Tin Tổng Hợp – 19/11/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 19/11/21

Để tránh chiến tranh, Mỹ phải xác định với đồng minh lằn ranh đỏ chiến lược về Trung Quốc

«Chúng ta vẫn có thể tránh được chiến tranh» là nhận định của cựu thủ tướng Úc, Kevin Rudd, một chuyên gia rất am hiểu về Trung Quốc đương đại, khi ông trả lời phỏng vấn tuần báo Pháp Le Point. Cựu thủ tướng Úc kêu gọi các nước tỏ thái độ cứng rắn nhưng không cắt đứt quan hệ với Bắc Kinh.

RFI giới thiệu bài phỏng vấn đăng trên Le Point số ra ngày 11/11/2021, chỉ vài ngày trước cuộc họp trực tuyến của nguyên thủ Mỹ – Trung.

Pháp và châu Âu nên cảnh giác hơn với Trung Quốc? 

Sự trỗi dậy của Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nước này sẽ trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu và làm đảo lộn các quy tắc về trật tự thế giới. Tất cả các nền kinh tế của châu Âu, trong đó có Pháp, sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, sự vươn lên của Trung Quốc vừa là thách thức vừa là cơ hội cho tất cả chúng ta.  Publicité

Một cơ hội? 

Trung Quốc là thị trường mới nổi lớn nhất về hàng hóa và dịch vụ. Mọi nền kinh tế đều có lợi nếu tăng cường các mối quan hệ với Trung Quốc. Đối với một trong những thách thức lớn của thế kỷ, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Trung Quốc có vai trò then chốt do tầm mức của nước này.  

Phương Tây đã quá ngây thơ với Bắc Kinh? 

Phương Tây đã mất nhiều thời gian mới hiểu bản chất của những thay đổi ở Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình đã làm thay đổi cả tư tưởng lẫn chính sách của đảng Cộng Sản. Chính sách kinh tế đã rời xa kinh tế thị trường, trong khi nền ngoại giao ngày càng mang nặng tính dân tộc. Những thay đổi này đặt ra những thách thức to lớn cho toàn thế giới.

Cán cân sức mạnh đã thay đổi sâu sắc. Đảng Cộng Sản cầm quyền hiện giờ ở Trung Quốc là tín đồ của « quyền lực chính trị », như Raymond Aron đã định nghĩa. Đối mặt với điều này, chúng ta cần phải tỉnh táo, có những suy nghĩ rõ ràng, rành mạch, đặt ra các mục tiêu dài hạn phù hợp và tìm cách hợp tác với Bắc Kinh nếu có thể. Nhưng phương Tây, nhất là Mỹ,  cũng phải xác định lằn ranh đỏ chiến lược về Trung Quốc với các đồng minh. 

Phương Tây có nên coi Đài Loan là lằn ranh đỏ? 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rõ ràng là muốn đưa Đài Loan trở về « mẫu quốc ». Để đạt được mục đích của mình, ông Tập đã thay đổi chiến lược : gây áp lực chính trị, đồng thời treo lơ lửng giải pháp quân sự. Ông ta muốn buộc các chính đảng Đài Loan phải tìm kiếm một giải pháp thương lượng. Nhưng tôi không nghĩ rằng chiến lược này sẽ thành công. 

Sự vươn lên của Trung Quốc trên thực tế thể hiện như thế nào trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương? 

Đối với tất cả các nước đông Á, bao gồm cả Úc, Trung Quốc đã trở thành đối tác kinh tế chính. Tập Cận Bình sử dụng vị trí thống trị này khiến các nước khác ngày càng lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, để thay đổi các quy tắc chi phối thế giới. Từ lâu nay, Úc đã phải chịu áp lực như vậy. Nhật Bản và Hàn Quốc thậm chí còn chịu nhiều sức ép nữa, vì hai nước này có những vùng lãnh thổ mà Trung Quốc đòi chủ quyền. 

Chúng ta đang chứng kiến ​​sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Trung Quốc và Mỹ? 

Tôi không nghĩ rằng thuật ngữ này phản ánh chính xác tình hình. Đặc trưng của cuộc Chiến tranh lạnh gần đây nhất, giữa Liên Xô và Hoa Kỳ, là các mối đe dọa phá hủy bằng vũ khí hạt nhân diễn ra gần như hàng ngày, sự thiếu vắng mối quan hệ kinh tế giữa hai khối, các cuộc chiến tranh ủy nhiệm xảy ra khắp nơi trên thế giới và một cuộc chiến về ý thức hệ.  

Trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay, chỉ có điểm cuối cùng trong số các điểm kể trên. Hai nước Mỹ – Trung không đe dọa nhau hàng ngày về các vụ hủy diệt hạt nhân, cho dù Bắc Kinh có một kho vũ khí nguyên tử đủ lớn và tinh vi để thực hiện một «cuộc tấn công thứ hai» [khả năng đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân bằng một cuộc tấn công hạt nhân khác]. Quan hệ kinh tế song phương Mỹ – Trung rất quan trọng. Và cuối cùng, đôi bên đều không tham gia vào các cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở các nước đang phát triển, ít nhất là cho đến nay thì vẫn chưa. Vì thế, chúng ta phải thận trọng khi sử dụng thuật ngữ «chiến tranh lạnh». 

