kinh tế của quốc gia này là “đầu tàu toàn cầu”, xứng đáng có vai trò trong cơ quan tài chính.
Năm ngoái, ông Gonzalez đã đề xuất một dự luật tương tự, cũng nhắm vào ảnh hưởng của Trung Quốc trong các tổ chức quốc tế và cố gắng ngăn nước này mở rộng tỷ lệ sở hữu trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Tin nói Anh đang cân nhắc tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh
Reuters – Thủ tướng Anh Boris Johnson đang cân nhắc tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh vào năm sau để phản đối thành tích của Trung Quốc về vấn đề nhân quyền, báo The Times của Anh đưa tin ngày thứ Bảy.
Một “cuộc thảo luận tích cực” trong chính phủ đang diễn ra, với Bộ trưởng Ngoại giao Liz Truss được nói là ủng hộ việc tẩy chay, tờ báo cho biết.
Theo một lựa chọn, các bộ trưởng Anh sẽ không tham dự Thế vận hội, mặc dù có đại sứ Anh tại Trung Quốc vẫn sẽ tham dự, tờ Times cho biết thêm.
Năm chính trị gia Đảng Bảo thủ đã viết thư cho Johnson kêu gọi ông cấm bất cứ đại diện ngoại giao chính thức nào của Vương quốc Anh tại Thế vận hội Mùa đông vào tháng 2, theo bản tin.
Tổng thống Joe Biden hôm thứ Năm xác nhận Mỹ đang xem xét tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Bắc Kinh.
(Reuters) – Tân ngoại trưởng Nhật Bản cho biết được mời đi thăm Trung Quốc. ÔngYoshimasa Hayashi vào hôm nay 21/11/2021, cho biết ông đã được Trung Quốc mời qua thăm. Trong một cuộc phỏng vấn trên Fuji TV, ông Hayasashi nói rằng đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị đã đưa lời mời trong một cuộc điện đàm hôm 18/11, và ông đang xem xét nhưng chưa có gì được quyết định. Khi được hỏi về đề xuất “tẩy chay ngoại giao” của Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh 2022, ông Hayashi cho rằng Nhật Bản sẽ dựa trên tình hình và quan điểm của riêng mình.
(AFP) – Tay vợt Trung Quốc Bành Súy tham gia thi đấu ở Bắc Kinh. Ngày 21/11/2021, tài khoản Weibo của giải China Open đã đăng hình ảnh Bành Súy (Peng Shuai) tham gia một trận thi đấu quần vợt với tư cách khách mời của vòng chung kết FILA Kids Junior Tennis Challenger. Sau nhiều ngày bị áp lực quốc tế, Bắc Kinh biến lời hứa Bành Súy « sớm » xuất hiện thành hiện thực. Trước đó, nhiều cơ quan truyền thông Nhà nước Trung Quốc đăng một số đoạn video Bành Súy tham dự sự kiện và kí tặng người hâm mộ. Tay vợt nữ bỗng nhiên tái xuất sau gần 3 tuần « bặt vô âm tín » sau khi cáo buộc trên mạng xã hội Weibo ngày 02/11 bị cựu phó thủ tướng Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli) ép quan hệ tình dục và làm người tình của ông.
(AFP) – Trung Quốc chỉ trích gay gắt Liên Hiệp Quốc yêu cầu trả tự do cho nhà báo công dân Trương Triển. Ngày 20/11/2021, phái bộ Trung Quốc tại Geneve đã bày tỏ tức giận trước những bình luận « vô trách nhiệm » và « sai lệch » của Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (HCDH). Trước đó một ngày, phát ngôn viên của HCDH Marta Hurtado đã báo động về tình trạng sức khỏe của nhà báo công dân 38 tuổi xấu đi nhanh chóng trong tù vì tuyệt thực. Vào tháng 02/2020, cựu luật sư Trương Triển (Zhang Zhan) từ Thượng Hải đến Vũ Hán, nơi khởi phát dịch Covid-19, để tìm hiểu tình hình sau khi cả thành phố 11 triệu dân bị phong tỏa. Những hình ảnh do Trương Triển quay lại cho thấy bệnh nhân nằm ngay ở hành lang bệnh viện quá tải và giúp thế giới biết được điều kiện dịch tễ ở tâm dịch lúc đó.
(AFP) – Afghanistan : Chế độ Taliban bắt đầu trả lương cho công chức. Ngày 20/11/2021, chính phủ cho biết chuyển khoản ba tháng lương kể từ ngày thay đổi chế độ vào giữa tháng Tám và thêm một tháng lương cho những người chưa được chính phủ trước thanh toán. Tuy nhiên, công chức sẽ không rút được hết tiền ngay lập tức vì chính quyền hiện chỉ cho phép rút từ 200 đến 400 đô la mỗi tuần.
(RFI) – Đối lập Venezuela muốn tái nhập chính trường. Ngày 21/11/2021, cử tri Venezuela đi bầu thị trưởng, ủy viên hội đồng địa phương và thống đốc của 23 bang. Lần đầu tiên kể từ năm 2017, đối lập tham gia cuộc bầu cử sau hàng loạt đàm phán ở Mêhicô giữa chính quyền của tổng thống Nicolas Maduro và đối lập. Chính phủ đã có một số nhân nhượng : 2 trên 5 người đứng đầu Hội đồng Bầu cử Quốc gia thuộc về phe đối lập. Quan sát viên Liên Hiệp Châu Âu và của Trung tâm Carter được mời theo dõi bầu cử. Với những nhân nhương này, chế độ của tổng thống Maduro hy vọng giảm bớt trừng phạt quốc tế, trong đó có việc xuất khẩu dầu lửa.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211121-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p