Vậy trong thập niên tới, chúng ta sẽ chứng kiến ​​một cuộc xung đột lớn giữa Washington và Bắc Kinh? 

Điều đó có thể xảy ra? Đúng như vậy. Nhưng có nhiều khả năng xảy ra không? Theo tôi thì điều đó sẽ chưa xảy ra trong nửa đầu thập kỷ này, bởi vì Trung Quốc biết rằng họ không có ưu thế quân sự áp đảo ở eo biển Đài Loan nếu đối đầu với Hoa Kỳ, Đài Loan hay Nhật Bản. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự của Bắc Kinh nhận định vào cuối thập niên này, Trung Quốc sẽ vượt trội hơn rất nhiều so với các lực lượng Mỹ trong khu vực về quân sự. Tôi nghĩ rằng nguy cơ xung đột giữa hai cường quốc khi đó sẽ nghiêm trọng hơn.

Vậy điều gì có thể ngăn cản Tập Cận Bình sử dụng vũ lực? 

Điều này chỉ phụ thuộc vào hai yếu tố. Thứ nhất là khả năng của Mỹ trong việc duy trì sự cân bằng sức mạnh quân sự ở eo biển Đài Loan. Washington đã hiểu ra điều này, Mỹ dường như đã quyết tâm khôi phục lực lượng tấn công của họ trong vùng. Thứ hai là phản ứng của phần còn lại của thế giới trong trường hợp Trung Quốc xâm lược Đài Loan. 

Một liên minh quân sự chống Trung Quốc có phải là một giải pháp? 

Tất cả đều sẽ phụ thuộc vào hoàn cảnh. Trường hợp xung đột được châm ngòi từ cuộc tấn công của Bắc Kinh sẽ khác trường hợp xung đột xảy ra do Đài Bắc đơn phương tuyên bố độc lập và tuyên bố trở thành một nước Cộng hòa Đài Loan mới. Sẽ là viển vông nếu nghĩ rằng một cuộc chiến tranh ở eo biển Đài Loan sẽ chỉ là một cuộc giao tranh ngắn hạn. Tất cả các kịch bản quân sự đều sẽ kéo theo sự tham gia của Guam và Hawai, các vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Mỹ, các căn cứ của Hoa Kỳ ở Nhật Bản, cũng như hạm đội Hoa Kỳ và tất cả các khu phóng tên lửa của Trung Quốc ở tỉnh Phúc Kiến, phía đối diện với Đài Loan. Theo tôi, điều đó sẽ ngay lập tức biến thành một cuộc chiến tranh phổ quát, với mức độ bạo lực cao chưa từng thấy kể từ Đệ nhị Thế chiến hay Chiến tranh Triều Tiên. 

Liệu hai siêu cường có thể gạt sang bên cạnh mọi chuyện để thiết lập một mối quan hệ hòa bình và hiệu quả không? 

Có. Năm tới, tôi sẽ cho xuất bản một cuốn sách có tiêu đề «Chiến tranh có thể tránh được». Tôi ủng hộ một khuôn khổ mà tôi gọi là «sự cạnh tranh chiến lược được kiểm soát», dựa trên ba yếu tố. Trước tiên, chính phủ hai nước sẽ cần xác định các lằn ranh đỏ chiến lược nền tảng cơ bản của họ, tránh sự mơ hồ. Thứ hai, phần còn lại của mối quan hệ Mỹ – Trung phải được điều chỉnh bởi các nguyên tắc cạnh tranh mở trong mọi lĩnh vực: chính sách đối ngoại, thương mại, kinh doanh, công nghệ, thậm chí là cả hệ tư tưởng. Và cuối cùng, cần có chỗ cho một sự hợp tác quốc tế song phương về những thách thức lớn, như về biến đổi khí hậu, sự ổn định tài chính thế giới và xử lý đại dịch.  

Điều đáng khích lệ là kể từ chuyến thăm thứ hai của John Kerry đến Bắc Kinh, cuộc điện đàm của Tập Cận Bình với Jeo Biden vào tháng 9/2021, và cuộc gặp sau đó ở Zurich giữa Dương Khiết Trì (Yang Jiechi – chánh Văn phòng Ban chỉ đạo đối ngoại trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc) và Jake Sullivan (cố vấn an ninh của Nhà Trắng), thì căng thẳng đã hạ nhiệt phần nào. Các cuộc họp giao ban của bộ Ngoại giao Trung Quốc nói về một «con đường đối thoại đang được nối lại».  

Chúng ta vẫn có thể tránh được chiến tranh, nhưng nếu chỉ thiết lập lại đối thoại thì chưa đủ. Khuôn khổ chiến lược mới của mối quan hệ Mỹ – Trung phải thực tế, không viển vông hão huyền.   

Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire mới đây đã nói rằng Liên Hiệp Châu Âu nên cố gắng hợp tác với Trung Quốc hơn là đối đầu với Bắc Kinh như Mỹ đang làm… 

Có những lĩnh vực, những giá trị phổ quát và những lợi ích chiến lược, mà ở đó chúng ta, các nền dân chủ, sẽ luôn có những lập trường khác với Trung Quốc và không thể tránh khỏi việc sẽ dẫn đến đối đầu. Nhưng giải pháp đơn giản nhất thường là sự răn đe lẫn nhau có hiệu quả. 

Việc tuyên bố thành lập một liên minh Ấn Độ – Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc là một cú sốc đối với Pháp. Paris có còn giữ vai trò gì trong khu vực không? 

Trướ đây, trên cương vị thủ tướng Úc, tôi luôn ủng hộ sự tham gia của Pháp vào khu vực của chúng ta, nơi nước Pháp của các bạn có các vùng lãnh thổ Nouvelle Caledonie, Polynesie, Wallis et Futuna, thậm chí là các tỉnh Mayotte và La Réunion ở Ấn Độ Dương. Pháp là một cường quốc trên thế giới, thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An. Theo tôi, chính sách đối ngoại của Pháp rất phù hợp với các nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Úc, bất chấp sự cố gần đây do quyết định tồi tệ của chính phủ Scott Morrison về hợp đồng tàu ngầm. 

Đâu là chiến lược các nước cần áp dụng để tránh bị đè bẹp trong cuộc chiến giữa hai siêu cường? 

Việc một số quốc gia sẽ luôn là đối tượng để Trung Quốc trút cơn giận là điều không thể tránh khỏi. Nếu chúng ta có chung cách phản ứng đối phó thì sẽ có lợi. Các bạn không bao giờ biết ai sẽ là người tiếp theo (hứng cơn giận của Bắc Kinh)! Trung Quốc đã cho thấy rõ rằng là họ sẽ luôn tìm cách thay đổi các quy tắc về trật tự thế giới. Đối mặt với Bắc Kinh, các nền dân chủ lớn phải áp dụng một chiến lược chung để bảo vệ các định chế đang điều hành thế giới. Và nước Pháp sẽ rất có ích trong việc này. 

Có phải các nước đã thiếu đoàn kết với Úc khi vào năm 2020, nước này phải hứng chịu cơn thịnh nộ của Trung Quốc vì Canberra đòi điều tra về nguồn gốc của virus corona? 

Đúng là như vậy. Ngay khi một nước áp dụng biện pháp trừng phạt, vì những lý do chính trị hoặc địa chính trị, các nguyên tắc thương mại mở đều bị suy yếu. Ngoài ra, nước nào được hưởng lợi từ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Úc mà Trung Quốc đưa ra? Đó là Hoa Kỳ. Nhưng sự ích kỷ này chỉ phục vụ bạn chừng nào bạn không gặp khó khăn. Mọi người ta thường quên rằng chúng ta đang ở một trong những thời kỳ hiếm hoi trong lịch sử có một hệ thống và luật pháp quốc tế. Chúng ta phải cùng nhau phối hợp hành động để bảo vệ hệ thống này, nếu không nó sẽ sụp đổ. 

Cuộc tranh luận về Trung Quốc khuấy động nước Úc, mọi chuyện cũng đang bắt đầu ở Pháp. Làm thế nào để kiểm soát những sự chia rẽ trong nội bộ do sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc? 

Cuộc tranh luận là không thể tránh khỏi. Nhà nước đầu tiên không phải ở phương Tây, không phải nước nói tiếng Anh và không phải nền dân chủ từ 250 năm nay sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bản thân tôi đã áp dụng hàng loạt nguyên tắc ở Úc. Trước tiên, đừng bao giờ xin lỗi về việc chúng ta đã tuân thủ các quyền phổ quát về con người. Thứ hai, duy trì liên minh với những người bạn Mỹ. Thứ ba, chẳng có gì phải xấu hổ khi tối đa hóa lợi ích kinh tế của bạn, tức là tiếp cận được với thị trường Trung Quốc. Thứ tư, hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề về quản lý thế giới. Thứ năm là duy trì sự đoàn kết giữa các nền dân chủ.

Trung Quốc có xu hướng hành động theo kiểu, như người Hoa hay nói, «giết 1 để cảnh cáo 100». Chúng ta phải đáp lại bằng câu «Mọi người vì mỗi người, mỗi người vì mọi người». Và nguyên tắc cuối cùng là không bao giờ để cuộc tranh luận chính đáng về chiến lược đối phó với Trung Quốc chệch hướng thành một cuộc tấn công phân biệt chủng tộc nhắm vào người Hoa và công dân gốc Hoa của chính đất nước chúng ta. Chúng ta đã chứng kiến điều đó xảy ra quá nhiều ở Mỹ. Thật không hay chút nào! 

Thùy Dương

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211119-%C4%91%E1%BB%83-tr%C3%A1nh-chi%E1%BA%BFn-tranh-m%E1%BB%B9-ph%E1%BA%A3i-x%C3%A1c-%C4%91%E1%BB%8Bnh-v%E1%BB%9Bi-%C4%91%E1%BB%93ng-minh-l%E1%BA%B1n-ranh-%C4%91%E1%BB%8F-chi%E1%BA%BFn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-v%E1%BB%81-trung-qu%E1%BB%91c

LHQ kêu gọi Trung Quốc chứng minh Bành Soái không gặp nguy hiểm

Ảnh trái: Cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc – Trương Cao Lệ/ Ảnh phải: Công chúa quần vợt Trung Quốc – Bành Soái (ảnh: Từ video của Crux).

Cao ủy nhân quyền của Liên Hợp Quốc, hôm thứ Sáu (19/11), đã yêu cầu Trung Quốc phải chứng minh “nơi ở và sức khỏe” của Bành Soái, sau khi ngôi sao quần vợt được cho là mất tích vì nói rằng cô bị cựu phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ hãm hiếp.

“Điều quan trọng là phải có bằng chứng về nơi ở và sức khỏe của cô ấy và chúng tôi mong muốn có một cuộc điều tra với đầy đủ minh bạch về các cáo buộc tấn công tình dục của cô ấy”, trang Nikkei dẫn lời Liz Throssell, phát ngôn viên của Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet, nói với các phóng viên ở Geneva.

Bành Soái đã không được nhìn thấy kể từ khi cô đưa ra cáo buộc ông Trương hãm hiếp mình vào ngày 2 tháng 11. Sự biến mất của Bành Soái đã thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài Trung Quốc, công chúng đã đặt ra câu hỏi về nơi ở và sự an toàn của cô.

Ngôi sao quần vợt Nhật Bản Naomi Osaka đã đăng một bức ảnh của Bành trên Twitter trong tuần này với hashtag “Bành Soái đang ở đâu”.

“Việc kiểm duyệt không bao giờ ổn với bất kỳ giá nào, tôi hy vọng Bành Soái và gia đình cô ấy an toàn và bình yên”, Osaka viết. “Tôi đang bị sốc với tình hình hiện tại và tôi đang gửi tình yêu và ánh sáng cho cô ấy.”

Hiệp hội quần vợt nữ cũng đã đặt câu hỏi về nơi ở của cô Bành.

Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN đã chia sẻ một email hôm thứ Năm được cho là do cô Bành viết, trong đó cô phủ nhận những cáo buộc trước đó của mình và nói rằng cô vẫn an toàn. Tính xác thực của email đã bị nhiều người đặt câu hỏi khi bức thư thậm chí còn không có chữ ký của cô Bành.

Ngay sau khi LHQ kêu gọi cung cấp thông tin vào ngày thứ Sáu, Shen Shiwei, một nhà báo làm cho truyền thông nhà nước Trung Quốc, đã tweet một loạt ảnh mà anh cho rằng lấy từ WeChat của cô Bành vào cùng ngày, cho thấy cô đang ôm một con mèo trong một căn phòng đầy ắp đồ chơi nhồi bông với chú thích, “Cuối tuần vui vẻ”.

Nhưng những bức ảnh của Shen không thể dập tắt được những lo ngại của cư dân mạng, họ vẫn tiếp tục kêu gọi chính phủ Trung Quốc đưa ra câu trả lời.

Hôm thứ Năm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên từ chối bình luận về dòng tweet của CGTN. Ông Triệu nói với các phóng viên rằng “đây không phải là vấn đề ngoại giao. Tôi không biết về cầu chuyện này”.

Sự việc của nữ minh tinh quần vợt Bành Soái bùng lên khi Thế vận hội mùa đông chỉ còn gần 3 tháng nữa sẽ khai mạc tại Bắc Kinh. Suốt thời gian qua, công luận thế giới cho rằng Trung Quốc không xứng đáng tổ chức một sự kiện thể thao lớn như thế vận hội vì “sở hữu” một hồ sơ nhân quyền đáng xấu hổ. Vì cô Bành là một vận độn viên nổi tiếng thế giới, nên Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh càng khiến cộng đồng thế giới chú ý nhiều hơn tới hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc.

Hôm thứ Năm, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết ông đang cân nhắc việc tẩy chay Thế vận hội về mặt ngoại giao vì cách Bắc Kinh đối xử với người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki hôm thứ Sáu đã kêu gọi Trung Quốc “cung cấp bằng chứng độc lập, có thể xác minh” về tung tích của cô Bành.

Phụng Minh

https://www.dkn.tv/the-gioi/lhq-keu-goi-trung-quoc-chung-minh-banh-soai-khong-gap-nguy-hiem.html

Bộ Ngoại Giao HK: Về tình hình ở Biển Đông – 19/11/2021

Hai ngày trước, Lực lượng bảo vệ bờ biển của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc (PRC) đã chặn và sử dụng vòi rồng xua đuổi các tàu tiếp tế của Philippines trên đường đến Bãi Cỏ Mây trên Biển Đông.

Hoa Kỳ sát cánh với đồng minh Philippines của chúng tôi trước sự leo thang này, nó đe dọa trực tiếp đến hòa bình và ổn định của khu vực, làm leo thang căng thẳng khu vực, xâm phạm quyền tự do hàng hải ở Biển Đông được bảo đảm theo luật pháp quốc tế và phá hoại các quy tắc dựa trên trật tự quốc tế.

Vào ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa án Trọng tài được thành lập theo Công ước Luật Biển năm 1982, đã đưa ra quyết định nhất trí và lâu dài bác bỏ các tuyên bố của PRC đối với Bãi Cỏ Mây và các vùng biển được xác định là một phần của vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.  PRC và Philippines, theo các nghĩa vụ hiệp ước của họ được quy định trong Công ước Luật Biển, bị ràng buộc về mặt pháp lý để tuân thủ phán quyết này.  PRC không được can thiệp vào các hoạt động hợp pháp của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Hoa Kỳ sát cánh với các đồng minh Philippines của chúng tôi trong việc duy trì trật tự hàng hải quốc tế dựa trên các quy tắc và tái khẳng định rằng một cuộc tấn công vũ trang vào các tàu công vụ của Philippines ở Biển Đông sẽ dẫn đến các cam kết phòng thủ chung của Hoa Kỳ theo Điều IV của Hiệp ước Phòng thủ chung Philippines năm 1951 của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ tin tưởng mạnh mẽ rằng các hành động của PRC nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông rộng lớn và trái pháp luật của nước này làm suy yếu hòa bình và an ninh trong khu vực.

LMN (TÐV) – 19/11/21

https://bit.ly/30GzKnk

Luật 3B vừa thông qua ở Hạ Viện

Sáng hôm nay Thứ Sáu 19/11, Hạ viện đã thông qua dự luật 3B (Build Back Better) về chi tiêu xã hội và biến đổi khí hậu trị giá 1,900 tỷ đôla mà TT Joe Biden ủng hộ, và đưa nó lên Thượng viện. Dự kiến ​​Thượng Viện sẽ có những thay đổi đáng kể vì NS Manchin của đảng Dân Chủ, người nằm phiếu quyết định, chưa hài lòng. 
Các nhà lập pháp trong Hạ viện do Dân chủ kiểm soát thông qua với số phiếu 220-213.
Dự luật to lớn này sẽ tạo các trường mầm non phổ thông, mở rộng hơn các khoản trợ cấp của Đạo luật Chăm sóc sức khỏe (Obamacare), tài trợ cho các chương trình năng lượng sạch và cung cấp các khoản tín dụng thuế  đối với xe điện F GM lên tới 12.500 đôla.
Phía DC dự trù thông qua trước Giáng Sinh. Dự luật này thành luật hay không là chỉ còn ở Thượng Viện và thuần tuý do các nghị sĩ DC quyết định, vì là luật ngân sách nên không có filibuster đòi phải có 60 phiếu.
Vì ghế 50-50 ở TV và PTT Harris bỏ phiếu quyết định nên nếu NS Manchin bỏ phiếu chống thì sẽ hỏng, nó đòi hỏi các NS DC phải 100% ủng hộ. Hai NS Manchin của West Virginia và Sinema của Arizona muốn sửa đổi, cắt bớt các chi tiêu về môi trường.
Có lẽ nó sẽ được thông qua với sửa đổi và giảm bớt từ 1,900 tỷ đôla xuống khoảng 1,750 tỷ đôla.

LMN (TÐV) – 19/11/21

Đồ chơi xịn Ấn mua cho Trung Quốc?
Ấn Độ sắp sửa hoàn tất một dự án đã được chuẩn bị từ lâu để mua 30 máy bay không người lái Predator mang tên lửa và đa nhiệm vụ của Hoa Kỳ cho ba binh chủng với chi phí ước tính hơn 3 tỷ đôla.
Đây là loại drone MQ-9B có khả năng bay lâu và cao, trang bị tên lửa không đối đất. Mỗi binh chủng sẽ nhận khoảng 10 drones.
Drone MQ-9B do công ty General Atomics sản xuất, có khả năng duy trì hoạt động trên không trong khoảng 35 giờ và có thể được triển khai trong một loạt các nhiệm vụ bao gồm giám sát, trinh sát, thu thập thông tin tình báo và tiêu diệt các mục tiêu của đối phương.
Predator-B là drone sát thủ đầu tiên được thiết kế với khả năng bay trong thời gian dài và giám sát ở độ cao.
Các lực lượng vũ trang Ấn Độ đang tập trung vào việc mua sắm các dàn drones, bao gồm drones có vũ trang, sau cuộc đối đầu ở phía đông Ladakh với Trung Quốc và một cuộc tấn công bằng drone vào căn cứ không quân Jammu của Ấn được nghi là từ Pakistan.
Vào năm 2019, Mỹ đã phê duyệt việc bán drones có vũ trang cho Ấn Độ và thậm chí còn cung cấp các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp.
Hải quân Ấn Độ đang thúc đẩy mạnh mẽ việc mua sắm drones để tăng cường giám sát của họ trên Ấn Độ Dương, vì sự xâm nhập ngày càng nhiều các tàu nổi và tàu ngầm Trung Quốc trong vài năm qua.
Vào tháng 2/2020, Ấn Độ ký một thỏa thuận trị giá 2,6 tỷ đôla với Mỹ để mua 24 máy bay trực thăng MH-60 Romeo từ công ty Lockheed Martin cho Hải quân Ấn Độ và việc giao trực thăng đã bắt đầu.

LMN (TÐV) – 18/11/21

https://bit.ly/3CuBspg

(AFP) – Trung Quốc gia tăng sức ảnh hưởng lên các tổ chức quốc tế. Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD), công bố ngày hôm qua, 18/11/2021, Trung Quốc đã tăng các đóng góp cho các tổ chức quốc tế, trong đó Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Liên Hiệp Quốc, hay Ngân hàng Thế giới. Số đóng góp lên đến 66 tỷ đô la, vượt qua Nhật Bản. Trung Quốc trở thành nước đóng góp lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ. Nhưng Trung Quốc lại là một trong những nước nhận viện trợ chính từ các tổ chức này và Bắc Kinh vẫn được quyền biểu quyết, đưa ra quyết định trong các tổ chức này. Các nhà nghiên cứu cho rằng cần phải xem xét lại quyền biểu quyết và sự hiện diện của Trung Quốc trong vị trí lãnh đạo tại 76 tổ chức lớn toàn cầu, và cần có những cố gắng hợp lý để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc, nhằm ngăn nước này phá hoại các mục tiêu phát triển toàn cầu.

(AP) – Nhật Bản thúc giục Trung Quốc duy trì hòa bình trong khu vực. Ngoại trưởng Nhật Bản, Yoshimasa Hayashi, trong cuộc điện đàm hôm thứ Năm, 18/11/2011, với người đồng cấp Trung Quốc, Vương Nghị, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định giữa Trung Quốc và Đài Loan, đồng thời bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về tình hình ở Hồng Kông và khu vực Tân Cương của Trung Quốc.Ông Hayashi cũng lo ngại về các hoạt động gia tăng của Trung Quốc tại các vùng biển trong khu vực, trong đó có một hòn đảo do Nhật Bản kiểm soát, mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền. Bộ Ngoại Giao hai nước cam duy trì kết đối thoại và hợp tác trong quan hệ kinh tế.

(AP) – Đài Loan tăng cường khả năng quân sự nhằm đề phòng Trung Quốc. Vào hôm 18/11/2021, Đài Loan đã triển khai phiên bản hiện đại nhất của máy bay chiến đấu F-16, bổ sung vào lực lượng không quân nhằm tăng cường khả năng phòng thủ khi đối mặt với các mối đe dọa liên tục từ Trung Quốc.

(AFP) – Ngày thứ 5 đen tối của tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba. Gã khổng lồ về thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba công bố hôm 18/11/2021 lợi nhuận quý 2 bị giảm 81%, do tác động của việc siết chặt quy định quản lý nghiêm ngặt tại Trung Quốc. Publicité

(AFP) – Philippines chuẩn bị mở cửa đón du khách. Chính phủ Philippines hôm 19/11/2021 tuyên bố sẽ sớm đón du khách nước ngoài đã tiêm vac-xin phòng Covid-19. Đây là cơ hội cho ngành du lịch Philippines sớm ổn định trở lại sau 20 tháng đóng cửa.

(AFP) – Covid-19: Số lớp học tại Pháp bị đóng cửa lại tăng cao kể từ ngày tựu trường. Bộ Giáo dục Pháp ngày 19/11/2021 cho biết số trường học bị đóng cửa vì virus corona trong tuần này đã lên đến mức cao nhất, là hơn 4.000 lớp học, chiếm 0,8% tổng số lớp học cả nước. Con số này cao gấp ba lần so với số liệu công bố hôm 22/10, trước kỳ nghỉ Toussaint. Tuy nhiên, con số này cũng thấp hơn rất nhiều so với hồi tháng Tư, trước khi có quyết định đóng cửa nhiều lớp học trong nhiều tuần (hơn 11.000 lớp học).  

(AFP) – Qatar: 50 lao động di dân chết trong năm 2020. Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế OIT công bố hôm nay, 19/11/2021, còn cho biết thêm tại những công trường chuẩn bị cho World Cup 2022, có hơn 500 công nhân bị thương nặng. Vương quốc dầu khí giầu có này thường xuyên bị các tổ chức phi chính phủ quốc tế lên án đã đối xử tệ với hàng trăm ngàn lao động nhập cư, chủ yếu đến từ châu Á. 

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211119-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

(Challenges) – Paris đàm phán với Abu Dhabi về hợp đồng bán chiến đấu cơ Rafale. Tổng thống Macron chuẩn bị công du Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất vào đầu tháng 12/2021. Đây có thể là cơ hội để đôi bên thúc đẩy đàm phán về hợp đồng mua bán chiến đấu cơ Rafale do tập đoàn Dassault sản xuất. Bộ Quân Lực Pháp và tập đoàn Dassault từ chối bình luận về tin trên.  

(Reuters) – Công nghệ bán dẫn : Mỹ và Malaysia tăng cường hợp tác. Theo thông cáo chung ngày 17/11/2021 Washington và Kuala Lumpur ký kết một thỏa thuận nhằm « tăng cường hợp tác trong những năm tới », nâng cao vai trò của Malaysia trong các chuỗi sản xuất linh kiện bán dẫn, hàng điện tử, sản phẩm y tế và một số mặt hàng thiết yếu khác ». Thỏa thuận được ký kết nhân lúc bộ trưởng Thương Mại Mỹ Gina Raimondo công du Malaysia.  

(AFP) – Sức khỏe cựu tổng thống Gruzia Mikheïl Saakachvili «rất đáng lo ngại» sau nhiều ngày tuyệt thực trong tù. Thông cáo ngày 17/11/2021 của một nhóm bác sĩ Gruzia bảo vệ nhân quyền cho biết bệnh viện do nhà tù nơi ông Mikheïl Saakachvili đang bị giam giữ « không đủ khả năng săn sóc cựu tổng thống Gruzia ». Tuy nhiên, vẫn theo thông cáo trên, tính mạng của Mikheïl Saakachvili không bị đe dọa. Cựu tổng thống Gruzia đã bắt đầu tuyệt thực từ tuần trước để phản đối chính quyền ra lệnh tống giam ông từ đầu tháng 10/2021 vài ngày sau khi ông từ Ukraina về nước.  

(AFP) – Rượu mới Beaujolais 2021. Theo truyền thống, cứ đúng ngày Thứ Năm của tuần lễ thứ ba trong tháng 11 hàng năm, rượu mới Beaujolais được trình làng ở nhiều nơi trên thế giới cùng một lúc. Năm ngoái, vì virus corona, Pháp đã phải hủy lễ hội vang mới Beaujolais, nhưng lần này các nhà sản xuất tổ chức một buổi ra mắt rượu mới ở ngoài trời để đánh dấu sự kiện. Rượu Beaujolais « Millésime 2021 » đậm hương thơm của dâu và phúc bồn tử ( framboise ). Quảng cáo https://3df9b2db2acbc8b9826b9fb0e5f5f652.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-38/html/container.html

(AFP) – Đài Loan chính thức mở văn phòng đại diện tại Litva. Thông báo được bộ Ngoại Giao Đài Loan đưa ra hôm nay 18/11/2021. Theo Đài Bắc, việc mở văn phòng đại diện Đài Loan tại Vilnius sẽ củng cố thêm quan hệ song phương. Hiện nay chỉ có 15 nước trên thế giới công nhận Đài Loan. Vào tháng 7, khi Litva loan tin văn phòng đại diện của Đài Bắc sẽ mang tên là Văn phòng đại diện của Đài Loan, Bắc Kinh đã phản ứng, gây thêm sức ép để cô lập Đài Loan. Trung Quốc đã triệu hồi đại sứ tại Litva về nước và yêu cầu Vilnius triệu hồi đại sứ tại Bắc Kinh về Litva, điều Vilnius đã làm.

(AFP) – Pháp: Từ 5 đến 7 triệu người cần được cứu trợ thực phẩm trong năm 2020. Đây là kết quả báo cáo thường niên về tình trạng nghèo khó tại Pháp mà hiệp hội từ thiện Secours Catholique công bố hôm nay 18/11/2021. Chủ tịch hiệp hội, bà Véronique Devise, xem việc để gần 10% dân số phải sống nhờ cứu trợ thực phẩm là nỗi hổ thẹn của nước Pháp. Những cặp đôi có con và những bà mẹ đơn thân nuôi con là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong năm 2020, 67.000 tình nguyện viên của Secours Catholique đã giúp đỡ 777.000 người.

(AFP) – Mỹ: Hơn 100.000 người chết trong 1 năm (từ tháng 04/2020 đến tháng 04/2021) vì dùng thuốc gây nghiện quá liều. Hôm 17/11/2021, chính quyền Mỹ cho biết lần đầu tiên số nạn nhân vượt ngưỡng biểu tượng 100.000, tức là cứ 5 phút là có một người mất mạng vì dùng thuốc gây nghiện quá liều. Con số này như vậy đã tăng 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ quan phòng chống dịch bệnh Mỹ cũng báo động về nạn buôn bán trái phép fentanyl, một chất ngây nghiện nặng.

(Reuters) – Mỹ đề nghị những nước tiêu thụ nhiều dầu lửa sử dụng dầu trong kho dự trữ và phối hợp nhằm hạ giá năng lượng. Trong số các nước mà chính quyền Biden nhắm đến có Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Đây là một đề xuất bất thường trong bối cảnh tổng thống Biden đang chịu sức ép chính trị trong nước do giá xăng dầu và giá nhiều mặt hàng tại Mỹ đang tăng.

(Reuters) – Indonesia bắt giữ giáo sĩ cấp cao liên quan đến nhóm khủng bố Jemaah Islamiah. Sau cuộc đột kích được thực hiện gần Jakarta vào hôm 16/11/2021, cảnh sát chống khủng bố đã bắt giữ Ahmad Zain An-Najah, một thành viên của hội đồng Hồi giáo Ulema vì tội tài trợ cho nhóm Jemaah Islamiah có liên quan đến tổ chức Hồi giáo Al Qaeda. Nhóm Jemaah Islamiah là thủ phạm của vụ đánh bom khủng bố ở Bali vào năm 2002.

(AFP) – Afghanistan: LHQ cảnh báo khủng hoảng kinh tế có nguy cơ thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Afghanistan Deborah Lyons phát biểu tại Hội đồng Bảo an hôm 17/11/2021 nói rằng tình hình hiện tại ở Afghanistan, được đánh dấu bởi một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, « có nguy cơ làm tăng nguy cơ chủ nghĩa cực đoan », và người dân tại đây còn phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng. 

(AFP) – SpaceX chuẩn bị phóng tàu vũ trụ Starship. Elon Musk cho biết hôm 17/11/2021 rằng tàu vũ trụ Starship, do công ty SpaceX của ông sản xuất và được NASA lựa chọn cho chuyến bay người Mỹ trở lại Mặt trăng, sẽ thực hiện chuyến bay thử đầu tiên vào đầu năm sau. 

(AFP) – Nga đưa tổ chức phi chính phủ bảo vệ cộng đồng LGBT vào danh sách «tác nhân ngoại quốc». Tổ chức LGBT-set, chuyên hỗ trợ cộng đồng người đồng tính ở Nga từ năm 2006, đã bị xếp vào danh sách « tác nhân ngoại quốc » vào tuần trước. Lãnh đạo tổ chức, bà Svetlana Zakharova, ngày 18/11 cho biết “biệt danh” mới này có thể gây khó dễ cho hoạt động của tổ chức và làm mọi người lo sợ, nhưng tổ chức sẽ không từ bỏ hoạt động của mình. 

(RFI) – Đài Loan tranh cãi về cách gọi tên trong khuôn khổ Gay Pride. Tổ chức Interpride, ban tổ chức diễu hành đồng tính quốc tế (Gay Pride) dự kiến diễn ra năm 2025 tại Cao Hùng, Đài Loan, đã gây tranh cãi khi gọi Đài Loan là « vùng ». Vụ này đã gây náo động cộng đồng mạng xã hội Đài Loan. Bộ Ngoại Giao Đài Loan đã liên lạc với Interpride và tố cáo « Trung Quốc đã gây áp lực ».  Cho nên, Interpride vào ngày 16/11 đã sửa lại và chỉ ghi là « Đài Loan » . Đài Loan nơi đầu tiên ở châu Á đăng cai tổ chức Gay Pride. Hòn đảo này đã hợp pháp hóa hôn nhân cho mọi người năm 2019. 

(AFP) – Giá nhiên liệu tăng đẩy lạm phát ở Vương Quốc Anh lên mức báo động. Cơ quan thống kê quốc gia Vương Quốc Anh, thông báo ngày 17/11/2021, tỷ lệ lạm phát đã lên đến 4,2 %, mức cao nhất kể từ 10 năm trở lại đây. Nguyên nhân chính đến từ việc giá nhiên liệu tăng cao. Ngân hàng quốc gia Anh có thể sẽ can thiệp ngay trong tháng tới để bình ổn giá. Các tổ chức phi chính phủ lo ngại giá cả gia tăng sẽ ảnh hưởng trực hiếp đến các hộ khó khăn, khi mùa đông đang cận kề. 

(AFP) – Hoa Kỳ: Phán quyết vô tội cho hai người bị kết tội nhầm trong vụ ám sát Malcolm X. Văn phòng công tố Manhattan thông báo hôm thứ Tư (17/11), sẽ hủy các bản án không có đủ căn cứ cho hai người đàn ông bị kết án vào năm 1966 trong vụ ám sát Malcolm X, một biểu tượng đấu tranh cho quyền công dân Hoa Kỳ, vào năm 1965, ở New York Malcolm. Đó là Muhammad A.Azid, ra tù năm 1985, và Khalil Islam ra tù năm 1987 và qua đời năm 2009. Hai người này đã phải ngồi tù oan gần 20 năm. Theo báo New York Times, FBI và cảnh sát New York đã che dấu các bằng chứng quan trọng, có thể chỉ ra hai người này vô tội ngay tại phiên tòa xét xử của họ . 

(Reuters) – Liệu pháp ngừa Covid-19 mới từ AstraZeneca, có hiệu quả lên đến 6 tháng. Hãng dược phẩm AstraZeneca công bố hôm nay ngày 18/11 các kết quả mới  đáng khích lệ về hiệu quả phương pháp dựa trên kháng thể tổng hợp, được gọi là Evulsheld, có thể có hiệu quả đến 83 % trong việc phòng ngừa covid-19 lên đến 6 tháng, thay vì 3 tháng như đã công bố trước kia. Liệu pháp này là cách kết hợp các bản sao của hai kháng thể thu được từ huyết tương của bệnh nhân đã lành bệnh covid-19. Chỉ cần tiêm một liều, Evulsheld có thể được dùng cho những người đã bị nhiễm bệnh, trong tuần đầu tiên kể từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên, để kích thích khả năng tự miễn dịch của người bệnh.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211118-%C3%A1